Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

26 thg 9, 2015

Như Cơn Gió Tình Cờ

 
        Tùy bút Kiều Giang


               “từ em thôi là nguyệt, coi như phút ấy tình cờ”
                          
Nguyệt Ca – Trịnh Công Sơn

Có ai đó đã nói rằng những điều xảy ra trên mặt đất này chỉ là một sự tình cờ, tôi không tin. Mặt trời mọc buổi sáng khi tôi thức dậy, con chim bỗng bay qua nhà tôi nhả tiếng kêu bầy thống thiết, cây hoa mai trong vườn nhà tôi lại rực nở hoa vàng giữa mùa thu, chiếc xe buýt sáng nay không đến trạm, nỗi cô đơn cháy lòng của cô gái khi người yêu không đến vào chiều chủ nhật… Tất cả đều là một thứ tình cờ.
   Nhưng có một tình cờ mà tôi không thể nào hiểu nổi là vì sao nàng lại bỏ tôi ra đi.
   Ngày ấy, cứ cho là đã lâu lắm, lâu hơn cả tận cùng trí nhớ tôi, nàng nói với tôi , nói một cách chắc mẫm, khi đó nét mặt nàng khác lạ lắm, có lúc tái xanh nhợt nhạt biểu hiện một sự sợ hãi lạ lùng, có lúc ửng hồng duyên dáng gợi yêu làm cho mắt tôi háo hức, rằng dù trái đất này có quay ngược từ tây sang đông, nước Biển Đông có chảy ngược lên Trường Sơn, loài bướm kia không còn muốn vờn trước những cành hoa ngát hương trần thế mà chỉ muốn chập chờn la cà trong bóng tối, và thời gian có quay đầu trở về thời hồng hoang của 15 tỉ năm trước, nàng cũng không bao giờ bỏ tôi ra đi.
    Còn tôi thì quả thật như trái đất lẻo đẻo theo chân mặt trời, như tiếng sấm đi theo ánh chớp trong cơn giông, như ánh lửa bập bùng trước những tàn tro, như chuyện cổ tích trong cặp sách học trò, như tiếng thét trong nỗi khát khao cùng tột, như phù sa tan giữa dòng sông tuông chảy, như cuộc ngàn năm tất mệnh giữa trần gian, không hiểu sao tôi cứ riu ríu bên nàng.
    Đêm tháng tám, gió Tây Nam mang theo những cơn mưa rả rích buồn, trăng thượng huyền mờ nhạt màu trắng đục hoang liêu, tôi  đưa tay gõ  cửa mùa thu như còn ngủ quên trong tâm tưởng, những chiếc lá vàng lả tả xuống linh hồn của những con đường lặng câm ủ rũ đèn khuya, tôi ngồi lục lọi trong những trang sách, trong lịch sử của những cuộc tình thần tiên và thế tục, trong ký ức tôi, về những cuộc ra đi. Tôi không thấy cuộc ra đi nào giống cuộc ra đi của nàng.
        Nàng bí ẩn như đôi bàn tay của tạo tác nên làm sao tôi có thể hiểu nổi là nàng đã ra đi, mà lại ra đi vào cái đêm ấy, đêm giông, mưa không ngừng trút nước, gió không nghỉ thét gào, từng cơn rít nghe rờn rợn, một con chim vành khuyên  nằm chết trước hiên nhà, lông cánh rũ rượi, sau khi nó  đã hót tiếng cuối cùng trước khi cơn mưa giông bắt đầu, hình như nó muốn trả món nợ với tạo hóa đã cho nó tiếng hót.
      Nàng cúi gập người trong mưa, chiếc dù run lên phần phật như muốn nhấc bổng nàng.  Nàng vẫn bước đi, hình như  nàng đã giẫm lên những đêm nàng tìm thấy mặt trời, lên những ngày gió ru nàng ngủ, lên tiếng cười mà nàng định gửi cho trăng sao, nàng dẫm lên những hoài niệm thanh khiết của nàng và tôi. Tất cả mọi thứ đều ở dưới chân nàng.
     Thế là như cơn gió, như ánh trăng, như tiếng chim,… nàng đã gửi lại trần gian, gửi lại đời tôi một chút tình cờ. 

Trường Ca NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỊNH MỆNH

2.Phố Trắng

Đám mây đen sà xuống bóng tối nghẹn ngào
lao xao đèn vàng mắt phố
ôm hôn tiếng thở dài ngực vỡ cao nguyên
trôi trên ánh đèn vàng chằng chịt những vết bom
xé nát giấc mơ cõi còm, tuổi thơ nhiễm độc
ở bên kia bờ chiến tuyến
còn bên này khô khốc
giữa những thao thức đêm,

tiếng rên trên nền trời xám
màu trăng ảm đạm tồn sinh
vết tích tội ác ngày đêm không có ai tẩy rửa,
càn khôn buồn  nghiệt ngã bủa vây
quê hương trở thành  người hành khất thơ ngây thế kỷ
chìa bàn tay về hai phía
để xin bom đạn
đem giội xuống  mắt phố mở trừng
xuống những cánh rừng
xuống những con đường
buổi sáng chẳng còn có người đi,
thiếu phụ không kịp chôn xác con,
chạy giữa hoàng hôn
phố trắng…

20 thg 9, 2015

ĐƯA EM ĐẾN CUỐI CUỘC LƯU ĐÀY


Kiều Giang


Em yêu ơi, hãy cứ tiến về phía mặt trời
ta sẽ làm nhân chứng cho những lời em hát...
ngọn sóng anh sẽ dội vào bờ em khát
đau quặn nửa đời - hừng hực lửa thanh xuân

Anh sẽ làm con sóng níu bàn chân em
và đem nồng nàn hâm bờ ẩm ướt
biển sẽ trào dâng lên núi ngực em đầy
lưỡi gió đam mê sẽ ấp ủ bờ môi
và đắm đuối trên sóng vờn ngà ngọc

Anh sẽ lau nước mắt khô khi vầng trăng khóc
núi lửa trong em, ai biết sẽ phun trào
hãy trút bỏ xiêm y khi mặt trời chưa thức
để cùng nhau tan vào biển khát muôn trùng

Đã bao lần  đắng chát bờ môi hôn,
anh thất thểu nơi tận cùng cô độc
sáng mai đây khi loài người thức giấc
anh đã đưa em đến cuối cuộc lưu đày...

17 thg 9, 2015

Trường ca NHỮNG NẺO ĐƯỜNG ĐỊNH MỆNH

   

1, dấu chân chim lưu lạc

Những âm vực trầm
của khúc giao hưởng lạc điệu
vặn mình dưới ánh trăng bơ vơ
chìm xuống đại dương ,
trăng thượng huyền xô lệch bóng đêm,

người thiếu niên
đuổi  ánh trăng trôi về phía biển,
chạy trốn cơn giông
mẹ hiền thương con
bàng hoàng trông theo bàn chân măng sữa

bước đi không điểm tựa
mặt đất ngập ngụa máu lửa
bàn tay gõ cửa thời gian
bầu trời lưu lạc cánh chim
chênh vênh  đêm đen
chênh vênh mắt phố,
lỗ chỗ giọt sương trên khuôn mặt ngước tìm mặt trời
đánh thức vật chất u mê

cao nguyên mù sương,
đất bazan thoa mỡ
đêm sụp lở dưới những bước chân,
đại pháo xé nát niềm tin
chưa kịp định hướng,
tiếng cười man rợ trên những mưu toan
trong phòng máy lạnh
và dưới những hầm trú ẩn kiên cố
được xây bằng nhiều lớp bê tông chủ nghĩa,

đêm cao nguyên buốt giá,
ly cà phê nuốt ánh trăng muốn chạy trốn
mặt đất thức chờ pháo và bom
sẽ giội xuống hoang liêu chứa đầy thù hận không thể gọi tên,

đêm cao nguyên
ánh đèn màu rỉ máu,
em bước vội
theo những dấu chân bê bết sình  đỏ  tây nguyên và nước mắt
những cuộc truy hoan mỏi mệt
tiếng rên không thể phân biệt
bước vào lãng quên,

        Kiều Giang 17-9-2015

Lửa Và Nước Mắt


Thơ Kiều Giang

Hôm qua ta thấy em ngồi khóc trên đỉnh Núi U Buồn,
em nhìn bầu trời đầy sao, ở tận những thiên hà xa tít
và nhìn về những lâu đài đổ nát dưới chân em.

Nước mắt em chảy tràn dòng sông Euphrate
biến thành phù sa để xây thành Babylone tráng lệ,
ánh bình minh của nhân loại sơ khai

Nhưng qua mấy ngàn năm, Cyrus đã đem lửa biến văn minh thành phế tích,
những dòng kênh xanh, những cung điện đền đài của Babylone
không chịu trôi theo dòng nước mắt thời gian
mà ở lại để làm chứng nhân của sinh diệt

Nước mắt em cũng chảy vào sông Nil đắp bồi cho văn minh Ai Cập,
mấy ngàn năm Kim Tự Tháp
nơi đây, lửa không thiêu được những tầng đá siêu nhiên

Hỡi những Pharaon
Người nằm đó 
chín lần Thập Tự Chinh
máu đã đổ nhưng những ngọn tháp kia không đổ,
hai trăm năm, lửa thiêu rụi mấy triệu con người

Gần sáu thế kỷ - Đế chế Ottoman
nhân danh thánh Allah, họ đem theo bàn tay lửa,
trả thù hai trăm năm Tòa Thánh khóc mộ Jesus,
một trời lửa lại phủ trên châu Âu, phủ lên đầu con Chúa.

Bắt đầu từ sự rực rỡ Babylone
loài biết khóc
ôm tang thương đi qua mấy ngàn năm trên đầu có lửa,
nhưng lửa của mặt trời không soi sáng nổi con tim
ngọn lửa tham sân lại muốn đưa trần gian vào bóng đêm hủy diệt,

Hỡi Thales và Heraclitus
hai chàng Hiệp Sĩ của buổi Khai nguyên 
các Người đã bao giờ lật đôi bàn tay Thượng Đế,
để biết tay nào Người cầm lửa
và tay nào người cầm nước mắt ?

Mấy ngàn năm cháu con của Aristote
bàn tay nắm chặt nhị nguyên đi vào Phusis
đưa loài người tiến về với vật chất cùng những cái "duy"
đầy máu và nước mắt,


Hôm nay ta thấy em lại trở về với những dòng sông
ngước mắt nhìn mặt trời, cầu nguyện
hỡi Đấng Sinh Diệt
hãy nhìn về nhân loại 
xin tay người hãy dập lửa trong đầu và thắp lửa trong tim.

12 thg 9, 2015

Ruồi


Truyện ngắn KG

Hôm qua lũ ruồi của làng Đa Đa hớn hở nói với ta rằng, chưa có thời kỳ nào ở cái xứ sở xinh đẹp, màu mỡ và đầy đau thương này, bọn chúng sinh sản phát triển nòi giống nhanh như cái thời cận hiện đại này.
Theo nhà cổ sinh vật học người Pháp Pierre Teihard De Chardin, thì giống ruồi của chúng, trên Cây- Sự -Sống, phải cách xa loài người hàng tỉ năm tiến hóa, nhưng giống ruồi ở làng Đa Đa đã phát triển đột biến, loài ruồi này đã từng cho ấu trùng trong di cốt của nàng công chúa Ý Isabella thời phục hưng, nguyên mẫu nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci.

Chúng rất tự hào rằng nhiều hoạt động não của chúng, loài động vật chân đốt, không khác gì với loài động vật xương sống, thậm chí so với não người. Bọn chúng còn nói nhiều tác phẩm văn học đã nhắc đến chúng, như nhà triết học Jean Paul Sartre, nhà văn Anh Ethel Lilian Voynich, và chúng được phong “Chúa” phi nhân như William Golding.
Nghe chúng nói mà tôi tối mặt tối mày, hoang mang, không biết đâu là sự thật, người biến thành ruồi hay ruồi biến thành người, trong cái làng đầy rối rắm và khốn khổ của tôi, các loài vật trên trái đất này tranh nhau tiến hóa.

Nhưng tôi cũng phải công nhận với lũ ruồi, rằng không có loài sinh vật nào gần gũi con người bằng bọn chúng. Nơi nào có hoạt động của con người, là có chúng. Ban ngày chúng cũng đi kiếm ăn, ban đêm khi con người an giấc thì bọn chúng cũng biết trốn vào những nơi tối tăm để dừng hoạt động của đôi cánh và cái mũi đầy sinh động và linh hoạt.

Chúng từng ăn chung , uống chung với con người, chỗ nào có mặt của con người là có chúng, chúng ở chung với cả người sống lẫn người chết, đặc biệt chúng tranh ăn rất quyết liệt với những mảnh đời cùng khổ trên các bãi rác đời, chúng bu lên mặt của những trẻ thơ cùng cực, chúng sống hoan hỷ trên những xác thân mục rữa, ruồi của làng Đa Đa thậm chí còn sống trên xác của đồng loại vừa nằm xuống cho chúng. Chúng cho rằng đó là quyền của kẻ mạnh do tạo hóa ban cho, khi chúng vượt qua được cái chết bên cạnh bạn của chúng phải nằm xuống.

Khi loài ruồi mang não trạng con người, gọi là Ruồi- Người thì chúng đã làm bao nhiêu điều mà cả con người cũng không làm được. Chúng kể công rằng, mùa thu năm 1427, nhờ chúng bu dày đặt trên mắt mũi Liễu Thăng, làm cho tên giặc Tàu tối tăm mặt mày, giúp cho Lê Sát và Lê Nhân Chú chém bay đầu tên xâm lược trên núi Mã Kỳ nơi ải Chi Lăng lịch sử. Cũng như, chúng hân hoan tiết lộ một “bí mật”, trong cuộc đối đầu lịch sử giữa hai mươi vạn quân xâm lược Mãn Thanh và nghĩa quân Tây Sơn mùa xuân năm Kỷ Dậu, chính lũ ruồi làm cho quân xâm lược mất ăn mất ngủ và cuối cùng, Tôn Sĩ Nghị sợ giống ruồi mà phải chui vào ống đồng trốn về Tàu!

Chúng còn hiêu hiêu tự đắc mà nói rằng chúng không hề sợ một tên độc tài khát máu nào, không ai dám thở khi ở bên cạnh bọn này, nhưng chúng thì tha hồ nhởn nhơ bay lượn, đã từng xả thải vào thức ăn của Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Sadam Hussen, Kim Jong Un…, và khi bọn này chết, chỉ có lũ ruồi mới có thể chui được vào quan tài mà phóng uế hay truyền giống lên những cái xác đầy kinh tởm ấy mà thôi. Kể ra thì không ai làm được và có thể lập được những công trạng vĩ đại như bọn Ruồi – Người này.

Nhưng nếu Đấng Sinh Diệt ủng hộ cho một cuộc đột biến phi nhân, biến ruồi thành người, gọi là Người- Ruồi, những con người, nhưng có gen và não trạng của ruồi, dù đó là ruồi- lính- đen Hermetia Illucents mà các nhà khoa học ở trường Đại học Imperial College of London phát hiện, thì quả cũng là một tai họa cho loài người.

Loại Người- Ruồi xuôi theo bản năng trần trụi phi nhân và ăn bẩn, chúng không từ bỏ thứ gì mà không ăn, không từ chỗ nào mà không ăn, bất kể đêm hay ngày, mùa hạ nắng cháy hay mùa đông rét mướt giá băng. Chúng ăn trên những Đền Thiêng Miếu Cổ cha ông, chúng ăn trên những cánh rừng không bình yên, những cánh đồng cháy nắng, những dòng sông cạn kiệt, những biển cả thét gào, những ốc đảo xa xôi cô độc, những làng quê xơ xác, những con phố tủi hờn. Chúng ăn trên thân xác của những cụ già tay run tai điếc, những mầm non khô héo tuổi thơ, những bơ vơ của thiếu phụ vừa mất chồng nơi chiến địa, những thân xác mục rữa không áo quan, trên những lang thang của ma trơi đồng loại, trên hiện tại mỏi mòn,chúng ăn trên tương lai không còn sinh khí. Chúng bu ăn tất cả những thứ tồn tại trên cái làng khốn khó này.

Ông trưởng làng thì nói rằng trên trái đất này, không chỗ nào là không có ruồi, đâu phải chỉ có làng Đa Đa, nhưng nhà Viết Sử Trên Đá lại nói rằng không thời nào làng Đa Đa lại nhiều ruồi như bây giờ, và ông trưởng làng cũng là loài ruồi biến đổi gen.Sự thật ở chỗ nào, dân làng Đa Đa chỉ còn biết nhìn lên tảng đá cao nhất của ngọn núi linh thiêng của làng là Núi Bà để chờ đợi câu trả lời.
SG 23-11-2014

10 thg 9, 2015

Những Dấu Chân Trên Sóng


           
[
I]   Chỉ Là Một Ngẫu Nhiên Vô Thỉ Vô Chung

5, Có Phải Em Là Tất Mệnh Nhị Nguyên

phải chăng bàn tay tất mệnh
đã sờ vào hòn đá cuội dưới đáy của dòng suối uyên nguyên
chảy vào tim em,
chảy qua trần gian,
tội tổ tông lại vướng vào loài nơ-ron xám
vì Chúa lại đem trái cấm
treo nơi vườn Địa Đàng
em đưa tay mở cho dòng suối thời gian cuộn chảy
lên một mảnh hình hài từ thuở sơ nguyên,

sao nàng lại tìm lá để che thân
thể xác em là tuyệt phẩm của thế gian,
lung linh muôn ngàn phép lạ,
giữa trời đêm,
duy nhất vầng trăng khai mở
khối óc con tim bùng vỡ
ai ngờ giây phút ấy, nhị nguyên

Không đâu,
trong dòng chảy của uyên nguyên
từng hạt lửa của Big Bang,
đã có sự phân chia hạt và sóng,
đó là mầm sống của nhị nguyên
ai biết được đó là như nhiên hay là ý đồ của Chúa,

Rồi đến ngày Socrate xé đôi mảnh lụa
“ khai sinh một bi kịch”*
của Hy Lạp khai nguyên và duy lý
thương cho buổi bình minh của huyền thoại và thi ca
chết trong đầu của Aristote
hai mươi mấy thế kỷ
kẻ thắp lửa cho tư tưởng Tây Phương
giết chết Homère và Hésiode
cùng lịch sử các thần minh
đẩy nhị nguyên đến bến bờ sinh tử
từ phusis thiên nhiên triển nở nguyên sơ
đến phusis vật lý hững hờ xơ cứng
từ Địa đàng đến trần gian
là những bước chân của loài nơ-ron xám
thế gian ảm đạm,
người đã quên nguồn cội
đã quên dòng sông thi ca và thần thoại
đau thương còn chảy mãi đến vô cùng…

* Lời của triết gia F. Nietzsche

Ôm Chặt Huyền Không


thơ Kiều Giang


mơ hoang
rụng xuống giang đầu.
thây trôi về tận
mắt môi cội tình,
vặn chi
những phiến âm buồn,
rơi vào
nguyệt lạnh tần ngần dáng sương,


Đành thôi
lấm bánh bụi hường,
đành thôi
giấu nửa cánh hồng vào đêm,
kinh cầu mấy độ, thưa em,
ngày xưa còn vọng
cuối thềm nguyệt hoa,

Bây giờ
khép mở canh tà,
huyền không ôm chặt
cũng là huyền không

Anh Vẫn Đưa Em Về Tận Cuối Chân Trời

Thơ Kiều Giang


Những cánh gió đầu thu
thổi qua bầu trời rực rỡ cúc vàng

chất đầy nỗi sầu thiên cổ. 

Em là ẩn số muôn niên
khóa chặt hồn anh giữa bến bờ hoang thức

còn chút âm thanh vọng từ cõi nguyên sơ,
em đã cho anh để chuẩn bị cuộc trở về. 
 
Anh sẽ thoát khỏi bến mê của những nụ cúc vàng
rắc qua trần gian mơ màng lận đận
xin bàn tay em có cởi cho anh thân phận làm người, 
 
Trái tim em chất đầy những cành hoa tươi,
buổi sáng em ban phát cho vầng trăng đêm qua  sót lại ở cuối chân trời,
để rồi hoàng hôn em lấy đi,
chỉ còn những chùm hoa dại khép cánh ở ven đường.
 
Em dịu dàng ban phát văn chương
cho cõi vô thường hư ảo,
đứng nhìn  cơn bão thổi qua hồn ai,  

mùi Oải Hương rực nức sớm mai,
em đã đem chôn vào mây hoàng hôn lãng đãng.
 
Thôi em,dẫu trăng vơi biển cạn
anh vẫn đưa em về tận cuối chân trời.
  

9 thg 9, 2015

Thần Rừng và Những Bụi Gai


       thơ Kiều Giang

Thần rừng nói với ta
rằng lão chẳng thích những rối rắm của những sinh linh mà lão cai quản

Lão không thích những dòng thác cứ  gào thét đêm đêm sau những cơn mưa xối xả suốt mùa đông, nhưng tay lão chẳng thể che nổi bầu trời,
lão chẳng thích dòng nước kia lại đổ ra khơi vì lão cũng chẳng ưa gì mùa khô cạn, những ngày nắng hạn và lão chẳng có thể làm mưa.

Lão chẳng thích những bóng cây cao và những bụi gai rậm rạp vì chúng đã chắn những lối đi, nhưng lão không thể chặt hết một rừng cây từng ngày vươn sức sống.

Lão muốn điều khiển bầy thú rừng đi rông, không tuân theo trật tự của lão, nhưng lão lại không thể thay thượng đế kiến tạo muôn loài.

Từng đêm lão mệt nhoài trong giấc ngủ vì tiếng vượn hú và loài chó sói tru đêm, nhưng lão lại không thể bắt loài chim hót, loài sơn ca lại cứ hót trong bình minh.

Lão không thích loài hoa nở đêm vì hương thơm lại phí hoài khi lão đã triền miên trong giấc ngủ, nhưng lão không thể ngăn loài hoa chỉ hé nụ giữa trời xanh.
Lão nổi điên về những bước đi của tồn tại, mãi mãi tự do.


5 thg 9, 2015

Người Đi Tìm Bóng

   
         Truyện ngắn Kiều Giang


một đêm mồng hai Tết, hắn thấy một con ngựa ô, không biết từ đâu
xông vào nhà hắn, hất tung cái kính cổ treo trên tường, lồng khung gỗ mun bóng loáng, được tổ tiên hắn truyền lại từ nhiều đời, cái kính vụn vỡ, hắn lặng câm chết điếng, mấy ngày liền bỏ ăn, bỏ làm, mặt thất thần ngây ngây dại dại, quanh quẩn mãi trong nhà, không nói với ai một lời,
bầu trời như tối sầm, những vầng mây đen hoang dại như cứa lên thân phận hắn, mặt đất run cầm cập, không hiểu sao, hắn lại lẩm bẩm “ thế là hết”, và con ngựa hoang cũng đã mất dạng vào bóng đêm, ma quái huyễn hoặc,


người ta lại thấy hắn mặt cúi gầm, nhặt từng mãnh vỡ, không sót một mảnh nào, cho vào một chiếc túi vải, đem cất trong buồng riêng, khóa chặt cửa, có người cười, bảo là hắn điên, cất làm gì, sao không đổ phứt đi, rồi mua cái kiếng khác, hắn im lặng, lạnh lùng, chỉ đưa mắt xa xôi,

một ngày, bất ngờ, người ta thấy hắn trải một tấm khăn lụa trắng, mới tinh, mà hình như hắn đã cất giữ từ lâu lắm, lên chiếc bàn của bộ trường kỷ chạm xà cừ lấp lánh, cha hắn truyền lại cho hắn, hắn dán từng miếng kính vỡ lên chiếc khăn lụa rồi ngồi thừ người ra, không biết hắn thấy gì trong những miếng kính vừa ráp lại, chênh vênh, nhăn nhúm, lỗ chỗ những khoảng trống, có lẽ, may ra còn thấy được cái bóng chập chờn của hắn, vì tấm kính trước khi vỡ, cũng đã úa mờ,

đêm hôm sau , hắn không ngủ, vào phòng riêng, đóng chặt cửa, treo tấm lụa lên tường, tĩnh tọa trước ngọn nến trắng, đăm đăm soi bóng mình trước chiếc kính mà hắn vừa chắp vá, ráp lại, hắn giật mình thấy hàng ngàn chiếc bóng của hắn hiện lên những mảnh kính vỡ, nhưng tất cả đều lộn ngược, tất cả không còn theo một trật tự nào cả, râu tóc hắn bỗng chốc trắng như mây, đang bị thổi tung trong bầu trời đầy giông bão,  nỗi buồn ẩn sâu vào đôi mắt, ánh lên niềm khát vọng xa xôi, bí ẩn một huyền ngôn, mà chính hắn cũng vô cùng kinh ngạc, có điều lạ hơn là chi chít những con chữ bám đầy lên người hắn, không tạo thành một câu chữ nào mà hắn có thể hiểu được, một thứ mật ngôn đang bám theo hắn, hắn bất lực, không thể giải mã, hắn thật sự không hiểu, cái xác thân hắn đang ngồi đây và cái bóng trong từng mảnh gương kia, cái nào là có thật, hay cả hai đều thật, hay cả hai đều ảo, tâm hồn hắn trở nên bấn loạn,
nếu như hắn không có đôi mắt, con ngựa ô không làm vỡ chiếc gương soi của hắn, và hắn không ráp lại chiếc kính vỡ thì có lẽ hắn không phải đứng trước nỗi  kinh hoàng này,

bây giờ hắn lại cười, nhưng nụ cười chưa kịp mở, lại cũng tắt ngay trên môi, chiếc gương vỡ lại hiện lên cảnh mẹ hắn bế hắn đứng trước gương, lúc hắn sáu tháng tuổi, nhưng tất cả cũng trái ngược, hắn chỉ thấy hình một bà già bế một đứa con nít râu tóc cũng bạc phơ, đứa trẻ nhoẻn miệng cười, háo hức chồm người vào trong gương, như muốn thoát khỏi tay mẹ…, hắn ngậm ngùi như muốn níu lại thời gian, mà hắn biết rõ là hắn bất lực, hắn nhắm mắt,

khi hắn mở mắt ra, một cảnh tượng kỳ bí lại diễn ra trước mắt hắn, bất giác hắn òa khóc, khóc ngon lành như trẻ con, khóc như chưa bao giờ được khóc, thèm khát khóc, nước mắt hắn như từ suối nguồn vô tận, thê thảm, chua chát, cứ tưởng rằng đó là cảnh đưa tang mẹ hắn, vì quá thương mẹ nên hắn đã ứa máu con tim, nhưng không, đó là một ngày vui nhất đời hắn, một đám cưới,

lạ thật, nếu như đám cưới ngày xưa của hắn tưng bừng rộn rã sang trọng bao nhiêu thì cảnh hôm nay trong gương, lại hiu hắt, tiêu điều, cùng cố bấy nhiêu,

hôm ấy là một buổi sáng cuối đông, đầu xuân, trên nền trời trong xanh, những cánh én đã làm cái bổn phận mà đất trời đã giao cho chúng, chiếc xe hoa lướt nhẹ trên đường rộn rã tiếng chim, chú rể dìu cô dâu trong tiếng pháo giòn tan cùng tiếng vỗ tay chào mừng của hai họ và bạn bè,
cả không gian và thời gian như hoàn toàn thuộc về hai người, đêm ấy họ leo lên thiên đàng tình ái không cần mượn thang của chúa trời,
nhưng sao hôm nay lại là một ngày mưa dầm, quan cảnh thê lương tiêu điều, chiếc xe hoa lội nước trên đường, những cành hoa gắn trên xe sũng ướt, rũ rượi tả tơi, bầu trời mây đen vần vũ, hình ảnh đôi uyên ương chập chờn mờ nhạt, nhăn nhở, nức nẻ,
hắn lại thấy bão tố nổi lên nơi hang động yêu đương, đèn hoa ngậm ngùi sương gió, hắn bắt đầu một đoạn đường đời tàn lụi ái ân, nhìn vào tấm gương vỡ, hắn lại khóc, hắn lẩm bẩm trong đầu “không, không phải, nhất định không phải đám cưới của ta”,

những mảnh gương vỡ lại tiếp tục hiện về những hình ảnh ngược, người ta cắm đầu xuống đất để chém giết nhau, nhưng máu lại cứ chảy lên trời, bầu trời nhuộm một màu đỏ thẫm, máu và lửa lại phủ lên đời hắn, nhưng thật kỳ lạ, máu và lửa lại không nhuộm đỏ cũng không đốt cháy được những con chữ cứ bám chặt theo hắn, hòa vào máu của hắn, lại một lần nữa, hắn cảm thấy bất lực trước số phận,

hắn thấy mình cứ bước đi trong gương về phía trước, mặc cho máu và lửa vẫn cứ đuổi theo hắn,
đêm ấy hắn ngất đi trước tấm gương, bên cạnh ngọn nến trắng vẫn còn đang cháy, như muốn thắp sáng cái thân phận hắn lên những mảnh gương vỡ,
         Sài Gòn 5/9/2015