GS Cao Huy Thuần vừa cho ra mắt tác phẩm mới: Khi tựa gối khi cúi đầu (Nhã Nam và NXB Văn Học), đã được Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu trong số ra ngày 24.8.2011. Với tôi, tác giả là một người anh thân thương, một triết gia chính hiệu. Thế mà anh lại viết thư riêng ghẹo tôi: “Hình như có ông nào đó tuần tuần tháng tháng viết gì đó về Chuyện xưa chuyện nay. Biết đâu quyển sách gợi hứng cho ông để tay tiên thảo một bài thơ liên hoàn”. Tôi chọn cách khôn ngoan nhất là… mượn hoa cúng Phật. Xin bắt đầu bằng vài trích đoạn từ bài Tin cậy trong tập sách, nối tiếp chủ đề “giao lưu trực tuyến” ba kỳ mới đây. Các tựa nhỏ là của chúng tôi.
Bùi Văn Nam Sơn
Không có tin cậy giữa thầy với trò thì giáo dục vô hiệu. Không có tin cậy ở đồng tiền thì kinh tế khủng hoảng. Không có tin cậy ở đất nước, người dân vượt biên. Ai cũng biết vậy, nhưng phải đợi đến Locke (1632 – 1704) tin cậy mới đi vào lý thuyết chính trị để cắt nghĩa nguồn gốc của quyền lực.
Triết gia, nhà hoạt động chính trị người Anh John Locke. |
Sự chính đáng của quyền lực
Do đâu quyền lực được xem như chính đáng? Locke trả lời: từ sự tin cậy của người dân. Sự tin cậy đó cắt nghĩa tại sao con người từ bỏ tình trạng hoang dã ban sơ để lập nên một uy quyền chính trị mà ngày nay ta gọi là nhà nước. Trong tình trạng ban sơ, chỉ có cá nhân với cá nhân, tổ chức đoàn thể duy nhất là gia đình. Giữa cá nhân và cá nhân, ai cũng tự do, muốn làm gì thì làm, ai cũng bình đẳng, ai cũng tự lo bảo vệ sinh mạng, tài sản, ai cũng tự mình giải quyết xung đột, ai cũng dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Thế nhưng trên đầu vẫn có một thứ luật, luật tự nhiên, mà con người tự biết chẳng cần ai dạy, vì đã là người thì ai cũng có lý trí bẩm sinh. Lý trí dạy: xâm phạm tính mạng của người khác thì người khác xâm phạm tính mạng của mình. Xâm phạm tài sản của người khác thì của cải của mình cũng bị xâm phạm lại. Vậy thì, đừng ai xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do, tài sản của ai. Luật đó là luật tự nhiên, luật sinh tồn hỗ tương, có qua có lại. Vấn đề là: nếu luật đó bị vi phạm thì sao? Kẻ yếu làm sao tự xử? Yếu làm sao xử được mạnh? Mà kẻ mạnh nào lại không có đứa mạnh hơn ở trên đầu? Chính vì vậy, vì thiếu một tổ chức để phân xử, mà con người chấm dứt tình trạng ban sơ để bước qua tình trạng xã hội có tổ chức. Bước qua như vậy không phải để sống, mà để sống tốt hơn.
Với thời đại gần đây, lý do đó lại càng rõ hơn nữa. Đồng tiền xuất hiện, kinh tế trao đổi bước qua kinh tế tiền tệ, xã hội phải được tổ chức chặt chẽ. Với đồng tiền, con người có khuynh hướng để dành, tích luỹ. Từ đó, bất bình đẳng tăng lên, tăng mãi, đến mức con người không thể ngủ yên nếu tài sản không được một tổ chức bảo vệ: tổ chức ấy là tổ chức chính trị, là nhà nước.
Vậy thì, con người thành lập tổ chức chính trị để tránh nguy hiểm của bất an ninh, để tự do, để tài sản được bảo vệ. Muốn vậy, mỗi người phải từ bỏ quyền tự mình hành xử luật tự nhiên và trao quyền đó cho một tổ chức độc lập, đứng trên mọi cá nhân: đó là cái hợp đồng xã hội cơ sở. Quyền lực của tổ chức chính trị bắt nguồn nơi sự từ bỏ đó của mọi người. Nhưng, khác với các nhà tư tưởng khác, Locke không xem sự từ khước đó là vô giới hạn. Bởi vậy, quyền lực của tổ chức chính trị chỉ rộng đến mức cần thiết, vừa đủ để đạt mục tiêu của xã hội, tức là hạnh phúc của con người và an ninh của tài sản. Tổ chức chính trị đó thu hẹp tự do và tài sản mà con người có trong tình trạng ban sơ, nhưng không triệt tiêu. Đó là điểm mấu chốt trong Locke.
Ông vua ngày xưa nhận quyền uy từ thiên mệnh. Nhà nước ngày nay nhận tính chính đáng từ sự thoả thuận của dân. Dân thoả thuận vì dân tin cậy. |
Trên mặt lý thuyết, cái nhìn của Locke là cái nhìn đầy lạc quan. Khác với các tư tưởng gia khác, ông nghĩ: tình trạng ban sơ không phải là hoàn toàn rừng rú, con người không phải là chó sói với nhau. Từ đầu, con người đã biết sống hợp quần, chỉ vì một lý do tự nhiên: bản tính của con người là tin ở lời nói, tin nhiều hơn là nghi. Nếu từ đầu, từ căn bản, không ai tin gì ở lời nói của ai cả, thì làm sao đồng ý được với nhau về cái hợp đồng xã hội? Huống hồ đây là một hợp đồng chuyển nhượng quyền và tự do của mình cho một quyền lực mà mình chưa hề biết gì về cách tổ chức, hoạt động. Bước nhảy từ tình trạng hoang sơ đến tình trạng xã hội là một bước nhảy đầy bất trắc. Không tin nhau, không tin ở cái cơ cấu xã hội sẽ tổ chức, ai dám nhảy? Ai dám nhảy với nhau và với cái quyền lực chưa hề biết mặt mũi kia?
Trách nhiệm từ hai phía
Bởi vậy, con người trong cái hợp đồng xã hội của Locke là con người tự tín, tự chủ, biết trách nhiệm. Tôi biết trách nhiệm về việc giữ lời nói của tôi, cho nên tôi cũng tin rằng anh biết trách nhiệm về lời nói của anh. Ý thức về trách nhiệm hỗ tương đó tạo ra mối liên hệ sâu xa giữa người với người: kẻ nào bội hứa, nuốt lời, kẻ ấy đi ra khỏi cái hợp đồng đạo đức đã tạo ra khuôn phép cho đời sống xã hội. Tôi cho anh bạc thật, anh không thể trả lại tôi bạc giả. Trong cái hợp đồng ký kết giữa anh với tôi, giữa chúng ta với tất cả, giữa tất cả với quyền lực, mỗi người đều là những con người trưởng thành, tự lập, có lý trí, biết trách nhiệm. Con người trong tình trạng thiên nhiên đã thế, con người trong xã hội hiện đại ngày nay lại càng như thế. Không thể có xã hội nếu không có những cá nhân biết trách nhiệm. Không thể có một quyền lực chính đáng nếu quyền lực đó vô trách nhiệm.
sgtt.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét