tạp văn của Yiwu Liao
chuyển ngữ :Nguyên Mẫn
Tháng 12. 2007, nhà văn Liao Yiwu (Liêu Diệc Võ) đến Bắc Kinh để nhận giải Tự do Cầm bút do Trung tâm Văn bút Độc lập Trung Quốc [1] trao tặng dành cho những tác phẩm phi hư cấu của ông ghi chép về những cuộc đời của các thành phần bị lãng quên trong xã hội Trung Quốc. Một ngày trước lễ trao giải, công an Bắc Kinh đến bắt Liao Yiwu tại nhà bạn của ông, thẩm vấn suốt bốn giờ liền rồi giao ông cho cảnh sát áp giải về nhà ông ở tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi người tổ chức buổi lễ và một người đoạt giải khác [2] bị quản thúc tại gia, Trung tâm Văn bút Độc lập buộc phải hủy bỏ buổi lễ trao giải. Sau đây là bài diễn văn mà Liao Yiwu đã dự định đọc tại buổi lễ.
Theo âm lịch, ngày 16 tháng Sáu, ngày sinh của tôi, là một ngày rất tốt. Đấy là ngày mà Quan Âm, vị bồ tát từ bi cứu khổ cứu nạn, đắc đạo. Nhưng đối với tôi mọi sự xảy ra chẳng tốt lành gì cả. Tôi ra đời giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang hoành hành, từ 1959 đến 1962, đã cướp đi hàng triệu mạng người. Cha tôi kể lại rằng, khi tôi được một tuổi, thân hình bé nhỏ của tôi phình chướng vì suy dinh dưỡng. Tôi không đủ cả hơi sức để khóc. Một ông thầy thuốc bắc ở Niushikou, gần Thành Đô (Chengdu), chỉ cho cha mẹ tôi cách chữa bệnh là bồng tôi để trên một chảo thuốc bắc để xông mỗi ngày hai lần, sáng và tối. Sau cùng, hơi thuốc đã rút cho đến hết, từng giọt một, chất dịch màu vàng trong thân thể tôi. Nhờ thầy thuốc ấy, tôi đã sống sót.
Đói, ông thầy đầu tiên trong đời, đã đeo đuổi tôi suốt thời thơ ấu. Đói làm tôi còi cọc, chậm hiểu. Tôi là một đứa bé trì độn. Khi được năm tuổi tôi vẫn còn đi đứng khó khăn. Nhiều năm sau, ảnh hưởng của đói vẫn còn phảng phất trong tập Chứng nhân, hồi ký về lao tù của tôi. Trong cái chuồng lợn của đất nước này, con người phải gan dạ lắm mới có thể làm nhân chứng trong tù, mới có thể thưởng thức được cái mùi nồng từ thân thể bạn tù, và gặm nhấm những kỷ niệm đã thối rữa qua răng, qua máu, qua bầm dập.
Cách mạng Văn hóa bắt đầu khi tôi đang còn theo bậc tiểu học. Cha tôi, một giáo viên trung học, bị quy là trí thức phản cách mạng. Sau khi cha tôi bị kết án, gia đình tôi tan vỡ. Mẹ tôi được quyền nuôi giữ tôi và em gái tôi. Chúng tôi rời Diêm Đình (Yanting), trôi dạt từ nơi này sang nơi khác, trải qua vô số vụ khám xét và thẩm vấn vì cái mà nhà cầm quyền gọi là “di trú vào thành phố không có hộ khẩu.” Khi tôi lên chín, mẹ tôi bị kết tội là địa chủ đào thoát và sống trong thành phố không có hộ khẩu. Vào một đêm công an đến bắt mẹ tôi đem giam và thẩm vấn. Từ đó, cái thuật ngữ, “Hei-ren-hei-hu” hay “Cá nhân và gia đình không có hộ khẩu”, đã khắc ghi vào tâm trí của tôi, trở thành ông thầy thứ hai trong đời. Có lẽ để rửa sạch nỗi hỗ thẹn vì tình trạng này, tôi đã để cho mình chìm đắm trong cái vũng bùn của sự nhục nhã và đã làm quen với những người “không có hộ khẩu” khác. Ngày nay, các học giả gọi chúng tôi là “đa số thầm lặng”.
Tôi đã viết cuốn Phỏng vấn lớp người ở tận cùng xã hội. Cuốn sách làm nhà cầm quyền Trung Quốc và một số báo chí khó chịu. Trong phần giới thiệu tôi viết, “Đây là một cuôn sách riêng tư và uất hận. Nó cũng là sự tự chế nhạo và tự sỉ nhục. Trong một nghĩa nào đó, Phỏng vấn là một cuốn sách về hổ thẹn và tủi nhục. Nhờ hổ thẹn và tủi nhục, tôi mới có thể sống được cuộc đời bận rộn như một con gián. Hổ thẹn là cái chìa khoá để hiểu được cuốn sách này… nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn và để cho thế hệ tương lai cảm thấy hổ thẹn cho chúng ta”.
Ông thầy thứ ba của tôi là vô gia cư. Tôi đã sống trôi giạt giữa hai thành phố Thành Đô và Diêm Đình. Tôi di chuyển không tốn tiền bằng cách nhảy tàu hỏa, ăn bám, lao động khi còn tấm bé, giả mạo giấy tờ, len lỏi theo những con đường mòn vòng vèo trên núi, trú ngụ trong những túp lều của bà con nghèo ở vùng thôn dã. May mắn thay tôi chưa bao giờ phải ăn xin hay ăn cắp, nhưng tôi lại chẳng có cơ hội được học hành tử tế. Theo lời đề nghị của hội nhà văn địa phương, giới chức bỏ qua số điểm thi tồi tệ của tôi và nhận tôi vào lớp viết văn ở Đại học Vũ Hán. Tuy nhiên, những thói hư tật xấu và lối sống lang bạt mà tôi đã quen từ lúc còn trẻ đã không giúp được gì cho tôi và kết cuộc là tôi bị đuổi khỏi lớp.
Khi còn trẻ, trong thập niên 80, tôi lang thang khắp đất nước, từ bắc xuống nam. Tôi theo gót những nhà văn cận đại phương Tây, làm thơ, đọc thơ, gia nhập băng đảng, xuất bản lậu mấy tập san văn chương, và có quan hệ tình dục bừa bãi với phụ nữ. Những kinh nghiệm sống đó đã ghi lại những vết hằn dày đặc và hỗn loạn trong tác phẩm và đời tôi sau này.
Năm 1989, khi xảy ra vụ thảm sát ở Thiên An Môn, tôi đã viết bài thơ “Thảm sát”. Tôi kêu gào phản đối tình trạng vô gia cư của tôi, và đã bị cảnh sát bắt giam tra tấn.
Khi tôi khom nguời bên cạnh cái bồn cầu trong phòng giam, tìm cách bắt rận trong áo lót; khi tôi bị còng tay sau lưng suốt hai mươi ba ngày liền; khi tôi, sau hai lần toan tính tự vẫn, chỉ nhận được sự chế giễu của bạn tù; khi tôi bị nhốt chung với nhiều thế hệ phản cách mạng và hiểu được đời họ đã bị chôn vùi như thế nào trong những phòng giam u tối của trại tù; khi tôi bị kết án vì tội làm thơ mà lại không có cơ hội bào chữa cho mình, tình yêu thương sâu đậm của tôi đối với đất nước này, xin mượn lời của nhà thơ yêu nước Ai Qing (Ngải Thanh), “làm cho tâm hồn tôi rướm lệ”. Tôi đoán tôi đã yêu thương đất nước này đến độ ngây ngất.
Nhờ lao tù, tôi đã hoàn tất hai cuốn đầu của năm tập Tiếp tục sống, bộ tự truyện của tôi. Nhờ lao tù, tôi đã học thổi sáo, dùng tiếng sáo để gợi đến khí thế của những bậc thầy tự ngàn xưa và an ủi mình qua triết lý. Nhờ lao tù, tôi đã có cơ hội sống gần những kẻ giết người, những người phản cách mạng, những kẻ buôn người, những hoàng đế nông dân, những tay trộm cướp và những kẻ lường gạt.
Lao tù là ông thầy sau cùng của tôi. Mặc dù đã được thả ra từ nhiều năm trước tôi vẫn còn kẹt cứng trong cái nhà tù vô hình. Trốn thoát khỏi lao tù là điều tôi thường mơ đến trong giấc mộng. Khi tôi thức dậy, chân tôi co giật khủng khiếp. Trong giấc mơ tôi gào, “Tôi không muốn làm nguời Trung Quốc”. Tôi không còn sự chọn lựa nào khác mà phải ngủ trên cái giường gọi là Trung Quốc này. Tôi rất giỏi việc chỉ bảo và giúp người khác tìm cách tránh né. Về phần mình, vì đã nuôi dưỡng nhiều ý nghĩ kỳ hoặc, hành động cuồng dại, hết ra tù lại vào khám, tôi đã bị từ chối cấp thông hành chín lần. Nếu đất nước này thương yêu tôi đến độ đó, sao lại sợ những con chó hoang như tôi sẽ trở về một khi đã được mở dây buộc? Viên cảnh sát bắt giữ tôi trước đây nay là trưởng phòng thuế quan và di trú của tỉnh Tứ Xuyên. Có lẽ việc ông ta từ chối cấp thông hành cho tôi cho thấy ông ấy vẫn còn chút tình cảm đối với tôi. Tôi không còn chọn lựa nào khác hơn là viết và tiếp tục viết. Cuộc sống không viết là cuộc sống của trống không, của nhàm chán, của vật vờ, của lãng quên, và của tự huỷ hoại; nhưng cùng một lúc, viết đòi hỏi tôi phải chịu đựng vô vàn tai họa và đau khổ.
Vài năm đã trôi qua. Tôi liên tục cho ra đời nhiều tập sách ghi lại những chuyện bất công ở Trung quốc. Tôi tự bảo mình: Chuyện mày làm là vô ích. Đừng làm chuyện ấy nữa. Mày không muốn có một sống bình thường lành mạnh à? Mày không muốn có một mái nhà riêng à? Đến chó hoang cũng còn có ổ riêng. Nhưng viết là số phận của tôi. Một quyền lực vô hình từ trên đã thúc đẩy tôi tiến tới. Tôi không thể ngưng viết.
Vào lúc này, khi tôi sắp nhận cái vinh dự đặc biệt này, tôi cảm thấy một luồng hơi ấm, như một tia nắng giữa ngày đông lạnh giá, đang phủ xuống người tôi. Luồng hơi ấm đến từ những kẻ thù cũng như những bè bạn đã đi cùng tôi suốt cuộc đời. Tôi biết ơn cái đói, ông thầy đầu tiên. Ngày nay tôi không còn sợ chết đói nữa. Nhưng đối với tôi, niềm khao khát tự do vẫn mạnh hơn sự thèm muốn thực phẩm.
Tôi muốn cám ơn ông thầy thứ hai, “con người không có hộ khẩu”, bởi vì tôi là một con người như thế đã hơn hai mươi năm qua. Không biết đã bao nhiêu lần thẻ tạm trú của tôi bị kiểm tra, căn hộ tôi ở bị khám xét. Tôi đã biến cái tình trạng bơ vơ và tủi nhục thành chất liệu để viết. Tôi đã gắn bó chặt chẽ với lớp người sống dưới đáy cùng của xã hội.
Ông thầy thứ ba là tình trạng vô gia cư. Nhờ thầy, đã biết bao năm tôi không có được một nơi cư ngụ ổn định. Tôi mang trên người hàng tháng chỉ một bộ quần áo; giầy vớ của tôi hôi hám. Tôi la cà với lớp trẻ sống ngoài đường phố và tình trạng dường như vô vọng. Nhưng đấy là đời tôi, vẫn còn khá hơn đời của những địa chủ mà sau khi len lỏi hàng trăm dặm đường mòn trên núi tôi đã gặp và phỏng vấn. Những địa chủ này chưa bao giờ rời khỏi làng của họ, nhưng họ vẫn không thoát được cái số phận bị tra tấn và giết chết như những con lợn.
Tôi muốn cám ơn ông thầy thứ tư, lao tù. Sau khi trải qua nửa đời mình để tự cải tạo, tôi đã đáp ứng được những đòi hỏi của nhà cầm quyền. Tôi đã trở thành cái mà Đảng gọi là “con người mới với đạo đức tốt, trí tuệ phát triển, và cơ thể khỏe mạnh”. Để đáp lại sự tử tế này của chính quyền, tôi đã phỏng vấn hơn ba trăm nạn nhân bị chế độ ngược đãi. Suốt thập niên qua tôi đã viết hàng triệu chữ để ghi lại chuyện đời của họ. Nhờ những tác phẩm ấy tôi được tặng giải Tự do Cầm bút 2007.
Tôi không ngưng được nước mắt vì tôi cảm thấy rất hài lòng.
_____
[1]Trung tâm Văn bút Độc lập Trung Quốc được thành lập từ năm 2001. Hiện nay Trung tâm có trên 200 hội viên trong và ngoài Trung Quốc. Ngoại trừ lễ trao giải đầu tiên chính thức tổ chức vào năm 2004, những năm kế tiếp, dưới áp lực của nhà cầm quyền, Trung tâm buộc phải tổ chức lễ trao giải dưới hình thức các buổi tiệc. Buổi tiệc trao giải năm 2007 được dự trù tổ chức vào ngày 21 tháng 12. (ND)
[2]Nhà văn Li Jianhong (Lí Kiếm Hồng), người được Trung tâm trao giải Tưởng niệm Lin Zhao (Lâm Chiêu), cùng với cha của bà đã bị công an Thượng Hải quản thúc tại gia từ ngày 14 tháng 12. (ND)
[2]Nhà văn Li Jianhong (Lí Kiếm Hồng), người được Trung tâm trao giải Tưởng niệm Lin Zhao (Lâm Chiêu), cùng với cha của bà đã bị công an Thượng Hải quản thúc tại gia từ ngày 14 tháng 12. (ND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét