Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

29 thg 10, 2011

Anh Chụp - Anh Vút Bay

Ngọc Trà sưu tập và dịch

Kacper Kowalski bay lên độ cao chóng mặt để chụp những khu rừng của Ba Lan vào mùa thu.

.
Lá thu chuyển vàng vừa thể hiện cái chết vừa thể hiện sự tái sinh. Suốt mùa xuân và mùa hè, lá cây chủ yếu chứa chất diệp lục; nhưng khi ngày ngắn dần và nhiệt độ giảm, chất diệp lục trong lá cây cũng giảm theo. Cuối cùng chất này gần như biến mất.
Khi diệp lục tố giảm, các sắc tố khác bắt đầu tỏa sáng: carotenoid (vàng, cam, và vàng kim), tanin (nâu), anthocyanin (đỏ đậm, hiếm hơn 2 chất kia). Chất anthocyanin được sản xuất khi ánh sáng tác động mạnh lên lượng đường được trữ trong lá cây lúc nó chuẩn bị rụng. Cứ thế, những loài cây thay lá thường niên luôn tự “đốt cháy” mình một cách ngoạn mục. Chúng làm vậy để chống chọi với mùa đông, cũng như chuẩn bị cho mùa xuân mới. Chúng ta vẫn còn gắn bó với quy trình trên – mặc dù ngày nay phần lớn loài người không sống phụ thuộc vào mùa nữa – khi chúng ta bắt đầu biết mặc ấm để chuẩn bị chống chọi với cái giá lạnh sắp tới.

.
Henry James gọi đó là “hoa văn trên thảm”: một mẫu hoa văn trông khó hiểu nếu nhìn gần, nhưng cực kì rõ ràng khi nhìn từ trên cao xuống. Trong một thế kỉ rưỡi, các bức ảnh chụp từ không trung đã hé lộ những “hoa văn” giống vậy; từ những công trình khảo cổ, các tuyến đường giao thông, hệ thống cầu vượt, đến hệ thống đường xá đô thị. Góc nhìn từ trên cao – một thời chỉ thuộc về “chim ưng” và “phi công đội mũ” (nói theo ngôn ngữ của WH Auden thời 1930) – giờ đã ngày càng phổ biến rộng rãi. Bản vẽ vệ tinh đã biến tất cả chúng ta thành chúa thành chim, bay trên những bề mặt của Trái đất; còn các hoa văn trừu tượng thì có thể được làm cho ẩn hoặc hiện bằng một cú trượt thanh zoom.

.
Những bức ảnh đẹp đến kinh ngạc của Kacper Kowalski chụp đất rừng Ba Lan vào mùa thu phơi bày những “mẫu hoa văn trên tấm thảm rừng”. Nhìn từ phía trên, những loài cây hầu như quanh năm lẫn vào màu xanh của nhau giờ được phân biệt rõ ràng bởi những sắc màu mùa thu, sự thay mùa đóng vai trò như một chiếc máy sắc phổ. Trong một bức hình, một vùng rừng đã được trồng lại, và những cây non mang một dạng cấu trúc màu giống như trong tranh kẻ ô của Mondrian: những hình chữ nhật màu đỏ, màu vàng kim Aztec, những hình thoi màu xanh, màu tím hoa cà; đường mòn đốn củi thì trông giống như “đường kẻ”. Trong một hình khác, một bụi cây thạch nam, viền bằng những cánh đồng được cày xới, trông như một bức tranh của Rothko: hình khối nằm cùng các dải màu, cộng thêm sắc tím sẫm của bụi cây thạch nam.

.
Một số bức ảnh đẹp nhất của Kowalski sử dụng phép đánh lừa tỷ lệ. Một hòn đảo có hình kim cương, đặt giữa một cái hồ trông giống bầu trời (có thể đây chỉ là một tiểu địa hình rêu hay địa y trên đá cuội). Những đầm sậy lấp ló ở những nhánh rẽ của một con sông, và sông này có bề mặt nhàu nhĩ cồm cộm như bề mặt da của con sơn dương. Những cây sồi trải dài thành một vòm xám, trông rất giống hình ảnh thu nhỏ của dây thần kinh trên não bộ. Quả thật, các neuron thần kinh cũng có những “nhánh” (dendrites – gốc từ chữ Hy Lạp cổ “dendron”, nghĩa là “cây”) – chúng kích thích và dẫn dòng điện hóa học từ khớp thần kinh đến cho các tế bào thần kinh. Phong cảnh bên ngoài đã “đặt tên rửa tội” cho những thứ bên trong.

.
Rừng Anh Quốc, so với rừng Bắc Mỹ, thiếu những loại cây đỏ rực màu pháo hoa; những cây phong, cây dương, và cây sơn làm cả một ngọn núi rực lên như lửa không mọc nhiều ở xứ sương mù. Khung cảnh ở đất nước này có phần nhẹ nhàng hơn, và có quy mô nhỏ hơn vào mùa thu.

.
Ở Cambridgeshire nơi tôi sống, những loài cây đầu tiên ngả màu là những cây thuộc họ acers (phong) – sung dâu và thích – đầu tiên chúng ngả màu đồng, rồi cháy thành màu đỏ. Những cây dương, cây sồi và cây trăn chuyển màu trễ nhưng giữ lá được lâu hơn: bước vô rừng dương vào một ngày mùa thu sáng sủa thật như bước vào một cái hộp đèn. Ánh mặt trời lấy màu của những chiếc lá mà chúng chiếu xuyên, và biến thành màu vàng, xanh và đồng khi chạm vào rừng. Sau đợt sương và gió lạnh, lá cây bắt đầu rụng một cách ngoạn mục; chúng chất đống, đủ để trẻ con vùi mình vào bên trong. Tôi đặc biệt thích màu vàng lưu huỳnh của cây dẻ, và màu vàng acid của larch (cây thông lá kim). Vào tháng 11 trên Thung lũng Hope ở vùng Derbyshire, tôi đạp xe qua một cánh rừng thông kim sau khi đợt sương gió đã thổi bay hàng triệu chiếc lá nhọn hoắt. Chúng nằm lẩn trong những khe đá nứt, và có vẻ như đang tỏa sáng hơn là đang thêm màu cho rừng.

.
Khu rừng, do Kowalski dùng máy ảnh chụp từ độ cao chót vót, nó trông như một món đồ cổ hơn là một hệ sinh thái. Từng chi tiết được mã hóa theo độ cao: cái bóng có cánh giữa mặt hồ xanh kia là bóng một con thuyền trên mặt nước, một loài chim ăn thịt đang bay, hay chính là trực thăng của người chụp ảnh? Những mảnh vỡ màu bạc túm tụm gần bờ hồ là chim hay đá cuội? Điều này thật sự không quan trọng: người nhìn tự hiểu theo cách của mình.

.
Tôi nghĩ đấy là lí do vì sao tôi hơi thiếu tin tưởng vào những bức ảnh chụp từ trên không. Chúng thường đẹp hút hồn, nhưng vẻ đẹp đó sinh ra từ sự trừu tượng, từ khoảng cách và sự chia cách. Nhìn từ bên trên, phong cảnh có chiều hướng rút thành những hình dạng đơn giản, và quan hệ giữa ta với chúng chỉ còn mang mục đích thẩm mỹ. Tôi thích được tự đi bộ vào một khu rừng mùa thu hơn nhiều, so với bay trên khu rừng đó. Chính vì thế mà tấm hình tôi thích nhất trong series hình của Kowalski là tấm cánh rừng dương này. Cây cối đã trụi lá, vì thế nên chúng ta có thể nhìn xuống đến tận mặt đất, thấy những đường mòn đi xuyên qua khung hình, và dưới đó là một vài người đi bộ, dệt nên “hoa văn” của riêng họ trong tấm thảm lá màu đồng.
soi.com.vn
Related Posts Widget for Blogger

Không có nhận xét nào: