Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

7 thg 6, 2011

Văn Học IRAN Cổ Đại

I.S Braginsky
chuyển ngữ : Trần Thị Phương Phương



Những văn tự cổ đại Iran là một phần văn hóa cổ đại của các bộ tộc của người Iran sinh sống trên một vùng rộng lớn Eurasia (Á-Âu) – từ Hindukush đến các cửa sông Đông và từ Ural đến vịnh Ba Tư – từ thiên niên kỷ II trước công nguyên. Đến đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên, lãnh thổ cư trú của những người Đông Iran và Tây Iran đã được xác định.


Những người Đông Iran sống ở Trung Á (bao gồm một phần lớn Afganistan ngày nay và một phần vùng đinh ba Hindu Kush) và từ lâu đã có quan hệ với dân cư vùng đồng bằng Đông Âu, với Trung Hoa và Ấn Độ. Các trung tâm của dân định cư Đông Iran là các vùng Phergana, Chorasmia, Sogdiana, Bactria, Drangiana (sau là Sistân), Pamir và Chorasana. Những người Tây Iran chủ yếu chiếm cứ vùng lãnh thổ Iran ngày nay và giao lưu với các dân tộc ở Mesopotamia và Địa Trung Hải. Dân định cư Tây Iran chiếm những vùng Media, Atropatena và Parsa. Những mối quan hệ hết sức chặt chẽ và đa diện giữa người đông và người tây Iran kéo dài liên tục hàng nhiều thế kỷ.
Những thông tin mà những người đương thời nói về các tín ngưỡng của người Iran cổ đại, trong đó có những bộ lạc du mục (Scythians), có thể tìm thấy trong các tác phẩm của các tác giả Hy-La cổ đại, đặc biệt là Herodot và Xenophon, trong các văn  bia viết bằng các cổ ngữ phương Đông. Tác phẩm văn học viết của Iran có sớm nhất còn truyền lại đến nay là cuốn kinh Avesta. Nó bao gồm một số phần. Phần cổ nhất trong đó là“Gâthâ” (“Thánh ca”) bao gồm mười bảy bài cầu nguyện. Tác giả của chúng được gán cho người sáng lập tôn giáo Iran cổ Zarathushtra (hay theo cách gọi của người Hy Lạp là Zoroaster).1. “GÂTH”
Những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất trước công nguyên, thời kỳ các gâthâ được tạo nên, là thời kỳ quá độ từ chế độ thị tộc sang xã hội có giai cấp ở Trung Á và Iran. Sắt đã được biết đến, xuất hiện kiếm, búa và lưỡi cày bằng sắt, việc chăn nuôi gia súc và làm ruộng cày phát triển và củng cố. Các dân tộc và bộ lạc Đông Iran chia thành dân du mục và dân định cư. Những người Iran định cư sống thành những gia đình lớn, tập hợp thành những công xã nông thôn. Họ dần phân hóa thành ba nhóm xã hội: nhóm những người làm ruộng và chăn nuôi đứng đầu là những người già nhất trong bộ tộc, nhóm những chiến binh đứng đầu là chủ tướng và nhóm những người tư tế đứng đầu là quan tư tế trưởng lão. Sự bất bình đẳng về tài sản tăng lên, xuất hiện người giàu và người nghèo, mâu thuẫn giữa họ ngày càng tăng, giới quý tộc được vũ trang đầy đủ nổi trội hẳn lên. Chế độ dân chủ quân sự bắt đầu chuyển dần thành tập đoàn thống trị quý tộc, xuất hiện nhà nước sơ khai.
Những quan niệm sơ khai của người cổ đại, trong đó có các dân tộc Iran, như chúng tôi có thể đánh giá qua các cứ liệu từ những tác phẩm còn lưu giữ được và qua văn học dân gian, thể hiện một mặt là tinh thần hiếu học và tích cực của những cộng đồng cổ đại trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, mặt khác là sự cảm nhận thiên nhiên một cách huyền thoại, mọi sự vật và hiện tượng trong thiên nhiên được cảm nhận như những sinh thể: mỗi sự vật đều có “linh hồn” ở bên trong quyết định bản chất của nó, thường được các nhà dân tộc học gọi bằng những thuật ngữ “manah” hay “orenda” (gọi theo cách của một số bộ lạc nguyên thủy).
Khi đó ra đời những thần thoại về các “danh nhân văn hóa” đã dạy cho con người cách lấy được lửa, dựng nhà ở, may quần áo, chăn nuôi và trồng trọt. Xuất hiện những truyền thuyết về những tráng sĩ đấu tranh với những linh hồn độc ác. Phổ biến cả những bài thần chú phù thủy và những tụng ca thần linh, hoàn thiện nghệ thuật thuyết pháp hùng biện.
Chính vào thời kỳ cổ đại trong lịch sử các bộ lạc Iran, các nhà tiên tri, hoặc có thể chỉ một trong số họ, người vĩ đại nhất có tên Zarathushtra đã đọc hay có thể đã hát những gâthâ. Họ làm người nghe say mê bởi cao trào cảm xúc, bởi những điệp ngữ vô tận, bởi sự đều đặn của ngôn từ, và các bài ca đã được truyền từ đời này sang đời khác. Chỉ mãi về sau chúng mới được các tư tế - những người đã không còn có thể hiểu hết ý nghĩa nguyên thủy từng thấu tận tâm can những người nông dân và các chiến binh Iran từ thời cổ đại xa xưa - chép lại.
Ứng với cấu trúc xã hội tương đối đơn giản, thuyết lý thể hiện trong các gâthâ rất rõ ràng: ta không thấy có gì huyền bí, cũng không có sự khô khan giáo điều. Trong tất cả các châm ngôn của gâthâ đều nói về cuộc sống, sinh hoạt, về những chuẩn mực trong hành vi ứng xử. Tiêu biểu cho hệ thống hình tượng của gâthâ là sự phân cực toàn diện, phản ánh những xung đột thực sự giữa những lực lượng đối kháng nhau trong tự nhiên và xã hội.
Cả thế giới bị chia thành hai phần: một là trần thế, hiện thực, là “thế giới vật chất”; hai là thế giới bên kia, tưởng tượng, là “thế giới linh hồn”. Quan niệm về sự phân đôi thế giới như vậy thấm nhuần trong nhiều gâthâ: “Xin hãy giúp đỡ và phù hộ ở cả hai thế giới” – lời kêu gọi đó của Zarathushtra thường được lặp đi lặp lại.
Nhưng sự quan tâm chủ yếu tập trung vào trần thế. Nội dung của các gâthâ hợp lại thành hai dạng châm ngôn: về lợi ích của việc định cư chăn nuôi, tăng thêm của cải và về sự cần thiết của việc phân công và điều hành công bằng. Đặc biệt nhấn mạnh trong các gâthâ là thái độ không thể chấp nhận tục hiến sinh đẫm máu, khi người ta giết súc vật – tài sản chủ yếu của con người thời bấy giờ – một cách xuẩn ngốc.
Trong các gâthâ phê phán cuộc sống của những người du mục chuyên trộm cướp gia súc, thủ lĩnh và những người tư tế của dân du mục đó bị nguyền rủa. Mọi người thuộc các bộ lạc được chia thành ba nhóm: nhóm những người chân chính là những người chăn nuôi trồng trọt định cư, đối lập với họ là những người du mục trộm cướp, và cuối cùng là những người còn “lẫn lộn giả với chân” (33,1).
Thuyết giáo cho việc chăn nuôi thể hiện rõ trong gâthâ có lời cầu nguyện của linh hồn một con bò.
Linh hồn bò cầu xin các thần linh tốt bụng giúp đỡ:
Ai tạo ra con để làm chi?
Cho Aeshma đày đọa
Bọn trộm cướp đuổi xua
Ngoài Người ra không ai bảo vệ
Xin hãy để cho dân làng nuôi nấng con!
(29,2)
Trong nhiều gâthâ khác nhau, ước muốn của người chăn nuôi có được của cải và phúc lộc không chỉ một lần được nói đến: “Tôi ước sao ngay giờ đây tới được vương quốc của phồn vinh […] Xin cho tôi hỏi liệu người nông dân chân chính có thể sở hữu đàn gia súc đông đảo được chăng nếu như người ấy luôn cư xử khôn ngoan, đúng đắn, và hiếu nghĩa?” (51,1,5); “Làm sao có thể có được đàn gia súc trù phú như mong ước nếu như chăn chúng trên bãi thả?” (50,2); “Những món qua vô giá mà Đấng Sáng Tạo ban cho trần thế để thưởng công cho những ai trong công xã chăn nuôi, nhân danh Ý Tốt” (trong nguyên bản: “nhân danh Vokhu Mana – linh hồn của gia súc”; 34,14).
“Cần phải không ngừng sinh sôi con người và gia súc” – ý tưởng đó dưới hình thức thể hiện này hay khác thấm nhuần trong hầu hết các gâthâ. Từ quan niệm đó mà những vị vua tốt được ngợi ca:
Hãy để cho những vua tốt trị vì
(Đừng để những vua tồi cai trị),
Để họ làm điều lành
Đem phúc đến cho mọi người và cho con cháu họ
Hãy để gia súc được chăm nom đem ấm no cho người chăn dắt…
Và hãy để cho cây ra trái đơm hoa…
                (48, 5-6)
Những lời ca tụng được cất lên dành cho các vị vua tốt, mà trước hết là vị vua bảo trợ cho Zarathushtra là Kay Vishtasp: những người chăn nuôi thuần phác phải kính trọng họ. Nhưng với kẻ thù của nghề chăn nuôi định cư là cả cơn giận dữ đổ lên đầu: “Người chăn nuôi là chiến sĩ đấu tranh vì ý tốt, còn kẻ không chăn nuôi chẳng can dự vào đây” (31,10); “Kẻ ác là những ai sinh nhai bằng cách ức hiếp gia súc và gia nhân của người chăn nuôi chân chính” (31,15).
Lòng hận thù cũng trút xuống cả những thủ lĩnh của các bộ lạc du mục trộm cướp, vua của họ là những phù thủy, các tư tế (Karapan) của họ là những kẻ dối trá. Những kẻ “dùng miệng lưỡi của mình để gia tăng cướp bóc và bạo lực”, là bọn lười biếng sống giữa những con người cần cù, là “kẻ thù sống giữa những người chăn nuôi”, sẽ phải gánh chịu đau khổ; kẻ làm thầy giả hiệu là “ kẻ bôi nhọ lời thần thánh, kẻ nói về gia súc và mặt trời như những gì tồi tệ nhất trong thế giới hữu hình, kẻ kêu gọi phá tan hoang bãi thả và cầm vũ khí chống lại thiện nhân; kẻ dối trá cướp bóc trang trại người ta được thừa kế, đuổi đàn gia súc bằng tiếng hét chói tai” (32,10-12).
Về bản chất, những quan niệm về đời sống trần gian đó được chuyển sang cho cả vũ trụ. Và ở nơi đó diễn ra xung đột không ngừng giữa các thần thiện với các thần ác-daeva. Điều này gắn với cuộc đấu tranh thường xuyên giữa Thần Thiện và Thần Ác được kể lại rất sinh động trong bài thuyết giáo về hai thần (30).
Và giờ đây tôi nói với những ai đang muốn nghe…
Hãy lắng tai nghe những điều hay nhất,
Và hiểu cho rõ hai tín điều
Bởi mỗi người trước ngày phán xử đều đã tự chọn một cái cho mình:
Hai linh hồn  từ thuở ban đầu như hai kẻ sinh đôi
Và giờ đây ở trong mọi ý nghĩ, mọi lời nói, việc làm
Đó là Thiện và Ác
Người khôn ngoan biết chọn đúng còn kẻ ác thì không thể,
Khi hai linh hồn gặp nhau, tạo ra khởi thủy
Cho Sinh và Vô Sinh
Cái tồi tệ để cho kẻ dối trá còn điều tốt dành cho người chính trực
Trong hai linh hồn, Dối trá chọn cho mình những việc xấu xa
Còn Thánh thiện chọn điều chính trực, khoác cho mình chiếc áo thiên đường.
(30,2-5)
Tiếp theo kể chuyện các deava vì ngu ngốc và thiếu hiểu biết đã chọn ý ác và trở nên cuồng nộ, đem đến cái chết cho con người. Các thần linh thì mang lại sức mạnh cho cơ thể và tâm hồn con người để trong cuộc thử thách cuối cùng với kim loại nóng chảy, người chân chính được cứu thoát: “Chúng tôi muốn trở thành những người chiếu ánh sáng cho toàn thế giới để đặt cáo chung cho Sự Dối Trá (Drudj); và ai hiểu rằng chờ đợi kẻ đi theo Sự Dối Trá là những khổ đau vĩnh cửu, còn chờ đợi người theo công lý là hạnh phúc muôn đời, thì người đó sẽ có được số phận may mắn”.
Trong vương quốc của các thần Thiện, theo quan niệm của các gâthâ, ngự trị một trật tự kỳ diệu, một sự hài hòa cân đối, phản ánh lý tưởng về trật tự trên trần thế. Sự hài hòa đó dựa trên nguyên tắc ba ngôi, thể hiện sự tôn sùng “những con số may mắn” của thời nguyên thủy, trong đó có con số 3.
Tương tự trong xã hội thời bấy giờ vị vua tối cao - người đứng đầu quân đội - phải dựa vào quan tư tế trưởng lão là người đứng đầu những tư tế, và dựa vào các tộc trưởng là những người đứng đầu các công xã và các gia đình chăn nuôi trồng trọt định cư, ở trên trời cũng ngự trị ba ngôi: thần tối thượng là Ahura Mazda (sát nghĩa là chúa tể của tất cả), thần này dựa vào thần lửa Artu Vahishta (còn được đọc là Asha, nghĩa là trật tự tối ưu; một dạng bộ máy tư tế và tư tế trưởng lão ở trên trời) và thần gia súc – Vohu Manah (nghĩa là ý tốt; kiểu mẫu công xã của những người chăn nuôi định cư và bậc trưởng lão của họ ở trên trời). Ba ngôi đó cùng lúc thể hiện tam đoạn đạo đức: sự thống nhất ý nghĩ, lời nói và việc làm. Vohu Manah là hiện thân của ý nghĩ, Artu Vahishta là hiện thân của lời nói, còn Ahura Mazda là hiện thân của lời nói có ý nghĩa và tác động đặc biệt (tương ứng với uy tín của những sắc lệnh người đứng đầu nhà nước là nhà vua ban ra).
Ba ngôi trên trời được những thần linh của cái thiện (ahur) hộ tống. Họ một mặt là hiện thân của các hiện tượng thiên nhiên, mặt khác là hiện thân những ảnh hưởng tốt lành. Có bốn thần thiện là: thần kim loại Vayria Khshathra (nghĩa là quyền năng chắn chắn), thần đất – Spenta Armaiti, hay Armatai (con gái của Mazda và em gái của Asha; nghĩa là lòng tận tình tốt lành), thần nước Haurvatat (nghĩa là sức khoẻ) và thần thực vật – Ameretat (nghĩa là bất tử). Tất cả bảy vị thần về sau được gọi tên là Amesha Spenta, nghĩa là những Thánh thần Bất tử, và họ được gán cho những tính chất huyền bí nào đó. Tuy nhiên thái độ huyền bí đối với các thần linh trong các gâthâ không có.
    Về sau khi trích dẫn và trình bày nội dung của các gâthâ, chúng tôi cố ý dịch tên của các thần theo các cách khác nhau: khi thì theo tên được gọi trong các gâthâ (Vohu Manah, Armaiti,..), khi thì theo những ý nghĩa chức năng của các thần (ý tốt, lòng tận trung, v.v..). Đồng thời cũng luôn phải nói đến cả hiện tượng tự nhiên mà mỗi thần là hiện thân. Chẳng hạn hầu như luôn luôn, khi nhắc đến tên Vohu Manah trong các gâthâ là nhắc đến gia súc, đến người chăn nuôi mà Vohu Manah là vị thần đại diện. Việc cố ý để những tên khác nhau khi dịch nhằm giúp hiểu những hình tượng của gâthâ và ý nghĩa của chúng được thính giả cổ đại tiếp nhận ra sao theo quy luật đồng tham dự (việc đồng nhất hiện tượng tự nhiên với thần linh, chủ thể hoạt động với bản thân hoạt động, quá trình hoạt động với kết quả của no”), đồng thời giúp thận trọng khi tiếp nhận những quan niệm vật linh ngây thơ của người Iran cổ đại trong các lý giải huyền bí mang tính quy phạm tôn giáo của họ về sau.
Kiểu mẫu tiêu biểu cho việc đồng tham gia tiếp nhận những thần linh của cái thiện, cũng như cho niềm say mê sự cân đối ba ngôi có thể thấy được ở đoạn sau:
1.Ô hỡi Người, đấng sáng tạo gia súc, nước và cỏ cây,
2. Hãy ban tặng cho con sự trường sinh [Ameretat] và sức khoẻ [Haurvatat] nhờ linh hồn cao thượng của Người, hỡi Đấng Tối thượng [Mazda]
3. Và cho con sức mạnh cùng niềm sảng khoái nhờ vào ý tốt [Vohu Manah] vào Ngày Phán xử.
(51,7)
    Trong đoạn trên tất cả đan xen với nhau: thiên nhiên, các thần linh, những việc làm tốt đẹp, tam đoạn đạo đức, - và tất cả được thể hiện trong sự đối xứng chặt chẽ:
1. Gia súc            Nước                Cây cỏ
linh hồn của gia súc        linh hồn của nước        linh hồn cây cỏ
Vohu Manah            Haurvatat            Ameretat
  (ý tốt)            (sức khoẻ)            (sức sống)
2. Linh hồn thiện        Chúa tể Mazda        Sức sống   
    (nghĩa là ý nghĩ)        (nghĩa là chúa tể        (nghĩa là hành động)
                của ngôn từ)
3. Ý tốt            Phán xử            Sức mạnh và niềm
(ý nghĩ)            (lời nói)            sảng khoái(hành động)
Đồng thời trong các gâthâ thường xuất hiện cách tiếp nhận các thần linh của cái thiện rất tự nhiên chủ nghĩa, đầy tính con người: “Hãy chỉ cho con, - Zarathushtra thốt lên – những cái tốt nhất có hình hài trông thấy được và hãy lắng nghe lời tán tụng của con”. Zarathushtra cầu xin thần linh sự giúp đỡ có thể trông thấy được, “bằng cái chỉ tay mang đến điều may mắn tốt lành” (50,5). Ông thường nhấn mạnh sự gần gũi thân mật trong quan hệ giữa mình với Mazda, gọi Mazda là người bạn (“hãy giúp đỡ, như bạn bè tương trợ”), không chỉ cầu xin thần, mà còn đòi hỏi, yêu cầu, đôi khi như người bằng vai phải lứa.
Ahura Mazda được mô tả là vị thần quyền năng, hiếu chiến nhưng công bằng, là điều thích hợp với vị vua lý tưởng thời bấy giờ: “Con nhận ra Người, hỡi Mazda, như đấng sáng tạo đầu tiên và cuối cùng, là cha của Vohu Manah [linh hồn của gia súc] và là người tạo nên Artu [linh hồn của lửa] , là chủ nhân trong mọi hành vi cuộc sống” (31,8).
Dưới ánh sáng ngọn lửa hiến sinh Zarathushtra thốt lên:
“Nay chúng con khát khao, ơi Chúa tể, sao cho ngọn lửa dâng Người nhờ Artu (tức linh hồn của lửa, cũng là trật tự tối ưu) thắp lên chiếu sáng những bạn bè, còn với kẻ thù thì, hỡi Ahura, nó thành mũi tên do tay người nhằm bắn”  (34,4).
Nhưng tiếc thay không chỉ có những linh hồn thiện ngự trị trong vũ trụ, và Zarathushtra ca thán về điều này:
Tôi muốn nói về hai linh hồn khởi thủy,
Linh hồn Thiện nói với linh hồn Ác:
Rằng: “Suy nghĩ của chúng ta, di huấn của chúng ta, ý đồ của chúng ta,
Quyết định của chúng ta, lời nói của chúng ta, hành động của chúng ta,
Lương tâm của chúng ta, tâm hồn của chúng ta – không có gì chung cả”.
(45,2)
    Tương ứng với tập thể những thần linh của cái thiện là đạo quân thần ác. Mặc dù không có sự hài hòa trong đạo quân này, nhưng sự cân đối “ba ngôi” cũng được phản ánh ở đây: đối lập với Mazda, trong đạo quân thần ác đứng đầu là Drudj (nghĩa là linh hồn của sự giả trá) với hai chiến hữu phụ tá là Ako Manah (nghĩa là ý xấu) và Aeshma (Asmodai, nghĩa là linh hồn cướp bóc). Vây quanh chúng là một bầy linh hồn ác quỷ – deava – làm hại con người. Các gâthâ nói về các deava: “Các ngươi, lũ deava, sinh ra từ ý ác, dùng lời ác mà cướp đi hạnh phúc của con người” (32,3).     Bộ ba – ý nghĩ, lời nói và hành động (trong trường hợp này là phi đạo đức) cũng được thiết lập giữa ba thần ác: nơi Ako Manah là ý ác, nơi Drudj là lời ác, và nơi Aeshma là hành động ác.
Triết thuyết về ba giai đoạn cuộc đời, như trong tín ngưỡng của các dân tộc cổ đại khác cũng có, được trình bày ở một trong số các gâthâ (45). Giai đoạn thứ nhất là cuộc sống cổ xưa, khởi đầu, khi cái thiện ngự trị trong cả hai thế giới – thể xác và tâm linh. Khi đó “Đấng Anh minh Tối thượng có lời nguyền khiến cho những kẻ gian tà chỉ còn biết: “Than ôi!”; trên mặt đất chan hòa ánh sáng và hạnh phúc của con người”. Kẻ đầu tiên phạm tội ác trở nên nổi tiếng trong một gâthâ khác, đó là vua Yima Vivanghen, người đã vì chiều ý dân mà để cho họ ăn thịt bò (32,8).
Giai đoạn này kết thúc, thì bắt đầu giai đoạn thứ hai là cuộc sống hiện tại, trong đó diễn ra cuộc đấu tranh ác liệt giữa những linh hồn thiện và ác trên trời cũng như dưới trần gian.
Giai đoạn cuối cùng – đó là cuộc sống tương lai được tái sinh sau khi cái thiện cuối cùng đã thắng cái ác.
Cũng giống như nhiều quan niệm sơ khai, niềm tin vào định mệnh không những không loại trừ việc công nhận tự do ý chí, mà đôi khi còn đưa nó lên hàng đầu. Chẳng hạn trong các gâthâ nhấn mạnh: mặc dù Chúa tể Tối thượng là Đấng toàn năng, nhưng cả con người cũng như súc vật đều có sự tự do lựa chọn giữa thiện và ác. Zarathushtra nói với Ahura Mazda: “Người cho súc vật lựa chọn: ở với người chăn nuôi hay với kẻ chẳng chăn nuôi. Người chăn nuôi đi theo Vohu Manah (ý tốt – linh hồn của gia súc), còn kẻ không chăn nuôi chẳng can hệ đến điều này” (31,9-10).
Như vậy con người phải bằng việc làm chứng minh lòng hướng thiện của mình, bằng việc làm giúp đỡ những linh hồn thiện trong cuộc đấu tranh với các deava: “Hãy chấm dứt việc cướp bóc! Hãy là chỗ dựa cho cuộc đấu tranh!” (48,7): “Chớ nghe lời của bọn dối trá, hãy chống lại chúng bằng vũ khí, bởi chúng mang lại chết chóc đói nghèo cho nhà nhà, xóm làng và đất nước”(31,18).
Việc thừa nhận tự do lựa chọn của con người và nhấn mạnh tư tưởng hoàn toàn đối lập với quan niệm cho rằng số mệnh của mọi vật được định đoạt bởi ý muốn của Ahura Mazda được thể hiện rõ nét trong đọan sau:
Mong sao điều ước nguyện sẽ thành hiện thực như ý muốn mỗi người theo lệnh của Ahura Mazda
Con sẽ ước sao có sức mạnh và tuổi trẻ
Có được trật tự vẹn toàn, hãy giúp con hỡi Armaiti,
Có nhiều của cải và cuộc đời hạnh phúc
            (43,1)
Các gâthâ dạy rằng ngay trong cuộc sống hiện tại người chính trực đã được đền bù, kẻ gian dối sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, sự trừng trị đích thực, nghiêm khắc sẽ diễn ra ở thế giới bên kia, khi vào ngày Phán xét ở bên Cầu Phân xử (Chinwad), những người chính trực và những kẻ phạm tội sẽ được phân ra.
Trước khi cuộc sống thứ hai bắt đầu, diễn ra cuộc phán xử cuối cùng với lửa và kim loại nóng chảy, và khi đó kẻ ác sẽ vĩnh viễn phải chịu đau khổ, còn người tốt sẽ vĩnh viễn được hạnh phúc. Ngọn lửa sẽ phân tách người chính trực khỏi kẻ giả trá. “Tôi nói rằng lòng tốt sẽ được đền bù, sự giả trá sẽ bị trừng phạt, tòa án với lửa và kim loại nung chảy sẽ diễn ra […]. Ai ra sức chăm nom cho gia súc, người đó sẽ được sống nơi đồng cỏ của Asha Vahishta và Vohu Manah [Lẽ phải và Ý tốt]” (33,3). Người theo Asha Vahishta sẽ được hưởng hào quang hạnh phúc, còn kẻ theo Drudj sẽ bị đày xuống “nơi bóng tối với thức ăn tồi tệ và những than khóc rên la” (31,20).
Cuộc sống thứ hai hạnh phúc ở trong tương lai sẽ đến ngay cả trên trần gian, nơi những vị vua công minh – những vị cứu tinh (saoshyant) cai trị. Zarathushtra cầu nguyện cho họ xuất hiện: “Bao giờ những ân nhân của đất nước mới đến với chúng con để tiêu diệt cướp bóc [Aeshma] và lập nên trật tự tốt đẹp [Asha]?”(47,12).
Nội dung chủ yếu của các gâthâ là như vậy. Chúng thi vị hóa “trật tự tối ưu” – Asha, mà theo ý tưởng của người truyền bá nó, dẫn đến sự giàu có cho công xã của những người chăn nuôi trồng trọt định cư và củng cố quyền lực của nhà cầm quyền tối cao (vua) và của tư tế trưởng lão đối với các binh lính, giới tư tế và dân chúng trong công xã, đối với các thị tộc, công xã và các bộ lạc đồng minh.
Hiện diện trong các gâthâ còn có con người bình thường– người nông dân và người du mục, nhưng chỉ hiện diện mà thôi. Trong các gâthâ họ không phải là chủ thể, mà là khách thể, là đối tượng cho những tác động của thần linh. Các gâthâ viết về thần linh, và chỉ có thần linh nằm ở trung tâm sự chú ý. Trong số những con người trần gian thì chỉ những hình tượng “siêu nhân” của các vị thủ lĩnh, các ông vua và các quan tư tế là hấp dẫn tác giả gâthâ. Nếu như “con người yếu đuối” được đặt vào hành động, thì chỉ ở vai trò kẻ phục vụ thần linh, người thừa hành những ý nguyện của chính quyền, cả trên trời lẫn dưới trần gian.
Như vậy, quan niệm về con người trong các gâthâ, mặc dù còn mang tính ngây thơ nguyên thủy, đã là một luận thuyết tôn giáo về con người như một sinh thể sinh ra để phục vụ cho những kẻ mạnh trên trần gian và trên trời, một sinh thể không chỉ tự mình dấn thân tìm hạnh phúc, mà chủ yếu là được bảo trợ bởi một thế lực đứng cao hơn, trên mặt đất và trên trời cao.
Các đặc điểm nghệ thuật của gâthâ gắn bó chặt chẽ với nội dung của chúng, trước hết là với việc đánh giá cao vai trò tác động của lời nói và với ý thức về sứ mệnh tiên tri của nhà thơ, người tạo nên gâthâ.
Trong bộ ba: ý nghĩ – lời nói – hành động, chiếm vị trí trung tâm là lời nói: nó thể hiện ý nghĩ (tinh thần) và khi có được sức mạnh ma thuật, nó hoà lẫn, đồng nhất với hành động. Trong ba ngôi trên trời, thần tối thượng là vị thần sở hữu ngôn từ: Ahura Mazda sở hữu ngôn từ tốt lành, Drudj sở hữu ngôn từ độc ác. Trong cách hiểu ngôn từ như vậy không hề có gì thần bí cả, đó không phải là “logos” (thần ngôn) trong cách kiến giải thời Hellenism, mà đơn giản chỉ như những câu thần chú pháp thuật. Việc phát ngôn lời nói – mệnh lệnh, lời kết án, câu thần chú – đều là biểu hiện sức mạnh của chúa tể trên trời Ahura Mazda, là sự hòa hợp giữa ngôn từ và hành động. Và nơi các vị chúa tể dưới trần gian, ngôn từ mang sức mạnh mệnh lệnh của vua hay lời niệm chú của vị tư tế trưởng lão. Những gốc rễ trần gian lần nữa lại hiện ra trong những quan niệm thể hiện trong các gâthâ.
“Mazda biết những lời bí ẩn” (48,3) – trong gâthâ viết. Ý tưởng của Zarathushtra muốn giao tiếp với Mazda và các thần thiện giản lược xuống chỉ còn làm sao biết được cách thốt ra những lời bí ẩn đó: “Hãy nói cho chúng con bằng lời nói từ miệng của Người, để con có thể cảnh báo tất cả những ai đang sống, hỡi Chúa tể” (31,3); “Làm sao biết được ưu thế của Người trước kẻ làm con sợ hãi? Hãy tiết lộ cho con lời bí ẩn từ ý tưởng tốt lành về số mệnh ân nhân của đất nước – saoshyant” (48,9); “Tôi đợi chờ Ahura Mazda, Asha và Vohu Manah giúp đỡ với những lời răn dạy và những lời thần chú thiêng liêng của họ”(28,6). Zarathushtra mong muốn có được sức mạnh ngôn từ để chiến thắng lời nói của những linh hồn ác – các deava và lũ tư tế – karapan bất lương của chúng: lời nói tốt lành chống lại lời nói độc ác! (32,3,5). Trong một gâthâ (31) với chủ đề thuyết giáo cho vai trò pháp thuật của ngôn từ đã viết rằng: “Tôi nói những lời mà kẻ theo Drudj không nghe thấy, nhưng hãy để chúng được những người đi theo Mazda tiếp nhận […] Đừng nghe những lời niệm chú của kẻ dối trá […] Hãy lắng nghe người nói lời chân chính, người biết khẳng định chân lý của ngôn từ mình nói vào ngày phán xử cuối cùng bên ngọn lửa”
Trong các gâthâ nhấn mạnh rằng ngôn từ của Zarathushtra có được sức mạnh tác động đặc biệt là do sự đều đặn, nhịp nhàng kỳ diệu, bởi vì ngôn từ đó được Zarathustra mượn từ miệng của các thần linh. “Tôi sẽ không tiếc lời ngợi ca Ahura Mazda cùng với Asha và Vohu Manah, vì những gì họ đã dạy tôi từ miệng của họ” (28,6), “Tôi nói bằng những lời ca nhịp nhàng đều đặn, còn những lời thiếu nhịp nhàng tôi không chấp nhận”(46,17).
Gắn với ngôn từ đầy cảm hứng, đều đặn và do đó rất thi vị là quan điểm của các tác giả gâthâ về sứ mệnh tiên tr. Bản thân Zarathushtra cũng nói: “Zarathushtra là nhà tiên tri cất tiếng nói của mình vì trật tự tối ưu [hay tinh thần của lửa] và vì lòng tôn kính. Hãy dạy cho con, hỡi Asha, và cả Người nữa, hỡi Mazda, sao cho lời nói của con chỉ được đường đi đúng đắn” (50,6); “Trong khi tôi còn có quyền năng và sức lực, tôi sẵn sàng dạy cho mọi người hướng tới trật tự tối ưu [Asha]” (28,4).
Zarathushtra thể hiện quan điểm của mình về sứ mệnh tiên tri dưới hình thức rõ ràng hơn trong gâthâ ca tụng Ahura Mazda (43).
Con nhận ra Người đấng thiêng liêng,
Người là khởi thủy, lấy thiện trả thiện lấy ác trả ác.
Con nhận ra Người đấng thiêng liêng,
Khi Người hỏi con: “Ngươi là ai và ngươi cùng ai?” –
Con đáp lời: “Là Zarathushtra, người theo công lý, là kẻ thù của Dối trá, kẻ tôn vinh Người!”
Câu hỏi của Người: “Ngươi định làm chi?”
Con xin đáp: “Mỗi lần thờ phụng Lửa con đều chỉ nghĩ đến trật tự tối ưu [Asha]”
Hãy dạy cho con lời nói của Người!
Hãy giúp con bằng sức mạnh của Khshasthra [linh hồn của kim loại và quyền lực] và Asha,
Khi cùng với những người thừa nhận lời thần chú của Người,
Con muốn nổi dậy đánh đuổi những kẻ xúc phạm di huấn của Người.
Theo các gâthâ, Zarathushtra là hiện thân của tam đoạn đạo đức trên trần gian: ý tưởng – lời nói – hành động. Ông thể hiện mình ở hai chức năng: như nhà tiên tri và người phụng sự Chúa tể Ahura ông đóng vai trò của người thể hiện ngôn từ; như một người tư tế thờ phụng thần lửa Asha, ông là người hành động, thực hiện trật tự tối ưu.
Zarathushtra không chỉ một lần nhấn mạnh rằng người nào ủng hộ ông sẽ được tưởng thưởng, còn kẻ nào không ủng hộ ông sẽ bị trừng phạt. Đôi khi điều này được phát biểu với sự ngây thơ đầy tính mua chuộc: “Ai ủng hộ tôi sẽ nhận được phần thưởng, cùng với mọi thứ mong muốn còn có một đôi bò” (46,19).
Hai chức năng của Zarathushtra – nhà tiên tri và vị tư tế – đã xác định những đặc điểm thể loại của các gâthâ. Giữa các gâthâ không có những khác biệt rõ ràng về thể loại, tuy nhiên có thể xác định hai nhóm gâthâ: nhóm thứ nhất là những lời ca tụng, nhóm thứ hai là những thuyết giáo. Nhóm thứ nhất có thể định nghĩa là các gâthâ ca tụng của nhà tiên tri, nhóm thứ hai là các gâthâ giáo huấn của người tư tế.
 Chín gâthâ ca tụng (28, 29, 33, 34, 43, 46, 49, 50, 51) bao gồm 131 khổ và chứa đựng những lời ngợi ca, các tụng ca, các bài cầu nguyện và những lời phê phán kẻ thù. Tiêu biểu cho các gâthâ này là việc nhắc đến tên Zarathushtra và tên của những thần linh ông ca ngợi. Những gâthâ này được tô điểm bởi giọng điệu trữ tình: khắp nơi vang lời cầu xin được tưởng thưởng của nhà thơ: “Sẽ là phần thưởng nào dành cho con, Zarathushtra, vì những lời ngợi ca?” (49,12). Nhà tiên tri – nhà thơ nói thẳng rằng ông muốn ca ngợi không chỉ các thần linh, mà còn cả những người bảo trợ của mình, đặc biệt là vua Kay Vishtasp: “Tôi muốn tôn kính họ và hát lời ngợi ca trước họ” (51,22). Và ông đã làm như thế. Tuy nhiên nơi nào có lời ngợi ca là nơi đó có cả lời bài xích đối với kẻ thù, đặc biệt là với viên tư tế gian trá Bendva và người bảo trợ hắn – ông vua độc ác Kavi: “Tên tư tế gian trá Bendva – vật cản của đức tin chân chính. Hãy chuẩn bị cái chết dành cho hắn, hỡi Mazda!”(49,1). Hoặc là:
Tên Kavi gian trá đã chối từ đón tiếp Zarathushtra, con trai Spitan bên cầu mùa đông, sỉ nhục ông và không cho mái ấm che thân
Linh hồn hắn sẽ bị rét run bên cầu phán xử Chinwad
                (51,12-13)
Đặc biệt tiêu  biểu cho nhóm này là khổ thứ 19 của gâthâ có thể được gọi tên là “Lời cầu nguyện của nhà tiên tri” (46).
Con biết chạy tới đất nào, biết đi đâu?
Người ta xua đuổi con khỏi họ hàng và bộ lạc,
Và công xã hầu như không thừa nhận
Và những ông vua dối trá không tiếp nhận con.
Làm sao có thể phụng sự Người, hỡi Ahura?
Con biết, hỡi Mazda, vì sao con bất lực:
Con ít gia súc và ít kẻ làm công
Con kêu gọi Người, hỡi Ahura, hãy cúi nhìn,
Hãy giúp đỡ con, như bạn bè tương trợ.
Với sự trợ giúp của Asha hãy dạy cho con có được ý tốt [Vohu Manah]
Khi nào ánh mặt trời xuất hiện trên thế gian vì trật tự tối ưu [Asha]
Và những linh hồn cứu tinh đất nước [saoshyant] đầy thông thái
Người nào sẽ được Vohu Manah hiện lên giúp đỡ?
Con đã chọn Người, tin vào những di huấn của Người, hỡi Chúa tể [Ahura].
Tiếp theo trong gâthâ viết:
“Trận chiến với những kẻ đi theo Dối trá – Drudj cản trở việc chăn nuôi phồn thịnh sẽ ác liệt vô cùng. Ai tôn thờ trật tự tối ưu của Đấng Tạo bò, ai ủng hộ tôi, tôi sẽ đưa người đó đến với Mazda và cùng anh ta đi qua Cầu Phán xử. Đau khổ cho những tên tư tế gian trá, kẻ theo tục hiến sinh đẫm máu mà giết đi gia súc, cho những karapan và những tên vua phù thủy Kavi độc ác bảo trợ chúng, những kẻ định phá hủy cuộc sống thứ hai. Chúng sẽ bị trừng phạt bên Cầu Phán xử, nơi người chân chính và kẻ có tội sẽ được phân ra. Phần thưởng sẽ dành cho người chân chính. Fryana của dòng họ Tura từ lâu đã được thế, và phúc lộc còn được hưởng đến đời cháu con. Phúc lộc sẽ đến với ai ủng hộ Zarathushtra, người đó sẽ được chúc phúc. Như nhà vua chân chính Kay Vishtasp. Phúc lộc cho những dòng họ lâu đời Haechaspa và Spitama! Phúc lộc cho Frashaoshtra, con trai của Hvogva! Tôi nói bằng những lời ca nhịp nhàng đều đặn, còn những lời thiếu nhịp nhàng tôi không chấp nhận. Vinh quang cho người, Jamaspa con trai của Hvogva. Ai trung thành với tôi sẽ được hưởng điều tốt lành, kẻ nào không trung thành sẽ nhận điều xấu nhất – đó là quyết định của lý trí và tư tưởng của tôi”.
Trong gâthâ này thấy rõ mối quan hệ với sự thuyết giáo về lợi ích của việc chăn nuôi và việc thờ phụng thần linh. Zarathushtra thẳng thắn thừa nhận rằng nguyên nhân khiến cho nhà tiên tri không được kính trọng là do ông có ít gia súc và người làm. Trong những khổ đầu, linh hồn của gia súc, Vohu Manah, luôn được nhắc đến và Zarathushtra cầu xin sự giúp đỡ của thần. Một vài lần tên của ba ngôi vị cao nhất được lặp lại như một điệp khúc: Ahura Mazda – Vohu Manah – Asha. Sự tức giận trút lên kẻ thù của nghề chăn nuôi định cư, lên tục hiến sinh đẫm máu của họ. Những người bảo trợ cho tôn giáo của Zarathushtra, cả người sống lẫn người đã chết, người xưa lẫn người nay, đều được ca tụng công khai. Nhưng nhà nghiên cứu người Đức H.Humbach nhận xét, gâthâ này là một kiểu mẫu sáng chói cho tác động tâm lý đối với người nghe bằng ngôn từ thi ca: chính sự đều đặn nhịp nhàng của nó đã gây ấn tượng có tính thôi miên và gợi cảm xúc, gợi sự cảm thông với tình trạng khó khăn nặng nề mà nhà tiên tri phải chịu đựng trước đó không lâu,  gây nỗi sợ hãi trước những lời đe dọa cho những ai không chịu theo ông, gợi niềm vui sướng về phần thưởng được hứa hẹn, tạo niềm tin vào sức mạnh ma thuật của nhà tiên tri và của những lời niệm chú ông nói ra.
Trong tám bài gâthâ mang tính giáo huấn (30,31,32,44,45,47,48,53) bao gồm 107 khổ, Zarathushtra thể hiện mình như một viên tư tế, như một giáo sĩ đang thực hiện nghi thức và tiếp giáo dân. Những gâthâ này mang đầy màu sắc giáo huấn, thể hiện ngay từ những dòng đầu của mỗi bài: “Hãy lắng tai nghe điều hay nhất” (30), “Ta nói những lời sẽ được lắng nghe” (31,1), hoặc là:
Ta muốn nói lời châm ngôn, hãy lắng nghe và đón lấy
Các con, những người đến từ khắp chốn gần xa,
Hãy khắc sâu nó trong tâm khảm, nó thực sự tuyệt vời
Hãy để cho kẻ giáo huấn điều giả trá không bao giờ phá hủy được cuộc sống thứ hai trong tương lai
Bởi sự lựa chọn sai lầm của mình mà hắn, kẻ dối lừa, uốn lưỡi mình theo điều giả trá.
                        (45,1)
Như khuôn mẫu tiêu biểu cho loại gâthâ giáo huấn với khuynh hướng triết lý rõ rệt, chúng tôi xin dẫn ra một gâthâ có thể được gọi tên là “Thuyết giáo dưới hình thức các câu hỏi” (44):
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Có thể nào vì biết ơn lời ca tụng của con
Mà thần linh như Người hé lộ mình như với bạn?..
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Làm sao xây được trật tự tối ưu?..
Nay con xin hỏi Người, hãy nói sự thật, hỡi Ahura!
Ai khởi đầu sinh ra Asha [linh hồn của lửa]?
Ai mở đường cho mặt trời và các vì tinh tú?
Ai bắt trăng phải tới rồi lại đi?..
Và còn biết bao điều, hỡi Mazda, con mong được biết!
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Ai dồn lại và xây lên những tòa mây trên trời?
Ai thắng được những con ngựa phi nhanh cùng gió mây vào chung một ách?
Ai người đã tạo nên Vohu Manah [linh hồn gia súc] hỡi Mazda?
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Người nghệ sĩ nào đã tạo nên ánh sáng và bóng tối?
Người nghệ sĩ nào đã làm ra giấc ngủ và cơn thao thức
Khiến cho con người có lý trí để luôn nhớ những lo toan?
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Con đã dạy dỗ đúng hay chưa?
Ai dạy con trai tôn kính cha mình?
Ai hiểu được những lời răn và ngôn từ chân lý?
Kẻ tin theo điều phải liệu có được ban thưởng hay chăng?
Con sẽ nhìn vào mọi kẻ thù với lòng căm thù không lay chuyển, -
Làm sao thoát khỏi những kẻ dối gian?
Làm sao đem cái ác vào tay Asha để quật nó xuống bằng sức mạnh của lời niệm chú?
Ai trong hai chiến binh – cái thiện và cái ác – được Người ban chiến thắng?
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Liệu con đó được đền bù, nhờ vào trật tự tối ưu [Asha]? –
Mười ngựa cái, một ngựa tơ, và cả lạc đà, ơi Mazda,
Cùng sức khoẻ [Haurevat] và sức sống [Ameretat] mà Người sẵn có
Nay con xin hỏi Người, hãy nói ra sự thật, hỡi Ahura!
Ai không trả công cho người có công,
Cho người đã giữ lời đã hứa
Hình phạt nào ngay bây giờ dành cho kẻ đó?
Bởi điều chờ đợi hắn ở thế giới bên kia con đã biết rồi.
Có ai thấy công lý trong thế giới của deava (quỷ dữ)?
Tôi  hỏi điều này nơi những kẻ nghe theo các karapan gian dối
Và những tên Kavi đem gia súc hành hạ, dày vò.
Trong gâthâ này có những chỗ khiến cho nó trở nên gần gũi với các bài tụng ca: nhấn mạnh mối quan hệ của người sáng tác gâthâ với các thần linh và chứa những lời cầu xin phần thưởng. Tuy nhiên, tính chất của bài gâthâ, trong đó tên của nhà tiên tri cố ý không được nhắc tới, hoàn toàn khác. Đó là bài thuyết giáo của vị tư tế, có lẽ được đọc trong lễ hiến tế; và trong trường hợp này phần thưởng được nói đến ở đây là sự trả công cho việc hiến tế.
Hình thức chất vấn, từng thấy trong các tụng ca, ở đây được sử dụng khéo léo: bài gâthâ có 20 khổ, 19 khổ đầu bắt đầu bằng lời nói với Ahura: “Nay con xin hỏi Người”, nhưng câu hỏi cuối cùng về việc không thể có “công lý trong thế giới của các deava” đã không dành cho Ahura nữa, và vì thế điệp ngữ “Nay con xin hỏi Người” không có. Câu hỏi hướng tới những kẻ đi theo các deava, và khổ thơ ẩn dấu sự châm biếm cay độc: chỉ có chúng, những kẻ gian trá, mới có thể “biết” chuyện bịa đặt đó.
Những đặc điểm thi pháp, các khổ thơ âm luật các gâthâ tuân theo truyền thống. Các gâthâ chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm được gọi tên theo những từ đầu tiên của bài gâthâ đầu trong nhóm:
Ahunavaiti: trong khổ có 3 dòng; 16 âm tiết trong mỗi dòng với chỗ ngắt sau âm tiết thứ bảy; sơ đồ: (7 + 9) x 3;
Ushtavaiti: trong khổ có 5 dòng; 11 âm tiết trong mỗi dòng với chỗ ngắt sau âm tiết thứ tư; sơ đồ: (4 + 7) x 5;
Spentamaiyush: trong khổ có 4 dòng; 11 âm tiết trong mỗi dòng với chỗ ngắt sau âm tiết thứ tư; sơ đồ: (4 + 7) x 4;
Vohukhshathra: trong khổ có 3 dòng; 14 âm tiết trong mỗi dòng với chỗ ngắt sau âm tiết thứ 7; sơ đồ: (7 + 7) x 3
Vahishtoishti: trong khổ có 2 dòng ngắn và 2 dòng dài: âm luật trong dòng ngắn: 12 âm tiết mỗi dòng với chỗ ngắt sau âm tiết thứ bảy; âm luật trong dòng dài: 19 âm tiết mỗi dòng với chỗ ngắt sau mỗi bảy âm tiết; sơ đồ: (7 + 5) x 2 + (7 + 7 + 5) x 2.
Theo âm luật Ushtavaiti và Spentamayush giống nhau (11 âm tiết với chỗ ngắt sau âm tiết thứ bảy) và chỉ khác nhau ở số dòng trong khổ. Có thể cho rằng các trọng âm, và có lẽ cả các nhạc điệu mạnh và yếu tạo nên nhịp điệu cho các gâthâ.
Vận luật trong các gâthâ không có, nhưng đôi khi bắt gặp sự hiệp vần trong hậu tố của các từ, đồng thời có những yếu tố láy âm.
Hệ thống hình tượng của các gâthâ gắn bó chặt chẽ với nội dung. Có thể nêu những yếu tố như sự phân cực toàn diện, tính hình tượng gắn với thế giới của những người chăn nuôi, sự đối xứng (trong đó có đối xứng bộ ba),… như những đặc điểm chủ yếu của nó.
Sự phân cực toàn diện thể hiện ở chỗ hầu như mọi khổ đều được xây dựng trên sự đối lập các hình tượng chính diện với các hình tượng phản diện. Các thần linh thiện và ác và mọi thứ liên quan đến họ đều đối lập nhau: Asha và Drudj, ý tốt và ý xấu, ngôi nhà của bài ca (nơi ở của Ahura) và ngôi nhà của sự giả trá (nơi ở của Drudj), chăn nuôi và không chăn nuôi, cái thiện và cái ác, sự thật và giả trá, lời nói nhịp nhàng và lời nói không nhịp nhàng, nhà tiên tri thật và nhà tiên tri giả, tư tế trung thành và tư tế không trung thành (karapan).
Những hình tượng liên quan đến nghề chăn nuôi đôi khi mang tính ẩn dụ:
Những điều con sẽ làm và đã làm trước kia
Và điều nhờ ý tốt mà trở nên đáng yêu trước mắt
Ánh mặt trời và chú bò mộng sáng chói giữa ban trưa –
Tất cả đều để ngợi ca Người, hỡi Chúa tể toàn năng.
                (50,10)
Hay:
Con muốn dâng cho Người [Ahura]
Những tuấn mã phóng nhanh như ánh sáng
Những chú ngựa kiên cường làm tên Người chiếu rạng
Đầy lòng tận tụy với Asha và Vohu Manah
Người sẽ phi đến đây trên lưng chúng, hỡi Mazda!
Hãy sẵn sàng giúp đỡ!
Việc sử dụng một cách ẩn dụ các từ ngữ khiến cho chúng trở nên đa nghĩa. Do đó những ký hiệu có tính “thuật ngữ” mang ý nghĩa rất khác nhau:
Asha – đó là tên của vị thần con trai của Ahura, là hình tượng linh hồn của lửa, và chức năng của vị thần này vừa là tạo trật tự tối ưu, vừa là bản thân trật tự đó, vừa là công lý, sự chân thật lẫn phẩm hạnh tốt đẹp.
Armaiti – tên con gái của Ahura và em gái của Asha, là hình tượng linh hồn của đất, và chức năng của thần này vừa là tạo sự trung thành, vừa là bản thân sự trung thành, v.v..
Aishma – thần của cái ác và sự cướp bóc, vừa là bản thân sự cướp bóc, vừa là lòng căm thù, v.v..
Bởi vậy, như chúng tôi đã nhắc đến ở trên, việc dịch các từ này không thể chỉ theo một nghĩa, mà phải biến đổi tùy theo ngữ cảnh để có thể thể hiện tốt nhất ý tưởng được đặt vào trong mỗi “thuật ngữ”. Tuy nhiên trong các gâthâ không có cách nói bóng gió, ẩn dụ một cách cố ý, nếu như không xem những biểu tượng mang tính nguyên thủy liên quan với những từ ngữ có tính “thuật ngữ” này là thuộc loại đó.
Tính đối xứng thể hiện ở khuynh hướng thích nhịp nhàng, theo bộ ba. Nó được nhấn mạnh bằng nhiều hình ảnh, hình dung từ đầy chất thi ca. Sự nhịp nhàng, như đã nói ở trước, thể hiện trước hết ở cấu trúc âm luật và khổ thơ của các bài gâthâ. Chính sự cân đối lạ thường của lời mạc khải tiên tri, sự nắm bắt những ngôn từ bí ẩn đầy ma thuật đã gây cho người nghe ấn tượng mãnh liệt. Thi ca đồng nhất với sự nhịp nhàng, với sự hài hoà của âm thanh và ý nghĩa, với sức mạnh của ngôn từ.
Tất cả các yếu tố hài hòa cân đối khác làm tăng thêm sự cảm thụ tương tự. Đó là sự cân đối bộ ba một cách toàn diện. Bộ ba đạo đức: ý nghĩ – lời nói – hành động; ba ngôi thần thánh: Ahura, Asha, Vohu Manah; ba ngôi trên trần gian: nhà (gia đình) – công xã – miền vùng và v.v.. Những bộ ba đó thâm nhập trong khắp các gâthâ, biến hóa vô cùng.
Sự rời rạc về ý tưởng giữa các khổ thơ với nhau, sự phân tán về ý nghĩa được bù lại bằng mối liên hệ về hình thức: các phép trùng lặp, các câu hỏi, và đủ loại điệp ngữ, mà ta có thể thấy rõ trong các đoạn trích dẫn ở trước.
Trong các gâthâ còn thường có các phép đối ngẫu, đôi khi kết hợp với phép bắt chéo (chiasmos: một kiểu xây dựng câu đặc biệt, ở nửa đầu câu các từ được sắp xếp theo một trật tự thì ở nửa cuối câu chúng được xếp ngược lại – đảo ngữ). Một ví dụ tiêu biểu cho phép bắt chéo đó: “Trong hai linh hồn, kẻ gian trá chọn cho mình hành động xấu xa, hành động chân chính là của linh hồn thánh thiện” (30,5). Bên trong phép bắt chéo này đưa ra đối ngẫu giữa hai nhân vật (linh hồn gian trá – linh hồn thánh thiện) và hai hành động (xấu xa – chân chính).
2. NHỮNG SÁCH KHÁC CỦA “AVESTA”
    “Avesta” được viết bằng một trong những ngôn ngữ Iran cổ, không thuộc một vùng chính xác nào, ngoài sự xác định tương đối là “nhóm phía Bắc” của các ngôn ngữ Iran., và được gọi theo tên tác phẩm là “ngôn ngữ Avesta”. Tác phẩm được lưu truyền đến nay dưới hai bản chính. Một bản là tuyển tập những bài cầu nguyện, được viết bằng chữ Avesta. Những bài cầu nguyện này đến nay vẫn được các tín đồ (Parsi) đọc trong các buổi thánh lễ của Ba Tư giáo (Zoroastrianism). Tuyển tập này bao gồm ba cuốn sách: “Vendidad” (Bộ luật chống các deava), “Visperad” (cuốn sách về mọi thực thể cao siêu), và “Yasna”; nhưng các bài cầu nguyện trong các cuốn sách này được sắp xếp theo một trật tự có quy củ đặc biệt. Bản thứ hai, nếu không tính đến một số bổ sung, thì vẫn là tập hợp của các cuốn sách trên, nhưng được xếp theo một trật tự khác, và mục đích của chúng không phải để đọc trong các buổi thánh lễ, mà để nghiên cứu một cách có hệ thống. Văn bản “Avesta” trong bản này được cắt thành các sách, các chương, các đoạn, đi kèm theo là bản dịch và bình luận bằng ngôn ngữ trung Ba Tư (middle–Persian language) không còn được viết bằng mẫu tự Avesta nữa, mà bằng mẫu tự Pehlavi. Bản dịch-bình luận đó được gọi là “Zend”. Bởi vậy, bản thứ hai được có tên khác với bản thứ nhất là “Avesta và Zend” (văn bản và chú giải) hay “Zend-Avesta”.
    Nội dung “Avesta-Zend” như sau:
1. “Vendidad” – bộ luật và quy định nhằm ngăn ngừa quỷ dữ (deava) và lập lại sự chính nghĩa (asha). Nó chủ yếu được viết dưới hình thức đối thoại giữa Zarathushtra với Ahura Mazda, có 22 chương bao gồm những quy định về sự thanh tẩy, về sự chuộc lỗi, những quy định thờ phụng, đồng thời có cả những yếu tố thần thoại.
2. “Visperad” – 24 chương mang tính nghi lễ.
3. “Yasna”, nghĩa là “Nghi lễ”, - là các bài cầu nguyện được đọc trong các buổi cúng tế, khi ca ngợi và cầu khẩn thần linh. Bao gồm 72 chương, trong đó 17 chương tạo thành các “Gâthâ”.
4. “Yasht” (Sách tụng ca) – gồm các bài tụng ca: 22 bài ca ngợi các thần khác nhau của Ba Tư giáo, trong đó chứa nhiều yếu tố thần thoại.
5. “Tiểu Avesta” (Khorda Avesta) – tập hợp những văn bản cầu nguyện ngắn. Thường người ta hay xem “Yasht” cũng thuộc “Tiểu Avesta”.
Văn bản Avesta mà chúng ta đã biết – đó là tập hợp có hệ thống dưới một hình thức riêng các đoạn văn. Về sự tồn tại trong thời cổ những thư tịch lớn hơn của Ba Tư giáo (Zoroatrianism hay Mazdaism), chúng ta được biết qua các tác giả cổ đại Hy Lạp – La Mã. Chẳng hạn Pliny  dẫn lời tác giả Hy Lạp Hermippus (người đương thời với Ptoleme III ) viết rằng “sách của các thầy phù thủy” bao gồm 3 triệu câu thơ, nội dung của chúng dường như là do Hermippus trình bày.
Trong “Denkart” (tác phẩm văn học trung đại Ba Tư thế kỷ IX) ở hai chỗ có đưa ra những thông tin có tính truyền thống về sự hình thành Avesta. Trong đó, trong cuốn sách thứ IV của “Denkart” (“Hoạt động tín ngưỡng”) nói rằng vua Vishtaspa ra lệnh tập hợp tất cả những ghi chép của đạo Mazda; Darai, con trai của Darai (Dari Kodoman) ra lệnh chép tất cả văn bản Avesta thành hai bản và lưu giữ trong kho ở Size và trong kho lưu trữ quốc gia. Đến thời mình, vua của triều đại Arsacid Valakhi (Vologez) ra lệnh tập hợp và hồi phục trở lại hình thức ban đầu tất cả những gì còn lưu giữ được – bằng văn bản hay truyền miệng – sau cuộc xâm lăng của Alexander Macedonia. 100 – 150 năm sau, đến triều đại Sasanid (Sasanian), theo lệnh của Ardashir Papakan, văn bản Avesta được soạn thành điều luật dưới sự chỉ đạo của Dastur Tosar. Con trai của Ardashir là Shapur bổ sung thêm tất cả những đoạn mang nội dung chiêm tinh học, y học, toán học và triết học còn chưa được đưa vào bản Avesta đã thành luật, và ra lệnh cất giữ bản sửa chữa này vào ngân khố ở Size. Dưới thời Shapur II (309 – 379), con trai vua Iran, quan tư tế tối cao Adarbad Mahraspandan lại lần nữa quy phạm hóa văn bản Avesta. Thời Khorsraw Parviz, văn bản Avesta và các lời chú giải (Zend) lần nữa lại được chỉnh lý dưới sự theo dõi của các quan tư tế.
Các tư liệu tiếng Arập và Iran cũng viết lại truyền thuyết này với nhiều dị bản.
Như vậy, việc quy phạm hóa Avesta được tiến hành lần đầu tiên dưới thời Arsacid. Nếu chú ý đến mong muốn của triều đại Arsacid (thế kỷ I – III) củng cố quyền lực chính trị nhờ vào tín ngưỡng Zoroastrianism, thì có thể thừa nhận rằng truyền thuyết về lần quy phạm hóa thứ nhất Avesta là sự kiện lịch sử có thực. Lần quy phạm hóa thứ hai và việc dịch văn bản lần đầu tiên được thực hiện dưới thời Sasanid, thế kỷ III – VII, cũng hoàn toàn do những nguyên nhân chính trị – để tạo nên “liên minh giữa ngai vàng và bàn thờ”.
Theo “Denkart”, bản Avesta thời Sasanid chỉ còn 348 chương, được đưa vào 21 cuốn sách. E.Vest, nhà nghiên cứu Avesta, đã tính được trong đó có 345 700 từ.
Khi Iran bị người A rập chinh phục, các bản chép Avesta bị thiêu hủy, bởi vậy chỉ còn giữ được trọn vẹn một cuốn của Avesta (Venvidad) và những mẩu, đoạn của các phần khác – tất cả, theo tính toán của E.Vest, gồm 83 000 từ, nghĩa là không nhiều hơn một phần tư quy mô của bản cuối cùng Sasanid.
Bản chép Avesta cổ nhất còn truyền lại đến nay có niên đại năm 1278, như vậy, nó trẻ hơn gần hai nghìn năm so với niên đại của Avesta. Vì thế đương nhiên văn bản Avesta đã gây nên những tranh luận triết học gay gắt.
Khuynh hướng của nhiều tác giả thường dẫn đến việc hiện đại hóa một cách phản lịch sử và đến những nhận định thiếu cơ sở. Ví dụ một chuyên gia lớn như J.Darmesteter đã cố hạ thấp ý nghĩa của Avesta, xem nó gần như chỉ là “ngụy thư” của giới tư tế thời kỳ trị vì của Arsacid; một số nhà nghiên cứu khác thì ngược lại, lý tưởng hóa “tinh thần Arya cổ xưa” của Avesta. Nhiều học giả nghiên cứu Ba Tư giáo cũng có những quan điểm lý tưởng hóa, thần thánh hóa Avesta, họ muốn chứng minh nhất thần luận đã có từ xa xưa trong Ba Tư giáo nên đã cố ghép các sự kiện một cách khiên cưỡng vào quan niệm của mình. Kết quả là nhiều vấn đề liên quan đến Avesta vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt là vấn đề xác định niên đại của nó. Một số học giả cho rằng Avesta xuất hiện vào thế kỷ X trước công nguyên, một số khác cho rằng vào những thế kỷ đầu sau công nguyên.
Ý nghĩa của từ “Avesta” được các nhà nghiên cứu giải thích khác nhau: hoặc là “tri thức” – do gốc từ “vid” (học giả Ấn Độ M.N.Dhalla) – và như vậy trùng nghĩa với tên gọi của Kinh Veda của Ấn Độ; hoặc là “nền tảng” do từ “upasta”(âbâsta)(K.Geldner, F.K.Andreas) với nghĩa “định chế”, “luật”. Còn có các cách lý giải khác nữa.
Nơi xuất hiện Avesta cũng trở thành đối tượng tranh cãi. Một số người (J.Darmsteter, A.W.Jackson) cho rằng Zoroastrianism ra đời ở Atropatena, những người thuộc nhóm thứ hai (I.Marquart, G.Nyuberg, E.Benvenist, S.P.Tolstov) cho là ở Chorasmia, còn nhóm thứ ba (V.Heiger, V.Bartold, F.Shpigel) cho là ở Batria, nhóm thứ tư (E.Hersfeld) cho là ở Media, nhóm thứ năm (V.Henning, D.N.Gershevich) cho là ở Margiana (ốc đảo Merva).
Chắc chắn là trong Avesta có những phần cổ hơn và những phần được viết về sau. Xét theo ngôn ngữ, theo nội dung và theo hàng loạt những đặc điểm lịch sử xã hội, thì những phần quan trọng nhất của Avesta, trong đó có phần cổ nhất, xuất hiện muộn hơn một chút so với “Rigveda” của Ấn Độ, nhưng không muộn hơn thời kỳ trước Achaemedid (thế kỷ XI – VII trước công nguyên).
Về vấn đề nguồn gốc văn bản Avesta cũng có những ý kiến khác nhau. C.Bartholomae cho rằng văn bản Avesta truyền lại đến nay sao chép lại những cổ tục được truyền miệng, nhưng bởi vì nó được chép bởi những người đã nói bằng ngôn ngữ khác, nên họ một cách vô ý thức đã thay đổi ngôn ngữ cổ, đưa vào văn bản những hình thức của ngôn ngữ trung Iran một cách không đồng đều.F.K.Andreas cho rằng văn bản Avesta còn lưu giữ được truyền đạt một cách máy móc văn tự của bản gốc với một vài thay đổi không đáng kể. Theo H.W.Bailey, văn bản Avesta hiện nay có nguồn gốc từ tác phẩm được soạn sau khi triều đại Sasanid sụp đổ, và bao gồm những đoạn còn giữ được từ bản được quy phạm hóa đầu tiên ở giữa thế kỷ VI sau công nguyên, khi nó lần đầu tiên được viết bằng mẫu tự Avesta. Cuối cùng, theo ý kiến của F.Altheim, ban đầu Avesta được viết ở Đông Iran (Trung Á) bằng mẫu tự arame (không có các nguyên âm). Bản chép Avesta đó, như một tác phẩm thành văn, tồn tại cho đến đầu thời kỳ trị vì của triều đại Sasanid. Dưới thời Arsacid (thế kỷ I – III) do ảnh hưởng của mẫu tự Hy Lạp (có nguyên âm), ở đông Iran (vùng Parthia) người ta tạo ra bảng mẫu tự mới có các nguyên âm. Bảng mẫu tự này tồn tại đến thế kỷ V, bởi có thể thấy rõ ảnh hưởng của nó đối với văn tự Armenia và Gruzia xuất hiện vào thời kỳ này. Văn tự Avesta, như vậy, xuất hiện sớm hơn thế kỷ V rất nhiều và cũng ở phía đông Iran. Các vua triều đại Sasanid khi có những bản Avesta được viết bằng các mẫu tự khác nhau, đã quy phạm hóa tác phẩm.
Chúng tôi không nghiêng về giả thuyết nào, cũng không muốn đưa ra giả thuyết mới, chỉ chú ý đến cái ít gây tranh cãi nhất liên quan đến những vấn đề thời điểm, địa điểm xuất hiện Avesta và các phần chính của nó, mối quan hệ của nó với văn học truyền miệng và việc quy phạm hóa văn bản.
Mặc dù các phần khác nhau của Avesta có niên đại khác nhau, đặc biệt trong “Yasht”, nhưng trong đó vẫn lưu giữ những âm hưởng, những yếu tố (tư tưởng, cốt truyện) của các quan niệm Iran cổ đại, của thơ ca thời đại công xã nguyên thủy và sự triển khai, tái chế, phát triển chúng trong thời đại xã hội có giai cấp, khi việc quy phạm hóa Avesta được thực hiện lần đầu.
Tập hợp những cứ liệu lịch sử, văn học và ngôn ngữ đã khẳng định nguồn gốc đông Iran (tức Trung Á) của Avesta. Cảnh quan địa lý, những thông tin về lịch sử văn hóa, những quan niệm tôn giáo, thần thoại trong Avesta rõ ràng là mang màu sắc đông Iran. Trong Avesta không có có gì đặc trưng cho tôn giáo của người tây Iran được biết đến qua những tư liệu của các tác giả Hy Lạp – La Mã cổ đại, không có dấu vết của những mối quan hệ gần gũi với  vùng Tiền Á (Lưỡng Hà) vốn rất tiêu biểu cho vùng tây Iran, không có cả những địa danh tây Iran. Phân tích ngôn ngữ cũng cho thấy tính chất đông bắc của ngôn ngữ Avesta. Chỉ trong quá trình quy phạm hoá và phổ biến Avesta ở Azerbaidjan và ở tây Iran mới xuất hiện trong đó các yếu tố ngôn ngữ trung Iran như những bổ sung của người chép sau. Các “Gâthâ”, “Yasht”, các phần mang tính thần thoại của “Venvidad” và “Yasna” mang nguồn gốc đông Iran là không có gì phải nghi ngờ.
Việc những phần chủ yếu của Avesta trong một thời gian nhiều thế kỷ được lưu bằng đường truyền khẩu cũng không có gì phải tranh cãi.
Niên đại tương đối của Avesta không chỉ dựa trên những đặc điểm san nhuận văn bản, mà còn dựa trên nội dung tư tưởng, các cốt truyện, các hình tượng có liên quan đến những quan hệ xã hội và thế giới quan xuất hiện từ sớm hay muộn hơn trong thực tế lịch sử. Cũng giống như nhà khảo cổ học mở ra hàng loạt tầng lớp trong những di tích lịch sử anh ta nghiên cứu, trong nội dung của Avesta có thể lật ra hàng loạt “lớp” thời gian khác nhau chồng chất lên trên một hay một số phần văn bản. Nếu như về ngôn ngữ thì các “Gâthâ” chẳng hạn là phần cổ nhất của Avesta, thì về nội dung phản ánh những quan niệm nguyên thủy – các cuốn “Yasht” cũng không kém phần cổ. Trên bình diện niên đại tương đối có thể chia hai lớp trong Avesta: lớp cổ hơn mang tính thi ca dân gian và lớp muộn hơn mang tính tư tế.
Trong tác phẩm được chuẩn mực hóa như sách thánh của Ba Tư giáo, tất nhiên nguyên lý tư tế nổi trội hơn; những yếu tố thi ca dân gian trong chế bản của giới tư tế bị chối bỏ.
Nếu chỉ làm quen hời hợt bề ngoài, thì Avesta đối với chúng ta chỉ là một tác phẩm tôn giáo cổ. Nó chứa đựng vô số kể những công thức cầu nguyện và sự liệt kê dài dòng các vị thần, các linh hồn của cha ông, các vua chúa cổ xưa, v.v.. Các quy định và nghi lễ khác nhau, mà nếu làm trái sẽ bị trừng phạt, cũng được trình bày một cách giáo điều ở đây. Các thần linh được ca tụng, việc tôn thờ ánh sáng thần linh (Hvarno), dấu hiệu của quyền lực vua chúa tối thượng, được đề cao. Ở đây chúng ta có thể thấy sự thuyết giáo dài dòng về sự sống sau khi chết, về Ngày phán xử, về ngày tận thế, về sự phục sinh của những người đã chết, về sự xuất hiện của vị cứu tinh – Saochyant, thấy những hứa hẹn hạnh phúc cho ai tuân phục thần linh, các quan tư tế và các vị vua, những nguyền rủa dành cho quỷ dữ (daeva) và những kẻ đi ngược lại với tín ngưỡng. Sự không dung hòa tín ngưỡng thể hiện đủ kiểu trong Avesta: đôi lúc là lời kêu gọi phổ biến Ba Tư giáo bằng vũ lực (“Yasna”, 53,8,9), đôi lúc là sự phê phán gay gắt “sự trả thù đẫm máu”: “ai trộn lẫn hạt giống chân chính với hạt giống của kẻ ngoại tộc bất chính, trộn lẫn hạt giống của quỷ dữ với hạt giống của những người chối từ chúng”; “ta nói với người về điều này, hỡi Zarathushtra, những kẻ như thế cần phải giết đi như giết lũ rắn độc hay lũ sói hoang” (“Venvidad”, 18,62,65).
Trên cái nền của những giáo huấn và đe dọa của giới tư tế đó vẫn có thể tách ra những yếu tố sử thi dân gian được lồng vào trong văn bản, giản dị, tự nhiên và hết sức tuyệt diệu. Trong số đó có thể phân biệt những yếu tố cổ hơn, thể hiện tư tưởng thời nguyên thủy, và những yếu tố xuất hiện muộn hơn – những thần thoại và tráng sĩ ca được hình thành vào thời kỳ quá độ sang xã hội có giai cấp.
Sự cảm nhận mối quan hệ không tách rời của cộng đồng người nguyên thủy với môi trường thiên nhiên, sự chiêm ngưỡng đầy đam mê đối với nó, đồng thời thừa nhận sự đan xen một cách tự nhiên các hiện tượng thiên nhiên với nhau và biến động không ngừng là đặc trưng cho thế giới quan cổ xưa nhất. Những quan niệm như vậy thế hiện rõ ràng trong những lời ca tụng nước và nữ thần sinh sản Ardvisura. Trong “Yasna” (chương 38) ca tụng “những dòng nước do Ahura Mazda sinh ra, chảy từ nguồn, hoà vào nhau rồi lại tỏa ra, dòng nước nhân từ, dễ dàng lội qua, thật thuận tiện khi bơi lội, tắm táp, Người là món quà của cả hai thế giới… giống như những bà mẹ mang thai và những con bò sữa, luôn quan tâm đến người khốn khó, cứ mãi dâng đầy, tốt đẹp và tuyệt vời”. Còn trong chương 15 của “Yasna”  là lời ca tụng nữ thần Ardvisur (Aredvi Sura Anahita), “tỏa lan rộng khắp, chữa lành vết đau […], gieo giống cho mọi đàn ông, chuẩn bị cho mọi đàn bà làm mẹ, khiến họ sinh nở dễ dàng, làm đầy sữa cho bầu ngực, cho nước trên mặt đất chảy mạnh mẽ tràn trề”. Ở đây tất cả xen trộn lẫn nhau, nên không thể nắm bắt được ranh giới, chỗ nào Ardvisur được tiếp nhận như một thực thể hữu hình, vật chất, như dòng sông hay như ngụm nước, còn chỗ nào nữ thần trong khoảnh khắc hóa thân vào hình tượng trần thế của người mẹ sinh sản và sau đó lại trở thành linh hồn thoát tục – như phần tiếp theo của bài tụng ca viết.
Có thể gặp trong Avesta những bức tranh biến hóa không ngừng như thế của các thần linh khác, chẳng hạn như thần Verethraghna biến thành lạc đà, lợn rừng, chim ưng,… Đồng thời, những hình tượng được vẽ ra tự nhiên, sống động, đặc trưng cho cảm nhận của những đứa con thiên nhiên – những người thợ săn và chăn nuôi thời nguyên thuỷ, khi ý thức của họ chưa bị tôn giáo thần bí che phủ:
[Lần thứ tư Verethraghna hiện ra]
Trong hình dạng chàng lạc đà đầy thèm muốn khát khao
Dữ dội lao vào con cái
Chàng lạc đà mạnh mẽ vó tung đá hậu,
Che phủ cho con người bằng bộ lông dài
Chàng lạc đà mạnh mẽ nhất trong bầy lạc đà lấy giống
Chàng đến với bầy lạc đà cái
Và cuốn hút chàng hơn tất cả
Chàng lạc đà đầy ham muốn, khát khao
Là nàng lạc đà với cặp đùi chắc khoẻ, khối bướu béo mỡ
Đôi mắt to tròn, mái đầu thông minh
Cao ráo, mạnh mẽ, tuyệt vời…
Đôi mắt chàng tinh anh nhìn xa
Thậm chí cả trong đêm tăm tối
Miệng nhổ bọt trắng
Gối và chân rắn chắc
Chàng đứng nhìn xung quanh
Như vị vua hùng mạnh.
[Lần thứ năm Verethraghna xuất hiện]
Trong hình dáng chú heo rừng tuyệt vời
Lao lên phía trước với hàm răng sắc
Dũng mãnh với đôi nanh nhọn hoắt
Chỉ một cú đâm chết kẻ thù
Không thể lại gần khi chú ta điên tiết
Với chiếc mõm dài, khéo léo, nhanh như cắt…
        (“Yasht”, 14, 11-13,15)
Nét tiêu biểu của những quan niệm cổ xưa còn là niềm tin vào sức mạnh hoạt động thực tiễn của công xã, tôn trọng lao động, tôn trọng nghề chăn nuôi và đặc biệt là nghề trồng trọt. Niềm tin đó được phản ánh trong câu tục ngữ được lưu truyền hàng mấy ngàn năm trong tất cả các dân tộc Trung Á và Iran: “Ai gieo lúa người đó gieo chính nghĩa” (“Venvidad”, 3,31)
Trong chương 3 “Venvidad” lưu giữ đoạn ca ngợi nghề trồng trọt một cách hết sức hình tượng: “…nơi đâu con người chân chính dựng nhà, được chia lửa và sữa, có vợ con và đàn gia súc khoẻ mạnh; trong ngôi nhà đó cả gia súc và chó, cả vợ và con trẻ, mọi thứ đều thịnh vượng tốt lành… nơi đâu con người chân chính gieo trồng nhiều hơn lúa mì, rau cỏ và cây ăn trái, nơi đâu người ấy tưới tắm cho đất khô hay làm khô đất nhão, nuôi dưỡng gia súc lớn và nhỏ… nơi đâu gia súc lớn và nhỏ cho nhiều phân… Ai gieo lúa người ấy gieo chính nghĩa. Khi lúa mì được tuốt, mồ hôi sẽ đâm bầy quỷ dữ. Khi cối xay lúa sẵn sàng, lũ quỷ sẽ hoang mang. Khi bột mì được nhồi làm bánh, lũ quỷ sẽ rên la. Khi bột bánh được đưa vào lò, lũ quỷ kêu la vì kinh hãi”.
Cái kết đầy tình yêu cuộc sống trong bài tụng ca dâng tặng Ardvisur cũng rất đặc sắc, trong đó người nông dân xin nữ thần tạo ra vương quốc thịnh vượng trên mặt đất:
Nơi người ta nấu nhiều thức ăn, phần được nhận lớn hơn
Nơi ngựa phun phì phì, bánh xe kêu vang
Nơi roi ngựa vung cao, nơi nhiều thứ để nhai,
Nơi lúa mạch được cất giấu
Nơi mùi hương tuyệt vời,
Nơi tha hồ cất vào kho những gì mình thích
Nơi đầy ắp những gì cần cho cuộc sống tốt lành.
            (“Yasht”, 5,130)
Trong những quan niệm kiểu như vậy phản ánh các yếu tố của chủ nghĩa duy vật nguyên thủy, tự phát, sơ khai và các yếu tố của phép biện chứng mới được thể hiện một cách đơn giản, “tuy ngây thơ nhưng về bản chất là cái nhìn đúng đắn về thế giới” (K.Marx, F.Engels, Tác phẩm, in lần thứ 2, tập 20, tr.20), đã tạo nên nền tảng thế giới quan lành mạnh của con người thời đại chế độ công xã nguyên thủy, trong đó có cư dân Trung Á và Iran.
Tuy nhiên, trong những điều kiện phát triển còn quá thấp của lực lượng sản xuất và sự yếu ớt của con người trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, với vốn tri thức còn hạn chế, thế giới quan của con người cổ đại còn nặng những yếu tố huyền thoại tách rời khỏi đời sống hiện thực. Như Lenin viết, đã diễn ra sự tách rời huyền thoại khỏi cuộc sống, sự chuyển biến huyền thoại thành thần linh (xem: V.I.Lenin, Toàn tập tác phẩm, tập 29, trang 330).
Từ những quan niệm duy linh trong điều kiện xã hội thị tộc đã nảy sinh mối quan tâm về linh hồn của những người thân đã chết, nảy sinh tục thờ cúng tổ tiên.
Trong Avesta việc thờ cúng tổ tiên được phản ánh đặc biệt rõ ở chương 13 của “Yasht”, trong đó nhắc đến linh hồn (fravashi) của toàn bộ thiên nhiên xung quanh – với một liệt kê các tên gọi đầy tính duy linh.
Fravashi được hiểu là cội nguồn của tất cả mọi sự vật tồn tại trên đời: “Nhờ vẻ lộng lẫy và vĩ đại của các Fravashi, mà nước từ nguồn chảy ra không cạn… cây cối từ đất lớn lên… gió thổi đuổi những đám mây […] Đàn bà sinh con cái… Họ dễ dàng sinh nở… Họ được mang thai” (“Yasht”, 8,14,15).
Fravashi bảo vệ con cháu mình: “Các Fravashi chân chính tốt đẹp, hùng mạnh, thần thánh, mặc giáp đồng, khiên mộc đồng trong tay, tả xung hữu đột trên chiến trường, dao nhọn sắc lao lên tiêu diệt hàng ngàn quỷ dữ (deava) […] Khi nước từ biển Vouru Kasha dâng lên, các Fravashi chân chính lên đường đi tìm nước, nhiều nhiều trăm, nhiều nhiều ngàn, nhiều nhiều vạn, mỗi người vì gia đình mình, vì công xã của mình, vì xứ sở của mình, nói rằng: “Lẽ nào để đất của ta bị tiêu diệt, héo cằn?”. Fravashi sẵn sàng vào trận vì mảnh đất thân yêu, vì ngôi nhà thân yêu nơi mỗi người từng sống, và họ giống người chiến binh dũng mãnh thắt chặt dây lưng bảo vệ tài sản mình dành dụm, và những ai trong số họ chiến thắng đều mang nước về cho gia đình, cho công xã, cho thành phố, cho đất nước, nói rằng: “Hãy để đất của ta thịnh vượng, phồn vinh” (“Yasht”, 8,45,65-68).
Trong những quan niệm cổ xưa của các dân tộc Iran, việc cảm nhận sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, sự sùng bái thiên nhiên, ý thức về sự không tách rời con người với thế giới động vật (chó, bò, ngựa, gà) chiếm vị trí chủ đạo. Được thi vị hóa chủ yếu là những hiện tượng tự nhiên và những động vật các loại.
Về sau, những quan niệm cổ đại về cuộc đấu tranh bất tận của các lực lượng ánh sáng và bóng tối phát triển thành những thần thoại giải thích nguồn gốc vũ trụ nhiều màu sắc. Sự nhân hóa thiên nhiên để lại dấu ấn trong các thần thoại đó: thế giới được sinh thành nhờ mẹ Đất và cha Trời.
Trong Avesta những đặc điểm của hai đấng tổ phụ tổ mẫu vĩ đại này phần lớn đã chuyển sang thần Mặt trời (Bầu trời) Mithra (thần cũng đồng thời là vị tướng bảo trợ cho việc chăn nuôi định cư) và thần Nước (Đất) Ardvisur (cũng đồng thời là nữ thần sinh sản). Những tụng ca dành cho hai thần đã thi vị hóa họ:
Chúng con tôn sùng Mithra chúa tể những đồng cỏ lớn
Vị thần chính nghĩa và có tài hùng biện
Với ngàn tai được nặn tuyệt vời
Với chục ngàn mắt nhìn xa trông rộng
Rất mạnh mẽ, thao thức không biết ngủ
Vị thần mà vua mọi xứ nguyện cầu
Khi họ bước vào trận đấu
Với quân thù bạo tàn khát máu
Khi họ giữa hàng ngũ của chúng đang siết chặt xông pha …
Thần là cư dân trên trời đầu tiên
Đạt tới đỉnh của Hara
Xuất hiện trước Mặt trời bất tử nhanh như tuấn mã;
Thần là người đầu tiên chế ngự
Những tầng cao rực rỡ tuyệt vời
Và từ nơi đó, vị thần dũng mãnh
Dõi mắt trông mọi dân chúng Arya…
Thần ban tặng bé trai và gia súc
Cho ngôi nhà làm thần vừa ý, hài lòng
Và phá tan ra thành muôn mảnh
Những nhà nào xúc phạm đến thần…
            (“Yasht”, 10,7,8,13,28)
Hoặc:
… Đôi cánh tay nữ thần thật tuyệt vời
Trắng muốt, rắn chắc như cặp đùi tuấn mã
Thần tráng lệ, hùng vĩ
Chảy thành dòng từ vòi vọi trên cao
Với tâm niệm: “Ai ngợi ca ta đó?..”
Thần mạnh mẽ, tươi sáng, thanh cao
Đem đến dòng nước đêm ngày chảy mãi
Lớn bằng mọi nước trên trần gian góp lại
Dòng nước tràn đầy sức mạnh, về phía trước lao đi
Luôn có thể trông thấy thần, Ardvisur Anahita,
Trong dáng hình thiếu nữ thanh tân xinh đẹp
Mạnh mẽ, mảnh mai, lưng ong, diệu vợi
Quý phái, thanh cao, trong chiếc áo vàng ròng
Diễm lệ với vô vàn nếp gấp
Cầm trong tay chùm cành lá quyền uy
Đôi hoa tai phô ra bốn mặt vàng
Chuỗi hạt đeo trên cổ
Ardvisur quý phái thanh cao,
Eo lưng thần thắt chặt
Để bộ ngực mang dáng hình tuyệt đẹp
Để chúng trở nên quyến rũ vô cùng.
Ardvisur trên đầu đội mũ miện vàng
Với hàng trăm châu ngọc,
Tỏa ra tám tia như hình dáng bánh xe
Với những dải nơ và vòng hoa xinh đẹp.
         (Trích tụng ca dâng Ardvisur Anahita, “Yasht” 5, 7,15,126-128)
Hình tượng con người ngày càng thâm nhập vào sáng tạo dân gian. Một lần nữa sống lại lịch sử của mình trong tưởng tượng, các dân tộc Iran đã tạo nên hình tượng con người cá nhân xuất chúng, đặc biệt, - người anh hùng, vị thủ lĩnh, người tráng sĩ. Ở các bộ lạc khác nhau xuất hiện hình tượng riêng của mình về các ông tổ, vị thủ lĩnh đầu tiên, vị vua đầu tiên đã mang lại cho công xã những phúc lợi văn hóa: khám phá ra lửa, thuần dưỡng súc vật, dạy cho con người dựng nhà ở, cày ruộng, rèn sắt, v.v..
Trong Avesta phản ánh những truyền thuyết về một số ông tổ như thế (thủ lĩnh hay vua), được hình thành có lẽ ở những môi trường khác nhau: về Yima giữa những người chăn nuôi, về Gayomard giữa những người trồng trọt, về Keresaspa giữa những người chăn ngựa. Di tích của những thần thoại này được lưu giữ trong Avesta, đan xen với nhau một cách kỳ diệu và thu vào trong mình những dấu vết thái độ cả phê phán lẫn đồng tình của các bộ lạc khác nhau đối với cùng một nhân vật. Những thái độ khác nhau đó đặc biệt thể hiện rõ trong hình tượng Yima, vừa là ông tổ (vua đầu tiên), vừa là con trai của vua Vivanghant – tức đã là “người thứ hai”.
Xét về từ nguyên, tên Yima ban đầu có nghĩa là “cặp đôi”, “sinh đôi” và như vậy mang dấu vết của quan niệm trong Veda về cặp song sinh đầu tiên của con người Yame và Yami (Xem “Rigveda”, X,10). Trong Avesta (“Venvidad”, chường) kể rằng Yima nhận từ Ahura Mazda con dấu bằng vàng và chiếc roi khảm vàng , những vật nói đến công việc chăn nuôi của chàng: “Đất của chàng chật ních gia súc lớn nhỏ, và người, và chó, và chim, và những ngọn lửa đỏ”. Yima ba lần ấn con dấu và quất roi để nới rộng đất. Sau một ngàn năm trị vì của chàng bắt đầu đến mùa đông với những cơn giá bão tuyết khủng khiếp, sau khi tuyết tan nước lớn dâng đầy bãi thả gia súc. Để thoát khỏi bão tuyết và lũ lụt, Yima xây tường vây (Vara) bốn cạnh, mỗi cạnh dài bằng đường chạy của ngựa . “Chàng mang vào đó hạt giống, gia súc lớn và nhỏ, người, chim và ngọn lửa đỏ”. Chàng dẫn nước vào đó với chiều dài một hathra (một ngàn bước chân), nơi đó chàng xây nhà ở, có hầm kho, có ban công, có sân vườn và đê bao”. Thế là nhờ có Yima mà sự sống của con người trên mặt đất được bảo tồn.
Nhưng trong những chỗ khác của Avesta (ví dụ  trong các “Gâthâ”) Yima được nói đến như người phạm tội đầu tiên. Chàng không ăn trái táo cấm như Adam trong Kinh Thánh, mà ăn thịt bò, và do vậy đem tai họa đến cho con người. Trong một chương của “Yasna” cũng nhắc đến tội lỗi của Yima, người vì lời nói dối mà đánh mất hạnh phúc và bị biến xuống dưới lòng đất.
Gayomard (“người trần còn sống”, nghĩa là con người) trong các văn bản Avesta còn truyền lại đến nay chỉ được nhắc tên, không có chuyện kể nào về nhân vật này. Nhưng từ các nguồn tư liệu khác kể rõ rằng từ những hạt giống của Gayomard mọc lên cái cây với hai cành, từ đó nảy ra cặp con người đầu tiên, hay Gayomard xây trên triền núi ngập nắng mặt trời những ngôi nhà đầu tiên mà đưa những con người đầu tiên, mà trước kia còn ở hang đá vào sống trong đó.
Những ông tổ, những vị vua tổ chiến đấu với lũ rắn và chiến thắng chúng. Chẳng hạn như Keresaspa (từ “aspa” trong cấu tạo tên của nhân vật này có nghĩa là “ngựa” – là bái vật của thị tộc): “Keresaspa hùng mạnh nhất trong số những người hùng mạnh, người đã giết chết con quái vật rắn đầy nọc độc vàng Sruvar chuyên nuốt sống ngựa và người… nọc độc vàng phun thành dòng cao hàng dặm, Keresaspa đặt nồi đồng lên nó để nấu thức ăn vào buổi trưa, con rắn hung dữ đó bị đối nóng rú lên, từ dưới nồi nhảy dựng lên đánh đổ cả nước, khiến Keresaspa dũng cảm giật mình hoảng hốt nhảy lùi ra sau, [Keresapa] là người giết chết quái vật gót vàng Gandawera đang ngoác mồm lao tới định tiêu diệt thế giới chính nghĩa, là người giết quái vật Snavidhaka có sừng và tay bằng đá, kẻ từng nói với chúng bạn: “Ta còn trẻ thơ, ta chưa trưởng thành, bao giờ lớn lên, ta sẽ biến đất thành bánh xe, biến trời thành cỗ xe cho mình. Ta sẽ phế truất Linh hồn Thần thánh khỏi ngôi nhà của bài ca [Garo-nmana], còn lôi Linh hồn Ác từ dưới địa phủ lên, và cả hai sẽ kéo cỗ xe cho ta, nếu như Keresaspa dũng cảm không giết chết ta”. Keresaspa dũng cảm đã giết chết nó, lấy đi linh hồn và tiêu diệt sức sống của nó” (“Yasht”, 19, 40-44).
Nhưng, Keresaspa theo một truyền thuyết khác, lại là kẻ phạm tội. Ở đây cám dỗ Kersaspa không phải là thịt bò, mà là phụ nữ. Kersaspa bị một nàng tiên bỏ bùa mê, chàng ngủ giấc ngủ sâu như chết ở ngoại vi đông Iran (“Vendidad”, 19,5).
Trong số tất cả các quái vật dạng thú trong Avesta, nổi bật hơn cả là azhi (rồng, rắn) Dahaka, hình tượng này xuất hiện có lẽ từ sự hình dung về mây đen che khuất mặt trời. Trong Avesta kể những chuyện khác nhau về Dahaka: đôi khi như về con rồng chiến đấu với con trai của Mặt trời Atar, đôi khi lại như kẻ thân cận của linh hồn dối trá Drudj chiến đấu với vị tổ của con người. Các truyền thuyết cũng nói khác nhau về người đã chiến thắng quái vật này. Theo một truyền thuyết, người chiến thắng là tráng sĩ Thraêtaona.
Athwya – trong Avesta kể – là người thứ hai, người tôn thờ Haoma là cây thuốc kỳ diệu, linh thiêng: “Haoma chiếu cố ban phước cho Athwya, làm chàng đạt được điều mong ước, là con trai chàng Thraêtona sinh ra thuộc nòi tráng sĩ, người đã giết quái vật Dahaka có ba mõm, ba đầu, sáu mắt, ngàn quyền lực, là con quỷ (deava) hùng mạnh của Drudj, đầy hiểm nguy, ác hại, được tạo nên để tiêu diệt thế giới trần gian, để tiêu diệt chính nghĩa của mọi thế giới” (Yasna, 9,7).
Có thể giả định rằng hình tượng những con người đầu tiên xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên. Tuỳ theo mức độ phát triển sự tự ý thức của con người mà hình thành những truyền thuyết anh hùng. Những truyền thuyết anh hùng về các ông tổ và thủ lĩnh (vua) của vùng Bactria được phản ánh trong Avesta. Cả một nhóm các anh hùng tiêu biểu của Bactria được nhắc đến trong các “Yasht”, ở chương nói về Ardvisur Anahita. Chương này kể việc đích thân thần tối thượng Ahura Mazda ca ngợi và đem cống vật đến cho Ardvisur Anahita, kêu gọi nàng từ các vì sao hạ xuống trần gian như thế nào, rồi các tráng sĩ thiện và ác đều tôn thờ nữ thần, mỗi người đều xin nàng thỏa mãn ước muốn của mình. Nhưng Ardvisur chỉ chiếu cố đến những lực lượng của cái thiện, và nàng giúp họ thắng được những lực lượng của cái ác và những tráng sĩ ác. Nữ thần thực hiện một số lời thỉnh cầu: tặng Zarathushtra cho Ahura Mazda; ban cho Haoshyangha Paradhata sức mạnh để chiến thắng các deava; ban cho Yima quyền lực trước bọn deava; ban cho Keresaspa chiến thắng trước rồng Gandarewa; ban cho Kavi Usa dũng cảm quyền lực trước con người và các deava. Nữ thần giúp Thraêtaona con trai của Athwya đánh thắng azhi Dahaka; giúp chàng chiến binh trên lưng ngựa Tusa chiến thắng dân Turanian, còn chàng kỵ sĩ. Nhưng con rồng ba đầu Dahaka muốn tiêu diệt loài người, tên người Turanian xảo quyệt Frangrasyan muốn đánh cắp vầng hào quang dưới hồ Vouru Kasha, tên Vandarmansh (anh trai Ardzhadspa) định giết chàng tráng sĩ Kavi Vishtasp và em trai chàng là Zairivari, - tất cả chúng đều bị Ardvisur Anahita từ chối giúp đỡ.
Trong chương 19 “Yasht”, có sự sự rõ ràng hơn về phả hệ trong các đặc điểm của các vị thủ lĩnh – tráng sĩ đó. Hành động trong chương này được triển khai xung quanh cuộc đấu tranh vì vầng hào quang Hvareno – ánh sáng của thần linh.
Vị vua tráng sĩ đầu tiên, theo như trong chương này viết, là Haoshyangha  Paradhata (người thạo pháp luật đầu tiên). Trong thời gian lâu dài Hvareno đã ở cùng chàng, khi chàng “thống trị bảy đất, quỷ và người, thống trị các thần tiên và phù thủy (Yatus và Pairikas), thống trị các vua Kavi và Karapan, tiêu diệt được hai phần ba lũ deava ở Mazana và bọn người gian trá ở Varenya”. Tiếp theo đến tráng sĩ Takhma Urupa (Takhma: cảnh giác hoặc hùng mạnh, urupa: láu lỉnh, có phép tiên) trị vì; chàng biến linh hồn ác của Agra Manyu (trong tiếng Hy Lạp là Ariman) thành con ngựa, thắng yên cương và cưỡi nó đi từ đầu này đến đầu kia mặt đất. Tiếp đến là thời trị vì của Yima, người sở hữu những đàn gia súc lớn. Dưới thời trị vì của chàng, thiên nhiên và con người trở nên bất tử. Nhưng chàng lại phạm tội khi dính tới sự dối trá, và Hvareno ba lần rời bỏ chàng trong hình dạng con chim diều hâu (Varaghna): “Lần thứ nhất bay khỏi Yima, con trai  của Vivaghvant, dưới hình dạng chim Varaghna, Hvareno bị thần Mithra bắt được. Lần thứ hai bay khỏi Yima, Hvareno bị bắt bởi tay Thraêtaona, bách chiến bách thắng nhất trong số những kẻ bách chiến bách thắng, con trai tráng sĩ Athwya, người đã giết chết azhi Dahaka. Lần thứ ba bay khỏi Yima, Hvareno bị Keresaspa - mạnh mẽ nhất trong những đàn ông mạnh mẽ, người đã giết chết quái vật Sruvar - bắt được”.
Sau đó đến những đoạn mô tả trận chiến đấu tranh giành Hvareno. Đầu tiên là cuộc tấn công của lửa – Atar và quái vật azhi Dahaka. Hvareno lặn xuống đáy Vouru Kasha, và Apam Napat (một thần thiện ở dưới nước) đuổi theo nó. Tên Turanian hung ác Franghrasyan cởi bỏ y phục, ba lần hụp lặn định bắt Hvareno, nhưng không thành, mỗi lần thất bại hắn lại tức giận chửi bới: “ithe itha ýathna ahmâi avathe itha ýathna ahmâi âvôya itha ýathna ahmâi” (ý nghĩa của các từ không được rõ) . Cuối cùng, Hvareno thuộc về dòng họ Kavi. Có tám người trong dòng họ được kể ra, từ Kavi Kavata cho đến Kavi Syavarshan. Con trai Kavi Syavarshan là Kavi Husravah, người cuối cùng đã chiến thắng Franghrasyan và trả được thù cho người cha bị phản bội giết chết.
Truyền thuyết về người lái đò may mắn và Ardvisur Anahita (Chương 5 “Yasht”) có thể xem là một ví dụ thú vị về sự ra đời của truyện cổ tích. Trung tâm câu chuyện này cũng là hình tượng của con người.
Người lái đò Vafra Navaza bị chàng tráng sĩ bách chiến bách thắng Thraêtaona biến thành chim diều hâu. Ông bay trong không gian ba ngày ba đêm, nhưng không thể quay về nhà được. Đến cuối đêm thứ ba, khi bình minh sắp rạng, Vafra cầu xin Ardvisur Anahita: “Hỡi Ardvisur Anahita, mau đến giúp đỡ tôi. Nếu như tôi hạ xuống đất, về nhà được bình an, tôi sẽ đền cho Người hàng ngàn cống vật”. “Và Ardvisur chảy xuống chỗ ông trong hình dạng một thiếu nữ đẹp tuyệt trần, dáng người cân đối, mảnh mai, eo cong ngực cao, quý phái nhân từ. Từ mắt cá chân trở xuống, nàng đi đôi xăng đan sáng chói buộc bằng những sợi vàng ròng. Nàng nắm chặt lấy tay người lái đò. Và ngay tức khắc điều đó xảy ra: ông đứng trên mặt đất, trong ngôi nhà của mình, hoàn toàn còn sống và khoẻ mạnh, nguyên vẹn như trước kia. Ardvisur Anahita đã ban cho ông may mắn như thế đó”.
Trong Avesta chúng ta có thể tìm thấy mầm mống của cốt truyện dân gian rất phổ biến về chàng trai dũng cảm đã đoán được những câu đố của phù thủy Akhtya và chiến thắng được hắn (truyện nhân sư).
Đời sống kinh tế-xã hội của các bộ lạc và các dân tộc cổ đại ở Trung Á và Iran thời kỳ quá độ sang xã hội và nhà nước có giai cấp đã tạo cơ sở vật chất cho thi ca thần thoại và sử thi anh hùng của Avesta. Trong Avesta chúng ta bắt gặp không chỉ là những những phôi thai của thi ca như trong các lớp cổ đại của tác phẩm, mà đã là sự sáng tạo nghệ thuật tràn đầy vẻ đẹp, sự say mê của các bộ lạc Iran khác nhau.
Nghệ thuật và thi ca thời kỳ này được đánh dấu bởi sự phát triển ý thức con người về bản thân trong chế độ công xã nguyên thủy. Nếu như trước kia trong những quan niệm nghệ thuật cổ đại, con người hòa tan vào trong các hiện tượng tự nhiên, trong thế giới động vật, thì trong thi ca ở đây thiên nhiên được nhân hóa, các hiện tượng tự nhiên và các thần linh được nhân hóa, tạo nên “những hình tượng đa dạng và đa sắc màu nhất” như lời F.Engels (MK.Marx, F.Engels, Tác phẩm, in lần thứ hai, tập 20, tr.328).
Thi ca vươn tới thần thánh hóa con người – người khổng lồ, người tráng sĩ được mang sức mạnh của siêu nhiên. Thiên nhiên được nhân hóa một cách thi vị hóa thân vào những hình tượng thần thoại gồm cả một đội ngũ những thần linh mang hình người (Mithra, Ardvisur, v.v..), vào những hình tượng đạo đức gồm những tráng sĩ đấu tranh chống quỷ dữ, đánh tan những thần linh độc ác (các deava và rồng) trong hình dạng của thú vật.
Giữa vương quốc ánh sáng và vương quốc bóng tối (đội quân của vương quốc bóng tối bao gồm một đám quỷ dữ mang dạng thú vật) diễn ra cuộc đấu tranh không ngừng, trong đó, con người – tráng sĩ đóng vai trò quan trọng, đôi khi còn là vai trò quyết định, chủ chốt. Chỉ về sau, nhờ sự quy phạm hóa của giới tu sĩ Ba Tư giáo, cuộc đấu tranh đầy kịch tính đó mới trở thành sứ mệnh của các thần tối thượng Ahura Mazda và Angra Mainyu (trong tiếng Hy Lạp là Ohrmazd và Ahriman).
Trên phương diện nghệ thuật, thi ca mang tính thần thoại và sử thi là một bước tiến lớn so với thi ca phản ánh những quan niệm sơ khai của con người trong chế độ công xã nguyên thủy. Đó đã là sự sáng tạo thi ca phát triển trên cơ sở lao động xã hội ngày càng lớn mạnh và phức tạp, là sự sáng tạo thi ca đã tách riêng thành một dạng ý thức xã hội đặc biệt với những hình thức nghệ thuật phát triển. Giờ đây, trở thành tiêu biểu cho sáng tạo thi ca đó là một phong cách đặc thù, kết hợp tính hoành tráng anh hùng, sức khái quát đầy chất huyền thoại với sự mô tả chân thực những chi tiết của cuộc sống đời thường.
Là một trong những dạng ý thức xã hội quan trọng nhất trong thời kỳ quá độ từ chế độ thị tộc sang xã hội có giai cấp và nhà nước, thi ca mang tính thần thoại và sử thi của Iran cổ đại còn mang trong mình những yếu tố liên quan tới sự phát triển những quan hệ giai cấp, tới ảnh hưởng của tầng lớp quý tộc và tư tế thượng lưu.
Việc nghiên cứu những hình thức nghệ thuật của Avesta gần như đã đưa chúng tôi đến vấn đề những cội nguồn cổ đại của thi pháp ở các dân tộc Iran. Những nét tiêu biểu của thi pháp Avesta một mặt khiến nó gần gũi với thi ca Veda, mặt khác lại khiến nó gần với sáng tạo dân gian Iran.
Ngay ở giai đoạn phát triển đầu tiên của văn học Iran cổ đại (cho đến hết thế kỷ III), đã xuất hiện một đặc điểm chủ yếu mà ở giai đoạn sau (thế kỷ IV-VIII) sẽ được thể hiện ở mức độ nhiều hơn, - đó là tính tổng hợp. Hình thành một cách độc lập trên đất của mình, như mọi nền văn học lớn khác, văn học cổ đại Iran ngay từ buổi đầu đã tiếp nhận vào mình những yếu tố văn hóa cổ đại của các dân tộc láng giềng.
Sự sùng bái Mazda quy định nội dung của giáo lý Ba Tư giáo cổ đại đã xuất hiện và hình thành trước tiên ở những người Hitti và Urarti. Những mối quan hệ Iran – Ấn Độ lâu đời có từ trước thời Veda và từ thời Veda đã thấm sâu vào tất cả các tác phẩm giai đoạn đầu của văn học cổ đại Iran. Chúng được phản ánh trong những yếu tố chung giữa các thần thoại giải thích vũ trụ của Ấn Độ và Iran, trong những nguyên tắc tương đồng về thi pháp, trong hệ thống phân cực thiện – ác mà về sau lại khiến hai nền văn hóa tách riêng ra (ở người Ấn Độ, các deava là những vị thần tối thượng hiện thân của cái thiện, còn các asura là những thần linh hiểm độc là hiện thân của cái ác; ở người Iran thì ngược lại: hiện thân cái thiện là thần tối thượng Ahura, còn hiện thân cái ác là các deava hiểm độc).
Trong thời kỳ trị vì của triều đại Acheamenid, văn hóa Iran tiếp thu nhiều di sản của Assyria và Babylon đến nỗi có thể thừa nhận văn hóa Iran là nền văn hóa kế thừa trực tiếp. Và sau hết, những mối quan hệ của Iran cổ đại với văn hóa Do Thái cũng hết sức chặt chẽ, thường xuyên. Những nghiên cứu về giai đoạn sau của văn học Iran sẽ cho phép xác định rõ hơn vai trò của nó trong mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa các nền văn hóa cổ đại.

Không có nhận xét nào: