Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 6, 2022

Mảnh Đạn


Tiểu thuyết ít chữ của Kiều Giang
[Tiếp theo]
4. Thu Sương nằm viện đã được nửa tháng, thiết bị y tế của bệnh viện cũng cạn dần vì phải lấy để chi viện cho chiến trường. Hôm nay, dù người mẹ và đứa bé vẫn còn yếu, nhưng lãnh đạo mới của bệnh viện quyết định cho nàng về. “Bản năng sinh tồn dạy cho ta được nhiều điều”, nàng nghĩ. “Từ nhỏ giờ, đâu có ai dạy mình cách nuôi con, thế mà chỉ cần bác Tư chỉ cho mình đôi động tác, nay thì cũng bớt lóng ngóng rồi”.
Sáng nay, sau khi sắp xếp lại vật dụng trong nhà cho ngăn nắp, phù hợp với một căn nhà có người nằm cữ , bác Tư khóa trái cửa, dẫn chiếc xích lô đã được lợp lại cái mui, đạp thẳng tới bệnh viện. Không hiểu sao, trong lòng bác thấy vui, bác cười thầm, triết lý: “ Bom đạn đôi khi cũng có cái hay, miễn là nó không tàn phá. Nếu như ngày thường, trong cái đêm người thiếu phụ trẻ bỏ trống nhà, trong cơn đau, cho đến trưa hôm sau ta mới về khóa cửa, kẻ trộm đã không tha cho một cái rác nào”.
Quá nửa buổi, bác Tư hớn hở dắt chiếc xích lô lên lề đường, trên xe là mẹ con Thu Sương, thẳng vào căn nhà trong trại gia binh. Bỗng bác khựng lại, vì thật lạ, trên cái ổ khóa lại có dán thêm một tờ giấy, chữ to nguệch ngoạc: “nhà này thuộc diện nhà nước quản lý, không phận sự, cấm vào”. Cuối tờ giấy là con dấu đỏ chót với chữ ký của chủ tịch phường 10, Lâm Văn Thắng.
-“Bây giờ chỉ còn cách bác chạy lên phường gặp cho được ông chủ tịch tên Thắng, trình bày hoàn cảnh bi đát của tôi, may ra ổng thương tình cho người xuống mở cửa”, Thu Sương nói, dáng ủ rũ, ôm con ngồi bệt xuống nền xi-măng, tựa vào cánh cửa, nhìn bác Tư, vẻ mệt mỏi.
Mặt trời gần đứng bóng, một người đàn ông tuổi trung niên trong bộ quân phục xanh lá rừng, đeo bên hông một khẩu K54, đội mũ cối, trông khá oai vệ, gương mặt khắc khổ, cằm hơi lệch bỡi một vết sẹo vừa mới lành da, theo bên là một cậu lính trẻ, vai đeo khẩu AK. Cả hai lặng lẽ tiến về phía sản phụ đang cúi mặt che nắng cho đứa con bọc trong chiếc khăn lông trắng. Sau khi liếc nhìn dò xét, người cán bộ hất hàm hỏi:
-“Này cô gái kia, cô có yêu cầu gì với tôi?”. Người thiếu phụ trẻ giật mình ngẩng lên ngơ ngác nhìn người cán bộ phường, bất ngờ, lạ lẫm. Trong khi đó, người sĩ quan quân quản là chủ tịch phường cũng khựng lại vì cái vẻ đẹp quyến rủ của cô gái “một con” vừa tròn đôi mươi. Hình như cả hai đều trải qua một thoáng suy nghĩ rất ấn tượng mà cũng rất mơ hồ. Cuối cùng cô gái rụt rè đáp:
– “ Thưa cán bộ, đây là nhà của em. Nay em sinh con mới được nửa tháng, nếu nhà bị tịch thu, em bị đuổi, mẹ con em biết đi đâu!”.
-“Chồng và người thân của cô đâu?” ông cán bộ hỏi.
Cô gái rơm rớp, nghẹn ngào:
-“ Chồng em chết trận Dakto cách đây 6 tháng, người thân của em cũng theo dòng người di tản cả rồi, em cận kề ngày sinh nên không đi được”.
Thu Sương tìm cách nói khác đi hoàn cảnh của mình.
-“Chồng cô khi chết, cấp bậc gì trong quân đội ngụy?”.
-“Dạ thưa cán bộ, hạ sĩ”.
Đắn đo một lúc, rồi không biết vì thương cảm hoàn cảnh, hay vì sắc đẹp của thiếu phụ, người sĩ quan trẻ kéo anh lính ra chỗ khác, nói: “Đồng chí xé niêm phong cửa đi, trong hoàn cảnh này, vì lý do nhân đạo, ta chưa thể đuổi cô ta đi được”.
Với lý do là không thể đuổi một sản phụ cùng đứa trẻ sơ sinh ra khỏi nhà khi tiếng đạn bom còn lẩn khuất đâu đó trong cái thành phố đang cạn kiệt từng ngày, người sĩ quan chủ tịch phường trẻ tuổi tuần nào cũng đến thăm và “làm việc” với Thu Sương về nhân thân của cô, vừa ra vẻ thương cảm, ve vãn, vừa đe dọa, kể công.
Thế rồi ngày tháng cũng mặc nhiên đè lên thân phận con người. Một năm trôi qua, ông chủ tịch phường ngày càng đắm đuối vẻ đẹp của Thu Sương, đồng thời cô cũng dần rơi vào cảnh khốn cùng vì chút ít tiền dành dụm đã hết sạch cho việc nuôi con. Khi đôi mắt của người sương phụ càng quầng thâm, buồn sâu thẳm, thì nó cũng càng hốt hồn người thanh niên đã từng lăn mình vào khói lửa chiến tranh gần hai mươi năm mà chưa biết hưởng chút hơi hám của một người đàn bà đài các như nàng. Ông đại úy chủ tịch phường bỗng chơi vơi trong cái hố tình không đáy do chính mình tạo ra. Từ đấy ông đẩy người xích lô già lâu nay vẫn cơm nước hầu hạ người thai phụ non yếu ra khỏi nhà và biệt phái một người lính thân tín đến giúp đỡ Thu Sương. Ông cắt một nửa tem phiếu của mình để nuôi sống mẹ con nàng.
Chuyện ông Thắng “hủ hóa” với vợ “lính ngụy” được ông khéo léo giữ kín như vật trong lu. Việc ông lui tới nhà Thu Sương chỉ diễn ra vào ban đêm và cũng đã có người lính thân tín kia che tiếng cho ông. Sau một năm, ông được thăng chức lên làm phó chủ tịch thị xã, phụ trách nhà đất, nhờ đó ông lại càng có điều kiện để thực hiện ý định chiếm đoạt trái tim và cuộc đời Thu Sương. Nhiều lúc ông thầm nghĩ: “Phải chăng đời mình đã hy sinh quá nhiều cho cuộc cách mạng này, thậm chí trong đầu ta còn mấy mảnh đạn pháo chưa được gắp ra, cuộc sống của ta có thể bị di chứng của chiến tranh cướp đi lúc nào không biết. Hôm nay ông trời ban tặng Thu Sương cho mình thì đó cũng là lẽ công bằng, và tổ chức cũng có thể thông cảm được”.
Thế rồi chuyện gì đến, cũng phải đến. Sau khi tổ chức thôi nôi cho bé Thảo Nguyên, đêm đã khuya, nhưng ông Thắng không chịu ra về. Thu Sương nài nỉ:
-“ Mẹ con em đội ơn anh nhiều lắm. Dù anh không phải là bố đẻ của Thảo Nguyên, nhưng gần một năm nay, nó đã sống dưới sự che chở của anh…”. Cô ngập ngừng:
-“ Em là thân phận gái có chồng, đã trải qua đôi lần rách nát con tim…, còn anh là trai mới lớn, lại có chức quyền, ta gặp nhau trong nỗi trớ trêu của con tạo, em nào có xứng với anh, xin anh suy nghĩ lại. Anh về đi, đừng gây khó cho nhau nữa …”.
Ông Thắng chìm vào nỗi suy tư đầy chất đắng trong đầu: “Ta sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo với mái lá, con trâu, củ khoai và giông bão. Khi miền Nam có truyền hình thì quê ta cũng chỉ nghe tin tức từ những loa phóng thanh gắn trên trụ điện bằng tre cuối xóm. Nhưng hôm nay ta là kẻ chiến thắng, cái xã hội gọi là văn minh kia lại phải trốn chạy. Thế mới hiểu vì sao một dân tộc du mục, sống trong các chiếc lều bằng da thú và trên yên ngựa, cả mùa đông lẫn mùa hè, của nước Mông Cổ lạc hậu đó, lại chinh phục được nửa châu Âu văn minh và san phẳng đế chế của triều đại nhà Minh Trung Hoa. Té ra chân lý của chiến tranh lại rất ngộ nghĩnh. Ông phó chủ tịch quận cười trong bụng vì cái triết lý chiến tranh ngộ nghĩnh của mình. Còn sự nghiệt ngã và sự bừng tỉnh của buổi sáng hôm ấy thì sao? Một sản phụ, vợ của một tên lính ngụy tử trận sao lại có cái vẻ đẹp hút hồn điên dại đến như thế. May mà ta đã khéo che đậy. Nhưng chưa biết bao giờ cái kim trong bọc sẽ lòi ra, và 20 năm lăn vào bom đạn của ta sẽ đổ vào cái hầm cống nào trong cái thành phố cao nguyên này? Tình yêu lãng mạn trong cái xã hội này là một tội lỗi, một thứ sản phẩm của tư duy tư sản băng hoại, phù phiếm. Tình yêu chỉ có trên nương rẫy, trên đồng ruộng, trong nhà máy, trên chiến hào và người đang yêu chỉ có quyền nói, khi họ đang cầm cuốc và cầm súng. Tình yêu làm gì có giữa hai con người ở hai bên chiến tuyến? Ta đã dám tiến lên trước họng súng của kẻ thù, nhưng hôm nay lại phải quỳ gối trước con tim đang thổn thức của mình”. Ông Thắng mỉm cười, vừa chua chát, vừa tự bỡn cợt mình, rồi quay sang Thu Sương:
-“ Có lẽ, hôm nay, anh không nên tiếp tục lừa dối chính mình và với em nữa”.
Ông ngồi sát lại, đưa tay nắm lấy tay người thiếu phụ tuổi mới đôi mươi:
-“Thu Sương ơi, anh đã si mê em ngay từ giây phút đầu gặp em vào cái buổi sáng định mệnh ấy. Hình bóng em cứ quấn chặt lấy anh như một một hình tượng liêu trai, dù có súng đạn cũng khó mà đuổi nó đi. Em đã làm cho anh nhận rõ ra sự phi lý của cuộc đời và nỗi cô đơn cùng cực mà anh đã gánh chịu trong suốt 20 năm, dưới làn bom đạn, cơm vắt và ngủ rừng. Sự xung đột không khoan nhượng giữa quyền uy với sắc đẹp và tình yêu”.
Thu Sương cúi mặt, hai hàng nước mắt bỗng dưng lăn dài xuống đôi gò má ửng hồng non tơ. Một nỗi dày vò xuyên qua trái tim nàng:“Tình yêu không thể là sự đổi chác, ta chưa hề yêu Thắng, ta hiểu rõ trái tim ta. Trong cơn khốn cùng, Thắng đã nhẫn nại bao vây, bắt ta, một sương phụ chưa tới tuổi nửa chừng xuân phải chịu ơn anh. Ta ôm đứa con thơ còn đỏ hỏn trên tay, đời đã buộc ta phải lựa chọn giữa cái sống và chết. Nhưng ta cũng không thể từ chối quá khứ. Hình bóng của Quang luôn hiện về, đêm đêm ôm chặt lấy ta, thơ mộng và kiêu hùng. Quang đã để lại trên thân xác trinh trắng của ta những dấu ấn thật ấm áp dịu dàng, có khi hừng hực lửa, những phút giây mà ta biết mình đang hiện hữu giữa trần gian, không thể phai mờ trên từng phần da thịt”.
Nàng nói như rên rỉ:
-“ Anh ạ, em không hiểu trong tình yêu của anh có xem lẫn quyền uy hay không! Nếu có, thì anh đã tự ngộ nhận và tự lừa dối mình, còn em chỉ là sự khuất phục, chứ không phải là tình yêu.Tình yêu của em chỉ có thể để đổi lấy tình yêu, chứ em không đổi lấy áo cơm và quyền lực”.
-“ Anh không hề dùng quyền lực để đổi lấy tình yêu của em”.
– “Vậy thì anh hãy chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi nào trái tim em mách bảo rằng, anh thực sự yêu em chứ không phải là dùng quyền lực để ban ơn. Hãy chờ đợi, vì đàng sau bóng đêm là bình minh chứ ko phải là hoàng hôn”.
-“ Vâng, anh sẽ chờ đợi. Anh cảm ơn cuộc đời đã trao cho anh một thiên thần mà anh nghĩ đời anh không bao giờ có được”.
Đêm chìm vào khuya. Bé Thảo Nguyên đang ngủ say, Thắng ngồi sát bên Thu Sương trên chiếc giường gỗ, anh buông tay nàng ra rồi cúi gục đầu lên hai bàn tay mình… Ngoài kia, thành phố cũng lặng lẽ trở mình trên sự đổ vỡ, hoang mang.
[Còn nữa]
Tranh : Biển Hồ - Pleiku - Gia Lai.
Bạn, Nguyên Bình, Loc Duy Huynh và 27 người khác
5 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào: