Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

16 thg 12, 2011

Thơ Của ALLEN GINSBERG

thơ của Allen Ginsberg
chuyển ngữ : Hoàng Ngọc Biên

ALLEN GINSBERG
(1926-1997)

Allen Ginsberg là nhà thơ quan trọng nhất của thế hệ Beat. Ông sinh tại Newark, bang New Jersey, Hoa-kỳ ngày 3 tháng Sáu 1926.
Học Đại học Columbia tại Nữu-ước trong những năm 40, ông kết thân với những William S. Burroughs, Neal Cassady, và Jack Kerouac, là một sinh viên chuyên cần, làm thơ, hay viết những lá thư dài cho William Carlos Williams, và chịu ảnh hưởng của nhà thơ này. Năm 1954, ông tới San Francisco, lúc ấy là một thủ phủ của các nghệ sĩ. Ở đây ông gặp hai nhà thơ trẻ là Gregory Corso và Peter Orlovsky (sẽ là người bạn đường và bạn đời của ông), và tại đây, Howl and Other Poems (1956), tác phẩm đầu tay của Ginsberg, ra đời, với một nguồn "cảm hứng lãng mạn" khác biệt. Hơi thơ là của Walt Whitman. Ấy là một "tiếng hú" dài, gây chấn động mãnh liệt trong những năm 50, thường được ví von với The Waste Land của T.S. Eliot trong những năm 20. Nhưng, nếu tác phẩm của T.S. Eliot gợi ra nỗi âu lo của một thế hệ đàn anh đứng trước sự "bỏ mất tinh thần", thì tác phẩm của Ginsberg là một tiếng gào thét chống lại một xã hội chỉ biết tới những giá trị vật chất và nổi hiệu cho một cuộc vùng dậy, khởi đầu cuộc "nổi loạn" của thế hệ Beat. Tác phẩm này, với những đoạn dài sử dụng những từ "tục tĩu" đã khiến tác giả phải ra hầu tòa. Trước tòa, Ginsberg được trắng án, danh tiếng ông lan rộng và Howl thu hút một số độc giả kỷ lục về thơ, nhất là trong giới trẻ, để trở thành "một trong những bài thơ được đọc rộng rãi nhất của thế kỷ".

Cuộc chiến tranh Triều-tiên đã mãn, những cuộc đàn hặc của McCarthy cũng đã tàn, và một cuộc chiến khác đang chuẩn bị. Tác phẩm lớn thứ nhì của Ginsberg xuất hiện: Kaddish (1961) được dành cho bà mẹ điên của ông là Naomi Ginsberg nhân ngày giỗ bà, như một lời kinh cầu cho người đã khuất của dân Do-thái. Tựa đề đầy đủ của tác phẩm là Kaddish for Naomi Ginsberg, 1894-1956. Đây là tấn bi kịch của một gia đình Do-thái từ Nga qua. Cuộc đời của bà mẹ này, đè nặng lên tác giả khi còn nhỏ và khi đã trở thành nhà thơ, đè nặng lên những người khác trong gia đình ông, liên quan tới lịch sử. Trọn cuộc đời ấy hướng tới một hình ảnh đầy ảo giác và tượng trưng: "Chiếc chìa khóa ở cửa sổ". Đây có lẽ là tác phẩm quan trọng nhất của Allen Ginsberg, thật sâu sắc và cảm động.

Trong những năm 60, cuộc chiến tranh Việt-nam diễn ra thật ác liệt. Allen Ginsberg hết mình tham dự phong trào chống chiến tranh. Ông có qua Sài-gòn, ngồi thiền ở đường Catinat. Nhưng ông cũng qua Tiệp-khắc. Ông chống tư bản, nhưng không phải là cộng sản. Sự cố ông bị trục xuất khỏi Tiệp-khắc khi ông tới đọc thơ và được những người trẻ ở đây hết sức hoan nghênh (họ gọi ông là ông "Vua tháng Năm") cho thấy rõ điều ấy. Các tác phẩm thường được nhắc tới của ông trong thời kỳ này là Reality Sandwiches (1963) và Planet News (1969).

Tác phẩm The Fall of America của ông được tặng giải National Book Award năm 1974. Trong Collected Poems, 1947-85 (1995) có hầu hết những tác phẩm quan trọng nhất của Allen Ginsberg. Và White Shroud (1987) bao gồm những bài thơ ông viết kể từ những năm 80. Ngoài ra, một số thư từ giữa ông và bạn bè cũng đã được in ra thành sách. Tác phẩm của ông cũng đã được đưa lên sân khấu tại Hoa-kỳ và Ý. Thơ ông đã được dịch ra khoảng 22 thứ tiếng trên thế giới. Các bản dịch thơ Ginsberg sang tiếng Việt đầu tiên đã được đăng trên tạp chí Trình Bầy tại Sài-gòn và sau đó in thành sách cũng do Trình Bầy xuất bản. Dịch giả là nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.

Allen Ginsberg mất tại thành phố Nữu-ước năm 1997.

(Diễm Châu biên soạn)







Ai sẽ chiếm vũ trụ?
Một đêm đông lạnh ngắt
mấy tay mưu phản ngồi trước bàn trong tiệm cà phê
            bàn về chuyện những nhà giam huyền bí
Cuộc Cách mạng ở Mỹ
            đã bắt đầu không là những trái bom mà là những cuộc
                     đình công ngồi tại chỗ trên những tàu ngầm
            trên những hè phố ở Tòa Thị sảnh –
Có bao nhiêu gia đình kiểm soát Hoa kỳ?
            Không cần biết Chính phủ
                     hãy gửi lời phản kháng tới Clint Murchinson
Những người Da đỏ đã thắng vụ kiện Quan tòa McFate
                        Cây xương rồng an toàn ở Arizona –
            Trong phòng ta tên ghiền bệnh hoạn
                                 qua ngày thứ 7 run lập cập
                        Đầm đìa nước mắt, sống lại vào mùa Đông.
Che Guevara có một củ dương vật bự tùa
                                 Hai hòn dái Castro màu hồng –
Bóng ma của John F. Dulles lủng lẳng
                        trên đầu nước Mỹ như miếng vải dơ
            phủ lên buổi hoàng hôn mùa đông,
            Những làn hơi của Khí Vô thức
                            bốc lên từ cái xác của hắn
                   & thôi miên những đấng trí thức Ai cập –
Hắn khủng khiếp nghiến răng & khoanh hai xương
                        đùi vòng quanh sọ của mình
            Bụi tuôn tràn ra từ cái lỗ đít của hắn
                   hai bàn tay hắn đầy vi khuẩn
                        Con sâu bám sát mắt hắn –
            Hắn tuyên bố những cuộc phản cách mạng trong
                                      Thế giới-loài sâu,
                        con mèo của ta đã ói hắn ra
                                                            thứ Năm vừa qua.
& lão Forrestal bay khỏi cửa sổ nhà mình như một con Đại bàng –
Nước Mỹ đang xài tiền để lật đổ con Người.
                                         Ai là kẻ cai trị trái đất đây?
                                                        6 tháng Giêng 1961
Mặt trời lặn trên tàu S.S. Azemour
Khi ánh hoàng hôn màu cam buông phủ trên một ý nghĩ cũ
Qua bàn tay ta ta nhìn xuống trang giấy
cảm nhận bên ngoài cái con người cuốn gập lạ kỳ bên trong ta
và đi tìm cái đầu của nó – Thiên thần thượng đẳng
bước tới trong ánh chớp sấm sét qua cơn giông ête
Những sứ giả đến từ những Từ cầu râu ria đầu mọc sừng
những đài phát thanh mất dần tiếp nhận những thiên hà xưa cũ
Những bánh xe của Khoảng bao la phản ánh khắp mọi phía
Lời loan báo chuyển nhanh từ cõi Vô hình đến cõi Vô hình
Cái đuôi con rồng thiên thu mất hút trong mắt
Cái chết kỳ lạ, những sinh sôi bị quên lãng, giọng nói cất lên gọi
             từ quá khứ
Tiếng “ta đã là” chào đón chữ “ta là” ngày nay đuợc viết “ta sẽ là”
Những đội quân bước qua rồi lại bước lại bãi chiến trường xưa –
Những thế lực nào đang ngồi dưới những mái lều và lệnh quyết
             Thắng lợi Vĩnh cửu?
Ta ngồi trước bàn làm việc và soạn thảo cái sứ điệp không dứt
             từ chính ta để gửi cho bàn tay ta
                                                                Marseille-Tanger 1961
Sau Yeats
Bây giờ hương khói tỏa đầy không gian
và khoái cảm nối tiếp khoái cảm
bữa ăn tối trong căn phòng trải thảm,
điệu nhạc giọng mũi phương Đông trong tai tôi,
bạn bè cũ nằm nghỉ trên những chiếc nệm màu sặc sỡ,
tranh xưa treo trên tường, thơ ca cũ
đem ra suy ngẫm lại, chế diễu món đồ chơi huyền bí
bức tượng mạ vàng, một chút trà trên khăn bàn trắng.
                                                                   26.4.64
Giáo trưởng
Chính mặt trăng đã biến mất
Chính những ngôi sao đã ẩn mình không phải tôi
Chính thành phố đã tan biến, tôi vẫn còn
với những chiếc giày tôi bỏ quên
chiếc vớ tôi không nhìn thấy
Chính là tiếng chuông gọi đâu đây
                       Primrose Hill - 5.65
Lời chào Fernando Pessoa
Mỗi lần ta đọc Pessoa ta nghĩ
Ta hay hơn ổng ta làm cùng công việc như ổng
nhưng ngông loạn hơn - ổng chỉ là dân Bồ đào nha,
Ta là dân Mỹ Đất nước vĩ đại nhất thế giới
ngay bây giờ Cuối Thế kỷ XX cho dù
Bồ đào nha từng có một vương quốc lớn thế kỷ 15 chẳng sao
giờ đây teo lại thành một Góc của bán đảo Iberia
trong khi New York hãy lấy New York chẳng hạn
dù Mexico City lớn hơn nhưng N.Y. giàu hơn nghĩ đến Empire State Building xem cách đây không lâu là nhà chọc trời cao nhất thế giới –
như thế là ta có thể đã kinh qua 61 năm Thế kỷ XX
trong khi Pessoa thì chỉ thả bộ xuống Rua do Ouro cho đến 1936
Ổng tiếp nhận Whitman còn ta ta tiếp nhận Pessoa bất kể
người ta nói thế nào hơn thế ổng ngủm rồi chẳng làm sao phản đối
Ta hơn Pessoa ở chỗ nào?
Nổi tiếng trên 4 Lục địa ta in 25 cuốn sách tiếng Anh ổng chỉ có 3
sách ổng hầu hết bằng tiếng Bồ, nhưng đấy không phải lỗi ổng –
Hoa kỳ là nước lớn hơn
với món nợ 2 Tỷ tỷ chỉ là chuyện ấm ớ thoáng qua,
Trò chơi bẩn Reagan chỉ là chuyện râu ria của Thế kỷ Mỹ
không tiêu biểu Quốc gia ta được Whitman ngợi ca trong Sử thi
cho dù ông âu lo trong Democratic Vistas
Vì là con nhà Phật ta không khoe khoang mình đứng trên Pessoa
Ta khiêm tốn Pessoa gàn dở khác nhau nhiều lắm,
mặc dù có vẻ như đồng tính – xêm xêm với Socrates,
hãy xem Michelangelo da Vinci Shakespeare
và người bạn đường* vô giá Walt của ta
Quả thật thời trẻ ta từng bị nhuốm chút Đỏ đấy chỉ là chuyện vặt
khoa học tự nó tiêu hủy tầng ozone thời đại này dân chống Stalin
gây ô nhiễm toàn trái đất bằng đường lối chống cộng phóng xạ.
Có lẽ ta có nói dối ít nhiều
nhưng ít khi trong thơ, trừ phi để bảo vệ thanh danh cho người khác.
Nói thành thật ta nhắc mẹ ta quá Lộ liễu nhưng ta tin như thế là tốt
Pessoa có nói về mẹ ổng không? một phụ nữ thú vị,
năng lực có thừa đã từng sinh bảy
Alberto Caeiro Alvaro de Campos Ricardo Reis Bernardo Suares &
       Alexander Search tất cả cùng lúc
cọng với Fernando Pessoa chính cống tâm sinh lý bệnh thâm căn
Những nhân cách lẫn lộn vả chăng không nổi tiếng lắm
bên ngoài triều đình Portugal bé tí (mới đây hãy còn là một nhà nước
       cảnh sát)
Hãy để ta đi vào đúng đề tài ủa ta quên nó là gì rồi
nhưng hẳn là ta thích so sánh chàng Ginsberg & chàng Pessoa
người ta tán tụng ở cái xứ Iberia, sách mới được dịch qua tiếng Anh
hiện là ngôn ngữ ngoại giao đứng đầu thế giới kéo dài mãi tới
       Trung quốc
Ngoài ra ổng vốn nhỏ con, chính ổng nhìn nhận trong bài thơ vô tận
       “Lời chào Walt Whitman”
trong khi ta cao 5'7½"
trên mức trung bình thế giới chút đỉnh, không phải không khiêm tốn,
ta nói nghiêm chỉnh về ta & Pessoa.
Dù sao ổng chưa bao giờ ảnh hưởng đến ta, ta chưa hề đọc Pessoa
trước khi ta viết bài Howl vinh danh đã được dịch ra 24 thứ tiếng,
ảnh hưởng Pessoa đến ngày ấy với ta chưa hề là nỗi băn khoăn
Nửa đêm 12 tháng Tư ’88 ta chỉ mới lướt qua cuốn sách của ổng
có thể nó đã ảnh hưởng đến ta khi đọc lướt, chỉ là chuyện hợp lý
thế nhưng đọc một trang sách dịch khó mà chứng tỏ “Ảnh hưởng.”
Trở lại chuyện Pessoa, ổng viết gì thế? Whitman
(Lisbon, biển khơi vân vân) phương pháp dài dòng kỳ lạ,
là chứng tháo lời có người bảo thế – Pessoa Schmessoa.
                                                        12, tháng Tư, 1988
* "Comerado, I give you my hand! I give you my love more precious than money, I give you myself before preaching or law; Will you give me yourself? Will you come travel with me? Shall we stick by each other as long as we live?"
WALT WHITMAN, Song of the Open Road
Giờ ăn trưa
Những con chim líu lo hót ở sân gạch sau Đài phát thanh
dương cầm nhà bên nhặt khoan những hợp êm dịu
Tiếng bánh xe lao tới & xe xả hết ga trên Đường 14
Vui thú biết bao vẫn còn sống ngày thứ Năm đầy mây
Cửa sổ tháng Hai mở trước chiếc bàn trong bếp ăn,
Người Cao niên sẵn sàng đi chụp tia X mạch tuần sau.
                                  20 tháng Hai, 1992, 1:15 chiều
Mọi ngày
Đức Lama ngồi
       trên giưòng
với cây gãi lưng
bằng tre
hàm răng giả của ngài
để trong một cái
ly nước lớn
phơi nắng trên
bậu cửa sổ.
            tháng Tám 1992
Lá thu
Tuổi 66 ta mới học cách săn sóc thân thể mình
Thức dậy vui vẻ lúc 8 giờ và viết trong một cuốn sổ tay
đứng dậy trần truồng bên giường để lại một thằng nhóc trần truồng
            ngủ sát tường
chuẩn bị món miso nấm tỏi tây trộn bí cho bữa điểm tâm,
Kiểm soát lượng đường trong máu, đánh răng thật kỹ, chải, xỉa tăm,
            xỉa chỉ, súc miệng
thoa dầu bàn chân, mặc áo trắng quần trắng mang vớ trắng
ngồi cô đơn bên cạnh bồn rửa bát
một lúc trước khi chải đầu, sung sướng thấy mình còn chưa phải là
            một xác chết
                                             13 tháng Chín 1992, 9:50 sáng.
     Có một chỗ sưng u bên hông phải ta, giấc mơ mới đây – ngay bấy giờ ta hiểu ra ta mang bầu, một bé lớn nguyên con chun ra từ cái bụng bên phải ta trong khi ta nằm bệnh viện với chứng viêm gan hiểm nghèo loại C.
     Ta nằm đấy một lúc, tự hỏi mình phải làm gì, nửa biết ơn, nửa lo lắng. Nó sẽ cần có sữa, nó sẽ cần tập luyện, cần được đưa ra ngoài không khí tươi mát trên xe đẩy cho trẻ sơ sinh.
     Peter ở đấy đang động lòng, hắn sẽ giúp ta, cúi xuống giường ta, hôn ta, hạnh phúc có đuợc đứa bé để chăm sóc. Hắn biết bao trắc ẩn. Ta yên tâm cảm thấy phép lạ nằm trong hai bàn tay đáng tin cậy của Peter – nhưng chà sẽ ra sao đây nếu hắn lại bắt đầu uống rượu trở lại? Không đâu rượu vào sẽ giúp hắn đứng vững. Chăm sóc một đứa bé cách nào đây, ta sẽ làm được gì?
     Lo lắng & thỏa mãn vì chuyện đã là chuyện thật ta từ từ tỉnh dậy, hãy còn nghĩ chẳng hiểu có phải đã xảy ra như thế chăng, ý thức chậm rãi trở về lúc 2:29 phút sáng sớm ta tỉnh dậy hẳn và chẳng có bé con huyền bí nào – xuất hiện tự nhiên, biến mất liền thì –
     Một thoáng hạnh phúc mơ hồ buổi sáng hôm sau, thoáng thích thú ấm lòng cả nửa ngày.
27 tháng 3, 1997, 4 giờ sáng
 tienve.org
Related Posts Widget for Blogger

1 nhận xét:

Kinh Dinh nói...

Hoan Nghênh công phu dịch thuật của ông Kiều Giang !