BỘ PHIM NGA "FAUST" ĐOẠT GIẢI THƯỞNG SƯ TỬ VÀNG VENISE LẦN THỨ 68
Đạo diễn Nga Alexander Sokurov nhận giải Sư tử Vàng Venise 2011 với bộ phim "Faust"
REUTERS
« Faust » lấy lại câu chuyện về nhân vật trong huyền thoại Đức, người bán linh hồn cho quỷ dữ, đã được đại văn hào Goethe dựng nên trong cuốn tiểu thuyết cùng tên của ông.
Đây là tập cuối cùng trong một loạt bốn phim nói về những quan hệ đầy kịch tính giữa con người với quyền lực. Bộ phim thứ nhất « Moloch », ra đời năm 1999, kể về Hitler, tập thứ hai « Taurus », về Lênin, tập thứ ba, « Mặt trời », về Nhật hoàng Hirohito.
Việc trao giải cho « Faust » là một điều khá bất ngờ của liên hoan phim Venise 2011. Hết sức cô đọng và hết sức khó xem, « Faust » được giới phê bình nồng nhiệt ca ngợi.
Tuy nhiên, theo bình luận của tờ báo Ý Republica, dường như ban giám khảo cuộc thi muốn cổ vũ cho những bộ phim khó xem và khó được thị trường chấp nhận. Báo Stampa bình luận : « bộ phim tuyệt vời này đã trả lại cho giải thưởng phim Mostra ý nghĩa sâu sắc của giải thưởng vào thời điểm nó ra đời năm 1932 », « bộ phim cũng như tất cả các tác phẩm của Alexander Sokurov đã bay lên cao, vượt qua tất cả những ràng buộc của thị trường, không quan tâm đến những thị hiếu của công chúng và bỏ qua những gì mang tính thời thượng ».
Trong khi đó, nhiều tờ báo, cũng như phần lớn các phê bình đặc biệt tiếc nuối cho bộ phim « Carnage » của đạo diễn Pháp gốc Ba Lan Polanski. Bộ phim được coi là ứng cử viên số một của giải Sư tử Vàng năm nay, được cả công chúng và giới phê bình tán thưởng một cách tuyệt đối, nhưng không nhận được giải nào.
Giải Sư tử Bạc của Venise năm nay được trao cho đạo diễn Trung Quốc Cai Shangjun (Thái Thượng Quân) với bộ phim « Ren shan ren hai » (tạm dịch là Núi người, biển người). Một diễn viên không tên tuổi là Deanie Yip, người Hồng Kông, đã đoạt giải diễn viên nữ xuất sắc nhất trong bộ phim « Tao jie » (tạm dịch là Một cuộc đời giản dị) của đạo diễn Ann Hui (Hứa An Hóa) về một phụ nữ làm nghề giúp việc gia đình. Giải diễn viên nam xuất sắc thuộc về diễn viên Anh Michael Fassbender trong vai một thanh niên người New York, chìm đắm với những ám ảnh tình dục trong bộ phim « Shame » (tạm dịch là Xấu hổ) của đạo diễn Steven McQueen.
Đôi nét tiểu sử của đạo diễn Alexander Sokurov Đạo diễn Alexander Sokurov sinh năm 1951 tại vùng Irkusk, thuộc miền đông Siberi, cách không xa biên giới với Mông Cổ. Tuổi nhỏ của đạo diễn tương lai gắn liền với các cuộc hành trình của cha ông, một sĩ quan trong quân đội Liên Xô. Tốt nghiệp phổ thông, ông theo học mộn lịch sử tại trường Đại học Gorki, rồi làm việc với tư cách đạo diễn cho đài truyền hình thành phố. Năm 1975, Alexander Sokurov được vào Học viện Điện ảnh Matxcơva, nơi ông bắt đầu nghề làm phim tài liệu và phổ biến khoa học, với sự hướng dẫn của nhà điện ảnh Nga Andrei Tarkovski (1932-1986).Bộ phim tốt nghiệp của ông bị Học viện Điện ảnh Matxcơva đánh trượt và ra lệnh tiêu hủy. Tuy nhiên, phim này đã được nhà điện ảnh Andrei Tarkovski đánh giá rất cao. Cũng nhờ nhà làm phim bậc thầy này, Alexander Sokurov đã vào được xưởng làm phim Lenfilm. Alexander Sokurov làm song song cả phim tài liệu và phim truyện. Tuy nhiên, các phim của ông không được Hiệp hội điện ảnh Liên Xô chấp nhận. Phải mãi đến khi nhà cải cách Gorbachev lên cầm quyền vào năm 1985, bộ phim đầu tiên của đạo diễn Sokurov mới được trình chiếu. Bộ phim truyện đầu tay mang tên « Giọng nói cô độc của con người », được làm năm 1978, đoạt huy chương đồng giải Con Báo tại liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ) năm 1987. Năm 1995, Alexander Sokurov được Viện hàn lâm Điện ảnh Châu Âu (Académie européenne du cinéma/European Film Academy) xếp vào trong số 100 đạo diễn xuất sắc nhất thế giới. 1996, bộ phim truyện Mẹ và Con trai của ông được công chiếu và được công chúng rộng rãi biết đến. Theo giới phê bình điện ảnh, các bộ phim đặc biệt thành công của Alexander Sokurov là : « Mẹ và Con trai », « Moloch » (1999), « Taurus » (2001), « Bố, Con trai » (2003), « Mặt trời » (2005) và « Alexandra » (2007). Riêng bộ phim cuối cùng rất nổi tiếng vì là bộ phim độc nhất thế giới được làm trên một trường cảnh duy nhất (bảo tàng nghệ thuật Ermitage của Saint-Petersburg), trong vòng 96 phút. RFI |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét