11. 5: Sinh nhật Jean-Léon Gérôme – vẽ đẹp, vẽ nhiều, thành công, nhưng vẫn muốn ra đi
Phạm Phong tổng hợp và dịch
11. 5 là ngày sinh của danh họa, điêu khắc gia người Pháp Jean-Léon Gérôme (11. 5. 1824 – 10. 1. 1904). Ông là người theo trường phái Hàn lâm (Academicism). Tranh của ông trải từ đề tài lịch sử, tới thần thoại Hy Lạp, phương Đông, chân dung… Ông được coi là một trong những họa sĩ quan trọng nhất của trường phái này. Ngoài ra ông còn là một người thầy với danh sách môn đệ dài dằng dặc.
Jean-Léon Gérôme là người đi nhiều, học nhiều, vẽ nhiều, được nhiều giải thưởng, được vinh danh nhiều, là khách mời thường xuyên của triều đình. Nói chung, ông có một cuộc đời làm nghề mỹ mãn. Ông cũng từng trượt giải Priz de Rome mà ai thời đó cũng mơ ước, nhưng đó là động lực để ông luyện tay nghề nhiều hơn, và thành công đầu tiên là bức “Chọi Gà” (The Cockfight – 1846), vẽ một chàng thanh niên khỏa thân cạnh một cô gái quấn vải sơ sài đang cho chọi gà trong khoảng sân sau của Bay of Naples. Bức này được coi là tiêu biểu của phong trào Neo-Grec và được nhà phê bình Pháp nhiều ảnh hưởng là Théophile Gautier ca ngợi hết lời.
Nhưng nhắc tới ông, người ta hay nói tới chuyện giai đoạn cuối đời, ông căm ghét trường phái Ấn tượng. Nhiều người khi đó xoáy sâu vào, nghĩ ông phản ứng là do ông sợ bị lỗi thời. Nhưng không phải vậy, khi Manet triển lãm năm 1884, ông vẫn đến xem và thừa nhận “không tệ như tôi tưởng”. Có thể coi đó là một lời khen. (Về Jean Léon Gérôme mà kỹ hơn, các bạn có thể đọc bài viết này.)
Sau một quãng đời dài nhiều trải nghiệm, vào ngày 31. 12. 1903, Gérôme viết cho học trò mà cũng là cựu trợ lý Aublet, “Tôi bắt đầu thấy đời thế là đủ. Tôi đã thấy quá nhiều bất hạnh và đau thương trong đời người khác. Tôi sẽ còn thấy thế mỗi ngày. Và tôi chỉ mong thoát khỏi sân khấu này.”
Ông chỉ sống được thêm có 10 ngày sau bức thư ấy, mặc dù ông vẫn lên một kế hoạch đi chơi Monte Carlo. Ngày 9. 1 của ông vẫn dày đặc lịch ăn sáng, trưa, chiều với bạn bè. Tuy nhiên sáng hôm sau, người giúp việc thấy ông đã chết trong một căn phòng nhỏ cạnh xưởng ông, sóng soài trước một bức chân dung của Rembrandt và ngay dưới chân bức The Truth của chính ông.
Lúc còn sống, Jean Léon Gérôme chỉ muốn có một lễ chôn cất đơn giản, không có hoa. Nhưng lễ cầu hồn ông đã có mặt cựu Tổng thống của nước cộng hòa, hầu hết các chính trị gia nổi bật, rất nhiều họa sĩ, nhà văn. Ông được chôn ở nghĩa trang Montmartre, ngay trước bức tượng “Sorrow” (Nỗi buồn) mà ông đã làm cho con trai Jean, mất năm 1891.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét