Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

14 thg 6, 2011

SAINT JOHN PERSE (tiếp theo)

Roger Garaudy

Tất cả được bắt đầu từ sự phủ nhận và nổi loạn, từ sự nhận thức rằng thế giới này xa lạ với con người: “Ta mong muốn đoàn tụ, chung sống với con người nhưng mặt đất với tâm hồn lạ lẫm, xa xôi lại khát khao ly biệt”, từ sự nhận thức rằng “cuộc đời này điên rồ, mù quáng”.
Thế giới này của những gã con buôn, nơi mà “những quốc gia được đem ra bán mua dưới mặt trời lạm phát, những cao nguyên thuần phục, những miền đất được đẩy giá lên cao sau hương thơm ngát của hoa hồng”. “Còn sau đấy hiện ra những kẻ bán buôn và đổi chác. Những người từ xa xôi đến với chủ tâm lừa lọc. Và đi sau họ là những cảnh sát lành nghề và những nhà luật pháp…



Và đi theo sau họ – những sứ giả của giáo hoàng đi kiếm tìm những doanh thu béo bở…
Còn ta mơ màng giữa những kẻ huyên hoang như Thượng Đế!”
“Những cuốn sách đọc xong vẫn kín mít như bưng trong giấc ngủ – lẽ nào lại thế? Hy vọng ở đâu, lối thoát ở nơi nào?… Sự cao thượng, thanh cao – chỉ là giả dối!… Chức vô địch, đứng đầu – là sự phản bội!…
Và danh dự giã từ những đầu óc nổi tiếng nhất trần gian…”
Trong con mắt của Saint John Perse cả thế giới này lang thang và đang sụp đổ. Và đó là thế giới của ông.
Perse không tìm cách trốn chạy hay ẩn náu trong một tháp ngà nào đấy.
Con người này không tin vào Thượng đế nên không thể, khác với Claudel, đi tìm ý nghĩa cuộc đời ngoài bản thân mình.
Tuy nhiên, không một phút giây ông để mất lòng tin vào cuộc đời, vào con người, vào tương lai. Trên đỉnh điểm của tai họa ông giữ một sự lạc quan vô bờ bến, một lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của con người, của những nền văn minh và thành quả của nó. Ta gặp ở ông một sự nhiệt tình có tính chất dự báo, khác với với những người lãng mạn trước năm 1848, lòng tin nhân hậu của Edgar Quinet(9) trong “Assuerus” – thì đã gần gũi với ta – và cảm xúc sử thi cao cả của con người đã cổ vũ cho Walt Whitman và Emile Verhaeren.
Lòng tin này có nguồn gốc từ xa xưa, khi con người sống trong hoà hợp với thế giới sự vật, khi còn sự thống nhất với vật chất có trong danh dự của con người, điều mà Perse có được từ thiên đường của tuổi thơ… “Quê hương tuyệt vời lại một lần nữa cần chinh phục, quê hương tuyệt vời của Vua từ xưa ta không nhìn thấy và vật bảo bối kiêu kỳ ở trong bài hát của ta”.
Thơ của Saint John Perse bắt đầu từ tiếng reo vui, từ tình yêu cuộc sống mà giá như ông là một tín đồ thì sẽ thành lời cầu nguyện và mãi mãi sẽ là “Tụng ca”, như tên ông đặt cho tập thơ đầu tay của mình. “Đấy là cái tên gọi tuyệt vời - ông viết cho Andre Gide(10) – mà tôi sẽ in một hoặc nhiều tập, không bao giờ tôi muốn một cái tên khác”.
Phẩm chất cao cả nhất - đó là sự gắn bó say mê với cuộc sống trong những thay đổi của nó: từ sự lên men của sinh lực trong cơ thể ta đến cảm giác vũ trụ của năng lượng con người, những thứ kích thích lịch sử, mang lại cho con người lòng tin vào tương lai.
Quả vậy, sáng tạo thơ ca của Saint John Perse có vẻ như một trường ca lớn, một bộ sử thi thống nhất về con người, thu nhận trong đó tất cả kinh nghiệm của mình, tất cả các nền văn minh, “huyền thoại bao thế kỉ” theo thước đo của thời đại chúng ta, cho phép ta cảm nhận, cho ta sống bằng ngọn gió trên biển lịch sử và với cảm giác tự hào ta tham dự vào những chuyển động này…
Yếu tố trung tâm trong thế giới quan của Saint John Perse là ý tưởng hình thành của Heraclitus(11) – liên tục huỷ diệt và liên tục sinh ra. Qui mô hoàn vũ, hình thức sấm ngôn, trường ca của nhà tiên tri Heraclitus gần gũi nhất với sáng tạo của Saint John Perse.
“Thế giới là một thực thể thống nhất – Heraclitus viết – không do một ai trong số các thánh thần hay con người tạo nên mà đã, đang và sẽ mãi mãi là ngọn lửa sống, theo qui luật cháy lên và theo qui luật lụi tàn… Dù anh có đi theo con đường nào đi nữa thì giới hạn của tâm linh anh không thể tìm ra… Đối với người sảng khoái tồn tại một thế giới thống nhất chung, còn người đờ đẫn sẽ rơi vào trong thế giới của riêng mình…”
Những câu trích từ tác phẩm của Heraclitus Ephesus gợi nhớ lối tư duy và phong cách của những câu châm ngôn trên những bức tường cổ – những tượng đài của những nền văn minh đã mất. Những trích đoạn mà Saint John Perse có vẻ đã giải mã và tái tạo lại trong thơ mình, truyền vào trong đó hơi thở của cuộc sống mới và tuổi trẻ. Trong con người có sự hồi hộp của biển và của gió. Tên gọi những tác phẩm lớn nhất của Saint John Perse là những trường ca về biển và về gió - đó là những lời bóng gió của con người không biết đến giới hạn. “Và không nói gì về biển mà ta chỉ nói về sự trị vì của biển ở trong tim”. “Những kẻ du hành vĩ đại của công việc, của ước mơ, những kẻ chuyện trò luôn khát khao những miền xa thẳm”. “Những kẻ phiêu lưu, mạo hiểm của tâm linh”. “Những kẻ đi kiếm tìm những con đường tự do và nước”.
Biển là chủ đề chính trong tác phẩm của Saint John Perse, cũng giống như tác giả của Odyssey vậy. Biển là nhu cầu, là khát vọng, biển là vô tận, vô cùng…
Biển - đó là lời kêu gọi mở ra những vùng đất mới cho những người đi chinh phục: “Ô biển Balboa(12)!... Biển rực sáng, chói lòa, biển của bài ca sức mạnh, biển xa hoa, sang trọng, nơi mỗi buổi chiều có một người thả con ngựa xốn xang… Nhưng giá như tất cả ta đều biết được rằng cả cuộc đời ta – chỉ là một chuỗi luân phiên quay về những gì đã biết?
Ô ký ức, ngươi luôn vượt quá ta, ngươi đầu tiên đặt chân đến bến bờ chưa một ai nhận ra, nơi mà ta chưa bao giờ có mặt”.
Biển là khát vọng của con người không biết đến giới hạn. Con người không có Thượng Đế, chỉ là con người nhưng không biết đến giới hạn: “Nào, hãy đi tiếp nữa, đi tiếp nữa – thử còn có điều gì ngoài mình ta đang có, thử còn có điều gì ngoài một con người?… Nửa đêm trên biển sau Giữa trưa… Và con người, một mình, giống như chiếc đồng hồ, chiếc bàn mỏng manh trên làn khăn nước…”
Cả trường ca – mà có thể là điều này quan trọng nhất – “trái ngược với những nghi ngờ thầm thĩ” ca ngợi nỗi ao ước, nỗi khát khao đủ đầy, vô tận…
Biển là vô bờ bến, biển giống như tình yêu. Cũng như các nhà thơ siêu thực, cũng giống như Aragon(13) đã viết: “Yêu – nghĩa là trước hết vượt ra khỏi giới hạn của bản thân mình”, Saint John Perse nhìn thấy trong tình yêu một sự trung gian giữa con người của thế giới vật chất và lịch sử: “Ô những cái mang giữa biển và tôi!…”
Trong thơ của Perse hình tượng biển và tình yêu gắn chặt với nhau, như những người đưa tin của những miền vô tận.
“Nỗi cô đơn trong tim của người đàn ông. Người đàn ông lạ lùng, người đàn ông vô biên bên người đàn bà - bên bờ biển”.
“Và con người đuổi theo trên đá cho đến khi gặp phiến đá cuối cùng, rồi cúi mình trước biển nghìn năm và nhìn thấy trong diệp thạch ánh lên một thân hình phụ nữ trong những cơn co giật không ngừng, trong triệu con sóng dâng lên – tựa như bụng những nàng tiên trong khoảnh khắc đang khoe vẻ đẹp trần truồng”.
Tình yêu với phụ nữ và tình yêu với biển đều vô tận như nhau, là bản chất của biểu tượng và là vật bảo đảm cho sự phì nhiêu của sáng tạo.
“Và đây. Ngọn gió vút lên cao. Và chiếc bàn chải của nhà thể thao đang bơi theo dòng nước chảy. Nếu biển đã cầm lên khí giới thì đừng một ai cãi lại!… Ta có nên gọi là tình yêu vĩ đại, tình yêu có hành động biếng lười?”
“Tình yêu – cũng là hành động mà thôi! Ta kêu gọi cái chết về chứng kiến, vì rằng chỉ có tình yêu dám cùng cái chết so đo sức mạnh… Không quyền lực, chẳng vinh quang không biết được đối phương, những thứ có sức mạnh như nhau trong trái tim của người trần”.
Nhà thơ biết thức dậy trong ta nỗi khát khao đặc biệt, làm say mê ta, mở ra trong ta một nghị lực mới để vượt qua những giới hạn, để làm việc không ngừng.
Ông khao khát sự đầy đủ mà không mong muốn chạy trốn. Nhu cầu trong tất cả những gì mà con người còn thiếu thốn. Và đi theo điều này là lòng tin tuyệt đối vào con người, vào tương lai không một chút lo sợ nhìn vào “mặt đất lại được sinh ra dưới biểu tượng màu hồng, mở ra từ cao điểm”.
Trái ngược với tất cả những nhà tiên tri giả hiệu của sự nghi ngờ, của điều vô nghĩa hay sự tuyệt vọng mà hiện nay người ta vẫn đưa ra mời gọi tuổi trẻ như những người thầy, Saint John Perse dựa trên sự vận động của con người hàng thế kỷ nay và nhìn thấy trong triết học của Heraclitus về con người và hoạt động sáng tạo của họ, đòi hỏi nghệ thuật phải nói về sự cao cả và hân hoan, để nghệ thuật cổ vũ sự hành động:
“Hãy cứ để cho trước dáng hình của biển người ta sẽ hứa hẹn cùng ta những đợt sóng – những tác phẩm tuyệt đẹp, muôn đời, những tác phẩm sống động, tuyệt vời – những tác phẩm vĩ đại và mãnh liệt không nguôi… để trả về cho ta phong cách của tồn tại, xứng đáng với con người…
Ai sẽ hồi sinh cho ta trong dòng nước chuyển động không ngừng những lời vĩ đại của nhân dân?”
Nhưng sự ca tụng con người và hành động của họ ở Perse không phải là sự ca tụng của một người lẻ loi và mỗi ngày một ít - điều này có thế thấy từ “Anabase” đến “Những ngọn gió” và “Những mốc ngoài khơi” – nó trở thành sự ca tụng những người đi chinh phục. Tất nhiên, Perse khác với Eluard(14), không chuyển đổi “từ chân trời một người sang chân trời tất cả mọi người”. Con đường đấu tranh của quần chúng chưa bao giờ là con đường của ông.
Nhưng, mặc dù với quan điểm quí tộc về cuộc sống cũng như sáng tạo của ông, Saint John Perse – trước hết là nhà thơ sử thi. Mà những thiên sử thi – từ những huyền thoại của ấn Độ đến những khúc saga của vùng Scandinavia, từ Kinh Thánh đến “Iliát” và “Bài ca Roland”(La Chanson de Roland) – không bao giờ là sáng tác của một người mà là sáng tạo của nhân dân, là những gì mà nhà thơ có thể thu nhận.
Chỉ có tâm hồn của quần chúng nhân dân có thể dâng lên đến tầm những chuyển động vĩ đại của thiên nhiên và lịch sử, mở ra ý nghĩa của nó và mang tiếng vọng tới ngàn sau.
Con người có ý định tạo nên trường ca như vậy, không thể đứng một mình, mà người đó phải cùng với quần chúng nhân dân. “Và Thi sĩ – cùng với chúng ta, với mọi người, trên con đường lớn của thời gian.
Vun vút con tàu của thời gian, vun vút con tàu của gió.
Giải thích những thông điệp là mối quan tâm của nhà thi sĩ”.
“Tiếng reo vui! Tiếng hò reo Thượng Đế! Hãy cứ để cho Ngài gặp ta giữa đám đông ầm ĩ mà không ở trong phòng.
Và nhắc lại đám đông, Ngài gọi ta, lăn ta đi đến tận cùng bến bờ xa thính giác…”
Những trường ca này đầy ắp lòng tin, vang lên bài ca của thời đại chúng ta và mang xa đến những thời đại mới của lịch sử, rằng Saint John Perse biết “nghe tiếng vọng xa xôi của những người bất tử và biết nghe ngôn ngữ của nhân dân”, và giữ gìn trong ký ức dấu tích của những nền văn minh cổ đại, giữ gìn tất cả những gì chứng kiến sự chuyển động của con người trong mỗi thời đại và biết giành lấy “tiếng reo của loài người, mà lúc này không một ai nghe rõ”…
Đấy là tất cả lịch sử, tựa như một con sóng hùng vĩ mang ta đi tới tương lai. Không phải một người mà cùng với tất cả. Ta hãy lắng nghe:
“…Giương cánh cung của đám đông, giữ ta bằng dây cung của mình. Và ngươi, đang nhảy múa giữa đám đông, ngươi, những lời cha cao cả, - trên bãi cát dài, ô Biển cả - liệu ngươi có trở thành biển của bí ẩn lặng câm, bằng giấc mộng xa xăm, còn xa hơn giấc mơ của giống nòi Sarmat?”(15)
Cuốn hút theo cảm hứng này, dâng lên từ vực sâu thế kỷ, từ lao động, đấu tranh của loài người, dựa trên sử thi xa xôi, Saint John Perse kêu gọi và đón chào một thế giới mới. Ta hãy lắng nghe ông:
“Và nhà thơ luôn luôn cùng các bạn. Cùng các bạn ý nghĩ của nhà thơ, như sự im lặng canh chờ. Thì hãy cứ để cho đến khi trời tối, hãy cứ để mặc nhà thơ bằng cái nhìn hờn dỗi sẽ nắm bắt niềm hạnh phúc sắp tới của con người!
Tôi vì các bạn mà đưa đến trong đôi mắt nhà thơ vực thẳm. Còn những giấc mơ của nhà thơ thì các bạn sẽ biến thành hành động”.
Vì rằng “công việc liên quan đến con người”, và chính công việc “là sự chứng kiến về con người”, tôi muốn lưu ý điều này trong tác phẩm của Saint John Perse…
“Đấy là niềm hy vọng, những hạt giống của hy vọng bằng những đôi mắt trên đất hãy ném – niềm hy vọng thế kia chưa từng có ai ban tặng cho người.
Và đây – sự trưởng thành đột ngột của một thế giới khác trong con tim chính ngọ của đêm…
Tất cả vàng bạc của nhà băng và của những tầng hầm của Quốc gia các bạn vẫn hãy còn thiếu thốn để mà mua những cổ phiếu vô giá này.
… Ta hãy nhớ về một bờ bến khác! Và ta hãy cúi mình trước Mặt trời đen đang bơi xuống thấp!”
Tôi không biết được tương lai nào mà Saint John Perse tin tưởng và hân hoan chào mừng đến vậy, tôi cũng không biết được những vàng bạc trong nhà băng hay tầng hầm của những quốc gia nào mà ông nhắc đến một cách giận dữ và mặt trời đen nào mà ông chờ đợi hiện ra. Nhưng trong những trường ca của ông ca ngợi vẻ cao cả, hùng tráng của con người và kêu gọi họ ở giữa đám đông, giữa mọi người, đề cao lòng tin vào tương lai của nhân loại, bản thân tôi là người đấu tranh cho sự thể hiện những hy vọng cụ thể của những người ở các quốc gia châu á, Phi, Mỹ Latinh, những người đã vùng dậy và không còn bao giờ chịu cúi đầu, những người đã dứt khoát từ bỏ quá khứ để xây dựng cho mình tương lai xã hội chủ nghĩa.
Đối với tôi không quan trọng, nếu như Saint John Perse có ý định thức dậy trong con người những ước mơ khác, những viễn cảnh khác, mà quan trọng là ông thức dậy trong tôi những ước mơ này, vẽ ra chính những viễn cảnh này, ca tụng và tạo ra tình hữu ái của những ai tin tưởng vào tương lai, bất kể những gì chia cách chúng ta, trái ngược với sự nghi ngờ, điều phi lý và sự tuyệt vọng.
Tôi yêu nhà thơ hoài niệm về quá khứ như vầy:
“Khi con người trong ngọn gió tự do hãy còn chưa biết dửng dưng và hãy còn chưa biết trèo lên đồi núi”.
Tôi yêu nhà thơ chào đón tương lai như thế này:
“Mặt trời hãy sinh ra! Tiếng hò reo của nhà Vua! Những Thủ lĩnh, Toàn quyền của những giới hạn hãy còn phía trước!
Ta giữa những người đón chào sự xâm nhập của thần thánh mới…”
Saint John Perse muốn cho những trường ca của ông tạo nên hình tượng của một nền văn minh mới lý tưởng, trên cơ sở đỉnh cao của những thời đại lịch sử – một nền văn minh thể hiện được toàn bộ lịch sử của con người, của những chinh phục, những chiến công, tất cả vẻ hào hùng của loài người trong mọi biểu hiện của nó.
Đấy không chỉ là ca ngợi một lối sống tích cực, mà còn là ý chí của Hegel(16) tạo nên một cá nhân phát triển toàn diện, làm giàu cho mình toàn bộ lịch sử của nhân loại, của những cá nhân trong quá khứ. Phong cách của loại thơ này là phong cách của cuộc sống. Tại sao những tình cảm của loại thơ này không có trong tôi, người chiến sỹ, mà lại khác với những tình cảm đã cổ vũ cho tác giả của nó?
Chẳng can hệ gì đến tôi, rằng tác giả, có thể, quay lưng lại với tương lai, tạo nên những cái là ý nghĩa của cuộc đời tôi – nếu như những bài ca do ông viết ra đi cùng với tôi trên con đường của mình: con mắt ông hướng về mặt trời, còn ta – ta làm những việc vặt vãnh chỉ để cho qua ngày, mà khả năng nhìn thấy trước, cả nhà thơ lẫn nhà tiên tri đều không có được.
Tôi cũng chẳng hề lôi kéo về phía mình, những người Mác-xít, một nhà thơ mà xa cách với chúng tôi không chỉ như một nhà ngoại giao của Quai d’Orsay mà còn tác phẩm của ông. Tuy nhiên trong bản hợp xướng anh hùng về sự chuyển động của nhân loại như thơ của Saint John Perse, ta cảm nhận được một tình yêu mãnh liệt với con người. Cái niềm lạc quan ấy, sự hiểu biết cuộc đời ấy và sự ca tụng con người cao cả là những gì gần gũi, là những gì mà ta quí trọng, vang lên trong ý nghĩa của ta và trong cuộc đấu tranh hàng ngày.
Và đây là những cái rất chung:
“Những chiếc bóng to lớn màu xanh đang chuyển động trên đồng bằng, trong im lặng xua bầu trời đi xuống đất… Vì rằng ta là những mục phu của tương lai..”
“Ta đưa lên trong tay, trong những bàn tay của mình nóng bỏng – tựa như một dàn những đôi cánh – một trái tim buồn bã của người trần, trong trái tim này có một tình yêu kín thầm, có lửa và có khao khát, ước mong…
Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe này đêm – trong sân những tu viện bỏ hoang, dưới những mái vòm ầm vang, giữa những đống tro tàn linh thiêng, những thành phố, những mô đất cổ – hãy lắng nghe tiếng bước chân của những linh hồn không nơi ở.
Có vẻ như đang giấu mình một thú dữ của rừng hoang.
Và đây là ta, thế kỷ vinh quang! Hãy đem trái tim người đo đếm”.
Vâng, tôi tâm đắc chủ nghĩa nhân đạo của người ngợi ca hạnh phúc và sự cao cả. Ông mang trong mình tất cả quá khứ của con người và không thể bằng lòng với hiện tại. Với ông – thơ ca là những gì thể hiện bản chất con người và cuộc đời trong quá trình hình thành.
Tất cả thơ ông bắt nguồn từ điều đòi hỏi này.

***

Nhiệm vụ của từ ngữ - không phải sao chép sự vật, không lấy khuôn mẫu cho mình, mà ngược lại, đào bới lên định nghĩa của chúng, nắm bắt giới hạn vị lợi, ý nghĩa của chúng, lấy ra như tia lửa từ đá, những khả năng không nhìn thấy trước, những ý nghĩ còn ẩn giấu mà từ ngữ mang trong mình và sẽ biến hiện thực thông thường nhất thành chất liệu.
Hiện thực có trong mình nhiều hơn so với sự hoạt động thường ngày, nhiều hơn những con đường mà hoạt động này đã đi qua, nhiều hơn những mối liên hệ theo thói quen.
Sự vật – chỉ là một phần của cái mà chúng định nghĩa. Đối với Baudelaire cả vũ trụ nhạy cảm là kho chứa hình tượng, ký hiệu, là cuốn từ điển của hình thức mà từ đó trò chơi sự tương xứng cho phép lấy ra những ngân vang bất ngờ.
Sự tương xứng giữa những cảm xúc khác nhau xuất hiện khi Saint John Perse hồi tưởng: “những con cá đang bơi tựa như chủ đề theo sự phát triển của bài ca”. Sự tương xứng giữa sự vật và sự mong muốn của ta: “Trí khôn của ngày có hình dáng một cây gỗ đẹp”. Sự tương xứng giữa sự vật và ý nghĩa trong giới hạn của vũ trụ…
Đây là đề tài chủ đạo trong thơ của Saint John Perse, cũng như trong thơ của Paul Claudel. Tuy nhiên, với một sự khác biệt cơ bản, đối với Claudel theo đạo Thiên Chúa thì ý nghĩa này đã đặt vào trong vũ trụ và con người chỉ việc giải mã nó trong sách thánh, trong khi đối với nhà nhân văn và vô thần Saint John Perse thì trong thế giới không có những giá trị nào khác ngoài hoạt động và sáng tạo của con người…
Con người tìm thấy nguồn cảm hứng chỉ ở trong những chiến công hiện tại của mình, chỉ ở trong những hoạt động đã qua của mình.
Mục đích của thơ ca là để nhận thức ý nghĩa này, là để chuyển tải trong đó thông điệp hay khải huyền, và không thể biến thành những hình thức thơ cổ điển có vần điệu. Lời của những nhà tiên tri đều thu nhận hình thức thơ của các loại kinh: từ thơ của Kinh Thánh đến thơ của Zarathustra(17), từ thơ của Claudel đến thơ của Saint John Perse.
Phong cách của tượng đài về sự vĩ đại, cao cả của con người thu nhận trong mình trí tuệ và lòng tin của mọi dân tộc, mọi thời đại, tất cả những huyền thoại, truyền thuyết, tất cả những gì do bàn tay con người tạo nên, tái tạo nó như một bộ sử thi bằng cách giải mã những dấu vết, những ký ức của quá khứ. Phong cách như vậy đối với Saint John Perse không quá cầu kỳ, không quá trang trọng. Những câu chú này chúng ta đôi khi ngỡ rằng quá bóng bẩy và trang trọng, “lời của những nhà tiên tri mang lại”. Nhưng chẳng lẽ có thể biểu hiện sự sinh ra của một thực tại mới bằng một phong cách nào khác, ngoài phong cách trang trọng, oai nghiêm này?
“Vinh quang của ta trên cát! Vinh quang của ta trên cát!… Và điều này không có gì sai lầm, sơ suất, ô những kẻ hành hương…
Trên cuộc đời xin hãy huýt gió lên, những vỏ sò xin hãy hát lên trên dòng nước!
Ta đứng trên bờ vực và trên bọt nước, trên cát nóng bừng lên. Ta sẽ ngủ hằng đêm trong bể nước và trong những con thuyền, trong những nơi thâm cốc cùng sơn, nơi trú ngụ những gì là vĩ đại”.
Nhà thơ ghi nhận về giới hạn của con người tựa hồ như là chính giọng nói của tồn tại… Trong “Những mốc ngoài khơi” thể hiện bản chất thơ ca Saint John Perse:
“Ái chà, ta biết những lời để dành cho ngươi và ta không biết được những lời đầy đủ
Và tình yêu cản trở ta với đám đông từ ngữ
Và lời của ta không còn nữa, không còn là những dấu hiệu nữa bây giờ
Chúng là sự vật được gọi tên bây giờ, chúng tự thân là sự vật
Hoặc là nói cho chính xác: ta trở thành những câu chuyện của ta, ta trở thành lời
Ta trở thành ngươi, bởi vì trước đây ta và ngươi không hoà hợp, ta trở thành thơ và bút pháp của thơ, và sự chuyển động biển khơi của nó
Và ta khoác vào áo choàng của nhịp điệu bao la…”
Đấy là những lời có hình bầu dục, là ngôn ngữ ám chỉ, khó hiểu, ngôn ngữ của giới luật, của lễ nghi với đặc trưng của những lời cầu nguyện, những câu thần chú, là ngôn ngữ mà trong đó hình ảnh và nhịp điệu, ý nghĩ và âm thanh tạo thành một khối thống nhất.
Đấy là những thuộc tính của thơ Saint John Perse, sự hoà hợp lạ lùng của ý nghĩ và âm nhạc đòi hỏi sự có mặt và chuyển động của chúng ta. Và không nghi ngờ, đấy là tiêu chuẩn quan trọng nhất của thơ ca. Sự chuyển động của trường ca cho ta thấy sơ đồ của vần điệu và âm nhạc cuốn hút ta. Có nên ngắt quãng nó hay chỉ đơn giản là kéo lệch chúng đi – và nói như Paul Valery(18), “có cái gì đó vỡ ra như cốc chén hay là pha lê”. Ta hãy nghe trường ca về biển này một lần nữa:
“…Biển Vaal(19), biển Mammon, biển của tên gọi bất kỳ và thế kỷ!
Biển một lòng chung thủy và chung những mơ ước của ta, vì rằng thiếu biển thì giấc mơ không thể sống qua –
Biển là vết thương bên sườn và là dàn đồng ca cổ xưa bên cánh cổng
Và là điều xúc phạm, là ánh huy hoàng, là vẻ hân hoan, là cơn mê sảng…”

***

(…) Có thể, Saint John Perse trở nên quí giá đối với chúng ta trước hết là bởi (và ở đây chúng ta lại trích dẫn ông, để dành cho ông lời cuối):
“… Ai nhìn thấy trong giấc mộng của mình những qui luật khác về những cuộc du hành trên mặt đất và ai kiên nhẫn đi tìm đất đỏ trong sâu thẳm mờ xa, để tạo nên hình bóng của ước mơ”
“… Ai tìm ra trong hơi mát âu lo rồi đứng lên từ bờ vực thẳm để ngọn gió thổi lên ý tưởng và ai can trường thổi tù và trước cổng lớn của ngày mai”.
______


(1)Claudel, Paul Louis Charles Marie (1868-1955) – nhà thơ, nhà ngoại giao Pháp.
(2)Antilles – quần đảo ở Đông Ấn gồm những đảo lớn như: Cuba, Jamaica, Haiti, Puerto Rico… những đảo nhỏ như: Trinadad, Tobago, Barbados…
(3)Petain, Henri Philippe (1856-1951) – chính khách. Từ 1940-1944 là thủ tướng và là người đứng đầu nước Pháp.
(4)Briand, Aristide (1862-1932) – chính khách. Bộ trưởng ngoại giao, thủ tướng Pháp những năm 1909-1931. Giải Nobel Hoà bình năm 1926.
(5)Quai d’Orsay - đường phố bên bờ sông Seine, nơi có toà nhà Bộ Ngoại giao Pháp. Cụm từ “Quai d’Orsay” thường được dùng đồng nghĩa với Bộ Ngoại giao Pháp.
(6)Marx, Karl (1818-1883) – nhà tư tưởng, người sáng lập chủ nghĩa Mác.
(7)Goethe, Johann Wolfgang von (1749-1832) – nhà tư tưởng, nhà thơ Đức.
(8)Lautreamont, Comte de tên thật là Isidore Lucien Ducasse (1846-1870) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Rimbaud, (Jean Nicolas) Arthur (1854-1891) – nhà thơ Pháp.
- Harare – thủ đô của Zimbabwe (châu Phi).
- Nerval, Gerard de tên thật là Gerard Labrunie (1808-1855) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
- Baudelaire, Charles Pierre (1821-1867) – nhà thơ Pháp, chủ soái phái hình tượng.
- Mallarme, Stephane (1842-1898) – nhà thơ Pháp.
- Jarry, Alfred (1873-1906) – nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Pháp.
(9)Quinet, Edgar (1803-1875) – chính khách, nhà sử học Pháp.
- Whitman, Walt (1819-1892) – nhà thơ Mỹ.
- Verhaeren, Emile (1855-1916) – nhà thơ Bỉ.
(10)Gide, Andre (1869-1951) – nhà văn Pháp, giải Nobel Văn học năm 1947.
(11)Heraclitus (540-480 tr. CN) – nhà triết học Hy Lạp cổ đại.
(12)Balboa, Vasco Nunez de (1475-1591) – nhà chinh phục Trung–Nam Mỹ (conquistator). Năm 1513 là người đầu tiên đi qua eo Panama để sang bờ Thái Bình Dương.
(13)Aragon, Louis (1897-1982) – nhà thơ, nhà văn Pháp.
(14)Eluard, Paul (1895-1952) – nhà thơ Pháp.
(15)Sarmat (Sarmatian, Sarmatai, Sauromatai) – tên gọi một bộ tộc người sống ở châu Âu khoảng thế kỉ 6-4 tr. CN (nay vùng đất này là lãnh thổ Nga, một phần Đức, Áo).
(16)Hegel, Georg Wilhelm Friedrich (1770-1831) – nhà triết học Đức.
(17)Zarathustra (sống khoảng trên 1000 năm tr. CN) – nhà tiên tri Ba Tư, nhà thơ, người sáng lập đạo Thờ Lửa.
(18)Valery, Paul Ambroise (1871-1945) – nhà văn, nhà thơ Pháp.
(19)Vaal – thần nước, thần chiến tranh của người Do Thái cổ.
- Mammon – theo Kinh Thánh là thần giàu có (Tân Ước_Ma-thi-ơ 6:24; Luca 16:13).

Trả lời ngay kèm theo trích dẫn này
vietnamcayda.com

Không có nhận xét nào: