Kiều Giang
Có biết bao nhiêu trí thức và anh em văn nghệ sĩ Miền Nam, sau năm 1975, đã trải qua những tháng năm cùng cực, giông bão và đọa đày. Nhà thơ Hoài Khanh cũng không thể thoát ra khỏi cái số phận nghiệt ngã đó.
“ Tôi đem gia đình trôi nổi khắp nơi, từ quê tôi cho đến Sài Gòn, ở đâu, tôi cũng thấy rất khó sống, cuối cùng tôi về Biên Hòa, mua một mảnh vườn nhỏ, giá rẻ mạt, khi đó nó heo hút và lầy lội trong cái xó của thành phố này”, 5 năm trước anh tâm sự với tôi như vậy.
Anh Hoài Khanh đi vào con đường Thơ văn khá sớm. Năm 23 tuổi, anh đã cho ra đời tập thơ đầu DÂNG RỪNG 1957. Trên trang bìa sau của tác phẩm thơ cuối cùng của anh là tập HƯƠNG SẮC MONG MANH, anh liệt kê những tác phẩm đã và sẽ xuất bản như sau:
Đã in:
Dâng rừng, thơ 1957,Thân phận, thơ 1962, Lục bát, thơ 1968, Gió bấc, Trẻ nhỏ, Dóa hồng và Dế, thơ 1970, Trí nhớ hoang vu và Khói, tập truyện 1970, Hương sắc mong manh, thơ – Thư ấn quán Hoa kỳ 2006,
Sẽ in:
-Phương trời Lưu viễn, thơ- Lang thang vào thế giới Nghệ thuật (tập 1)- -Lang thang vào thế giới âm nhạc cổ điển (tập 1)
Tác phẩm dịch:
-Salvatore Quasimodo toàn tập, thi hào Ý, giải Nobel văn chương
-Juan Ramon Jimenez toàn tập, thi hào Tây Ban Nha, giải Nobel văn chương
-Quê hương giữa đỉnh cao và hố thẳm, thơ
-Còn một tác phẩm dịch, Đối Thoại Triết Học BUÔNG XẢ THANH THẢN của HEIDEGGER, do NXBVHSG phát hành tháng 8/ 2007, anh chưa kip đưa vào danh sách, quyển này và cuốn HƯƠNG SẮC MONG MANH, anh có tặng tôi tại nhà anh năm 2011.
Thi sĩ Hoài Khanh là một người trung thực nhân hậu hiếu khách và trọng nghĩa tình. Tư tưởng của anh bàng bạc trong các tác phẩm là tư tưởng Thiền của Phật Giáo và tư tưởng của Triết gia Đức Martin Heidegger. Anh nói trong nhà anh chỉ có bàn thờ Phật và tấm hình lớn của Heidegger treo trên tường. Bên cạnh những tư tưởng đó là nỗi trăn trở về đời người, về những năm tháng chiến tranh, những u hoài quê hương đất nước. Tác phẩm dịch được xuất bản cuối cùng của anh cũng là của Martin Heidegger.
Thế nhưng, những tháng năm sống ở “VƯỜN CÔ LIÊU” ( tên anh đặt cho ngôi nhà lá của anh) Biên Hòa, anh cũng không được yên thân. Anh kể là nhà anh thường phải đón những vị khách “không mời mà đến”, sau đó là những bản lý lịch và tường trình dài dằng dặc, anh phải viết.
Hôm nay tôi viết những dòng này về anh, chưa nói hết những điều mà tôi muốn nói, chỉ là một chút hương lòng của chính mình và bè bạn, xin gửi về bên kia biên giới giữa thực và hư, giữa hữu và vô, giữa tại thể và huyền thể, về anh, có lẽ ở đâu đó, trong cõi vô cùng, anh còn mãi miết đi tìm một thế giới vô sinh vô diệt.
Để tưởng nhớ anh, tôi xin đăng lại mấy bài thơ anh thích mà anh đã thức ngâm cùng anh Nguyễn Văn Nho (đệm đàn), đến 2 giờ khuya đêm 7/4/2013, ở Đà Nẵng, sáng hôm sau anh bị tai biến và nằm cho đến ngày qua đời.
XIN CHÀO ĐÀ LẠT
tặng Phạm Công Thiện
em ở đó với bầu trời mây núi
mùa đông sương rờn trên má hoa đào
linh hồn ta mấy mươi mùa của suối
lạnh vô cùng không biết tự phương nao
chân ta bước trên con đường trở lại
một lần xưa vi vút gió đầu cành
sâu dưới đó lối mòn khe suối vắng
bóng của mùa khẽ động tiếng lanh canh
ôi đồi thông những chiều nghiêng nhớ nắng
lòng ta trôi chiều cũ dưới chân đèo
gió heo hút dường nghe niềm u hận
em đi rồi ta vẫn đứng nhìn theo
màu áo đó phất phơ màu vĩnh biệt
bay về đâu xin còn lại linh hồn
để ta giữ những chiều sương ám phủ
của một đời luân lạc kiếp tha hương
rồi thôi hết đất sẽ là vĩnh viễn
bông hoa kia nở trên xứ điêu tàn
tay yếu đuối ta sẽ còn nắm lại
những lời gì xưa đã hết âm vang
(Thân Phận - Ca Dao Xuất bản 1972)
MỘNG ĐỜI MIÊN VIỄN
Tặng Phạm Công Thiện để nhớ những
tháng ngày Đà Lạt xa xưa thời Thân Phận
Đà Lạt hỡi những lần ta trở lại
Thông vẫn xanh in bóng núi sương mù
Mây vẫn trắng dưới mặt hồ thao thiết
Lửa trong hồn có sáng cõi thâm u?
Có phải đó là mộng đời bất tuyệt
Nói cho ta ý nghĩa cuộc sinh tồn
Vì những đoá hoa nào thời trẻ dại
Hơn một lần phai lạt sắc và hương!
Ta trở lại với mắt buồn ngơ ngác
Chân lênh thênh trên những dấu qua rồi
Chợt muốn khóc những lần trông khói bếp
Ôi tiếng gà trưa vắng thời chông chênh!
Ta mất mẹ khi biết làm thơ lạ
Ta mất cha khi em cũng lên đường
Những ly rượu không dễ gì quên hết
Khi tim mình trót đập nhịp yêu thương !
Có phải đó là mộng đời phiêu hốt
Nói cùng ta qua đôi mắt mơ buồn
Khi em hiểu sương tan trên đầu núi
Là chuyện đời xiêu đổ dưới màu sương
Hoa vẫn nở bên nỗi đời xuôi ngược
Ta vẫn đi trở lại chốn qua rồi
Nhưng tìm mãi không thấy hồn muôn cũ
Không thấy gì, chỉ thấy có mây trôi.
Hoài Khanh
GIỌNG SẦU
Tôi về đây nhớ chiều xanh
con chim nào hót trên cành khô kia
dòng sông mấy nhánh chia lìa
đêm thành phố lại trầm mê giọng đồng
hát đi em mấy mùa đông
con chim vẫn hót trong lòng nhân gian
con chim nhớ mặt trời tàn
nhớ sương đầu lá đêm vàng trăng rơi
bây giờ em hát cho tôi
và em sẽ hát cho người ta nghe
để đêm nào bước chân về
cô đơn hè phố lòng nghe rã rời
giọng kia đã mất trong lời
hồn kia đã lạc cõi đời điêu linh
thôi em cứ hát cho mình
đời quay trái đất vô tình tháng năm.
Hoài Khanh
QUA BẾN ĐÒ CHIỀU
Chiều em qua một bến đò hiu hắt
Áo còn bay rờn mộng cuối sông dài
Ngày thì lạnh như lòng chưa đủ ấm
Tay vẫy chào nghe rợn cả tàn phai
Sông thì vẫn âm thầm trôi chảy mãi
Em có nghe lòng thoáng chút âm thầm ?
Đời thì rộng biết còn chăng gặp nữa
Qua bến đò là qua cả nghìn năm
Con sông đó hãy muôn đời chứng giám
Nỗi buồn kia ai biết tự nơi nào ?
Thì em cứ đi về phương hướng định
Như cuối trời thoáng rụng một vì sao
Hoài Khanh
NGỒI LẠI BÊN CẦU
người em xưa trở về đây một bận
con đường câm bỗng ánh sáng diệu kỳ
tôi lẫn trốn vì thấy mình không thể
mây của trời rồi gió sẽ mang đi
em - thì vẫn nụ cười xanh mắt biếc
màu cô đơn trên suối tóc la đà
còn gì nữa với mây trời đang trắng
đã vô tình trôi mãi bến sông xa
thôi nước mắt đã ghi lời trên đá
và cô đơn đã ghi dấu trên tay
chân đã bước trên lối về hoang vắng
còn chăng em nghĩa sống ngực căng đầy
quá khứ đó dòng sông em sẽ ngủ
giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ
ta sẽ gặp trong ý tình vũ bão
con thuyền hồn trở lại bến hoang sơ
rồi em lại ra đi như đã đến
dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
(Thân Phận - Ca Dao xuất bản 1972)
Một số bìa sách anh viết sau cùng và thủ bút anh Hoài Khanh đề tặng Kiều Giang năm 2011
ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luậnChia sẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét