Truyện ngắn Kiều Giang
Ngày xưa có một nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, người làng Đa Đa ta, cái gì cũng cười, vui cũng cười, buồn cũng cười, hay cũng cười, dở cũng cười… Đúng là người làng Đa Đa hồi đó hay cười thật.
Nhưng không hiểu sao, trong mấy mươi năm gần đây, ở làng Đa Đa , đi đâu cũng thấy người ta khóc. Nước mắt cứ như là thứ của làng nước cho không, nên ai muốn khóc thì cứ tha hồ, coi như không mất mát gì.
Người thì vì nhà có đứa con trai, ra chợ nói bậy về cuộc đời thanh liêm của quan, bị cai đội bắt bỏ tù, cũng khóc. Người có mảnh đất, phải tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt, vừa vỡ hoang xong, chưa thu được giạ thóc nào, bị quan lấy để cải thiện cuộc sống khó khăn của quan, cũng khóc. Người thì có mảnh đất chỉ bằng đít con cóc, cùng cả một làng, cất nhà ở từ thời ông cao ông tổ, nay bị quy hoạch, đuổi ra khỏi nhà, lấy đất giao cho các đại gia, là tay chân của các quan, cũng khóc. Thương nhất là cô vợ trẻ của anh chàng thư sinh học lỏm được mấy câu chữ của thánh hiền, được coi như dân có chữ trong làng, lại dại dột, không chịu vào hội đoàn văn chương của làng, mà lại đi gia nhập vào cái đám chữ nghĩa tự do, hay cười vào mặt đám quan mũi mốc quỳ gối khom lưng cúi lòn, để được làm quan, thế là bị kêu án đến 5 năm khổ sai, cũng khóc. Lại có tên thanh niên chẳng có việc gì làm, sống nhờ cơm vợ, thế mà ngứa mồm đi rao rằng sông, núi, biển của Đa Đa đã bị bọn lân bang gặm nhấm dần, cũng bị quan cho ngồi nhà đá đến 3 năm, làm cho người mẹ già đứt ruột, héo gan vì thương con, cũng khóc. Đặc biệt là cái vụ hàng ngàn bà mẹ có những đứa con phơi thây ở đầu làng phía bắc, vì chống lũ quỷ mặt người, nhưng lại bị ông Trưởng làng giấu nhẹm, các bà mẹ nghèo không được cấp cho một bát gạo để cúng con, chút danh xưng liệt sĩ cũng không có, thế là các mẹ rủ nhau ngồi khóc tập thể nơi biên cương mấy tháng liền.
Có người mủi lòng, nghĩ về một thời oanh liệt của cha ông, núi sông vang dội những chiến công, so với nước non hèn yếu bây giờ, đang đứng giữa chợ, tự nhiên cũng bật khóc một cách ngon lành như trẻ con, mà tên giữ chợ lại cho là khóc lãng nhách.
Nhưng nào phải chỉ có con người làng Đa Đa khóc dại khóc dột như thế, mà ngay như biển cả, núi rừng, sông suối, mây trờì, loài chim, loài bướm, loài côn trùng, đang ca hát vui chơi, bỗng lăn ra khóc. Vậy là mọi sinh vật tồn tại ở làng Đa Đa đều dễ mủi lòng?
Một cái làng, bây giờ, việc gì cũng làm cho người ta phải khóc, không ai hiểu vì sao, còn nếu có người hiểu thì lại không ai dám nói.
Dân làng lại thấy rất lạ, đã mấy tháng nay, Người - Viết - Sử -Trên - Đá của làng Đa Đa đã gùi gạo lên ở hẳn trên đỉnh Núi Bà để ghi cho xong trang sử về nước mắt của dân làng Đa Đa lên đá, nhưng cũng không xuể. Những tảng đá trên Núi Bà cũng cạn dần. Ông đành phải đục bỏ bớt những trang sử u buồn nói về thời dân làng Đa Đa đổ máu vì giết chóc lẫn nhau, do mấy cái tên đồ tể quốc tế, giả danh hiền triết, xúi bẩy.
Nhưng một hôm ông trưởng làng lệnh cho Người Viết Sử Trên Đá phải về gặp ông.
Ông trưởng làng mắng: “ Xưa nay những nhà viết sử phải ghi theo ý của lãnh đạo làng. Đồ đệ ta, ai mà chẳng cười vì tự hào về công lao của ta, sao nhà ngươi không chỉ ghi nụ cười, mà lại ghi cả nước mắt của dân làng lên đá làm gì? Dân Đa Đa hay khóc là do cái tính ủy mị của họ mà thôi. Nay nhà ngươi ghi nước mắt của dân làng Đa Đa trên đá Núi Bà, chẳng phải nhà ngươi muốn chống lại ta?”
-“Thưa ông trưởng làng”, nhà Viết Sử Trên Đá nói, “ Tôi là người Viết Sử Trên Đá, tôi không thể ghi khác những gì đã diễn ra trong làng Đa Đa, Ngài bắt tôi phải bỏ những trang sử đầy nước mắt của dân làng hôm nay, là tôi có tội , Đá của Núi Bà mà cũng đã dạy tôi như thế”.
- “ Nhưng thời đại của ta cai trị là thời đại của tự hào chứ không phải là thời đại của nước mắt, sao ông không ghi lên đá những tự hào? Dù thế nào dân làng Đa Đa cũng không được khóc trên những tự hào ấy”.
-“ Thưa ông trưởng làng, Dân làng Đa Đa nói với tôi rằng kẻ nào gây ra nước mắt cho nhân dân, kẻ đó phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, nên phải được ghi vào lịch sử, còn những tự hào của ông là thứ tự hào mang đầy tính hoang tưởng, mang tính tuyên truyền, tô điểm cho cái ghế mục nát, lỗi thời của ông, chứ không phải của chung dân làng Đa Đa, không còn mang tính lịch sử nữa, nên làm sao tôi dám ghi lên đá của núi Bà thiêng liêng được nữa ?”
Mấy hôm sau người ta thấy nhà Viết Sử Trên Đá từ giã làng Đa Đa, trốn lên ở hẳn trên Núi Bà, ông còn cẩn thận ghi lên tảng đá cao nhất, rằng dân làng Đa Đa cứ khóc mãi về cái hiện tại đau buồn và cái tương lai mờ mịt tối tăm mà ông trưởng làng đem lại cho làng Đa Đa, nước mắt của dân làng Đa Đa đã ngập cả lên những tự hào mà ông trưởng làng định viết lên đỉnh Núi Bà.
Ảnh st trên mạng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét