SGTT.VN - Hai trường ca siêu phàm thời cổ đại là Iliad
và Odyssey của Homer đã được Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ nguyên tác sang
Việt ngữ thành công, vừa được phát hành tại Việt Nam.
Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Khánh Hoan trước
năm 1975 là giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu và giảng
dạy môn lịch sử văn chương Anh – Mỹ. Từ cuối thập niên 1960 đến nay, Đỗ
Khánh Hoan đã chuyển ngữ hơn 40 tác phẩm, phần lớn là kiệt tác lần đầu
xuất hiện trong phiên bản tiếng Việt. Hiện ông định cư tại Toronto,
Canada.
Qua Sài Gòn Tiếp Thị, ông đã dành cho độc giả trong nước một cuộc trò chuyện tâm tình sau hơn 30 năm rời xa Việt Nam.
Ông đến với việc chuyển ngữ ra sao?
Từ nhỏ tôi học tiếng Pháp, tiếng Anh nên về sau có
phương tiện trau dồi. Lớn lên nhờ biết ngoại ngữ đọc sách nước ngoài tôi
thấy nhiều cái hay, nhiều cái lạ, nhiều cái đẹp, nhiều cái hữu ích. Tôi
thầm nghĩ và mơ ước nếu chuyển những cái ấy cho người mình đọc thì vui
và thú biết mấy! Vì thế tôi mải mê đọc ngoại văn, tôi lạc vào khu rừng
văn học nước ngoài lúc nào không hay.
Ra đời kiếm ăn, tôi đi dạy học, dạy ngoại ngữ, dạy văn
học nước ngoài, cụ thể là văn học Anh – Mỹ cho cấp trung học, rồi đại
học, do vậy phải trau dồi kiến thức và học thêm ngoại ngữ để thoả trí tò
mò, để bảo vệ nghề riêng và để tham khảo sau này nếu có thể. Lúc đó tôi
nói với tôi như vậy.
Không ngờ sau này, sự thật diễn ra đòi hỏi tôi làm như
đã mơ ước. Tôi viết và dịch khá sớm. Lúc đó chỉ để “khoe” với mấy người
bạn cùng lớp và hình như mang trong lòng cùng khát vọng. Ít lâu sau,
phần do ước mơ, phần do nhu cầu, phần do nghề nghiệp, tôi quyết định
thực hiện giấc mơ chuyển ngữ văn học nước ngoài. Tôi cố gắng chuyển dịch
làm sao như sáng tác, không cường điệu, không gượng ép, không tắc
trách.
Và việc quyết định sẽ chọn một tác giả nào đó để
chuyển ngữ diễn ra như thế nào? Ví dụ với Tagore, Mishima Yukio, Natsume
Soseki, Pär Lagerkvist, George Orwell… ngày trước, và Homer, Plato,
Aristotle, Cervantes… gần đây?
Tôi thầm nhủ do tò mò lạc vào vườn người ta, thấy hoa ở
đó đẹp lạ, không những màu sắc mà cả hương thơm, nếu ra về kể chuyện
lại cho gia đình, bạn bè hay… xem ra không vô ích. Cứ kể, miễn là trung
thực, dù có kể kém người nghe cũng thông cảm mà lượng thứ sai sót. Tuy
nhiên, sự thật không như tôi tưởng. Đi vào thực tế tôi mới rùng mình.
Khó chứ không dễ! Khó lắm trời đất ơi! Làm thế nào chuyển dịch một tác
phẩm văn chương cho đúng, cho hay, đừng sai, đừng tồi?
Tôi chọn tác giả đã nổi tiếng khắp thế giới, và nổi
tiếng từ lâu, song ở ta (lúc ấy) vẫn chưa mấy ai hay biết. Tác phẩm của
họ không phải chỉ đọc cho vui, mà phải nghiền ngẫm, giảng dạy mới biết
cái hay, cái đẹp, cái thật ở đời. Sáng tác của họ là tấm gương văn học
để nhân loại soi chung. Tác phẩm của họ đọc rồi muốn đọc nữa, đọc nữa
lại muốn đọc nữa… mà vẫn chưa nắm hết ý nghĩa. Trong số trên chỉ có ba
người Á, còn lại toàn người Âu. Tuy thế yếu tố địa lý hoặc giống nòi
không xuất hiện ở đây, thay vào đó là tài nghệ và nhận thức về vấn đề xã
hội, đất nước, con người, thế giới dưới lăng kính nhà văn, nhà thơ, nhà
kịch. Tiếng nói của họ thế nào? Độc giả thấy trong sáng tác.
Riêng với từng tác giả hay khu vực văn chương, chủ trương thực hiện của ông thế nào?
Nhờ
biết ngoại ngữ đọc sách nước ngoài tôi thấy nhiều cái hay, nhiều cái
lạ, nhiều cái đẹp, nhiều cái hữu ích. Tôi thầm nghĩ và mơ ước nếu chuyển
những cái ấy cho người mình đọc thì vui và thú biết mấy!
|
Nếu xét tác giả và tác phẩm, dù tiếng đang nổi như cồn,
song không đáp ứng tiêu chuẩn, khoan chuyển ngữ, quá lắm chỉ giới thiệu
sự nghiệp đang xây dựng. Chọn tác giả và tác phẩm xong, ngoài chuyển
ngữ phải giới thiệu, nếu cần thì chú thích, chứ không chỉ dịch suông.
Đây là phần phải tham khảo. Đây là lúc cần khả năng trí thức thay khả
năng văn chương. Phải cho độc giả biết điều quan trọng của tác giả và
yếu tố cấu thành tác phẩm.
Trong quá trình chuyển ngữ, điều gì ông cảm thấy khó khăn nhất, và hạnh phúc nhất?
Khó khăn thì dĩ nhiên khó khăn, vả chăng ở đời có cái
gì dễ dàng, nhất là “sáng tác” một tác phẩm văn chương. Việc làm nặng
nề, khả năng giới hạn, làm thế nào vượt qua trở ngại. Lo lắng thì lo
lắng từ đầu chí cuối: làm sao dịch đúng, dịch hay, độc giả không chửi,
không chê? Tôi đã giải thích hai điều vừa kể trong bài giới thiệu Homer
và Cervantes.
Còn hạnh phúc, đó là những giọt nước mắt. Khi dịch xong
câu thơ cuối cùng trường ca Odyssey, tôi khóc thực anh ạ! Vui mà khóc.
Mừng mà khóc. Xúc động mà khóc. Vì làm xong việc khó. Vì nghĩ từ đây hai
giai tác không còn xa lạ với người mình như trước nữa. Không ngờ tôi
kiên nhẫn đến thế. Gần mười năm trời! Hai thi tập dài mấy vạn câu thơ!
Báu vật hiếm thấy của nhân loại. Nghĩ lại giật mình. Nhiều lần tôi đã
định bỏ. Khó quá, mất thì giờ quá! Tham khảo nhiều quá! Vác đá leo ngược
đồi. Nay làm xong thở phào, gánh nặng trên vai đã tới đích, tôi bằng
lòng với mình, tôi bằng lòng với dịch phẩm, nhất là đã đáp lời ước mơ từ
thời niên thiếu: bằng mọi giá phải dịch Homer!
Chuyên về văn chương Anh (và Mỹ), thế nhưng trong
khoảng 40 tác phẩm mà ông chuyển ngữ cho đến nay, một nửa là văn chương
Nhật, nhiều quyển chuyển ngữ chung với Nguyễn Tường Minh. Tại sao văn
học Nhật lại có địa vị lớn lao như vậy trong lòng ông?
Trong thâm tâm, tôi muốn chuyển dịch tất cả tác phẩm
thuộc hàng kinh điển của ngoại quốc sang tiếng Việt để người mình đọc,
một mình làm tới đâu hay tới đó, mời bạn bè cộng tác, lập nhóm thực hiện
công trình. Về văn chương Anh, tôi chuyển ngữ nhiều, tôi đã giới thiệu
bốn tác giả kim văn và ba bi kịch của Shakespeare in năm 1970 ở Sài Gòn.
Nhưng tôi thấy dường như người Việt không thích kịch, vì thế tôi viết
20 truyện ngắn dựa theo tình tiết 20 kịch phẩm của Shakespeare để độc
giả thưởng thức. Cuốn sách mang tên Hoa trong vườn in năm 1980.
Sở dĩ tôi giới thiệu, chuyển ngữ tác phẩm Nhật Bản thập
niên 1960 là vì lúc đó hàng ngũ văn gia Nhật xuất hiện đông đảo, sáng
tác của họ khiến tôi giật mình. Hơn thế tôi thấy họ quả thực có tài,
sáng tác có giá trị. Mặt khác, tôi lại nghĩ do văn hoá tương đồng, gần
gụi, đi vào văn chương Nhật, người Việt sẽ không cảm thấy xa lạ như đi
vào văn chương Anh, Pháp, Mỹ... Tôi mời một ông bạn cộng tác. Kết quả
đầu là cuốn Kim các tự. Thời gian đó chúng tôi say mê công việc, hoàn
tất 24 tác phẩm kim văn.
Quan điểm của ông như thế nào về việc “uống nước
tận nguồn” trong chuyển ngữ, ví dụ dịch văn học Nhật mà không dịch từ
tiếng Nhật thì phải làm sao?
Uống nước tận nguồn đương nhiên là tốt. Nếu
chuyển ngữ văn học Nhật mà biết tiếng Nhật thì còn gì bằng.
Nếu không thì phải sử dụng tiếng khác như phương tiện có khả
năng hơn. Bởi thực tế từ lịch sử dịch thuật cho thấy, việc dịch qua ngôn
ngữ trung gian hay “uống nước không tận nguồn” là điều khó tránh khỏi,
bởi người dịch và độc giả nhiều khi khó lòng đợi tới tận nguồn. Qua năm
tháng, khi nền dịch thuật mạnh lên, chúng ta sẽ kiện toàn để đến gần
nguồn hơn.
Có dị biệt nào giữa văn học Nhật và Anh – Mỹ?
Đây
là con đường học hỏi dài vô tận, rộng vô biên, khó vô cùng, chán hết
sức. Đường này không cấm ai, ai tới ai đi tuỳ ý. Đường này không nài ép,
không bắt buộc, không mời chào, do vậy không biết lịch sự cảm ơn hay
trâng tráo vong ơn. Ai thích thì vào, ai ghét thì ra.
|
Ông nghĩ thế nào về giải Nobel Văn học 2013, khi
một lần nữa Murakami Haruki không được xướng danh? Ông nghĩ gì về văn
học Nhật hiện nay? Rồi việc một cây bút truyện ngắn Canada được trao
giải?
Nhiều người cũng cho rằng kỳ này chắc Murakami
Haruki được tuyên dương Nobel Văn học 2013. Đó là suy nghĩ chủ
quan. Đã chủ quan thì làm sao đúng sự thật. Theo tôi, uỷ ban
tuyển chọn có lý do của họ. Bên ngoài không ai hay, ấy là vì
căn cứ vào quy định trong di chúc của ông Nobel: sáng tác trong
năm nay có tư tưởng tốt đẹp không?
Alice Munro, văn sĩ người Canada trúng giải, ai
cũng ngạc nhiên, cả nữ sĩ cũng vậy. Chỉ viết truyện ngắn,
không viết truyện dài, không làm thơ, không viết kịch, song sáng
tác phản ánh lối sống đơn thuần, bình dị của người bình dân
Canada ở miền quê, nhất là thị trấn nhỏ. Có lẽ tính chất mộc
mạc, đượm hương vị nhân tình của bà đã khiến thành viên uỷ ban
văn chương có cảm tình. Hơn thế, theo tôi mấy chục năm vừa qua,
so với cây bút Canada, ít có cây bút sáng giá xuất hiện. Văn
tài cũng như trái cây, cần điều kiện nào đó mới chín được.
Hơn 50 năm theo đuổi việc chuyển ngữ, ông có nghĩ đây là một cái nghề không?
Câu hỏi hơi khó trả lời cho đúng, vì quan niệm về nghề.
Tôi coi đây là cái thú, xa hơn một chút, có thể nói đó là phương tiện
dẫn tới cứu cánh: trả nợ sách đèn, báo hiếu cha mẹ, đền ơn thầy cô đã
dạy dỗ, đáp lại tiếng gọi vô hình của nhiều người tôi không quen biết.
Mà cũng có thể coi là cái nghề, vì nhờ nó tôi có kinh nghiệm, nhờ nó tôi
trau dồi kiến thức, và cũng nhờ nó tôi có đồng ra đồng vào hàng tuần.
Vậy nó là cái nghề mất rồi chứ còn gì nữa!
Dù thế nó không nuôi sống tôi. Như anh biết, đây là
nghề tay trái, còn nghề tay phải của tôi là làm bạn với phấn trắng bảng
đen, bán hơi thở đổi lấy miếng cơm manh áo. Làm hai nghề cùng một lúc,
hầu như cả cuộc đời như thế, mà tôi vẫn thấy thoải mái. Tôi không hiểu
tại sao. Kể lại anh hay kỷ niệm quá khứ: trước 30.4.1975, mỗi thứ sáu
tôi ra nhà sách, nhà phát hành ở Sài Gòn hỏi xem tác phẩm đã bán được
bao nhiêu; lần nào ra đi cũng tốt đẹp, trở về đều có tiền, tuy không
nhiều. Đi mãi rồi thành thói quen. Tôi coi đó là cái thú hy hữu. Đó là
tiền sách tôi viết.
Sống ở ngoại quốc, tôi vẫn làm nghề cũ. Đương nhiên
nghề tay phải phong phú, nghề tay trái đạm bạc. Cùng với dạy học tôi làm
nhà xuất bản, nhà in, sách in ra đưa đi khắp nơi, trừ quê hương yêu
dấu. Hiệu sách nhiều nơi xử đẹp, có nơi chơi xấu, và xấu lắm anh ạ! Nhờ
thế kỷ niệm cũ sống lại trong tôi, không dồn dập như trước mà lâu lâu
mới xuất hiện.
Nếu có những bạn trẻ muốn theo việc này cần ông cho vài lời khuyên, ông sẽ nói gì với họ?
Tôi rất hoan nghênh và ủng hộ hết mình. Tuy nhiên, mong
anh hiểu, tôi không muốn nhắc tới nó nhiều, không muốn vạch áo cho
người xem lưng, không muốn tiết lộ bí mật nghề nghiệp, vì sợ có người
nghĩ tôi dạy đời, tôi khoe mẽ, tôi phản bội... Riêng với bạn trẻ tôi nói
thế này: muốn vào nên biết đây là con đường học hỏi dài vô tận, rộng vô
biên, khó vô cùng, chán hết sức. Đường này không cấm ai, ai tới ai đi
tuỳ ý. Đường này không nài ép, không bắt buộc, không mời chào, do vậy
không biết lịch sự cảm ơn hay trâng tráo vong ơn. Ai thích thì vào, ai
ghét thì ra.
Nếu muốn vào thì nên coi mình là võ sinh. Muốn thắng
phải tập luyện ngày đêm, liên miên. Sao vậy? Vì nơi này khác mọi nơi
trên cõi đời, bạn trẻ sắp làm bạn với người xa lạ và xa xôi đấy. Bạn trẻ
đóng vai chủ động, tự gánh trách nhiệm và gánh nặng không ai cần… Ngày
trước khi đi vào nghề này tôi có rủ người bạn, dự định nếu kết quả tốt
tôi sẽ thành lập nhóm hay hội. Ý định bất thành vì tôi bất lực.
thực hiện: Hiền Hoà
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét