Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

15 thg 12, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

ba mươi bốn.
ở ngôi làng ấy. 
    Như một thứ định mệnh hài hước luôn phủ lên cái nhúm người cư ngụ nơi góc trời heo may gầy guộc. Cũng đủ cả những chi tiết núi sông để có thể dự vào hàng giang sơn gấm vóc, có điểu đây là thứ gấm vóc như còn nằm trong cuộc thể nghiệm của trời đất, cuộc thể nghiệm như một cách thức của tồn tại, có nghĩa, không còn thể ngiệm thì không còn tồn tại. 
 
Có thể là tự ngày người làng đầu tiên có mặt ở ngôi làng ấy, cuộc thể nghiệm ấy đã được coi như một thứ định mệnh có tính cách áp đảo, khó lường. Định mệnh thường là đi đôi với tín ngưỡng. Có tin, định mệnh mới có giá. Đằng này, có lúc người ta cố phủ nhận, thì nó vẫn cứ có giá. Trước sau gì răng cũng đen. Đấy là cái giá của nó. Có người đã thử đến lập nghiệp ở ngôi làng ấy, để thử cái giá ấy. Và một hôm, sáng ra vẫn trông thấy mặt trời , nhưng hàm răng trắng muốt năm xưa của mình là không còn. Trong lúc anh ta hô hoán chuyện răng trắng đã thành răng đen, thì vợ anh ta cũng phát hiện ra  răng của mình cũng thế. Rồi tới đời con anh ta cũng thế, lúc sinh ra là răng trắng, rồi vào một hôm, sáng ra vẫn nhìn thấy mặt trời, nhưng hàm răng trắng của con anh ta đã thành răng đen.  Xin nói gọn thế này: hễ sống ở ngôi làng ấy thì già trẻ lớn bé gì răng cũng đen. Vào cái thời tóc dài, răng đen, được coi như là vẻ đẹp của con người, thì ở ngôi làng ấy, trẻ già lớn bé gì cũng cảm thấy hạnh phúc. Trong khi ở những nơi khác, muốn có răng đen phải nhuộm. Thì ở ngôi làng ấy, những người con gái răng đen, “cười như mùa thu tỏa nắng”, mà chẳng phải nhuộm nhiếc gì cả. Mà có thứ vẻ đẹp nào là không được phổ biến trong nhân gian? Những người con gái răng đen ở ngôi làng ấy trở nên có giá trước thời cuộc. Có nghĩa, những đám rước dâu là liên tiếp xảy ra ở đấy. Và, trong các cuộc vu qui, xen vào niềm háo hức phu thê, là sự luyến tiếc. Phía sau là núi, bên tả bên hữu cũng núi,  làng là chen lấn với tự nhiên, đất để làm ra cơm áo là của tự nhiên nhường lại, nói cách khác là xén bớt của tự nhiên, đói nghèo là chuyện thường trực của làng, nhưng kẻ ra đi nào cũng cảm thấy luyến tiếc mảnh đất tạo ra niềm hạnh phúc, dẫu là hạnh phúc đơn sơ. Nhưng định mệnh nào thì cũng chẳng chịu để yên cho con người. Đã đến lúc nền hội họa của con người không còn đánh giá cao màu đen ở hàm răng con người. Cùng với cuộc cách mạng xóa bỏ tóc dài xảy ra trên mặt đất là cuộc xóa bỏ răng đen. Nói nôm na, đã đến lúc con người không còn thích để tóc dài, và không còn thích  nhuộm răng đen. Nhưng ở ngôi làng ấy, cái định mệnh có tính cách áp đảo ấy chẳng đếm xỉa chi thứ  mỹ học mới của con người. Có nghĩa, đã ở ngôi làng ấy, thì trước sau gì răng cũng đen. Lúc mới nổ ra cuộc cách mạng mỹ học, người làng ấy chỉ thấy buồn về hàm răng đen của mình.  Đến khi toàn thế giới người ta đều là răng trắng, bước ra khỏi làng nhìn thấy chẳng còn ai còn răng đen, người làng ấy mới cảm thấy hoảng hốt.  Làm sao bây giờ? Đã có nhiều người bỏ làng đến sống nơi khác, và răng có hết đen hay không thì chẳng ai biết. Nhưng toàn thể những người còn sống trong làng thì tình hình vẫn như cũ, răng vẫn tiếp tục đen, và đám con cháu, lúc sinh ra là răng trắng, và về sau thì đứa nào cũng răng đen. Đám con gái trong làng chẳng còn dám để cho mùa thu tỏa nắng, có nghĩa, lúc cười thì phải lấy tay che miệng. Nhưng ngôi làng ấy thì đã được người ta gọi là làng răng đen tự lúc nào. Nên không phải chỉ con gái, mà cả con trai trong làng, hết thảy đều xuống giá trước thời cuộc. Người ta ngại cả việc cưới con gái làng ấy về làm vợ  lẫn việc về làm dâu ở đấy. Hình ảnh hàm răng đen bỗng trở thành một thứ tai họa. Hay là do đất đai  phong thổ mà ra? Cũng có chút tri thức kiểu ấy len vào  nhận thức của người làng. Nhưng cũng chỉ nghĩ tới đó mà thôi. Thứ triết học dân giã vốn thấm đẫm trong tim óc những con người bao nhiêu đời phải chen lấn với tự nhiên mà sống, triết học cam chịu, rốt cuộc đã giúp cho người làng ấy coi chuyện răng đen cũng giống như chuyện đói nghèo vẫn diễn ra ở đấy. Có điều, khi cam chịu đến một mức nào đó thì hóa thành một khối u buồn. Vào những lúc có vị nguyên thủ quốc gia có chút tấm lòng với dân với nước, thì cũng có phái đoàn này phái đoàn nọ được phái về  làng ấy xem xét, khi là trên tinh thần xã hội học, tâm lý học, hoặc thần học, khi là trên tinh thần khoa học. Xét là xét vậy thôi, chứ răng thì vẫn cứ đen. Khối u buồn ấy vẫn còn nguyên giữa nền văn minh đương đại. Và cứ đêm xuống là ngôi làng như biến khỏi mặt đất.
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: