Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

11 thg 4, 2012

Đời Và Nhạc TRỊNH CÔNG SƠN

Email In
Trịnh Công Sơn chánh quán Huế, làng Minh Hương, tổ tiên gốc Trung Hoa. Làng Minh Hương nay sát nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế ngày xưa.
Anh sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Lạc Giao, tỉnh Ðắc Lắc, lớn lên trong một gia đình buôn bán giữa trung tâm thành phố Huế. Nhà đông anh chị em, ba trai năm gái, mà anh là con trưởng. Tuy có thăng trầm, nhưng nói chung là khá giả.
 
Trịnh Công Sơn "Tuổi đá buồn" - Tranh của Bửu Chỉ (Sưu tập Nguyễn Trọng Tạo, 50x80cm - phiên bản duy nhất)

 
Trịnh Công Sơn theo học chương trình Pháp, tại Trung học Pháp tại Huế, đến hết cấp 2. Năm ấy, 1955, cùng lớp có ca sĩ Kim Tước (Giáo sư Decoux, dạy khoa học, thỉnh thoảng mang đàn vĩ cầm vào lớp, đàn đệm cho học sinh hát). Lúc này Trịnh Công Sơn chơi guitare đã hay. Trường giải thể, dời vào Ðà Nẵng, Trịnh Công Sơn có lúc theo học trường Thiên Hựu, Providence ở Huế. Rồi chuyển vào Sài Gòn, học tại trường  Taberd,  hay Jean Jacques Rousseau.. gì đó. Sau đó vào học trường Sư Phạm Quy Nhơn, rồi đi dạy học vài năm tại Lâm Ðồng.


Anh tự học nhạc một mình, và đã kể lại:
“Thưở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitare đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Ðó là những năm 56 – 57 , thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ… Dạo ấy ba tôi đã mất …”
Những câu hỏi người tò mò có thể đặt ra: một người chỉ học trường Pháp, giáo trình Việt ngữ rất hạn chế và lỏng lẻo, khi đặt lời ca, sao có thể sử dụng tiếng Việt điêu luyện đến như thế? Thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn, tham luận, đều xuất sắc. Bạn bè nhận được thư riêng, đều nhớ rằng Sơn chữ đẹp văn hay.
Tự học đàn hát, rồi sáng tác một mình, Trịnh Công Sơn không thuộc một nhóm sáng tác nào, như những người đi trước, như Lê Thương, Hoàng Quý trong nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng, như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước trong nhóm Myosotis tại Hà Nội, nhóm Hoàng Mai Lưu tại Nam Bộ. Cũng như sau này, anh sẽ tự học vẽ một mình.
Câu hỏi tò mò thứ hai: tự học nhạc, rồi từ rất sớm đã lao mình vào đời sống sáng tác và tranh đấu, làm sao anh có thể liên tục sáng tác khoảng 600 ca khúc, phần lớn được yêu chuộng?
Nói rằng Trịnh Công Sơn là thiên tài, cũng dễ thôi. Nhưng trở thành thiên tài trên một đất nước như Việt Nam, được thừa nhận là thiên tài trong một xã hội như Việt Nam – nhất là sau cuộc đổi đời 1975 – thật không đơn giản.
Mục đích của bài này là thử tìm hiểu sự hình thành của thiên tài Trịnh Công Sơn, thử giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn và thử tìm hiểu vị trí của Trịnh Công Sơn trên những trầm luân của đất nước, chủ yếu là khúc quanh 1975.
Chúng tôi cũng muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về sau một số tư liệu rải rác đây đó, e mai đây khó kiếm, khi những than khóc và tung hô đã lắng xuống.
*
Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Ðất Việt, năm 1985: “Ðến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Ði chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác” [1].
Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.
*
Khi đặt câu hỏi: sao một thanh niên, rất trẻ, chỉ học ỏtrường Tây mà sử dụng tiếng Việt tài hoa đến vậy, tôi không có thành kiến – vì bản thân mình cũng chỉ học “trường Tây”- mà để tìm hiểu nguồn sáng tạo trong ngôn ngữ.
Trịnh Công Sơn, có lẽ – đây là giả thuyết dè dặt – không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó, nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải hiểu nghĩa chính xác. Ví dụ bài Tình Sầu:
Tình xa như trời / Tình gần như khói mây /
Tình trầm như bóng cây / Tình reo vui trong nắng /
Tình buồn làm cơn say
… Cuộc tình lên cao vút / Như chim mỏi cánh rồi /
Như chim xa lìa bầy / Như chim bỏ đường bay /
Mạch lạc nội tại (cohérence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan ý nghĩa: “tình như trời xa” thì hợp lý, nhưng gần, sao lại như “khói mây”? “Tình lên cao vút”, sao lại “như chim mỏi cánh rồi”? “Tình reo vui trong nắng”, thì phải đối ngẫu với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại say sưa vào đây?
Thật ra, mạch lạc nội tại được cấu trúc trên hình thức ngôn ngữ: những từ lặp lại: tình, chim, như, những vần luyến láy: mây, cây, say, bay, những từ đối lập: xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh nối tiếp nhau, không cần ăn khớp với lý luận, lại được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe.
Chúng ta thử so sánh, để tìm hiểu chứ không phân định hơn thua, một lời nhạc tương tợ của Ðoàn Chuẩn:
Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư
Về đây với thu trần gian …
Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée), nhưng ca từ của Ðoàn Chuẩn  được cấu tứ theo ngữ nghĩa và quy ước, theo điển cố: gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu. Nét mới là màu xanh lá thư bị xoá nhoè giữa những ước lệ được liên kết thành một xâu chuỗi kiên cố, chặt chẽ quá làm mất chất thơ. Thêm vào đó là những câu thất ngôn đường luật rất chỉnh chu:
Lá vàng từng cánh / rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm / trên đất xưa
Bài Gửi gió cho mây ngàn bay rất hay, nhưng hay một cách khác, đựơc yêu chuộng ở một giới thính giả khác.
Phạm Duy, thời trẻ, đã có những sáng tạo tân kỳ:
Buồm về dội nắng đôi vai
Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi
Tiếng Ðàn Tôi, 1947
Sau đó, anh trở về với ngôn ngữ duy lý:
Bao giờ em giở lại vườn dâu (hỡi em)
Là một câu thơ tuyệt vời: vườn dâu là niềm thương nhớ muôn trùng một nền văn minh đã khuất bóng. Nhưng Phạm Duy lại bồi thêm câu sau
Ðể anh bắc gỗ xây nhịp cầu (anh) bước sang …
(Quê Nghèo, 1948)
Thì cái ý đã thu hẹp cái tứ. Câu hát trở thành thô thiển, và giới hạn âm vang.
(Tôi đã có dịp trình bày với anh Phạm Duy ý này, anh cười vui: thế à?)
Tác phẩmLê Thươnguyên bác cả nhạc lẫn lời, đã đựơc người đời yêu thích.
Trịnh Công Sơn sẽ không viết được những câu văn vẻ nhưLê Thương:
Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng …
Hòn Vọng Phu
nhưng đã viết:
Ðàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông
(…)
Ðàn bò tìm dòng sông
Nhưng dòng nước cạn khô
Ðàn bò bỗng thấy buồn,
               bỗng thấy buồn …                  
(Du Mục)
Những hình ảnh ngoài trí tưởng tượng của Lê Thương – ông vua đặt lời ca – theo sự đánh giá của Phạm Duy.
Ði vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới, phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước.
[…]
*
Trịnh Công Sơn tự học nhạc, chứ không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Khi bắt đầu sáng tác, được khích lệ, mới “trao đổi nhạc lý với bạn bè”, anh không nói rõ là những ai.
Câu hỏi thứ hai người tò mò đặt ra là: học nhạc một mình, thì vốn liếng nhạc thuật lấy đâu ra mà sáng tác nhiều, nhanh và hay, như thế?
Nhiều người cho là tác phẩm anh đơn giản về mặt nhạc thuật, nói là nghèo nàn cũng được.
Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc, thơ tự nó trào ra” [1].
Lối nhạc hồn nhiên, dung dị này lại đáp ứng lại với yêu cầu thời đại, theo Phạm Duy:
Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại” [1].
Một thính giả bình thường, yêu quý Trịnh Công Sơn, đã viết sau khi anh qua đời: “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta” (Vũ Thư Hiên, Varsovie, 4/2001). Nhận xét chưa chắc đúng nhưng tiêu biểu.
Dù cho rằng nhạc thuật đơn điệu, thì cũng phải thừa nhận tài năng, có phần học tập, có phần thiên phú. Hoa hồng đẹp là do cây hồng, nhưng cũng còn nhờ vào đất đai, phân tro, mưa nắng, người chăm sóc, thậm chí cần cả người ngắm, hoa hồng mới có giá trị cái đẹp hoa hồng. Dù ở đây chỉ là một đoá vô thường.
Ta thử nhớ lại thời đại phát sinh tài năng Trịnh Công Sơn.
Năm anh 15 tuổi, 1954, Hiệp Ðịnh Genốve chia đôi đất nước, cả hai miền Nam Bắc đều hoá thân trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa mới.
Ở miền Nam, văn hoá phương Tây tràn ngập thị trường, nhất định phải ảnh hưởng mạnh mẽ đến tuổi mười lăm.
Sách báo, đĩa nhạc Pháp du nhập ồ ạt vào Việt Nam hằng ngày, giá thực tế rẻ hơn tại Paris nhờ trợ cấp hối đoái, và đây lại là thời kỳ phát minh và phát triển của loại sách bỏ túi và đĩa hát rảnh mịn (microsillon), phát hành rộng rãi, kèm theo những phương tiện truyền thanh mới. Thời trước, tuy Việt Nam là thuộc địa Pháp, nhưng văn chương Pháp chỉ du nhập qua nhà trường, giáo trình dừng lại ở cuối thế kỷ XIX: uyên bác như Xuân Diệu mà không biết Apollinaire. Sau 1954, văn hoá Pháp , và phương Tây , du nhập thẳng vào thị trường. Công chúng đọc Françoise Sagan tại Sài Gòn cùng lúc với Paris. Trên hè phố, nhất là tại các quán cà phê, người ta bàn luận về Malraux, Camus, cả về Faulkner, Gorki, Husserl, Heiddeger.
Nhà văn Bửu Ý, bạn Trịnh Công Sơn – học trước Sơn hai lớp tại Lycée Français Huế – hát Rụng (Les Feuilles Mortes) một lần với Juliette Gréco, hát Ðời hồng tươi (La Vie en Rose) một lần với Edith Piaff, hay Yves Montandá; trong khi Thanh Tâm Tuyền dịch Barbara của Jacques Prévert, đăng trên Sáng Tạo và nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngân nga Barbara. Nguyễn Trần Kiềm, bạn cùng lớp với Sơn, đi cyclo che nắng bằng sách của Sartre.
Người ta thắc mắc về những tên ca khúc Trịnh Công Sơn cầu kỳ như Mưa Hồng, Tuổi Ðá Buồn, trong khi Thanh Tâm Tuyền viết Ðêm Màu Hồng, về sau trở thành phòng trà lừng danh, lại viết thêm Lệ Ðá Xanh, được danh hoạ Ðinh Cường, bạn thân Trịnh Công Sơn, vẽ thành tranh trừu tượng, v…v… .
Song hành với sách báo, các cơ quan văn hoá tây phương mở cửa hoạt động: Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Pháp, Trung Tâmvăn hoá Ðức … dĩ nhiên là với những động cơ chính trị , tuyên truyền, tranh thủ, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chúng tôi không đề cập ở đây, chỉ nhấn mạnh ở ảnh hưởng văn hoá phương Tây thời đó trên đời sống trí thức miền Nam. Những Chiều Chủ Nhật Buồn nằm trong căn gác đìu hiu.. ô hay mình vẫn cô liêu, rồi đến Ngày chủ nhật buồn còn ai, còn ai: … Tuổi buồn Em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ… Không thể không nhắc đến bài Chủ Nhật Buồn, Sombre Dimanche của Seres Rejo, nghe nói đã có người tự tử vì nó. Hay vì những hư vô, cô liêu, hững hờ, thịnh hành một thời. Trong bài viết “Nỗi lòng của tên Tuyệt Vọng” anh đã tiết lộ “tôi vốn thích triết học và vì thế, tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình”. Ví dụ như: “Vết lăn trầm hằn lên phiến đá” mà anh gọi là di thạch: roche errante, người hát không hiểu gì, nhưng vẫn thích hát! Nhưng nói là Rolling Stones cũng không sai.
Ca khúc Trịnh Công Sơn gợi suy tư, đáp ứng lại nhu cầu trí thức chính đáng ở một thiểu số và ảo tưởng trí thức thời thượng ở một đa số, trong đó có các cô cậu, ở mục Tìm Bạn Bốn Phương trên các báo, tự giới thiệu là “yêu màu tím và nhạc họ Trịnh” hay “nhạc TCS” viết tắt.
Thời kỳ này, Nguyễn văn Trung đã viết bài ảo ảnh Thanh Thuý. Nếu nói về “ảo ảnh Trịnh Công Sơn”, ông ấy cũng có thể viết một bài hay.
Nhạc Trịnh Công Sơn đơn giản: một đặc điểm tạo dựng thành công. Phạm Duy nhận xét về Trịnh Công Sơn “Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này”. Lại là một yêu cầu khác của thời đại: những Georges Brassens, Joan Baez lẫy lừng với cây đàn ghi-ta. Ca khúc Trịnh Công Sơn, có thể hát cho vài người nghe, cho một nhóm, hay trước quảng đại quần chúng. Nó đi vào quần chúng, nhất là giới thanh niên: Nó khác với nhạc phòng trà, có giàn nhạc và do ca sĩ hát, và thính giả đi nghe (và nhìn) ca sĩ nhiều hơn là nghe ca khúc.
Thời Trịnh Công Sơn cũng là thời của các tác-gia-soạn-giả-trình-diễn (auteur compositeur interprète) chẳng bao năm mà trở thành huyền thoại: Jacques Brel, Bob Dylan. Báo chí Mỹ gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan Việt Nam, vì nội dung phản chiến, mà còn vì phong cách trình diễn.
Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc giao hưởng. Những soạn giả bậc thầy của nhạc lý Việt Nam thời đó, như Vũ Thành, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi không có quần chúng.
Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại, sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại, gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.
*
Phân chất những lớp phù sa đã tấp vào dòng nhạc của mình qua những giao lưu văn hoá, Trịnh Công Sơn có nói đến những ảnh hưởng ngoại lai: “Thưở nhỏ tôi rất thích nhạc tiền chiến và có nghe một số nhạc nước ngoài.”Những năm 60, tôi có nghe nhạc Blues nói về thân phận của người da đen ở Mỹ. Tôi rất thích nhạc của Louis Amstrong, D. Ellington… Tôi thấy loại nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình”. [1]
Và cũng trên số báo Ðất Việt đó, anh cho biết thêm về ảnh hưởng. Những năm 64-66, sáng tác có chất Blues, những năm 67-72, lại mang nhiều chất dân ca.
“Chất dân ca” ở đây, phải hiểu theo nghĩa folk songs của Bob Dylan và Joan Baez thịnh hành thời đó. Cả hai danh ca đều hơn Sơn hai tuổi, cùng một thế hệ, cùng một lý tưởng chống chiến tranh, cùng một cây ghi-ta, cùng một điệu hát. “Dân ca” ở đây không phải là hò mái nhì, hò giã gạo của quê hương. Nhạc dân tộc trong thời gian đầu, dường như không mấy ảnh hưởng đến anh. Những bài theo chủ đề ru con của Trịnh Công Sơn không mấy âm hưởng những bài hát ru em Việt Nam.
Sau này, thỉnh thoảng người nghe có nhận ra chút âm hưởng hò Huế, như trong Thuở Bống là Người, hay điệu ru dân tộc, như Lời Mẹ ru Con thì cũng chỉ là đôi biệt lệ, không tiêu biểu.
Gần đây, sách báo thường trích dẫn câu Trịnh Công Sơn:
Tôi chỉ là tên hát rong, đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”
Lại phải hiểu chữ “hát rong” theo nghĩa hiện đại: không phải là ông sẩm chợ, hát vè Thất Thủ Kinh Ðô ở phố Ðông Ba mà Huy Cận đã mô tả, mà hình ảnh người du ca hiện đại, những baladins itinérants trong ca khúc Bob Dylan, trong quan niệm Nhạc Du Bất Tận, Never Ending Tour (1988). Nhà thơ Tô Thùy Yên, chuộng thuyết chính danh, nên đã nói rõ điều này và gọi Trịnh Công Sơn là “người du ca chính hiệu”:
“Người du ca” là một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn là một nhạc sĩ.
Người du ca thường khi xuất hiện và nổi bật trong những thời đại được coi là u uất nhiễu nhương, những thời đại mà tiếng nói con người bị lấn át, tự do con người bị cưỡng chế, giá trị con người bị hạ thấp, hạnh phúc con người bị tước đoạt và ước vọng con người bị bao vây.
Thành thử những tác phẩm du ca có thể là những tác phẩm yếu hơi, dễ dãi, sơ sài, những tác phẩm thành hình trong một thoáng cảm hứng nhất thời, những tác phẩm như những ký tự ghi chép vội vàng trên một trang giấy tình cờ, và thả bay ngay theo thời thế” ( Tô Thùy Yên) .
Trong Cõi Tạm, ăn xổi ở thì này, nơi con người chôm liền chộp lẹ mọi cơ hội để mua lẻ và mua rẻ chút hư danh, có người còn viết được những lời như vậy, là nghiêm túc và tâm huyết. Nhất là viết cho một người vừa khác phe, vừa khác phái.
Văn Cao cũng là một người sành chữ nghĩa. Trong câu chuyện thân mật, anh thường nói Sơn là một troubadour (kẻ hát rong) có tài. Nhưng khi viết về Trịnh công Sơn, anh dùng chữ chantre, trang trọng hơn, trong nghĩa “kẻ ngợi ca” bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, và biết đau đến tận cùng những nỗi đau của Tổ Quốc Mẹ hiền”. Troubadour hát nhạc mua vui cho trần thế, chantre hát những Lời Buồn Thánh. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn cũng chỉ tự xưng là troubadour, như tên đặt cho phòng tranh anh triển lãm chung với Ðinh Cường, Bửu Chỉ tại Gallery Tự Do, tháng 8/2000.
Năm 1969, bạn anh, họa sĩ Trịnh Cung, đã vẽ bức tranh đẹp, tên là Le troubadour = Kẻ du ca, để kêu gọi hoà bình. Những chuyện này đều tương quan với nhau.
Khi Phạm Duy gọi ca khúc Trịnh Công Sơn là những ballades, không cùng một nguồn gốc với chữ baladin, cũng là có ý trang trọng.
Các vị ấy tài cao, ý sâu mà lòng thì rộng rãi; cho nên lời cũng khoáng đạt.
*
Hôm qua trăng sáng lờ mờ
Em đi tát nước, tình cờ gặp Anh
Người con gái Việt Nam da vàng, ngày xưa, đã hát như thế trong ca dao, là để che dấu khát vọng tình yêu, chứ trong đời sống nông thôn thời ấy, làm gì có cái tình cờ.

Ðời sống thế giới hiện nay, nghĩ cho cùng, cũng vậy thôi. Những giai điệu blues, nhạc phản kháng Bob Dylan, Joan Baez, thơ Prévert, Aragon, Eluard … Trịnh công Sơn đã gặp gỡ, trên dòng nhạc, dòng thơ, dòng tâm tư. Và dòng lịch sử, dân tộc và thế giới. Trong cao trào lớn của loài người, giữa lòng thế kỷ hai mươi: cao trào giải phóng dân tộc, chủng tộc và giai cấp. Ðừng quên việc giải phóng phụ nữá: người phụ nữ Pháp đã đi phá ngục Bastille từ 1789, mãi đến 1946 mới có quyền đầu phiếu.
Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi: sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của nhà thơÝ Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Ðêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt.
Ðan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Ðan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn, rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ … ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Ðứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao… Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ.
Người đàn bà trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu, thậm chí với tình dục. Nhạc Trịnh Công Sơn không nói đến tình dục, vì nói đến … làm gì?
Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Ðò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải … đi lấy chồng: hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ: Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt… Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ … Và, ở một chân trời khác, họ cũng không phải ba đảm đang, ba sẵn sàng, làm Người Mẹ Cầm Súng, xung phong đi gỡ mìn ở Ngã Ba Ðồng Lộc
Sau 1975, khi “Em ở Nông trường, em ra Biên giới” thì người nghe có cảm giác cô Tấm đã trở thành cô Cám, và Trịnh Công Sơn sẽ gào gọi Bống hỡi Bống hời, cô Tấm thỉnh thoảng có tái hiện, nhưng cũng đã tân trang nhiều lắm.
Trong xã hội Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa chắc gì người phụ nữ đã được giải phóng, và tôn trọng đúng mức. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, họ được giải phóng và tôn trọng. Tôn trọng người đàn bà, không phải là tán tỉnh, Trịnh Công Sơn, rất hồn nhiên đã hiểu ra và nói vào điều đó.
*
[…]
5.- Chứng từ cho giá trị một tác phẩm nghệ thuật, là khả năng kết hợp rộng rãi và lâu dài của nó. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát rộng rãi ở Miền Nam trước 1975, chúng ta đã biết. Nhưng trước 1975, Miền Bắc đã nghe và đã thích nhạc này, như Văn Cao đã kể lại. Nguyễn Duy kể thêm rằng ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã nghe:
“Mặt trận Ðường Chín-Nam Lào (1971)… trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng… Nghe, nghe trộm – vâng, lúc đó gọi là nghe trộm – đài Sài Gòn, tình cờ ‘gặp’ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly… Diễm Xưa… Mưa vẫn mưa rơi … làm sao em biết bia đá không đau … Quỷ thật! giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên ‘ghim’ lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như Cánh Vạc Bay… Quái thật! … Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối ấy… ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy… nhưng còn là cái gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái Ðẹp… Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao… Và cũng hơi ma quái thế nào …” [1]
Người ác ý có thể ngờ vực: Nguyễn Duy là nhà báo có quyền nghe đài, sau này là bạn rượu của Trịnh Công Sơn, nên thêm thắt. Thì đây, một chứng từ khác đến từ một anh bộ đội, không quen biết gì, không điếu đóm gì với Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn văn Thọ, hiện ở Berlin:
Năm 1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rất tốt.
Ðêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Ðấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn.
Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hoà bình.
Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hoà bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó”.
Quý hoá hơn nữa, anh Thọ đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hát Nối Vòng Tay Lớn, buổi trưa ngày 30/4/1975, trên đài Sài Gòn:
Mặt đất bao laanh em ta về … gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng …
Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.
Chúng tôi tiến vào Sài Gòn…
Nối Vòng Tay Lớn
Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc thường dễ nổi cáu và nổi đoá.
Ðấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh.”
Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao?
Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó?
Sau này, Thọ sang sinh sống tại Ðức, theo diện xuất khẩu lao động, vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn:
Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát ‘Tôi ơi đừng tuyệt vọng’… và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó” [1]
[…]
Orléans, 14.04.2001, đọc lại, bổ sung 30- 3.2012

Không có nhận xét nào: