Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

27 thg 4, 2014

MARQUEZ và HEMINGWAY

MARQUEZChân dung một con người vĩ đại sẽ càng nổi bật khi ta tìm hiểu quan hệ của người đó với những người vĩ đại khác. Gabriel Garcia Marquez (Colombia, 6.3.1927 – 17.4.2014) và Ernest Hemingway (Hoa Kỳ, 21.6.1899 – 2.6.1961) là hai nhà văn lớn bậc nhất của châu Mỹ ở thế kỷ XX. Hai ông vừa có nhiều nét tương đồng, vừa có những nét rất khác biệt. Nhân sự kiện Gabriel Garcia Marquez vừa qua đời, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về mối liên hệ giữa hai con người vĩ đại này.

Cả G. Marquez và E. Hemingway đều thành công vang dội trong Văn Học và kinh doanh. Cả hai đều sớm nổi tiếng và đều bắt đầu từ nghề báo. Cả hai đều đi khắp châu Âu khi còn làm báo, và đều có những truyện ngắn và bài viết về Paris, Barcelona, Madrid, Havana, Mexico City. Cả hai đều yêu Tây Ban Nha và Cuba, có thiện cảm với cách mạng Cuba do anh em Castro lãnh đạo. Cả hai đều nhận giải Nobel ở tuổi 55. Cả hai đều là đại diện tiêu biểu của nền Văn Học đã sinh ra mình. Và cũng chính vì vậy, phong cách sáng tác của họ rất khác nhau, bởi hai nền Văn Học mà họ đại diện cũng rất khác nhau. Hemingway Đại diện cho nền Văn Học của cá nhân. Ông đi sâu vào cá tính, sự đơn độc, cách biệt,… Văn của G. Marquez mô tả con người trong một xã hội Mỹ Latin sôi động với những dòng chảy tập thể, những ước mơ chung, tình cảm chung, bất hạnh chung và thắng lợi chung.
Tuy nhiên, chính G. Marquez từng thừa nhận rằng trong thời gian đầu phong cách viết truyện ngắn của ông đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ E. Hemingway. Các nhà phê bình  Jacques Gilard và George R. McMurray còn khẳng định “Relato de un Naufrago” (Chuyện về một thủy thủ bị hất khỏi tàu) của G. Marquez ít nhất là được tạo cảm hứng từ “The old man and the Sea” (Ông già và biển cả) của E. Hemingway. Chúng ta hãy nói qua về “Relato de un Naufrago”.
Năm 1955, G. Marquez gửi đăng trên 14 số liên tiếp của báo El Expectador ở Bogota câu chuyện về Luis Alejandro Velasco, một thủy thủ trên tàu khu trục Caldas của Colombia. Tác phẩm có cái tên đầy đủ rất dài: “Câu chuyện về một thủy thủy bị hất khỏi tàu, sau đó bị trôi dạt 10 ngày không đồ ăn, nước uống, được phong là anh hùng dân tộc, được các hoa hậu ôm hôn, trở nên giàu có nhờ công chúng, sau đó bị chính phủ hắt hủi và bị quên vĩnh viễn”. Diễn biến câu chuyện như sau.
Tháng 2 năm 1955, sau nhiều tháng sửa chữa trên đất Hoa Kỳ, tàu khu trục Caldas quay trở về Colombia. Khi tàu về đến nơi thì người ta thấy bị thiếu 8 thủy thủ, trong đó có Velasco. Những người còn lại trên tàu kể rằng họ đã gặp bão, và 8 người kia bị sóng gió hất khỏi boong tàu.
Thế nhưng Velasco đã không chết trên biển. Sau 10 ngày trôi giạt không đồ ăn thức uống trên một cái mảng, chàng thanh niên 20 tuổi này đã giạt vào bờ. Lúc đó anh chỉ còn thoi thóp thở. Anh kể lại rằng anh và 7 người bị hất xuống biển không phải vì bão, mà bởi chính đồng đội, khi trên tàu chất đầy hàng lậu, và tàu có nguy cơ bị chìm.  
Vì câu chuyện này, tờ báo đã được công chúng săn tìm nhiều đến mức tòa báo phải cho in lại nó trong những đặc san với lượng ấn phẩm lớn gấp hai-ba lần so với các số báo bình thường. Để minh họa, tòa soạn cũng cho in kèm ảnh những thủy thủ còn lại chụp trên tàu, với cả những kiện hàng lậu có nhãn trên boong.
Câu chuyện đã làm mất mặt bộ tư lệnh hải quân và chính phủ của nhà độc tài Gustavo Rojas Pinilla. Mặc dù nó được ký tên Velasco, nhưng chính G. Marquez cùng với tòa soạn đã chịu nhiều điều phiền phức vì câu chuyện.
Câu chuyện về Velasco là có thật. Tuy nhiên, những chi tiết về diễn biến của quá trình trôi dạt được G. Marquez hư cấu thì có nhiều nét gợi cho người ta nhớ đến Ông Già và Biển Cả của E. Hemingway, câu chuyện về một ông già đi câu vật lộn với con cá marlin khổng lồ mấy ngày trời trên biển, để rồi cuối cùng quay trở lại bờ với bộ xương của con marlin được làm sạch nhẵn bởi hàm răng cá mập. Jacques Gilard cho rằng G. Marquez đã viết “Relato de un Naufrago” để thi thố với E. Hemingway về khả năng tưởng tượng và miêu tả.  
HEMINGWAYMặc dù kính trọng và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi E. Hemingway, G. Marquez chỉ thoáng gặp ông đúng một lần kéo dài trong mấy giây. Về lần gặp đó, G. Marquez kể:
“Tôi ngay lập tức nhận ra ông đang đi cùng bà vợ là Mary Welsh trên đại lộ St. Michel ở Paris trong một ngày xuân ướt át của năm 1957. Ông đi bên phía đường đối diện, về phía vườn hoa Luxembourg, vận quần cao bồi đã cũ, áo kẻ sọc, mũ lưỡi trai. Thứ duy nhất có vẻ không ăn nhập với con người ông là cặp kính gọng kim loại, nhỏ và tròn, tạo cho ông vẻ già quá sớm. Khi đó ông gần 60, người to đậm, nhưng không gây ấn tượng về một thứ sức mạnh dữ dội mà chắc chắn ông muốn có, vì xương chậu hẹp và cặp giò khẳng khiu xỏ trong đôi giày thợ rừng. Nhìn ông loạt bát bên những quầy bán sách cũ và dòng người trẻ trung đi ra từ đại học Sorbonne, đến mức không thể hình dung ông chỉ còn sống được 4 năm nữa.
Trong không đến một giây, như vẫn thường xảy ra, tôi thấy mình lưỡng lự giữa hai ý định. Tôi không biết nên xin phỏng vấn ông hay đi qua đường để thể hiện sự ngưỡng mộ vụng về trước ông. Tôi thực sự gặp phải tình huống bất ngờ. Hồi đó, tôi nói tiếng Anh khá tồi, và bây giờ vẫn còn tồi, và cũng không dám tin chắc về trình độ tiếng Tây Ban Nha của người đấu bò như ông. Và thế là tôi chẳng làm điều gì trong hai điều có thể làm khi đó. Thay vào đó, tôi khum hai bàn tay trên miệng, như Tarzan trong rừng, và la lên từ bên này đường: “Maaaeeestro!” (Maestro; tiếng Tây Ban Nha: Thầy ơi!) Ernest Hemingway hiểu ngay rằng giữa đám sinh viên kia không có ai là thầy, và ông quay sang, kêu lên bằng tiếng vùng Castile với giọng đặc con nít: “Adiooos, amigo!’” (Tạm biệt anh bạn!) Đó là lần duy nhất tôi gặp ông.
MICHAEL  LANG  sưu tầm

Không có nhận xét nào: