Trải qua thời gian, qua thăng trầm của lịch sử, có những thứ tưởng chừng như đã mất, đã trở về với hư vô... nhưng lại hoàn toàn hiện hữu. Petra là một điển hình như vậy. Ẩn mình trong thung lũng đá, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, cả thành phố tưởng như chỉ còn là dĩ vãng, chỉ còn trong ký ức của thời gian... giờ lại hiện hữu với nguyên vẹn giá trị trong sự "vỡ oà" của toàn thế giới.
Một trong ba kỳ quan thế giới mới của Châu Á hiện nay là khu di tích Petra, ở Jordan, một di tích mà ít ai biết tới trước đây.
Petra trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là đá, nằm trong một vùng trũng của một dãy núi tạo nên sườn phía Ðông thung lũng Arabah, phía Bắc biển Dead Sea và phía Nam vịnh Gulf of Aqaba, hay còn gọi là vịnh Gulf of Eliat.
Khu di tích này nổi tiếng vì những công trình kiến trúc tạc vào núi đá. Ðược những núi đá đứng bao bọc và nằm bên dòng suối nước chảy quanh năm, Petra không chỉ sở hữu lợi thế của một pháo đài mà còn là cửa ngõ của những huyết mạch thương mại đi qua dải Gaza (về phía Tây, Bosra và Damascus; về phía Bắc, Aqaba và Leuce Come; trên biển Red Sea, và các sa mạc trong vùng vịnh Persian Gulf).
Quá khứ hưng thịnh đã khiến cho Petra trở thành một trung tâm thương mại và văn hoá của vùng Gaza. Bên cạnh việc phát triển thông thương buôn bán, Petra cũng rất chú trọng đến sự phát triển nông nghiệp để ổn định nguồn lương thực - điều tiên quyết để đảm bảo sự tồn tại một cộng đồng. Các cuộc khai quật cũng cho thấy chính người Nabataeans kiểm soát nguồn nước từ đây đến các thành phố sa mạc tạo ra những ốc đảo để trồng trọt hoa màu.
Tuy nhiên, sự cố gắng của con người vẫn không thể chống chọi lại với số phận. Và "số phận" của Petra là tuân theo quy luật "thịnh - suy" của hoạt động thương mại. Chỉ trong một thời gian ngắn, người ta gần như không thể nhận ra đây là một Petra - huyết mạch thương mại của Trung Á nữa.
Quần thể bia mộ ở đây từng được người dân coi là nhà cửa, nhưng giờ thì họ đã nhận thức được là những phần mộ. Những ngôi mộ này được đục trong nham thạch, cao hơn mặt nước biển gần 1.000 m. Có đồ án tinh tế trang nhã, cũng có đồ án với trang sức nóc tường đầu hồi kiểu bậc thang đặc sắc thể hiện phong cách kiến trúc Ai Cập. Trọng tâm kiến trúc đặt ở mặt chính, bên trong không hề có trang sức nào.
Đi tìm miền ký ức
Năm 106, Petra trở thành một bộ phận của đế quốc La Mã, có tất cả những kiến trúc mà văn hóa cổ La Mã thường có như quảng trường, nhà tắm công cộng, nhà hát... Nhưng đi theo sự hưng thịnh của thành cổ Balmira, phương thức mậu dịch biến động, Petra trở nên sa sút. Sau vài trăm năm, nơi đây chỉ còn lại là sự hoang tàn và chỉ được dân bộ lạc bản địa biết tới.
Năm 1812, Petra được phát hiện lại nhờ nhà thám hiểm Thụy Sĩ Johann Ludwig Burchkhardt, người có khả năng nói tiếng Ả-rập lưu loát. Người hướng đạo dẫn Burchkhardt dọc theo Sikh - một khe núi hẹp lún sâu trong nham thạch, con đường mà du khách ngày nay muốn tham quan nhất định phải đi qua - đến trước một vật thể kiến trúc lạ lẫm. Tòa kiến trúc được gọi là "kho báu" này ánh lên sắc hồng của đá ngũ sắc, của thời gian… Một không gian kiến trúc mang hoàn toàn phong cách cổ điển, sừng sững, nguy nga và choáng ngợp.
Mặc dù được khám phá lại từ hơn một thế kỷ trước, song mãi đến năm 1985, khu di tích Petra mới được UNESCO công nhận là di sản thế giới, khi nó được thừa nhận là một trong những tài sản văn hóa quý giá của người Petra. Được mệnh danh là "Thành phố hoa hồng đỏ" nhưng Petra không hẳn là một thành phố, cũng không hoàn toàn mang sắc đỏ của "chúa các loài hoa". Tất cả những gì mà du khách có thể cảm nhận được chính là không khí thần bí nơi đây, một sức mạnh khiến nó có sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi, vẻ đẹp tráng lệ khắc ghi dấu ấn thời gian .edu.go.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét