Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

26 thg 12, 2011

Phụ Cấp Của Sự Thất Bại
Và Sự Quan Trọng Của Trí Tưởng Tượng


Diễn Văn của J. K. Rowling
chuyển ngữ : Nguyễn Khoa Thái Anh 
 
Khoảng một thập niên gần đây tác giả người Anh J. K. Rowling đã chinh phục con tim và óc tưởng tượng của nhiều thanh thiếu niên trên thế giới, chưa kể một số lớn độc giả có tuổi, với bộ truyện giả tưởng Harry Potter. Hiện tượng Harry Potter ra đời vào đầu thế kỷ 21 và danh tiếng nổi như cồn sau đó không phải không có duyên cớ. Cũng vậy, vào thế kỷ trước, người đồng hương của tác giả 
Rowling, ông J. R. R. Tolkien (1892-1973) với truyện The Lord of the Rings, viết vào thời Thế chiến thứ II, gửi gắm sự âu lo, thấp thỏm cùng nỗi bất an của cuộc sống ngoài đời vào câu truyện hư cấu, nơi mà điều thiện ác được sắp đặt theo ý muốn của tác giả. Có lẽ người viết truyện thần thoại muốn mang ý nghĩa của sự hướng thiện, thiện tâm thắng gian tà, quả báo luân hồi như một luật lệ tự nhiên của tạo hóa, làm điều răn cho thế thái nhân tình. Điều này cũng không khác hàm ý và ngụ ngôn trong dã sử và huyền sử của một quốc gia là mấy, khi người đời xưa, bất lực trước thiên tai hay dữ kiện khó hiểu do văn minh và kiến thức yếu kém của mình phải pha trộn hư thực hoặc mượn những điều huyền bí để giải thích những sự kiện lịch sử.

Các đại học ở Mỹ - nhất là các trường có tầm vóc - đều có truyền thống mời những người tiếng tăm đến đọc diễn văn tiễn đưa các sinh viên ra trường, khi họ bắt đầu bước vào ngưỡng cửa cuộc sống hiện thực. Hôm thứ Năm, 05.6.2008, bà Rowling đã đọc diễn văn tiễn các sinh viên tốt nghiệp ở Đại học Harvard, mang tên “Phụ cấp của thất bại và sự quan trọng của trí tưởng tượng”. Bà đã làm nhiều người xúc động vì những lý tưởng cao cả và sâu xa hơn sự giàu có và danh tiếng của mình.

Trong lịch sử 357 năm, Harvard University - một đại học thuộc hàng khôi nguyên của thế giới - đã không thiếu những vị quan khách nặng ký như Tổng thống John F. Kennedy, và hai người đoạt giải Nobel văn chương như Alexander Solzhenitsyn (nhà đối kháng chế độ cộng sản Nga) và Vaclav Havel (Tổng thống, nhà văn, và kịch tác gia nổi tiếng của Cộng hòa Czech), hoặc Bill Gates đến đọc diễn văn chúc tụng ngày đăng khoa của sinh viên. Do đó đã có nhiều sự dè bỉu về chuyện mời một tác giả viết chuyện hoang đường cho trẻ em như J. K. Rowling, cho rằng tác giả không thể sánh vai với những người đi trước, đủ xứng đáng với vai trò thuyết trình của mình. Bất kể những lời phê bình, dèm pha về giá trị và chỗ đứng của bà Rowling trong văn học, thiết nghĩ thông điệp của bà Rowling quan trọng hơn danh vọng và truyện mộng tưởng của mình. Tôi xin tạm dịch bài diễn văn tiễn đưa sinh viên tốt nghiệp Harvard của bà.
Nguyễn Khoa Thái Anh

"Thưa hiệu trưởng Faust, thưa các thành viên Hội đồng Harvard và Ban Quản trị, các nhà giáo, các phụ huynh hãnh diện và nhất là các sinh viên tốt nghiệp,

Trước tiên tôi xin chuyển đến quý vị lời cảm ơn. Không những Harvard đã cho tôi một vinh dự lớn lao, mà những tuần lễ đầy lo sợ và nôn nao tôi phải bỏ ra suy tư về chuyện đọc diễn văn đã làm tôi sụt ký. Một thắng lợi cho cả đôi bên! Bây giờ tôi chỉ cần hít một hơi thật dài, nheo mắt nhìn những băng-rôn đỏ và cố nghĩ rằng mình đang ở một hội nghị Harry Potter gồm các thành viên có học thức nhất thế giới.

Đọc diễn văn chào mừng ngày tốt nghiệp là một trọng trách lớn lao; ít ra tôi nghĩ như vậy cho đến khi tôi liên tưởng đến chính ngày lễ ra trường của mình. Người đọc diễn văn hôm ấy là nhà triết gia Anh quốc nổi tiếng, bà nam tước Mary Warnock. Hồi tưởng về bài diễn văn đó đã giúp tôi rất nhiều trong việc viết bài nói chuyện hôm nay, vì nghĩ cho cùng, tôi không còn nhớ một lời nào bà ấy nói. Phát hiện này đã giải phóng tôi, giúp tôi mạnh dạn xúc tiến mà không sợ mình lỡ dại xúi bẩy các bạn bỏ rơi một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong Luật Thương mại hay Chính trị để theo đuổi giấc mơ trở thành một thầy phù thủy vô tư.

Các bạn thấy chưa? Nếu trong nhiều năm tới đây, các bạn chỉ nhớ đến chuyện tếu về người phù thủy vô tư, các bạn vẫn nhớ đến tôi nhiều hơn bà nam tước Mary Warnock. Mục tiêu mà ta có thể đạt được là bước đầu tiên trong quá trình hoàn thiện cho bản thân.

Thật ra, tôi đã nghĩ nát óc xem mình phải nói gì với các bạn hôm nay. Tôi đã tự hỏi là vào cái tuổi ra trường thuở đó mình đã ao ước muốn biết những gì, và trong 21 năm kể từ ngày đó đến nay tôi đã thu thập được những bài học quan trọng nào.

Tôi tìm ra hai câu trả lời. Trong một ngày tuyệt vời như ngày hôm nay, khi chúng ta tụ tập nơi đây để mừng thành quả học tập của các bạn, tôi đã quyết định nói chuyện với các bạn về lợi ích của sự thất bại. Và vì các bạn đang đứng trước ngưỡng cửa của cái mà người ta hay gọi là cuộc sống thực tế, tôi cũng muốn ca ngợi sự quan trọng của trí tưởng tượng.

Điều này mới nghe ra thì thấy có vẻ là một chọn lựa quái dị và nghịch lý, nhưng xin các bạn kiên nhẫn với tôi một chút.

Hình dung lại tuổi 21 lúc mới ra trường là một việc không được dễ chịu lắm đối với một người đàn bà đã đến tuổi 42 như tôi hôm nay. Nửa cuộc đời trước đây, tôi đang cố tìm sự thăng bằng giữa tham vọng của mình và những gì người thân trong gia đình muốn tôi phải đạt được.

Lúc đó tôi tin chắc rằng điều duy nhất mình muốn theo đuổi là viết tiểu thuyết. Nhưng bố mẹ tôi, những người xuất thân nghèo khó và không được học đại học, cho rằng trí tưởng tượng quá khích của tôi là một cá tật ngộ nghĩnh không cách nào có thể làm ra tiền để trả tiền nhà hay đảm bảo cho một đồng lương hưu trí về sau.

Cả hai người đều muốn tôi học nghề; còn tôi thì muốn theo đuổi nghiệp Anh văn. Chúng tôi đã đạt một thỏa hiệp mà bây giờ nghĩ lại cũng chẳng làm hài lòng ai cả, và tôi đã theo ngành Sinh ngữ Hiện đại. Trước khi ôtô của bố mẹ tôi vừa rẽ khuất khúc cua là tôi bỏ ngay lớp Đức văn để chạy tọt xuống hành lang Cổ văn.

Tôi không nhớ đã nói với bố mẹ là mình đã theo Cổ văn; có lẽ họ chỉ biết được chuyện này trong ngày lễ ra trường của tôi. Trong các môn học trên hành tinh này, thiết nghĩ nếu muốn tìm được một chìa khoá vào một phòng tắm sang trong một nội thất cao cấp, cha mẹ tôi khó có thể tìm được một môn học nào vô tích sự hơn môn Thần thoại Hy Lạp.

Tôi xin nói rõ là tôi không trách bố mẹ mình vì quan điểm của họ. Khi bạn đủ lớn để tự lèo lái cuộc đời mình, trách nhiệm thuộc về bạn, và bạn không thể trách bố mẹ là đã hướng bạn đi nhầm đường được nữa. Ngoài ra, tôi không thể trách bố mẹ vì đã hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ lâm cảnh nghèo khó. Cả hai bố mẹ tôi đều nghèo, và tôi cũng đã nghèo, và tôi đồng ý với họ rằng nghèo đi cùng với hèn. Nghèo khó mang theo sợ hãi và nhiều lúc cả trầm mặc; nó kéo theo hàng ngàn những nỗi nhục nhã và khó khăn nho nhỏ. Thoát khỏi nghèo khó bằng chính nỗ lực của mình, đó mới đích thực là điều đáng hãnh diện, và chỉ có ngớ ngẩn mới đi lãng mạn hóa sự nghèo khó mà thôi.

Điều mà tôi sợ nhất ở tuổi các bạn không phải là sự nghèo khó, mà là sự thất bại.

Ở tuổi của các bạn, mặc dù không hứng thú chút nào với đại học đường, nơi mà tôi bỏ quá nhiều thì giờ trong các quán cà phê để ngồi viết truyện và quá ít giờ ở các giảng đường, không hiểu sao tôi vẫn qua được các bài thi, và trong nhiều năm, đó là thước đo thành công của cuộc đời tôi và cuộc đời các bạn tôi.

Tôi không đến nỗi khờ khạo mà cho rằng vì các bạn còn trẻ, tài giỏi và học vấn cao, các bạn không bao giờ gặp khó khăn hay buồn khổ. Tài năng và trí thông minh chưa bao giờ ngăn ngừa ai tránh khỏi những nổi trôi của Định mệnh, và không một giây phút nào tôi lại cho rằng mọi người ở đây đều trải qua một cuộc sống ưu tú và toại nguyện chưa hề bị xáo trộn.

Tuy nhiên, việc mà các bạn đã tốt nghiệp ở Harvard nói lên một điều: các bạn không quen thuộc lắm với thất bại. Có lẽ lo sợ thất bại thúc đẩy các bạn mạnh mẽ ngang với ham muốn thành công. Về học vấn, các bạn đứng cao đến mức quan niệm về thất bại của các bạn có thể không khác mấy với quan niệm về thành công của một người thường.

Cuối cùng thì ai cũng phải tự định nghĩa thế nào là thất bại, nhưng nếu bạn muốn, thiên hạ luôn có sẵn những tiêu chuẩn để đưa ra trước mặt bạn. Tôi nghĩ công bằng mà nói thì 7 năm sau ngày ra trường, tôi đã thất bại một cách thê thảm, xét theo bất kỳ tiêu chuẩn thường tình nào. Một cuộc hôn nhân quá ngắn đã sụp đổ, và tôi bị thất nghiệp, trở thành một người mẹ độc thân, và nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa ở nước Anh hiện đại, trừ phi lâm vào cảnh vô gia cư. Những lo sợ mà bố mẹ tôi và của chính tôi dành cho mình đã trở thành sự thật, và theo như bất cứ một tiêu chí bình thường nào, bản thân tôi là sự thất bại lớn nhất.

Tôi sẽ không nói với các bạn rằng thất bại là vui. Trong đời tôi khoảng thời gian đó là những chuỗi ngày đen tối, và tôi không thể tưởng tượng được rằng cái mà báo chí vẫn gọi là kết cục của chuyện cổ tích sẽ xảy ra. Tôi không biết đường hầm sẽ kéo dài bao xa, và trong một thời gian dài, tia sáng cuối đường hầm là một niềm hy vọng hơn là một hiện thực.

Nếu thế thì tại sao lại nói về lợi điểm của thất bại? Đơn giản là vì thất bại có nghĩa là tước bỏ hết những chuyện phù phiếm. Tôi thôi không đóng kịch làm người khác nữa, và bắt đầu dốc hết nỗ lực để hoàn tất công việc có nghĩa lý nhất đối với mình. Nếu tôi thành công trong bất kỳ một phạm trù nào khác, có lẽ tôi đã không đủ bền chí để đeo đuổi và thành công trong lĩnh vực mà tôi tin tưởng rằng đúng là lĩnh vực của mình. Tôi được giải phóng, vì mối sợ lớn nhất của tôi đã xảy ra, và tôi vẫn còn sống sót, vẫn còn một người con gái tôi yêu, một cái máy chữ và một ý tưởng lớn. Cho nên đáy sâu vực thẳm đã là điểm tựa vững chắc cho tôi xây dựng lại cuộc đời.

Có lẽ các bạn sẽ không bao giờ bị thất bại như tôi đã trải qua, nhưng trong cuộc đời, thất bại là không thể tránh khỏi. Không thể sống mà không thất bại trong một việc gì đó, trừ phi ta sống dè dặt tới mức có thể coi như chưa sống – trong trường hợp đó, cả cuộc đời ta sẽ là một sự thất bại.

Thất bại mang lại cho tôi một an bình về nội tâm mà tôi không bao giờ có khi thi đỗ những bài thi. Thất bại dạy cho tôi những điều về bản ngã của mình mà tôi không thể nào học được bằng cách nào khác. Tôi khám phá ra là tôi mạnh mẽ và kỷ luật hơn là mình tưởng; và cũng biết được rằng mình có nhiều người bạn đáng giá ngàn vàng.

Ý thức được chuyện mình vượt qua những khó khăn để trở nên khôn ngoan và kiên cường hơn có nghĩa là từ rày về sau mình có thể bình tâm hiểu rằng mình có khả năng tồn tại. Các bạn không thể hiểu được bản thân mình hay bản chất những mối quan hệ của mình cho đến khi chúng được thử thách trong nghịch cảnh. Hiểu được bản thân mình và bản chất các mối quan hệ của mình là một phần thưởng lớn, bất chấp những giọt nước mắt đã phải chảy để có được nó, và nó đáng giá hơn bất cứ những thành tích nào mà tôi đã đạt được.

Nếu tôi đi ngược được thời gian, tôi sẽ khuyên mình ở tuổi 21 rằng hạnh phúc cá nhân nằm ở chỗ biết được cuộc đời không phải là một danh sách những thành tích. Học vị và tiểu sử của các bạn không phải cuộc đời của các bạn, tuy rằng các bạn sẽ gặp những người ở tuổi tôi hoặc lớn hơn hay lẫn lộn giữa hai thứ này. Cuộc đời khó khăn, phức tạp lắm, nó nằm ngoài mức kiểm soát trọn vẹn của bất cứ ai, và nếu bạn đủ khiêm nhường để hiểu được điều này, bạn sẽ vượt qua được những thăng trầm của nó.

Có thể các bạn nghĩ rằng tôi chọn tiêu đề thứ hai, sự quan trọng của trí tưởng tượng, vì cái phần đời của tôi mà nó đã giúp làm lại, nhưng không phải hoàn toàn như vậy. Tuy tôi sẽ bảo vệ đến hơi thở cuối cùng thói quen kể chuyện cho con cháu trước khi đưa chúng vào giấc ngủ, tôi đã học được cách đánh giá trí tưởng tượng theo nghĩa rộng hơn. Trí tưởng tượng không chỉ là khả năng độc đáo của loài người để hình dung những chuyện không có, và vì vậy, là nền tảng cho tất cả những phát minh và sáng tạo. Có thể nói rằng nó là khả năng giúp mang lại sự thay đổi và tỉnh ngộ nhiều nhất, giúp chúng ta có được sự đồng cảm với những con người có cuộc đời khác hẳn với chúng ta.

Một trong những kinh nghiệm chốt yếu nhất trong đời tôi xảy ra trước khi tôi viết Harry Potter, tuy rằng nó ảnh hưởng nhiều đến những gì tôi viết sau này trong những quyển truyện đó. Kinh nghiệm này đến với tôi qua những việc làm ban ngày đầu tiên của tôi. Mặc dù tôi hay rút thì giờ ăn trưa để viết truyện, tiền thuê nhà trong những năm đầu của tuổi 20, tôi trả bằng cách làm việc ở phân khu nghiên cứu về châu Phi ở Trung tâm Ân xá Quốc tế tại London.

Trong văn phòng nhỏ bé của tôi, tôi đọc những bức thư viết vội vàng đã được lén lút truyền ra khỏi những chế độ toàn trị bởi những con người dám chấp nhận khả năng bị giam cầm tù tội để cho thế giới bên ngoài biết chuyện gì đã xảy đến cho họ. Tôi đã thấy hình ảnh của những người bị biến mất không để lại dấu vết, do những gia đình và thân hữu tuyệt vọng của họ gởi đến cho Ân xá Quốc tế. Tôi đọc những lời khai của những nạn nhân bị tra tấn và nhìn thấy ảnh của những thương tích của họ. Tôi mở những lá thư của nhân chứng cho biết những vụ xử tử, kết tội tại chỗ không được tòa án xét xử, những vụ bắt cóc và hãm hiếp.

Nhiều đồng nghiệp của tôi là cựu tù nhân chính trị, những người bị đẩy ra khỏi nhà, hoặc phải lưu vong xa xứ sở, chỉ vì họ dám nghĩ khác với chính quyền của họ. Trong số những người viếng thăm văn phòng chúng tôi, có những người đến cho tin tức, hoặc đến để tìm tông tích của những người thân mà họ phải bỏ lại quê nhà.

Tôi sẽ không bao giờ quên một nạn nhân châu Phi bị hành hạ, một người thanh niên chỉ khoảng tuổi tôi vào thời đó, một người bị xáo trộn thần kinh sau những gì anh ta phải chịu đựng ở quê hương. Anh ta run rẩy không kềm chế được khi nói chuyện trước ống kính về những bạo hành mà anh ta đã trải qua. Anh cao hơn tôi khoảng 30 cm, và trông mỏng manh như một đứa trẻ. Tôi được giao nhiệm vụ đưa anh xuống trạm xe điện ngầm sau đó, và người đàn ông này, với cuộc đời bị bạo lực băm vằm của mình, đã nắm lấy tay tôi với một sự nhã nhặn và ưu ái, và chúc tôi hạnh phúc trong tương lai.

Và cho đến hết cuộc đời mình, tôi sẽ không bao giờ quên khi đi qua hành lang vắng, bỗng nhiên nghe một tiếng hét thảm thiết đằng sau một cánh cửa đóng, đau đớn và kinh khiếp, một tiếng thét mà cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ nghe một tiếng nào kinh hoàng hơn. Cánh cửa mở ra, và cô nhân viên thò đầu ra bảo tôi đi pha hộ cho người đàn ông ngồi cạnh cô một cốc trà nóng. Cô vừa cho anh ta biết tin mẹ của anh vừa bị bắt và xử tử để trả đũa cho việc anh nói thẳng về chế độ của xứ sở mình.

Mỗi ngày làm việc trong tuổi 20 của tôi, tôi đều được nhắc nhở là mình đã may mắn như thế nào vì được sống trong một quốc gia có chính quyền dân cử, nơi mà đại diện pháp lý và và xét xử công khai là quyền lợi của mỗi người.

Mỗi ngày, tôi chứng kiến thêm những chuyện tàn ác mà loài người gây cho đồng loại mình, để chiếm và giữ quyền lực của mình. Tôi đã bắt đầu có những cơn ác mộng, thực sự như vậy, về những chuyện tôi thấy, nghe và đọc được.

Nhưng tôi cũng học được nhiều về sự tốt lành của con người ở Ân xá Quốc tế hơn bất cứ nơi nào khác.

Ân xá Quốc tế huy động cả ngàn người chưa bao giờ bị tra tấn hay giam cầm vì tư duy của mình để giúp cho những người là nạn nhân. Sức mạnh của sự cảm thông của loài người sẽ dẫn đến những hành động chung vai sát cánh cụ thể, cứu được mạng sống và giải thoát cho những người bị giam cầm. Những người bình thường, mà sự an sinh cá nhân được đảm bảo, kết hợp với nhau trong một số đông đáng kể để cứu vớt những người họ chưa quen biết hoặc sẽ không bao giờ gặp. Sự đóng góp nhỏ bé của tôi trong chu trình đó là một trong những kinh nghiệm tạo cảm hứng và khiến tôi phải hạ mình nhất trong cuộc đời.

Không như bất cứ một sinh vật nào khác trên thế gian này, loài người có thể học và hiểu biết mà không cần phải trải nghiệm. Họ có thể đặt ý nghĩ của mình vào trí óc của kẻ khác, tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của đồng loại.

Tất nhiên, đây là một khả năng mà ta có thể dùng để phục vụ cả cái xấu lẫn cái tốt, giống như những phép lạ trong truyện của tôi. Người ta có thể dùng nó để thâu tóm và kiểm soát, cũng như để hiểu hay thông cảm.

Nhiều người không thích sử dụng trí tưởng tượng của mình một chút nào. Họ chọn cách nằm yên trong ranh giới bình an và quen thuộc của cuộc sống, không buồn thắc mắc nếu họ phải sinh ra trong một hoàn cảnh khác hơn kinh nghiệm bản thân mình thì sẽ ra sao. Họ từ chối không nghe tiếng la hét hoặc nhìn vào những xà lim; họ có thể đóng tim óc mình lại trước những khổ đau không dính dáng đến bản thân họ; họ có thể từ chối không muốn biết.

Có lẽ tôi cũng suýt ganh tị với những người sống được như vậy, chỉ có điều tôi không nghĩ rằng họ ít bị ác mộng hơn tôi. Chọn lối sống hẹp hòi, xa lánh đồng loại có thể đưa mình đến một trạng thái tâm thần, sợ hãi đám đông, tự nó cũng mang đến những kinh hoàng. Thiển nghĩ những kẻ cố tình không có óc tưởng tượng như thế sẽ gặp nhiều ác quỷ. Họ thường sợ sệt hơn.

Hơn nữa, những người chọn sự vô cảm thường giúp sản sinh thêm nhiều ác quỉ trên đời này. Vì cho dù chính chúng ta không phạm tội ác độc, chúng ta đã đồng lõa với tội ác vì sự thờ ơ của chúng ta.

Một trong nhiều cái tôi học được ở cuối hành lang khoa Cổ văn, nơi tôi lần mò đến lúc mới 18 tuổi với hy vọng tìm được một cái gì mà vào lúc đó tôi chưa định nghĩa được, là câu sau đây của tác giả Hy Lạp Plutard: “Những gì chúng ta đạt được trong nội tâm sẽ thay đổi được sự thật bên ngoài.”

Đó là một mệnh đề phi thường, nhưng mặc dù vậy, nó được chứng minh hàng ngàn lần mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Nó nói lên phần nào sự gắn bó không thể tránh khỏi của chúng ta với thế giới bên ngoài, sự thật rằng chúng ta chạm đến cuộc đời những người khác chỉ vì chúng ta tồn tại.

Các bạn sinh viên tốt nghiệp Harvard hôm nay thân mến, khả năng các bạn sẽ thay đổi cuộc sống người khác là bao nhiêu? Sự thông minh, khả năng chuyên cần, siêng năng của các bạn, nền học vấn mà các bạn đã đạt được mang lại cho các bạn một địa vị độc nhất, và những trách nhiệm độc nhất. Ngay cả quốc tịch của các bạn đã đặt các bạn vào một vị thế khác thường. Tuyệt đại đa số các bạn là con dân của siêu cường quốc duy nhất còn lại trên thế giới. Cách bỏ phiếu của các bạn, lối sống của các bạn, cách biểu tình của các bạn, áp lực của các bạn đối với chính quyền của mình, có ảnh hưởng xa hơn biên giới của các bạn. Đó là ưu thế và cũng là gánh nặng của các bạn.

Nếu các bạn chọn tư thế và ảnh hưởng của mình để lên tiếng cho những người không có tiếng nói; nếu các bạn chọn không chỉ đứng cùng những kẻ có quyền lực mà đứng cùng những người yếu đuối; nếu các bạn giữ được khả năng tưởng tượng, đặt mình vào hoàn cảnh của những người không được may mắn như mình thì không chỉ có gia đình các bạn sẽ hoan nghênh sự hiện hữu của các bạn mà hàng vạn hàng triệu người sẽ ăn mừng các bạn, những người mà các bạn đã giúp cải thiện cuộc sống thực tại của họ. Chúng ta không cần phép lạ để sửa đổi thế gian này, chúng ta đã có sẵn trong người sức mạnh mà chúng ta cần; chúng ta có sức mạnh tưởng tượng những gì tốt lành hơn.

Tôi sắp xong. Tôi vẫn đặt kỳ vọng cuối cùng ở các bạn, một điều mà tôi đã có vào tuổi 21. Những người bạn ngồi chung với tôi trong ngày lễ ra trường đã trở thành những người bạn đồng hành trong suốt cuộc đời tôi. Họ là bố mẹ đỡ đầu của con tôi, những người mà tôi có thể tìm đến trong những lúc túng thiếu, khó khăn, những người bạn thật tốt và tử tế không kiện cáo tôi khi tôi mượn tên họ đặt cho những nhân vật Death Eaters trong truyện. Vào ngày lễ ra trường chúng tôi đã gắn bó rất khắng khít với nhau bằng một tình thương nồng ấm, chia sẻ những kinh nghiệm của một quá khứ không bao giờ có thể tìm lại được, và cố nhiên chúng tôi còn giữ những bằng chứng bằng hình ảnh mà ngày nay nếu có một ai trong chúng tôi ra ứng cử thủ tướng thì những bằng chứng này sẽ đáng giá vô cùng.

Cho nên hôm nay, tôi chỉ muốn chúc các bạn những tình bạn tương tự. Và ngày mai, tôi hy vọng nếu như các bạn không còn nhớ một chữ nào tôi nói hôm nay, các bạn sẽ nhớ mãi câu nói của Seneca, một trong những người La Mã xưa kia mà tôi gặp trong hành lang khoa Cổ văn khi trốn những nấc thang danh vọng để tìm sự thông thái của tiền nhân: “Đời cũng như một câu chuyện: không cần dài, mà cần tốt.” Tôi xin chúc các bạn một cuộc đời tốt lành. Cảm ơn các bạn nhiều.
Nguồn: Bản tiếng Anh tại: http://harvardmagazine.com/go/jkrowling.html
talawas.org

Không có nhận xét nào: