Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

20 thg 6, 2011

TẶNG VẬT CỦA TRỜI

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

hai.
lửa.

    Theo lời người coi rừng thì chắc chắn mạch nước đầu nguồn của con suối là nằm ở bên dưới mặt đất của rừng núi ấy ( nhà nước đã xếp vùng núi rừng này vào loại núi rừng đầu nguồn là lời ông ta) Không được tận mắt nhìn thấy con nước đầu nguồn thì cứ bước đi trên đất mạch đầu nguồn cũng là vui lắm rồi. Tôi và nàng đã đồng ý với nhau như thế.

    Lúc chúng tôi ra đi thì vẫn chẳng thấy bóng dáng người coi rừng đâu cả. Có nghĩa ông đã rời căn nhà ấy tự lúc chúng tôi còn ngủ say. Cũng chẳng sao. Nếu quả là vị thần coi rừng núi này thì tất ông hiểu được lòng biết ơn sâu sắc của chúng tôi về việc được  trú  qua đêm. Tôi thì nghĩ vậy. Còn nàng, có lẽ vẫn chưa hết niềm kinh dị, nên chẳng dám có lời gì về con người ấy. Mãi gần trưa, lúc ngang qua một đám hoa rừng nở mùa hạ, rực rỡ và ngát hương, nàng mới nói như thể để trút bỏ sự đè nén trong suy nghĩ. Hóa ra người con gái ấy là một thứ hương thơm. Nàng nói về bí mật tình yêu của người coi rừng. Còn tôi thì nói về lửa. Lúc ấy tôi nói về lửa là để dẫn đến câu chuyện tình của người coi rừng. Còn tối hôm ấy, khi lửa cháy rừng lan tới chỗ cư trú của đám dân đến từ phía bắc đất nước, tôi cũng nói về lửa, nhưng là để khẳng định về tình yêu của mình. Nàng cúi xuống ngửi một bông hoa rừng, rồi nhìn tôi với ánh mắt, mà tôi đã nằm lòng, là muốn tiếp tục nghe tôi nói. Tôi nói từ khi con người tìm ra lửa thì mặt đất này bớt lạnh lẽo, và những con vật khác thì có vẻ ganh tỵ với con người. Nàng hỏi là làm sao tôi biết được. Tôi nói là bằng cảm nhận, chứ không thể diễn bằng lời. Tôi nói không phải là chỉ nhìn thấy lửa trong trời đất không thôi. Một hôm con  người chợt nhận ra có cái gì đó đang ẩn náu trong chính anh ta, có vẻ cũng giống lửa trong trời đất. Và chính là lúc con người hô hoán rằng ở trong anh ta cũng có lửa, tức lúc anh ta nhận biết về chính mình, thì các nhà chép sử bảo là con người bắt đầu có văn minh. Tôi nói là thật lâu về sau chuyện con người biết tư duy, có thể là mấy ngàn năm, hay mấy triệu năm, các nhà chép sử mới nói được như thế. Cho nên cũng không hẳn là đã nói đúng. Có điều, ai cũng thấy, thứ lửa ấy, còn gọi là nhiệt huyết, đã giúp cho con người có lúc  làm nên hạnh phúc, huy hoàng, có khi lại gây ra đau khổ hay điêu tàn. Tôi nói tới chỗ này thì thấy nàng rơm rớm nước mắt. Là con người, nàng xúc động về chuyện con người, là phải thôi. Tôi nói, với thứ lửa tự sinh, con người có thể nghĩ được mọi chuyện, làm được mọi chuyện, ngay cả việc anh ta có thể khiến một thoáng hương thơm trở thành người con gái anh ta yêu. Tôi thấy mắt nàng long lanh. Mà biết đâu chừng em cũng được kết thành từ một thứ hương thơm. Tôi nói như lại để khẳng định với nàng rằng tôi yêu nàng xiết bao. Và làm sao chúng tôi lại không nhận ra rằng tình yêu ấy là có vẻ lạc lõng ở một nơi như thế. Tối hôm đó là chúng tôi trú lại ở một xóm nhà tranh vách lá nằm giữa rừng già, khu cư ngụ tạm bợ của những người di dân tự do đến từ phía bắc đất nước. Lúc đến nơi thì đã chập choạng tối, chẳng còn trông rõ mặt người.Việc chúng tôi xin vào nghỉ ở căn trại của đôi vợ chồng trẻ tuổi ấy chỉ là ngẫu nhiên. Họ còn quá trẻ, trẻ hơn chúng tôi rất nhiều, và có lẽ là mới vừa lấy nhau. Nhà chúng em chỉ có thế. Anh chồng nói, sau khi chúng tôi ăn cơm tối xong. Chỉ có thế có nghĩa là chỉ có một cái giường nằm làm bằng cây rừng. Tất nhiên là trước đó, lúc mới bước vào nhà, tôi đã tóm tắt cái lý do tại sao vào lúc đó chúng tôi lại có mặt ở đó. Đi tìm con nước đầu nguồn của một dòng sông. Tôi nói. Mà đi tìm chi vậy anh? Lúc đó chị vợ hỏi thế. Và tôi bảo đó là bí mật của tình yêu. Nói xong câu này thì tôi có ý chờ đợi sự hưởng ứng của đôi vợ chồng trẻ tuổi. Biết đâu là họ cũng có một bí mật của tình yêu. Nhưng không. Họ chỉ chia xẻ với chúng tôi những thứ thuộc về vật chất, như bữa cơm tối có rau rừng chấm với muối, như đề nghị nhường chiếc giường duy nhất cho chúng tôi nằm, còn thứ vật thể gọi là tình yêu thì họ chẳng có lời nào. Nàng với chị vợ trải chiếu nằm trên giường, còn tôi với anh chồng trải lá nằm dưới đất, coi như là giải pháp cuối cùng, sau những mời gọi và từ chối, một giải pháp dung nạp được cả lòng hiếu khách lẫn sự biết ơn của khách. Qua cuộc chuyện trò trong đêm, tôi biết cuộc tìm kiếm của  những người đang có mặt ở cái xóm nhà tranh vách lá ấy cũng lớn lao như cuộc tìm kiếm của chúng tôi. Tôi với nàng đi tìm con nước đầu nguồn dòng sông ấy là một thể nghiệm về tình yêu. Còn bọn họ từ phía bắc đất nước chuyển đến rừng núi ấy tìm đất trồng cây cà phê là một thể nghiệm về cơm áo. Đấy là tôi nghĩ vậy. Còn với bọn họ, lúc lửa đốt rừng lan tới xóm nhà tranh vách lá đó, thì cuộc thể nghiệm của chúng tôi đã trở thành thứ tai họa. Vào khoảng nửa đêm, khi nghe tiếng ngáy đều đặn của đôi vợ chồng tuổi trẻ, tôi bắt đầu cảm thấy mình là kẻ cô độc. Biết nàng vẫn còn thức, nhưng làm sao tôi lại dám gầy cuộc chuyện trò giữa lúc đôi vợ chồng tuổi trẻ đang tìm được những phút bình yên như thế. Trong phút giây cảm thấy cô độc, tôi lại giật mình về thứ công việc mình đang đeo đuổi. Biết đâu thứ khái niệm gọi là tình yêu là có vẻ xa xí đối với những con người đang làm cuộc thể nghiệm về cơm áo? Nói cho nghiêm túc thì cuộc thể nghiệm của bọn họ cũng ít có tính thực chứng như cuộc thể nghiệm của chúng tôi. Có nghĩa cũng lãng mạn như chúng tôi. Hạ cây rừng xuống, đốt đi, và trồng lại cây cà phê, là một thứ lãng mạn kép. Cây gỗ rừng không mang đi bán, mà đốt đi, tất nhiên là lãng mạn rồi ( mà phải làm vậy thôi, vì nói cho nghiêm túc, đây là công cuộc trộm rừng) Còn như nghe nói nhiều người giàu có nhờ cây cà phê, nên đã bỏ quê, đi nửa nước tìm đất trồng cà phê, trong khi nhà chưa đủ gạo nấu, thì còn lãng mạn hơn. Nhưng sự lãng mạn này lại là sinh ra từ một cuộc ra đi có tính dong rủi, như cuộc ra đi của người tiền sử, cuộc ra đi từ cái nôi  sinh ra mình.
    Vào khoảng quá nửa đêm thì chúng tôi trải qua một đêm tiền sử giữa thời hiện đại. Đêm tối và rừng già làm cho ngọn lửa cháy rừng thêm vẻ huyền bí. Giữa thứ không gian và thời gian thâm u ấy bỗng bùng lên cái màu sáng ấy. Thì chẳng phải cảnh chúng tôi chạy trong ánh lửa rừng bập bùng là nhại theo cảnh những người tiền sử được phác vẽ theo trí tưởng tượng của các nhà khoa học? Tôi cõng nàng mà chạy. Vì không làm thế, có thể nàng đã gục ngã trong lửa. Vừa cõng nàng chạy, vừa luận về lửa. Thấy chúng tôi làm thế, đôi vợ chồng tuổi trẻ cũng làm thế. Đến lúc đó tôi mới tin là họ cũng có một bí mật của tình yêu. Ở phía bên kia một dòng suối lớn đã cạn nước là nơi chúng tôi dừng cuộc trốn chạy. Chẳng còn trông thấy lửa nữa, mà chỉ thấy một vòm sáng phủ bên trên rừng cây. Dường như đầu óc mọi người đều dành cả cho việc nghĩ ngợi về số phận những căn nhà tạm bợ của mình, nên chẳng ai để ý đến ai, chẳng có nửa lời chuyện trò. Điều này cũng có nghĩa là chẳng ai biết trong đám người chạy lửa ấy, có kẻ lạ là tôi với nàng. Mãi đến sáng hôm sau, khi nhìn thấy xóm nhà tranh vách lá chỉ còn là một đám tro tàn, mọi người đều nghe trong lòng có niềm thống khổ chẳng bút mực nào tả nổi, thì tôi nghe có ai đó đã hỏi về chúng tôi. Họ là ai vậy? Tôi nghe có ai hỏi như vậy. Thì đám người đến từ phía bắc đất nước vốn xa lạ nhau ấy cũng mới vừa kết nhau thành cái quần cư nho nhỏ giữa rừng núi mênh mông, và cũng mới vừa hạ được mảng rừng đầu tiên bị cháy trong đêm ấy. Mảng rừng vừa được hạ xuống ấy tất nhiên sẽ được đốt đi để lấy đất trồng cây cà phê, nhưng không phải là đốt vào ban đêm như vậy. Xóm nhà tranh vách lá  nằm ở bờ biên mảng rừng vừa bị hạ, nên bị lửa thiêu rụi là phải thôi. Nhưng những con người thống khổ ấy không dừng lại ở cái nguyên nhân gây cảnh bể dâu là lửa. Anh chị hãy rời khỏi nơi đây, bỡi bà con ở đây cho rằng việc hai anh chị tự dưng dẫn nhau vào ngủ trong làng là nguyên do của tai họa này. Đôi vợ chồng tuổi trẻ ấy đã kéo chúng tôi ra ngoài xa, rỉ tai, và hối chúng tôi hãy ra đi trước khi có điều không lành xảy ra. Lúc đêm, nàng bước không nổi vì sợ lửa cháy rừng. Còn lúc ấy, nàng bước không nổi là vì sợ lửa giận ở trong lòng người. Tôi lại cõng nàng nữa. Cõng nàng mà chạy.

Không có nhận xét nào: