Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

21 thg 11, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện


ba mươi.
cứ coi như gặp cọp. 
    Từ những ý nghĩ về khủng long, nàng đã chuyển sang những ý nghĩ về cọp. Tiếng động kiểu ấy nhất định là tiếng chân của chúa sơn lâm.
 Nàng lại khẳng định. Ta hãy dừng lại để nghe kỹ thử sao? Tôi đề nghị. Và dường như từ một chỗ tăm tối nào đó trong trí nhớ của nàng, những con cọp thời thơ ấu của nàng đã lần lượt hiện ra. Em đang nghĩ gì vậy? Thấy nàng cứ ngồi im lặng, tôi hỏi. Ngày xưa, có một người đi tìm trầm. Bà nội em thường bắt đầu như thế. Nàng nói. Như thế là sao? Tôi hỏi, vì chẳng hiểu chuyện gì sắp xảy ra với nàng. Quả tình là từ thật xa đang vọng lại một thứ tiếng động gì đó, tôi chẳng thể đoán được, nhưng cứ cảm thấy sợ hãi trong lòng. Hãy lắng nghe kỹ coi nào. Nàng nói. Và xích sát vào tôi. Cho đến lúc ấy  bà em cứ ôm chặt lấy người em, ở trong rừng là vậy, bà em nói, còn con cọp thì cứ đủng đỉnh bước…Nàng đang tái hiện lại những câu chuyện kể trong bối cảnh mà theo nàng thì thật sự là nguy hiểm chứ chẳng phải như những nguy hiểm ở trong chuyện kể. Nhẹ nhàng như một con nai bước đi trên lá rừng thì đúng là tiếng chân  cọp, anh cứ lắng nghe coi, bà em bảo bước chân cọp cũng nhẹ nhàng như thế.  Có lẽ nàng đột nhiên ngừng lại là để xem  ý kiến của tôi thế nào, nhưng thấy tôi im lặng, nên lại kể tiếp. Con cọp cứ đủng đỉnh bước, còn người đàn ông đi tìm trầm thì ngồi chong mắt trong đêm tối, bỡi ăn cơm chiều xong, ông có cho thật nhiều củi vào bếp, nhưng cơn mưa rừng bất chợt ập xuống làm ướt hết củi đun, bà em nói ở trong rừng cọp rất sợ ánh lửa, đêm, ông vừa đặt lưng xuống nằm thì nghe  có mùi hôi thối, lại bật dậy, bà em nói hơi thở của cọp thì rất thối, và ở trong rừng, giữa người và cọp, ai nhìn thấy địch thủ trước thì kẻ ấy thắng, nghe mùi hôi thối biết là có cọp, nhưng chẳng nhìn thấy, nên chẳng thể đi tránh, cho đến  nửa đêm thì ông  nghe như cái tàng cây trên đầu mình đổ ập xuống. Hóa ra, cho đến lúc ấy, lúc nàng kể đến chỗ cọp vồ người đi tìm trầm, thì tôi đã hóa thành bà nội của nàng. Có nghĩa, nàng đã sà vào lòng tôi, cho tôi ôm lấy nàng. Ở trong rừng cọp nhìn thấy mình mà mình không nhìn thấy cọp thì coi như chết, bà em nói. Nàng nói. Và như đang cố thu người cho thật nhỏ. Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, chuyện kể…Tôi nói. Nàng bảo cọp thời bà nội nàng là chẳng khác với cọp thời tôi với nàng. Nàng nói. Và cứ co rúm người lại, làm như là chúa sơn lâm đang rình rập đâu đó để chuẩn bị kết thúc cuộc đời tôi và nàng. Hay là cái con khủng long còn sót lại sau kỷ Creta lại hóa thành con cọp trong ý nghĩ của em? Cách đùa của tôi là để cho nàng bớt đi suy nghĩ căng thẳng. Nhưng chẳng ăn thua. Có lẽ vào lúc ấy thì nàng chẳng thể rời bỏ cái lý lẽ đi trong rừng là phải gặp cọp. Và đây là đi giữa rừng đêm, nên không thể không nghĩ đến cọp.  Hình như là tiếng của một thứ máy móc gì đó. Tôi đoán thế là để giúp nàng rời xa những ý nghĩ về cọp. Nhưng nàng bảo cách nghĩ của tôi là chẳng thực tế chút nào. Máy móc chi lại đem đặt trong rừng vào giờ này? Nàng nói. Quả tình  bấy giờ tôi có cảm tưởng có một thứ âm thanh chi đó, tựa như tiếng một thứ động cơ đang bị hãm lại, hay đang bị nhốt lại, cho khỏi vang xa. Và từ lúc phát hiện ra cho đến lúc ấy thì thứ tiếng động ấy chẳng thay đổi, cứ nghe thấy với mức độ thế, có nghĩa, chẳng có gì đe dọa chúng tôi cho lắm, cho nên tôi với nàng mới có thể ngồi để cãi nhau đấy là thứ tiếng gì. Em thì em cho rằng, nếu không phải tiếng chân, thì đấy là tiếng gầm của con cọp. Nàng nói. Tôi hỏi đã bao giờ nàng nghe tiếng gầm của cọp chưa? Em chẳng thể tả lại lời  bà em, nhưng theo cách tả của bà em hồi ấy thì tiếng gầm của con cọp là y như thứ tiếng động mà ta đang nghe thấy. Nàng nói. Tôi hỏi khi tả tiếng gầm của cọp thì bà của nàng đã nghe cọp gầm chưa? Nàng nói là không biết. Nhưng bà em đã nói cọp gầm như thế thì nó là như thế. Cách viện dẫn của nàng là cũng giống với cách viện dẫn của  một đồ đệ đang trung thành với một thứ chủ nghĩa anh ta đang đeo đuổi. Trong lúc chúng tôi còn cãi nhau thì thứ tiếng động ấy bỗng có vẻ khác trước, lúc nghe như đang rống lên, lúc như lịm tắt. Hay là tiếng gào của một con suối nào đó ? Tôi nói. Một sai lầm rất lớn. Nàng chợt kêu. Đúng là tôi đã sai lầm rất lớn. Đến lúc nghe nàng kêu lên thế, tôi mới chợt hiểu ra là cơn mưa chiều trong câu chuyện kể của bà nàng đã làm hại tôi, cái cơn mưa ấy đã chui vào chỗ nào đó trong liên tưởng của tôi, để cho mưa rừng thì dẫn đến suối rừng, để cho đến lúc nghe thứ tiếng động lúc vang xa lúc im bặt ấy thì thứ liên tưởng tai hại kia đã khiến tôi buột ra lời ấy. Bấy giờ đang cuối mùa hạ, các con suối vùng núi rừng đầu nguồn là đang khô cạn, thì lấy đâu ra tiếng nước gào? Nhưng  sao ta lại không nghĩ đấy là tiếng giông sấm? Tôi cố khỏa lấp sự sai lầm của mình. Thì đang cuối hạ, trời chuyển mưa là chuyện thường. Nhưng nàng bảo là tôi lại sai lầm nữa. Bỡi từ lúc bắt đầu đi vào khu rừng đầu nguồn thì chẳng có dấu hiệu gì là chuyển mưa cả, chẳng hạn trời bỗng dưng trở nên oi bức, chẳng hạn mây đen bỗng dưng kéo đến. Bảo có giống sấm là tự dưng dựng chuyện. Nàng nói. Cho đến quá nửa đêm chúng tôi vẫn còn ngồi ở con đường rừng ấy để cãi nhau đấy là thứ tiếng gì. Chứ làm sao còn dám đi tiếp khi nàng đinh ninh có cọp ở phía trước, còn tôi, không nghĩ là có cọp, nhưng càng lúc càng thấy hoang mang trước những lý lẽ của nàng. Về sau, khi nhắc lại chuyến đi ấy, chúng tôi cứ thấy buồn cười. Chỉ sáng hôm sau là rõ mọi chuyện. Nhưng cho đến lúc đó chúng tôi vẫn cứ ngồi cãi nhau  về chân lý và sai lầm. Là tiếng gió?  Tiếng rền của núi? Hay tiếng gầm của cọp? Trong lúc chưa ngã ngũ đâu là chân lý đâu là sai lầm thì sự việc bị đẩy lên đến mức chẳng còn như trước. Một thứ ánh sáng có vẻ kỳ bí chợt xuất hiện ở tận đằng phía trước xa. Nói là lập lòe cũng không đúng. Mà nói chập chờn cũng không phải. Cũng giống như tiếng động kia, thứ ánh sáng ấy như cũng đang bị hãm lại, đang bị nhốt lại. Lúc thả ra là lúc nhìn thấy? Còn lúc hãm lại là không nhìn thấy? Bấy giờ, trong suy nghĩ của tôi có dấy lên  ý nghĩ về ánh mắt của một con thú rừng, bỡi trí nhớ của tôi mách bảo rằng mình đã nghe ở đâu đấy, hay đã đọc ở đâu đấy, là có một số loài thú rừng có đôi mắt có thể nhìn thấy mọi vật ở trong  đêm, trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ là đang dấy lên ý nghĩ về ánh mắt của một con mèo rừng, chứ chẳng phải là ánh mắt của một con cọp, cái ý nghĩ về ánh mắt của một con mèo rừng vừa dấy lên thì cả khối thân thể của nàng đã đổ ập vào tôi. Cọp! Chỉ buột kêu lên một lời vắn tắt như thế, đúng hơn là chỉ  thầm thì như thế, rồi lịm tắt cả nhân gian. Có nghĩa, bấy giờ trong trí nhớ của nàng cũng có thứ kiến thức về ánh mắt của một con thú rừng, nhưng chẳng phải là ánh mắt của một con mèo rừng, như trong kiến thức của tôi, mà là ánh mắt của một con cọp. Nếu không gắng lắm, chắc bấy giờ tôi đã cùng đổ xuống với nàng, bỡi khi nghe nàng kêu lên thế, thì  ánh mắt của con mèo rừng trong trí nhớ tôi đã lập tức được thay thế bằng ánh mắt của con cọp, có nghĩa, bấy giờ thì nỗi sợ hãi của nàng và nỗi sỡ hãi của tôi đã nhập lại nhau thành một khối vững chắc, cho nên chúng tôi mới có thể ôm chặt nhau mà ngồi chờ chúa sơn lâm như thế. Chứ còn biết làm cách nào khác. Leo lên cây cao thì chúng tôi không thể. Mà đi tránh thì cũng không thể. Biết con cọp đang đi hướng nào mà đi tránh? Suốt đêm hôm ấy coi như mọi cách biểu hiện nỗi sợ hãi đã được chúng tôi thể hiện một cách rõ ràng và đầy đủ.

Không có nhận xét nào: