Hồ Như Mai dịch
Khi các nhà nghiên cứu đào sâu hơn những hoạt động của những cơ quan ở Pháp trong giai đoạn đen tối thời Đức chiếm đóng hồi Thế chiến II, ngày càng ló dạng nhiều tranh cãi về nghệ thuật. Trong suốt cuộc chiến, hàng ngàn tác phẩm được chuyển qua Bảo tàng Jeu de Paume trước đây (Bảo tàng Sân Tennis) sau khi tịch thu từ các nhà buôn và sưu tập Do Thái với sự giúp đỡ của lực lượng Gestapo và Ủy ban Vấn đề người Do Thái. Giờ chúng ta biết được đây cũng chính là điều đã xảy ra với ba bức tranh của nghệ sĩ Fédor Löwenstein – ba bức này, cuối cùng lọt vào bộ sưu tập vĩnh viễn của Pompidou Center
Theo trang Rue89, Pompidou Center đã thừa nhận rằng ba tác phẩm Les Peupliers, Arbres và Composition ban đầu đúng là đồ chôm của Đức quốc xã. Alain Prévet, trưởng bộ phận Lưu trữ của Các bảo tàng Quốc gia Pháp và Thierry Bajou, chuyên viên bảo quản của Hiệp hội Di sản Quốc gia các Bảo tàng Pháp đã phát hiện ra điều này sau khi nghiên cứu các tài liệu vô giá của Rose Valland, một chuyên viên bảo quản tại Jeu de Paume, người duy nhất ghi lại những hoạt động tội phạm trong lĩnh vực nghệ thuật của Đức Quốc xã tại bảo tàng trong suốt thời (phát xít) chiếm đóng. Sổ sách của Valland đã giúp cho nhiều tác phẩm nghệ thuật được trở về với “chính chủ”.
Trong suốt thời chiếm đóng, (bản thân cũng thích hội họa) Hitler và Göring đã tự chọn các tác phẩm ưa thích và cho chuyển về Đức, để dành làm bộ sưu tập riêng, để làm quà tặng cho các quan chức cấp cao của Đức Quốc xã hoặc mang bán ở chợ đen. Năm 1942, Valland để ý thấy một vài tác phẩm không “đạt yêu cầu về thẩm mỹ của Đức Quốc Xã” đã được giữ riêng ở cái gọi là “Martyrs Room” (Phòng của kẻ tuẫn nạn) của bảo tàng. Valland đã liệt kê ra sáu tác phẩm của Löwenstein được giữ ở đây.
Sau giải phóng, lực lượng đặc nhiệm (Einsatzstab Reichleiter Rosenberg), đơn vị vốn có nhiệm vụ tịch thu các thể loại nghệ thuật “suy đồi” hay “mang ảnh hưởng Do Thái” đã để lại một vài phim âm bản của “Martyrs Room”. Prévet và Bajou đã số hóa và phóng lớn các hình ảnh, so sánh với những gì họ thấy được trong lưu trữ của Valland. Nhờ đó họ đã nhận dạng được 60 bức tranh, trong đó có hai bức của Löwenstein. Khi nhập tên của nghệ sĩ vào cơ sở dữ liệu bộ sưu tập ở Pompidou, ba tác phẩm hiện ra, tất cả đều được bí mật tặng cho bảo tàng vào năm 1973.
Làm việc với Pompidou, nhóm này còn phát hiện ra rằng ban lãnh đạo của bảo tàng không biết giải thích như thế nào về những bức tranh của Löwenstein, nên cứ thế chuyển chúng thành quà tặng, để hoàn tất “lý lịch” cho tác phẩm trong số sách. Những bức tranh này hiện giờ đã được lấy ra khỏi kho lưu trữ và đưa vào danh sách các tác phẩm bị đánh cắp, đang được dự án Musées Nationaux Récupération bảo quản. Bước tiếp theo là tìm kiếm người chủ thừa kế hợp pháp.
Trường hợp trả lại tranh này không phải là đầu tiên đối với các bảo tàng ở châu Âu. Tháng Tư 2011, bảo tàng Hiện đại ở Salzburg đã phải trả lại tác phẩm Litzlberg am Attersee, bị chôm từ tay Amalie Redlich, một nhà sưu tập từng bị đày đến một khu ổ chuột ở Ba Lan và chết ở đó. Người thừa kế duy nhất của bà hồi tháng 11. 2011 đã bán được bức tranh này với giá 40.4 triệu đô tại đấu giá Sotheby’s.
Hồi tháng Mười năm 2011, một sòng bạc ở phía Nam nước Đức đã mang trả một tác phẩm của Juriaen Pool the Younger cho ba trường đại học, là đối tượng thụ hưởng trong di chúc của nhà buôn nghệ thuật Max Stern. Ba trường đại học này quyết định tặng lại cho Bảo tàng Amsterdam.
Trong một trường hợp khác, Bảo tàng Zurich thừa nhận rằng tác phẩm Madame Le Suire của Albert von Keller từng bị Đức quốc xã chôm, nhưng người thừa kế hợp pháp lại muốn tặng lại cho bảo tàng, với một điều kiện – tác phẩm sẽ được trưng bày kèm theo thông tin như sau: “Bị Đức Quốc Xã ăn cắp từ tay Alfred Sommerguth năm 1939. Quà tặng của những người thừa kế và bà Hannelore Müller năm 2010”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét