mười ba.
cuộc trò chuyện với hư không.
Tôi nói đấy là cuộc trò chuyện với hư không. Nhưng nàng bảo không phải vậy. Bấy giờ em vẫn biết mình đang nằm trên thuyền, em biết là chúng ta đã rời khỏi ngôi làng của vị cựu sứ thần, và đã xuống thuyền của ông lão ấy. Nàng nói.
Tôi hỏi, như thế lúc nàng chuyện trò với ai đó, thì không phải là đang trong cơn mê sảng. Nàng bảo không phải. Em vẫn biết là mình đang nghe tiếng nước vỗ mạn thuyền, nghe tiếng của anh, tiếng ông lão lái đò, và tiếng của ba người đàn ông đã có mặt trên thuyền trước chúng ta. Nàng nói. Tất nhiên là nàng đã không chết trên thuyền, như ba người đàn ông ấy bảo, mới có thể ngồi trò chuyện với tôi ở ngôi làng ấy. Tôi nói là lúc ấy thì mấy người đàn ông ấy sợ nàng chết trên thuyền, cứ một hai đòi ông lão đưa nàng lên bờ. Nàng nói là lúc bấy giờ nàng chỉ nghe tiếng những người ở chung quanh, còn nghe nói gì thì nàng không nhớ, vì bấy giờ là nàng đang lao vào cuộc tranh cãi với ai đó mà nàng không còn nhớ nổi gương mặt của kẻ đó. Đây là thời đại mà người ta nói về cái gọi là sự thật nhiều hơn bất cứ thời đại nào. Đấy là câu mà anh nghe em lập đi lập lại trong suốt cuộc chuyện trò. Tôi nói. Nàng bảo là nàng cũng chẳng nhớ. Tôi nói, lúc đầu thì có vẻ đó là cuộc chuyện trò với vị cựu sứ thần ở ngôi làng ấy. Hãy nói cho tôi nghe là ngài căn cứ vào đâu để bảo đó là sự thật? một văn bản bằng giấy ư? hay một văn bản bằng đá? mà chép trên giấy, hay trên đá, thì đều là ngôn ngữ của con người, ai dám bảo với ngài rằng ngôn ngữ ấy là thuật lại đúng sự kiện ấy, xin ngài hãy nhớ cho, khi ngài tham gia vào việc nói về sự kiện đó thì nó không còn là nó, mà sẽ hiện ra theo cách của ngài nói về nó. Có phải là em tranh cãi với vị cựu sứ thần, và lúc lặng đi là lúc em lắng nghe ông nói? Tôi hỏi. Nàng bảo không phải là tranh cãi với ông ấy. Rồi hỏi tôi sau đó thì nàng nói những gì. Tôi nói sau đó thì dường như là trò chuyện với dòng sông. Ai đã để lại cho người những tháng năm mệt lã, tôi, hay là những con người có đôi mắt màu nước phù sa, ai đã để những giọt nước mắt rơi trên thân thể người, những giọt nước mắt tàn úa, ai đã để rơi những giọt nước mắt ấy, tôi, hay là những con người từ thuở sinh ra chỉ thấy một màu khô buồn trong mắt, mà sao người lại im lặng suốt bấy nhiêu thiên niên kỷ, rồi bỗng hiện ra giữa một miền đau khổ? Có phải là em trò chuyện với một dòng sông nào đó hay không? Tôi hỏi. Nàng bảo là không phải. Tôi nói sau đó thì nàng đã trò chuyện với tôi, nhưng thật ra thì không phải trò chuyện với tôi. Nàng bảo mình chẳng hề nhớ chuyện này. Em có nhớ, em đã hỏi đây là nơi đâu hay không? Tôi hỏi. Nàng ngẫm nghĩ một lúc. Em cầm tay anh, và hỏi thế? Phải, em hỏi đây là nơi đâu, rồi bắt đầu nói, mới đầu tưởng là nói với anh. Chúng ta sẽ đến một nơi không có sự lẫn lộn giữa văn minh và man rợ, chúng ta sẽ đến một nơi không còn nghe ai nói đến chuyện sự thật với không sự thật, nơi tiếng nói không còn là của riêng của con người, để chống lại sự tàn rữa, vào những buổi sớm mai, không phải chỉ có chim rừng, mà đá núi cũng cất tiếng hát mừng ánh mặt trời, để chống lại sự độc đoán hay toàn trị, mà độc đoán với toàn trị là cha đẻ của tàn rữa, vào những ngày mùa đông hoa lá cũng có quyền kêu ca về sự bất nhẫn của gió mưa, để cho linh hồn thế giới luôn đầy đặn thì hòn đất cũng biết nói năng, cây trên rừng cũng biết cất tiếng ngợi ca trí tuệ của những vì sao. Là em nói về phía bên kia nơi này? Tôi hỏi. Hình như là thế. Nàng nói. Tôi nói, dù nói đằng nào thì đấy cũng chỉ là cuộc chuyện trò với những khái niệm trừu tượng, khái niệm về sự thật (khi ngài nói về nó thì nó là theo cách nói của ngài), khái niệm về dòng sông cuộc sống ( bỗng hiện ra giữa một miền đau khổ), khái niệm về một miền không có đâu (nơi ngôn ngữ không còn là độc quyền của con người). Thì anh đã bảo em trò chuyện với hư không rồi còn gì. Nàng nói. Và chúng tôi lại vui vẻ nhìn nhau cười. Có phải là con người ta trở nên mạnh mẽ khi đã bị cuộc đời tặng cho một đòn chí mạng? Tôi hỏi. Nàng bảo nàng vẫn chưa tin là đã nói ra được những điều như thế. Nhưng có một điều buộc nàng và tôi phải ráng tin, như những người làng ấy đã tin. Ông lão lái đò đã cho chúng tôi cỡi lưng cọp. Quả tình lúc bấy giờ ông rất sợ nàng chết trên đò của mình. Nhưng với ba người đàn ông thì khác. Theo lời ông lão, bọn họ đi mua tre trên thượng nguồn, nhưng theo tôi thì họ đi đốn gỗ trộm. Sợ chúng tôi đến thượng nguồn sẽ biết sự thật này, nên bọn họ đã hối ông lão đem gửi chúng tôi ở làng ấy. Bao nhiêu năm đi đò dọc, những làng xóm hai bên bờ con sông đều là chỗ thân thiết với ông lão. Hai nhà báo của chính phủ đi đò tới nơi này thì bị bệnh. Ông đã nói như thế với người làng ấy, nơi đang xảy ra bao thứ chuyện. Để đối phó với những cuộc phỏng vấn của dân làng, tôi với nàng cũng đã phải ráng tin mình là nhà báo thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét