Ngày nào đôi vầng nhật nguyệt cũng đi qua trong em,
em ngồi đếm những bước chân của Cây Sậy,
ngày nào loài người cũng loay hoay trong tiếng khóc,
loay hoay trong vườn địa đàng hoang phế,
và trong cuộc thế vô thường.
Có phải em đang vẫy chào những bước chân,
khi Einstein giã biệt Newton
Heidegger chia tay Descartes,
mũi tên thời gian không bao giờ quay ngược,
nhưng mà em vẫn mãi còn muốn ngồi hát với Aphrodite,
với Sappho,
với Homere
trong vành nôi của nước mắt, nụ cười, bánh mì, hoa và súng.
Hỡi thi ca,
Đã hàng ngàn năm, theo bước chân của loài đứng thẳng,
đâu đây ta còn nghe tiếng quân reo,
trong tiếng thét gào
của Alexander đại đế,
trên bờ Địa Trung Hải,
nơi tập trung của máy bay, tàu ngầm, tên lửa,
nơi tập trung của vàng đen,
nơi pha trộn những màu da
nơi gặp nhau của những giống nòi Phi Âu Á,
ta còn nghe tiếng thét muôn trùng của máu lửa,
nhưng em vẫn ngồi hát cùng Iliad – Odyssey của Homere,
Loài người vẫn không ngừng đẻ ra những chủ nghĩa,
nhưng trái đất thì càng mênh mông thêm chiến địa,
nước mắt em còn rơi mãi lên những nấm mồ,
và những gã điên vẫn cứ tung hô súng và máu.
Em cũng đâu ngờ cậu bé mồ côi Mohammed,
chỉ hai mươi năm đã hoàn tất kinh Koran,
từ những sấm ngôn nhặt bên Thành Mecca,
Mohammed tiên tri gì, sao cứ gieo chết chóc,
sao vẫn hàng ngàn năm máu đổ Trung Đông?
Chín thế kỷ đế chế Ottoman dẫm nát châu Âu,
cuối cùng cũng chỉ là hư không cười trên môi thi ca huyền thoại.
Hỡi thi ca,
Làm sao em phân biệt được đâu là giáo gươm,
và đâu là Kinh Koran và tượng Chúa,
Đàng sau những tên tham lam quyền lực kia
là những lời rao giảng sứ mệnh thiêng liêng,
là đói nghèo, hoang tàn và xác chết,
trái đất chỉ có đêm đen rình rập,
oan khốc trên từng đốt xương của thời gian
Hỡi thi ca,
ta vẫn yêu bước chân của những người đi gieo hạt,
nhưng sự tranh giành vẫn mãi là oan khốc
trên những cánh đồng xanh cô độc của thời gian,
và em vẫn ngồi hát với một mặt trời… vĩnh cửu,
giữa hồn em.
SG 23-9-2016