PGS.Karen Thornber
Đại học Harvard, Hoa Kỳ
ThS. Nguyễn Ngọc Bảo Trâm dịch
Trong bài viết “Lịch sử tái diễn”, đăng trên tờ The New Yorker chỉ hai tuần sau thảm họa động đất, sóng thần, và sự cố nóng chảy lõi lò phản ứng hạt nhân Tohoku tháng 3 năm 2011, nhà văn Nhật Bản đoạt giải Nobel Ōe Kenzaburo (大江健三郎, 1935) đã nhấn mạnh thêm nữa lời kêu gọi cá nhân và xã hội “tôn trọng đời sống con người” lâu nay của mình .
Đối với Ōe, các hibakusha (被 爆 者 - người bị phơi nhiễm phóng xạ, thuật ngữ chỉ những nạn nhân của hai vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki) chính là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống con người. Gần năm mươi năm trước, trong tiểu luận Sổ tay Hiroshima của mình (ヒロシマ • ノートHiroshima nōto, 1965), Ōe đã thể hiện rất rõ lòng ngưỡng mộ dành cho những người sống sót sau sự kiện Hiroshima. Vì vậy, không hề ngạc nhiên khi trong bài viết “Lịch sử tái diễn”, ông lập luận rằng việc không tôn trọng đời sống con người bằng cách xây dựng các lò phản ứng hạt nhân chính là “sự phản bội tồi tệ nhất đối với ký ức của các nạn nhân Hiroshima”. Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng “sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima sẽ là một cơ hội để người Nhật thêm lần nữa hướng về các nạn nhân Hiroshima và Nagasaki, để nhận thức về nguy cơ từ năng lượng hạt nhân và để chấm dứt ảo tưởng về khả năng ngăn chặn nó vốn được các cường quốc hạt nhân thể hiện”. Ông khẳng định đó chính là sự hủy diệt đang chực chờ người Nhật và bắt buộc họ phải coi trọng những lý tưởng nhân văn thời hậu chiến. Đó là ký ức về cái chết, ông tuyên bố, “đã ngăn cản chúng ta giảm đến mức tối thiểu tính chất nguy hại của vũ khí hạt nhân nhân danh chủ nghĩa hiện thực chính trị”.
Bài viết trên tờ The New Yorker của Ōe đã nhấn mạnh sự liên kết, cả trong tâm tưởng và thực tế, giữa người Nhật đương đại và các hibakusha đã chết. Ōe chắc chắn cũng đồng tình rằng tôn trọng những người đã khuất không phải là lý do duy nhất khiến người Nhật phải tôn trọng những lý tưởng nhân văn hậu chiến, và tôn vinh ký ức về các hibakusha Nhật Bản không phải là lý do duy nhất để ngăn chặn việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, ông đã mô tả những ràng buộc với hibakusha như là những động cơ và sức mạnh quan trọng nhất của việc tôn trọng sự sống con người.
Những gì đã xảy ra sau đó? Là nghĩa vụ đối với những người đã chết – không phải vậy, cần phải lưu ý rằng chính nghĩa vụ đối với quốc gia (Nhật Bản) đã thôi thúc đầy lý tưởng những người còn sống làm việc vì sức mạnh của đất nước (Nhật Bản). Nói cách khác, Ōe mô tả tập trung vào một nhóm đặc biệt và tương đối nhỏ, nhưng khá đa dạng những người Nhật đương đại tiềm năng và thực sự xã hội Nhật đương đại phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ Nhật Bản khỏi những rủi ro từ năng lượng hạt nhân. Nhưng không chỉ có sự phổ biến của các nhà máy điện hạt nhân đe dọa tương lai Nhật Bản. Có thể cho rằng nguy cơ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nhật Bản chỉ là phóng đại. Rất đáng chú ý, Ōe miêu tả cuộc hàn gắn với hibakusha còn cho phép Nhật Bản làm nổ tung chiếc bong bóng bảo vệ cái gọi là “chiếc ô hạt nhân của Mỹ”.
Mối quan ngại đầu tiên là Nhật Bản rất dễ bị động đất tàn phá, nên tính chất nguy hiểm của vũ khí hạt nhân và năng lượng hạt nhân càng tăng thêm, hơn nữa nguy cơ này còn đe dọa ngay cả ở những khu vực có địa hình ổn định nhất. Tuy nhiên, mối quan ngại này còn vượt ra ngoài biên giới Nhật Bản. Trong “Lịch sử tái diễn”, Ōe kêu gọi người Nhật “nhận thức tính chất nguy hiểm của năng lượng hạt nhân để chấm dứt ảo tưởng về khả năng ngăn chặn nó vốn được các cường quốc hạt nhân thể hiện”. Ở đây ông không xác định cụ thể ai đã chấp nhận ảo tưởng về khả năng ngăn chặn nguy cơ, điều đó cho thấy rằng không phải chỉ có riêng người Nhật cả tin. Hơn nữa, ông dùng từ “năng lượng hạt nhân” ở số nhiều, gợi lên hoạt động tuyên truyền ở nhiều nơi, bao gồm và không giới hạn cả Hoa Kỳ. Nói cách khác, tôn vinh ký ức của hibakusha đã chết có khả năng cho phép người Nhật, và sau nữa là xã hội Nhật làm việc, tất nhiên một cách vô thức để cải thiện điều kiện trên toàn cầu.
Viết từ tác động của thảm họa Fukushima, nên việc Ōe quan tâm đến ký ức về hibakusha là hết sức tự nhiên. Cũng dễ hiểu rằng ông cần phải đi xa như vậy để có thể nói “một lần nữa chúng ta phải nhìn mọi việc qua đôi mắt của các nạn nhân hạt nhân, những người đàn ông và phụ nữ, những người đã chứng tỏ sự can đảm của họ thông qua nỗi thống khổ”.
Nhưng còn những nạn nhân khác của chiến tranh thế giới thứ hai, và đặc biệt là những nạn nhân ở nhiều nước châu Á của chính Nhật Bản thì sao? Ōe đã băn khoăn rất nhiều về sức mạnh tương lai của khu vực, và cả toàn thế giới, nhưng còn quá khứ thì thế nào? Rất khó để tìm thấy khuyết thiếu trong liên kết giữa người Nhật đương đại với người Nhật đã chết để thúc đẩy người Nhật đương đại làm việc vì lợi ích của Nhật Bản trong tương lai theo những cách có khả năng mang lại lợi ích xã hội trên toàn cầu. Tuy nhiên, có những rủi ro liên quan đến việc đó, bởi không ít điều là không công bằng với ký ức của người Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, và các dân tộc châu Á khác từng là nạn nhân của người Nhật. Kêu gọi người Nhật còn sống nghĩ về người Nhật đã chết không hề ngăn cản họ nghĩ đến các dân tộc châu Á từng bị người Nhật tàn sát trong những năm trước sự kiện bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki. Và hướng đến tương lai cũng không nhất thiết phải loại trừ suy nghĩ về quá khứ. Tuy nhiên, liên hệ đến chỉ một quá khứ riêng biệt, chỉ một nhóm nạn nhân duy nhất, đặc biệt là nhóm bị tổn thương nghiêm trọng, và một nhóm tượng trưng hết sức rõ ràng cho thời bị đàn áp và ngoại xâm, trớ trêu thay đã bỏ qua sự nhìn nhận về các nhóm khác mà ý nghĩa nhân đạo của họ đã và thường tiếp tục bị từ chối. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, trong suy nghĩ của Ōe, là sự hướng tới thế giới (tương lai), tuy nhiên vô tình lại đóng cánh cửa nhìn về quá khứ (thế giới).
Đây là nguyên nhân khiến Ōe đã bị các nhà văn ở các nước châu Á khác công kích, đáng chú ý nhất là nhà thơ bất đồng quan điểm người Hàn Quốc Kim Chiha (김지하; 1941 -). Vào năm 1990, bốn năm trước khi được trao giải Nobel, Ōe đã gặp Kim Chiha, người mà cách đó mười lăm năm chính Ōe đã tuyệt thực để đấu tranh và phản đối án tử hình dành cho ông. Dịp gặp gỡ đầu tiên của họ là chương trình đặc biệt của kênh truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK “Thế giới có nhớ về Hiroshima? Ōe Kenzaburo: Hành trình đối thoại và phản ánh” (世界はヒロシマを覚えているか~大江健三郎・対話と思索の旅; Sekai wa Hiroshima o oboeteiru ka - Ōe Kenzaburo: Taiwa to shisaku no tabi). NHK phát sóng chương trình này nhân kỷ niệm 45 năm sự kiện bom nguyên tử. Vào thời điểm đó, Kim Chiha đã công kích Ōe vì chỉ tập trung vào sự kiện bom nguyên tử ở Nhật Bản. Kim Chiha cũng nhắc lại điều này vào năm 1995 trong cuộc gặp tiếp theo giữa hai nhà văn, “Tôi nhớ là đã đả kích ông khi đó, ngay từ đầu, vì chủ đề ‘tưởng nhớ Hiroshima’. Tại sao người Nhật lại lựa chọn chủ đề đó? Tại sao họ không nói về cuộc thảm sát 300.000 người ở Nam Kinh, một sự kiện điển hình về tội ác của Nhật Bản, hoặc về vấn đề ‘nô lệ tình dục phụ nữ’ ở Hàn Quốc... [Tại sao họ lại khẳng định] rằng Nhật Bản đã bảo vệ và giải phóng châu Á khỏi các cường quốc đế quốc phương Tây?... Tôi nghĩ rằng, cùng với việc nêu lên vấn đề Hiroshima hoặc thậm chí trước hết chính là cần phải có một phong trào mạnh mẽ để nêu lên các vấn đề tội ác về đạo đức của chính Nhật Bản. Tôi thấy rất phi lý với thực tế rằng NHK hoàn toàn bỏ qua tất cả những điều này và chọn Hiroshima là chủ đề duy nhất” (286, 288) . Kim Chiha nhắc lại cảm giác của người châu Á nói chung, như Kim cũng lưu ý trong cuộc trò chuyện năm 1995 với Ōe, “Hàn Quốc và các dân tộc châu Á khác chỉ tìm thấy ở đây [tập trung tuyệt đối vào Hiroshima] sự khó chịu” (288).
Ōe hoàn toàn đồng ý và xác nhận với Kim Chiha rằng thay vì nói về Hiroshima thì có thể bàn về vấn đề nô lệ tình dục phụ nữ, lao động cưỡng bức, sự áp bức và thống trị của Nhật Bản ở khu vực Đông Á: “Về cơ bản, tôi nghĩ rằng ông đã đúng khi nói về những điều này. Đúng là tôi không thể hỏi, ‘Bạn có nhớ về Hiroshima không?’ ở Hàn Quốc. Ông nhớ và tôi cũng nhớ vụ thảm sát Nam Kinh. Trước hết chúng ta nên nói về nô lệ tình dục phụ nữ, về lao động cưỡng bức, sự thống trị của Nhật Bản ở tất cả các khu vực châu Á, và các vấn đề sau chiến tranh” (286-7).
Năm 1995, Ōe cũng nói với Kim Chiha như năm năm trước đó, khi hai người gặp nhau, ông đã “suy ngẫm về lý do tại sao tôi bị chỉ trích”. Ōe tiếp tục: “Và tôi cảm thấy rằng tôi nên viết về cuộc thảm sát Nam Kinh chứ không phải là về Hiroshima. Vì vậy, trong năm năm qua, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về châu Á” (287). Phát ngôn này là thành thật. Tuy nhiên, như khám phá qua bài “Chỉ có sự thật” (ジャ スト • ミート; Jasuto mīto, tháng 11 năm 1990), in trong tuyển tập tiểu luận xúc động của Ōe Gia đình tự chữa lành (恢復 する 家族; Kaifuku suru kazoku, năm 1995), việc chuyển từ Hiroshima sang châu Á không phải là ngay lập tức. Trong bài viết này, năm 1990, Ōe viết rằng “Nếu được yêu cầu nêu ra suy nghĩ của mình một lần nữa, tôi sẽ trả lời đại để như sau. Cho rằng sự kiện ném bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki là thảm kịch tồi tệ nhất của thế kỷ XX chắc chắn là không hề cường điệu” (25). Ở đây điều quan trọng là ông khẳng định rằng “tuyệt đối không có sự phóng đại” (決して おお ざっぱすぎはしない) rằng các hibakusha đã trải qua “thảm kịch tồi tệ nhất của thế kỷ XX” (二 十 世紀 で 最悪 [saiaku] の... 悲惨事 [hisangoto ] であった) (25). Cũng như đã viết trong Sổ tay Hiroshima, Ōe hài lòng với phép so sánh nhất, độc nhất. Một lần nữa, ông dường như đã quên mất những đau thương ở châu Á lục địa, sự kiện Holocaust, nạn diệt chủng tại Armenia và Campuchia, khi nêu ra một vài trong số các vi phạm nhân quyền khủng khiếp nhất của thế kỷ hai mươi. Và sự lãng quên này xảy ra chỉ ba tháng sau cuộc gặp của ông với Kim Chiha. Trớ trêu thay, như đã đề cập, Gia đình tự chữa lành đã được xuất bản vào năm 1995, cùng năm đó là cuộc gặp thứ hai giữa Ōe và Kim Chiha, nhưng nhà thơ Hàn Quốc có vẻ đã không biết về tác phẩm này, hoặc ít nhất là không biết về các nhận định về Hiroshima trong “Chỉ có sự thật”.
Gạt nỗi đau của dân tộc mình sang một bên, tại cuộc gặp năm 1995 với Kim Chiha, Ōe không che giấu niềm ngưỡng mộ của mình đối với Kim, ông nói với nhà thơ Hàn Quốc, “Khi tôi nhận giải Nobel, tôi tự vấn rằng mình mang nợ ai. Tôi đã nói rằng tôi thừa kế tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản sau chiến tranh như Ōoka Shōhei và Abé Kōbō. Tôi cũng đã nói rằng những chỉ trích của Kim Chiha năm năm trước đây chính là một giúp ích lớn lao” (287). Ở đây, không giống như trong “Tính hai mặt của Nhật Bản” (Japan’s Dual Identity), một bài giảng của ông tại Đại học Duke vào năm 1986, Ōe không đề cập đến sáng tác của người đồng nghiệp Hàn Quốc mà thay vào đó là những chỉ trích của ông ấy dành cho người đồng nghiệp Nhật Bản. Đặc biệt thú vị là vai trò khác biệt của các nhà văn Hàn Quốc có vẻ trái ngược với các nhà văn Nhật Bản. Mối quan hệ của Ōe với Ōoka Shōhei và Abé Kōbō, ít nhất như ông miêu tả ở đây là tương đối xa xôi và thụ động - đơn giản là ông đã thừa hưởng di sản của họ. Còn quan hệ với Kim Chiha thì gần gũi hơn và tích cực hơn - ông đã học hỏi được đáng kể từ nhận xét của Kim Chiha đối với tác phẩm của ông. Nói cách khác, trong khi có gì đó thụ động khi các nhà văn Nhật Bản như Ōoka và Abé để lại di sản của họ cho Ōe, thì nhà văn Hàn Quốc chống lại ông một cách cá nhân hoàn toàn theo nghĩa đen, và đã thay đổi suy nghĩ của ông. Ở đây có một chút khác biệt trong sáng tác văn chương của Kim Chiha, và theo một chiều hướng nào đó trong tuyên bố này Ōe ngụ ý rằng trong khi các nhà văn Nhật Bản để lại một di sản văn học đầy sức mạnh thì các đồng nghiệp Hàn Quốc lại mang đến những phê bình có giá trị hơn. Tuy nhiên, trong cuộc trò chuyện năm 1995, ông nhanh chóng thể hiện rằng đóng góp của Kim Chiha không chỉ có ý nghĩa đối với riêng ông mà còn là đối với văn học châu Á nói chung. Ōe tuyên bố, “Tôi không hề nghĩ rằng tôi là một nhà văn Nhật Bản được nhận giải Nobel hay là giải Nobel đã được trao cho Nhật Bản. Cảm giác thật tuyệt khi người Nhật ca ngợi tôi, nhưng tôi nghĩ rằng tôi nhận giải thưởng này không phải chỉ như một nhà văn Nhật Bản mà là một nhà văn của châu Á. Nếu ông là người nhận giải thưởng này, tôi cũng sẽ vui mừng vì ông nhận giải thưởng với tư cách là một nhà văn châu Á. Và tôi cũng sẽ mừng vui, nếu một nhà văn Trung Quốc, chẳng hạn như Mạc Ngôn hay Trịnh Nghĩa nhận giải thưởng này” (287).
Chắc chắn là ở đây Ōe không tán dương Kim Chiha, Mạc Ngôn (莫言, 1955 -), hay Trịnh Nghĩa (郑义, 1947 -), nhưng rõ ràng ông đã tôn trọng những tác giả này như là các đồng nghiệp. Và trong các tác phẩm sau này, ông bày tỏ cảm xúc của mình thậm chí còn thẳng thắn hơn, chẳng hạn trên bìa bản dịch tiếng Anh năm 2001 tập truyện ngắn Bác càng lúc càng hài! ( 师傅越来越幽默; Shīfu yuè lái yuè yōumò, 2000) của Mạc Ngôn, đã thể hiện sự quả quyết của ông đối với nhà văn Trung Quốc: “Nếu tôi được lựa chọn một tác giả Nobel, thì đó sẽ phải là Mạc Ngôn”. Thậm chí ấn tượng hơn, theo quan điểm nhận định của Ōe trong “Tính hai mặt của Nhật Bản” về việc thừa hưởng di sản của các nhà văn Nhật Bản sau chiến tranh như Ōoka Shōhei và Abé Kōbō, là ý kiến của ông trong “Sinh ra từ sự mơ hồ Nhật Bản” (Aimai na Nihon no watakushi): “Bằng cách chia sẻ những ẩn dụ đã xa xưa nhưng vẫn còn thân thuộc và đầy sức sống tôi hòa mình cùng với các nhà văn như Kim Chiha của Hàn Quốc và Trịnh Nghĩa và Mạc Ngôn của Trung Quốc”. Như đã nói ở trên, Ōe tin tưởng sự gần gũi của ông với các nhà văn Nhật Bản khác thời hậu chiến xuất phát từ “việc thừa kế” dữ liệu của các nhà văn Nhật Bản. Đồng thời, trong diễn từ nhận giải Nobel của mình, ông nói về “việc chia sẻ” cái gì đó quan trọng lớn lao với các đồng nghiệp châu Á lục địa của mình, và thậm chí còn quan trọng hơn, hòa mình với họ (結びつける). Ōe tiếp tục, “Đối với tôi, tính toàn cầu [世界性] của văn học được hình thành từ các kết nối cụ thể [具体 sự な つながり]” (14). Ông gợi nhắc với độc giả của mình rằng cách đây hai thập kỷ ông đã tham gia tuyệt thực vì Kim Chiha sau khi Kim bị kết án tử hình. Sau đó, ông tiết lộ mối lo lắng của mình về số phận của các nhà văn tài năng của Trung Quốc mà ông tuyên bố rằng đã “bị tước đoạt sự tự do thể hiện kể từ sau biến cố Thiên An Môn” (15).
Ý thức sâu sắc về quan hệ cộng đồng của Ōe được phản ánh trong các bình luận ngắn về Hiroshima và Nagasaki trong diễn từ “Sinh ra từ sự mơ hồ Nhật Bản”. Nhận xét này tương tự như vậy nhưng theo một cách thức quan trọng phát xuất từ cảm xúc trong “Tính hai mặt của Nhật Bản” cũng như các bài viết khác. Mong mỏi người Nhật lao động vì hòa bình, Ōe tuyên bố: “Loại bỏ nguyên tắc hòa bình bền vững [trong hiến pháp Nhật Bản] sẽ là hành động phản bội các nạn nhân [犠 牲 者] châu Á, và nạn nhân của Hiroshima và Nagasaki” (10). Cũng giống như “Tính hai mặt của Nhật Bản”, trong diễn từ nhận giải Nobel của mình, Ōe nhắc đến Hiroshima trong bối cảnh chiến tranh xâm lược của Nhật Bản đối với các dân tộc châu Á khác và bằng cách ám chỉ tầm quan trọng toàn thế giới của việc sửa đổi hiến pháp Nhật Bản, tác động đến xã hội toàn cầu. Nhưng lưu ý rằng, trong “Tính hai mặt của Nhật Bản” ông nói về Hiroshima và Nagasaki đầu tiên chỉ đơn giản như là những phần trong di sản của Nhật Bản bị chính phủ Nhật Bản lãng quên trong sự hỗ trợ các chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược Hoa Kỳ (1983) và thứ hai là điều gì đó mà từ đó các nhà văn Nhật Bản tìm kiếm cách thức để phục hồi. Ngược lại, trong “Sinh ra từ sự mơ hồ Nhật Bản”, cũng như trong Sổ tay Hiroshima, Ōe nói rõ ràng, dù vắn tắt, về những con người từng trải qua sự kiện bom nguyên tử. Thậm chí quan trọng hơn, ông lập luận rằng thay đổi hiến pháp Nhật Bản chính là sự phản bội các nạn nhân này cũng như người dân của Châu Á lục địa. Đề cập đến hai nhóm này bên cạnh nhau có vẻ đơn giản chỉ là một hành động, cũng quá rõ ràng cho một hành động được đề cập. Tuy nhiên, điều đó khó khăn nhiều hơn là nó có vẻ. Trong Sổ tay Hiroshima và sau đó một lần nữa trong “Lịch sử tái diễn”, Ōe nói về tầm quan trọng của việc không phản bội ký ức của các hibakusha. Nhưng ở đây, trong “Sinh ra từ tính đa nghĩa của Nhật Bản”, ông không chỉ thừa nhận nỗi thống khổ của các dân tộc khác dưới sức mạnh Nhật Bản. Ông còn liên kết nỗi đau đớn này với các hibakusha. Không phải là đặc quyền. Đó nghĩa là tôn trọng ký ức của cả hai bên, rằng Nhật Bản sẽ cùng với với cả thế giới lên án chiến tranh.
Vậy câu hỏi đặt ra là sẽ như thế nào - đây là quan điểm của Ōe cách đây gần hai mươi năm trong diễn từ nhận giải Nobel, không phải là lập trường của ông trong mùa xuân gần đây nhất qua bài viết “Lịch sử tái diễn”, khi vết thương Fukushima vẫn còn quá mới mẻ để nhận định. Thật thú vị, nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn trong cuốn tiểu thuyết gần đây của ông Ếch (蛙; Oa, Ếch, tháng 12 năm 2009) trình bày một câu chuyện có thể. Trong cuộc trò chuyện năm 1995 giữa Ōe và Kim Chiha, Kim Chiha đã than phiền, “Thật không may khi một tiểu thuyết gia và một nhà thơ gặp nhau lại không thể đến với nhau về tinh thần và trao đổi những câu chuyện kỳ diệu mà thay vào đó phải nói về lịch sử bạo tàn và bi thảm” (286). Kim Chiha và Ōe phải đương đầu với thách thức đó; còn tiểu thuyết của Mạc Ngôn thì mô tả về hai nhà văn Đông Á, những người đã làm như vậy.
Năm 2002, Ōe đã cùng Mạc Ngôn công khai đi thăm quê hương của Mạc Ngôn ở Đông Bắc Cao Mật, tỉnh Sơn Đông trong một chương trình của NHK. Mạc Ngôn đề cập đến chuyến thăm này trong Ếch, cuốn tiểu thuyết miêu tả cuộc sống khổ cực của dì ông. Bà là một bác sĩ nông thôn luôn giằng xé giữa nhiệm vụ với chính sách một con của Trung Quốc và hiện thực khát khao của những ông bố bà mẹ, đã mang thai nhiều lần, và buộc phải phá thai nhiều lần. Giống như nhiều câu chuyện của Mạc Ngôn, trước hết Ếch đã được dịch sang các ngôn ngữ châu Á khác. Tác phẩm được dịch sang tiếng Việt với tựa Ếch vào năm 2010 chỉ chưa đầy một năm sau khi nguyên bản tiếng Trung Quốc ra đời, tiếp theo là bản tiếng Nhật với tựa Amei (蛙鸣) vào tháng 5 năm 2011. Bản dịch tiếng Pháp, phát hành vào tháng 8 năm 2011, là bản dịch sang ngôn ngữ phương Tây đầu tiên của tác phẩm. Nhà xuất bản Nhật Bản đã hết sức đề cao Mạc Ngôn qua tuyên bố trên bìa bản dịch tiếng Nhật: “nhà văn châu Á tiềm năng nhất có thể đoạt giải Nobel”, lặp lại nhận xét của Ōe vào năm 2000, đã trích dẫn ở trên.
Trong “Nghe tiếng ếch kêu” (聽取蛙聲一片; Tīngqǔ wā shēng yīpìan), lời nói đầu của bản dịch Ếch ở Đài Loan, Mạc Ngôn thể hiện rõ nỗi đau của mình đối với chính sách một con của Trung Quốc. Cũng như vậy, trong lời giới thiệu bản tiếng Nhật, cũng như tuyên bố trên bìa sách rằng đây là một kinsho (禁书; cấm thư), dịch giả tiếng Nhật của Mạc Ngôn là Yoshida Tomio (吉 田富夫) tán dương nhà văn Trung Quốc phải đương đầu trực tiếp với những gì từ lâu là chủ đề cấm kỵ trong văn học Trung Quốc. Trong paratexts (cận văn bản – những yếu tố nằm ngoài cốt truyện, bao gồm tiêu đề, tiêu đề phụ, lời mở đầu, lời đề tặng, lời bạt,… - ND), không có trong các văn bản xuất bản ở Trung Quốc đại lục của Ếch, Mạc Ngôn và Yoshida cũng nói về chuyến thăm Trung Quốc của Ōe và vai trò quan trọng của ông trong việc sáng tác Ếch, điều qua đó Yoshida đảm bảo thu hút được độc giả Nhật Bản. Cuốn tiểu thuyết của Mạc Ngôn đặc biệt hấp dẫn đối với cái nhìn từ nội tại Đông Á, cứ mỗi năm chương của tác phẩm sẽ được bắt đầu bằng một lá thư của người kể chuyện Khoa Đẩu (Con nòng nọc) gửi cho bạn của mình, nhà văn Nhật Bản Sugitani Yoshihito. Bức thư đầu tiên cho biết Sugitani thăm Khoa Đẩu và dì của ông ở Trung Quốc năm 2002; Khoa Đẩu phát hiện mối quan tâm của Sugitani đối với dì mình và mong muốn biết nhiều hơn về bà đã thúc đẩy ông viết về cuộc đời bà. Ếch là một tác phẩm bán tự truyện, nhưng quan trọng hơn sự nhận diện chính xác các nhà văn trong tiểu thuyết là miêu tả về mối quan hệ hữu nghị trong văn học Đông Á với chẳng hạn như một di sản đáng lo ngại, một cái gì đó không thể hiện trong các paratexts ở cả bản tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật, hoặc trong các bản dịch tiếng Pháp của cuốn tiểu thuyết. Bức thư tiếp theo tiết lộ rằng cha của Sugitani là chỉ huy quân đội, người đã bắt dì Khoa Đẩu và gia đình bà, bao gồm cả ông nội của bà, một bác sĩ nổi tiếng trong quân đội Trung Quốc. Miễn cưỡng chấp nhận điều này sẽ cản trở mối quan hệ của họ, Sugitani tạ lỗi với Khoa Đẩu vì tội lỗi thế hệ cha mình đã gây ra; Khoa Đẩu không chỉ tán dương hành động của Sugitani, tuyên bố anh chính là hình mẫu cho cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc, mà còn khẳng định rằng cả Sugitani và cha của anh đều là nạn nhân của chiến tranh. Trong lá thư khác, Khoa Đẩu cho biết dì mình đặc biệt mong muốn được nói chuyện lần nữa với Sugitani và thúc giục anh trở lại Trung Quốc: “Dì tôi nhắc đến anh mỗi khi bà gặp tôi, bà chân thành mong anh quay trở lại… Bà cũng nói rằng có rất nhiều điều trong lòng muốn chia sẻ, rằng không có ai mà bà có thể mở lời cả. Nhưng nếu anh đến, bà sẽ nói tất cả với anh” (219). Ở đoạn khác Khoa Đẩu khẳng định rằng Sugitani cũng sẽ được các nhà văn Trung Quốc chào đón nồng nhiệt khi tới thăm đại lục.
Một nhà văn Nhật Bản là con trai của một chỉ huy quân đội, những người làm hại gia đình anh, một nhà phê bình Trung Quốc về giai đoạn chiến tranh Nhật Bản, người bạn yêu quý của mình, một người bạn tâm giao, độc giả đầu tiên đọc bản thảo của anh, và trong thực tế là cảm hứng cho sáng tạo của anh, Khoa Đẩu chứng tỏ khả năng của quan hệ hữu nghị Trung-Nhật trong văn học và các loại hình khác. Ông đặt ra một trách nhiệm lớn lao cho các nhà văn Nhật Bản và Trung Quốc, họ được xin lỗi và chấp nhận lời xin lỗi vì quá khứ và sau đó củng cố các quan hệ cộng đồng, cả cá nhân và chuyên nghiệp, với sức mạnh đảm bảo sẽ làm cho quá khứ hầu như không thể lặp lại. Quan trọng nhất cho mục đích của chúng ta, thực tế là Khoa Đẩu đã làm điều đó trong một cuốn tiểu thuyết chủ yếu tập trung vào những thương tổn vì chính sách một con của Trung Quốc để nói về tính cấp bách của việc giải quyết những sai lầm trong quá khứ. Nếu chấn thương từ xa xưa vẫn không thể chữa lành, không được chú ý thì sẽ làm cho nỗi đau hiện tại nặng nề hơn, và đau khổ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Như các liên văn bản, văn bản này của một nhà văn nước ngoài gợi nguồn cảm hứng cho các cây bút có thể đưa ra một phân chia giao thoa văn hóa khác mà không đánh mất trạng thái sáng tạo hoặc tính toàn vẹn.
Mặc dù nhiều trí thức Đông Á phải do dự nhiều hơn Ōe để bỏ qua dân tộc tính trọn vẹn (như ông đã làm trong cuộc trò chuyện của mình với Kim Chiha), sự hăm hở của Ōe nhằm tạo ra các quan hệ cộng đồng trong văn học hay các loại hình khác ở Đông Á đã được rất nhiều nhà văn và các văn bản chủ yếu về thời kỳ hậu chiến chia sẻ. Đặc biệt là ý kiến hùng hồn của chính Mạc Ngôn tại lễ khai mạc Hội chợ sách Frankfurt năm 2009:
Mục đích chúng tôi đến hội chợ sách lần này là để thực hành lý thuyết của Goethe về văn học thế giới. Trong thời đại của giao lưu và đối thoại, sự giao tiếp và đối thoại giữa các nhà văn là hết sức cần thiết. Ngồi lại với nhau, có một cuộc trò chuyện mặt đối mặt là giao tiếp, đọc các tác phẩm của nhau cũng là giao tiếp, giao lưu thậm chí còn quan trọng hơn nữa… Để tôi lặp lại những lời tôi đã nói nhiều lần: một nhà văn có một quốc tịch, nhưng văn học không có ranh giới… Chúng ta hãy để văn học đảm nhận vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giao lưu giữa các nước, các quốc gia, và các cá nhân. Và cho chúng tôi, trong thời đại của giao lưu và đối thoại, đảm đương vai trò của chính mình và làm thật tốt (“Nhà văn”; “A Writer”).
Mạc Ngôn hơi cường điệu – vì không phải tất cả các nhà văn đều xác định rõ quốc tịch, như đã nói ở trên, Ōe hoàn toàn ngược lại đã tuyên bố trong sự hy sinh phần nào tư cách nhà văn Nhật Bản của mình. Và không phải là toàn bộ văn học đều không có ranh giới. Tuy nhiên, điểm quan trọng hơn của Mạc Ngôn là năng lực. Và như là chính tiểu thuyết Ếch của ông cho thấy, kết nối cộng đồng văn học không phải là hoàn toàn không tưởng. Họ thể hiện cho động lực, sự đa dạng, trong thời đại yêu cầu và thách thức nơi người ta có thể đấu tranh và trong thời đại giành lấy tính hợp pháp và tôn trọng.
Đó cũng như chiếc ô mà Ōe và Mạc Ngôn muốn các nhà văn và sau nữa là các dân tộc cùng che chung. Những chiếc ô văn học cũng như các loại hình khác phát triển quan hệ hữu nghị, hoàn toàn không giống như những chiếc ô hạt nhân bất chấp những huyền thoại xung quanh chúng có vẻ như chỉ xòe ra cây nấm hạt nhân (đám mây). Nhưng tác phẩm của Ōe cũng cho thấy sự liên kết bền bỉ giữa các cá nhân, quốc gia, khu vực, toàn cầu, và tất cả mọi thứ trong đó. Mối quan tâm dành cho một người có thể dễ dàng chuyển thành mối quan tâm đối với nhiều người, và mối quan tâm đối với nhiều người có thể trở thành mối quan tâm cho một người. Tuy nhiên, cái toàn thể, không nói đến cá nhân, có thể dễ dàng bị lãng quên trong quá trình đó. Một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Nhật Bản, Ōe đã từ chối chỉ nhìn Nhật Bản như là nạn nhân. Tuy nhiên, ông cũng cho thấy khó khăn thế nào để hướng đến toàn cầu trong phạm vi cá nhân và hướng đến cá nhân trong phạm vi toàn cầu.
Nguồn :Khoa văn học và ngôn ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét