Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

11 thg 8, 2017

"Diễm Xưa" Của Trịnh Công Sơn

Người con gái, như là một huyền thoại, đã theo suốt cuộc hành trình tri thức của người nhạc sĩ tài hoa họ TRỊNH, hôm nay, sau 50 năm, lại trở về bằng xương bằng thịt. Cuộc hội ngộ với " Diễm Xưa", đã ít nhiều vén màn cho một huyền thoại, huyền thoại âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Kiều Giang xin mời các bạn đọc bài ghi sau đây về cuộc hội ngộ ấy do anh PHAN NGUYÊN LUÂN thực hiện.
"..ta mang cho em một chút tình..."
“Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện :
– Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhân vật “bí ẩn” đã đi vào huyền thoại trong sáng tác “Diễm xưa” của chàng thi sĩ họ Trịnh, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.


Xuất phát cho ý tưởng độc đáo này là giáo sư Thái Kim Lan, hiện đang công tác tại CHLB Đức. Qua lời mời của cô Lan, Ngô Thị Bích Diễm (Diễm) đã đồng ý về Huế gặp gỡ một buổi duy nhất với công chúng. Tuy nhiên khách được mời hạn chế qua điện thoại, chỉ những người thân quen, một thời gắn bó với Trịnh.
Cuộc gặp gỡ quá đặc biệt không được thông báo trước đã diễn ra tại trung tâm văn hóa Liễu Quán, TP Huế, tối 12/3 vừa qua.
“Sau khi Trịnh Công Sơn mất, Diễm đã trở thành một huyền thoại. Từ đó đến giờ, rất ít ai biết hình bóng cô Diễm trong tuyệt phẩm Diễm xưa là ai. Hôm nay, sự im lặng đó được phá vỡ”, Thái Kim Lan tâm sự.
Bà Diễm tâm sự những điều chưa nói đã quá lâu. Kể từ khi Trịnh Công Sơn mất, bà hoàn toàn im lặng với quá khứ.
Nhà văn hóa Huế, giáo sư Bửu Ý, đã kể lại một câu chuyện tình về Sơn và Diễm. “Ngày xưa, cây cầu Phủ Cam tuy ngắn nhưng đầy duyên nợ. Trịnh Công Sơn ở căn gác tầng 2, số nhà 11/03 đường Nguyễn Trường Tộ. Hàng ngày, chàng cứ đứng lấp ló sau cây cột, lén nhìn một người đẹp. Nàng đi bộ từ bên kia sông, qua cầu Phủ Cam, dạo gót hồng dưới hàng long não, ngang qua chỗ Sơn ở là chàng cứ sướng ran cả người. Một tình yêu “hương hoa” kéo dài cho đến cuối đời chàng. Sau này, mỗi một mối tình tiếp theo của Sơn đều có hình ảnh cô gái đó. Tên cô là Diễm, người đã tạo cảm xúc cho Sơn sáng tác vô số bản tình ca bất hủ”, lời kể của giáo sư Bửu Ý.
Tao ngộ Huế sau bao nhiêu năm “ẩn giấu”, bà vẫn mặc một áo dài Huế xưa, chân đi hài. Nét mặt hiền, nhân ái và hay cười nhẹ. Độ tuổi 60 vẫn không làm mất đi nhan sắc thuở nào của “Diễm”. Sự có mặt của Diễm đã làm thỏa lòng toàn bộ mọi người có mặt trong khán phòng.
Một chất giọng Bắc xưa nhè nhẹ cất lên, Bích Diễm đã thổ lộ cùng khán giả “Huế đối với tôi thật bình yên. Trong Huế có một tình yêu. Từ lâu tôi đã giữ im lặng. Quá nhiều kỷ niệm từ thời thơ ấu tại Huế. Dù đi xa đã lâu nhưng tôi vẫn yêu nơi đây như ngày ban đầu. Trong con người quý nhất là tình cảm. Anh Sơn đã lồng hết những cung bậc đó vào nhạc. Xin cảm ơn anh Sơn, cảm ơn Huế vì sự đón tiếp nồng hậu”. Những câu nói bị ngắt ý giữa chừng vì xúc động của bà đã làm không ít người đồng điệu rơi nước mắt.
Trên nền guitar và piano sâu lắng, nhiều người bạn đã hát tặng “Diễm xưa” những ca khúc tên tuổi của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, mà trong đó không thể thiếu ca khúc Diễm xưa.
Gặp “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn.
Lần đầu tiên sau hơn 50 năm, người yêu, đồng thời là nhân vật trong bài hát “Diễm xưa” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã “lộ diện” và công khai chuyện tình cảm của mình với cố nhạc sĩ tài hoa.
Tối 12-3, tại Trung tâm Văn hoá Liễu Quán, thành phố Huế, TS Triết học Thái Kim Lan, Việt kiều Đức cùng một nhóm bạn “Huế xưa” đã bất ngờ tổ chức một đêm nhạc Trịnh Công Sơn theo kiểu ngẫu hứng.
Điều bất ngờ gây háo hức và tò mò nhất của đêm nhạc này là sự xuất hiện của nhân vật “Diễm”, người yêu, đồng thời là nhân vật trong bài hát “Diễm xưa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Không chỉ là những người trẻ yêu nhạc trịnh của thế hệ 7X, 8X, 9X…, mà ngay cả với rất nhiều người cùng thời, thậm chí là có quen biết, giao du qua lại với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con gái trong “Diễm xưa” vẫn đã, đang là một huyền thoại sương khói.
Bởi vậy, sự xuất hiện và công khai chuyện tình cảm của mình với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên sau hơn 50 năm im lặng của một “Diễm xưa” bằng xương bằng thịt, đã mang đến những cảm xúc rất đặc biệt đối với gần 100 người, phần lớn là trí thức Huế có mặt trong đêm nhạc.
Sinh thời, hơn một lần cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự bạch về “Diễm xưa” như thế này: “ Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Trường Đại học Văn khoa ở Huế…. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường. Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận. … .Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là”Diễm của những ngày xưa”.
“Diễm xưa” tên thật là Ngô Thị Bích Diễm, con gái của ông Ngô Đốc Kh , người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. “Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng lớn lên ở Huế, trưởng thành ở TP.Hồ Chí Minh, sau đó đi du học nước ngoài và bây giờ cùng chồng và các con sống, định cư ở Mỹ”, bà Diễm cho biết.
Theo hồi ức của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhiều người cùng thời với bà có mặt tại đêm nhạc thì bà Bích Diễm , thời là người yêu của Trịnh Công Sơn rất giống bố, người gầy và dong dỏ ng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng…. Qua thời gian, “Diễm xưa” bây giờ đã là một mệnh phụ, tuy nhiên khuôn mặt, dáng người, phong thái…vẫn còn lưu dấu những nét đẹp kiêu sa, đài các một thời.
Tại buổi nhạc, vì là lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng, bà Diễm đã rất xúc động và lúng túng. Bà kể điều được điều mất đại ý: Bà quen biết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua hoạ sĩ Đinh Cường, thời ấy (khoảng những năm 1960) là một học trò Pháp văn của cha bà. Nhà bà ở 46 đường Phan Chu Trinh, bên kia sông An Cựu, đối diện với nhà cũ của Trịnh Công Sơn ở đường Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế.
Trong thời gian hai người quen biết nhau, có lần bà tặng cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn một nhánh Hoàng lan đầy hoa rất lớn bẻ từ nhà bà, và điều này đã trở thành một “cú sốc” tình cảm lớn đối với nhạc sĩ, theo như lời kể lại của em gái nhạc sĩ với bà sau này….
Nhà văn, GS Bửu Ý, một người bạn thân của nhạc sĩ phát biểu tại đêm nhạc: “Sinh thời, Trịnh Công Sơn có đến hơn…23 người tình. Tuy nhiên, do mối tình đầu với bà Bích Diễm quá sâu nặng cho nên những mối tình sau này, thật ra Trịnh Công Sơn chỉ là đi tìm hình bóng của bà Diễm trước đó mà thôi”.
“Diễm xưa” hoài niệm.
Trở về Huế để làm từ thiện, thăm lại bạn bè và được sống trong hoài niệm, cô nữ sinh Trường Đồng Khánh – người con gái tạo cảm hứng cho nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác ca khúc Diễm xưa – Ngô Bích Diễm đã hồi tưởng về ngày xưa
. Phóng viên: Chị và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen nhau trong hoàn cảnh nào?
– Bà Ngô Bích Diễm: Sơn quen tôi qua hoạ sĩ Đinh Cường. Hai người là bạn thân của nhau. Ngày đó, anh Cường thuê nhà trọ ngay trong con hẻm nhà tôi. Có vài lần qua nhà tôi chơi, anh Sơn rủ Đinh Cường đi cùng. Nhà anh Sơn ở không xa nhà tôi.
Anh Sơn ở số 11/3, đường Nguyễn Trường Tộ, tôi ở nhà 46 (cũ) đường Phan Chu Trinh. Từ nhà anh Sơn đi qua cầu Phủ Cam, rẽ tay phải đi bộ vài phút là đến nhà tôi. Sơn hay đến nhà tôi chơi. Lúc ấy, nhà tôi có cây dạ lan hương, hoa nở rất thơm.
Anh Sơn rất thích mùi hoa này. Lúc nào đến chơi cũng nhận xét về mùi thơm của hoa. Có lần tôi đã tặng anh một nhành hoa. Sau đó, tôi nghe các em gái của anh nói lại là cành hoa tôi tặng đã làm chấn động tình cảm của anh.
. Vậy có phải Diễm xưa là tình yêu say mê của Trịnh Công Sơn dành cho chị?
– Tình cảm của Sơn dành cho tôi quá đẹp nên lúc nào tôi cũng trong trạng thái mơ hồ. Tôi không dám nhận mình là người con gái trong nhạc phẩm Diễm xưa. Nhưng đó là một mối tình rất đẹp của chúng tôi ngày ấy.
. Chị nghĩ về Trịnh Công Sơn thế nào?
– Anh Sơn như một dòng sông…
. Nghe nói do gia đình chị, cụ thể là ông cụ thân sinh đang là giáo viên Trường Quốc học Huế, không muốn chị thành thân với một nghệ sĩ?
– Tôi sinh ra ở Hà Nội. Năm 1952, gia đình tôi vào Huế nên tôi lớn lên ở Huế trưởng thành ở Sài Gòn. Nhưng đi bất cứ đâu, thậm chí sau này khi tôi đã định cư ở Mỹ, vẫn có nhiều người gặp tôi lần đầu đều hỏi tôi có phải là người Huế không? Vì phong cách, dáng dấp của tôi rất giống người Huế. Có lẽ đó là một trong những điều làm Sơn quý mến tôi. Với tôi, Huế luôn khép kín, bí ẩn, dù đi bất cứ đâu, suốt cả cuộc đời, Huế vẫn luôn ở trong tim tôi.
. Một mối tình thật đẹp, nhưng vì sao hai người không cùng nhau đi hết cuộc đời?
– Năm 1963, lúc 20 tuổi, tôi vào Sài Gòn học đại học, còn Sơn sau đó cũng vào học Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau đó tôi du học ở Mỹ nên không có điều kiện gặp lại anh.
Dịch giả Bửu Ý, bạn thân của Trịnh Công Sơn nói rằng ông mới đếm sơ sơ thì Sơn đã có 23 người đẹp đi qua đời ông. Tất cả đều nói giọng Bắc như chị. Người nào Sơn cũng yêu say mê nhưng vẫn tìm hình bóng của Diễm qua từng người một, Diễm vẫn là niềm cảm hứng để Sơn dâng tặng cho đời những tình ca bất hủ. Chị nghĩ sao về điều này?
– (Nói trong cảm xúc dâng tràn, bà Diễm cười nhưng đôi hàng mi hoen ướt). Hình bóng anh Sơn đã bao trùm lên suốt cuộc đời tôi. Thế là quá đủ rồi!
Còn đó chất Huế
Đêm 12-3, trong khán phòng của Trung tâm Liễu quán, Huế, chật ních khán giả, những người bạn thân thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến để cùng hát nhạc Trịnh, nhớ về người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến hết mình cho âm nhạc Việt Nam.
Và có lẽ còn một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là để gặp lại “Diễm xưa”, người phụ nữ đã tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tình ca bất tử của Trịnh Công Sơn, trong đó có bài Diễm xưa. Bà Diễm từ Mỹ trở lại Huế để làm từ thiện, thăm lại bạn bè và được sống trong hoài niệm.
Bước sang tuổi 67, Diễm vẫn mang vẻ đẹp dịu dàng, đài các của cô gái Huế gần 50 năm về trước. Bà ngồi đó, bên cạnh những người bạn thân của Trịnh Công Sơn như dịch giả Bửu Ý, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân… từng chứng kiến mối tình đẹp của chàng nghệ sĩ lãng tử họ Trịnh và người đẹp nữ sinh Đồng Khánh năm xưa.
PHAN NGUYÊN LUÂN… thực hiện

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

Không có nhận xét nào: