Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

28 thg 12, 2013

Xin Cho Ta Đổi Lấy Cuộc Lưu Đày



  Thơ KIEUGIANG
Francesco RUSPOLI (1958) - The Garden of Eden


Hình như đêm nay có tiếng sóng vỗ vào giấc mơ ta
như tiếng em vẫn âm thầm tha thiết
mà ta đã giấu sâu vào ký ức
một cuộc tình thăm thẳm ngàn xa

Hãy cho ta làm tên nô bộc gác cửa tình em
để trong mênh mông hoàng hôn,
sẽ van xin mặt trời đừng bao giờ tắt,
ta theo loài chim én đi nhặt những mùa xuân…

Và hãy cho ta hôn lên sự kiêu hãnh của em
để ta hiểu thế nào là nỗi đau thánh thiện
và đem cả đời thơ này đánh đổi cuộc lưu đày trong mắt em muôn thuở mộng mơ.

Ta muốn máu của ta chảy vào thơ em,
cháy lên ngọn lửa để sưởi ấm con tim băng giá,
một đời mắc nợ
người con gái cho ta làn hơi thở kiêu sa.

Xin người đừng cất bước chia xa
vì ta biết dòng sông nào cũng mãi mãi không về,
bỏ lại mình ta đêm trường tăm tối,
nằm nghe tiếng em huyền thoại cỡi trên lưng,
như hồng hoang, như em
từ muôn kiếp trở về
rồi lại muôn thuở ra đi…?


21 thg 12, 2013

Xin Hôn Lên Nỗi Cô Đơn Huyền Thoại

Thơ KIEUGIANG

 Bert PRINS (1951) - Windowscape #22


Những chiếc lá vàng
nhỏ những giọt nước mắt vào mùa đông ẩm ướt,
cũng như ta thương tiếc mảnh tình yêu xa tắp ở chân trời,
em đã bao lần mang ký ức xa xôi trút vào hồn ta lận đận.

Em cho ta thứ tình yêu cổ tích
để ngàn năm ta ôm chặt với mùa đông
còn em thì đang giấu kín nỗi oan khiên đã thành thương tích,
ta nhớ em như loài chim én nhớ mùa xuân còn ẩn hiện trong
làn mây ẩm ướt mùa đông.

Làm sao ta có thể quên ngôn ngữ văn chương thần thoại mà em đã dành cho ta,
ngàn năm nở hoa bên bờ trăng,
để ta chôn chặt trăm năm vào bến bờ hoài vọng,
giữa tháng ngày tồn tại chông chênh.

Ta bồng bềnh trên dòng sông riêng nửa góc trời,
ảo ảnh có hình thù những đám mây hợp tan,
và ta mãi ngợi ca đôi môi chưa bao giờ ta được hôn
như đêm đêm ta vẫn hôn lên nỗi cô đơn huyền thoại.

Những đợt sóng thời gian đang vỗ vào mênh mông
như vỗ vào hồn anh
tháng ngày là hoang mạc cô liêu mọc lên loài hoa thiên sứ
tím ngát tình anh.

15 thg 12, 2013

Chiều Tím Thơ Em

David FERREIRA (XX-XXI) - La femme à Toto


Anh biết em từ thuở mười lăm

Đưa tay anh hứng đóa hoa rằm
Đâu ngờ xuân đến, trăng em Nguyệt
Trăng Nguyệt, cùng chung một chỗ nằm
 
Anh nhớ em, từ thuở đôi mươi

Chiều rơi trên đôi má em cười
Câu thơ em ủ trong khăn áo
Người về chia nửa, mộng đôi nơi
 
Năm ba mươi tuổi, em theo chồng
Anh về, lặng lẽ vén mây trông
Trên cao em dệt màu thơ tím
Vì biết người xưa vẫn ngóng trông
 
Năm nay, em đã bốn mươi rồi
Vần thơ em dỗ giấc cho người
Anh về đọc lại dòng thơ tím
Tím cả chiều hoang ! Em biết không ?
 

3 thg 12, 2013

Em Lại Trở Về Trong Giấc Mơ Anh

Thơ  KIỀU GIANG
1055949_1
Alberto RAFOLS CASAMADA (1923-20090)
                 Untitled(1985)

  Những chiếc lá vàng đưa tay níu lấy mùa thu
xạt xào buốt giá giữa mùa đông
làm cho hồn em trăm năm trở giấc

Cành Iris vẫn lung linh tím thẫm
dịu dàng mơ mộng ướt đẫm sương đêm
Trong khu vườn nhà em, hoa bảo cùng anh
rằng những cơn gió mùa đông
thổi qua hồn em làm rối tung bao tầng ký ức
một đời em dấu trong những trang thơ
bơ vơ qua những mùa lá vàng không yên ả
còn tình anh như vì sao lạ
chìm giữa mênh mông

Ta đưa nhau về giữa mịt mù tháng năm
đi kiếm tìm một điều có thể
giữa bàn tay của những kẻ đi gieo rắc sự sợ hãi
về những điều được cho là không thể của nhân gian

Anh nguyện làm những giọt thu tinh khiết cuối cùng
tưới lên nỗi khổ đau của em trăm năm gánh chịu.
Những ray rức cuộc đời, xin người gởi lại hồn ta

Hôm nay em trở về trong giấc mơ anh
mang theo những mảng đời đầy thương tích
từng đi qua những mùa thu chết
sương lạnh đầy hồn, nghe gió bạc đầu
reo trên bao tầng núi thức mùa đông

Có phải chăng
anh vẫn gánh trên lưng thời gian
nỗi niềm gian nan thế kỷ
để cùng em đi tìm chân trời tuyệt mỹ vô ngôn.
    KIEUGIANG 20/11/2013

27 thg 11, 2013

Hoa Tím Trên Hồ Thiên Nga


Thơ KIỀU GIANG
  1053180_1                   


Ta về tím một chiều say
Em về tím cả đôi mày ước mơ
Mưa nghiêng trút lạnh đôi bờ
Thu ươm nhung nhớ nắng chưa kịp vàng

Em đi tím mộng đò ngang
Em về tím cả đôi hàng lệ xanh
Tím vần thơ biết yêu anh
Mùa vui em gửi lên cành sương mơ

Em từ hoa tím ngày xưa
Bây giờ nhuộm tím hạt mưa... tần ngần
Thiên nga đậu xuống hồng trần
Sông yêu hoa tím - giữa lòng thiên nga

Bên trời ngan ngát hương hoa
Gió lay mày liễu la đà nét thu
Ta từ rũ áo hoang vu
Theo em hái trái mù u dặm dài

Em còn giấu nửa nụ cười
Bao giờ dâng cả cho người em yêu...?
        Kiều Giang

17 thg 11, 2013

Xin Tượng Đá Đá Bộc Bạch Dùm Ta


1049617_1
Gustave SINGIER (1909-1984)
BAIGNEUSES MÉRIDIENNES (1970)

Rồi có một ngày tượng đá bộc bạch dùm ta
nỗi cô liêu không sắc màu, không hình hài không âm thanh
cứ mãi theo ta trong cuộc hành trình tìm đất hứa,


Ta xin được thật thà tan loãng vào em

cho thõa con tim khát thèm bất tận

Tiếng sóng từ lòng ta vẫn cứ gào lên thăm thẳm

đợi chờ một ngày trở về trong vực thẳm nguyên ngôn

11 thg 11, 2013

Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, Bình Và Dịch Một Bài Thơ Tình Sầu


Hàn Thuỷ



Thơ tình yêu hay, ở nước nào cũng nhiều, và mỗi thời mỗi khác. Hãy cứ xin giới hạn trong thơ Việt Nam hiện đại, kể từ phong trào thơ mới, và trong tầm hiểu biết vừa chủ quan vừa hạn hẹp của tại hạ, người viết bài này. Đọc vài câu chắc nhiều người nhớ, để thấy cái khác của mỗi thời.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.
Huy Cận, Áo trắng
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Xuân Diệu, Yêu
Thật ra thơ tình yêu của hai ông hoàng thơ mới này, không có gì sâu sắc. Họ nằm trong số những người có đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ Việt, về cả cấu trúc câu văn xuôi lẫn bút pháp thơ, kế thừa ngôn ngữ thơ cổ điển của dân tộc và tiếp thu cái mới của thơ Pháp để hình thành một ngôn ngữ đẹp, từ đó biểu lộ được những tình cảm tinh tế... điều này nhiều học giả đã chỉ ra, ở một bài tản mạn này không dám nói nhiều. Nhưng trong tình yêu thì tinh tế chưa đủ, hình ảnh đẹp bóng bẩy cũng chưa đủ. Nhiều khi trong thơ tiền chiến người ta thấy tình yêu chỉ là cái cớ để nhà thơ... làm thơ, thí dụ như :

8 thg 11, 2013

Đã Có Bao Nhiêu Vụ Án Oan?

Ý kiến: Trên cả pháp luật?



Ông Chấn đoàn tụ với gia đình trong ngày đầu ra tù.
Vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (ở Thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị kết án oan với mức chung thân về tội danh “giết người” đã làm nóng dư luận xã hội trong mấy ngày qua. Từ nghị trường đến quán nước vỉa hè, từ báo chí truyền thông đến mạng xã hội,… đâu đâu cũng thấy bình luận.
Nóng đến mức Chủ tịch nước phải có ý kiến chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương giải quyết, minh oan đền bù cho người bị oan. Viện KSND tối cao phải tổ chức họp báo để thông báo về việc kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với người bị oan.

1 thg 11, 2013

Muôn Trùng Biển Thẳm Tình Em

 Thơ KIỀU GIANG
  Starry Night painting
 


Hồn thơ em như những đợt sóng cồn từ đại dương
xô vào ký ức anh lênh đênh trong miền trần gian hư ảo,
yêu em, suốt đời làm con chiên ngoan đạo
sùng bái văn chương.
 
Những khi hồn lạnh mù sương
đèn đêm  thấm vào nỗi nhớ,
thời gian quyện vào hơi thở,
anh cố đi tìm một dấu bước chân em
để anh nâng niu cho nhẹ lối càn khôn
một thuở môi hôn chưa thành giông bão.
 
Anh thèm làm một tên vô đạo
dày xéo lên xác thân mỹ nữ
như dày xéo những vì sao đang lấp lánh phía trời xa,
thách thức nỗi thiết tha trần thế,
loài hoa diên vỹ tím ngát mênh mông.
 
Anh thèm làm một gã ngông
đi yêu một một làn mi cong thần thánh,
phủ lên bờ nguyệt lạnh ở phía chân trời.
Tiếng thở dài của em làm muôn cánh hoa rơi,
anh xin nhặt về muôn đời làm bảo vật,
hơi thở nào ngây ngất những dòng sông.
 
Ôi tình yêu, biết có hay không
mà đôi mắt ai vẫn miệt mài trên lưng thời gian tìm kiếm,
cánh chim cô đơn chết lịm
giữa muôn trùng biển thẳm tình em.
      KG 17h - 21-8-2013

30 thg 10, 2013

Dịch Giả ĐỖ KHÁNH HOAN - Hơn Nửa Thế Kỷ Vác Đá Leo Đồi


SGTT.VN - Hai trường ca siêu phàm thời cổ đại là Iliad và Odyssey của Homer đã được Đỗ Khánh Hoan chuyển ngữ từ nguyên tác sang Việt ngữ thành công, vừa được phát hành tại Việt Nam.
Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Đỗ Khánh Hoan trước năm 1975 là giáo sư đại học Văn khoa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu và giảng dạy môn lịch sử văn chương Anh – Mỹ. Từ cuối thập niên 1960 đến nay, Đỗ Khánh Hoan đã chuyển ngữ hơn 40 tác phẩm, phần lớn là kiệt tác lần đầu xuất hiện trong phiên bản tiếng Việt. Hiện ông định cư tại Toronto, Canada.

Munro Alice - Giải NOBEL Văn Chương 2013

Bản dịch của Nguyễn Đức Tùng

ALICE MUNRO
(1931~)

Lời giới thiệu:
Alice Munro sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở Wingham, Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông trại, mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở thị trấn Clinton, nơi bà cũng thường trở về sau này. Theo học đại học Western Ontario, nhưng rời trường sớm khi lập gia đình năm 20 tuổi. Bà và gia đình sống ở một đảo ngoài khơi Vancouver nhiều năm nay, coi sóc tiệm sách có tên là Munro. Hai ông bà có với nhau ba đứa con, hôn nhân của họ thời trẻ có một thời kỳ tan vỡ ngắn. Sinh quán của Alice Munro, Ontario, là tỉnh bang lớn nhất Canada, gần bên Ngũ Đại Hồ. Vùng phía nam của tỉnh là vùng có khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng phẳng, nhiều sông hồ. Trong truyện của Munro, có cảnh vật của Ontario hoặc thiên nhiên hoang dã trên đảo Vancouver.

20 thg 10, 2013

Anh Đâu Còn Nơi Nào Để Đi...

Photo: Clyfford vẫn là người đi đầu trong thế hệ đầu tiên của chủ nghĩa biểu hiện . Người đã phát triển một phương pháp mới, mạnh mẽ cho hội họa ngay trong những năm sau chiến tranh thế giới II. Vẫn là thời bao gồm Philip Guston, Franz Kline, Willem de Kooning, Robert Motherwell, Barnett Newman, Jackson Pollock, và Mark Rothko. Mặc dù phong cách và phương pháp tiếp cận thế giới của các nghệ sĩ rất khác nhau, nhưng chủ nghĩa biểu hiện được đánh dấu bằng các hình thức trừu tượng, tạo biểu cảm và  quy mô hoành tráng, tất cả đều được sử dụng để truyền đạt các chủ đề phổ quát về sự sáng tạo, về cuộc đấu tranh để sống, và cái chết…một chủ đề có sự liên quan đáng kể đối với thế giới suốt những năm trong và sau Thế chiến II.  Trong hình ảnh này: diễn viên Jeremy Irons nhìn vào một bức tranh của Clyfford Still trong buổi lễ khai mạc triển lãm "Nghệ thuật ở Mỹ ba trăm năm đổi mới" tại Bảo tàng Mỹ thuật Pushkin ở Moscow. theo artdaily.com 23/6/2013

Trần gian mênh mông
gió trăng lẩn trong cát bụi vô thường
cùng ngọc nát văn chương
ngàn năm làm chiếc lá vàng trên lối đi
của loài mơ màng mộng mỵ

Ta lỡ yêu loài hoa diên vỹ
trong mộng tưởng xa xôi một ngày em thay thượng đế
lên ngôi trong ký ức bồng bềnh trên vành môi đêm thẳm.
 
Vầng trăng khuya muôn dặm lạnh lùng hoang liêu
soi vào câu thơ ta chết trong đợi chờ khắc khoải.
Em vô tình đùa bỡn trên vành môi đời bão tố muôn niên.
 
Ta cũng chẳng còn nơi nào để đi
vì sợi dây vô hình em đã siết chặt trái tim tội nghiệp trần gian
trong mỗi bước gian nan chìm trong thơ em
màu biển xanh thanh khiết.
 
Bàn tay em một đêm trăng sao vằng vặc
đưa lên bầu trời hái mất hồn ta,
em gửi vào những vì sao ngôn ngữ xa hoa ,
làm mây mưa xuống thơ ta ngàn năm ước ao cháy bỏng.
 
Cho nên, em ơi, dù trời cao biển rộng
cũng chẳng còn nơi nào là lối mộng cho anh.
         KG 22/9/2013

18 thg 10, 2013

LÃNH ĐẠO CÓ CÒN BIẾT LẮNG NGHE LẼ PHẢI TỪ DÂN?

VN sẽ cắt làm đôi nếu có sự cố hạt nhân


Thảm họa hạt nhân ở Fukushima
Thảm họa hạt nhân ở Fukushima để lại hậu quả lâu dài cho Nhật Bản
Việt Nam có thể sẽ bị chia cắt ra làm đôi, trong khi xuất khẩu, kinh tế bị tê liệt ngay tức khắc và toàn bộ dải đất miền Trung sẽ bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm trong nhiều năm nếu xảy ra một thảm họa hạt nhân như vụ Chernobyl hay Fukushima, theo cảnh báo của một chuyên gia điện hạt nhân từ Pháp.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 05/9/2013 từ Paris, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập đoàn Điện quốc gia Pháp (EDF) cũng cảnh báo Việt Nam có thể sẽ phung phí hàng chục, hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước trong khi sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà theo ông 'ngàn đời vẫn còn nguy hiểm.'
Cựu Giáo sư về điện và năng lượng hạt nhân ở Đại học Grenoble của Pháp đưa ra lời kêu gọi chính quyền Việt Nam khẩn trương tổ chức trưng cầu dân ý về các dự án phát triển điện hạt nhân và các lò phản ứng mà ông cho là quá tham vọng, lãng phí và đầy rủi ro trong khi Chính phủ cho rằng đây là lời giải cho khan hiếm năng lượng điện.
Việt Nam đang trong lộ trình thực hiệnBấm Định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân giai đoạn đến năm 2030 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt hồi tháng 6/2010, theo đó 14 lò phản ứng hạt nhân được dự kiến bố trí chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, gồm các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh, với các khoản kinh phí khổng lồ từ nguồn vốn ngân sách và vay nợ.
Bình luận của Giáo sư Nhẫn, người có trên 30 năm nghiên cứu về điện hạt nhân, được đưa ra sau khi Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận cho truyền thông Việt Nam hay họ đã tổ chức tập huấn, tham quan một lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cho hơn 15 đoàn đến từ Ninh Thuận để học tập kinh nghiệm, tìm hiểu năng lượng hạt nhân và an toàn phóng xạ.
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn: Việc tỉnh Ninh Thuận đưa các đoàn đi tham quan Lò phản ứng Đà Lạt, như báo Bấm Đất Việt đưa tin, có tính chất tuyên truyền nhiều hơn là để cho dân chúng hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của phóng xạ. Lò nghiên cứu Đà Lạt (có công suất) 0,500 MW nhiệt, không nguy hiểm bằng lò Điện hạt nhân ở Ninh thuận 3000 MW nhiệt.
BBC: Theo ông, Ninh Thuận đang đứng trước nguy cơ gì khi nhận đặt 2 nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh của mình?
Ninh Thuận cũng như các tỉnh Quảng Ngải, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh đều sẽ gặp nguy cơ lớn nếu có biến cố xảy ra, vì theo chương trình Điện hạt nhân của Việt Nam, cả thảy 14 lò phản ứng (1000 MW đến 1500 MW điện) sẽ được xây cất ở 5 tỉnh miền Trung này từ 2014-30.
Nguy cơ bất cứ năm tỉnh đó (gặp phải) là lúc có một tai biến xảy ra, như thảm họa Fukushima chẳng hạn, phóng xạ sẽ lan toàn tỉnh và xung quanh vùng miền Trung. Vì vậy, dân chúng phải di tản. Tôi không biết chính phủ làm thế nào để dân phòng chất thải phóng xạ rất nguy hiểm cho tính mạng. Môi trường sẽ bị ô nhiễm trầm trọng.

'Thao túng thông tin?'

BBC:Theo ông người dân đã được hỏi ‎ ý kiến đầy đủ chưa, hay họ thiếu cung cấp thông tin hoặc bị thao túng?
Theo tôi người dân không thể nào được hỏi ý kiến đầy đủ vì thiếu thì giờ và trình độ hiểu biết về hiện tượng vật lý và hạt nhân. Lẽ cố nhiên họ bị thao túng vì không được cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ.
BBC: Một nhà khoa học Việt Kiều từ châu Âu, Tiến sỹ Bấm Trần Đại Phúc từng được báo Hà Nội Mới trích ý kiến nói ở Việt Nam "từ nay đến năm 2050, không gì thay thế được năng lượng hạt nhân," Giáo sư bình luận gì về nhận định này?
Nói rằng từ đây đến 2050, không gì thay thế được Điện hạt nhân thì hoàn toàn không đúng sự thật. Các nước trên thế giới, năm 2013, đã đầu tư 250 tỷ đô-la vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhất là điện gió và mặt trời. Đan Mạch đến 2050 sẽ sử dụng 100% điện mặt trời, Đức đang dẫn đầu về điện gió và điện mặt trời. Thử hói tại sao Đức đã hy sinh hàng trăm tỷ đô-la, can đảm từ bỏ điện hạt nhân năm 2022 tới?
"Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính Phủ VN cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội"
GS Nguyễn Khắc Nhẫn (đứng)
Các cuộc lobby (vận động hành lang) hạt nhân tuyên truyền 'láo', đề cao điện hạt nhân đã lỗi thời thay vì khuyến khích việc khai thác triệt để năng lượng tái tạo. Hiện nay ở Pháp và ở Âu Châu, điện gió trên đất liền đã cạnh tranh được với điện cổ điển và hạt nhân.
BBC: Ý kiến chuyên gia nói các thảm họa hạt nhân từng biết đã xảy ra ở Ukraina, Mỹ, hay Nhật Bản đều xuất phát từ thiếu sót của con người, theo ông có khả năng nào con người sẽ kiểm soát được hết các sự cố?
Tất cả các biến cố đã xảy ra như Chernobyl, Three Miles Island và Fukushima đều do con người mà ra, do sai lầm, do thiếu trình độ. Những rủi ro ấy, không phải vì thiết bị hay thiết kế, những thảm họa xảy ra hoàn toàn là do con người. Lẽ cố nhiên, có sơ suất về trang bị, về thiết kế, nhưng vấn đề nhân sự là chính.
Nếu Việt Nam chưa có đủ nhân tài, chưa có đủ chuyên gia, chưa đủ kỹ sư để xây cất, để khai thác, theo tôi, không nên làm điện hạt nhân, vô cùng nguy hiểm.

'Bàn tay nhóm lợi ích?'

BBC: Ông có nghĩ là có nhóm lợi ích trong và ngoài nước nào đã thao túng quyết định đặt "bằng được" các dự án hạt nhân ở Ninh Thuận? Có vấn đề gì từ những người buôn bán lò phản ứng cho Việt Nam như từ Nhật, từ Nga?
Ta có thể đặt câu hỏi vì lý do gì Việt Nam không chịu thay đổi chiến lược. Áp lực từ đâu đến? Vấn đề chính trị hay các tay buôn ngoại quốc lợi dụng chúng ta, một hai họ quyết tâm phải bán lò cho Viêt Nam mà sự thật là các lò phản ứng tồn kho.
BBC: Có thể biết các công ty trung gian nào có vai trò quyết định trong việc móc nối mua bán lò phản ứng cho Việt Nam?
Sự thật tôi không biết công ty ngoại quốc trung gian nào, ai có ảnh hưởng và quyền lợi lớn trong các lobby này, ai có cơ hội làm giàu trên đầu dân ta, bất kể sự nguy hiểm cho tính mạng con người.
BBC: Ông tư vấn gì cho người dân và chính quyền Ninh Thuận hiện nay và có lời khuyên gì với Việt Nam trong vấn đề điện hạt nhân nói chung và các tỉnh khác có liên quan nói riêng, nhất là trong tình huống xảy ra sự cố?
Nếu một thảm họa như Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì cả miền Trung sẽ bị phóng xạ bao trùm và đất nước ta sẽ bị chia đôi lâu dài, du lịch, xuất khẩu, kinh tế sẽ bị tê liệt trong chớp nhoáng. Ta sẽ phung phí hàng chục rồi hàng trăm tỷ đô-la mà không đem lợi ích gì cho đất nước.
Ta sẽ để lại cho hàng chục thế hệ con cháu chất thải phóng xạ ngàn đời vẫn còn nguy hiểm. Vì sự sống còn của đất nước, tôi thiết tha đề nghị Chính Phủ Việt Nam nên cấp tốc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về chương trình Điện hạt nhân quá tham vọng, không kinh tế và vô cùng nguy hiểm cho đồng bào vô tội.
NGUỒN: BBC

11 thg 10, 2013

Yêu Người Giữa Gió Bụi Trần Gian

eric wallis
Tranh của  IRIC WALLIS

Một ngày dòng sông xui ta

leo lên đỉnh của đám mây mùa thu
đang lững lờ trên bầu trời biên biếc nụ hôn,
không phải để đi tìm một giấc mơ hoang,
mà chỉ để tìm em trong thế gian triền phược.
Em xa biền biệt suối ngàn.
 
Sợi nắng mùa thu huy hoàng rơi trên áo em,
nhưng em nói rằng điều đó đâu có nghĩa gì
so với nỗi cô đơn ngàn năm em gánh chịu,
đó chỉ là trò đùa của con tạo,
trên lưng bất hạnh loài người.
 
Những giọt sương đêm lấp lánh như  ánh sao mai,
nhấp nháy trong hoài niệm xa xôi
của loài biết cười biết khóc,
trôi theo sự mê hoặc của tháng ngày.

Em đem ký ức vùi chôn vào sự đau thương của bàn tay đời bâng khuâng lam lũ,

một thuở bôn ba kiếm tìm nhành hoa nở muộn cuối hoàng hôn,
em để lại hơi thở dập dồn trong sóng mắt cuồn cuộn hồn thơ,
thức suốt ngàn năm bơ vơ
giữa bến bờ nhân thế.
 
Nhưng em đành nhận làm loài hoa thiên sứ,
tím ngát thế gian,
ban phát yêu thương cho cõi vô thường mộng mị,
run rẩy dưới ánh mặt trời,
và mỉm cười cùng tay người trong đêm trừ tịch,
thắc thỏm đợi tình em.
 
Mai ta về cùng bát ngát mùi hương loài hoa diên vỹ ,
em không giận hờn ta đã ngày đêm thui thủi yêu người
giữa gió bụi trần gian.                         

                KG 2/9/2013

5 thg 10, 2013

Yêu Giữa Thu Vàng


https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjbV-0UwZD70wymBRcPqckqdVhXd2mJ_l-y2tUTDJYqHzx_axvICpE2-NkU3UkDQWX88KZxa7A_le3OqiGneDmjYASp01DC14rzURhrgdxiHgc3u2957b_xzSVKn9F7qUABKJvHvLXpisA/s1600/freydoon+rassouli+4.jpg

Mùa thu
lướt qua phím đàn em nức nở
Thương ai,chiếc lá vàng
ôm nỗi nhớ lung linh
Mùa thu nay về,
chỉ có một mình anh
Cây trút lá ngập hồn thu muôn thuở.


Đêm nay giọt thu

rót đầy thêm nỗi nhớ
Mắt em long lanh,
anh nợ với ngàn sao
Vầng trán em,
anh khao khát trời cao
Vòm ngực ấy cùng vòng tay em rực lửa


Anh biết rồi,

ngày tháng cứ qua mau!
Ta thương tiếc
những rẩy run dĩ vãng
Từng khoảnh khắc
môi người dâng lãng mạn
Hương sắc cuộc đời,
mình trút cạn cho nhau


Anh nhớ em,

trăng quặn nửa hồn đau
Nghe cát bụi
rũ nhàu hương phấn mộng
Anh đi giữa mênh mông chân trời rộng
Lạnh buốt đôi vai
hoang vắng tinh cầu


Không có em,

mây hoàng hôn hấp hối
Anh lặng thầm
vẽ vội nét thu phai
Và cẩn thận
khắc lời em lên đá
Thuở em còn ngần ngại tiếng yêu ai


Nay ta về

cất kỹ nụ hôn môi
Vào ký ức
của mùa thu năm trước
Và tất cả những gì ta có được:
Giữa thu vàng,  

người đã nói yêu tôi…
SG 30/9/2013

30 thg 9, 2013

Bài Hành Ca Của Một Kẻ Hào Hoa
Mười Một
Những Chàng Trai Buồn Tẻ
              Thơ Nguyễn Thanh Hiện




tranh DELFINA BLAQUIER


rồi tôi cũng đến được nơi tôi muốn đến
những chàng trai da ngăm đen đã chờ tôi ở đó
những chàng trai tuy buồn tẻ nhưng lại thông hiểu các thứ tiếng nói trên các châu lục
ở quê tôi chỉ loài chim ấp muỗi là thông hiểu các thứ tiếng nói các châu lục, bỡi đám con chúng sinh ra là phải đi kiếm ăn khắp thế giới
đám con chúng vừa sinh ra là liền được dạy dỗ thông hiểu các thứ tiếng nói trên các châu lục


làm như thể tôi đã hẹn bọn họ tự những trăm năm trước
nỗi nhớ nhung là rất cần an ủi
cuối cùng thì anh cũng đã đến
những chàng trai buồn tẻ bắt đầu nói


và tôi cũng bắt đầu nhìn thấy những rừng cây, những bụi rậm, ao hồ, sông, thác, rừng đen, rừng đen…lũ chim trời vừa lượn lờ trên bầu trời xanh thâm, vừa hát, một thứ màu đen bi thảm như đang xâm chiếm nghĩ ngợi của tôi, dẫu trí tuệ con người có phác vẽ được những nét huy hoàng, những con đường dẫn đến miền đất mới, gương mặt thế giới lấp lánh giữa những buổi bình minh có những ánh mắt nhìn thấu đường đi mặt trăng mặt trời, nhưng những huy hoàng là chẳng thể làm lành lại những vết thương trên lưng đám ngựa hoang đã được mang đến miền đất mới để thồ vàng, thồ kim cương, thồ những tham vọng của bọn nhà giàu, đám ngựa hoang còn sống sót đã chết gìà tự những trăm năm trước là những chàng trai buồn tẻ đã hẹn gặp tôi


nhưng những chàng trai buồn tẻ nói tháng năm vẫn là thứ dấu tích hằn sâu trong trí nhớ, chúng tôi đi khi lũ vịt trời còn đang vui đùa trên những hồ nước thêng thang, và những người con gái thì bước ra khỏi những bụi rậm nắm lấy bàn tay chúng tôi như thể đấy là lần cuối được nắm lấy  bàn tay của người mình yêu, và như thể là có lời mách bảo của tổ tiên chúng tôi, những mách bảo chỉ còn có thể nhìn thấy qua những chiếc mặt nạ đầy sắc màu u uẩn, như nghe được những lời mách bảo của tổ tiên về việc giữ gìn nòi giống, chúng tôi vội vã ôm lấy những người con gái vừa bước ra khỏi những bụi rậm để làm tình ngay trên thứ mặt đất như đang mang trong mình thứ màu đen buồn thảm


bầu trời như đang âm ỉ chứa một thứ thông điệp mới nào đó về mưa nắng, tận phía mờ xa của quá khứ, những kẻ đã chết vẫn thư thả gác tay lên niềm vĩnh cửu, rừng đen, rừng đen…đâu đó như đang vang lên tiếng hát của lũ vịt trời, rốt cuộc thì tôi cũng chẳng có thứ gì để đem ra an ủi những chàng trai buồn tẻ, nhưng những năm sau đó thì tôi đã gặp lại bọn họ, những chàng trai vẫn buồn, bọn họ đã đưa tôi đi gặp hết thảy những người đã chết, đấy là lúc những khúc hát trong trí nhớ tôi đã trở thành thi ca chép trên giấy

26 thg 9, 2013

Triết Gia Và Thi Sĩ

                            
            BÙI VĂN NAM SƠN

Trong Bùi Giáng, sơ thảo tiểu truyện (i), nhà phê bình văn học Đặng Tiến nhận định có tính tổng kết về văn nghiệp Bùi Giáng như sau : “ Trên cơ bản, Bùi Giáng là nhà thơ ”. Thế nào là “ trên cơ bản ” ? Tôi không muốn hiểu câu nhận định trên đây theo nghĩa thông thường của sự phân loại, đánh giá về văn nghiệp của một tác giả : Bùi Giáng trước hết và trên hết, hay, tựu trung, là một nhà thơ, nói khác đi, phần có chân giá trị là sự nghiệp thi ca của ông, còn các phần còn lại là thứ yếu, không “ cơ bản ”. Thật ra, trong khối lượng đồ sộ và đa tạp của Bùi Giáng “ văn xuôi ”, dù khó tính đến mấy, ta vẫn có thể chắt lọc ra không ít những trang tuyệt bút từ các Giảng luận văn học (Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan đến Phan Văn Trị / Tôn Thọ Tường và Tản Đà), các tùy bút văn chương, các nghị luận triết học, đó là chưa kể một số bản dịch thành công khá đặc biệt. Trong chừng mực nào đó, chúng có giá trị tự tại, độc lập với việc có hoặc không có “ Bùi Giáng nhà thơ ”. Vì thế, tôi muốn thử hiểu nhận định trên đây theo một cách khác : dù là văn xuôi hay thơ, Bùi Giáng vẫn “ trên cơ bản, là nhà thơ ”, theo nghĩa : Bùi Giáng có ý thức sử dụng ngôn ngữ theo nghĩa rộng như là “ ngôn ngữ thi ca ”. Chính điều này tạo nên nét riêng biệt, độc sáng của thi văn Bùi Giáng, và đồng thời mời gọi ta hãy đến với Bùi Giáng theo cách hiểu ấy.
Như ai cũng dễ nhận ra, và như chính Bùi Giáng đã thừa nhận, bút pháp và thơ của Bùi Giáng thoạt đầu xuất phát từ cội nguồn Thơ Mới. Nhưng, do một sự tương ứng sâu thẳm nào đó và cũng là một cơ duyên, việc Bùi Giáng tiếp cận và tiếp thu tư tưởng, nhất là triết học về nghệ thuật, của Heidegger, theo chúng tôi, là một trường hợp khá hy hữu : nó thanh tân, trọn vẹn và chung thủy đến lạ thường. Sự gặp gỡ này còn có sự hiện diện của một nhân vật thứ ba có ý nghĩa quyết định : thi sĩ Đức Friedrich Hölderlin. Heidegger là triết gia, Hölderlin là thi sĩ, sống cách nhau ngót hơn một thế kỷ, nhưng thật lạ lùng khi Heidegger từng nhiều lần nhấn mạnh rằng ông không còn có thể phân biệt mình với Hölderlin được nữa (ii! Tự nhận mình đồng nhất với một người khác, nhưng không ai nghĩ rằng Heidegger tự “ đánh mất mình ” trong mối quan hệ lạ thường ấy. Ta cũng có thể nói hệt như thế về mối quan hệ tay ba : Heidegger – Hölderlin – Bùi Giáng ! Trong bài tham luận ngắn này, chúng tôi muốn lưu ý đến mối quan hệ lạ thường này như một nỗ lực góp phần soi sáng quan niệm sống, sáng tác và suy tưởng của Bùi Giáng.

1. Triết gia – thi sĩ :


Quyển Giảng giải về Thơ Hölderlin của Heidegger (iii) (tập 4 trong Toàn tập) chỉ ngót 200 trang, nhưng đã được Bùi Giáng dịch và diễn giải hơn 1000 trang, chia làm hai tập : Lời Cố quậnLễ Hội Tháng Ba. Có thể nói đây là công trình văn xuôi quan trọng nhất và cũng phức tạp, sâu sắc nhất của Bùi Giáng. Theo một cách nói quen thuộc, chính ở đây, Bùi Giáng đã đi từ “ tự phát ” đến “ tự giác ” trong quan niệm sống và sáng tác văn chương.
Hölderlin (1770-1843) là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của nước Đức, bạn đồng học và có ảnh hưởng sâu đậm đến hai khuôn mặt lớn của triết học Đức : Schelling và Hegel. Đáng chú ý : Hölderlin cũng có định mệnh tương tự Bùi Giáng : hơn 30 năm cuối đời sống trong trạng thái “ điên tam đảo tứ ” ! Ta biết rằng Heidegger có những bài giảng đầu tiên về Hölderlin vào những năm 1934-35 (ngay trước khi soạn luận văn nổi tiếng : Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (iv)). Ông tiếp tục bàn về Hölderlin cho tới 1946, được tập hợp lại thành sáu luận văn trong tác phẩm vừa kể. Bùi Giáng nhận định : “ Mười năm sau Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian, 1927, tác phẩm chính của Heidegger], Hölderlin xuất hiện trên hầu hết những cuốn sách của Heidegger mỗi phen tư tưởng của Heidegger bước tới điểm quyết định ”. “ Riêng cuốn sách Giảng giải về thơ Hölderlin này mang một ý nghĩa trầm trọng và sâu xa như thế nào trên con đường tư tưởng của Heidegger, thành tựu một cái gì cho Tư tưởng Tây phương, chuẩn bị cho một cuộc hội thoại lặng lẽ mênh mông nào khác, những người theo dõi Heidegger ắt đã từng nhận thấy ”. “ Người nào đã đọc kỹ từ lâu cuốn sách dị thường ấy của ông Heidegger, ắt đã rõ nguyên do lối sắp đặt thứ tự các bài giảng… Và cũng không ngạc nhiên gì nhiều trước lối dịch và giảng dường như kỳ dị của dịch giả ”. Bùi Giáng viết tiếp : “ Nhan đề ấy nói gì ? Có thể hiểu cưỡng bức theo hai cách :
1. Cuộc tiếp cận (của chúng ta với) Hölderlin
2. Cuộc tiếp cận của Hölderlin
Theo nghĩa thứ hai là thế nào ? Hölderlin tiếp cận cái gì ? Ấy là : tiếp cận Uyên Nguyên, đi về cận lập với Uyên Nguyên. Sao gọi là Uyên Nguyên ? Theo nghĩa thứ nhất : chúng ta tiếp cận ? Đi về tiếp cận ? Nhưng Hölderlin không phải là một cá nhân. Nguồn thơ thi dựng của ông là một nguồn Thi nhiên hi hữu. Hölderlin là Nguồn Thơ ấy. Vậy thì tiếp cận Hölderlin là tiếp cận nguồn thơ ấy. Nhưng tại sao tiếp cận mà không tắm mình vào ? Vì đó là Uyên Nguyên và trong khi chúng ta dò dẫm trên bước tiến lại gần, thì Uyên Nguyên cũng đi về với chúng ta trong thể lệ riêng biệt : gần gũi mà xa xôi ” (v)
Đàng sau cách diễn đạt bay bổng nhưng khá tối tăm ấy là diễn trình tư tưởng của Heidegger được Bùi Giáng theo dõi sát sao và thể nhập trọn vẹn. Có thể chia sự “ tiếp cận ” của Heidegger với thơ Hölderlin làm hai thời kỳ : thời kỳ sớm từ 1934 đến 1939 và thời kỳ muộn là 1939-1946, với sự khác biệt quan trọng.
Thời kỳ sớm nổi bật với hai luận văn : “Hölderlin và bản chất của thi ca” (Bùi Giáng dịch và giảng trong Lời Cố quận, An Tiêm, 1972, tr. 146-242) và “Siêu hình học nhập môn” (được Bùi Giáng dịch và giảng một phần trong Trăng Châu Thổ (Quế Sơn, Võ Tánh, 1969, tr. 207-308).
Ở thời kỳ này, Heidegger xem Hölderlin là một thi sĩ quan trọng, nhưng không quan trọng với tư cách thi sĩ, mà như là triết gia - thi sĩ, nói khác đi, tuy Hölderlin làm thơ, nhưng nội dung của nó không phân biệt với triết gia. Thật ra, những đại thi hào Tây phương như Homer, Sophockles, Virgil, Dante, Shakespeare và Goethe thực hiện bản chất của thi ca còn phong phú hơn cả Hölderlin, nhưng tại sao Heidegger lại tập trung vào Hölderlin ? Lý do là vì, theo ông, Hölderlin là nhà thơ làm thơ về thi ca. Ông gọi Hölderlin là “ thi sĩ của những thi sĩ ” (vi) không theo nghĩa tôn vinh về đẳng cấp mà chỉ vì Hölderlin là nhà thơ của bản thân thi ca. Hölderlin đã viết những câu thơ về bản thân thi ca như thế nào, trong chừng mực là một thứ “ siêu-thica ” mang đầy đủ tư cách của một nhà tư tưởng ? Xin điểm lại ngắn gọn năm điểm :
-  Hai điểm đầu tiên có vẻ mâu thuẫn với nhau. Hölderlin gọi thi ca là công việc “ hồn nhiên thơ dại nhất ” (vii), nhưng đồng thời cũng là công việc “ nguy hiểm nhất ” (viii). Vì lẽ thi ca nảy sinh trong ngôn ngữ, nên câu hỏi có thể đặt lại là : ai làm chủ ngôn ngữ và ngôn ngữ hiểm nguy theo nghĩa nào ? Theo Heidegger, ngôn ngữ là cái gì quá “ thân thiết ” với con người, nó có thể “ thôi miên ” ta ở vẻ ngoài khiến ta dễ bỏ qua căn cơ, nền tảng. Sự hàm hồ của ngôn ngữ làm cho cái không bản chất trở thành bản chất, đồng thời biến bản chất thành cái gì nông nổi, bì phu. Đối diện với hiểm nguy ấy, Hölderlin đã trả giá bằng sự điên loạn của mình, một sự cố không thể điều trị hay cứu chữa bằng y học. “ Điên loạn là số phận của Hölderlin ”, vì “ những hoa trái đầu mùa bao giờ cũng thuộc về phần của thần linh ” và Hölderlin là “ hoa trái bi kịch nhất trong lịch sử nước Đức ”. Phải chăng ta cũng có thể nói như thế về Bùi Giáng ?
-  Điểm thứ ba : con người chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ, và ngôn ngữ bao giờ cũng hiện hữu trong đối thoại, trong “ nói ” và “ nghe ”. Đó là đặc trưng của con người, bởi chỉ con người mới mang thời tính, tức tìm thấy chính mình ngay trong lòng sự vật khi chúng được từng bước khai mở bằng một cách nào đó. Ngôn ngữ là nơi ta thể nghiệm : hoặc có thể đi sâu vào được vùng ẩn mật, khép kín của thực tại khôn dò, hoặc chỉ phải dừng lại ở bề mặt của sự hiện diện thô sơ.
-  Điểm thứ tư là từ chính lời thơ của Hölderlin : “ những gì bền vững là do thi sĩ thiết lập nên ” (ix). Những gì tưởng như vững bền, thường trụ trong thế gian đều cần được “ thiết lập nên, nếu không, chúng sẽ bị chìm lấp, lẫn lộn trong mớ hỗn mang ”. Để sự vật hiển hiện ra cho ta, ta phải đứng vào vùng ánh sáng thích hợp. Như thế, con người không chỉ thụ động ngồi nhìn sự vật chung quanh, rồi gọi tên chúng. Ngược lại, chính thi sĩ đặt tên cho chúng, và chỉ có việc đặt tên này mới thiết lập nên sự vật. Sự vật và bản thân Tồn tại không bao giờ phơi bày mà phải được sáng tạo và thiết lập. Thi sĩ có vai trò trung tâm trong sự hiện hữu của con người (x).
-  Và sau cùng, điểm thứ 5, lại từ một câu thơ khác của Hölderlin : “ con người sống trên đời như một thi sĩ ” (xi). Sống như một thi sĩ là sống giữa lòng những gì thiêng liêng, vừa ẩn giấu, vừa vẫy gọi, mang ta đến gần bản chất của sự vật. Sự hiện hữu được thi sĩ tạo dựng và thiết lập là một quà tặng được ban cho ta, bên ngoài quyền năng của cá nhân mỗi người. Cũng thế, thi ca không chỉ là một trò chơi với những từ ngữ và ngữ pháp đã có sẵn, trái lại, cấu tạo nên bản chất của ngôn ngữ, qua đó, cấu tạo nên cả mối quan hệ của một dân tộc với vận mệnh lịch sử của mình. Thi sĩ không tái tạo cái khả kiến, trái lại, làm cho nó trở nên khả kiến. Đó cũng là ý của Hölderlin khi nói về Oedipus, nhân vật thần thoại đã tự móc mắt mình : “ Có lẽ đức vua Oedipus có thừa một con mắt ! ”. Như Heidegger nhận xét : có lẽ Hölderlin cũng có thừa một con mắt ! Hölderlin là thi sĩ của thời đại khốn khó, khi thế giới cũ không còn mà thế giới mới chưa đến. Sự điên loạn của nhà thơ là kết quả của sự canh giữ cô đơn, của việc sáng tạo nên những sự thật mới mẻ, dù không mấy ai hay biết. Như thế, trong thời kỳ này, Heidegger đánh giá cao chất lượng tư tưởng trong thơ Hölderlin : thi sĩ thiết lập nên những nhu cầu thiết yếu và nghiêm trọng, với “ sứ mệnh ” khôi phục lại những gì đã suy tàn, gãy đổ của một thời vàng son quá khứ (như nền “ nghệ thuật lớn ” của “ hệ hình Hy Lạp ”) (xii).
Heidegger viết những lời mạnh mẽ : “ Công việc của chúng ta là mang lại quyền lực cho Hölderlin ”. Nói cách khác, ở đây, thi sĩ và triết gia không còn phân biệt về sứ mệnh ; họ chỉ khác nhau ở tính cách và phương tiện : một bên dùng lối ẩn dụ, ít nhiều tối tăm, một bên sử dụng khái niệm minh nhiên, sáng sủa. Hölderlin là quan trọng, nhưng chưa phải với tư cách là nghệ sĩ mà như là triết gia : “ đứng trên đỉnh núi cao của thời đại, thấu hiểu quá khứ và dự phóng tương lai ”. Ta dễ dàng liên tưởng đến thời kỳ đầu của Bùi Giáng Mưa Nguồn, của Bùi Giáng, Heidegger và tư tưởng hiện đại
“ Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại
Giữa hư vô em giữ nhé ngần này…
Sau một Nietzsche bơ vơ, “ mất quê hương ”, Heidegger muốn nhìn thấy nơi Hölderlin hình ảnh và lời kêu gọi của kẻ “ quy hồi cố quận ”, tìm lại được quê hương đã mất.

2. Thi sĩ – triết gia


Vào thời kỳ muộn, qua việc giảng giải các tụng ca Như trong ngày Lễ hộiHồi tưởng (Bùi Giáng : Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008), Heidegger cho thấy một bước nhận thức sâu hơn về Hölderlin chung quanh bản chất và trách vụ của thi ca. Lần đầu tiên, Hölderlin đích thực xuất hiện “ trên cơ bản là nhà thơ ” (wesentlich als ein Dichter/essentially as a poet) vì Heidegger thừa nhận rằng ông đã được Hölderlin “ dạy dỗ ” về bản chất của thi ca theo ngôn ngữ của cái BỐN (Trời, Đất, Con người và Thần linh).
- Tụng ca Như trong ngày Lễ hội (1800) (xiii) là mới mẻ, phong phú khi mô tả sự nghèo nàn tinh thần của thời đại mà Hölderlin gọi là sự thiếu vắng lễ hội. Trong Hồi tưởng (xiv), ta lắng nghe những nhớ tưởng của thi sĩ về “ những giấc mộng vàng ” (Bùi Giáng : “ Giấc vàng long lanh ”) trong những “ lễ hội ” đã qua. Lễ hội là gì? Là ra khỏi nhịp điệu nhàm chán thường ngày. Là ra khỏi vòng kìm tỏa của sự “ hữu ích ”, “ hữu dụng ” để sống đích thực là chính mình. Trong thời đại của khoa học - kỹ thuật - công nghệ, con người bị “ đóng khung ” (Gestell), khiến cho sự “ ưu tư ” (Sorge/Care) khó trở thành sự ưu tư đích thực. Thời hiện đại không thể có “ lễ hội ”, vì ta không còn từ ngữ, không còn ngôn ngữ để làm việc ấy nữa (Bùi Giáng : “ Tôi bước qua từ ngữ rụng hai lần ”). Đó là cảm thức sâu sắc rằng bản chất cao nhất của thi ca, của người “ thi sĩ tương lai ” như nói trước đây không thể đạt tới được nữa :
Đạp thanh hội cũ hào hoa
Giấc vàng buổi Tảo Mộ đà cáo chung ”
Bùi Giáng
- Vậy phải làm gì khi “ hệ hình Hy Lạp ” của nền “ nghệ thuật lớn ” cổ đại là bất khả phục hồi, một đi không trở lại ? Trong Xây Ở Suy Tư (1951), Heidegger cho rằng : ta không thể làm cho thần linh quay trở lại, mà chỉ còn có thể “ chăm lo ” (schonen) và “ chờ đợi ” sự lai đáo ấy. Trong Thi sĩ là gì trong thời khốn khó ?, khi bình giảng về tụng ca Bánh và Rượu của Hölderlin, Heidegger thấy cần thiết phải tạo nên một “ bầu khí ” (Ether) thích hợp để đón đợi và làm chỗ cư lưu cho “ thần linh ”, bởi “ chỉ còn có thần linh mới có thể cứu vớt chúng ta ”. “ Thần linh ” ở đây không được hiểu như là sức mạnh siêu nhiên mà như là những kích thước mới cần được khám phá cho sự hiện hữu của con người. Sự đón đợi ấy là sự chuẩn bị ở trong tư thế lẫn sự chuyển hóa ở trong tâm thức. Heidegger viết : “ Là thi sĩ trong thời đại khốn khó có nghĩa là : đón đợi, hát ca, dõi theo sự vẫy gọi của thần linh. Đó là lý do tại sao người thi sĩ trong đêm trường tối tăm của thế giới [Bùi Giáng : “ thế dạ ”] lại tỏ bày sự linh thánh. Đó là lý do tại sao, trong ngôn ngữ của Hölderlin, đêm trường của thế giới lại là đêm thánh thiêng ” (xv). Ta biết rằng, thời hiện đại được gọi là “ đêm tối ”. Ở thời kỳ đầu, Heidegger đọc Hölderlin qua hình ảnh một đêm trường đầy tối tăm, bế tắc (Siêu hình học nhập môn, tr. 46). Bây giờ, đi sâu hơn, hình ảnh mới lại là hình ảnh của “ Tửu thần Dionysos ngao du ca hát trong đêm thánh ”. Trên con đường Quy hồi cố quận, bây giờ Hölderlin lại trải nghiệm đêm tối như cái gì “ thanh sạch ”, “ hân hoan ”, hay, nói như ngôn ngữ Bùi Giáng, trong “ hồn ca vũ địa ”.
Tóm lại, khi thử đặt Bùi Giáng vào trong mối quan hệ mật thiết với Heidegger và Hölderlin, qua đó soi sáng phần nào hành trạng, suy tư và sáng tác của ông, ta thấy Bùi Giáng là một trường hợp khá đặc biệt, hiếm có : không chỉ tiếp thu nguồn thi ca, tư tưởng vốn xa lạ theo nghĩa thâm cảm, tri kỷ mà còn tự dấn mình thực hiện trọn vẹn như một biểu trưng : “ Trút linh hồn dường như thể như thân ”. “ Biết ít, vui nhiều, ấy là tặng vật, cho người phù du ” (xvi). Bùi Giáng không muốn ai bắt chước mình. Nhưng có lẽ ông muốn mình được đọc, được hiểu như một dấu hiệu của sự TỰ DO trong “ thời khốn khó ”. Quả thật, Bùi Giáng, “ trên cơ bản, là một nhà thơ ”.
14.09.2013

Bùi Văn Nam Sơn


NGUỒN : DIENDAN FORUM



(ii) Martin Heidegger : Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung / Elucidations of Hölderlin’s Poetry/Minh giải Thi ca Hölderlin, bản tiếng Anh của Keith Hoeller, New York, 2000, tr. 13 và trong The Heidegger Controversy: A Critical Reader, ed. R. Wolin, Cambridge, Mass, 1993: “Tư tưởng của tôi ở trong mối quan hệ quyết định với thi ca của Hölderlin” (tr. 112).
(iii) Martin Heidegger : Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung, Gesamtausgabe, Band 4, Vittorio Klostermann, Frankfurt am Main, 1981.
(iv) Martin Heidegger : Der Ursprung des Kunstwerkes, Reclam 1960, 2008 (BVNS dịch và chú giải, sắp xuất bản).
(v) Bùi Giáng : Lễ Hội Tháng Ba, NXB Văn hóa Sài Gòn, tái bản 2008, tr. 7 và tiếp.
(vi) Martin Heidegger : Hölderlin und das Wesen der Dichtung / Hölderlin và bản chất của thi ca, Toàn tập, Tập 4, tr. 47.
(vii) F. Hölderlin : “Dichten: diss unschuldigste aller Geschäffte” (III, 77), Sđd. Tr. 31.
(viii) “Darum ist der Güter Gefährlichsten, die Sprache dem Menschen gegeben… damit er zeuge, was er sei…” (IV, 246), Sđd. Tr. 31.
(ix) F. Hölderlin : “Was bleibt aber, stiften die Dichter” (IV, 63), Sđd. tr. 31.
(x) Chuồn chuồn, Châu chấu, Rừng Marylin, Biển Bardot, Ngành Novak, Đóa John Keats, Miền Hà Thanh, Ngành Mật niệm, Đóa U linh, Hồng lĩnh Hạc lâm, Quỳnh Lai Thị Xứ, Nghìn thu Cổ lục, Ngày Hy Nga, Đêm Bé Chị, Hoa trên Ngàn, Sóng Hồng Hoang, Thềm dục vọng… (xem thêm: Mai Thảo, Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng, trong nhiều tuyển tập)
(xi) “Voll Verdienst, doch dichterisch wohnet Der Mensch auf dieser Erde” (VI, 25) Sđd. tr. 31.
(xii) Bùi Giáng : Hư vô và Vĩnh viễn (Mưa Nguồn): “Hồn hoa cỏ Phượng Thành Hy Lạp úa”.
(xiii) F. Hölderlin : “Wie wenn am Feiertage…”, trong M. Heidegger: Erläuterungen zu Hölderlins Dichtung/Giảng giải Thơ Hölderlin, Toàn tập, Tập 4, tr. 49 và tiếp.
(xiv) F. Hölderlin : “Andenken”, nt, tr. 79 và tiếp.
(xv) Thi sĩ để làm gì ?/ Wozu Dichter ? / What are poets for ? Bản tiếng Anh trong Poetry, Language, Thought, London 1975, tr. 94.
(xvi) F. Hölderlin : “Zu wissen wenig, aber der Freude viel, Ist Sterblichen gegeben…” (IV, 240)/To know little, but of joy much Is given to mortals. Heidegger dùng làm đề từ cho phần bình giảng về Tụng ca “Quy Hồi Cố quận/Gửi người thân thuộc” (Heimkunft/An die Verwandten) của Hölderlin. Sđd. tr. 13, Bùi Giáng : Lời Cố Quận, An Tiêm 1971, tr. 30.

21 thg 9, 2013

Điều trần về nhân quyền tại Bắc Hàn

Cập nhật: 03:46 GMT - thứ tư, 21 tháng 8,2013
Bắc Triều Tiên
Bắc Hàn bị cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng
Các nhân chứng trốn thoát khỏi Bắc Triều Tiên đã cung cấp chi tiết về sự tàn bạo và lạm quyền trong các trại giam của nước này.
Một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu phỏng vấn các nhân chứng tại thủ đô Nam Hàn, Seoul, và sau đó sẽ chuyển sang Nhật Bản.
Một trong những nhân chứng đầu tiên đã mô tả việc phải chứng kiến cảnh mẹ mình bị hành hình.
Bắc Hàn đã bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, trong đó có việc tra tấn, bắt cóc và tổ chức trại tập trung.
Hồi tháng Năm, Liên Hiệp Quốc đã công bố tên ba thành viên của ủy ban điều tra đầu tiên về nhân quyền tại Bắc Hàn.

'Chặt ngón tay'

Shin Dong-heyok là nhân chứng đầu tiên điều trần trước ủy ban này.
Sinh ra trong một trại giam tại Bắc Triều Tiên, Shin cho biết đã phải chứng kiến cảnh mẹ và anh trai bị hành quyết sau khi hai người này tìm cách trốn khỏi trại giam nhưng bất thành.
Nhân chứng này cũng nói bản thân đã bị lính gác chặt ngón tay vì đánh rơi một chiếc máy may.
Một cựu tù khác, Jee Heon-a, thì mô tả cảnh một người mẹ bị buộc phải giết chết đứa con nhỏ của mình.
Phiên điều trần sẽ kéo dài đến thứ Bảy 25/8, với 30 người được dự kiến sẽ được thẩm vấn. Các phiên điều trần được tổ chức tại Seoul và Nhật Bản vì các điều tra viên không được phép vào Bắc Hàn.
Thẩm phán đã nghỉ hưu người Úc, ông Michael Kirby, giữ vai trò chủ tọa các buổi điều trần. Bên cạnh ông có đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Marzuki Darusman và nhà hoạt động nhân quyền Sonja Biserko.
Ủy ban này được thiết lập với nhiệm vụ điều tra "các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, mang tính hệ thống và lan rộng" tại Bắc Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc nói trong một thông cáo hồi tháng Năm.
Ủy ban điều tra cũng sẽ xem xét ai là người phải chịu trách nhiệm cho vi phạm của các tổ chức cũng như quan chức chính phủ, phóng viên BBC tại Seoul, Lucy Williamson, cho biết.
Họ cũng sẽ gặp mặt các quan chức chính phủ, những nhóm vận động, và phỏng vấn các nhân chứng tại Nhật Bản.
Đoàn điều tra sẽ phải nộp phúc trình lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tháng Ba năm 2014.
Nguồn BBC