Truyện ngắn Kiều Giang
[Tiếp theo]
2. Cuối thu, vùng núi rừng biên cương Hòa Lạc Lạng Sơn, trời đêm se lạnh, Vua Lê đang thấp thỏm, mỏi mắt hướng về phương Bắc ngóng trông những trung thần đem tin vui từ Thanh triều
“rủ lòng cứu vớt”, bắt đầu một cơ duyên cho đất nước non sông(?), Chiêu Thống nói như tự an ủi: “Mùa thu cứ bước đi, bước đi, ước gì ta được ôm hôn hoàng đế Càn Long ba cái, như bao người trước, người sau !”.
Bỗng đâu, Duy Đản ở Thái Bình về, tâu rằng vua Thanh đã chuẩn y cứu viện, Lê Quýnh báo tin Thái hậu ở Nam Kinh khang kiện an vui. Chiêu Thống lệnh cho Duy Đản lấy giấy bút chép phúc thư, rồi ngửa mặt lên trời mà đọc rằng: “ Kẻ tiểu tử Duy Khiêm này, gặp lúc vận nhà lắm nạn, được đức đại hoàng đế rũ lòng thương bảo bọc…, kẻ hèn mọn như chết đi sống lại, ơn tái tạo của đức đại hoàng đế cùng với công gầy dựng của Tôn tướng quân đáng ghi tạc như sông Lô, núi Tản, bền vững muôn đời…”*. Sĩ Nghị tiếp được tờ bẩm của Triều Châu kèm phúc thư của Chiêu Thống, liền dâng biểu lên vua Thanh xin xuất quân, đại ý nói rằng: “ Thần nghe nói họ Lê ở An Nam hèn yếu, hơn nữa nơi ấy là đất cũ của ta, sau khi khôi phục họ Lê rồi, nhân đó ta cho quân đóng giữ, như thế vừa khôi phục được họ Lê, lại chiếm được nước An Nam, một công mà hai việc vậy”.
Đại quân gần 30 vạn, chia thành ba ngả, một do đề tổng Vân Quí là Ô Đại Kinh chỉ huy theo ngả Tuyên Quang tràn xuống, một do tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống điều khiển từ Khâm Châu qua Cao Bằng , đạo còn lại do chính Tôn Sĩ Nghị và và đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, theo đường Lạng Sơn, trực chỉ La Thành.**.
Ở Thăng Long, đại tư mã Ngô Văn Sở nghe theo kế của thị lang bộ lại là Ngô Thì Nhậm, rút quân về đóng ở núi Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, chờ lệnh của Bắc Bình Vương. Nghe tin Ngô văn Sở và Phan văn Lân đã lui quân, Tôn Sĩ Nghị cười lớn và bảo với quan tham tri nhà Lê là Vũ Trinh rằng: “ Lũ các ông bị quân Tây Sơn đối xử tàn ngược đã lâu, nên nghe đến chúng là run sợ, nhưng theo ta xem xét thì chúng chỉ là hạng trâu dê, chỉ cần sai một người đem thừng buộc lấy cổ mà lôi về cũng không khó gì, đợi khi quân ta đến La Thành, nhổ bãi nước bọt xoa tay là làm xong việc, ngươi hãy chờ xem”*
Khi Nghị hành quân đến trấn Kinh Bắc, quang cảnh hoang tàn, đường đi không có bóng người, không có chó chạy, chim đã bay hết về rừng, vua Lê dẫn các quan đến đón, cùng quỳ xuống ven đường, trông rất thảm hại. Thấy vậy, Nghị an ủi:
-“ Quý tự mắc phải nạn lớn đã nhiều năm, nay nhờ ơn đức đại hoàng đế thương xót, sai bản chức đem hùng binh hộ tống mẹ và vợ con ông về nước. Chuyến này sang đây, trước hết cần phải bắt cho hết đảng giặc, rồi sau chỉnh đốn qui mô làm kế lâu dài, khi nào việc ổn thõa rồi mới rút quân, xin chớ lo gì việc nước nữa” *.
Vua Lê ôm Nghị hôn ba lần, rồi nghẹn ngào:
-“ Phận hèn này xin đội ơn đại hoàng đế, đức cả như trời, không sao kể xiết, lại nhờ cụ lớn hạ mình đến đây, khiến cho nước chúng tôi được thấy ánh sáng của áo cừu, đai ngọc, được thõa lòng ngửa trông sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn, mối tình Trung -Việt từ nay đời đời bền vững như núi Hoàng Liên Sơn vời vợi…”* . Vua Lê mời Nghị vào dinh nghỉ tạm, Nghị không vào, hắn cho quân bắn chín phát súng thị uy, rồi nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Khi đến bờ bắc sông Nhĩ Hà, thì trời đã chạng vạng , vua Lê xin qua sông , vào kinh thành trước, sai quân tìm cho được đèn hoa lụa gấm sửa sang điện Kính Thiên rồi mời Nghị vào ở, nhưng Nghị không vừa ý, đoạn chia quân đóng ở những nơi quang đãng nằm dọc hai bên bờ nam bắc Nhĩ Hà, lại có cầu phao, để tiện việc qua lại. Hôm ấy là một ngày giữa đông, 11 tháng 11 năm Mậu Thân 1788.
3. Còn hơn một tháng nữa mới đến tiết đông chí, nhưng trời Thăng Long rét đậm, lại có mưa phùn, người ta chỉ trông thấy những chiếc bóng mờ nhạt như bóng ma lom khom, co ro trong những chiếc áo tơi lá cọ cũ nát trên những con đường vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy những toán quân Thanh tay cầm giáo dài đi tuần.
Hôm sau, Chiêu Thống thân hành đến doanh đón Nghị. Nghị sai người bày biện nghi trượng rất long trọng ở điện Kính Thiên để làm lễ phong vương cho Chiêu Thống, truyền tất cả quan chức nhà Lê tới hầu. Vua Lê mặc áo cổn đội mũ miện quỳ ở giữa sân, Nghị tuyên đọc sắc chỉ của hoàng đế nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Sau lễ thụ phong, vua Lê, theo thông lệ, phải dâng biểu, ngửa mặt xa trông về cửa khuyết nơi bắc phương mà lạy tạ.
Tuy rằng từ đây Chiêu Thống là vua nước Nam, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi đều dùng niên hiệu Càn Long. Ngày ngày, sau buổi chầu, Chiêu Thống chẳng còn võng lọng gì nữa, chỉ cỡi ngựa cùng Lê Quýnh và mươi tên quân hầu, tới chầu ở doanh Nghị để nghe truyền việc nước, việc quân. Nghị thì ngông nghênh, tự cho mình là tôn quý, có khi vua tới yết kiến, hắn không thèm tiếp, cho quận lính đuổi về. Người trong kinh có thấy cũng không biết là vua, nếu có người biết thì cũng chỉ dám xầm xì to nhỏ với nhau rằng: “ Nước Nam ta từ khi có đế, có vương, chưa thấy có ông vua nào luồn cúi đê hèn đến thế.”. Riêng đám quan lại nhà Lê, trước kia phiêu bạt khắp nơi, nay lục tục kéo đến lạy mừng, vua đều phong chức tước: cho Lê Duy Đán, Vũ Trinh làm tham mưu chính sự, Nguyễn Đình Giản làm thượng thư bộ binh, Nguyễn Duy Hiệp, Chu Doãn Lệ làm đồng tri xu mật viện sự, Trần Danh Án làm phó đô ngự sử, Lê Huy Tấn, Phạm Quý Thích làm độ chi bộ hộ, Lê xuân Hạp, Ngô Vi Quý làm đồng tri binh chính, Phạm Đình Dữ làm thượng thư bộ lại, Nguyễn Huy Túc làm bình chương sự, đặc biệt Lê Quýnh làm quân trung úy đốc, tước quận công, lĩnh quân cần vương theo Tôn Sĩ Nghị lo liệu và xử trí việc quân *. Cả quần thần nhà Lê bấy giờ như một đám bèo trên sông, tán tụ tùy theo con nước, giờ đây lại càng thể hiện tính giá áo túi cơm, theo vua tìm miếng đỉnh chung, quả là đất nước thời mạt vận.
Quân Thanh ngày càng lộng hành, ra đường nghênh ngang say sưa, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, nhưng nếu có ai dám nói động đến uy danh của Tôn tướng quân, hay của thiên triều, hoặc trình báo lên quan nhà Lê những điều uất ức, thì lập tức bị chính vua Lê ra lệnh bẻ răng rút lưỡi, tống vào ngục, cho nên không ai dám hé môi, kinh thành như bãi tha ma, chó không dám sủa, gà không dám gáy, chỉ còn vật vờ bóng lũ quan họ Lê và đám kiêu binh nhà Thanh bạo ngược.
Trong đám quan lại của Lê triều có phó hiến trấn Kinh Bắc là Ngô Tưởng Đào, lấy cớ già ốm, xin cho lui về vườn, nhưng còn dâng sớ xin vua gấp rút đem quân tấn công quân Tây Sơn trong khi Sở và Lân còn trơ vơ ở Tam Điệp. Vua Lê và các quan cho là phải, nhưng Lê Quýnh bác đi và đem việc tâu với Nghị, hắn trả lời:
- “ Việc gì mà các ông vội vã thế? Nay, ví như thò tay lấy đồ vật trong túi, đến sớm thì lấy sớm, đến muộn thì lấy muộn đấy thôi. Giặc gầy mà ta béo, hãy để cho chúng tự đến nộp thịt.” .
Đã gần hai tháng, từ ngày Nghị đặt chân lên mảnh đất “ Nước Nam vua Nam ở” ngót ngàn năm, nhờ sự quì gối đốn mạt của Chiêu Thống, viên tổng đốc lưỡng Quảng và các tướng Thanh còn ngất ngây trong mùi chiến thắng, ngày đêm say sưa hoan lạc trong tửu sắc, ngày nào Lê Quýnh cũng đòi vua Lê dâng gái đẹp rượu ngon cho Nghị và bọn tùy tướng, còn bọn lính Thanh thì mặc sức lùng sục kiếm gái trong tận hang cùng ngõ hẻm của Thăng Long thành, khiến nhà nhà đều phải đưa đàn bà con gái đi lánh nạn nơi khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét