Cơ thể lưỡng tính xuất hiện vì một tình yêu cuồng loạn 22. 07. 12 - 2:24 am
Pha Lê
Hermaphroditus là tên ghép từ bố và mẹ, có nghĩa bố của anh này là sứ giả Hermes, còn mẹ là thần sắc đẹp Aphroditus (tên La Mã: Venus). Anh này, theo lời tả, là một vị thần có cánh, búi tóc dài giống phụ nữ, có ngực có eo, nhưng bộ phận sinh dục lại là của đàn ông.
Những ai biết tiếng Anh cũng sẽ đoán ngay được rằng chữ hermaphrodite (bán nam bán nữ) có gốc từ vị thần này. Dĩ nhiên, theo tích Hy Lạp thì bẩm sinh vị thần không bán nam nữ, mà là do “hoàn cảnh đưa đẩy”. Tích đầy đủ nhất và có nhiều tranh vẽ nhất cũng lại là tích do Ovid kể, chuyện xảy ra như sau:
Thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ, Hermaphroditus là một thiếu niên vô cùng đẹp trai. Giống như mọi thiếu niên khác, cậu thích vác cung vào rừng ngao du, săn bắn giải khuây. Ngày nọ, cậu vô tình khám phá ra một con suối rất đẹp, với làn nước trong vắt, khi uống thử thì cậu thấy nước của con suối này cực kỳ tinh khiết, ngọt ngào.
Xui cho Hermaphroditus, con suối này lại là lãnh địa của nàng tiên sông Salmacis. Chị em của nàng này đều theo hầu thần săn bắn Artemis, họ nài nỉ Salmacis nhập hội với mình, nhưng nàng không chịu vì nàng thích ở một mình, hái hoa bắt bướm, ngày ngày tắm rửa, chau chuốt, ngắm nghía bản thân. Ovid nói thêm rằng con sông của nàng rất tinh khiết vì nàng thường xuyên tắm và chải tóc ở đó; Salmacis thậm chí mỗi ngày nàng còn búi tóc một kiểu, rồi soi gương xem kiểu nào đẹp hơn.
Đang yên phận, bỗng dưng Hermaphroditus xuất hiện. Cậu thiếu niên đẹp trai quá khiến Salmacis chao đảo. Mọi người cũng biết rồi, tiên trong tích Hy Lạp không giống tiên bụt nhà mình, họ không hề từ bi hay bẽn lẽn trước trai đẹp. Vừa thấy Hermaphroditus, Salmacis chạy ngay tới và tỏ tình; trong khi đó, Hermaphroditus thấy nàng tiên hùng hổ xông tới thì hãi quá, la hét om sòm và đuổi nàng đi chỗ khác. Salmacis thấy cậu thiếu niên phản ứng dữ dội quá nên gật đầu bỏ đi, có điều nàng không đi đâu xa mà trốn vào trong một… bụi rậm gần đấy. Phần Hermaphroditus, đinh ninh là nàng tiên đã đi rồi, chàng ung dung cởi đồ ra tắm sông.
Làn nước mát, trong vắt của con sông khiến Hermaphroditus cảm thấy rất thoải mái, chàng thư giãn ngâm mình mà không biết rằng chàng đang “trêu ngươi” cô tiên đang nấp ở gần đó. Bình thường Hermaphroditus đã đẹp, lúc cởi truồng chàng lại càng đẹp hơn, với làn da trắng muốt, vạm vỡ, không tì vết. Salmacis chịu không nổi, nàng nhào ra khỏi bụi và ôm chầm lấy Hermaphroditus. Chàng cố vùng vẫy, nhưng “sức phụ nữ” của Salmacis… mạnh quá, vùng vẫy chỉ bằng vô ích.
Giống Hylas, Hermaphroditus mang họa vì vô tình gặp phải một phụ nữ mạnh hơn mình. Salmacis muốn chiếm đoạt Hermaphroditus cho bằng được, nên nàng cầu khẩn các vị thần, mong rằng họ biến “cả 2 thành 1″ để nàng luôn được ở bên cạnh người thương. Cảm động trước tình yêu đầy khí thế của Salmacis, các vị thần đồng ý, thế là cơ thể của nàng tiên hòa vào cơ thể của Hermaphroditus, và chàng trai trở thành một người có thân hình bán nam bán nữ.
Thấy bỗng dưng mình trở thành nửa trai nửa gái, Hermaphroditus ức quá, nguyền rằng bất cứ chàng trai nào tắm hoặc uống nước ở dòng sông này cũng sẽ biến thành người bán nam nữ giống mình. Thành thử thời Hy Lạp cổ, để giải thích trường hợp của những đứa trẻ có cơ thể intersex từ bé, dân chúng cho rằng bố mẹ của chúng múc nước sông Salmacis tắm chúng khi chúng chào đời, hoặc uống nhằm nước sông này khi mang bầu. Còn những ai sinh ra (tưởng) là nam rồi đến lúc dậy thì cơ thể bắt đầu chuyển sang nửa nữ (hoặc ngược lại) sẽ bị vu là do tắm lộn sông của Salmacis.
Đúng là thời xưa khi chưa có khoa học rõ ràng, những cơ thể bán nam nữ đều bị vu oan là do ăn đồ lạ hoặc tắm sông lạ. Truyện Tây Du Kí cũng có đoạn Đường Tăng uống nước sông nên mang bầu giống phụ nữ, rồi truyện tranh Ranma 1/2 cũng có cậu nhóc Ranma biến thành con gái do bị rớt xuống sông thần (chẳng biết nữ họa sĩ Takahashi có nghiên cứu tích về Salmacis trước khi vẽ Ranma không cà?). Nhưng bây giờ chúng ta đã có khoa học tiên tiến rồi, các loại cơ thể và giới tính khác nhau cũng trở thành tự nhiên và không còn là điều bí ẩn nữa, chúng ta nên nhìn nhận sự việc một cách khoa học chứ đừng nên vu tội cho nước cho mây, mọi người nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét