Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

22 thg 6, 2020

Tản Mạn Đầu Xuân


Thơ Kiều Giang
bầu trời thẫn thờ trong xanh của muôn niên,
theo ngọn gió xuân của bốn ngàn năm, 
thổi về trên quê hương Đa Đa khốn khó.
cánh gió thu vàng gục chết đâu đó cuối chân trời,
Mùa xuân vẫn vàng hoa mai, hoa cúc. thắm đỏ hoa đào,
nhưng mặt người vẫn xanh xao mất máu,
trong những tháng năm dài u tối,
quê hương.
quyền lực, giàu sang, đói nghèo, chết chóc, dối gian,
quần thảo nhau trên nỗi buồn thành phố, trên xơ xát ruộng đồng,
trên núi rừng mất máu, nơi biên cương di hận, nơi biển xanh, hải đảo ngậm ngùi.
sự điên loạn của loài biết khóc, biết cười,
cứ như cơn bão,
quét qua trần gian, quét qua cái làng Đa Đa đầy bất trắc.
không biết người ta viện dẫn thứ triết lý nào,
để giải thích cho sự giết người, giết đồng bào, đồng đội,
có lẽ người ta đã pha trộn nhiều thứ triết lý,
để rồi cuối cùng tạo thành một thứ triết lý phi nhân,
triết lý của quỷ.
người Tiến sĩ ôm nhiệt huyết “té lầu”,
đứa con khóc cho nước non, bị xộ khám.
tên sĩ quan cướp sòng bạc giết người.
bao nhiêu cảnh trêu ngươi con tạo!
ông trưởng làng lên TV tha hồ hứa hão,
hai mươi năm rồi, “quốc gia công nghiệp tiên tiến” ở đâu?
khi Mùa Đông đưa tay vẫy chào giã từ trời đất,
xin trả lại quê hương Đa Đa cho Mùa Xuân,
thì nước mắt và xương máu của đồng bào Đa Đa đã đổ,
ngay trong cái thời buổi đã im tiếng súng,
nhưng những vụ giết chóc oan khốc đã xảy ra ngay trong vành nôi của đất nước, nơi đã sản sinh ra “sự vĩ đại” của gian dối bạo tàn,
xuất phát từ tư tưởng màu hoàng hôn,
tôn thờ chủ nghĩa về cục đất ôm cứng chữ “duy” và cái súng.
“một cục đất là của mọi người”
nhưng cả non sông thì chỉ về tay một ông chủ.
miệng thì ru ngủ muôn dân,
nhưng nửa đêm, súng cà-nông vẫn nổ.
sự khổn khổ cứ mãi mãi… bắt đầu...
hiền tài lần lượt đi về bãi tha ma,
quốc gia đâu còn nguyên khí,
chỉ còn một lũ gian, gan khỉ, mồm mị,
muốn an dân mà túi tham cứ quơ quào!
chín mươi mùa xuân ngồi kể "công lao"
mà không dám nhận đã gây bao nhiêu mất mát.
bảy mươi năm đã có năm mươi năm vùi dân tộc
vào các cuộc chiến tranh tàn khốc
vì chủ nghĩa,
bảy mươi năm “mắc nợ”,
để cho cháu con còn phải trả muôn đời!
xuân đang về, khoe sắc muôn nơi,
bỗng đâu, lũ virus giết người ập tới,
người anh em bên kia biên giới,
để sổng một thứ trò chơi, nhằm hủy diệt con người,
những con người không giống “loài ăn lông ở lỗ”.
Ôi làng Đa Đa,
trăng sao vằng vặc,
sao không soi sáng nổi một mùa Xuân
trên quê hương run rẩy?
SG những ngày đầu xuân 2020
ĐỢI CHỜ, tranh st trên net

Truyện ngắn Hoang Tưởng


Kiều Giang

Đã quá một ngày đêm,Tuấn không hề ăn uống gì. Anh cứ quì mãi nơi góc nhà, miệng lẩm bẩm những câu gì không rõ. Trưa nay, Quyên cố gắng dỗ đút cho chồng mấy muỗng cháo, nhưng cứ ngậm vào rồi Tuấn lại phun ra, mắt lơ láo, đờ đẫn, dáng hình tiều tụy trong bộ áo quần pyjama đã nhàu nát hôi hám mà mấy bữa rồi, anh nhất định không cho Quyên thay. Những con ruồi xanh được dịp, đậu cả trên mặt mũi anh. Quyên thở dài, đưa tay đuổi thay cho chồng. Hồng Quỳnh, đứa con gái lên ba của vợ chồng Quyên, có lẽ chưa hiểu nổi những gì đang xảy ra, nên cứ chồm hổm, hai bàn tay buông thõng trên hai gối, trố mắt nhìn cha, rồi quay sang mẹ: “ Sao Ba không chịu ăn cháo hả mẹ?”. Quyên không thể trả lời con, vì cổ chị nghẹn cứng, cố nén những giọt nước mắt chực trào ra. Chị không muốn khóc trước mặt con, vì sợ những mảng tối của cuộc đời đã sớm xâm nhập vào tâm hồn con, còn quá bé bỏng thơ ngây.

Chiếc Bánh Thánh


Kiều Giang
đứa bé ngước nhìn bầu trời treo trên đầu thế kỷ,
khi chân lý không còn thuộc về mọi người,
mà chỉ thuộc những kẻ cầm trong tay gươm giáo và chủ nghĩa,
phần còn lại là của đêm đen,
ai đó đã biến
tiếng hát của dòng sông,
của biển xanh,
của rừng sâu,
thành nghệ thuật của cái luỡi.
đêm nay đứa bé đi ra từ vòng tay của mặt trời rơm rạ,
nó chạy theo những vì sao trên bầu trời chủ nghĩa hư vô,
lấp lánh những cơn gió mùa thu trần trụi thổi qua niềm tin,
từ khúc hát bên bờ đá hoang vu,
không có ai tin vào sấm ngôn của cuồng vọng,
hôm qua đã nổ ra từ cuộc giết chóc bất tận,
đứa bé chạy theo
người đàn ông muốn ghi dấu tích “vĩ đại” của mình,
lên mặt đất cằn khô vết máu,
nó gào khóc vì nó đói, vì nó khát,
trên chiếc ngực lép kẹp của mẹ nó,
nó chưa hiểu hết những gì đã xảy ra nơi mặt đất
đầy vết tích của thù hận,
nơi mà người ta đã đùa cợt
cùng giáo gươm và cùng với số phận của đất,
của rừng xanh và biển cả,
đứa bé theo chân mẹ nó
để nhặt những ảo ảnh trên đường mẹ nó đi qua,
tuy rằng mỗi ngày nó càng gầy xọp đi,
nhưng nó vẫn thấy no,
vì người ta không tiếc để cho nó ăn đủ thứ khái niệm,
nó vẫn cảm thấy ngon,
nhưng mẹ nó nhìn nó, chảy nước mắt,
Hôm qua có vị linh mục (chưa được rửa tội bao giờ),
rủ nó đi về phía thánh đường không có tượng Chúa,
ông bảo nó nhìn lên tấm di ảnh xa lạ và cầu nguyện,
vị linh mục cho một chiếc “bánh thánh” vào miệng nó,
nhưng ngay lúc quay lại,
nó đã gục ngã, đè lên tiếng gọi mẹ.
SG 26-5-2019

Đêm Cuối Năm


Kiều Giang

Đêm cuối năm,
vầng trăng,
theo em về cổ tích,
Thơ anh buồn
không níu được thời gian.
Anh thẩn thờ,
đếm từng bước gian nan,
treo lơ lửng
trên cành vô thức.
Em ở đâu,
hỡi mùa đông năm trước,
trăng không về,
nghe rụng tiếng nghìn thu.

Đông đã về đây,
nắng cuối mùa,
Lẩn trong tóc gió bạc phơ phơ,
Thơ ta,
có mấy tầng mơ ước,
Hồn cứ trôi về
đêm cổ sơ?
Ta thắp trăng non,
tình gác trọ,
Sỏi đá
không về
sỏi đá ơi,
Ta cố tìm trong ngày tháng cũ,
Một lần nghe lại,
một lần thôi.

Gảy một cung trầm
để biệt nhau,
Bao nhiêu cung phím,
bấy nhiêu đau,
Cuối năm
trăng vỡ thềm hoa cũ,
Ngói có đau không,
cũng bạc màu ?
SG đêm cuối năm 31.12. 2019

Trường ca Những Dấu Chân Trên Sóng


Kiều Giang
Khúc1. Chỉ Là Một Ngẫu Nhiên Vô Thỉ Vô Chung
1,Hồng Hoang
cuộc tồn sinh chảy dài qua cõi không,
bóng dáng Big Bang ngác ngơ mắt chúa,
ai biết những ngả của khu rừng hoang sơ
và những dòng sông lụa hồng hoang,
một bông hồng lửa nở giữa vô biên
Heraclitus ngước nhìn bùng vỡ khai nguyên
mênh mông đi giữa đêm đen
đá dựng đồi tư duy khắc khoải
có hay chưa
chưa có gì
chưa có chúa
một trò chơi của lửa
mở vòng tay khắc khoải những thiên hà
ôm vào lòng khoảng trống
bay vào thiên thu
nhịp đập con tim
của những đứa con không có mẹ cha
mà vẫn sinh ra từng ngày
và những đứa con mất đi
đặt nụ hôn lên cõi miên trường.
Lửa vẫn cháy trong khoảnh khắc đêm
ánh mắt của thiên hà quét qua trần gian
thăm thẳm
ngẫu nhiên
qui luật
nụ cười tiếng khóc của Brahman
Atman tìm quê hương trong mộng tưởng đi về.