chuyển ngữ : Như Hạnh
NHÂN VẬT
Ông già về hưu, xách một túi xách cũ, đội mũ, đi một đôi giầy vải
Giọng nói trong trẻo
Giọng nói ngọt ngào
(Hoàng hôn. Trong một lều gỗ sửa đường trên con đường hai bên có trồng cây. Trên sân khấu chỉ cần đặt vài bao xi-măng là được.
Ông già về hưu bước vào, tản bộ, vuốt mặt, cởi mũ, đứng lại, nhìn trời, nhìn đất. Tiếng giọt mưa rơi trên lá cây. Ông già đội mũ, đi nhanh, núp vào trong lều gỗ bên vệ đường, lại cởi mũ, giũ giầy, chắp hai tay sau lưng nhìn trời. Ánh đèn trên sân khấu mờ dần, tiếng mưa xối xả, ông già ngồi lên một bao xi-măng phía bên phải, rồi lại đứng lên, đặt túi xách tay dưới đít, rồi lại ngồi xuống, thở dài.
Hai cô gái vào, cười khúc khích bước vào lều gỗ trú mưa.)
Giọng nói trong trẻo: Chị nhìn xem, chị nhìn xem, trên lông mi chị, trên mũi chị... chỗ này còn có một giọt nước!
Giọng nói ngọt ngào: Chảy cả vào cổ họng người ta, cũng đều tại em, đầu tóc ướt ráo rồi.
Giọng nói trong trẻo: Như thế trông càng đẹp hơn.
Giọng nói ngọt ngào: Thôi đi! Em hư lắm.
(Ông già về hưu ngồi quay lưng lại. Hai cô gái cười ngây ngô.)
Giọng nói trong trẻo: Chị thích trời mưa à?
Giọng nói ngọt ngào: Thích.
Giọng nói trong trẻo: Chỉ cần đừng làm ướt tóc chị Ninh.
Giọng nói ngọt ngào: Muốn ướt thì cứ ướt hết còn hơn.
Giọng nói trong trẻo: Giống y như chuột lột!
Giọng nói ngọt ngào: Chuột lột thì cũng đã sao?
Giọng nói trong trẻo: A, chị Ninh!
Giọng nói ngọt ngào: Chị ganh tị à?
Giọng nói trong trẻo: Thì ganh tị!
(Hai người lại cười ngây ngô. Không để ý là trên bao xi-măng bên cạnh còn có người.
Ông già ngồi quay lưng lại, tránh mặt.)
Giọng nói ngọt ngào: Vớ vẩn này!
Giọng nói trong trẻo: Thì cứ vớ vẩn! (Nắm chặt lấy cổ cô kia.)
(Ông già về hưu hết sức khó chịu, ho khẽ một tiếng.)
Giọng nói ngọt ngào: Đừng phá, em làm người ta nhột ran lên. Em nhìn xem, mưa mới đẹp chứ.
(Ngoài lều gỗ, trong bóng tối, những sợi mưa lấp lánh tung tăng. Hai cô gái ngồi lên bao xi-măng. Ông già về hưu đứng lên, rồi lại từ từ ngồi xuống.)
Giọng nói trong trẻo: Chị Ninh, chị đâu biết có lần vì ngắm mưa em bị búa đấy.
Giọng nói ngọt ngào: Làm gì mà bị búa vì ngắm mưa?
Giọng nói trong trẻo: Hôm ấy trời cũng mưa, phòng triển lãm không có ai đến xem, mọi người trong phòng triển lãm đều tụ tập để họp. Chỉ có một mình em đứng bên ngoài ngắm mưa. Mưa rơi xéo trên thềm, nước mưa lại thuận theo bực thềm từng dòng chảy xuống, giống như một thác nước nhỏ, trắng xóa...
Giọng nói ngọt ngào: Giống thủy ngân...
Giọng nói trong trẻo: Đúng thế. Lại còn sáng long lanh, lấp lánh, thích quá. Ai cha, em say mê ngắm. Đến khi em vào lại bên trong, tổ trưởng của tụi em hỏi em đi đâu, em nói, ở bên ngoài ngắm mưa!
(Hai người dựa vào nhau cười ngây ngô. Ông già về hưu móc từ trong túi xách ra một cặp kính lão, len lén nhìn hai cô, đầy vẻ buồn bực.)
Giọng nói trong trẻo: Lúc ấy mọi người đều không họp, cứ thế mà ngó em, cười. Họ bảo, tại sao lại nói là ngắm mưa, nói đi nhà cầu cò phải là hơn không?
Giọng nói ngọt ngào: Ngắm mưa mới đẹp làm sao, họ không hiểu gì cả.
Giọng nói trong trẻo: Đương nhiên là không, chúng em lúc đầu nói, người ta họp, cô lại ngắm mưa, đó là giờ làm việc! Bụng em nghĩ các vị cứ việc nói, trái lại tôi thấy được một cái gì đẹp.
(Tiếng cười lại vang lên. Ông già về hưu cất kính đi. Ẩn khuất trong bóng tối. Trên sân khấu ánh đèn còn mờ đi.)
Giọng nói ngọt ngào: Nói đến trời mưa còn phải xem tâm tình người, lần trước chị đi công tác về---
Giọng nói trong trẻo: (Giành ngắt lời cô kia) Ai cha, em cảm thấy, lúc trời mưa, trời tối hù hù, cái thác nước nhỏ kia sáng long lanh lên. Còn có người lấy áo che đầu chạy như điên dưới mưa, em thấy vui lắm.
Giọng nói ngọt ngào: Lần trước bọn này đi công tác về, cũng nhằm ngày mưa, cơ quan phái người đánh xe đến trạm xe đón, chị thích hết sức. Cố Minh cũng đến nữa---
Giọng nói trong trẻo: Cố Minh nào?
Giọng nói ngọt ngào: Lần trước em đến kiếm chị không phải có gặp anh ta rồi sao? Cái anh chàng đeo kính gọng vàng cản chị nói chuyện trước cổng đó...
Giọng nói trong trẻo: A, em biết rồi.
Giọng nói ngọt ngào: Anh ta nói với chị, anh chẳng thích mưa tí nào, bầu trời u ám khiến anh ta buồn chán muốn chết. Chị nói, vậy sao? Anh không cảm thấy là vào ngày mưa tinh thần mình đặc biệt sảng khoái sao? Anh ta nói anh ta chẳng cảm thấy thoải mái với trời mưa tí nào. Chị nói, như thế thì lạ hết sức.
Giọng nói trong trẻo: Với loại người như thế không cách chi có ngôn ngữ chung được cả.
(Ông già về hưu đứng dậy, xách túi xách lên, định đi rồi lại do dự.)
Giọng nói ngọt ngào: Có một lần chị xem một cuốn phim, nói về một họa gia Ý-đại-lợi tên là Modigliani, ông ta đúng là một nghệ thuật gia, ông cũng không mặc áo, chạy một mình trong mưa, mưa ào ào đổ xuống, chị thấy đẹp hết sức, tại sao lại bảo là mưa không đẹp? Tại sao lại bảo là không đẹp? Đã dầm mưa rồi thì cho cả trong lẫn ngoài đều nhớp mới---
Giọng nói trong trẻo: Dầm ráo luôn!
Giọng nói ngọt ngào: Vui quá hả, cứ thật như thế, muốn ra sao cũng được!
(Ông già về hưu đặt xách tay xuống, do dự, rồi lại ngồi xuống.)
Giọng nói trong trẻo: Chị nghe em nói, em thích đi trên đường lúc trời mưa, nghe tiếng mưa rơi trên dù. Chị để dù qua một bên, ngẩng đầu lên, mặt đón lấy mưa, để mưa rơi trên đầu tóc, từng hạt nước nhỏ xíu, hứng khởi vô cùng, em tiếc không được cởi tung quần áo, để nước mưa thấm ướt, còn sướng hơn là tắm rửa nhiều---
(Ông già về hưu lập tức đứng dậy, ho hắng. Vừa định đi lại đứng lại.)
Giọng nói ngọt ngào: Em nghe chị nói, trước khi chị đi công tác anh ta trao cho chị một lá thư, muốn chị trả lời thư trong thời gian công tác, chị lại chẳng viết lấy một chữ, cho nên lúc anh ta trông thấy chị, cảm thấy rất là áo não. Anh ta đâu có biết chị thích trời mưa, thích nhất là mưa càng lớn thì mình có thể lười ở nhà không đi làm.
(Ông già về hưu lắc đầu.)
Giọng nói trong trẻo: Lúc trời mưa, trên cây tùng chỗ nào cũng treo những giọt nước long lanh, giống như cây giáng sinh---
Giọng nói ngọt ngào: Em nghe chị nói này, ngày mưa vào công viên đi dạo còn đã hết sức, trong công viên không có ai, mình tha hồ mà phóng túng---
Giọng nói trong trẻo: Cô nàng phóng túng!
(Hai người lại cười như ngây ngô. Ông già về hưu lặng lẽ lui ra sau, cong lưng ngồi xuống, xách tay rơi xuống đất, chìm khuất trong bóng tối. Trong bóng tối dầy đặc một tràng tiếng mưa lộp độp. Trên sân khấu chỉ có một vòng ánh sáng mờ mờ chiếu vào hai cô gái. Giọng nói trong trẻo thì xa vời, Giọng nói ngọt ngào thì vời vợi.)
Giọng nói trong trẻo: Em còn nhớ rõ, lúc em còn bé, ngày mưa ngủ trưa, nhắm mắt lại, thư thái hết sức. Một hồi tỉnh dậy, mưa tạnh rồi, lại nghe ngoài vườn tiếng chim nhỏ nói chuyện, ríu ra ríu rít, còn có những hạt mưa rơi trên lá, tí tách, tí tách---
Giọng nói ngọt ngào: Còn nghe tiếng ễnh ương kêu oa---oa---mình thì chùm chăn nằm ngủ---
Giọng nói trong trẻo: Lúc ấy mưa đã tạnh, em tan việc về nhà. Chỗ tụi em ở có một anh kia, anh ta chạy xe chở em, đi ngay qua một vũng nước trên đường, chỗ ấy ễnh ương thi nhau kêu oa oa oa oa---hơn nữa, còn nhất định là loại ễnh ương lớn họng---
Giọng nói ngọt ngào: Em có biết không? Ễnh ương em mà càng chọc nó, họng nó càng to.
Giọng nói trong trẻo: A, tức cười quá!
(Im lặng, không ai cười nữa. Từ xa trên sân khấu một chiếc xe hơi chạy qua, tiếng nước đọng trên đường bắn tung tóe. Tiếng xe chạy xa đi.)
Giọng nói ngọt ngào: Vẫn còn rơi đấy.
Giọng nói trong trẻo: Cứ để mưa rơi, còn sớm mà, đèn đường còn chưa sáng.
(Trong bóng tối, trong lều gỗ đâu đó có tiếng nước dột. Ông già về hưu đeo kính lão dương mắt nhìn, tìm kiếm chỗ mưa dột. Tiếng nước dột càng lớn ra.)
Giọng nói ngọt ngào: Lạ quá, lúc trời mưa, ve sầu không hề kêu.
Giọng nói trong trẻo: Đột nhiên kêu vài tiếng, nghe hay lạ lùng!
Giọng nói ngọt ngào: Đương nhiên, chị cũng cảm thấy nghe hay. Đợi đến lúc mưa tạnh, tiếng vè vè của ve sầu, cha, chị cảm thấy chán muốn chết. Ta cảm thấy mày không nên kêu, tại sao mày lại kêu lúc ấy? Bình thường còn rất thích mày, lúc ấy mày kêu lại không khiến người ta chán ghét sao? Chị cảm thấy chúng phá hoại ấn tượng của mình.
Giọng nói trong trẻo: Em cảm thấy em vẫn rất còn biết hưởng thụ, em thích mưa phùn như vầy, nhỏ li ti, còn lất phất. Em nghĩ, em muốn đứng trên đỉnh núi, để cho mưa lún phún này lấm ướt hết quần áo, dính sát trên thân thể---
Giọng nói ngọt ngào: Em để chi nói xem---
Giọng nói trong trẻo: A, em không để chị nói, em muốn nói!
Giọng nói ngọt ngào: Chị nói, chị thấy Modigliani---
Giọng nói trong trẻo: Người điên!
Giọng nói ngọt ngào: Vị nghệ thuật gia ấy đúng là điên, một mình đi ra bãi biển, đội mưa lớn, sau đó dang rộng hai cánh tay, ngửa mặt lên thở---
(Tiếng xe hơi liên tiếp bắn nước tung tóe, đi qua đi lại, giống như tiếng sóng biển. Ông già về hưu đứng bật dậy, đầy vẻ đau khổ.)
Giọng nói ngọt ngào: Lại còn muốn nước mưa gột rửa người ông. Trong lòng ông có rất nhiều phiền muộn, vẽ không ra được, nhưng lại khát vọng bày tỏ, chính vào lúc ông sắp phát điên, có một cô gái mà ông đặc biệt thích, đi mất, sau này trở thành vợ ông. Lúc ấy chị nghĩ, nếu như đó là người chị yêu, chị nhất định sẽ không cho ông mặc áo tơi, chị sẽ dầm mưa với ông, chị cảm thấy, một khi mình đã yêu một người, thì phải yêu cái tình cảm chân chính của người ấy, mình phải ở bên cạnh người ấy, trên bờ biển, để cho sóng biển và mưa lũ...
(Tiếng sóng càng dần càng lớn. Ông già hoang mang.)
Giọng nói ngọt ngào: A, đẹp hết sức, đẹp hết sức, nhưng mà vừa nghĩ đến đời sống thực tế, là chị lại an định lại, trong bóng tối ngồi xem phim.
Giọng nói trong trẻo: Ai cha, mới cụt hứng chứ!
(Mưa như trút nước. Ông già tiu nghỉu ngồi xuống, tay ôm đầu. Khán giả không nhìn thấy bộ mặt ông.)
Giọng nói trong trẻo: Này, chị Ninh, em đặc biệt thích tuyết. Tuyết rơi với lại chim khách. Tuyết vừa rơi là dường như nghe thấy chim khách kêu, có lạ không?
(Vòng ánh sáng chiếu vào họ vào giây phút này biến thành màu lam, hơn nữa càng lúc càng sáng ra. Giọng nói hai người biến thành càng dần càng nhỏ. Ông già chìm khuất.)
Giọng nói ngọt ngào: Chị cũng thích tuyết. Nếu như hoa tuyết rơi trên mặt đất không tan, mới trong sạch làm sao, mình không nỡ đạp lên tuyết để lại dấu chân.
Giọng nói trong trẻo: (Đứng dậy) Em lại đặc biệt thích đi trên tuyết.
Giọng nói ngọt ngào: Chị thậm chí còn muốn lăn lộn trên mặt đất, chỉ không thích dẵm trên tuyết để lại dấu chân thôi. Nhưng mà chị cũng không muốn người ta nghĩ mình là điên.
Giọng nói trong trẻo: (Làm dáng vẻ đi tại chỗ) Em lại thích đi trên tuyết, để lại dấu chân như một chuỗi bông lúa mì.
Giọng nói ngọt ngào: (Cũng đứng dậy, ôm lấy cô kia) Em có bằng lòng lăn trên tuyết không? Em cho người ta biết!
Giọng nói trong trẻo: (Bước đến) Em bằng lòng đi, đi đi đi, đi thành từng hàng bông lúa mì.
Giọng nói ngọt ngào: (Đắn đo từng bước một) Vậy thì em phải có lối đi chữ bát mới có thể đi thành hình bông lúa mì được.
Giọng nói trong trẻo: Chân chữ bát cũng được, cũng là bông lúa mì.
Giọng nói ngọt ngào: Thôi đi! Chị đâu có đi chân chữ bát, dấu chân của chị thẳng băng, tuyệt nhiên không là bông lúa mì. Em nói xem chị là cái gì vậy?
Giọng nói trong trẻo: Là con dế bò.
Giọng nói ngọt ngào: Đồ dễ ghét!
(Tiếng cười khẽ của hai người. Hai tiếng loạt xoạt, giống như tuyết rơi xuống đất.)
Giọng nói trong trẻo: (Áp lên vai cô kia) Chị Ninh.
Giọng nói ngọt ngào: Hả?
Giọng nói trong trẻo: Em muốn nói cái gì đây?
Giọng nói ngọt ngào: Nếu như tuyết rơi, bỗng nhiên có con ễnh ương nhảy ra, có phải vui không?
Giọng nói trong trẻo: Em lại trông thấy trong tuyết một con rắn.
Giọng nói ngọt ngào: Chị hỏi em là có thể có con ễnh ương nhảy ra không?
Giọng nói trong trẻo: Nhất định là có rắn, em trông thấy trong tuyết có con rắn.
Giọng nói ngọt ngào: Rắn đông lạnh, vốn không thể---
Giọng nói trong trẻo: Vẫn có thể, cứng đơ ra, giống như một cây gậy...
Giọng nói ngọt ngào: Này, em bằng lòng làm người nông dân kia, dấu nó vào trong lòng, để cho nó ấm áp trở lại không?
Giọng nói trong trẻo: Hừ, cái đó kỳ quái quá. Chị à, chị muốn chơi banh tuyết không? Tuyết rơi, là em cảm thấy tuổi mình cũng biến thành nhỏ lại, em quả thật muốn lăn trên tuyết---
Giọng nói ngọt ngào: Tại sao lại giống người ta thế, người ta muốn lăn em cũng muốn lăn.
Giọng nói trong trẻo: Ai lăn chung với chị? Hẹp hòi quá! Em bóp cổ chị bây giờ.
Giọng nói ngọt ngào: Chị đốt em bây giờ!
Giọng nói trong trẻo: Em lấy đũa nóng nướng chị! Đừng có thấy em hiền mà bắt nạt em! Để xem chị lợi hại hay là em lợi hại. (Gãi chỗ ngứa của cô.)
(Cô gái với giọng nói ngọt ngào cũng không buông tha cô. Tiếng cười khanh khách của hai người lẫn tiếng thở dốc. Ông già bật một que diêm, định châm thuốc lá. Ánh sáng màu lam bỗng tắt. Que diêm chiếu sáng nụ cười mỉm trên khuôn mặt ông già, nghĩ ngợi, không hút thuốc nữa, vội vã thổi tắt diêm. Ánh đèn càng le lói hơn chiếu lên hai cô gái ngồi trên bao xi-măng. Tiếng mưa không ngớt.)
Giọng nói trong trẻo: Chị tha cho em đi, chị Ninh! Chị nghe em nói, lúc nhà em còn ở nhà quê, có lần mưa xong, nước sông dưới đồi dâng---
Giọng nói ngọt ngào: Em có thích băng tan không? Trên các tảng băng vẫn còn đóng tuyết, vỡ ra là trôi trên nước.
Giọng nói trong trẻo: Em từng thấy rồi, vui lắm, nhìn những tảng băng vỡ ra, trước tiên di động, thuận theo dòng nước mở đường, sau đó lách qua lách lại, va vào nhau, xô nhau ra, càng trôi càng nhanh, nước sông màu xanh đậm, trông hết sức là thư phục, lãng mạn hết sức!
Giọng nói ngọt ngào: Đời sống đẹp thật, đó chính là đời sống!
Giọng nói trong trẻo:: Em còn trông thấy những tảng băng khổng lồ vỡ ra...
Giọng nói ngọt ngào: Nhưng mà chị không thích tuyết băng, chị biết tuyết băng hết sức là nguy hiểm, có thể chôn vùi người, xe cộ, đường xá. Chị chẳng thích tuyết băng tí nào, bởi vì nó phá hoại ấn tượng về vẻ đẹp thiên nhiên của chị.
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà chị nên biết là, đời sống chính là như thế, có cái đẹp cũng có cái xấu...
(Tiếng mưa gió. Ông già co ro, kéo xát quần áo, vùi đầu vào giữa hai đầu gối, cuộn thành một khối. Tiếng mưa gió vi vu. Trong ánh đèn le lói chênh chếch, chỉ thấy bóng nghiêng của cô gái có giọng nói ngọt ngào đang đứng.)
Giọng nói ngọt ngào: Chị còn đặc biệt thích đồng hoang mênh mông... để chị có thể hét cho đã, khóc cho đã, để chị quậy cho đã, chị cảm thấy lúc ấy hết sức là đẹp, chung quanh đều là cỏ hoang, mới thê lương làm sao... chị mới cô đơn làm sao... bên cạnh không có ai cả... không ai nghe thấy tiếng la hét của chị... (chìm khuất)
Giọng nói trong trẻo: (Trong ánh sáng u ám chênh chếch lộ ra bóng người của cô này) Em từng nhìn mặt trời mọc trên ngọn đồi lớn kia của em, nghe nói là trên ngọn đồi ấy từng có người bị bắn chết, em thì lại thấy chỗ ấy đẹp một cách đặc biệt. Bởi vì mặt trời lúc nào cũng lộ ra một góc đầu tiên ở trên ngọn đồi đó, giống như bánh trung thu bị cắt một miếng, dần dần hiện ra một nửa kia... (Ánh sáng đỏ nghiêng chiếu sáng cô ta) đỏ ối giống như một trái thị lớn, ngày nào em cũng lưng đội mặt trời đi học.
Giọng nói ngọt ngào: Em thích mặt trăng hay là mặt trời?
Giọng nói trong trẻo: Em đeo túi sách cứ thế mà đi.
Giọng nói ngọt ngào: Chị hỏi em thích mặt trời hay là mặt trăng?
Giọng nói trong trẻo: Thích cả hai.
(Ánh sáng đỏ tắt dần, ánh sáng xanh lạnh lẽo từ từ hiện, chiếu thẳng vào cô có giọng nói ngọt ngào.)
Giọng nói ngọt ngào: Chị thì lại thích mặt trăng, không nóng như mặt trời, ở ngay dưới mặt trời quả thực người ta chịu không nổi, còn mặt trăng thì lúc nào cũng đẹp, cũng thuần khiết làm sao.
Giọng nói trong trẻo: (Ánh sáng xanh lạnh lẽo chiếu sáng mặt hai cô) Chị biết có lần em đi xe lửa đến nhà bà ngoại, trông thấy mặt trăng giống như một chiếc gương vỡ!
{Giọng nói ngọt ngào: (Ánh sáng xanh lạnh lẽo lấp lánh trên mặt cô,
Giọng nói trong trẻo: hai người đồng thời mỗi người nói chuyện của mình) }
{Giọng nói ngọt ngào: Mỗi lần chị đi xe lửa, bất kể là chỗ đến có rõ
Giọng nói trong trẻo: Bởi vì ngoài cửa sổ vốn có cành cây, là mùa đông, lá cây đều rụng cả,}
{Giọng nói ngọt ngào: ràng cách mấy, xe lửa chỉ cần di động, là chị có cái
Giọng nói trong trẻo: trơ trụi trơ trụi so le, ánh trăng thì lại lấp lánh, nhưng mà}
{Giọng nói ngọt ngào: cảm giác không biết đi về đâu. Trong lúc say mê nhìn phong cảnh, chị trông thấy
Giọng nói trong trẻo: bên trong cửa sổ xe, trông giống như một chiếc gương}
{Giọng nói ngọt ngào: núi, rừng trúc và cây trà đều vù vù lướt qua, chị
Giọng nói trong trẻo: không ngớt bị vỡ, so với trăng tròn còn đẹp hơn nhiều.}
{Giọng nói ngọt ngào: không hiểu là tương lai chị ở đâu?
Giọng nói trong trẻo: }
{Giọng nói trong trẻo: Anh ta?
Giọng nói ngọt ngào: Ai cơ?}
(Âm nhạc dịu dàng nổi lên, như một sợi tơ giựt không đứt, trong sợi ánh sáng chiếu ngược bóng cô có giọng nói trong trẻo bay lên.)
Giọng nói trong trẻo: (Giống như giọng nói nội tâm) Nhưng mà từ xưa đến giờ không biết là người nào có thể mang lại hạnh phúc cho em. Em tựa như cảm thấy chỉ có thể tự mình đi tìm lấy hạnh phúc, cho đến tận bây giờ, em vẫn không biết có ai có thể mang lại hạnh phúc cho em không...
Giọng nói ngọt ngào: (Tựa như thở dài) Cứ lắng nghe thiên nhiên, cái gì thiên nhiên cũng đẹp cả.
Giọng nói trong trẻo: Có điều cái càng đẹp, có lúc lại càng giống giả. Lấy hoa ra mà nói, người ta nói hoa này đẹp quá, như thể được làm ra, nhưng mà lúc chị nhìn thấy một cành hoa nhựa, chị lại nói hoa này đẹp quá, y như hoa thật. Mâu thuẫn quá, chẳng hợp luận lý chút nào cả. Chứ chị không cảm thấy là, lúc một người đối với chị tốt một cách đặc biệt, chị lại chẳng cảm thấy cái tình cảm ấy là giả sao?
Giọng nói ngọt ngào: Không thể so sánh với tình cảm được, em không nên vơ đũa cả nắm như thế.
Giọng nói trong trẻo: Em chỉ muốn dùng cái đó để đo lường, xem coi đó có phải là định luật hay không!
Giọng nói ngọt ngào: Như vậy thì em sẽ cảm thấy người em yêu---
Giọng nói trong trẻo: Dù có nói lời giả dối vẫn cứ là chân thật.
Giọng nói ngọt ngào: Con người ai cũng thích những cái giả dối, chỉ cần dễ nghe là được rồi.
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà chị lại không hi vọng là giả!
(Có tiếng một chiếc xe nhỏ chạy nhanh qua, âm nhạc và ánh sáng từ phía sau đến biến mất. Từ phía cuối sân khấu một ngọn đèn đường thủy ngân từ lục biến thành lam hiển hiện, tỏ rõ dáng dấp hai cô ngồi dựa lưng vào nhau trên bao xi-măng. Tiếng nước nhỏ tích tách. Ông già xích ra một chút, không được, lại xích ra thêm một chút, vẫn không được, nhìn những giọt nước trong bóng tối vô cùng khổ sở.)
Giọng nói ngọt ngào: Có một lần chị đeo một đóa hoa lan vào sở làm, cắm trên đầu, ai cũng bảo là đẹp, thơm thật. Nhưng mà sau đó sau lưng chị có người lại dị nghị, chị nghe thấy giận hết sức.
Giọng nói trong trẻo: Kỳ thực, cái đó thì có gì đâu?
(Ông già không dám kinh động hai cô gái, tìm kiếm một chỗ không dột nước.)
Giọng nói ngọt ngào: Không phải họ cũng muốn đeo sao? Tại sao còn đi nói người khác, không biết xấu hổ à? Chị lại không hề biết học giả trá.
Giọng nói trong trẻo: Em cảm thấy tất cả những gì thiên nhiên đều đẹp, em chúa ghét những gì đè nén thiên nhiên.
Giọng nói ngọt ngào: Nhưng mà lúc hoàn cảnh không cho phép mình, mình cũng phải biết cách làm bộ làm tịch thôi. Từ đó về sau, chị không bao giờ đeo hoa nữa.
Giọng nói trong trẻo: Không cách gì khác. Chúng mình sống, phải thích ứng hoàn cảnh.
(Ông già rón rén không tìm ra được một chỗ nào không dột nước. Không ngớt có tiếng nước nhỏ.)
Giọng nói ngọt ngào: Vì sinh tồn, ai cũng phải biết láu cá, đúng là không thú vị.
Giọng nói trong trẻo: Bởi vì mình yêu đời, cho nên phải biết học cách sống thôi.
Giọng nói ngọt ngào: Nhưng mà chị cảm thấy con người muốn được gọi là thông minh, phải biết sáng tạo ra một đời sống, chỉ kẻ ngu mới thỏa mãn với hiện trạng.
Giọng nói trong trẻo: Làm sao để sáng tạo đời sống?
(Lúc này chỗ nào cũng có tiếng nước. Ông già rón rén đi trong nước, chỉ còn biết cởi mũ ra, dơ lên trên đầu hứng nước, cuối cùng bình tĩnh lại, cúi đầu.)
Giọng nói ngọt ngào: Dùng hai tay, dùng sức mạnh tinh thần mà sáng tạo.
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà có lúc chúng ta có bản chất tự che dấu chính mình, hơn nữa chiều theo người khác có lúc cũng còn là cần thiết.
(Tiếng lách tách của một giọt nước dột, hơn nữa còn dần dần chậm lại, bồng bềnh.
Ở cuối sân khấu ánh đèn đường biến thành một quầng ánh sáng màu tía, lơ lửng phía sau lưng cô có giọng nói ngọt ngào.)
Giọng nói ngọt ngào: (Theo cái lơ lửng của quầng ánh sáng màu tía này, cô cũng tựa như đang bay) Nhưng mà chị cảm thấy con người bất chấp giả lả như thế nào, rốt cuộc vẫn phải bảo trì cái chân thực, thuần khiết nhất của tâm linh mình. Đây chính là cột trụ của đời sống, không có nó không cách chi sinh tồn. Không có cái cột trụ ấy không cách chi chị sinh tồn được.
Giọng nói trong trẻo: (Tựa như tiếng vọng) Có lúc chị không thể không phê bình người khác thế này thế kia, chị không cảm thấy chị cũng đang giả bộ, vì để biểu lộ mình hay sao?
Giọng nói ngọt ngào: Chị thật sự muốn dùng dao, móc trái tim đang đập của mình ra cho em xem, nếu là màu đỏ, thì em phải tha thứ chị.
Giọng nói trong trẻo: (Tựa như tiếng vọng) A, như thế thì ngốc quá, không cần thiết.
Giọng nói ngọt ngào: Có điều, nếu như em đặc biết tín nhiệm---
Giọng nói trong trẻo: Đối với người đáng tín nhiệm thì vẫn còn có thể.
Giọng nói ngọt ngào: Em nên biết là chị thật sự có thể làm như thế!
Giọng nói trong trẻo: Đối với người không hiểu chị, làm như thế chỉ là một thứ lãng phí mà thôi.
Giọng nói ngọt ngào: Đương nhiên, một đời kiếp sau không hề dễ.
(Ông giả buông một tiếng thở dài. Quầng ánh sáng biến mất. Hai cô vẫn ngồi trên bao xi-măng, chỉ có hai chiếc bóng. Ông già vẩy mũ, quay về phía khán giả, vắt chiếc mũ sũng nước.)
Giọng nói trong trẻo: Đối với người không hiểu em, họ căn bản vốn không hiểu, em cũng không hi vọng họ hiểu. Tùy họ muốn nói gì, chỉ trích cũng được, em không cần họ hiểu, mà họ cũng không cách chi hiểu được.
Giọng nói ngọt ngào: Vậy thì tại sao em lại cầu xin cha em hiểu em?
(Ông già nghiêng tai lắng nghe.)
Giọng nói trong trẻo: Đó là người thân của em, ông nên phải hiểu.
Giọng nói ngọt ngào: Nhưng mà ông là người của thời đại ấy, không cách chi ông hiểu được thời đại chúng mình!
(Ông già có vẻ giận dữ.)
Giọng nói trong trẻo: Đương nhiên rồi.
Giọng nói ngọt ngào: Nhưng mà nếu như mọi người chung quanh đều không hiểu em, cũng có lúc phải cắt đứt...
(Tiếng mưa rào rào, ông già hoang mang, hay tay buông thõng.)
Giọng nói trong trẻo: Có điều em không sợ, bởi vì em đã có chủ kiến của mình rồi. Nhưng mà em vẫn hi vọng được hiểu, em cảm thấy niềm an ủi con người nhất trên thế giới này là sự thông cảm giữa con người, trái tim hòa điệu.
(Ông già ngồi xổm một bên, trầm tư, nhắm mắt lại. Tiếng xe vun vút chạy qua. Phía cuối sân khấu từng ngọn đèn đường sáng lên. Một thứ âm nhạc gồm đủ loại âm thanh tựa như đêm thành phố vang lên. Trong ánh sáng dịu dàng hiển hiện hai cô gái dựa vào nhau.)
Giọng nói ngọt ngào: Như thế vẫn chưa đủ, chị cảm thấy niềm an ủi to tát nhất chính là tình yêu chân thật.
Giọng nói trong trẻo: Bởi vì chị đã có tình yêu. Chị đã có được một người thành thật yêu chị, hơn nữa tim hai người lại ở chung môt chỗ.
Giọng nói ngọt ngào: Tóm lại, chỉ hiểu không thôi vẫn không đủ!
Giọng nói trong trẻo: Chị biết tim anh ấy đập như thế nào, anh ấy biết tim chị đập như thế nào. Hai người đã đạt đến tình yêu tuyệt đẹp nhất trên đời. Em chỉ hi vọng được hiểu, dù cho anh ấy không đồng ý chị làm như thế, nhưng nếu như hiểu chị, như thế cũng cứ vẫn đã đời.
Giọng nói ngọt ngào: Chị tham lam hơn em nhiều, nếu như thân nhân và bạn bè chung quanh chị chỉ hiểu chị thôi, không yêu thương chị, chị không cách chi chịu nổi.
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà phải hiểu trước thì rồi mới yêu được chứ.
Giọng nói ngọt ngào: Như thế vẫn không đủ, sống trên đời này mà không đạt được tình yêu thì thật là bi thảm quá.
Giọng nói trong trẻo: Hoàn cảnh sống của em với chị khác nhau, em chỉ khát khao được hiểu.
Giọng nói ngọt ngào: (Nhiệt tình ôm lấy bạn) Như vậy chị không thỏa mãn, đã yêu là phải yêu đến cực điểm, chỉ hiểu không thôi thì không đủ.
Giọng nói trong trẻo: Chẳng có cái gì lên đến cực điểm cả, yêu cũng chẳng đến cực điểm được, thật sự đến cực điểm rồi thì chỉ còn đi xuống thôi.
Giọng nói ngọt ngào: Tại sao lại không thể mãi mãi lên cao, mãi mãi theo đuổi, mãi mãi tìm kiếm?
Giọng nói trong trẻo: Rồi thì cũng có cùng tận, lên đến cao điểm rồi thì...
Giọng nói ngọt ngào: Tại sao lại không thể đạt đến cao điểm mới? Đây cũng là triết học! (Nâng mặt bạn) em trả lời chị, em trả lời chị đi!
Giọng nói trong trẻo: Nếu như nói, chị Ninh, em yêu chị yêu đến cực điểm, yêu chết người, trong lòng vẫn cứ cảm thấy không đủ.
Giọng nói ngọt ngào: (Vuốt mặt bạn) Cái ngày mà em nói lời ấy, chị thà rằng em chết ngay lúc ấy.
Giọng nói trong trẻo: (Áp sát mặt bạn, ôm chặt) Ai cha, tàn nhẫn quá đi, nhưng đó là người, người sống động. Chị nhớ kỹ, chị Ninh, em mãi mãi không bao giờ yêu chị đến chết người.
Giọng nói ngọt ngào: (Buông bạn ra) Cho nên chị cũng sẽ không để em chết, yên tâm đi.
Giọng nói trong trẻo: Cha, biện chứng pháp đấy, hấp dẫn thật. Nói thật nhé, thật sự cần có một thứ tình yêu yêu đến mức chết...
Giọng nói ngọt ngào: Chị cảm thấy, như thế chết cũng bõ.
Giọng nói trong trẻo: Như thế thì chẳng có gì là thú vị cả, mục đích của yêu đâu phải là chết.
Giọng nói ngọt ngào: Chị biết mục đích không phải là để chết...
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà thật sự muốn yêu đến mức chết người, giống Romeo và Juliette!
Giọng nói ngọt ngào: Giống Ophelia! Dù cho là bi kịch, đó cũng không phải là tình yêu chân thật sao?
Giọng nói trong trẻo: Nhưng mà đó là một thứ chiếm hữu.
(Ông già nhắm mắt, phảng phất như muốn rũ hết những giọt nước trên đầu đi.)
Giọng nói ngọt ngào: Em không nên bài xích tình yêu của người khác, phương thức yêu không giống nhau.
Giọng nói trong trẻo: Thời đại ấy khác, vào thời ấy người ta cảm thấy chiếm hữu chính là tình yêu chân thật, hơn nữa, chính là vì chiếm hữu, cho nên thứ tình yêu ấy càng dần càng nồng nhiệt, càng dần càng vị kỷ. Người hiện đại dần dà không xem tình yêu là chiếm hữu nữa. Em cảm thấy nếu như chiếm hữu rồi, thì không còn có thể yêu nữa. Cho nên, sau này dù cho em có yêu một người, hoặc giả có người yêu em, nếu như em có ý niệm chiếm hữu người ấy, em sẽ nhất quyết không qua lại với người ấy nữa. Nếu như người ấy cũng có cùng thứ tâm niệm ấy, muốn đến chiếm hữu em, như thế thì kể như xong.
Giọng nói ngọt ngào: Con người không thể gạt bỏ sự chiếm hữu xác thịt được, thật sự không được.
(Ông già lắc đầu, đứng dậy, nhíu mày, phảng phất như có giọt nước rớt trên lông mi.)
Giọng nói ngọt ngào: Sự chiếm hữu xác thịt trong tình yêu phải được thăng hoa thành sự thông cảm tinh thần.
(Ông già gật đầu. Tựa như muốn gạt giọt nước trên mặt.)
Giọng nói trong trẻo: Chiếm hữu tinh thần cũng không thể được. Bởi vì không thể nào chiếm hữu hoàn toàn được.
Giọng nói ngọt ngào: Cái đó còn phải xét hoàn cảnh---
Giọng nói trong trẻo: Không, tại sao những người lớn tuổi hễ khi nói đến luyến ái không thề non hẹn biển, lại thực tế như thế?
(Mặt ông già bình tĩnh lại.)
Giọng nói trong trẻo: Bởi vì họ đã biết cái phân lượng này rồi. Còn người trẻ chúng mình thì lúc nào cũng hứa hẹn suốt đời, chỉ đó thôi cũng là một thứ chiếm hữu rồi.
(Ông già gập người, ho hắng, rờ túi xách.)
Giọng nói ngọt ngào: Thế nhưng em cũng không phủ nhận được đó là thuần khiết.
Giọng nói trong trẻo: Như thế vẫn còn là chưa thực sự hiểu phân lượng của nó.
Giọng nói ngọt ngào: Không hẳn như thế! Việc này phải xét hoàn cảnh, phải xét hoàn cảnh!
Giọng nói trong trẻo: Đó là lúc mới yêu.
Giọng nói ngọt ngào: Chỉ thuần túy là có thể thôi!
Giọng nói trong trẻo: Cái thuần túy không thể có được, em thì không tin. Em nghĩ nếu như em yêu một người nào đó, nhất định không thề non hẹn biển.
(Ông già dặm chân, có ý muốn cho họ nghe thấy, đuổi họ đi.)
Giọng nói ngọt ngào: Cái đó cũng không hẳn.
Giọng nói trong trẻo: Có điều, nếu như em gặp một người như vậy---
Giọng nói ngọt ngào: Em sẽ không thề non hẹn biển?
Giọng nói trong trẻo: Không phải, em sẽ không kết hôn.
Giọng nói ngọt ngào: Độc thân suốt đời?
Giọng nói trong trẻo: Giữ độc thân chủ nghĩa!
Giọng nói ngọt ngào: Em độc thân không được, em có tin không?
Giọng nói trong trẻo: Em sẽ sống chung với chị Ninh.
Giọng nói ngọt ngào: Thế nào em cũng gặp một người em yêu.
Giọng nói trong trẻo: Không.
Giọng nói ngọt ngào: Thế nào cũng gặp, em cưng, thế nào cũng gặp.
Giọng nói trong trẻo: Nhưng em không biết người ấy có yêu em mãi mãi không, còn đau khổ hơn nữa là---
Giọng nói ngọt ngào: Nếu mà như thế, chị sẽ lặng lẽ bỏ đi, cùng với em sống...
Giọng nói trong trẻo: Chị Ninh, chị khóc à?
Giọng nói ngọt ngào: Đâu có...
(Ông già dừng chân, lắng nghe, thần tình kinh ngạc.)
Giọng nói trong trẻo: (Ôm lấy cô kia) Chúng mình ngốc quá đi!
(Ông già đeo kính lão vào.)
Giọng nói ngọt ngào: Bởi vì chúng mình là đàn bà.
Giọng nói trong trẻo: Bộ đàn bà là ngốc sao?
Giọng nói ngọt ngào: (Đẩy cô kia ra) Thôi đi. (Tự vui ra, gạt nước mắt.)
(Ông già thở dài một tiếng.)
Giọng nói trong trẻo: Đường đèn sáng cả rồi---mưa vẫn còn rơi.
(Hai cô gái đứng lên, đi ra ngoài lều gỗ. Tiếng mưa xào xạc. Hai người quay lưng về khán giả, ngửa mặt, đón nước mưa. Dưới đèn đường những sợi mưa không dứt. Hai người đưa mắt nhìn nhau, cười ngây ngô. Âm nhạc dịu dàng. Trong hai ánh đèn của chiếc xe ngược chiều chạy đến và tiếng âm nhạc, hai người cười bước ra khỏi phía cuối sân khấu. Ông già bước ra ngoài lều gỗ, tiếng xe và âm nhạc biến mất. Ông già đội mũ lên, chậm rải bước về phiá cuối sân khấu, ra. Dưới đèn đường, những sợi mưa và tiếng mưa dào dạt không dứt.)
Viết xong tại Bắc Kinh, 1984
Cước chú của Tiền Vệ:
Vì không thể hiển thị được hai dấu hiệu đặc biệt để biểu diễn những nơi mở và đóng của các nhóm đối thoại như trong bản của dịch giả, chúng tôi tạm thay thế bằng hai dấu { và }. Những đoạn đối thoại xảy ra giữa hai dấu này được trình diễn cùng một lúc, chồng chất lên nhau, chứ không theo thứ tự trước sau như trong văn bản thường.
_____________________________________
Đề nghị và thuyết minh về việc diễn TRÚ MƯA
(1) Đây là một nhóm kịch đoạn hiện đại. Đoạn kịch trong kịch khúc truyền thống chính là tinh hoa của kịch. Một vở kịch lớn sở dĩ có thể "an thân lập mệnh" trên sân khấu là nhờ ở cái điểm "hí nhãn" hay "hí hồn" này, cũng có nghĩa là cái chỗ có hí (diễn) nhất trong cái hí. Trong mỗi vở kịch đoạn xướng, đọc, làm, đánh mỗi cái có chú trọng của nó, phân biệt phát huy đến cực điểm các phương thức khác nhau của trình diễn hí kịch. Cái nhóm kịch đoạn hiện đại này thử đem ra phân biệt nghiên cứu so sánh với nghệ thuật biểu hiện của phương thức hí kịch hiện đại, cũng là cơ hội thực tiễn để bồi dưỡng và đào luyện toàn năng của diễn viên hí kịch.
(2) Vở "Hành Lộ Nan" chú trọng sự biểu hiện của động tác hình thể, "Đoá Vũ" lại đặt nặng việc thông qua ngôn ngữ hiển thị hoạt động nội tâm. Do đó, trong khi hành sử đạo diễn và diễn xuất, cái trước có thể được gọi là hí kịch động tác, cái sau có thể được gọi là hí kịch ngôn ngữ.
(3) Đối với hí kịch động tác, trong quá trình bài diễn, có thể trước tiên xử lý như á kịch (kịch câm), những gì có thể dùng động tác để bày tỏ, phải hết sức dùng động tác để bày tỏ, đối thoại sân khấu chỉ là một loại biểu thị của động tác mà thôi.
Cho nên hí kịch ngôn ngữ, đương nhiên không thể hoàn toàn không có động tác. Tuy nhiên, động tác này chủ yếu là động tác tâm lý. Diễn xuất và đạo diễn tất phải điều độ và động tác sân khấu giảm thiểu đến mức tối thiểu, chỉ giữ lại những phản ánh của các hình thể và biểu hiện tự nhiên xuất phát trong quá trình thuật thuyết. Nắm vững ngôn ngữ của diễn viên không phải ở chỗ đọc thuộc lòng, mà là ở chỗ lắng nghe, cảm thụ, cái phản ánh của hình thể vi diệu kia tất đột nhiên phát sinh.
(4) Những cách điệu của nhóm kịch này hoặc là hỉ hoặc là náo hoặc là trữ tình, hoặc là bi tráng, mỗi cái có biện pháp thành kịch của nó.
Cái hí (diễn) của "Hành Lộ Nan" là ở mấy vai hề giữa việc muốn đi và đi không được, cũng còn ở giữa diễn viên với mấy anh hề đồng diễn, cũng có nghĩa là, diễn viên vào lúc cởi giầy và mặt nạ của vai hề mà mình diễn cũng vẫn có cái diễn (hí) trong ấy.
Cái hí của "Đóa Vũ" vừa nằm trong những lời nói nội tâm đồng thời của hai cô gái vừa ở sự đối chiếu với trạng thái tâm lý không lời của ông già, chính quá trình đối chiếu đa trùng này làm thành hí (diễn).
(5) Trên mặt trình diễn, "Hành Lộ Nan" ngoại trừ đòi hỏi cái tươi mát của động tác của hình thể bên ngoài, còn đòi hỏi sự phong phú của năng lực biểu lộ nét mặt, như các vẻ làm như đau khổ hay kinh ngạc hay khinh thường hay đắc ý. "Hành Lộ Nan" có thể khoa trương cực độ, đến mức có thể vận dụng một số trình thức nào đó của kịch khúc. Còn như trình diễn "Đóa Vũ," vẻ mặt diễn viên căn bản là trung tính, tức là không diễn bằng nét mặt, mà dựa vào nhiều hơn ở bộ phận thân thể, thủ thế, bộ pháp, và ánh mắt, dùng để truyền thần đạt ý, cố ở cái thần vận và hòa điệu.
(6) Ánh đèn và âm nhạc không những chỉ tạo thành khung cảnh và không khí mà còn là nhịp điệu và tiết tấu xuất định của diễn viên.
"Hành Lộ Nan" chú trọng cái tươi mát của tiết tấu.
Sự vận dụng ánh đèn trong "Đóa Vũ" tốt nhất là có một lưu động cảm, không được vũ đoán cắt bỏ.
(7) Hai kịch đọan này phân biệt dùng hai phương pháp làm kịch khác nhau, điều động các phương pháp biểu hiện hí kịch khác nhau. Trong khi hành sử đạo diễn và diễn xuất, có thể thí nghiệm một phong cách khác, có thể có ích cho việc đào luyện diễn viên.
Những đề nghị trên chỉ là để tham khảo.
----------------------------
Như Hạnh dịch từ nguyên tác Hoa ngữ Đoá Vũ (Duoyu) của Cao Hành Kiện, trong Gao Xingjian, Bi'an: Gao Xingjian xijuji, 008. (Taiwan: Unitas Publishing Co., Ltd., 2001).
tienve.org
2 nhận xét:
Người có giật mình không ,nếu em từng là một diễn viên sân khấu ? ( nghiệp dư thôi !)hahaha...Em rất thích ông già trong vở ,em có thể đọc được những trăn trở trong bộ óc già nua đó .Có thể sờ được những vệt nhăn trên trán ông ...ngưởi được mùi thuốc lá khen khét trên môi ông ...Vở kịch rất sâu sắc .Cám ơn tác giả .
Ghê thật ta! Thế mà đây chưa được xem , thật là tiếc!Nếu có diên lại, anh sẽ đóng vai ông già để xem thử tay MPN có mát không, mũi MPN có thính không và nhất là môi MPN có ngọt không...? Cảm ơn MPN đã ghé thăm
Đăng nhận xét