ba mươi lăm.
các vị bồ tát thời hiện đại.
Ngay trong đêm đầu tiên đến làng, lúc người làng kéo đến nghe ông lão hát, tôi với nàng trò chuyện với người này người nọ, và đã có được những kiến thức cơ bản về ngôi làng ấy.
Nếu chính phủ không giúp, e đến một ngày nào thứ vi trùng ấy xâm nhập tới ruột gan. Bọn họ than thở thế, vì cứ tưởng chúng tôi là người của một phái đoàn chính phủ nào đó. Nền văn minh hiện đại quả đã thâm nhập tận nơi cao sơn cùng cốc. Người ta không còn nói đến thứ định mệnh có tính cách siêu hình, mà nhắc đi nhắc lại thứ định mệnh cụ thể có tên là vi trùng xâm hại răng vốn được nói ra từ cửa miệng một nhà nghiên cứu khoa học nào đó. Chúng tôi bảo mình không phải người của phái đoàn nào cả, chỉ đi tìm con nước đầu nguồn con sông chảy qua làng ấy cho việc thể nghiệm một tình yêu vĩnh hằng. Lần ấy là chúng tôi lần theo một chi lưu của con sông quê nàng và đã gặp ngôi làng ấy. Nhưng bọn họ chẳng cần biết thể nghiệm là sao, tình yêu vĩnh hằng là sao. Cái con vi trùng xâm hại răng, theo nhà khoa học nào đó là nằm trong nguồn nước uống, nay bỗng có người bảo là đang đi tìm con nước đầu nguồn của con sông chảy qua làng, bọn họ bám theo hỏi đủ thứ chuyện là phải. Cái lũ vi trùng phá hại răng là giống sinh trên cạn hay dưới nước? Nếu quả là sinh dưới nước thì có cách nào diệt chúng không? Dường ông lão biết tôi với nàng đang gặp nguy, nên đã chuyển qua một khúc hát khác, khúc hát về răng đen, nỗi luyến nhớ về vẻ đẹp của một thời. Quá khứ quả có sức lôi cuốn con người, khi con người biết cách đánh động nó. Giống như người làng, cả tôi lẫn nàng bấy giờ cũng bị ông lão dẫn dắt vào câu chuyện cổ tích. Nhưng lắng nghe một hồi thì biết là ông không còn hát về răng đen, mà chuyển qua cái đám cưới lớn của đương đại. Tôi hỏi có phải ông lão muốn chia xẻ nỗi buồn của làng hay không? Ai mà biết, cứ năm ba hôm lại đến hát cho cả làng nghe, ông nói toàn chuyện thế giới, cái đám cưới nào đó của thế giới, chỉ mỗi hôm nay là nói tới răng đen. Người làng bảo. Phải, ngay cả khi không hiểu hết, hay không hiểu được, tôi có cảm tưởng tiếng hát của ông lão cứ như một thứ lời an ủi có tác động tức thì, có nghĩa những gì ông nói ra như một cách thức diễn giải về cuộc nhân sinh khiến cho người nghe cũng cảm thấy yên lòng. Một nhà truyền giáo? Nàng rỉ tai tôi. Nhưng là ông lão đang cổ vũ cho tôn giáo nào mà những đoạn đường ông trải qua là vừa văn minh vừa man rợ? Đói khát, dốt nát, khốn khổ lầm than… là man rợ. Xin bình an cho những xác chết của những đứa trẻ không còn đủ sức chờ một cuộc di chuyển đến một nơi văn minh hơn nơi chúng đã chết, những xác chết vẫn nằm rải rác nơi những bụi gai đơn sơ trên những bãi cát đơn sơ như dài đến vô tận. Xin bằng an cho cả những nền văn minh đã lụi tàn và chưa lụi tàn. Xin bằng an cho hết thảy những vong hồn những kẻ đã nằm xuống vì sức công phá của man rợ. Ông lão hát. Và, bỗng như mọi thứ đều biến khỏi mặt đất, giống như đêm trước, lúc tôi với nàng ngồi ở hè đình làng, là cả ông lão, cả người làng, cả tôi và nàng, như đều biến khỏi mặt đất, lúc ông lão ngừng hát. Và chính cái ý nghĩ chẳng có lý lẽ chút nào, là thần làng đã hóa thân làm kẻ hát rong, đã lôi tôi với nàng trở lại ngôi đình làng ấy. Và chính là tin mừng ấy đã giữ tôi với nàng ở lại nơi ấy, cái tin mừng được nói ra trong đêm ấy, từ cửa miệng của người làng, rằng sắp có một phái đoàn các nhà nghiên cứu khoa học về làng nữa. Và cũng chỉ là sáng hôm sau, khi chúng tôi thức dậy, thì thấy ở sân đình làng ngổn ngang những chi tiết của văn minh đương đại: Xe cộ. Điện đài. Máy quay phim, máy chụp ảnh. Và những con người, mới nhìn thoáng qua tôi cứ có cảm tưởng đó là những kẻ thông thái.. Lần này thì cái khối u buồn của làng chắc phải tan tành mây khói. Tôi hào hứng nghĩ. Là người của một viện nghiên cứu khoa học? Nàng huých vào tôi, khẽ bảo. Tôi gật đầu, tỏ đồng tình. Thì cứ căn cứ theo tin mừng của người làng, chúng tôi nghĩ đấy là phái đoàn các nhà nghiên cứu khoa học. Làng răng đen. Phải. Vẫn ngôi đình làng ấy ! Người thanh niên phụ trách máy bộ đàm đang gào to lên trong máy. Hãy bảo chúng nó di chuyển nhanh lên, với coi chừng lũ ngựa làm hỏng hết trang thiết bị. Người đàn ông mang kính trắng nói với tay phụ trách máy bộ đàm. Như thế là bầu đoàn của phái đoàn chẳng phải chỉ bấy nhiêu, mà còn có cả ngựa thồ còn đi ở phía sau. Và, nàng lại huých vào tôi : Xếp đấy. Cái buổi sáng mùa thu có vài miếng mây nhỏ lang thang trên bầu trời hơi có vẻ u buồn hóa ra là cái buổi sáng nền văn minh hiện đại mang binh lực đến tận chốn cao sơn cùng cốc để tấn công vào khối u buồn của một ngôi làng, cuộc tấn công có vẻ như là cuộc kết hợp giữa sức mạnh truyền thống với sự thông thái đương đại. Xin bằng an cho cả những người có răng đen đã nằm xuống và cả những người có răng đen còn sống. Trong lúc chúng tôi sắp xếp hành trang vào một góc để nhường gian đình làng cho phái đoàn làm tổng hành dinh của cuộc tấn công, nàng lại bắt chước cách hát của ông lão để hát tặng những con người sắp thoát khỏi thứ định mệnh hài hước. Xin lỗi, các vị là thuộc phái đoàn nào? Người đàn ông mang kính trắng tiến về phía chúng tôi, hỏi. Biết trước thế nào bọn họ cũng hỏi chúng tôi là thuộc phái đoàn nào, bỡi theo người làng, từ ngày nền khoa học thâm nhập vào cuộc sống ở đó, thì đã có quá nhiều phái đoàn nghiên cứu đến làng ấy, và cứ theo cuộc điện đàm vừa nghe được (làng răng đen, phải, vẫn ngôi đình làng ấy) thì chính bọn họ đã từng về làng ấy, cái đình làng đã từng là tổng hành dinh trong cuộc hành binh lần trước. Bấy giờ tôi với nàng cũng thấy háo hức được xem bọn họ tấn công lũ vi trùng xâm hại răng bằng cách nào, nên cứ thật thà khai ra là mình đang đi tìm con nước đầu nguồn của một dòng sông cho cuộc thể nghiệm tình yêu vĩnh hằng. Ô, là thế. Vị chỉ huy trưởng của phái đoàn kêu lên thế. Đến lúc ấy, tôi mới bắt đầu nghĩ ông ta là người đứng đầu của phái đoàn nghiên cứu. Chuyện tình yêu vĩnh hằng có vẻ có tác động khá mạnh đối với vị chỉ huy trưởng và một người nữa là cô gái có bộ ngực khá lớn và đôi mắt rất tình tứ, bấy giờ tôi cứ có cảm tưởng đấy là nhân vật quan trọng của đoàn nghiên cứu khoa học. Cô gái mang cả máy tính xách tay đang thao tác đến ngồi cạnh vị chỉ huy trưởng, vừa thao tác máy, vừa lắng nghe cuộc chuyện trò giữa ba chúng tôi. Nói là ba chúng tôi, nhưng thật ra lúc vị chỉ huy trưởng chất vấn về chuyện tình yêu vĩnh hằng, tôi chỉ để cho mỗi nàng thuyết minh, còn mình thì cố phán đoán phái đoàn ấy là phái đoàn gì? Coi chừng lũ ngựa làm hỏng trang thiết bị, kỳ này là xử lý nước ở trên sông trước! Tay phụ trách điện đàm lại quát to lên ở trong máy. Có lẽ đoàn người ngựa còn đi phía sau là rất quan trọng, nên tự nãy giờ tôi thấy tay phụ trách điện đàm chẳng dám rời máy. Một đơn vị nghiên cứu khoa học thực sự? Mọi họat động ở khu đình làng lúc bấy giờ là có vẻ rất phù họp với phán đoán của tôi. Tất cả là đang khẩn trương và nghiêm túc. Máy quay phim là đang chỏ về phía dòng sông ở trước đình làng, người phụ trách máy luôn tay điều chỉnh máy, khi sang trái, khi sang phải, khi cất lên, chúc xuống, làm như sắp phác hiện được, hay đã phác hiện được những tác nhân của thứ định mệnh hài hước đang ẩn nấp đâu đó trên sông. Hóa ra người ta đã thiết kế sẵn nơi làm phim ảnh ngay trên đám xe cộ đậu trước đình làng. Tôi thấy mấy tay thợ ảnh từ trên chiếc xe tải bước xuống, tay cầm mấy bức phim ảnh, hình như là vừa mới làm xong, vừa đi, vừa xem, và hô hoán lên rằng có quá nhiều loài sâu đang sống trên đám cây cối vừa mới chụp được trên con đường vào làng. Nhưng đấy chỉ là thứ suy nghĩ xa xí! Trong lúc mấy tay thợ ảnh hô hóan có sâu ở trên cây, tôi thấy cô gái phụ trách máy tính ấn ngực mình vào vị chỉ huy trưởng, và kêu lên thế. Tôi biết là cô gái chẳng phải bài bác chi thứ tình yêu vĩnh hằng nàng đang thuyết minh cho người đứng đầu đoàn nghiên cứu khoa học nghe. Và cũng biết là nàng đang thích thú thuyết minh theo cách của nàng vì vừa nhìn thấy được một ngõ ngách cuộc đời có thể mở ra trò đùa nghịch. Ký cho em, xếp! Cô gái phụ trách máy tính lại ấn ngực nữa vào người chỉ huy của mình, và chìa máy tính ra. Chẳng biết đấy là văn bản chi, nhưng khi vị chỉ huy cô ta đặt tay lên những con chữ trên máy tính, tôi đã nhìn thấy vẻ hốt hoảng hiện ra trên khuôn mặt ông ta. Dường như là cô gái đã dùng một thứ siêu ngôn ngữ cho công trình nghiên cứu riêng nào đó của cô ta và vị chỉ huy cô ta, ký ở đây là chẳng phải theo nghĩa thông thường. Xét cho nghiêm túc thì đấy là thứ suy nghĩ xa xí! Người chỉ huy trưởng lập lại lời của cô gái, sau khi đã viết ra những gì đấy trên máy tính mà cả tôi lẫn nàng đều không tiện nhìn thử. Thứ xa xỉ cô gái nói, và vị chỉ huy cô ta lập lại, là tình yêu vĩnh hằng chúng tôi đang tìm kiếm. Đến lượt tôi với nàng cảm thấy hốt hoảng. Đang thích thú, nếu không nói là đang mê say nghe nàng thuyết minh về tình yêu vĩnh hằng, tay chỉ huy trưởng của đoàn nghiên cứu bỗng xoay một trăm tám mươi độ, bắt đầu cuộc tấn công vào chúng tôi. Giữa thế kỷ khoa học này thì thứ vật phẩm các vị đang tìm kiếm là không thể có, trong môi trường trong lành của thời đại tìm đâu ra những mơ hồ trừu tượng, thứ vật phẩm các vị gọi là tình yêu vĩnh hằng chỉ là hồn ma bóng quế vất vưởng giữa thời khoa học ngự trị. Khi đột ngột bị tấn công, chúng tôi có cảm thấy hốt hoảng thật, nhưng cũng liền lắng dịu, bỡi cách tấn công của tay chỉ huy đoàn nghiên cứu có vẻ như để hàn gắn sự rạn vỡ nào đó vừa xảy ra ở người thư ký của mình hơn là nhằm phản biện chúng tôi. Bấy giờ thì cả tôi lẫn nàng đều nghĩ cô gái là thư ký riêng của ông ta. Chúng tôi đang lắng nghe những ý kiến quí báu của ngài đây. Nàng đã chuyển cách gọi “ông” sang cách gọi “ngài”. Cũng chẳng hiểu có phải cách gọi ấy làm ông giận dữ, hay ngài chỉ huy vốn giàu lòng trắc ẩn, ông bỗng chuyển sang cách nói có thể nói là đang giận dữ cũng được hay đang xúc động mạnh cũng được. Phải nói là cho tới thế kỷ này thì những ước mơ của con người đã trở thành sự thật, con người đã có thể đặt chân lên những hành tinh xa lạ, thì con người là con chim chứ còn gì, bay, vươn tới những khoảnh trời cao như thế là bay, chỗ này là có sự sống, chỗ kia là không có sự sống, con người là do cái gì mà có, con chim con cá là do cái gì mà có, biết được những việc như thế thì chẳng phải con người đã đạt tới cõi thần thánh ư, chưa hết, là chẳng phải là thần thánh sao khi con người đã nhìn thấy được cái tấm bản đồ vẽ nên hình hài thịt xương con người, tấm bản đồ gen. Không khí của gian đình làng như đang chùng xuống, khi vị chỉ huy đoàn nghiên cứu rút khăn tay lau mắt. Cũng may, niềm xúc động trước những thành quả văn minh của ngài chỉ huy chỉ lây lan sang cô thư ký của ông ta, chứ không lây lan sang tôi với nàng. Cô gái cũng rút khăn tay lau mắt. Quả là nàng đã mất hết khí thế để tiếp tục trò đùa nghịch, khi mọi thứ xảy ra quá bất ngờ ( Đi nói về tình yêu vĩnh hằng trước người đàn ông mà nàng cho là người tình của cô gái cũng đang ngồi nghe nàng nói !) Còn tôi, cũng lâm vào tình thế chỉ còn ngồi im lặng trước những sự việc xảy ra quá bất ngờ. Đã gần đến nơi chưa? Trong lúc tay phụ trách điện đàm quát lên ở trong máy, ngài chỉ huy đoàn nghiên cứu kéo cô thư ký của ông ta đứng lên. Tôi với nàng cũng đứng lên. Xin chào các vị, chúng tôi phải đi làm công việc của mình. Ngài chỉ huy đoàn nghiên cứu nói. Cứ tưởng ông ta và cô thư ký của ông ta đến chỗ điện đàm. Nhưng không phải. Lần này là ông nói thẳng với tôi và nàng. Lúc mới bước vào đây cứ ngỡ các vị cũng là những nhà nghiên cứu khoa học như chúng tôi, những người cả đời chỉ lo cho hạnh phúc kẻ khác, cả đời chỉ lo cho mỗi chuyện cứu độ chúng sinh, thật quá buồn cười, giữa lúc chúng tôi đang đau khổ cho nỗi đau khổ của một ngôi làng suốt bao nhiêu đời chịu nỗi đau mất mát, thì lại có những kẻ chỉ lo cho hạnh phúc riêng mình…Chắc là xúc động lắm, nên bấy giờ tay chỉ huy trưởng của đoàn nghiên cứu khoa học như chỉ còn thì thào. Còn tôi, bấy giờ vì lòng tự ái quá lớn, tôi cứ muốn hét lên : đồ giả dối. Nhưng cũng may là kịp kiềm chế. Chẳng có chuyện cứu độ nào hết. Đồ giả dối. Đồ trí thức giả cầy. Tôi chỉ hét to những lời ấy trong ý nghĩ. Ta về thôi anh. Còn nàng, tôi biết, khi rỉ tai tôi thế, là nàng đặt tình yêu chúng tôi trên lòng tự trọng. Có nghĩa, chúng tôi phải cảm thấy xấu hổ một khi có ai đó bảo là mình chỉ lo cho riêng mình. Như thế là tôi với nàng chẳng thể xem đoàn nghiên cứu khoa học họ tấn công nỗi buồn của ngôi làng ấy bằng cách nào. Chờ cho tay chỉ huy trưởng và cô thư ký của ông ta khuất dạng nơi bờ sông là chúng tôi khăn gói quay về. Chuyến đi coi như không thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét