Hoàng Ngọc-Tuấn trích dịch
Nhân dịp nhà thơ Tomas Tranströmer được trao giải Nobel Văn Chương năm 2011, tôi tìm đọc những điều ông đã phát biểu về thơ. Dưới đây là một số đoạn trích từ một bài viết trên tờ Tulsa World và một cuộc phỏng vấn trên tờ Jurnal Toddopuli. (HN-T)
TOMAS TRANSTRÖMER (1931~)
NHÀ THƠ NÓI VỀ THƠ [II]
Đối với tôi, bài thơ tự nó có một ý định mãnh liệt là được viết ra. Khi tôi viết một bài thơ, tôi chẳng có kế hoạch gì cho lắm. Tôi không phải là người làm chủ tình huống. Rốt cuộc, dĩ nhiên, cần phải có sự thông minh và tay nghề chữ nghĩa để làm cho một tác phẩm thành hình. Nhưng vào lúc bắt đầu thì đúng ra nó là một sự giục giã. Không phải do ý muốn của tôi. Vì thế, viết là một dạng hợp tác giữa cái tôi có thể làm chủ và không thể làm chủ.
*
Những hình ảnh thường đến một cách tình cờ. Nhưng khi tôi làm việc với một hình ảnh, tôi cố gắng làm nó rõ ràng chừng nào tốt chừng ấy cho độc giả... Đôi khi một hình ảnh xuất hiện rõ nét chung quanh một tâm điểm cố định với những con chữ chính xác để diễn tả nó. Nhưng đôi khi nó đến như một hình ảnh vô ngôn và tôi phải đấu vật với những con chữ.
*
... Mọi thứ đều đến từ bên trong, từ tiềm thức. Đó là cái nguồn của mọi thứ. Tôi có nhiều phương tiện để đáp ứng với những gì tôi nhận được từ nội tâm, nhưng tôi không bao giờ bảo chính mình phải viết về một điều gì đó. Tôi đã thử làm điều ấy. Trong thời gian tôi làm việc như một tâm lý gia trong một nhà giam các phạm nhân trẻ tuổi, tôi đã muốn viết về kinh nghiệm ấy, tôi đã viết một bài thơ đầy tham vọng nhưng tôi không hài lòng về nó, về bài thơ sinh ra từ cái tham vọng ấy. Rốt cuộc, điều duy nhất tôi có thể chấp nhận là một vài câu đến từ bài thơ phi thực và đầy tham vọng về cuộc sống của những đứa con trai trong trại giam. Bài thơ có nhan đề là “Bên lề công việc”. “Trong khi đang bận rộn với công việc / chúng tôi bắt đầu khao khát dữ dội về những miền cây cỏ mênh mông / về cõi Hoang Dại — nơi chỉ bị đâm xuyên qua / bởi sự văn minh mỏng dính của những sợi dây điện thoại.” Chỉ có mấy câu thơ ấy là còn lại từ một bài thơ dài và đầy tham vọng về trại giam. Vì thế tôi không thể thực sự quyết định mình phải viết cái gì, nó phải tự đến.
*
Đối với tôi, viết một bài thơ thì chẳng bao giờ là điều dễ dàng, nhưng khi có thể viết được, thì đó là một thứ tâm trạng vui chơi nhưng đồng thời lại nghiêm túc. Bạn phải ở trong một thế quân bình giữa cái chơi đùa và cái tham vọng — rất khó có được sự quân bình này...
*
... Khi tôi xuất bản một cuốn sách mới, thì các nhà phê bình thường cho rằng nó giống như những cuốn trước kia hay bút pháp của tôi phát triển một cách chậm rãi. Họ tìm thấy một dòng liên tục. Họ nhìn cuốn sách đầu tay của tôi và tìm thấy cũng những điều tôi đã viết trong đó giờ đây lại tái xuất hiện. Nhưng đối với tôi, tôi thấy có một sự khác biệt to lớn.
*
... Thoạt tiên, tôi rất sợ dùng chữ “tôi”. Nhưng chữ “tôi” xuất hiện chút ít trong cuốn sách thứ nhì, và nó phát triển, và đó là một trong những sự khác biệt giữa những bài thơ trước kia của tôi và những bài thơ sau này của tôi — những bài ở thời kỳ sau này thì đầy những chữ “tôi”. Điều này không nhất thiết có nghĩa là những bài thơ trước kia có ít bản ngã, mà chỉ vì hồi ấy tôi đã cảm thấy mắc cở khi nói về chính mình. Thường thì tôi dùng chữ “hắn” trong “thời kỳ giữa.” (cười) “Khi hắn bước ra đường phố sau cuộc hẹn hò, không khí đang quay cuồng với tuyết” (bài “Cung Đô trưởng”). Chữ “hắn” đây là tôi, tất nhiên. Nhưng bây giờ thì tôi không ngần ngại nói chữ “tôi”. Nhưng trước kia tôi đã có cái tham vọng là không để cho mình quá hiển hiện trong thơ như một con người thật. Bây giờ thì tôi lại nghĩ dùng chữ “tôi” thì thành thật hơn. Nói cho cùng thì bạn đang viết từ kinh nghiệm của chính mình và đang viết để trình bày điều đó.
*
... Tôi nghĩ rằng ngay cả một người viết cô độc nhất cũng có trong ý nghĩ của mình một loại độc giả nào đó. Đó là một loại độc giả vô hình mà người viết không nhận ra, nhưng nó ở một nơi nào đó trong ý nghĩ của hắn, và tôi thường nghĩ rằng loại độc giả đó bao gồm những người bạn thân, những người tri kỷ. Nhưng tôi nghĩ, sau đó, nếu bạn trải qua cái kinh nghiệm tuyệt vời khi gặp gỡ với những nền văn hoá khác và tác phẩm của bạn được đọc ở ngoại quốc, thì những người ngoại quốc ấy trở thành một phần trong số độc giả của bạn, theo một cách có ảnh hưởng đến bạn.
*
Tôi có một cảm giác ngờ ngợ về việc dạy tác văn. Tôi không nghĩ một ông thầy có thể dạy cho bạn làm thơ. Ý tưởng này có cái gì là lạ. Điều mà một ông thầy có thể làm là tạo ra một bầu không khí trong đó các học sinh, vừa là bạn bè với nhau và vừa là những người phê bình rất sắc sảo, có thể có một mối giao lưu giúp cho việc phát triển bút pháp. Điều ấy đã xảy ra cho tôi khi tôi bắt đầu viết. Tôi có những người bạn cũng đang viết và chúng tôi giúp đỡ nhau rất nhiều, tôi nghĩ, bởi vì bạn cần một loại độc giả có thể nhìn vào tác phẩm của bạn một cách thân tình nhưng đồng thời cũng là một độc giả chứ không chỉ là bạn bè. Khi bạn bắt đầu viết, bạn quá chìm đắm vào những cảm hứng của riêng mình, bạn không thể hiểu được vì sao mà độc giả lại không thể có cái thái độ giống như bạn. Thế nên khi bạn gặp trực tiếp những độc giả và họ nói cho bạn biết những phản ứng của họ, thì điều đó tốt cho bạn. Vấn đề của sự viết là làm cái công việc từ bên trong ra ngoài. Nhưng cũng có vấn đề khác là mọi thứ đi vào văn bản phải được hiểu bởi một độc giả đến từ một thái độ hoàn toàn khác, với đôi mắt lạnh lùng và không có một chút cảm hứng nào cả. Và điều này hơi sốc một chút lúc ban đầu đối với một nhà thơ trẻ, vì bạn cứ tưởng rằng những người khác cũng có đầy cảm hứng như bạn. Và vì thế, bạn có thể học những điều như vậy từ một nhóm người vừa thân thiện, lại vừa khách quan. Nhưng bạn không thể học điều này từ một ông thầy, bởi vì ông thầy là một người có thẩm quyền, một người mà bạn phải nghe lời. Chính bạn bè là nơi mà bạn có thể học hỏi. Và công việc của ông thầy là tạo nên một bầu không khí cho điều này có thể xảy ra. Và gây cảm hứng cho toàn gánh xiếc. (cười)
[còn tiếp]
---------------------- Trích dịch từ: James Watts, “Prize has ‘special value’ to poet”, Tulsa World (6/8/1990), và Tam Lin Neville and Linda Horvath, “An Interview with Tomas Tranströmer”, Jurnal Toddopuli (6/10/2011). [Cuộc phỏng vấn này được thực hiện vào ngày 4/7/1989 tại Indianapolis, Hoa-kỳ.]
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét