Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

16 thg 11, 2011

Tây Tạng
Giọt Nước Mắt Giữa Lưng Trời Tuyết Trắng

ký sự của Đ.D.H

Lòng mộ đạo của người Tạng, khi đọc sách báo, xem phim tài liệu, tôi từng nghĩ nó có cái gì đó là huyền thoại, là si sản trong… phim tài liệu. Tức là có thể người ta phục dựng thêm để nói về một “sản phẩm văn hóa tôn giáo” quá ư độc đáo chăng?
 >> Những đỉnh tuyết sơn và hồ xanh thiên đường

Điệp trùng núi tuyết trên đường bay lên nóc nhà thế giới Tây Tạng.



Song, đến khi nhập Tạng, tôi chợt thấy cần phải đứng trước hồ Thánh thần và các tu viện cổ lừng danh hơn 1.000 năm tuổi để tạ lỗi… từng suy nghĩ báng bổ. Càng đi tôi càng thấy mình trở thành kẻ có cái gì hơi vô thần trước lòng tin tôn giáo tột độ đắm đuối của bà con nơi này. Tôi hiểu, niềm tin đó làm cho người Tạng an nhiên tự tại hơn, có trách nhiệm với mình và với đời hơn. Tử tế hơn. 
Lòng sùng kính “ngũ thể nhập địa”
Trên nóc chùa Đại Chiêu 1300 năm tuổi, người mộ đạo vẫn hằng ngày bồi đắp, tu sửa - dẫu nắng to, gió lạnh khiến họ phải bịt kín toàn thân, chỉ hở hai cánh tay và đôi mắt. Phía sau hai người phụ nữ ở bìa trái ảnh, là Di sản văn hóa thế giới cao nhất quả đất: Cung điện Potala cao 137 tầng.
Với khoảng 16.000 tu viện lớn nhỏ, cho hơn 2 triệu dân, Tây Tạng không hổ danh khi được loài người gọi là miền đất chư thiên. Tu viện, đền đài, chùa tháp dày đặc. Nếu bạn thực sự là khách du lịch, thì đúng là ngoài ngắm 4 cái hồ và vài đỉnh đèo ra, đất Tây Tạng đón khách với chủ yếu là tu viện và đền đài. Chùa Đại Chieu xây từ thời công chúa Văn Thành (thời nhà Đường ở Trung Hoa, năm 618 đến năm 907) nhập Tạng làm vợ vua Tùng Tán Cương Bố. Đó là ngôi chùa linh thiêng và nổi tiếng nhất Tây Tạng. Tương truyền, khi xây, Công chúa Văn Thành phải ném chiếc nhẫn tuyệt bích của mình vào rồi sai dê thần đổ đất  khắc chế yêu nữ quấy nhiễu những người thợ cũng như bao đời lương dân. Theo tiếng Tạng, con dê là “ra”, chiếc nhẫn là “sa”. Từ đó, nơi này mang tên Ra Sa, dần dần âm bị biến thành Lhasa. Nay, tên của thủ phủ Tây Tạng và đôi khi cả miền đất Tạng rộng lớn này đều là Lhasa. Hoặc như, cung điện Potala (được xây dựng năm 1645), Di sản văn hóa thế giới ở nơi cao nhất quả đất, một kỳ quan vừa là nơi thờ tự vừa là nơi làm việc hành chính của nhiều đời Phật sống Đạt Lai Lạt Ma. Cung điện rộng tới hơn 1.000 phòng, cao 137 tầng, hơn 10.000 bàn thờ các vị Phật, 20.000 bức tượng. Nhiều vị tượng rát vàng khổng lồ và hằng ngày hàng tháng phật tử vẫn cúng vàng vào để các nhà sư tiếp tục thếp bồi cho mình vàng linh thiêng ấy cứ dần lớn lên theo cả nghĩa bóng lần nghĩa đen. 
Tôi thẫn thờ chứng kiến cảnh đoàn người mộ đạo đông đúc nằm dài trên các nền đá, gạch trước chùa, đền, tu viện. Ai chụp ảnh họ mặc kệ hoặc có khi cau có nhè nhẹ rồi xua tay, giống như “sao mi lại lấy việc ta lễ chư thiên là thứ để… vẽ vời bày đặt” (?). Nhiều người đã đi hàng trăm cây số để đến “ngũ thể nhập địa” trước cửa đền Đại chiêu, dưới chân cung điện Potala hay hàng trăm đền đài ở thành phố Shigatse, hay rìa thủ đô Lhasa. Họ không nhìn nhau, cũng chẳng nhìn du khách, chỉ chăm chắm hướng lên bầu trời và về phía bạt ngàn thành quách của Niềm tin vào đấng tối cao. Đi ba bước (tam bộ) là ngũ thể (gồm chân, tay, ngực, trán… ) của họ lại một lần chạm xuống đất (nhập địa).

Ngũ thể nhập địa
Các nhà nghiên cứu nói, đây là cách vái lạy khổ sở, đau đớn nhất thế giới. Trán họ vồng lên, u bướu và xám xịt với các vệt sẹo, vệt chai sần đen thẫm, quần áo họ rách bươm tơ tướp. Bụng họ ấp một tấm da cừu da ngựa còn cả lông lá đã sờn rách vì mài xuống núi xuống gạch đá dọc đường đi không biết bao nhiêu lần. Hai tay họ có khi được “đơn giản hóa thủ tục” một chút bằng cách đeo hai cái guốc mộc có quai da để khi “nhập” đánh cộp một cái đủ “ngũ thể” xuống đất thì hai bàn tay là nơi chịu lực chính nó sẽ không chảy máu. Họ cứ “hành xác” như thế hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn cây số, có khi đứng một chỗ ngoài cửa đền, trong một đêm họ vái như vậy hàng nghìn hoặc cả vạn lượt. Có khi, suốt cả một đời người, đi từ quê hương mình đến miền đất Thánh, người ta phải vượt qua bão tuyết, cát vùi, thiên nhiên khắc nghiệt và trước đây là cả kẻ cướp giết chóc. Nhưng họ quyết tâm đi, tự nguyện đi. Họ coi đó là việc cần và đáng làm nhất trong cuộc đời mình. Sử sách từng chép lại rất nhiều người vĩnh viễn không bao giờ đến được miền đất tâm linh, bởi họ bị gió rét, bão tuyết hoặc kẻ xấu giết chết dọc đường. Tôi vẫn thường kính trọng ngồi xuống quan sát những ông già bà cả, đấm lưng, vặt cổ, lòng khòng đi từng bước nặng nhọc quay các khối “chuyển luân chung” (chuông chuyển kinh từ cõi người lên cõi của Chư Phật) khổng lồ nằm như cái bom bia hay hũ rượu vang làm bằng đồng xếp la liệt ven tu viện đền đài. Trong khi đó, tay họ vẫn không ngừng quay vèo vèo một cái vật tròn có tua rua như đồ chơi trẻ con trên tay (cũng là một vật cầu nguyện kiểu pháp luân chung);  miệng họ không ngừng cầu nguyện bằng tiếng Tạng, phiên âm ra tiếng Việt là “úm ma mi bát mê hồng”. Mỗi khối chuyển luân chung tròn linh thiêng đúc bằng đồng có trục dọc để lúc nào cũng quay tròn đó, chứa đến 10 nghìn câu kinh kệ. 

Tuyết trắng trên đỉnh đèo Kapala huyền thoại.
Ven hồ, dọc núi, các lối đi, bao giờ cũng tràn ngập các gò đá lớn nhỏ do người Tạng xếp lên khi cầu kinh, gọi là các manidoi. Có khi họ xếp cả đầu lâu, sừng động vật to kềnh càng lởm chởm ở ven hồ, ven núi. Có khi cắm cả những cái cọc buộc sù sụ từ đất lên gần chạm mây toàn lông cừu, lông trâu yak, lông ngựa trùm xòa quái dị. Khi thì họ lại viết điều mình cầu nguyện lên các lá cờ, treo chúng xanh đỏ tím vàng rợp kín các dãy núi. Sử sách còn chép rõ, vị Thánh tăng Hư Vân (1840-1959) đã thực hiện chuyến hành hương về thánh địa theo quy cách Tam bộ nhất bái rồi ngũ thể nhập địa từ Phổ Đà Sơn về Ngũ Hành Sơn, với chiều dài 2.500km, kéo suốt nhiều năm trời. Xin hãy đọc lại những gì mà cuốn “Con đường mây trắng” (dẫn ở bài trước) đã diễn tả lại. Người hành hương đến núi Ngân Sơn, giữa đỉnh trời mây và tuyết trắng linh thiêng bậc nhất Tây Tạng, như sau: “(…) họ lên đường mà không có gì bảo vệ chống lại mưa gió và không ngại cả chết đói hay chết cóng, những người đó đáng cho ta khâm phục. Họ không ngại sống chết, cướp bóc hay đói khát vì họ biết cách tự thể nhập mình thống nhất với sức mạnh thần thánh của vũ trụ. Nhiều người hành hương như thế đã không bao giờ trở lại quê hương mình; thế nhưng ai trở về, người đó đã là sự minh chứng lòng nhiệt thành cao nhất và niềm tin kiên định nhất. Họ trở về với ánh mắt long lanh, tâm hồn được làm giàu bằng một sự chứng thực mà suốt đời họ sẽ là nguồn năng lực và cảm khái, vì họ đã đối diện với cái vô cùng và đã tận mắt nhìn xứ sở của thánh thần”. “Giờ đây khách không cần ai bảo vệ, vì mình vừa là rồng, vừa là kẻ cưỡi rồng, là kẻ cúng tế vừa là vật tế lễ, là ma quái vừa là thượng đế. Và khi người hành hương cúi đầu cho trán đụng đất thiêng và ném vài viên đá vào nơi mà những người đi trước đã ném vào thành đống để nói lên lòng biết ơn và niềm vui mừng thì niềm mơ ước của mình nay đã thành sự thực. Khách nhắc lại trong tâm như lời cầu nguyện: “Mong sao tôi đừng quên phút giây này. Mong sao nó hiện diện mãi trong tôi”.
Từ  “thiên táng” đến những cái thang trắng dắt linh hồn người 


Trên bất kỳ ngọn núi nào dọc đường, người ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng trăm hình vẽ những chiếc thang dắt linh hồn người lên Trời, cùng cờ phướn và các bích họa hình Phật khác.
Cũng khó có ở đâu, cái chết trong quan niệm lại nhẹ bồng và hân hoan như nơi này. Người ta ước ao sẽ được chặt xác mình làm muôn mảnh bởi một pháp sư sau nghi lễ thiêng. Táng thức ấy rùng rợn đến mức cả nhân loại phải sửng sốt. Trên đỉnh núi thiêng, đỏ đọc và be bét xương thịt của chính cái con người vừa nằm xuống, người ta đốt hương liệu thơm nồng dụ đàn kền kền đến ăn, để xương cốt thịt da trần tục của Con Người được nương theo đó mà lên Trời. Cũng có khi lễ thiên táng (còn gọi là điểu táng, chôn vào bụng chim kền kền) rùng rợn này biến thành thủy táng, thịt người quá cố xẻ ra thả xuống nước cho cá của dòng sông ở nơi cao nhất thế giới Yarlung Zangbo (thượng nguồn của sông Mê Công chảy qua 5 nước rồi về Việt Nam ta) mang đi. Suốt dọc con đường từ Lhasa, vượt 140km đèo dốc rợn người đi Shigatse, chúng tôi liên tục gặp trắng toát những cái thang vẽ bằng chất liệu như vôi hoặc sơn công nghiệp “dựng” chi chít dọc vách đá, thang nối từ sông lên đường, vượt qua quốc lộ lên chỗ núi xám vờn mây xanh. Anh Cường, người bạn đồng hành mộ đạo Phật đến kỳ lạ của tôi ngồi mở máy tính xách tay, cho xem những thước phim khủng khiếp mà anh và cộng sự đã quay về lễ thiên táng đỏ rợn người với cảnh băm xác rồi kền kền nanh vuốt kéo đến bầy hầy xâu xé. Phim đã hoàn thành, anh Cường là nhân vật trải nghiệm, những người thực hiện trên tinh thần thiện nguyện của đạo pháp, họ đã chính cống phát hành rồi ngắt khúc ra tải một cách lành mạnh lên Yotube (mang tên “Ký sự Tây Tạng”). Điều đáng nhấn mạnh ở đây là: người Tạng coi thủy táng hay thiên táng là một nghi lễ thiêng liêng, lành lẽ, nó hân hoan như hóa giúp người khác từ kiếp bụi trần nặng nhọc sang một cõi sáng láng siêu nhiên vậy. Được thiên táng là một vinh hạnh của một đời người, nghe nói, ai “đẳng cấp” kém hơn thì mới tính đến thủy táng.
Theo truyền thống, các nhà sư ở tu viện cổ này luôn tranh luận náo loạn để tìm ra chân lý trong việc học và tu luyện. Họ vỗ tay, vung tay, ai cũng cất lời oang oang trong khu vườn xanh mát rải sỏi đá lạo xạo.
… Lòng mộ đạo vô biên và đáng ngỡ ngàng và kính trọng ấy. Vẻ đẹp choáng ngợp của những viên ngọc hồ xanh treo trên núi tuyết mênh mang vĩnh cửu và nhiều nghìn đền đài tu viện cổ kính ấy. Lại còn cả nỗi ám ảnh hội chứng độ cao hãi hùng, thập tử nhất sinh kia. Với tất cả ngần ấy, ai dám ưỡn ngực hứa chắc là mình sẽ gặp lại Tây Tạng trong một  ngày không xa. Tôi có anh bạn đã đi Tây Tạng đến lần thứ 13. Riêng tôi, nói giữa vùng đất chư thiên, với tất cả lòng ái mộ và xúc cảm dâng trào của mình: không dám hẹn ngày tái ngộ. Bởi đó là chuyến hành hương tuyệt vời nhất nhưng có lẽ cũng khổ ải nhất. Vẻ đẹp và trải nghiệm thiên thần kia, hãy nâng niu và thờ phụng nó như “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy”. Gặp lại lần sau, chắc gì ta đã còn là ta, mà chắc gì con đường sắt kỳ vĩ cao nhất thế giới xuyên từ mặt đất lên đỉnh trời Tây Tạng kia đã cho phép miền văn hóa tâm lịch sặc sỡ trên lưng trâu yak, trên các đỉnh núi tuyết của Hy Mã Lạp Sơn, trên đỉnh hồ xanh Nam-sto kia còn là chính nó? Thôi, thế giới còn gần 200 quốc gia đang vẫy gọi, mấy chục năm tuổi trời, cố mà đi thêm vài chặng đáng nhớ nữa, chả dám mơ leo lên nóc nhà thế giới, “Từ Thức nhập thiên thai” để gặp Tây Tạng lần nữa đâu.
Xia - Monday, cô gái Tạng thiện chiến như một con báo lửa, đành lỡ hẹn kiếp này với em. Giữa đỉnh trời tuyết trắng, em vẫn hằng kiêu  hãnh vén mây nhìn xuống những người sống cách em cả vạn cây số, sống sâu dưới mặt biển hơn em những 5.000m đúng không? Em vẫn thường mỉm cười ái ngại cho những kẻ ở ngang mực nước biển như chúng tôi, khi thấy ai cũng bị hội chứng độ cao luôn miệng kêu “tôi không ăn gì đâu, tôi chết mất” đúng không? Phải rồi, cái hội chứng ấy, người sinh ra, lớn lên ở tít trên “nóc nhà thế giới” như em không bao giờ có cơ hội gặp phải. Được, bây giờ tôi sẽ mail cho Xia, nói rằng khi chia tay em, trong cái bao la và hữu hạn của trời và kiếp người, tôi đã khóc như một đứa trẻ chớm bạc đầu ra sao. Tây Tạng, vừa gặp đã nghĩ rằng nếu chia tay thì nhớ lắm lắm. Tây Tạng, chưa chia tay đã biết rằng chỉ có thể tái ngộ trong kiếp sau.

Một bức tranh cổ của người Tây Tạng, được vẽ ở nơi linh thiêng.
 dantri.com.vn

Không có nhận xét nào: