Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

24 thg 12, 2011

ZEUS Và Cây Phả Hệ Rối Ren

Pha Lê

(SOI: Trong kế hoạch tự đào tạo của Soi, ngoài việc học mỹ thuật còn có mục học văn hóa, loại đơn giản, dễ hiểu, và dĩ nhiên là qua tranh. Mỗi chủ nhật Soi sẽ có một bài về loại này, do Pha Lê phụ trách. Trong quá trình tự học thể nào cũng có những thiếu sót, bạn nào có kiến thức gì thêm thì bổ sung nhé, để các bài học vừa vui hơn, vừa đa dạng hơn – thành những bài học “mở”.)






Zeus được xem là một vị thần không đẹp trai, râu ria xồm xoàm, chẳng trẻ trung gì. Trong hình, Zeus đang ngồi trên ngai ở đỉnh Olympia, tay trái cầm cây trượng sấm sét (trên đầu cây trượng có gắn con đại bàng - biểu tượng của Zeus), tay phải giữ thần Nike - thần Chiến thắng (không phải thần của Giày thể thao nhé. Hãng Nike lấy tên và biểu tượng (đôi cánh) của thần này làm tên và biểu tượng cho mình).
Zeus (tên La Mã: Jove, hoặc Jupiter), nói thẳng ra, không có gì đặc biệt. Theo tích thì Zeus là vua của các vị thần, cai quản thiên đường, điều khiển sấm chớp, điều khiển mây… Do tài phép như vậy nên Zeus rất dễ đáng chán. Hết truyện này đến truyện khác, Zeus không có gì làm nên cứ hay ngó xuống mặt đất, khi ngó thấy cô nào đẹp (hoặc cậu nào đẹp – trong xã hội Hy Lạp cổ thì giới tính là thứ mập mờ), Zeus sẽ tìm cách cưỡng bức. Vị vua này xơi hết người nọ đến người kia, và có một lô lốc con cái ngoài giá thú. Nói chung thì Zeus là hiện thân hoàn hảo của câu tục ngữ “Nhàn cư vi bất thiện”.
Cái duy nhất thú vị về Zeus là tích về sự ra đời của ông, vì nó gắn liền với phả hệ của thần thoại Hy Lạp. Tranh vẽ liên quan đến tích này cũng khá nhiều. Sau Aphrodite, Soi xin giới thiệu tiếp về Zeus, chủ yếu là để thừa cơ bàn thêm về các đời khác nhau của thần thoại Hy Lạp
Theo truyện dân gian – và theo nhà thơ Hesiod – thì vào thời cực xưa, vũ trụ là một thứ lung tung không hình thù. Vị thần duy nhất, Chaos, cũng chẳng có mặt mũi gì (Chaos có nghĩa là hỗn độn). Bởi vậy có rất ít tranh vẽ thần Chaos vì không ai đi vẽ một nhúm đen ngòm. Sau đó, ở một mình mãi cũng chán, Chaos sinh ra Gaia (Mặt Đất), Tartarus (Âm phủ), Eros (Tình Yêu), Erebus (Bóng Tối), và Nyx (Màn Đêm). Đến lượt Gaia, mang tiếng làm “đất mẹ”, tự thân mang bầu rồi sinh: Uranus (Trời), Ourea (Núi), Pontus (Biển).
Tiếp đến, Gaia cưới con mình là Uranus (theo đúng nghĩa của “Trời và Đất”, loạn luân là yếu tố luôn đi kèm với tích Hy Lạp cổ, nên hình dung các vị thần này như thể họ là “thiên nhiên” cho nó bớt buồn nôn), cả hai tạo ra một giống thần mới, gọi là Titans. Mười hai Titans đầu tiên bắt đầu thay thế bố mẹ mình và cai quản vũ trụ. Họ bao gồm: Oceanus, Tethys, Hyperion, Theia, Coeus, Phoebe, Cronus, Rhea, themis, Mnemosyne, Crius, và Iapetus.
Như đã giải thích ở bài Thần Vệ Nữ, một trong các Titans là Cronus phản lại cha là Uranus, cắt của quý của ông và tống cổ ông khỏi thiên đàng.

Tác phẩm "Cronus cắt của quý của Uranus”, Giogio Vassari, thế kỷ thứ 16. Một nữ thần (không rõ thần gì, vì Titans không có nghề nghiệp rõ ràng) đem vòng nguyệt quế đến để chuẩn bị đội cho Cronus, người chiến thắng Uranus
Cronus sau đó lấy em gái Rhea. Nhưng chưa kịp vui, Gaia tiên đoán rằng một trong những đứa con của Cronus sẽ phản lại ông, y như cách ông đã phản lại Uranus trước đây. Hãi quá hóa rồ, Rhea sinh được đứa nào, Cronus nuốt ngay đứa đó vào bụng. Tới lúc Cronus nuốt đứa thứ năm, vợ ông chịu hết nổi, và khi bà mang thai đứa thứ sáu, bà mon men đến nhờ Gaia giúp đỡ.
Đứa thứ sáu đó là Zeus. Khi Zeus vừa lọt lòng, Rhea lén đưa Zeus cho Gaia, rồi lấy chiếc khăn bọc một tảng đá để giả làm em bé, Cronus nuốt ngay lấy hòn đá vì tưởng đó là Zeus (thế mới biết thần thánh cũng có lúc mắt mù).

Tác phẩm "Cronus nuốt Poseidon". Rubens. 1636. Cronus cầm lưỡi hái ông từng dùng để cắt của quý của Uranus
Sau đó thì Zeus cứ thế lớn lên, chờ ngày đủ mạnh để phản lại cha mình.
Về quá trình khôn lớn ấy, có rất nhiều thuyết về việc ai làm má nuôi của Zeus. (Chắc tại vì Zeus nổi tiếng nên ai cũng giành công). Nhưng cơ bản nhất là ba thuyết này:
- Zeus được Gaia nuôi
- Zeus được một con dê – hay thần dê – có tích nói đó là con dê, có tích nói đó là một cô tiên của loài dê (chung quy thì dính tới ông 35) tên Amalthea nuôi
- Zeus được một cô tiên núi (Mountain nymph) tên Adamanthea (tên tuổi thường thay đổi, lúc thì Adamanthea, lúc thì Adrastia, lúc thì Melissa) nuôi. Vì Cronus cai quản đất, biển, và trời, Adamanthea mắc một cái võng trên ngọn cây và đặt Zeus nằm đấy, Zeus lửng lơ giữa ba thứ nên không bị Cronus phát hiện.
Về phần tranh vẽ, lạ một điều là hiếm họa sĩ vẽ Zeus với Gaia, đa số vẽ Zeus với Adamanthea hoặc Amathea (phiên bản “cô tiên”). Tranh của tích này thường rất lạc đề, một phần là vì có quá nhiều ý kiến liên quan tới việc ai nuôi Zeus, phần còn lại – Soi đoán – là do:
- “Đất mẹ” Gaia nghe có vẻ già cỗi, kiểu như một bà ngoại hiền lành, không có gì hấp dẫn, có khỏa thân thì cũng chẳng ma nào xem.
- Zeus và một con dê thì càng đáng chán.
- Tiên núi, hay Tiên của loài dê thì khi khỏa thân hay bán khỏa thân sẽ hấp dẫn người xem. (Tiên của loài dê nghe thật kỳ khôi, không chừng các nhà thơ chế ra cô tiên này vì con dê không gợi cảm tí nào). Kết quả là các nghệ sĩ đua nhau vẽ Zeus được tiên nuôi lớn, tên tuổi hay tiên nào nuôi không quan trọng lắm, miễn là một cô trẻ trung, xinh xắn.

Tác phẩm "Zeus thời trẻ", Jacob Jordaens, 1640. Cô tiên Amathea đang vắt sữa dê để cho Zeus uống. Faun (quái vật nửa dê nửa người) đứng ở bên trái

Tác phẩm "Cô tiên Adrastia và con dê Amalthea với Zeus lúc nhỏ", Ignazio Stella. Tác phẩm bỏ chung cô tiên núi với con dê vào cùng một chỗ. Đúng là lạc đề. Zeus ngồi trên con dê (đội vương miệng, để người xem biết ai là vua), lại có thêm cậu bé nào bên cạnh (như kiểu thánh John đứng cạnh chúa Jesus?), cậu bé này cầm cây trượng 3 chĩa nhọn - vũ khí của Poseidon. Nhưng lúc này Poseidon đang nằm trong bụng của Cronus, nên cuối cùng không biết cậu này là ai?)

Tác phẩm: "Zeus bú sữa Amalthea", Poussin, 1638. Lại thêm một họa sĩ trộn Amathea với tiên núi (lần này là nhiều cô tiên núi, quả là hấp hẫn hơn so với chỉ có một cô tiên núi). Rồi ảnh hưởng của kinh thánh cũng khiến Poussin vẽ thêm một cậu bé nào đó như thể đây là thánh John và Jesus. Cậu bé thậm chí còn cầm cây cọ, như kiểu John cầm thánh giá
Đến đoạn Zeus lớn thì chuyện không còn gì ngạc nhiên nữa. Zeus đánh nhau với cha là Cronus, bắt Cronus phải nôn hết anh em của mình từ trong bụng ra. 5 anh em đó bao gồm: Hades, Demeter, Poseidon, Hestia, và Hera. Tuy không cắt của quý của Cronus như chính Cronus đã từng làm với cha mình, Zeus giam Cronus cùng với toàn bộ dòng dõi thần Titan xuống âm phủ ở dưới lòng đất, rồi lên làm vua. Zeus cùng Hades và Poseidon bốc thăm trúng thưởng xem ai cai quản cái gì, kết quả: Zeus bốc được trời, Hades bốc âm phủ, Poseidon bốc biển. Hera trở thành vợ của Zeus (coi như “bốc” được Zeus?), Demeter thành thần cai quản vụ mùa, Hestia – chắc do không biết làm gì – trở thành thần của trinh nữ.

Tác phẩm: "Sự sụp đổ của triều đại Titans", Cornelis Van Haarlem, 1590. Haarlem vẽ những con côn trùng để che của quý của các Titans (Lá nho thì kinh thánh quá chăng?). Tích Zeus nhét Titans xuống âm phủ gần giống với tích Jesus giam Lucifer dưới âm phủ
Khi làm vua – như đã nhắc ở đầu bài viết – Zeus nhàn rỗi quá nên đi cưỡng bức hết cô này tới cô kia, rồi sinh ra một lô lốc con cái. Những tích cưỡng bức này có rất nhiều tranh (khỏa thân mà), Soi sẽ trở lại với một tích hấp dẫn liên quan tới trò lăng nhăng của Zeus.
 soi.com.vn
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: