Truyện ngắn Kiều Giang
“Thiên hà ngôn tai?
tứ thời hành yên,
bách vật sinh yên,
thiên hà ngôn tai?”…
Ông Trụ, trưởng làng Đa Đa, từ sáng đến giờ, cứ ngồi lẩm bẩm mãi trong họng, ít ai nghe rõ ông nói gì, nhưng nhìn mặt, hình như ông cố chống lại một cơn sợ hãi đang dày vò. Còn vì sao ông run sợ, thì đó là điều bí mật, không ai biết.
Sở dĩ ông Trụ lõm bõm được đôi câu chữ, vì suốt mười năm, từ lúc ông thành niên, bố ông rước thầy đồ về dạy chữ nho cho ông, phòng sau này hữu sự, thì dùng đến, rốt cuộc, ông cũng chỉ nhớ được mấy từ mà ông cho rằng mông lung đó, như là một thứ định mệnh khắc nghiệt để giúp ông tự an ủi mình về cái bệnh “ngậm” mà ông không thể nào chế ngự được.
Không phải chỉ hôm nay, mà ông thường xuyên lảm nhảm những câu đó, hàm ngụ rằng “Trời có nói gì đâu mà bốn mùa vẫn vận hành không sai lệch , muôn loài vẫn sinh sôi nảy nở xanh tươi, Trời có nói gì đâu ?” , Ông Trụ lẩm bẩm, “trời còn như thế, nên ngẫm như ta, chỉ ngồi trên đầu dân làng Đa Đa, cũng chưa to bằng ông trời thì cần chi phải nói, ta có bị cái bệnh “ngậm” này, cũng phải lẽ thôi, có chi phải buồn”. Ông Trụ tự an ủi.
Cái bệnh rất lạ, miệng ông ngậm câm như hến, ai hỏi gì cũng không nói, ai nói gì cũng không nghe, ai có chửi cha, chửi mẹ, chửi vì cái tội “lú” nhẫy tai, ông cũng chỉ ghi vào cái bộ nhớ dưới mớ tóc đã hoa râm, để đó, chờ cơ hội, chứ không trả lời. Nói bệnh cũng đúng mà nói không bệnh cũng đúng, vì chỉ khi nào tinh thần ông bấn loạn, chân ông run lẩy bẩy thì mồm ông mới ngậm, ngậm cứng như loài hến, dù có dùng xà ben dài cả thước tây, cũng chưa chắc đã cạy ra. Nhưng một điều còn lạ hơn, là mỗi khi có dịp, như lúc bắt nạt kẻ thuộc cấp hoặc múa môi trước dân làng thì ông cũng biết huênh hoang lên tận mấy tầng mây, cái bệnh “ngậm” chết tiệt kia, lại trốn đi đâu mất.
Những người có tuổi trong làng nói rằng ông trưởng làng thuộc loại dốt có cỡ, dốt truyền thống, có gen. Hồi còn nhỏ, bọn trẻ con trong làng hay trêu chọc ông, mỗi khi gọi ông, lại thêm vào sau tên ông một cái đuôi “lú”. Khi nghe bạn bè cùng trang lứa nói vậy, ông cũng chẳng hiểu “lú” là gì, nên cũng chỉ nhe răng cười hề hề, trông rất hiền lành. Dù là dốt đặc cán mai hay cán cuốc gì đó, nhưng nhờ bè đảng của cha ông bỏ tiền ra mua, ông cũng nhảy lên cái ghế trưởng làng, làm vua không ngai, ngồi trên đầu thiên hạ, và cái lý do ông giàu sụ như hiện nay thì đứa trẻ nào trong làng, cũng biết.
Người ta cứ xầm xì, lúc sơ sinh, vào cái tháng tuổi biết bò, ông Trụ thường hay bốc cức của ông ỉa ra, lại ăn vào, mẹ ông nóng tính, đánh ông khóc ngất, nhưng không biết sao, như một số phận trời đã định, chứng nào tật đó, năm đã lên ba, lên năm tuổi, ông vẫn cứ lén bố mẹ làm cái trò bẩn thỉu đó, lâu riết thành ghiền, cho đến bây giờ, mỗi lần cái miệng ông Trụ ngậm cứng, thì làng Đa Đa lại có dịp để người ta chia làm hai phe, bàn tán xì xầm. Có người thì bảo rằng ông là con trời, là quý tử nên chắc chắn ông đang ngậm hạt ngọc, đêm tối, có khi ông mở mồm để phóng uế, người ta thấy ánh sáng từ miệng ông phát ra, mấy bà góa chồng trong làng, vợ của những người chết trận, trẻ có, già có, mê ông, bảo rằng ông đang ngậm sao trời, cả làng lại có dịp nghe như một huyền thoại. Nhưng tên trai cày của nhà ông lại quyết liệt phản bác, bảo rằng sở dĩ miệng ông lóe sáng ban đêm, bỡi vì, do nhiều tiền và ham làm đẹp, hàm răng thật của ông đã bị nhổ sạch và thay vào đó là hàm răng giả mạ vàng mới trồng, hàm răng giả phát quang, còn khi ngậm, cũng là ngậm một thứ quen thuộc… từ thuở lên ba mà thôi, tên trai cày ngại ngùng lấp lửng, nhưng nét mặt lại mang vẻ xác quyết đầy thuyết phục.
Thế rồi, hình như ông trời đã lên tiếng, không còn “hà ngôn tai”, “ngậm” như ông Trụ. Người ta nói rằng ông trời thường giáng tai ương lên cái ngai của những tên hôn quân, chỉ biết vơ vét của dân, ươn hèn độc ác.
Số là, chẳng biết làm sao, trời bỗng đổ lửa xuống làng Đa Đa, núi rừng khô khốc, lửa bốc đầy non, ruộng đồng nức nẻ, sông suối cạn kiệt, cá tôm chết phơi bụng trắng sông, ăn phải cá chết, người cũng chết theo, xóm thôn tiêu điều, liêu xiêu địch họa.
Nghe có địch họa, ông trưởng làng trợn trừng đôi mắt, cái bệnh “ngậm” như hến tái phát dữ dội. Mấy tháng nay ngực đập, chân run, miệng ngậm, ông Trụ chẳng hé nửa lời dù làng đang có khách. Ban lãnh đạo làng Đa Đa quyết định dùng kềm cạy miệng hến của ông ra để đổ thuốc. Nhưng thật bất ngờ, hàm răng ông vừa hé ra, mọi người đều ù ù bỏ chạy. Ông phó làng mặt tái xanh, lẩm bẩm: “ lại là cái món của thuở biết bò”…
SG 4/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét