Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 6, 2011

Saint John Perse - Nhà Thơ Pháp

Roger Garaudy

Một nhân vật của Claudel(1) đã đưa ra định nghĩa về thơ ca như sau:
Con trai ơi! Khi giữa mọi người cha là thi sĩ
Cha sẽ viết bài thơ không kích cỡ, không vần
Và sẽ nhận thức ra trong sâu thẳm tâm hồn
Cả năng khiếu, thiên chức từ hai phía
Thu nhận về mình cả cuộc đời trần thế –
Rồi tạo nên những lời ai cũng hiểu ra.




Trong định nghĩa này bao hàm vấn đề mà thơ của Saint John Perse đặt ra, nói đúng hơn là sự thách thức: mối liên hệ nào giữa thế giới bên ngoài, giữa cuộc đời mà nhà thơ thu nhận vào mình với những lời mà nhà thơ tái tạo trong tác phẩm của mình?
Đi tìm hiểu thơ Saint John Perse – trước hết là tìm hiểu qui luật của sự biến hoá, sự thể hiện này.



***
Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, vì chúng ta đi nói về nhà thơ vẫn khăng khăng phủ nhận mối liên hệ giữa địa vị xã hội và sáng tạo của mình. Và nếu chúng ta tin vào lời ông thì không thể xác định được mối liên hệ nào giữa cuộc đời của Alexis Leger, người mà trong một thời gian dài, dưới nhiều chính phủ khác nhau, thực tế là người sáng tạo chính sách ngoại giao của nước Pháp và những trường ca của Saint John Perse.
“Điều quan trọng, xin đừng trích dẫn xuất xứ về hoạt động ngoại giao của tôi - ông viết cho M. P. Fouche năm 1948 – không phải vô tình mà tôi dùng bút danh và luôn luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân. Thực chất, đi xác lập một sự liên hệ nào đấy giữa Saint John Perse và Alexis Leger nhất định sẽ làm sai lệch cái nhìn của bạn đọc và rất có hại cho bạn đọc trong việc cảm nhận thơ tôi”.
Chúng ta buộc lòng phải từ chối những đòi hỏi này, vi phạm điều cấm chỉ này để cố gắng mở ra ý nghĩa tác phẩm của một trong những nhà thơ lớn nhất thời đại chúng ta.
Vì rằng, những gì mà tác phẩm xác nhận quan trọng hơn ý muốn của tác giả. Mà trước hết, rõ ràng là toàn bộ chất liệu tạo nên thế giới thơ Saint John Perse (tôi nói chất liệu chứ không phải qui tắc xây dựng của ông), được lấy từ kinh nghiệm sống của Alexis Leger. Sự lựa chọn hình tượng, từ ngữ để thể hiện nó, nguyên tắc chọn lựa và phong cách thể hiện của toàn bộ những ấn tượng giàu có, kỳ lạ, của những hoài niệm, những khát khao để tạo thành trường ca – tất cả những điều này cũng được khai thác từ cuộc đời ông.
Đó là tuổi thơ của hoàng tử trên một hòn đảo của quần đảo Antilles(2), một hòn đảo nhỏ mất hút trong biển Caribê, “ở đó nước xanh lên dưới ánh mặt trời”. Ở đây, trên hòn đảo thần tiên này, tuổi thơ của ông trôi đi giữa những vẻ đẹp được tạo nên bởi thiên nhiên và bàn tay con người, những vẻ đẹp lạ kỳ và huyền diệu. Như chiếc thuyền buồm bị cơn bão ném lên giữa hòn đảo, cậu bé sống giữa miền cây cối sum suê của vùng nhiệt đới và chính nó đã tạo nên cái thế giới cầu kỳ của tuổi thơ ông…

Không chỉ tuổi thơ hoàng tử của ông mà cả nghề nghiệp hoàng tử của ông đã cho phép ông làm nên những cuộc du hành đi qua sa mạc Gô-bi hay bơi trên biển Ấn độ dương, và chuyến lưu đày sang nước Mỹ (khi Petain(3) buộc ông từ chức), đã mở rộng thêm phạm vi của những ấn tượng và sự hiểu biết về hành tinh của chúng ta. Nghề nghiệp hoàng tử, hoàng tử - khách viễn du trên biển, đi qua nhiều xứ sở, thu thập được nhiều dấu tích và chứng kiến tầm vóc những con người của các nền văn hoá cổ xưa, các nền văn minh đã mất, và từ đó mà suy ngẫm về sức mạnh của quyền lực, về sự lưu đày, về biển, về sa mạc, về nỗi giận dữ, về niềm hy vọng, về bài ca được cất lên từ lòng người.
Ngôn ngữ của nhà thơ mang trong mình dấu vết cuộc đời ông: từ việc lựa chọn màu sắc và cây cối của tuổi thơ đến những hình tượng và từ vựng dùng trong công sở, cả những dòng chữ đề, những khẩu hiệu treo trên tường.
Điều này giúp chúng ta hiểu rằng tại vì sao Saint John Perse đòi hỏi sự phân biệt rạch ròi giữa thế giới mà ông sống với thế giới mà ông tái tạo trong thơ - mặc dù chất liệu trong cả hai trường hợp kia chỉ là một, còn qui luật chi phối cuộc đời thì không chỉ khác mà còn trái ngược với nhau: con người này là một và chia đôi. Cuộc đời ông là một tổng thể thống nhất nhưng qui luật cuộc đời thì mâu thuẫn.

***

“Tôi luôn tuân thủ nguyên tắc chia đôi một cá nhân”. – Saint John Perse đã viết vậy. Con người chia làm hai nửa này thuộc về thời đại của mình, thời phân chia con người…
Ông lãnh đạo nền ngoại giao Pháp trước chiến tranh thế giới thứ II – những năm này nước Pháp đã mất đi vai trò một cường quốc. Ông sống qua cơn hấp hối này, sự suy tàn này. Chúng tôi không có ý định phân tích ở đây vai trò cá nhân hay trách nhiệm của ông về việc này. Chỉ lưu ý rằng trên cơ sở hiểu biết trong tác phẩm của ông có một sự nhận thức về sự phá sản này. Chia sẻ quan điểm của Briand(4), người mà ông là một cộng tác viên gần gũi, Leger từ năm 1933 luôn theo dõi “sự lộng hành của chủ nghĩa Hitler”.
Những thế lực giai cấp và mối quan hệ lẫn nhau của nó đã dẫn đến việc phản bội quyền lợi dân tộc và sự thất bại năm 1940 chưa từng có mặt trong dự đoán của nhà ngoại giao nhưng nhà thơ đứng lên chống lại bộ máy này, cái bộ máy mà ngài tổng thư ký của Quai d’Orsay(5) là một mắt xích quan trọng. Ông cảm nhận hết tất cả áp lực của thói ghẻ lạnh đã thành một trò chơi của những thế lực thù ghét ông, đe dọa tiêu diệt ông. Ông bắt đầu nghi ngờ cả thể kỷ lịch sử của con người. Thất bại năm 1940 thô bạo mở ra trước mắt ông sự bất hoà sâu sắc và thói ghẻ lạnh này. Và thế là sinh ra những trường ca tuyệt vời nhất của Saint John Perse. Phản ứng đầu tiên của ông là sự đoạn tuyệt, là sự từ chối. “Và sẽ không bao giờ còn nữa cùng ta những gì ưng thuận, bằng lòng xưa đã có” - ông viết trong “Những ngọn gió”.
“Ô, những niềm hy vọng quá lớn lao ta đã đặt vào bước chân của người trên đá! Ô, ta đã tin một cách ngây thơ quá độ, rằng đằng sau cái mặt nạ ẩn giấu gương mặt con người!”
“Cả trăm năm mờ mịt khói sương vì đã tắt lịch sử”.
“Và không lẽ các người chẳng nhìn ra, rằng tất cả bỗng nhiên sụp đổ, rằng cả trục, cột buồm và dây rợ, rằng cả cánh buồm trùm lên gương mặt của lòng tin, rằng cả tấm vải cánh buồm của sự hư không và cái vẻ bên ngoài giả dối? Và rằng đã đến thời gian cuối, đành mang rìu búa chạy lên boong?”
“Tất cả đành làm lại từ đầu. Tất cả đều nói lại. Và ánh mắt sắc như lưỡi hái trên tài sản sẽ đưa qua đưa lại”.
Ý cuối cùng rất đặc trưng và hoàn toàn chẳng vô tình; tài sản mâu thuẫn với sự tồn tại. Trong trường ca “ Những mốc ngoài khơi” ông viết: “Nhưng tự hào về cuộc đời mình hãy còn chưa thành tập quán, niềm kiêu hãnh hãy còn đi đó đi đây, và ta hãy còn chưa có nó trong tay”.
Đấy là đề tài trung tâm, đề tài về sự ghẻ lạnh, qui luật chính mà K. Marx(6) đã rút ra như vậy: “Tồn tại của anh càng bé… thì tài sản của anh càng lớn…”. Thế giới của tài sản, của sở hữu, thế giới của sự ghẻ lạnh, nơi mà những quan hệ con người nhìn theo bề ngoài là khó hiểu, là thù địch với ông và chúng thống trị ông. Thế giới “vật chất hoá” này đặt toàn bộ gánh nặng của mình lên con người và cản trở sự phát triển của tồn tại.
Mâu thuẫn này xuyên suốt toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản, từ Goethe(7) đến Saint John Perse.
Bi kịch của Saint John Perse là bi kịch của sự chia đôi một cá nhân đã thành lẽ tất nhiên của cái thế giới nơi mà ông sống và giai cấp của ông: hoạt động xã hội của mình ông không thể làm thành đối tượng của thơ ca, còn thơ ca của mình không thể biến thành hành động. Cuộc đời của ông không thể thi vị hoá hoạt động, không trở thành hiện thực của thơ ca.
Sự phân đôi này thể hiện sự phân đôi của cả một thời đại, tính chất hai mặt của toàn bộ chủ nghĩa nhân đạo tư sản mà kết quả cuối cùng là sáng tạo thơ ca của Saint John Perse. Thơ ông - đấy là mặt trái của hoạt động, là mặt đối lập, mâu thuẫn, đồng thời là sự giống nhau. Bài học cay đắng của “Anabase” là không thể trở thành người chinh phục thế giới này, tuy nhiên “…về người anh em, nhà thi sĩ, người ta sẽ nhận được tin”. Ở nơi kết thúc hành động thì bài ca được bắt đầu: “ và người kể chuyện ngồi dưới gốc cây già”.

***

Sáng tạo của Saint John Perse là bậc cuối của sự tiến hoá thơ được bắt đầu từ thế kỷ XIX. Trước đó người nghệ sĩ không nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới bên ngoài hay bên trong thiên nhiên để làm hình mẫu cái hiện thực mà nghệ thuật phải tái tạo bằng những phương tiện của mình.
Chủ nghĩa lãng mạn nghi ngờ tiền đề này.
Người nghệ sĩ trở nên bàng quan với đối tượng khi mà những thứ như truyền thống, xã hội, ngôn ngữ ấn định, hoặc làm cho anh ta bất động. Hậu quả bất di bất dịch của sự hờ hững với đối tượng là ý nghĩa lớn hơn cả chủ thể. Nhiệm vụ của sáng tạo là không chỉ kể về thế giới mà còn tạo nên một thế giới khác. Thơ ca, theo ngữ nguyên của từ này, trở thành sự sáng tạo chân chính. Sự hình dung thơ ca học được ở Đức Chúa Trời tiếp tục sự nghiệp sáng tạo
.
Thiên nhiên, đã đành, mang lại sắc màu, hình thái, vẻ bề ngoài của sự vật, nhưng chỉ là nguyên liệu. Phủ nhận trách nhiệm tái tạo, sao chép vật thể, người nghệ sĩ tách những yếu tố hiện thực khỏi thói quen, khỏi ý nghĩa chung và từ đó tạo nên một thế giới khác.
Quả thực, quay mặt khỏi cái hiện thực mà họ chối bỏ, người nghệ sĩ và nhà thơ mù quáng tuân theo qui luật lịch sử của sự phát triển và những mâu thuẫn bên trong của nó.
Lautreamont(8) khát khao “chống lại trời” hay Rimbaud đả phá “thời giết chóc” đã đi tìm lối thoát từ những mâu thuẫn giữa cuộc đời và thơ ca. Rimbaud không có khả năng sống cuộc đời của một con người và một nhà thơ ở nước Pháp, nơi những người công xã ca khúc khải hoàn đã chấp nhận im lặng và sống cuộc đời vất vưởng của kẻ phiêu lưu ở Harare. Nerval trở nên điên cuồng và tự tử. Baudelaire đi tìm những thế giới khác vì không đủ sức để sống trong thế giới này, giống như albatros của mình hay thiên nga buồn Mallarme. Jarry tạo nên hình tượng “Ubu roi” với tiếng cười trầm, đặt ra nhiệm vụ tìm hiểu “qui luật điều hành những ngoại lệ và sự giải thích vũ trụ xung quanh thế giới này”.
Họ mỗi người mỗi vẻ, những tài năng khác nhau, và tất cả họ, từ những người lãng mạn đến những người siêu thực đều thuộc về một thế hệ, một giống người, mà đối với giống người này tất cả những gì tồn tại đều là thường lệ. Họ nhìn thấy vẻ hùng tráng trong sự từ chối mọi thực dụng về quan niệm xã hội (không nhận thức được rằng trong nền tảng của nó là xã hội tư bản chủ nghĩa) và trong sự tạo dựng vũ trụ của con người. Saint John Perse thuộc về thế hệ này, giống người này.
Đạt đến định đề cuối cùng, làm thành hình thức về sự có mặt của con người trong cuộc đời, thơ ca thay thế cho ông triết học.
( còn tiếp)
vietnamcayda.com

Không có nhận xét nào: