Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

23 thg 2, 2022

Cái Bóng Đen Trên Dòng Sông Như Nguyệt

 

Truyện ngắn của Kiều Giang
[Tiếp theo và hết]
4. Đêm cuối năm, trời Thăng Long mưa phùn, như có ai đó đem cái giá rét từ phương bắc về. Không thể chợp mắt được, vua Lê bước lại vén bức màn cửa nhìn ra khu vườn sau lưng điện Kính Thiên, bóng đêm mịt mùng, thỉnh thoảng mới thấy một toán lính, tay xách đèn bão, còn tay kia cầm cây giáo dài, dáng co ro trong chiếc áo tơi lá cọ, đứng gác, trông tiều tụy, thảm thương.
Đêm im ắng khác thường. Tuy mùa đông Thăng Long buốt giá, nhưng Chiêu Thống thấy như mình đang ngồi trên chảo lửa, vua Lê nhìn về phương nam, rồi thở dài: “Nguyễn Huệ quả là trang anh hùng dũng mãnh, nghe đâu, đối với bọn tùy tướng, chỉ cần hắn trỏ tay, đưa mắt, thì ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét, không có người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn, hắn cầm quân xuất quỷ nhập thần, đi không ai biết, ở chẳng ai hay, mấy lần hắn ra vào Thăng Long như đi chợ, bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, khi gươm kề vào cổ, thì Vũ Văn Nhậm mới biết chủ tướng của hắn đang uy nghi đứng trước mặt. Gần hai tháng nay, Lê Quýnh dối gạt Tôn tướng quân, để trấn an quân thiên triều, chứ có biết gì về tung tích của Nguyễn Huệ Tây Sơn! Hẳn nhiên, Nguyễn Huệ không phải là loài dê lợn như Tôn Sĩ Nghị đã từng huênh hoang, và cái ngai vàng không có dân của ta, không biết còn tồn tại đến bao giờ !”.
Đã mấy ngày xuân trôi qua, đêm đêm nhà vua chỉ nghe tiếng đàn hát từ dinh của Tôn Sĩ Nghị vọng sang, còn Thăng Long thì vẫn chìm trong u buồn. Nhà vua chỉ nghe tiếng phụ nữ than khóc ở đâu đó, mà không nghe tiếng cười đùa của trẻ thơ, chẳng có tiếng dân giết lợn để vui xuân, mà chỉ có tiếng chó sủa vào những toán lính Thanh say sưa ngả nghiêng trên phố. Tuy là trời đã hết mưa phùn, nhưng ngoài đường cũng thưa thớt người đi, trẻ con không mặc áo mới ra đường, phụ nữ không thấy có áo hoa, chợ không hoa đào, cảnh tượng kinh thành chưa bao giờ thê lương ảm đạm như thế.
Điện Kính Thiên và dinh Tổng đốc vẫn liên lạc với nhau thường xuyên và chặt chẽ. Nghị an tâm tận hưởng những ngày xuân chiến thắng bên những cô đào mơn mởn xứ An Nam. Trong khi đó, vua Quang Trung đã chia quân thành 5 đạo, tối 30 Tết, từ Tam Điệp, gióng trống trận, thần tốc tiến về Thăng Long. Trong cơn mơ màng của hương hoa nơi phòng the còn chưa dứt, bỗng rạng sáng mồng 4, quân kỵ chạy về cấp báo với Nghị rằng Hà Hồi đã thất thủ trong đêm mồng 3, quan quân ở đồn Hà Hồi đã đầu hàng, và bị quân Tây Sơn bắt hết, đồn Khương Thượng cũng bị đô đốc Long phá vỡ tan tành, thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống đã thắt cổ tự vẫn, và hiện quân Tây Sơn đang vây kín Ngọc Hồi. Nghị nghe, choáng váng mặt mày, thốt lên: “ Tướng Tây Sơn từ trên trời xuống, quân Tây Sơn từ dưới đất chui lên hay sao?”. Nói rồi, Nghị sai lãng binh Quảng Tây là Thanh Hùng Nghiệp đem binh tới cứu, nhưng không ngờ rằng canh tư đêm ấy, mặt trận phía tây bắc bị vỡ, Nghị cỡi ngựa ra xem thì thấy khói lửa bốc lên đầy trời, quân Tây Sơn đã vào cửa ô, chém giết quân Thanh chết không biết bao nhiêu mà kể, Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, bỏ cả sắc thư, kỳ bài, quân ấn, thúc bọn lính kỵ mã chạy trước ra cầu phao, rồi nhắm hướng bắc mà chạy. Bọn lính trong doanh nghe chủ tướng đã bỏ chạy, nên như rắn mất đầu, cũng tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu phao, cầu phao đứt, rớt xuống sông chết đuối, xác làm tắt nghẽn cả sông Nhĩ Hà.
Vua Lê ở trong điện nghe tin xấu, hốt hoảng, chưa kịp mang theo gì đáng giá, tất cả đều bỏ lại, vội vã cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến đưa thái hậu trốn đi. Khi đến bờ sông thì cầu phao đã đứt, phải chạy ngược lên Nghi Tàm, cướp được thuyền đánh cá, chèo sang bờ bắc. Vua Lê nhìn thái hậu rồi nhìn lại bờ nam, rơi nước mắt. Trời đã nhá nhem tối, vua tôi Lê Chiêu Thống đến cửa ải thì đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị, nhà vua ngậm ngùi: “ Cô bất tài, nghiệp lớn không thành, lại làm nhọc tướng quân, nay xin ở lại đất nước thu nhặt dân binh, mưu khôi phục xã tắc, xa nhờ oai linh của tướng quân, may mà xong việc, xin kính chúc tướng quân về triều được hai chữ vạn phúc”.
Nghị nói: “ Nguyễn Huệ chưa bị diệt, việc này còn chưa thôi, nay hãy dâng biểu xin quân, trong vòng một tháng, đại quân lại kéo sang. Ở đây gần đảng giặc, sợ không yên, hãy tạm vào Nam Kinh nghỉ ngơi, chờ thánh chỉ vậy”.
Nghị thu nhặt tàn quân, còn Chiêu Thống cùng các cận thần theo hầu, đưa thái hậu theo Nghị sang Trung Quốc.
5. Ngày 30 tháng chạp năm mậu thân, khi đang ở Tam Điệp, chuẩn bị xuất quân, vua Quang Trung đã họp các tướng và bảo rằng:
- “ Lần này ta ra dẹp giặc Thanh, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua chỉ trong mươi ngày, có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà lo mưu báo thù, như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân, nên nỡ nào ta làm như vậy. Đến lúc ấy phải có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi việc binh đao, không có Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Chờ mươi năm nữa, cho ta được yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng, nước ta đã giàu, quân ta đủ mạnh thì ta có sợ gì chúng.”. Bọn Sở, Lân cùng tùy tướng đều quỳ lạy tạ mà nói: Chúa thượng nhìn xa trông rộng, chúng tôi ngu dại không thể nghĩ đến chỗ đó.
Chỉ trong vòng năm ngày, Quang Trung đã quét sạch 29 vạn quân Thanh ra khỏi bờ cõi. Trưa mồng sáu tháng giêng năm Kỷ Dậu, Quang Trung tiến quân vào đóng quân ở Thăng Long, rồi ra lệnh chiêu an. Khoảng mười ngày sau, đã có hơn một vạn quân Thanh ra đầu thú, và đều được cấp phát lương ăn áo mặc. Nhà vua còn ra lệnh thu nhặt hài cốt quân Thanh tử trận chôn thành gò đống, lập đàn cúng tế, sai Vũ Huy Tấn làm văn tế, biểu thị sự thương xót đối với quân dân Trung Quốc chết xa nhà, bài văn tế có đoạn viết:
“Nay ta
Sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn ở trời nam, hãy lên đường mà quay về nơi hương chí
Nên kính ngưỡng ta đây là chủ, chan chứa lòng thành
Những mong sao đáp lại đạo trời, dạt dào lẽ sống…***
Nhân bắt được chiếu thư của Càn Long và quân ấn do Sĩ Nghị bỏ lại, Quang Trung đưa cho Ngô Thì Nhậm xem và bảo:
-“ Qua tờ chiếu của vua Thanh, ta thấy rõ bụng dạ của họ như thế nào rồi. Nay họ bị ta đánh thua, nhịn thì thẹn, báo thù thì khó. Vậy những tàn quân ta bắt được, đều nên cấp lương và đưa hết lên cửa ải. Ngươi giỏi nghề văn tự, nên thảo một bức thư gửi cho vua Thanh, đại khái nói: Ta là nước nhỏ, một lòng kính thuận, sợ mệnh trời, thờ nước lớn, nào dám có ý khác. Trước đã có biểu văn đệ sang, bị ngài tổng đốc họ Tôn dìm đi, không thể đến bề trên được. Gần đây ta từ miền Nam tới, vốn là muốn biện bạch lòng thật thà với ngài tổng đốc, không ngờ thiên hạ đồn nhảm, làm to thanh thế của ta, khiến cho mọi người nghi ngờ sợ hãi, bỏ đội ngũ mà chạy trước, để đến nỗi cầu phao bị đứt, quân thiên triều phải chết đuối, ai cũng tranh đường chạy, dẫm đạp lên nhau, kẻ chết, người bị thương. Đó là do ngài tổng đốc họ Tôn gây nên, không phải là tội của nước nhỏ dám giao chiến. Nay đã thu góp được số tàn quân hơn vạn người, xin cấp đủ lương ăn, áo mặc, gửi trả về cố hương, để tỏ rõ lòng thành”.*
Thì Nhậm theo ý đó, thảo một bức thư gửi cho Càn Long, còn ngầm đưa vàng bạc đút lót Phúc Khang An và Hòa Khôn để mau xong việc. Cuối mùa đông năm ấy, Vua Thang sai sứ sang phong cho Quang Trung làm An Nam quốc vương.
Lê Chiêu Thống lẻo đẻo theo Nghị qua ải Nam Quan, sang Trung Quốc, đến trú ngụ ở thành Nam Kinh, đúng vào lúc Phúc Khang An đến thay chức quan của Tôn Sĩ Nghị, và mưu đồ giảng hòa với Tây Sơn, Khang An đón vua Lê cùng với cả bọn quan lại đi theo cùng, vào nghỉ trong thành của phủ Quế Lâm. Phúc Khang An lừa vua Lê cùng bọn tôi thần gọt đầu gióc tóc, để đuôi sam như người Mãn Thanh, rồi tâu láo với vua Thanh rằng, vua Lê bây giờ không còn muốn phục quốc nữa mà đã gọt đầu gióc tóc, muốn xin ở lại Trung Quốc vĩnh viễn.
Để vua Lê khỏi đòi viện binh phục quốc, Hòa Khôn lập mưu đưa vua Lê về Yên Kinh, cạnh nhà Quốc Tử Giám, trước cửa nơi vua ở có biển đề: “ Tây An Nam doanh”, còn các quan đi theo vua thì ở “ Đông An Nam doanh”. Tháng 3, mùa xuân năm Tân hợi 1791, Hòa Khôn phỉnh họ tập trung, để đưa về vùng biên giới, lo ngày trở lại quê hương, rồi âm thầm đày họ đi mỗi người một nơi, chỉ để một mình Trần Thiện ở lại hầu quốc vương. Lúc ấy, Lê Chiêu Thống mới biết rõ mình bị các quan nhà Thanh lừa, từ ấy, vua Lê, dù trong lòng uất ức, nhưng không dám nói đến chuyện xin viện binh nữa
Mùa hè năm Nhâm Tý 1792, nhà vua nhìn đứa con đầu vĩnh viễn ra đi vì bệnh đậu, việc chôn cất thật sơ sài, còn không bằng con của một kẻ thứ dân, Chiêu Thống mới thấy hết nỗi chua chát của kẻ vong nô, sống vất vưởng trên xứ người, vua lo buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt. Mùa đông, bệnh của vua, ngày càng nặng. Đêm ấy trời Yên Kinh rét đậm, Chiêu Thống gượng ngồi dậy nhìn ra khu vườn nhàn nhạt ánh trăng dưới bầu trời lặng ngắt và xa lạ, nhà vua thở dài: “ Trong hơn hai trăm năm mươi năm, từ thời Trang Tông, tuy bị chúa Trịnh chuyên quyền, sóng gió liên tiếp nổi lên, nhưng bờ cõi vẫn được giữ vững ở phía bắc và mở mang về phía nam, cho đến khi ta cõng quân Thanh vào Thăng Long, lúc đó, ngai vua của ta thì còn, nhưng nước đã mất. Ta hiểu dân An Nam oán hận ta, nguyền rủa ta, giờ đây, ta biết mình quá hèn hạ và tội lỗi. Khi mà một ông vua như ta vì muốn bảo vệ cái ngai vàng mục nát của mình, mà đi rước ngoại bang về để chúng bảo vệ cái ngai cho ta, thì tai họa cho dân tộc sẽ không biết còn truyền bao nhiêu đời. Nhưng dân tộc An Nam rất kỳ lạ, khi sinh ra một Chiêu Thống đốn mạt như ta, thì đồng thời cũng sinh ra một trang hào kiệt như Nguyễn Huệ…”.
Nghĩ đến đó, Chiêu Thống khẽ rùng mình và giấu kín dòng tâm tư đó vào lòng, và cũng sẽ chôn sâu vào chiếc quan tài lại mang nhãn hiệu Trung Hoa.
Hôm sau Chiêu Thống gọi các thị thần vào dặn:
-“ Trẫm gặp phải lúc vận nhà suy kém, không thể giữ được xã tắc, phiêu bạt nơi đất khách quê người, để tính việc khôi phục. Nhưng mơ ước ấy của trẫm chắc không bao giờ thành và cũng không còn cần thiết nữa. Nay ta đành gửi nắm xương tàn này nơi đất khách. Sau này nếu các khanh được về nước thì xin hãy cho ta đi theo, để ta tạ tội với các tiên đế cùng bá tánh và được yên nghỉ ngàn đời bên cạnh tổ tông…”
SG 30/6/2016
Tài liệu Tham khảo:
* Hoàng Lê Nhất Thống Chí – NXB Văn học 1984
** Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên Q46
*** Quang Trung Nguyễn Huệ, những di sản văn học- NXB Văn Hóa 2006.
và một số tài liệu khác.
Bạn, Võ Miên Trường, Son Nguyen và 41 người khác
14 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Cái Bóng Đen Trên Dòng Sông Như Nguyệt


Truyện ngắn Kiều Giang
[Tiếp theo]
2. Cuối thu, vùng núi rừng biên cương Hòa Lạc Lạng Sơn, trời đêm se lạnh, Vua Lê đang thấp thỏm, mỏi mắt hướng về phương Bắc ngóng trông những trung thần đem tin vui từ Thanh triều
“rủ lòng cứu vớt”, bắt đầu một cơ duyên cho đất nước non sông(?), Chiêu Thống nói như tự an ủi: “Mùa thu cứ bước đi, bước đi, ước gì ta được ôm hôn hoàng đế Càn Long ba cái, như bao người trước, người sau !”.
Bỗng đâu, Duy Đản ở Thái Bình về, tâu rằng vua Thanh đã chuẩn y cứu viện, Lê Quýnh báo tin Thái hậu ở Nam Kinh khang kiện an vui. Chiêu Thống lệnh cho Duy Đản lấy giấy bút chép phúc thư, rồi ngửa mặt lên trời mà đọc rằng: “ Kẻ tiểu tử Duy Khiêm này, gặp lúc vận nhà lắm nạn, được đức đại hoàng đế rũ lòng thương bảo bọc…, kẻ hèn mọn như chết đi sống lại, ơn tái tạo của đức đại hoàng đế cùng với công gầy dựng của Tôn tướng quân đáng ghi tạc như sông Lô, núi Tản, bền vững muôn đời…”*. Sĩ Nghị tiếp được tờ bẩm của Triều Châu kèm phúc thư của Chiêu Thống, liền dâng biểu lên vua Thanh xin xuất quân, đại ý nói rằng: “ Thần nghe nói họ Lê ở An Nam hèn yếu, hơn nữa nơi ấy là đất cũ của ta, sau khi khôi phục họ Lê rồi, nhân đó ta cho quân đóng giữ, như thế vừa khôi phục được họ Lê, lại chiếm được nước An Nam, một công mà hai việc vậy”.
Đại quân gần 30 vạn, chia thành ba ngả, một do đề tổng Vân Quí là Ô Đại Kinh chỉ huy theo ngả Tuyên Quang tràn xuống, một do tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống điều khiển từ Khâm Châu qua Cao Bằng , đạo còn lại do chính Tôn Sĩ Nghị và và đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy, theo đường Lạng Sơn, trực chỉ La Thành.**.
Ở Thăng Long, đại tư mã Ngô Văn Sở nghe theo kế của thị lang bộ lại là Ngô Thì Nhậm, rút quân về đóng ở núi Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, chờ lệnh của Bắc Bình Vương. Nghe tin Ngô văn Sở và Phan văn Lân đã lui quân, Tôn Sĩ Nghị cười lớn và bảo với quan tham tri nhà Lê là Vũ Trinh rằng: “ Lũ các ông bị quân Tây Sơn đối xử tàn ngược đã lâu, nên nghe đến chúng là run sợ, nhưng theo ta xem xét thì chúng chỉ là hạng trâu dê, chỉ cần sai một người đem thừng buộc lấy cổ mà lôi về cũng không khó gì, đợi khi quân ta đến La Thành, nhổ bãi nước bọt xoa tay là làm xong việc, ngươi hãy chờ xem”*
Khi Nghị hành quân đến trấn Kinh Bắc, quang cảnh hoang tàn, đường đi không có bóng người, không có chó chạy, chim đã bay hết về rừng, vua Lê dẫn các quan đến đón, cùng quỳ xuống ven đường, trông rất thảm hại. Thấy vậy, Nghị an ủi:
-“ Quý tự mắc phải nạn lớn đã nhiều năm, nay nhờ ơn đức đại hoàng đế thương xót, sai bản chức đem hùng binh hộ tống mẹ và vợ con ông về nước. Chuyến này sang đây, trước hết cần phải bắt cho hết đảng giặc, rồi sau chỉnh đốn qui mô làm kế lâu dài, khi nào việc ổn thõa rồi mới rút quân, xin chớ lo gì việc nước nữa” *.
Vua Lê ôm Nghị hôn ba lần, rồi nghẹn ngào:
-“ Phận hèn này xin đội ơn đại hoàng đế, đức cả như trời, không sao kể xiết, lại nhờ cụ lớn hạ mình đến đây, khiến cho nước chúng tôi được thấy ánh sáng của áo cừu, đai ngọc, được thõa lòng ngửa trông sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn, mối tình Trung -Việt từ nay đời đời bền vững như núi Hoàng Liên Sơn vời vợi…”* . Vua Lê mời Nghị vào dinh nghỉ tạm, Nghị không vào, hắn cho quân bắn chín phát súng thị uy, rồi nghiêm chỉnh đội ngũ mà đi. Khi đến bờ bắc sông Nhĩ Hà, thì trời đã chạng vạng , vua Lê xin qua sông , vào kinh thành trước, sai quân tìm cho được đèn hoa lụa gấm sửa sang điện Kính Thiên rồi mời Nghị vào ở, nhưng Nghị không vừa ý, đoạn chia quân đóng ở những nơi quang đãng nằm dọc hai bên bờ nam bắc Nhĩ Hà, lại có cầu phao, để tiện việc qua lại. Hôm ấy là một ngày giữa đông, 11 tháng 11 năm Mậu Thân 1788.
3. Còn hơn một tháng nữa mới đến tiết đông chí, nhưng trời Thăng Long rét đậm, lại có mưa phùn, người ta chỉ trông thấy những chiếc bóng mờ nhạt như bóng ma lom khom, co ro trong những chiếc áo tơi lá cọ cũ nát trên những con đường vắng ngắt, thỉnh thoảng mới thấy những toán quân Thanh tay cầm giáo dài đi tuần.
Hôm sau, Chiêu Thống thân hành đến doanh đón Nghị. Nghị sai người bày biện nghi trượng rất long trọng ở điện Kính Thiên để làm lễ phong vương cho Chiêu Thống, truyền tất cả quan chức nhà Lê tới hầu. Vua Lê mặc áo cổn đội mũ miện quỳ ở giữa sân, Nghị tuyên đọc sắc chỉ của hoàng đế nhà Thanh phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Sau lễ thụ phong, vua Lê, theo thông lệ, phải dâng biểu, ngửa mặt xa trông về cửa khuyết nơi bắc phương mà lạy tạ.
Tuy rằng từ đây Chiêu Thống là vua nước Nam, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi đều dùng niên hiệu Càn Long. Ngày ngày, sau buổi chầu, Chiêu Thống chẳng còn võng lọng gì nữa, chỉ cỡi ngựa cùng Lê Quýnh và mươi tên quân hầu, tới chầu ở doanh Nghị để nghe truyền việc nước, việc quân. Nghị thì ngông nghênh, tự cho mình là tôn quý, có khi vua tới yết kiến, hắn không thèm tiếp, cho quận lính đuổi về. Người trong kinh có thấy cũng không biết là vua, nếu có người biết thì cũng chỉ dám xầm xì to nhỏ với nhau rằng: “ Nước Nam ta từ khi có đế, có vương, chưa thấy có ông vua nào luồn cúi đê hèn đến thế.”. Riêng đám quan lại nhà Lê, trước kia phiêu bạt khắp nơi, nay lục tục kéo đến lạy mừng, vua đều phong chức tước: cho Lê Duy Đán, Vũ Trinh làm tham mưu chính sự, Nguyễn Đình Giản làm thượng thư bộ binh, Nguyễn Duy Hiệp, Chu Doãn Lệ làm đồng tri xu mật viện sự, Trần Danh Án làm phó đô ngự sử, Lê Huy Tấn, Phạm Quý Thích làm độ chi bộ hộ, Lê xuân Hạp, Ngô Vi Quý làm đồng tri binh chính, Phạm Đình Dữ làm thượng thư bộ lại, Nguyễn Huy Túc làm bình chương sự, đặc biệt Lê Quýnh làm quân trung úy đốc, tước quận công, lĩnh quân cần vương theo Tôn Sĩ Nghị lo liệu và xử trí việc quân *. Cả quần thần nhà Lê bấy giờ như một đám bèo trên sông, tán tụ tùy theo con nước, giờ đây lại càng thể hiện tính giá áo túi cơm, theo vua tìm miếng đỉnh chung, quả là đất nước thời mạt vận.
Quân Thanh ngày càng lộng hành, ra đường nghênh ngang say sưa, cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ, nhưng nếu có ai dám nói động đến uy danh của Tôn tướng quân, hay của thiên triều, hoặc trình báo lên quan nhà Lê những điều uất ức, thì lập tức bị chính vua Lê ra lệnh bẻ răng rút lưỡi, tống vào ngục, cho nên không ai dám hé môi, kinh thành như bãi tha ma, chó không dám sủa, gà không dám gáy, chỉ còn vật vờ bóng lũ quan họ Lê và đám kiêu binh nhà Thanh bạo ngược.
Trong đám quan lại của Lê triều có phó hiến trấn Kinh Bắc là Ngô Tưởng Đào, lấy cớ già ốm, xin cho lui về vườn, nhưng còn dâng sớ xin vua gấp rút đem quân tấn công quân Tây Sơn trong khi Sở và Lân còn trơ vơ ở Tam Điệp. Vua Lê và các quan cho là phải, nhưng Lê Quýnh bác đi và đem việc tâu với Nghị, hắn trả lời:
- “ Việc gì mà các ông vội vã thế? Nay, ví như thò tay lấy đồ vật trong túi, đến sớm thì lấy sớm, đến muộn thì lấy muộn đấy thôi. Giặc gầy mà ta béo, hãy để cho chúng tự đến nộp thịt.” .
Đã gần hai tháng, từ ngày Nghị đặt chân lên mảnh đất “ Nước Nam vua Nam ở” ngót ngàn năm, nhờ sự quì gối đốn mạt của Chiêu Thống, viên tổng đốc lưỡng Quảng và các tướng Thanh còn ngất ngây trong mùi chiến thắng, ngày đêm say sưa hoan lạc trong tửu sắc, ngày nào Lê Quýnh cũng đòi vua Lê dâng gái đẹp rượu ngon cho Nghị và bọn tùy tướng, còn bọn lính Thanh thì mặc sức lùng sục kiếm gái trong tận hang cùng ngõ hẻm của Thăng Long thành, khiến nhà nhà đều phải đưa đàn bà con gái đi lánh nạn nơi khác.
Không có mô tả ảnh.
Dũng Tôn Thọ Dương, Võ Miên Trường và 37 người khác
8 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ