David Damrosch
chuyển ngữ : Cao Việt Dũng
Người trông cửa nói: “Tại sao dám ra ngoài khi chưa được phép của ta?” rồi đánh tôi.
[4]
Tại làm sao ta lại có thể nói điều ác độc trong cuộc họp thần linh,
Trên những cành dương liễu
Trong gần như toàn bộ lịch sử được ghi lại, văn học không được viết ra bên trong một hệ thống toàn cầu thuần nhất. “Văn chương thế giới” từng mang rất nhiều nghĩa ở các phần khác nhau của quả địa cầu, và chỉ rất ít nhà văn thực sự có được độc giả trên toàn thế giới.
Ít nhất là trong suốt thế kỷ 18, phần lớn tác phẩm văn học lưu chuyển bên trong các địa hạt khá kín đáo, cho dù là được khuôn theo các khái niệm địa lý (thế giới Đông Á), các khái niệm chính trị (Đế chế La Mã), hay các khái niệm ngôn ngữ học (truyền thống Germain và truyền thống Romance). Mục đích của tôi trong tiểu luận này là bàn về một khái niệm thiếu vắng khỏi đa số thảo luận về văn học vùng và toàn cầu: vai trò quan yếu của các chữ viết [script] toàn cầu. Thường xuyên chỉ được nghĩ tới trong mối liên hệ với ngôn ngữ gốc hay hệ ngôn ngữ của chúng, các chữ viết đạt được đến tầm toàn cầu vượt rất xa khỏi nền tảng ngôn ngữ của chúng, với các hệ quả sâu sắc đối với văn học và văn hóa nói chung. Các bảng chữ cái và chữ viết dạng khác cho đến nay vẫn tiếp tục là những chỉ dẫn quan trọng của căn cước văn hóa, thường xuyên là những chiến địa cho độc lập hay liên-đốc lập. Một chữ viết toàn cầu tạo nên cơ sở cho một hệ thống văn học rộng lớn - cái mà chúng ta có thể gọi là một “thế giới chữ viết [scriptworld]” - trong đó các tác phẩm sử dụng chữ viết ấy được biên soạn nên.
Một thời điểm thời hiện đại mang tính biểu tượng của vai trò văn hóa-chính trị của các loại chữ viết là việc Kamal Atatürk, năm 1928, tách tiếng Thổ khỏi chữ viết Arập để tới với một chữ viết phái sinh từ Latinh, một phần trong nỗ lực của ông nhằm đưa nước Thổ Nhĩ Kỳ rời xa khỏi quá khứ Ottoman, Trung Đông, của mình và tiến đến một tương lai có tính cách châu Âu. Để trình diễn nỗ lực này như là một lời khẳng định ái quốc của một căn cước tự lựa chọn mới mẻ, đích thân Atatürk đã chụp ảnh mình đang dạy bảng chữ cái mới, với những lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ tung bay phía sau cái bảng đen để ngoài trời (hình 1). Những cuộc tranh đấu xung quanh các chữ viết ngày nay vẫn tiếp diễn tại nhiều vùng giáp ranh. Chechnya đã thay đổi chữ viết hai lần trong thế kỷ vừa qua. Sau một thời gian dài viết bằng các mẫu tự Arập, tiếng Chechnya chuyển sang chữ cái Cyrillic trong thời kỳ Liên Xô cai quản tại đây, rồi sang bảng chữ cái Latinh khi Chechnya giành được độc lập vào năm 1997. Người Berber ở Algeria và Morocco, chưa bao giờ hoàn toàn có được độc lập quốc gia, đã sử dụng bảng chữ cái Arập và Latinh trong các giai đoạn khác nhau - khi ngôn ngữ của họ không bị bãi bỏ hoàn toàn. Hiện nay, có một phong trào của những người Berber theo chủ nghĩa quốc gia nhằm thoát khỏi lựa chọn giữa hai bảng chữ cái ấy bằng cách làm sống lại chữ viết Tifinagh đã chết từ lâu, một loại chữ viết phái sinh từ ngôn ngữ tượng hình Ai Cập.
Thường xuyên quan trọng trong các chính sách văn hóa, các chữ viết từng có một tác động đặc biệt sâu rộng lên sản xuất và lưu hành văn học, không chỉ tại thế giới đang toàn cầu hóa ngày hôm nay mà trong toàn bộ lịch sử văn học. Điểm khởi xuất cho suy nghĩ của tôi về vấn đề chữ viết này là Trường ca Gilgamesh (The Epic of Gilgamesh), hoàn toàn có thể coi là tác phẩm thực thụ đầu tiên của văn học thế giới. Gilgamesh là văn bản văn học sớm nhất mà chúng ta biết có độ lưu chuyển rộng, xa hơn nhiều nguồn gốc Babylon của nó, và cũng là văn bản văn học sớm nhất mà chúng ta tìm lại được các bản dịch ra nhiều ngoại ngữ: những đoạn dịch từ bản gốc tiếng Akkadia đã được tìm thấy trong tiếng Hittite và tiếng Hurrian, và “bản gốc” này tự thân nó đã là một sự mô phỏng mở rộng một chuỗi bài ca Sumer cổ hơn. Trên thực tế, Gilgamesh dường như là tác phẩm văn học phổ biến nhất từng xuất hiện vào thời kỳ cổ ở Cận Đông; các văn bản đã được tìm thấy từ không dưới mười bốn địa điểm, không chỉ là xung quanh Lưỡng Hà mà còn cả ở Hattusa, thủ phủ Hittite giờ đây là Thổ Nhĩ Kỳ, và Megiddo, cách Jerusalem khoảng năm mươi dặm về phía Bắc.
Điều gây kinh ngạc là sự lưu chuyển của văn bản Lưỡng Hà nổi tiếng nhất này nằm gọn trong mức độ lan truyền của chữ viết dạng nêm [cuneiform]. Mọi phiên bản của Gilgamesh mà chúng ta có, trong bốn thứ tiếng và nhiều phương ngữ, đều được viết bằng chữ dạng nêm. Phân đoạn tìm thấy ở Megiddo gần như đã đến được địa điểm xa nhất trong không gian sử dụng chữ dạng nêm làm ngôn ngữ hằng ngày, nằm ở phía Nam bang Ugarit thuộc Syria, một địa điểm hội tụ của các nền văn hóa nơi cả chữ dạng nêm âm tiết [syllabic cuneiform] Akkadia lẫn chữ dạng nêm bảng chữ cái [alphabetic cuneiform] của địa phương đều được sử dụng. Mặc cho mức độ nổi tiếng của trường ca trong suốt hơn một nghìn năm sau khi nó được viết ra vào khoảng năm 1.600 tr.CN, không có bằng chứng nào cho thấy Gilgamesh từng được dịch sang một chữ viết không thuộc dạng nêm. Ở khía cạnh này nó là điển hình cho tất cả các văn bản văn học được viết bằng dạng chữ dạng nêm: chúng biến mất khi chữ dạng nêm thôi không còn được sử dụng nữa.
Cái tên Gilgamesh tiếp tục được biết đến ở một số nhà văn cổ Hy Lạp, và có vẻ như các nhà thơ thời Homer đều biết đến bài trường ca này, ít nhất là ở hình thức truyền miệng. Rất nhiều điều giống nhau đáng ngạc nhiên giữa Gilgamesh và Iliad và Odyssey cho thấy một sự gần gũi trực tiếp, được truyền đi qua ngả Anatolia hoặc một con đường khác, như M. L. West đã chỉ ra, qua các thương gia, các thực dân hoặc nhà thơ lang thang thạo hai ngôn ngữ ở Syria và Cyprus[1]. Tuy vậy, những tương đồng rất rõ ràng ấy cũng chỉ cho thấy Gilgamesh nhiều nhất là có được một cuộc sống khá mờ khuất ở Hy Lạp: rất có thể là những nhà thơ mù chữ thời Homer đã chuyển thể các yếu tố trong câu chuyện Gilgamesh sau khi được nghe đọc, dù rằng không trường đoạn hay thậm chí đoạn nào ở Homer có thể coi là kết quả việc dịch trực tiếp từ một trường đoạn hay một đoạn của Gilgamesh. Như A. R. George đã kết luận, sau khi xem xét bằng chứng về sự lưu truyền của bản trường ca bên ngoài các nguồn chữ viết dạng nêm, “Bản trường ca mà chúng ta biết chết đi cùng với hệ thống viết dạng nêm, gắn liền với đó là một bộ phận lớn của văn học chép tay không còn hữu dụng gì về mặt thực tiễn, khoa học hay tôn giáo trong một thế giới thiếu vắng chữ dạng nêm[2]. Các sự vụ chính trị và kinh tế có thể được ghi chép bằng chữ dạng nêm ngay cả bên ngoài các khu vực là địa điểm chính yếu của nó. Một lượng lớn tài liệu chữ dạng nêm tìm thấy ở Amarna, Bắc Ai Cập, chứng tỏ các pharaoh có các thư lại được đào tạo để đọc và viết tiếng Akkadia, Hittite, cũng như các thứ tiếng dạng nêm khác. Thế nhưng người ta chưa bao giờ tìm thấy được văn bản văn học tại Amarna. Có vẻ như là ở khắp vùng Cận Đông cổ đại, lời ca, thơ kể chuyện và câu chuyện bằng văn xuôi đều có được hình thức viết chủ yếu ở bên trong hệ thống chữ viết mà chúng được viết ra lần đầu tiên. Nếu quả đúng là như vậy, có lẽ sẽ đúng hơn nếu nói rằng Gilgamesh đã lưu chuyển quanh “thế giới chữ dạng nêm”, chứ không phải là trong một đơn vị nhỏ hơn là “thế giới Lưỡng Hà” hay đơn vị lớn hơn nhiều là “Cận Đông cổ đại”.
Vùng Cận Đông chứa đựng ba hệ thống văn học chủ yếu, mỗi hệ thống dựa trên một chữ viết hoặc hệ chữ viết khác nhau. Tách biệt với truyền thống dạng nêm còn có hệ thống chữ tượng hình Ai Cập, và nhiều xã hội dọc theo bờ biển phía Đông Địa Trung Hải chia sẻ một hệ thống bảng chữ cái Tây Semitic, gồm Hebrew, Aramaic, Ugarit bảng chữ cái [alphabetic Ugaritic], và Phoenicia. Những phân tách giữa các nhóm ấy hiếm khi nào ở dạng vững chắc; các thư lại thường xuyên có năng lực trong nhiều hơn một hệ thống, và các hệ thống bảng chữ cái trên thực tế được phái sinh từ một phiên bản chữ dạng nêm đã được đơn giản hóa cao độ. Ngay cả những chuyển hóa nhỏ nhặt cũng khiến cho lối viết chữ trông rất xa lạ, làm cho cái nhìn không quen thuộc phải nản chí; ίφ ϊ σίμπλη τρανσλίτερατε θις φράσε, con mắt của một người nói tiếng Anh hẳn trượt qua ngay bên cạnh các từ đó, ngay cả khi bảng chữ cái Latinh phái sinh theo lối trực tiếp từ tiếng Hy Lạp và tôi chỉ đơn giản là chuyển tự ngữ đoạn “nếu tôi chỉ đơn giản là chuyển tự ngữ đoạn”. Một người được dạy cho khoảng hai mươi ký hiệu của chữ dạng nêm bảng chữ cái sẽ không có cách nào đọc được sáu trăm ký hiệu của chữ dạng nêm âm tiết, chữ viết chuẩn được sử dụng cho văn học Sumer và Akkadia.
Văn học của các nhóm này có xu hướng ở yên trong các thế giới chữ viết của chúng. Có những liên hệ chặt chẽ giữa văn học Hebrew, văn học Aramaic và văn học Ugarit (không có chút văn học Phoenicia nào còn lại cho đến ngày nay, cho nên không thể biết được gì về các mối quan hệ), nhưng các liên hệ giữa chúng và các văn học dựa trên chữ dạng nêm thì xa xôi hơn nhiều. Văn học Ai Cập vẫn trú ngụ hoàn toàn trong chữ tượng hình, và chính vì vậy sau khi chữ tượng hình mất đi, cùng với đó là chữ của giới thầy tu phái sinh và các chữ viết bình dân, thì không bài thơ hay câu chuyện nào của Ai Cập còn lại nữa, ngay cả khi có nhiều cơ hội để tiếp xúc với những hệ thống khác. Diễm Ca trong Kinh Cựu Ước cho thấy nhiều điểm giống nhau chặt chẽ với thơ tình Ai Cập, và trường đoạn người vợ của Potiphar trong câu chuyện về Joseph là viết lại một truyện kể Ai Cập tên là “Truyện hai anh em”. Tuy nhiên, cũng như với các trường ca Homer và Gilgamesh, cái mà chúng ta tìm thấy là một sự vọng lại của các motif chứ không phải việc dịch và lưu giữ các văn bản nước ngoài ở dạng nguyên trạng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các công việc dịch văn học trực tiếp đôi khi đã được tiến hành giữa các hệ thống viết ở vùng Cận Đông, nhưng không bản dịch còn lại nào tương ứng được với các bản dịch chúng ta đã tìm thấy trong lĩnh vực tài liệu chính trị và kinh tế. Một số thành ngữ trong Kinh Thánh giống như là dịch từ các thành ngữ được cho là phát xuất từ các văn bản thông thái của Ai Cập, nhưng không có đoạn dài nào của các văn bản ấy còn lại ở trong Kinh Thánh. Sách Job rõ ràng là có một tiền thân trong một bài thơ Babylon có cái tên “Thần đức luận ở Babylon”, trong đó một người bất hạnh chán nản than phiền rằng các vị thần đối xử bất công với mình, trong khi lại tưởng thưởng cho những kẻ xấu; những lời than phiền của ông ta xen kẽ với những hồi đáp của một người bạn đang gắng sức động viên ông ta và biện minh cho thần linh. Thế nhưng bài thơ chỉ là một cảm hứng chung chung cho tác giả Sách Job, tác phẩm không hề dịch hay thậm chí là diễn giải lại một cách trực tiếp bất kỳ đoạn nào trong bài thơ và tác phẩm cũng khác hẳn bài thơ ở các khía cạnh hình thức. Bài thơ Babylon gồm hai mươi bảy khổ thơ, mỗi khổ gồm mười một dòng thơ theo luật, liên tục chuyển lời giữa người bất hạnh và người bạn của ông ta, còn Sách Job sử dụng một câu chuyện văn xuôi cũ làm truyện nền và triển khai lập luận qua các phát ngôn dài, hình thức tự do, của nhiều người phát ngôn khác nhau. Như vậy là nhìn chung, có vẻ như là mỗi hệ thống viết tạo nên một đường ranh giới quan trọng chống lại sự lưu chuyển văn học - không nghi ngờ gì nữa thường xuyên là một lớp màng cho phép thẩm thấu qua lại, nhưng dẫu sao vẫn là một đường ranh giới, thậm chí là một thanh chắn.
Ngược hẳn lại, như sự phân phối rất ấn tượng của Gilgamesh cho thấy, một hệ thống viết rộng rãi có thể xâm nhập các đường ranh giới của các loại khác, tạo thuận lợi cho việc đưa tác phẩm vào một vùng đất mới và thậm chí một ngôn ngữ mới. Một chữ viết cũng có các hiệu ứng tuy nhỏ nhưng sâu rộng lên những gì được viết ra để khởi đầu. Các chữ viết có thể minh họa cho giả thuyết kinh điển Sapir-Whorf, tốt hơn nhiều so với ngôn ngữ: các hệ thống viết, một cách sâu sắc, tạo hình cho thế giới tinh thần của những người sử dụng chúng, không phải vì các lý do thuộc về bản thể đặt nền tảng cho bản thân hệ thống ký hiệu mà bởi vì các chữ viết không bao giờ được thu nhận ở trong chân không. Thay vì vậy, một hệ thống viết thường là trung tâm của một chương trình giáo dục và việc làm, và thông qua việc học một chữ viết người ta hấp thụ các yếu tố quan yếu của một lịch sử văn học rộng lớn: các dẫn chiếu của nó, những thói quen về phong cách, và thi học, thường xuyên siêu vượt cùng những cái đó của bất kỳ ngôn ngữ hay đất nước nào.
Cả ở đây nữa, chữ dạng nêm cung cấp một trường hợp mẫu mực và dồi dào tài liệu. Được phát triển bởi thực dân Sumer thuở xa xưa tại miền Nam Lưỡng Hà, nó nhanh chóng được sử dụng bởi những người hàng xóm nói tiếng Akkadia đông hơn nhiều của họ. Khi họ bắt đầu ghi lại các văn bản dài ngoài những lời cầu nguyện, điều khoản tài chính, và các biên niên sử ngắn, người Sumer đã bị hấp thụ vào văn hóa Akkadia về mặt chính trị và xã hội. Thế nhưng tiếng Sumer vẫn có được uy thế rất lớn với tư cách là trung gian về mặt văn học, tôn giáo, và triết học. Trong thiên kỷ thứ hai và nửa đầu thiên kỷ thứ nhất tr.CN, học sinh được học cả hai thứ tiếng, dù có thích hay không. Một học sinh đã than vãn bằng tiếng Sumer trong một bài tập làm văn Babylon:
Người trông nước nói: “Tại sao dám tự lấy nước khi chưa được phép của ta?” rồi đánh tôi.
Người Sumer nói: “Mi nói tiếng Akkadia!” rồi đánh tôi.
Khó khăn rất lớn trong việc để học chữ dạng nêm âm tiết, với hàng trăm tập hợp dấu hiệu nhỏ li ti, dĩ nhiên khiến cho một thư lại ít còn muốn đọc rộng ra những gì nằm bên ngoài chữ viết ấy, và chắc chắn điều đó cũng làm nản lòng những người ở bên ngoài - ngày nay vẫn vậy - trong việc lấy học chữ dạng nêm làm vui. Ngay cả hệ thống chữ tượng hình Ai Cập, phần lớn bản chất là mang tính ngữ âm và dễ dàng hơn nhiều đối với mắt nhìn, vẫn làm người ta không muốn học. “Trái tim mi còn ngu đần hơn một cái cột”, một thầy giáo Ai Cập mắng học sinh; “Dù cho ta có đánh mi bằng đủ mọi thứ roi, thì mi cũng vẫn không chịu nghe… Dù cho cả ngày ta có nói với mi: ‘Viết đi’, thì cái đó với mi vẫn cứ giống như là một thứ bệnh dịch. Viết” - thầy giáo khẳng định như đinh đóng cột - “thích lắm!”
[4]
Rất giống một người không phải bản xứ ngày nay học tiếng Anh hay tiếng Nhật “thương mại” ở mức độ tối thiểu cho các mục đích buôn bán, nhiều thư lại hồi đó hẳn cũng làm chủ được đủ số lượng chữ dạng nêm để viết các loại chứng từ, nhưng họ không bao giờ có đủ khả năng để xâm nhập thế giới văn học phong phú của các văn bản phức tạp bằng chữ dạng nêm hoặc chữ tượng hình. Tuy nhiên, một số ít ỏi thành công trong việc qua được giai đoạn học tập thì sẽ sở hữu một hiểu biết hiếm có và quý giá, và có vẻ như họ không mấy quan tâm tới văn học của các xã hội nhỏ hơn và nghèo hơn, những xã hội sử dụng các chữ viết thuộc dạng bảng chữ cái. Tính chất đơn giản quá mức của các chữ viết thuộc dạng bảng chữ cái, nền tảng cho phép chúng sau này giành thắng lợi trước chữ dạng nêm và chữ tượng hình, có khả năng chỉ là dấu hiệu cho thấy mức độ tinh tế kém cỏi và quyền năng biểu hiện yếu ớt trong mắt người thư lại có học Ai Cập hoặc Babylon. Chữ dạng nêm không chỉ có uy tín về văn học: không khác gì tiếng Latinh ở giai đoạn đầu của thời hiện đại châu Âu, nó có giá trị chính trị, với tư cách là một thứ ngôn ngữ thượng lưu, chỉ những người được hưởng giáo dục sâu sắc và có vị trí xã hội cao mới có được, tính chất phức tạp của nó chính là tấm khiên chặn trước cái nhìn của người bình dân. Quãng năm 710 tr.CN, khi một viên quan đầu tỉnh hỏi Sargon II của Assyria liệu mình có được phép dùng tiếng Aramaic thuận tiện hơn hay không, Sargon đã thẳng thừng quở mắng như sau: “[Theo như những gì ngươi viết]:… ‘nếu chuyện này là chấp nhận được đối với nhà vua, thì xin cho tôi viết và gửi thư của tôi tới nhà vua bằng các mảnh da dê viết chữ Aramaic’ - tại sao ngươi không viết và gửi thư cho ta bằng tiếng Akkadia được? Thư của ngươi phải được viết như thế - định lệ là thế rồi!”[5]
. Thành thạo hai thứ ngôn ngữ nhưng chỉ thành thạo một loại chữ viết, các thư lại Babylon được tùy ý chuyển dịch giữa tiếng Sumer và tiếng Akkadia, và khi tiếng Akkadia trở thành thông ngữ ở khắp vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu, thư lại trong vùng đã phát triển những năng lực đa ngôn ngữ dựa trên một chữ viết duy nhất. Văn hóa thư lại dựa trên chữ dạng nêm tạo ra một sự liên kết mạnh mẽ giữa các vương quốc Babylon, Assyria và Hittite, với các vị vua thường xuyên đe dọa lẫn nhau. Kết quả là, ngay cả khi Lưỡng Hà và vùng Trăng Khuyết Phì Nhiêu rộng lớn hơn bị chia nhỏ về mặt chính trị dưới nhiều chế độ khác nhau, thì vẫn là rất chính xác nếu nói tới, bằng ngôn từ văn học, một “thế giới chữ dạng nêm” duy nhất.
Đó là một thế giới mà không phải bất kỳ ai cũng muốn gia nhập. Khi chữ dạng nêm mở rộng tầm với của nó, một số nền văn hóa đã chọn cách kháng cự lại sự hấp thụ, bằng việc phát triển hoặc gìn giữ một chữ viết của địa phương. Yếu tố kháng cự trước một hiểm họa hoặc bá quyền này có thể giúp ta giải thích được tại sao lại tìm được ít bằng chứng như vậy về việc dịch thuật trực tiếp từ một thế giới chữ viết này sang một thế giới khác tại Cận Đông cổ đại: các nhà văn thích chuyển thể, nhại, hay thậm chí là cố tình dịch sai đi các chất liệu mà họ đọc được trong một loại chữ viết không được mong muốn. Chẳng hạn, trong Kinh Thánh, các tác giả chuyển thể những văn bản của Babylon bằng một cách thức viết lại hoặc chuyển dịch sai lệch rất đáng tranh cãi thay vì bằng những cách thức dịch và chuyển thể trung thành vốn rất phổ biến trong chính bản thân thế giới của chữ dạng nêm.
Câu chuyện trong Kinh Thánh về Hồng Thủy vô cùng giống câu chuyện về lụt lội được kể cho Gilgamesh bởi người tổ tiên Uta-napishtim trong bản văn thứ mười một của Gilgamesh, và, căn cứ vào mức độ phân phối rộng rãi của nó, hoàn toàn là có thể các tác giả người Do Thái đã biết đến trường ca này. Mặt khác, cả hai câu chuyện đều có thể là phái sinh từ cùng một nguồn Babylon, Trường ca Atrahasis. Thế nhưng cũng như những tiếng vọng của Gilgamesh ở Homer, mối quan hệ với Kinh Thánh không phải ở phương diện dịch thuật mà là một công việc kể lại chuyện rất hiển nhiên từ một viễn tượng rất khác biệt. Kinh Thánh đặt gánh nặng đạo đức lên con người tội lỗi, trong khi các tác phẩm Babylon lại gán nó cho các vị thần tâm tính thất thường. Bị loài người ồn ã quấy rầy trong khi đang ngủ, các vị thần bực bội đã quyết định thổi bay họ khỏi bề mặt trái đất để rồi sau đó kinh hoàng nhận ra điều ác độc họ đã bung ra. Belet-ili, nữ thần đã gây ra vụ lụt lội, gào thét trong niềm nuối tiếc cay đắng:
để tuyên chiến tuyệt diệt người của ta?
Chính ta đã sinh ra, những người đó là của ta!
Thế mà giờ đây, họ đã đầy tràn đại dương, như những con cá!
(Trường ca Gilgamesh, 92)
Kinh Thánh loại bỏ quan niệm của người Babylon về một triều đình thần thánh gồm nhiều vị thần, với các thành viên mang đầy đủ các xung năng và phán đoán lầm lẫn hoàn toàn như con người, chính vì vậy mà câu chuyện Noah chỉ có thể được kể từ một quan điểm hoàn toàn khác biệt. Mặc dù bề ngoài có vẻ như là lấy lại các đường nét của câu chuyện về Hồng Thủy và nhiều chi tiết từ những văn bản cổ hơn, các tác giả Kinh Thánh đã lộn ngược câu chuyện - và họ kể bằng văn xuôi thay vì bằng thơ, một sự thay đổi khiến cho người ta không thể nói đến một công việc dịch thuật đúng nghĩa được nữa.
Sách Job cũng có nguồn gốc Babylon, và chúng ta có thể trông chờ nó có một mối quan hệ ít tính gây tranh cãi hơn. Dù sao thì Sách Job cũng có ít tính chất chính thống hơn là sách Sáng Thế Ký: các nhân vật của nó thậm chí còn không được mặc định là người Do Thái, và nó đặt ra câu hỏi gây bối rối về sự công bằng của Thượng đế. Thế nhưng cả nó cũng tách biệt rất rõ rệt khỏi những gì có trong nguồn gốc của nó, “Thần đức luận ở Babylon”. Bài thơ Babylon bày ra một tính chất chính thống trong chính bản thân nó, được ghi vào chính hình thức bài thơ, theo thể thơ acrostic [các chữ cái mở đầu câu ghép lại có nghĩa] mở rộng. Ở trong mỗi khổ của hai mươi bảy khổ thơ, các đoạn mười một dòng đều bắt đầu bằng cùng một ký hiệu (hình 2). Cùng nhau, hai mươi bảy ký hiệu lại tạo nên một câu văn mang tính chất tôn giáo và chính trị: a-na-ku sa-ag-gi-il-ki-i-nam-ub-bi-ib, ma-aš-ma-šu, ka-ri-bu ša i-li ú ša-ar-ri, “Ta là Saggil-kinam-ubbib, thầy tu niệm thần chú, người kính ngưỡng các vị thần và đức vua”[6]
. Hoàn toàn không phải là một bản dịch, Sách Job phá tan nguồn của nó cả về mặt hình thức lẫn ý tưởng; chỉ cần đặt các văn bản cạnh nhau là sẽ thấy một hiện tượng không phải là không giống với việc đặt kề nhau Chờ Godot (En attendant Godot) của Beckett và “Về sự mù lòa của Người” (On His Blindness) của Milton, khác biệt về niềm tin khó nhọc lắm mới có được, đến mức “cả họ nữa, chỉ đứng đó chờ thôi cũng đã hữu dụng lắm rồi”.
Do vậy, mối quan hệ chung của Kinh Thánh với các nguồn Akkadia của nó là ở một khoảng cách dè dặt, từ đó dẫn tới những chuyển hóa nền tảng và việc cố tình chuyển dịch sai lệch. Chẳng hạn, trong Sáng Thế Ký, tác giả tuyên bố rằng Babylon có tên như vậy là xuất phát từ balal, nghĩa là “trộn lẫn” trong tiếng Hebrew (11:9). Cách nói mỉa mai mạnh mẽ hướng vào những người láng giềng thích đàn áp, đa thần và nhiều khi thống trị này đã lờ đi sự phái sinh rất hiển nhiên của “Babylon” từ Akkadian bab-ilī “cửa Chúa”, nhắc tới vị chúa bảo trợ của Babylon, Marduk, người có ngôi đền thờ ngự trị cả thành phố. Ít rực rỡ hơn các tác giả sáng tạo ra Yahwe, những tác giả tu sĩ viết ra Sáng Thế Ký 1 cũng nhất quyết tránh một liên hệ mang tính chất dịch thuật rõ ràng giữa văn hóa Hebrew và văn hóa Babylon: khi Chúa tạo ra mặt trời và mặt trăng, văn bản chối từ việc đặt cho chúng những cái tên Hebrew đơn thuần, shemesh và yareah, thay vào đó nó lại rất mưu mẹo nói tới ma’or gadol và ma’or katin (ánh sáng lớn, ánh sáng nhỏ) [1:14-18]). Nhờ cách thức này mà các tác giả tu sĩ tránh được việc phải nêu tên vị thần mặt trời của Babylon, Shamash, hay mặt trăng thần thánh (irihu trong tiếng Akkadia, cùng gốc với từ yareah trong tiếng Hebrew). Toàn bộ câu chuyện về Tháp Babel, có dáng dấp của một câu chuyện đầy bi thảm về mất mát ngôn ngữ và bị tước đoạt quyền sở hữu, còn có thể có một giá trị gần như ngược hẳn lại nữa: đó là một câu chuyện về sự kháng cự, một chứng tích về việc làm thế nào mà tiếng Akkadia đánh mất cái đặc điểm được nói bởi bất kỳ ai, mà nguyên do là tính kiêu ngạo nghịch đạo của Babylon.
Trong quãng thời gian sống lưu vong dài dằng dặc ở Babylon, và thời kỳ còn dài hơn của sự rực rỡ của chữ dạng nêm ở rất nhiều vùng thuộc Cận Đông, các thư lại Do Thái đã cố tình chọn làm phong phú cho văn hóa của mình không chỉ bằng cách gìn giữ ngôn ngữ, mà còn bằng cách từ chối chuyển sang chữ viết phổ biến của các nền văn hóa mạnh hơn nằm ở phía Bắc và phía Đông, cũng như loại chữ tượng hình tuyệt diệu của vương quốc Ai Cập. Khi tác giả thánh vịnh hát về những người Do Thái treo đàn lia của mình trên những cây liễu al naharoth Bavel, “trên bờ sông Babylon” vì quá buồn không sao hát nổi, cảnh này không chỉ diễn tả nỗi buồn, lại càng không diễn tả sự bất lực trong việc hát, vốn được thể hiện ở một số trong những vần thơ xúc động nhất của Kinh Thánh. Mà, cảnh này miêu tả người Do Thái ương ngạnh chối từ hát cho các ông chủ nước ngoài của mình nghe:
ta tạm gác cây đàn
Bọn lính canh đòi ta hát xướng,
lũ cướp này mời gượng vui lên:
"Hát đi, hát thử xem
Zion nhạc thánh điệu quen một bài!”
Bài ca kính CHÚA TRỜI, làm sao ta hát nổi
nơi đất khách quê người?
(Tv. 137:2-4)
Ở dòng đỉnh điểm này, eik nashir et-shir-Adonai al admath nekhar? từ nekhar, “đất khách quê người” đã được lựa chọn rất thích hợp cho khung cảnh Babylon: nó có chung nguồn với từ nakarum trong tiếng Akkadia, “kẻ thù” hoặc “nổi loạn”. Tác giả thánh vịnh kết thúc bằng một lời kêu gọi trắng trợn sự trả thù chống lại những tên chủ bị căm ghét: “Phúc thay người bắt những con thơ của mi/mà đem đập vào đá!” (Tv. 137:9). Mặc dù những dòng đó trỏ vào những kẻ giam cầm người Do Thái, chắc chắn là tác giả thánh vịnh không hề muốn có người Babylon nào nắm bắt được thông điệp này. Không nghi ngờ gì nữa, người Do Thái sẽ không hát điều gì giống như vậy cho người Babylon nghe - và cũng không nghi ngờ gì nữa, họ gắn bó chặt chẽ với chữ viết hoang sơ của mình, thêm một tấm lá chắn ngăn chặn những cái nhìn do thám.
Trong Sách Daniel, chữ viết nước ngoài đã ngăn không cho vị vua quỷ dữ Belshazzar hiểu được khi Chúa viết lời phán quyết trừng trị lên tường. Dĩ nhiên là bản thân Belshazzar không có khả năng hiểu được (các vị quân vương Cận Đông hiếm khi nào chịu bỏ công học tập), nhưng khi ông ta triệu tập các nhà thông thái của mình đến nhằm giải thích những gì đã viết ra, thì họ cũng không hiểu được. Đoạn này trong Sách Daniel được viết bằng tiếng Aramaic, một thứ ngôn ngữ được nói rất rộng rãi khắp vùng Lưỡng Hà thời Belshazzar, và các từ Aramaic mà Chúa dùng (mene, tekel, parsin) cũng có cùng gốc trong tiếng Akkadia. Nhưng những từ thông dụng này không có nghĩa gì với người Babylon, những người bị tác giả Kinh Thánh miêu tả là dốt nát ở bên ngoài biên giới chữ viết mà họ thích. Quả thực, các nhà thông thái không sao đọc được những từ ấy: “Lúc đó, tất cả các nhà thông thái của vua tiến vào, nhưng họ chẳng đọc được hàng chữ ấy, cũng không giải thích nổi cho vua hiểu. Bấy giờ vua Belshazzar hết sức bàng hoàng, mặt vua biến sắc. Các đại thần cũng hốt hoảng” (Dan. 5:8-9). Nhà vua buộc lòng phải triệu tập Daniel trẻ tuổi người Do Thái đang bị giam cầm, người có thể đọc được các từ và giải thích cho nhà vua định mệnh đang chờ đợi ông ta. Với sự mỉa mai thần thánh, Chúa đã đưa ra một lời chào mời với Belshazzar mà ông ta không thể chối từ trong một thứ chữ viết mà ông ta không thể hiểu.
Trường hợp chữ dạng nêm và các đối thủ Cận Đông của nó từ thời xa xưa cho thấy một dạng thức có thể tìm thấy trong sự lan truyền của các ngôn ngữ toàn cầu cao độ hơn kể từ đó: khía cạnh tiên phong của một ngôn ngữ toàn cầu là chữ viết mang tính toàn cầu hóa của nó, cái có thể vượt rất xa so với mức độ lan truyền của bản thân thứ ngôn ngữ ấy. Một khi đã được lựa chọn, một chữ viết toàn cầu thường vận hành theo hai cách thức khá khác nhau trong cùng một lúc. Một mặt, công nghệ viết mới trở thành một lực rất mạnh cho sự cố kết văn hóa tại lãnh thổ nơi nó được lựa chọn, vì nó cung cấp một học vấn chung cho những nhóm khác biệt nhau về chữ viết hoặc không có chữ viết. Chẳng hạn, bằng cách áp dụng mẫu tự Latinh tại Tân Tây Ban Nha thuộc địa, người Mexica, Zapotec và Maya có được một hệ thống chữ viết chung dễ học và dễ dùng hơn nhiều so với các hệ thống chữ tượng hình không tương thích lẫn nhau của họ. Họ có thể học và nắm được ngôn ngữ của nhau nhanh chóng hơn, và theo thời gian số lượng người biết đọc biết viết đã vượt hẳn ra ngoài các giới thượng lưu làm chủ được các thứ tiếng tượng hình cũ. Mặt khác, các chữ viết phức tạp hơn cũng có những lợi thế riêng của mình. Sự hợp nhất văn hóa và chính trị thời xa xưa ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc áp dụng rộng rãi chữ tượng ý do người Shang phát triển dọc theo sông Hoàng Hà trong thiên kỷ hai tr.CN. Trên nền tảng không có tính chất ngữ âm, các ký tự tiếng Trung có thể được sử dụng bởi các tộc người thuộc nhiều ngôn ngữ rất khác nhau hay các phương ngữ không thể hiểu nhau, chẳng hạn như tiếng Quảng Đông ở miền Nam và tiếng Hồi Hột ở phía Tây, cách rất xa cứ địa nói tiếng Quan thoại của hệ thống. Qua nhiều thế kỷ Trung Quốc đã có được một chữ viết quốc gia chứ không phải một ngôn ngữ quốc gia.
Đôi khi các nhóm địa phương chào đón một chữ viết ngoại nhập có nhiều sức mạnh, nhưng kể từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại trở đi các tộc người bản địa thường xuyên có lý do để đề phòng người Hy Lạp mang tiếng Hy Lạp đến cho họ. Ngay cả khi món quà tặng chỉ là một bảng mẫu tự chứ không phải sự ấn định hoàn bị của một ngôn ngữ ngoại nhập, thì món quà ấy cũng đến cùng với cả một loạt thứ liên quan đi kèm theo. Khi Thánh Cyril biến thể chữ Hy Lạp để tạo ra bảng mẫu tự Cyrillic sẽ hiện diện đều khắp tại nhiều nước Slave, chắc chắn là bảng mẫu tự mới rất hữu dụng đối với các mục tiêu mang tính địa phương, nhưng đồng thời cũng cung cấp một đường dẫn mạnh mẽ cho những gì liên quan đến Kinh Thánh - sự chú tâm trực tiếp của Cyril - và khuyến khích một mối liên hệ rộng lớn hơn với nền văn hóa Chính thống Hy Lạp. Tiếng Cyrillic vừa làm cho các ngôn ngữ Slave trở nên hữu hình vừa nhốt chúng vào bên trong một số giới hạn. “Trong khi dân Slave bao vây Constantinople vào năm 860”, nhà văn người Serbia, Milorad Pavić, viết trong Từ điển Khazar, Cyril “trong tịch thất Olympus tại Tiểu Á của mình lập một cái bẫy cho họ - ông sáng tạo ra những mẫu tự đầu tiên của bảng chữ cái Slave. Ông khởi sự bằng các chữ nét tròn, nhưng tiếng Slave hoang dã đến nỗi mực không thể giữ được nó, vậy nên ông tạo ra một bảng chữ cái thứ hai gồm các mẫu tự có đường vạch và nhốt thứ ngôn ngữ bất trị vào trong chúng như một con chim”. Để nhét được ngôn ngữ Slave vào cái lồng chữ viết của họ, Cyril và người anh em Methodius của ông “đã đập nó ra thành các mảnh, nhét vào miệng họ qua các đường vạch trong những chữ cái của Cyril, rồi nhào trộn các mảnh cùng nước bọt của họ và đất sét Hy Lạp bên dưới lòng bàn chân của họ”[7]. Vậy là thoạt tiên ngôn ngữ Slave bị nhét vào trong lồng rồi sau đó được tạo hình cùng “đất sét Hy Lạp”.
Pavić vô cùng nghiêm túc khi miêu tả tiếng Cyrillic như là một hiện thân của bạo lực. Cuốn tiểu thuyết của ông được ấn hành bằng chữ Cyrillic trong những năm chế độ Tito suy tàn, bằng thứ ngôn ngữ khi ấy còn được biết đến dưới danh xưng Serbia-Croatia. Khi Nam Tư tan rã sau cái chết của Tito, Serbia tách khỏi Croatia và ngôn ngữ bị xé lẻ. Tiếng Serbia và tiếng Croatia từng gần như không thể phân biệt với nhau ngoại trừ ở chữ viết (tiếng Serbia dùng Cyrillic, tiếng Croatia dùng mẫu tự Latinh một cách điển hình), nhưng giờ đây chúng được tuyên bố là các ngôn ngữ tách biệt hẳn khỏi nhau, và Pavić đã nắm lấy cơ hội ấy để cho “dịch” cuốn sách của ông sang mẫu tự Latinh. Mặc dù đối với phần lớn cuốn sách chỉ cần thực hiện một chuyển dịch đơn giản, bởi Từ điển được sắp xếp theo thứ tự chữ cái, thành ra phiên bản mới phải có một trật tự mục từ mới, quá trình đọc như vậy cũng phải thay đổi. Хазарски Речник của Pavić trong chữ Cyrillic bị biến thành Hazarski Rečnik, gần như từ nào cũng giống như trong bản gốc nhưng gần như chữ nào cũng bị thay đổi.
Trong và về bản thân chúng, các chữ viết chuyên chở rất ít nội dung văn hóa, nhưng chúng không bao giờ có thể được học “trong bản thân chúng” một cách đơn giản. Thường thì một chữ viết mới được sử dụng để chuyên chở trước hết một văn bản thiêng liêng rồi đến một tổng thể các giá trị, sự thừa nhận và truyền thống. Chúng nhanh chóng gộp luôn cả các câu chuyện và thơ ca thế tục cũng như tôn giáo, thế nên ngay cả loại viết cấu tạo nên từ ngôn ngữ bản địa cũng nằm ở trong hoàn cảnh đối thoại với những truyền thống tôn giáo và văn học tiếp theo bước chân của chữ viết.
Vậy nên sẽ là không đầy đủ nếu nói về ngôn ngữ mà chỉ nghĩ tới “thời Trung cổ Latinh” hoặc tiếng Arập toàn cầu. Những ngôn ngữ ấy tồn tại trong một không gian mờ tối của các chữ viết còn có tính toàn cầu lớn hơn đi cùng với chúng và mở rộng ra bên ngoài chúng. Thường thì thứ tiếng “chủ nhà” của một chữ viết nhập khẩu được học và được viết bởi cùng những người sẽ dùng chữ viết đó để tạo ra tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ của họ, giống như khi những người nói tiếng Akkadia được truyền thụ bằng tiếng Sumer như là một phần của công cuộc đào tạo thư lại, hoặc là khi các thi sĩ Nhật Bản thời Trung đại sáng tác thơ bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nhật. Các tác phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ của những nhà thơ thạo hai ngôn ngữ đó như thể ngấm sâu trộn vào với các giá trị rút ra từ thứ tiếng nước ngoài mà họ cũng đồng thời sử dụng. Nhưng ngay cả những nhà văn chỉ sử dụng chữ viết mới cho sáng tác bản địa của họ cũng thường xuyên thể hiện một nhận thức sâu sắc về nền văn hóa đã mang chữ viết tới, đôi khi chiếm hữu những câu chuyện của nó, đôi khi nhạo hoặc phản đối chúng, và rất thường xuyên làm cả hai việc cùng một lúc.
Có thể tìm thấy nhiều ví dụ hay về mối quan hệ phức tạp này tại Iceland, đất nước đã tạo ra một trong những văn học tiếng mẹ đẻ phong phú nhất ở châu Âu thời Trung cổ. Bằng cách cải đạo sang Kitô giáo và song song với đó là thực hiện một bước chuyển từ chữ run [rune] sang bảng mẫu tự Latinh, người Iceland thế kỷ 11 tạo ra nền tảng cho việc viết bằng tiếng mẹ đẻ dồi dào của các saga và thơ ca skald trong ba thế kỷ tiếp theo. Thỉnh thoảng người Iceland viết bằng tiếng Latinh, thường là cho các mục đích tôn giáo; thỉnh thoảng họ dịch truyện (romance) của Pháp sang tiếng Iceland; nhưng thường xuyên hơn, họ viết những bài thơ và câu chuyện của mình bằng tiếng Iceland, dùng một phiên bản của bảng mẫu tự Latinh chuyển thể cho tiếng địa phương. Các saga miền Bắc không thuộc vào văn học Latinh, nhưng chúng vẫn có nhiều khía cạnh thuộc vào thế giới chữ viết Latinh.
Có thể tìm được trong các văn bản Nauy một sự định hướng tinh tế nhưng sâu rộng của truyền thuyết địa phương hướng về các truyền thống Kitô giáo và cổ điển, nơi người ta ít chờ đợi nhất, chẳng hạn như trong Prose Edda của Snorri Sturluson (khoảng 1240). Snorri nói ông đã tập hợp chúng, bản tóm tắt thời Trung cổ đầy đủ nhất của các huyền thoại Germain đa thần, làm một nguồn cung cấp các điển cố và hình thái thơ ca. Ông rất quan tâm đến việc các nhà thơ trẻ biết được những câu chuyện đằng sau các tính ngữ và ẩn dụ vẫn được dùng trong thơ ca skald theo truyền thống, xuất phát từ nỗi lo sợ ngôn ngữ thơ ca cổ sẽ chết đi. Và trong lời tựa của mình ông không chỉ giới thiệu các huyền thoại như một danh mục thơ ca; thay vào đó, ông nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa các vị thần phương Bắc và lịch sử cổ điển, coi các vị thần đó là những vị anh hùng truyền thuyết sau này được coi là thần và thậm chí còn thực hiện các phân tích ngôn ngữ học nhằm kết nối họ với Troy:
Gần trung tâm thế giới tại nơi chúng ta gọi là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, thành Troy được dựng lên, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất trong số mọi cung điện thành quách… Một trong các vị vua tên là Múnón hoặc Mennón. Ông lấy con gái của đại thủ lĩnh Priam biệt danh Tróán, hai người có một con trai đặt tên là Trór - chúng ta gọi là Thór… chàng đi rất xa để khám phá mọi vùng đất trên thế gian, tự mình vượt qua mọi kẻ hung dữ, mọi kẻ khổng lồ cùng một con chằn to lớn và rất nhiều con thú hoang[8].
Sau khi cho Priam có một đứa con trai tên là Tróán (có lẽ là phái sinh từ Troas, vùng Troy), Snorri cho Tróán có một đứa con trai mà ông đặt cho cái tên mang đuôi “r” đặc trưng của Nauy. Sau đó Snorri chỉ làm một việc là thay thế mẫu tự “þ” vào mẫu tự “tr” ở đầu để biến Tror thành vị thần miền Bắc Thór. Snorri cho biết hậu duệ của Thór là Óðin đi lên miền Bắc cùng gia đình mình, bắt đầu cai trị tại Đức rồi tại Thụy Điển: “Tại đó ngài chỉ định các thủ lĩnh theo cách thức ở Troy”. Thậm chí Snorri còn tuyên bố cái tên chung của các vị thần miền Bắc, Æsir, phái sinh từ tên quê hương họ, Asia (27).
Iceland cung cấp cho chúng ta một trường hợp rất thú vị về một đất nước chọn cách bước vào một thế giới chữ viết với tư cách một quốc gia độc lập, và tiến trình được ghi chép lại khá đầy đủ, ngay vào thời điểm ấy. Vào thế kỷ 12 và thế kỷ 13, các học giả Iceland đã có nhiều thử nghiệm về bảng chữ cái, áp dụng nó vào các âm Nauy và lý thuyết hóa mối quan hệ giữa nói và viết. Thật vậy, phần lớn bản thảo viết tay còn lại của Prose Edda đều gắn liền với một hay nhiều khảo luận về ngữ pháp; Codex Wormianus bao gồm không ít hơn bốn khảo luận trong đó, ngày nay được biết đến dưới dạng tên sáng tạo: Khảo luận Ngữ pháp Thứ nhất, Thứ hai, Thứ ba và Thứ tư. Tác giả của Khảo luận Ngữ pháp Thứ hai trình bày một sự tương tự với âm nhạc ở chữ viết của ông ta, mời gọi độc giả chơi các âm thanh trên biểu đồ của ông ta như thể nó là một thứ nhạc cụ: “Miệng và lưỡi là sân chơi của các từ. Trên cái sân ấy nổi lên các mẫu tự cấu thành nên toàn bộ ngôn ngữ, và ngôn ngữ gảy một số trong đó giống như những sợi dây đàn harp, hay giống như bấm các phím của đàn simphonie” (hình 3)[9]. (Mới được du nhập từ Pháp, simphonie là một loại nhạc cụ có dây, các dây có phím ngăn cách để tạo ra các nốt nhất định.) Nhà ngữ pháp học giới thiệu biểu đồ nguyên âm và phụ âm của ông ta như một dạng bàn phím:
Ở đây có mười một nguyên âm xếp theo chiều ngang và hai mươi phụ âm xếp theo chiều dọc; các phụ âm được sắp xếp như là phím của một cây đàn simphonie, còn nguyên âm là các dây đàn. Có mười hai nguyên âm, chúng phát ra âm thanh cả khi phím được kéo lên hay đẩy xuống; nhưng tám chữ viết ở cuối cùng chỉ có nửa âm thanh nếu so sánh với những chữ trước; một số phát ra âm thanh nếu kéo lên, một số lại phát ra âm thanh nếu đẩy ra xa.
(Raschellà, 73)
Viết vào khoảng năm 1170, tác giả của Khảo luận Ngữ pháp Thứ nhất chứng tỏ một sự tự do chủ quyền rất lớn trong trải nghiệm với bảng chữ cái mới được nhập khẩu. Mặc dù có vẻ như là người Iceland nhượng bộ các cách thức nước ngoài, ông ta đưa ra nhận xét rằng bảng chữ cái Nauy hoàn toàn không phải một phóng tác mà là một sáng tạo mới: “Bởi mọi ngôn ngữ đều không giống nhau kể từ khi chúng tách ra và rời khỏi cùng một thứ ngôn ngữ như nhau, giờ đây rất cần phải dùng các mẫu tự khác nhau để viết ra chúng, và không phải cùng các mẫu tự cho tất cả, cũng như người Hy Lạp không viết tiếng Hy Lạp bằng mẫu tự Latinh, người Latinh cũng không viết bằng các mẫu tự Hy Lạp… mỗi quốc gia lại viết ngôn ngữ của mình bằng những mẫu tự riêng”[10].
Sau đó Nhà Ngữ pháp học Thứ nhất miêu tả ông ta đã chấp nhận một số chữ cái Latinh như thế nào, đã “vứt bỏ” những chữ cái khác ra sao, và tạo ra các chữ cái mới vì cần thiết, đặc biệt là cho nguyên âm, “vì ngôn ngữ chúng ta có vô cùng nhiều âm nguyên âm” (Haugen, 13). Ông cũng sử dụng các chữ viết hoa nhỏ để chỉ nguyên âm dài; nếu không làm như vậy, ông viết, thì sẽ không thể chép lại thơ ca skald một cách chính xác, và “thơ skald là nguyên tắc của chúng ta trong mọi vấn đề chạm đến nghệ thuật viết hoặc nói, hoàn toàn giống như thợ thủ công [trong các tạo tác của họ] và luật gia trong luật của họ” (20). Sau khi đã lập ra một bảng chữ cái gồm năm mươi mẫu tự (tính cả các mẫu tự có dấu để tạo thành các mẫu tự mới), Nhà Ngữ pháp học Thứ nhất kết thúc công trình của mình bằng một nhận xét mang tính chất khích lệ - hoặc thách thức - đối với độc giả: “Giờ đây bất kỳ ai muốn viết… cứ để anh ta đánh giá các nỗ lực của tôi và xin thứ lỗi cho sự ngu dốt của tôi, cứ để anh ta sử dụng bảng chữ cái được viết ra ở đây, cho đến khi anh ta tìm ra được những gì tốt đẹp hơn” (29-30).
Khi ấy Snorri viết trong một thế giới phóng tác ngữ pháp mang tính chủ quyền, được dẫn dắt bởi thơ ca và sự tương đồng với các nhạc cụ du nhập từ Pháp. Ở ông cách thức xử lý chất liệu văn chương cổ điển và Kitô giáo cũng cho thấy một sự tự do tương tự. Mặc dù là một người Kitô giáo sùng đạo và khăng khăng rằng Thór và Óðin là những anh hùng phàm tục, Snorri vẫn mở ra phần chính văn Prose Edda bằng một lối nhại Tam vị Kitô giáo. Một ông vua Thụy Điển, Gylfi, đến gặp Æsir, người đã tạo ra rất nhiều biến đổi trong vùng, và được tiếp đón tại lâu đài của họ bởi một người tung dao có thể cùng một lúc tung hứng bảy con dao. Người tung dao báo điềm gở này dẫn Gylfi vào phòng đặt ngai vàng của Æsir, nơi Gylfi thấy “ba cái ghế cao lần lượt cái này cao hơn cái trước, mỗi ghế lại có một người ngồi”. Tên của họ là Hár, Jafnhár, và Thriði - “Ngôi Cao”, “Ngôi Giữa” và “Ngôi Ba” (30-31). Tam vị theo lối nhại lại này trả lời các câu hỏi của ông ta về thời xa xưa, kể những huyền thoại vĩ đại của Nauy về sáng tạo, cái cây tro Yggdrasil chống đỡ cho cả thế giới mặc cho con chằn giày vò ở dưới gốc, và tận thế sắp tới của thế giới, Ragnarök, hoàng hôn (hay phán xét) của các vị thần. Cuối cùng, Æsir mệt mỏi với các câu hỏi, kết thúc buổi gặp - không phải bằng cách đuổi Gylfi đi mà bằng cách biến mất, với một lời răn dạy cuối cùng từ Ngôi Cao:
“Và bây giờ, nếu ngươi còn muốn hỏi thêm điều gì, ta không nghĩ ra làm sao mà ngươi xoay sở chuyện đó, bởi ta chưa bao giờ nghe ai kể nhiều chuyện về thế giới đến như vậy. Ngươi dùng được gì thì cứ dùng.”
Tiếp theo đó [Gylfi] nghe thấy một tiếng động lớn từ mọi phía và quay ra nhìn; và khi nhìn quanh, ông ta thấy mình đang đứng giữa đồng không mông quạnh. Ông ta không trông thấy cả cung điện lẫn tường thành đâu nữa. Rồi ông ta lên đường quay trở về vương quốc của mình kể lại những gì đã nhìn thấy và trông thấy, và sau ông ta những câu chuyện này cứ thế được truyền lại từ người này sang người khác (92-93).
Viết ở giai đoạn hai thế kỷ rưỡi sau khi người Iceland cải đạo vào năm 1000, Snorri sử dụng tất cả những gì mà ông có thể từ các huyền thoại đa thần tại một thế giới Kitô giáo, thế nên sự kết nối mang tính chất chiến lược của ông giữa vật liệu cũ và truyền thống cổ điển có thể được xem như là bước phát triển khá muộn của thế giới chữ viết Latinh thời Trung cổ. Ngay trong các văn bản được viết gần hơn với quãng thời gian bảng chữ cái Latinh được lựa chọn, chúng ta cũng tìm thấy các phóng tác rất đáng ghi nhận, thậm chí là được viết ra bởi những người sống trong bối cảnh nơi các tập tục đa thần vẫn còn rất thông dụng. Các ví dụ lý thú có thể lấy từ Mexico và Guatemala thế kỷ 16, nơi các nhà văn Maya và Mexica thuộc một thế hệ sống khi cuộc chinh phục vẫn đang diễn ra bắt đầu sử dụng bảng chữ cái Latinh để viết những câu chuyện và bài thơ cũ của họ trong các ngôn ngữ bản địa. Việc lựa chọn bảng chữ cái Latinh có một tác động vô cùng to lớn trong việc tạo hình cho thứ thơ ca mà giờ đây chúng ta có thể đọc được.
Trước hết, bảng chữ cái Latinh mang lại cho các nhà thơ bản địa một công nghệ dễ dàng và nhiều sắc thái hơn nhiều để ghi lại từ ngữ của họ. Các hệ thống chữ tượng hình của người Maya và người Mexica (người Aztec cùng các láng giềng của họ) hết sức hữu dụng cho việc chuyên chở các kiến thức toán học và thiên văn học, lĩnh vực mà người Aztec và đặc biệt là người Maya chính là những người đứng hàng đầu thế giới. Mặt khác, các hệ thống ấy có vẻ như chủ yếu có tác dụng nhắc nhở cho trí nhớ, rất thích hợp cho việc ghi lại những gì xảy ra chủ yếu về trình tự và các sự kiện lịch sử nhưng chưa đủ mức độ phát triển để có thể ghi được một tập hợp từ nhằm diễn tả những sự kiện đó. Các nhà ngôn ngữ học vẫn đang giải mã các văn bản tượng hình còn lại cho tới ngày nay (rất nhiều những văn khắc và sách đã bị các nhà chinh phục đốt mất), thế nên hiểu biết của chúng ta về tổng lượng văn tự thời kỳ tiền chinh phục vẫn còn rất hạn chế. Tuy nhiên, có vẻ như các hệ thống chữ tượng hình chưa đạt tới khả năng biểu đạt thơ ca và truyện kể cao nhất của chúng.
Bảng chữ cái Latinh du nhập mang lại cho các nhà văn bản xứ một cơ hội ghi lại văn học của họ bằng một hình thức không phụ thuộc vào trí nhớ của những người sử dụng văn bản. Thế nhưng bảng chữ cái này lại được áp đặt vào các hệ thống ngữ âm hoàn toàn khác của các ngôn ngữ Mexico và Trung Mỹ một cách trực tiếp, không hề thêm bớt và biến đổi, để lấy một ví dụ, đã từng làm cho chữ Cyrillic trở nên gần như là không thể nhận biết đối với những người đọc được tiếng Hy Lạp. Không thể tránh khỏi điều này: những gì các nhà văn bản xứ có thể ghi lại có xu hướng quy phạm “tiến tới” ngữ âm Tây Ban Nha và Latinh một cách phổ quát. Nhiều biến thể về đánh vần cho thấy các từ bản xứ hướng tới những trạng thái gần giống mà nhà văn có thể thực hiện được ở bên trong các nguồn cung cấp có giới hạn của bảng chữ cái mới. Từ trong tiếng Nahuatl dùng để chỉ “hoa”, chẳng hạn như vậy, thường được viết là xochitl (với chữ x được phát âm như sh, quy cách phổ biến của tiếng Tây Ban Nha hồi thế kỷ 16), tuy rằng một số bản chép tay lại viết là suchitl. Rất có khả năng cái từ Nahuatl đã bắt đầu bằng một âm đặc trưng nào đó không hoàn toàn trùng khớp với cả xo hay su. Ít nhất thì ch cũng là yếu tố chung cho cả hai cách viết, nhưng thực sự không thể nói rõ là nên viết theo cách nào. Theo thời gian một số từ bản xứ bắt đầu được phát âm như thể chúng là các từ Tây Ban Nha; do vậy thành phố Cuauhnahuac ở Mexico, “nơi đậu cánh của đại bàng”, đã biến thành Cuernavaca, “sừng bò”.
Như được ghi lại vào thế kỷ 16, hàng trăm từ Nahuatl nghe giống đến đáng kinh ngạc với các từ Tây Ban Nha hoặc Latinh: chẳng hạn như “chúa” là teolt, một họ hàng rất gần của deus (tặng cách của deo) hay dios. Do vậy trong nhiều năm một số nhà bình luận đã cho rằng có đường thông trực tiếp nào đó, như thể một chàng Aeneas quả cảm đã đi qua Đại Tây Dương cùng với quyển từ điển trên tay. Thế nhưng sự tương tự giữa teotl và deus được giải thích nhanh chóng chủ yếu bằng sự kiện phần lớn các văn bản sớm của Nahuatl thuộc địa được viết bởi những người cung cấp thông tin bản xứ được đào tạo ở Mexico City tại Trường dòng Thánh giá [Seminary of Holy Cross], được lập ra chỉ một thập kỷ sau cuộc chinh phục, nơi thứ tiếng dùng để giảng dạy là Latinh. Người bản xứ khi viết có thể trộn lẫn các thứ tiếng Nahuatl, Latinh và Tây Ban Nha trong cùng một câu, ví dụ như trong một lời bình luận viết bên lề một bài thơ Aztec: bên cạnh lời dẫn chiếu tới Moyocoyatzin (“người tự sáng tạo ra chính mình”, một thuộc tính của thần Tezcatlipoca), người viết kia chú: “Yehuan ya dios glosa” - “Cần phải hiểu là Chúa”[11].
Ngay cả khi xử lý các tư liệu thuần túy thuộc thời tiền-chinh phục, các văn bản bản xứ giai đoạn thuộc địa sớm nhất đã mang dấu ấn sâu đậm của sự gia nhập thế giới chữ viết Latinh ở các nhà văn. Dấu ấn này mở rộng ra cả bên ngoài cấp độ từ vựng, bởi rất ít, thậm chí là không có văn bản nào trong số đó, trình bày chất liệu tiền-chinh phục “thuần túy”, mặc cho các nhà bình luận vẫn thường xuyên muốn hiểu chúng như thể là đúng như vậy. Chẳng hạn, Popol Vuh của người Maya thường được xem như là một câu chuyện huyền thoại phi thời gian. Mặc dù chắc chắn đó là “một nguồn tri thức vô giá về hệ thống huyền thoại và văn hóa Maya cổ”, nó đồng thời cũng là một sản phẩm của hoàn cảnh thuộc địa[12]. Popol Vuh như chúng ta có được viết ra quãng giữa thập niên 1550 bằng ngôn ngữ Quiché nhưng lại sử dụng bảng chữ cái Latinh. Popol Vuh theo bảng mẫu tự đó dựa trên một văn bản bằng chữ tượng hình giờ đây đã biến mất; được viết ra chỉ ba mươi năm sau cuộc chinh phục và tập trung vào các huyền thoại cổ, nó đã nằm trong cuộc đối thoại với các truyền thống Kinh Thánh được truyền đến cho các nhà văn cùng với bảng chữ cái.
Ngay ở đoạn đầu, các tác giả của cuốn sách đã ám chỉ đến tình trạng hiện tại của họ:
Ở đây chúng tôi sẽ ghi khắc, ở đây chúng tôi sẽ in sâu Cổ Tự, tiềm tàng và nguồn cho mọi điều từng được thực hiện tại thành Quiché, ở quốc gia của người Quiché… Giờ đây chúng tôi sẽ viết về điều này giữa việc rao giảng chúa của đạo Cơ Đốc hiện nay. Chúng tôi sẽ mang nó ra bởi không còn chỗ nào để nhìn thấy nó nữa… Có một quyển sách gốc và văn bản cổ, nhưng người viết và nghiền ngẫm nó đã giấu mặt mình đi.
Công nghệ mới của bảng chữ cái Latinh cho phép các tác giả Maya mang tới một phiên bản mới và có khả năng là mở rộng hơn rất nhiều so với “Quyển Sách Hội Đồng” viết bằng chữ tượng hình của họ, mà họ tuyên bố là đã thất truyền nhưng rất có vẻ họ đã tham khảo nó để kể lại những câu chuyện của mình. Từ các tham chiếu dẫn đến nó, có thể đoán định rằng dường như tác phẩm này chủ yếu là một cẩm nang giúp cho thuật tiên đoán, phần lớn được dành để vẽ biểu đồ các chuyển động của mặt trời, mặt trăng và các hành tinh, cùng những ghi chú ngắn cho các câu chuyện về những hoạt động thần linh được cho là nằm ở bên dưới trật tự các thiên thể. Vậy nên Popol Vuh bằng bảng chữ cái Latinh là một tác phẩm văn học đầy đủ hơn nhiều so với tiền thân bằng chữ tượng hình của nó. Cùng lúc ấy, các tác giả của nó đã thể hiện rất sâu sắc nỗi sợ mất đi ký ức văn hóa của mình, mối đe dọa từ sự xâm lược đã mang bảng chữ cái Latinh tới cho họ.
Một mối ưu tư về ký ức tương tự cũng tràn ngập trong Prose Edda của Snorri. Trong lời mào đầu của mình, Snorri miêu tả sự phát triển ở giai đoạn sớm của loài người theo ý nghĩa được về vật chất nhưng lại mất về ký ức:
Khi dân cư của thế giới tăng lên… đại đa số loài người, chỉ thích chạy theo tiền và quyền, bỏ quên việc vinh danh Thượng đế. Điều này trầm trọng đến mức họ còn vứt bỏ đi mọi lời nói hướng đến Thượng đế, và thế rồi làm sao mà bất kỳ ai có thể kể cho các con trai của mình về những phép màu liên hệ trực tiếp với Người? Rốt cuộc họ đã đánh mất tên của Thượng đế và trên toàn thế giới không còn có thể tìm được một ai biết Đấng Tạo Dựng Con Người (23).
Snorri đang nói về những người xưa đã quên đi vị thần chân chính để rồi rơi vào tà đạo đa thần, tuy nhiên cuốn sách của ông lại chú tâm vào kể cho các nhà thơ trẻ về những phép mầu mà các vị thần đã thực hiện, tên của các vị thần này khi ấy đã bị tẩy chay dưới tác động của Kitô giáo. Nỗi lo lắng về ký ức văn hóa được thể hiện trong Prose Edda thông qua hình ảnh vị thần tối cao, Óðin:
Hai con quạ đậu trên vai ngài và rót vào tai ngài các tin tức mà chúng nhìn thấy hoặc nghe thấy; chúng tên là Hugin [Ý Nghĩ] và Munin [Ký Ức]. Lúc bình minh ngài sai chúng bay đi khắp thế giới, đến giờ bữa sáng chúng quay trở về; bằng phương cách này ngài biết được rất nhiều về những gì đang diễn ra, và chính vì lẽ này người ta gọi ngài là thần-quạ. Có bài thơ như sau:
Phía trên thế giới
mỗi ngày
Hugin và Munin bay;
Ta e ngại Hugin
sẽ không trở về
dẫu rằng ta lo lắng cho Munin hơn.
(63-64)
Mối lo ngại của Óðin về sự trở lại của ký ức cũng có thể tìm thấy ở các vị thần Quiché cổ. Phần hai của Popol Vuh tập trung vào sự di cư của tổ tiên thần linh hoặc á thần Quiché từ Tulan, miền Đông Yucatán, sang đất mới của họ tại Guatemala. Trong khi đi về phía Tây, họ khóc thương việc mất đi quê hương, mà họ miêu tả trước hết và chủ yếu như là sự mất mát ngôn ngữ: “‘Hỡi ôi! Chúng ta đã phải bỏ lại ngôn ngữ của chúng ta ở sau lưng. Làm sao mà lại như vậy được? Chúng ta đã lạc lối! Chúng ta đã bị lừa ở đâu? Chúng ta chỉ có một thứ ngôn ngữ khi tới Tulan, và chúng ta chỉ có một nơi để sống và là nơi nguồn cội. Chúng ta đã thật là kém cỏi’, mọi bộ tộc dưới các gốc cây và bụi rậm đều nói như thế” (173). Một chuyến đi sau này thu thập lại các văn bản thiêng của họ, và cùng với chúng, tổ tiên người Quiché đã có thể định cư ở miền đất mới.
Chuyến đi của tổ tiên không chỉ mang dấu ấn của các ký ức văn hóa bản địa, mà còn xây dựng nên các chủ đề thiêng liêng. Chẳng hạn, tổ tiên Quiché tới được miền đất mới của mình bằng cách rẽ nước biển ra mà đi: “Việc họ vượt biển như thế nào không hề rõ ràng. Họ đã đi qua như thể không hề có biển. Họ chỉ làm một việc là bước đi trên những tảng đá mọc từ dưới cát lên. Và họ đặt cho nó một cái tên: Dãy Đá, Luống Cát là cái tên họ đặt cho cái nơi họ đã vượt biển. Họ đi qua ở chỗ nước rẽ ra” (177). Câu chuyện này đã phối hợp hai cách thức vượt biển, một cây cầu bằng đá và việc đi qua nước. Rất có thể cầu đá là phương cách gốc, như được phản ánh trong cái tên Dãy Đá, còn phương cách thứ hai được chuyển thể từ câu chuyện Moses rẽ nước Hồng Hải.
Dù cho hiện tượng đồng nhất nguồn gốc Kinh Thánh này có vẻ mang tính chất ngẫu nhiên, thậm chí là xa vời, nhưng còn có một dẫn chiếu hiển ngôn đến câu chuyện Kinh Thánh trong một văn bản có liên quan, Danh hiệu của các Lãnh chúa Totonicapán. Tác phẩm này được viết vào năm 1554, đại khái cùng khoảng thời gian với Popol Vuh theo bảng chữ cái Latinh, và nhiều khả năng bởi cùng một hoặc cùng một nhóm người. Trong Danh hiệu giới quý tộc bản xứ Totonicapán chép lại lịch sử của mình nhằm biện chứng cho quyền sở hữu đất đai của họ trước các nỗ lực giành lấy chúng của người Tây Ban Nha. Việc vượt biển Caribbean từ Tulan được cho là đã diễn ra dưới sự hướng đạo của người anh hùng trong văn hóa của họ, Balam-Quitzé, người “khi họ đến bờ biển… đã lấy cây gậy chạm xuống nước và ngay lập tức một con đường hiện ra, rồi sau đó lại đóng lại, bởi Thượng đế chí tôn đã muốn như vậy, vì họ là những người con trai của Abraham và Jacob”[14]. Rõ ràng là ý thức rất rõ về ý định của người Tây Ban Nha theo đó những con người văn minh hóa của Mexico và Trung Mỹ là các bộ tộc đi lạc của Israel, các lãnh chúa Totonicapán đã lồng khung cho lịch sử của mình bằng những thuật ngữ thuộc Kinh Thánh nhằm chứng tỏ rằng quyền sở hữu đất đai của họ đã được đích thân vị chúa của người Tây Ban Nha trao cho.
Cả trong “thế giới chữ dạng nêm” cổ xưa lẫn tại những mở rộng xa nhất về phía Bắc và phía Tây của bảng chữ cái Latinh, việc sản xuất văn chương đều mang dấu ấn của sự lan truyền các chữ viết cũng như sự lan truyền của những ngôn ngữ cụ thể. Việc tăng lên ở khối lượng đồ sộ của dịch thuật trong hai thế kỷ vừa qua đã tạo ra cả một chuyển động to lớn qua lại giữa các thế giới chữ viết, nhưng ngay cả hiện nay, như ví dụ về Pavić đã gợi ý, các nền văn hóa địa phương đang thực hiện những quyết định quan trọng khi mà họ tự định vị mình trong mối quan hệ với các chữ viết toàn cầu - hoặc là khi họ bị các chữ viết gây sức ép - và chính vì vậy mà hệ hình này cho đến nay vẫn còn là thích hợp.
Quan sát tác động lẫn nhau của ngôn ngữ và chữ viết trong các giai đoạn sớm còn có thể mang lại cho chúng ta một sự hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc của các nền văn học quốc gia hiện đại. Khi tạo ra khái niệm Weltliteratur (văn học thế giới) trong những năm 1820, giai đoạn đỉnh cao của chủ nghĩa quốc gia châu Âu, Goethe đã nói tới văn chương thế giới một cách đầy tự nhiên, như là cái được dựa trên các tương tác của những nền văn học dân tộc đã được lập ra, sau đó văn chương thế giới là một sự hình thành thứ cấp hoặc thậm chí là của tương lai. “Thời của văn chương thế giới đã ở trong tầm tay”, ông tuyên bố với người học trò Eckermann trẻ tuổi của mình, “và bất kỳ ai cũng đều phải nỗ lực hết sức để làm cho nó đến nhanh hơn”[15]. Thay vào đó sự lan truyền của các chữ viết ở những giai đoạn sớm lại cho thấy các nền văn học hướng đến chỗ phát triển đúng theo hướng ngược lại: bên trong - và thường xuyên là chống lại - một văn chương thế giới ở cấp độ địa phương hoặc toàn cầu đã tồn tại sẵn.
Có rất ít đất nước tạo ra chữ viết riêng cho mình cùng văn học riêng cho mình trong sự độc lập về nền tảng với các xã hội khác; Ai Cập cổ đại là một ngoại lệ thì đúng hơn là quy tắc. Điển hình hơn là người Sumer và người Phoenicia, với các chữ viết đi tiên phong nhanh chóng được các nhóm người hùng mạnh sống lân cận sử dụng lại. Phần lớn các nền văn học được tạo thành bên trong những hệ thống lớn xây dựng trên sức mạnh của các chữ viết để đi qua các biên giới về thời gian, không gian, và bản thân ngôn ngữ. Nảy sinh trong một bối cảnh xuyên văn hóa, một nền văn học địa phương hoặc dân tộc buộc phải thương thuyết một hợp đồng kép: chữ viết mới có thể giúp tạo hình cho các truyền thống một dân tộc nhưng kèm theo đó là hiểm họa về tình trạng văn hóa địa phương bị tan biến vào một môi trường rộng lớn hơn.
Các tác phẩm rất khác biệt như Từ điển Khazar, Popol Vuh và Prose Edda cho thấy các nhà văn thay nhau tìm ra những cách thức sáng tạo nhằm thương thuyết về các xung đột này. Con quạ của Noah không tìm thấy gì để mang về cho chủ, nhưng những con quạ của Óðin thì thành công hơn nhiều: chúng mang về tin tức từ khắp nơi trên thế giới. Là vị thần thông thái, Óðin được phú cho - và bị nguyền rủa - khả năng biết trước, và ông biết rằng mình có thể sử dụng các báo cáo của lũ quạ trong một khoảng thời gian, cho tới khi các vị thần bước vào buổi hoàng hôn định mệnh của mình và phai mờ dần trong ký ức: đến một ngày Munin sẽ không còn quay trở về được nữa. Tuy nhiên, Óðin cũng là vị thần thơ ca, và có lẽ ông đã nhìn thấy trước cái ngày các nhà thơ lựa chọn cái chữ viết do sự sắp đặt mang lại, sự sắp đặt sẽ làm ông bị mất vị trí. Kháng cự lại sự lãng quên mà nền văn hóa tiến triển mang lại, những nhà thơ ấy sẽ sử dụng chữ viết nước ngoài nhằm vinh danh ông chủ cũ của mình và những phép màu của thần, và những bài thơ của họ sẽ còn sống mãi trong ký ức của con quạ có tên là Ký Ức.
(Cao Việt Dũng dịch; Nguyễn Quốc Vinh hiệu đính)
M. L. West. The East Face of Helicon: West Asiatic Elements in Greek Poetry and Myth [Phương Đông đối diện với Helicon: các yếu tố Tây Á trong thơ ca và huyền thoại Hy Lạp]. Oxford: Clarendon, 1997, tr.626-27.
A. R. George biên soạn. The Babylonian Gilgamesh Epic: Introduction, Critical Edition, and Cuneiform Texts [Trường ca Gilgamesh Babylon: Dẫn nhập, phiên bản kèm bình luận và các văn bản chữ dạng nêm], 2 tập. Oxford: Oxford University Press, 2003, 1:70.
Được trích trong The Epic of Gilgamesh: A New Translation [Trường ca Gilgamesh: bản dịch mới], A. R. George dịch. London: Penguin, 1999, xviii.
Papyrus Lansing, trong Ancient Egyptian Literature: A Book of Readings [Tuyển tập Văn học cổ đại Ai Cập], Miriam Lichtheim dịch, tập 2. Berkeley: University of California Press, 1976, tr.168-69.
Manfred Dietrich biên soạn. The Babylonian Correspondence of Sargon and Sennacherib [Thư từ trao đổi giữa Sargon và Sennacherib tại Babylon]. Helsinki: Helsinki University Press, 2003, tr.5.
Xem W. G. Lambert. Babylonian Wisdom Literature [Văn học thông thái Babylon]. Oxford: Clarendon, 1960, tr.64.
Milorad Pavić. Dictionary of the Khazars: A Lexicon Novel in 100,000 Words [Từ điển Khazar. Từ vựng-tiểu thuyết 100.000 từ], Christina Pribićević-Zorić dịch. New York: Knopf, 1988, tr.63-64.
The Prose Edda of Snorri Sturluson: Tales from Norse Mythology [Prose Edda của Snorri Sturluson: Những câu chuyện từ thần thoại Nauy], Jean I. Young dịch. Berkeley: University of California Press, 1966, tr.25-26.
Fabrizio D. Raschellà. The So-Called “Second Grammatical Treatise”: An Orthographic Pattern of Late Thirteenth-Century Icelandic [“Khảo luận Ngữ pháp Thứ hai”: Một nền tảng về chính tả của ngôn ngữ Iceland cuối thế kỷ mười ba]. Florence: Le Monnier, 1982, tr.55.
Einar Haugen. “First Grammatical Treatise”: The Earliest Germanic Phonology [“Khảo luận Ngữ pháp thứ nhất”: Âm vị học đầu tiên của tiếng Germain]. Baltimore: Linguistic Society of America, 1950, tr.12.
Angel María Garibay K. biên soạn. Poesía Náhuatl, 3 tập. Mexico City: Universidad Nacional Autónoma de México, Instituto de Historia, Seminario de Cultura Náhuatl, 1964-68, 1:12.
The New Encyclopaedia Britannica, lần xuất bản thứ 15, 30 tập. Chicago: Encyclopaedia Britannica, 1976, Micropaedia, 8:120.
Popol Vuh: The Definitive Edition of the Mayan Book of the Dawn of Life and the Glories of Gods and Kings [Popol Vuh: phiên bản chính thức của cuốn sách Maya về bình minh cuộc đời và các vinh quang của các vị thần và các vị vua], Dennis Tedlock biên soạn và dịch. New York: Simon and Schuster, 1985, tr.71.
The Annals of the Cakchiquels; Title of the Lords of Totonicapán [Biên niên sử Cakchiquel; Danh hiệu các Chỉ huy của Totonicapán]. Adrián Recinos, Dionisio José Chonay và Delia Goetz dịch. Norman: University of Oklahoma Press, 1953, tr.171.
Johann Wolfgang von Goethe. Conversations with Eckermann (1823-1832) [Trò chuyện với Eckermann (1823-1832)], John Oxenford dịch. San Francisco: North Point, 1984, tr.132.
(Tham luận tại Hội thảo Quốc tế "Tiếp cận Văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại" do Viện Văn học Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 14-15/3 năm 2011)
khoavanhoc-ngonngu.edu.vn |
---|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét