Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

18 thg 2, 2012

Sau Big Bang [3]

       Tiểu thuyết của NGUYỄN THANH HIỆN
alt
Max Ernst - Un chant d'amour


Có người bảo cuốn tạp thế sử được chép vào thời
trên thế giới xuất hiện hàng loạt các thi nhân,
triết gia, sử gia, thời của các vĩ nhân, nhưng
kẻ bảo sách không phải sử, mà là những sấm
ngôn được nói ra từ cửa miệng của một vị
thần nào đó có duyên nợ với nhân gian, bỡi
niên đại của sách không chép theo kiểu lấy
năm công nguyên mà lấy vụ nổ lớn (big bang)
làm mốc.


Mà thôi, những chuyện đó là chẳng quan trọng,
điều đáng suy nghĩ có phải sách là chép cho loài
giống người đương đại hay chép cho một loài
giống người chưa hoàn chỉnh nào đó, cũng
thuộc họ người, nhưng khoa học ngày nay chưa
phát hiện được.
Sau khi bỏ ra công sức (quá lớn) để sửa chữa
sắp đặt lại sách, tôi mạo muội đề tên tác giả
Nguyễn Thanh Hiện cho tiện bàn luận khi nói
đến chuyện sở hữu trí tuệ, và nếu như đấy là
một cuốn tạp thế sử thì sử văn chẳng qua cũng chỉ
là một thứ văn chương hư cấu, do vậy tôi mới
xếp sách vào loại tiểu thuyết theo kiểu sắp xếp
đương đại.

con chim cưu khoe với chim bằng cái cách bay
lượn của mình, nắng, ta uống ánh mặt trời, no,
xuống nằm nơi bờ suối, để cho ngọn gió khởi
lên từ con suối thấm vào những ý nghĩ nhỏ nhoi
của mình, ai lại đi khoe những thứ nhỏ nhoi,
nghe bằng chê, cưu cười,  khoe cái nhỏ, bỡi người
ta chỉ làm được cái nhỏ, hóa ra cái cách của muôn
loài là thế, bằng nói, và vỗ cánh bay đi làm rợp cả
một khoảnh trời đất




[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu năm sau big bang,
các sông băng ở nam cực lở, đất như cứ nóng dần lên, cá ở hồ trạch linh bỗng mửa ra toàn máu, mấy hôm sau, vào khoảng giữa khuya, người ta nghe thấy có nhiều tiếng khóc trẻ thơ từ hồ vọng vào làng, sáng ra người làng phát hiện một lũ trẻ sơ sinh đang ngoi ngóp nơi mặt nước của hồ, vội vã vớt lên, làm các thứ cứu người đắm nước, hết thảy đều sống, trẻ trai có, trẻ gái có, đứa nào cũng có cái vi nhỏ ở nơi nách, nên mới biết lũ chúng là con của lũ cá.


lời chú,
hồ trạch linh nằm ở giữa nước mạt na mạt năng, tương truyền thuở hồng hoang có hòn đá trời rơi xuống nơi đó khoét thành cái hố rộng mênh mông, mưa đọng lâu ngày thành ra cái hồ nước lớn, cũng chẳng ai biết tên trạch linh có tự thuở nào, chỉ nghe nói sở dĩ có tên gọi ấy là vì hồ rất thiêng,


[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu năm sao big bang,
các sách địa chí ở mạt na mạt năng đều nói mạt na mạt năng là tên của người khai sáng ra đất nước, vốn là loài thủy tộc, lên bờ lâu ngày mà thành người, là loài cua biển thì phải, sở dĩ nói người khai sáng đất nước gốc cua biển, bỡi vì thuở ban đầu người mạt na mạt năng thờ bóng đêm, các sách chép về các loài động vật cổ thường nói loài cua biển thay mu vào lúc tối trời, có nghĩa, thờ bóng đêm là thờ sự tồn sinh của loài giống, ban đầu là thờ bóng đêm, có thể nói bấy giờ là quốc giáo, người đứng đầu nước có danh hiệu là “toàn chân”, ngài “toàn chân” cũng là kẻ thay thần bóng đêm cai trị nước, nhưng đến đời ngài toàn chân thứ một trăm lẻ tám thì dường như thần bóng đêm bị thất sủng, bỡi bấy giờ có trào lưu cách mạng nổi lên ở đâu tận phía mặt trời lặn, người ta muốn đạp đổ việc thần thánh, bỏ chuyện thờ thần, quay sang thờ người, bấy giờ thì ngài toàn chân, kẻ đứng đầu đất nước, là có giá hơn thần bóng đêm rất nhiều,


lời chú,
ở mạt na mạt năng không gọi người đứng đầu đất nước là vua, là quốc vương, quốc trưởng, hay hoàng đế v.v,  như nhiều nước trên mặt đất, tức, không có chuyện cha truyền con nối trong việc trị nước, không gọi là truyền ngôi, mà là truyền quyền, truyền cách sao, thì xin tóm lược thế này, khi ngài toàn chân đã đến tuổi nghỉ việc trị nước như luật định, thì các vị trong hội thề, tức những người thề sống chết có nhau cùng với ngài toàn chân bàn bạc ai là người trong hội thề sẽ là vị toàn chân mới, đấy là lúc dân cả nước phải bày hương án cầu nguyện bóng đêm ban cho kẻ minh triết trong việc trị nước, ôi, trong cái bóng đêm ghê rợn ấy là có kẻ trong hội thề phải bỏ mạng trong cuộc thanh lọc như một bí tích thiêng liêng,


[…] mạt na mạt năng, năm thứ 14 tỉ lẻ 500 triệu năm sau big bang,
ở rìa thiên hà con cua vừa xuất hiện một hố đen mới, đêm nhìn lên phía ấy thấy chốc chốc có thứ ánh sáng nhỏ như hạt sạn phụt sáng lên, và vụt tắt, phải là kẻ quen mắt nhìn bầu trời mới phát hiện được, ở mạt na mạt năng, có nhiều nơi, lúa trên ruộng đồng vừa gieo cấy xong thì phát ra tiếng khóc,


phụ lục,
sách hồn trần có  trích bài tự bạch của dật sĩ họ khoách,
con chim cưu khoe với chim bằng cái cách bay lượn của mình, nắng, ta uống ánh mặt trời, no, xuống nằm nơi bờ suối, để cho ngọn gió khởi lên từ con suối thấm vào những ý nghĩ nhỏ nhoi của mình, ai lại đi khoe những thứ nhỏ nhoi, nghe bằng chê, cưu cười,  khoe cái nhỏ, bỡi người ta chỉ làm được cái nhỏ, hóa ra cái cách của muôn loài là thế, bằng nói, và vỗ cánh bay đi làm rợp cả một khoảnh trời đất, khoách ta đâu phải là bằng là cưu mà cũng bày đặt chuyện bày bạch lòng mình ra với thế nhân, có điều mong đợi  nén lâu thì kết thành tơ thành sợi  trong lòng gặp lúc lại chảy ra, tuông ra, khoách ta chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi là làm sao hiểu được, chỉ một phần nào thôi cũng được, là tổ tiên con người là ai, chẳng lẽ là cua, là cá, nhưng nếu chẳng phải là cá thì sao nay vẫn còn chuyện cá đẻ người, còn nếu như chẳng phải là cua thì sao nay vẫn coi bóng đêm như một thứ bí tích thiêng liêng, cả vận mệnh con người và đất nước là đều được nói ra từ thứ đêm trường u ám …

Không có nhận xét nào: