Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

23 thg 2, 2022

Cái Bóng Đen Trên Dòng Sông Như Nguyệt

 Hôm nay Mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần, kỷ niệm 233 năm, ngày người Anh hùng Áo Vải Quang Trung, chỉ 5 ngày đêm đã quét sạch 20 Vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi Nước Nam, Kiều Giang xin đăng lại Truyện ngắn:

CÁI BÓNG ĐEN TRÊN DÒNG SÔNG NHƯ NGUYỆT
Truyện ngắn Kiều Giang
1.Vùng biên cương phía Bắc, trời đã vào tiết thu, sương đêm phủ kín núi rừng. Sông Như Nguyệt, mùa nước bắt đầu lên, tung bọt trắng xóa từ độ cao hơn ngàn mét, vẫn lặng lẽ, âm thầm một dòng chảy muôn đời hướng về Thăng Long, còn lòng của Lê Chiêu Thống thì ngổn ngang trăm bề. Vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê đăm đăm nhìn dòng sông đêm cuồn cuộn, rồi chua chát :“ Đã ngót ba trăm năm mươi năm, từ ngày tiên đế Thái Tổ nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử để đuổi giặc Ngô, dựng nên một thời Hoàng Kim cho nước An Nam ta, cứ ngỡ triều đại nhà Lê đã sâu rễ bền gốc, giữ mãi muôn đời cơ đồ xã tắc, nào ngờ…”.
Lê Duy Kỳ nghĩ đến đó rồi không dám để cho dòng suy tư chảy tiếp. Cái se lạnh của vùng Kinh Bắc cùng với cơn quẩn bách của thế cuộc, làm cho đôi vai của vị vua hai mươi ba tuổi triều Lê khẽ rung lên, vẽ một nét mờ nhạt vào không gian, dưới ánh đèn dầu leo lét trong mái lá ven sông. Trong bộ áo dân dã, ngài ngậm ngùi quay sang tham tri chính sự Lê Duy Đản và phó đô ngự sử Trần Danh Án:
- “Khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần đầu, diệt họ Trịnh, lấy lại xã tắc giao cho ta, rồi sai Vũ Văn Nhậm giết Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ức hiếp ta, lần này, giết Vũ Văn Nhậm, giao nước cho Sùng Nhượng công làm giám quốc, thì coi như hắn đã đoạt ngôi nhà Lê rồi, ta còn mặt mũi nào nhìn lại miếu đường nhà Lê nữa !”
Nói xong, Lê Chiêu Thống òa khóc như một đứa trẻ, trông rất thảm thiết.
Lê Duy Đản cũng thở dài, rồi bẩm:
- “Chúng thần cũng đứt từng khúc ruột, nhưng vì trí mọn tài hèn, theo phò bệ hạ, ăn lộc nước, chịu ơn vua, mà để thiên nhan phải nhiều phen bôn ba vất vả, thật đáng tội chết. Nhưng Nguyễn Huệ là trang tuấn kiệt, đệ nhất anh hùng trong thiên hạ đời nay, mới 25 tuổi mà đã bách chiến bách thắng, oai hùm ai nghe danh cũng khiếp sợ, diệt họ Trịnh, khôi phục Lê triều, trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh, giết Vũ Văn Nhậm, đánh tan 5 vạn quân Xiêm, như lấy đồ chơi trong túi. Nay, triều thần tan tát, bệ hạ muốn khôi phục ngôi báu, may ra, chỉ còn lại một con đường…”
Trần Danh Án, liếc mắt nhìn Lê Duy Đản, rồi tiếp lời:
- “Tâu thánh thượng, xin thánh thượng tha tội thì thần mới dám nói”.
-“ Thì ông cứ nói, ta còn lòng dạ nào trách tội ông, trong hoàn cảnh nguy khốn này”.
-“ Không còn con đường nào khác là cầu viện nhà Thanh. Chỉ có hoàng đế Thanh triều là Càn Long mới có thể giúp được bệ hạ khôi phục ngôi báu”.
Lê Chiêu Thống, trầm ngâm một lát rồi nói như tâm sự, của một ông vua cùng đường:
- “Ta cũng đã nghĩ đến điều ấy, nhưng ta chưa thể tin hết vào bụng dạ người Tàu.”
Rồi một nỗi cay đắng bỗng dâng lên trên lưỡi của vị vua bất tài non dạ, Chiêu Thống nói tiếp:
-“ Ngày xưa Thái tổ ta mười năm nằm gai nếm mật, dân Nam ta phải đầu rơi máu đổ, xương phơi trắng Lam Sơn, mới đuổi được giặc Minh, nay ta lại rước quân nhà Thanh vào, biết họ sẽ làm gì, rồi ta có còn có thể bảo vệ nổi bá tánh, giữ được miếu đường của tiên tổ hay không !”. Nhà vua ngồi gục đầu, không muốn nhìn thẳng vào mắt hai vị cận thần. Màn đêm phủ kín núi rừng Kinh Bắc, xa xa tiếng cuốc, tiếng vạc kêu sương, nghe não nuột. Quan tham tri chính sự Lê Duy Đản nhìn sâu vào màn đêm, tiếng chim rơi vào cái khoảng không nghe lạnh người, lấy hết can đảm, lên tiếng:
-“ Thần nghe Càn Long là một vị vua biết trọng nghĩa. Chúa tôi nhà Lê một lòng hiếu thuận với thiên triều, đã hơn ba trăm năm cống nộp, không sót một lần, bây giờ triều Nam có biến, vua Nam cầu viện, chẳng lẽ ông ta làm ngơ. Lấy lại được ngai vàng rồi ta sẽ tính tiếp”
Ngưng một lát, Duy Đản nói tiếp:
-“Bây giờ ở đây lâu ngày sẽ bị giặc phát hiện tông tích của bệ hạ, sẽ xảy ra tai biến bất trắc, chi bằng bệ hạ hãy lên Cao Bằng, Huy Túc hãy còn hầu thái hậu ở đó, trong thì dùng các phiên thần hộ vệ, ngoài thì dựa vào sự cứu viện của thiên triều, ngõ hầu mới làm được việc” *
Vua cho là phải, bèn sai thảo bức thư kể tội Nguyễn Huệ và tình cảnh quạnh vắng miếu đường nhà Lê, nghe rất thống thiết, rồi sung chức chánh phó sứ cho Đản và Án đem thư dâng lên quan tổng đốc lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị.
Duy Đản và Danh Án đội nón cũ, mặc áo rách, trà trộn vào dân buôn, Vua Lê tiễn hai người đến vùng núi Bảo Lộc, theo đường tắt qua ải Lạng Sơn mà đi. Danh Án chạnh lòng làm bài thơ tự thán, trong đó có hai câu: “ Thiên cổ do truyền kỳ tuyệt sự/ Tệ soa tàn lạp sứ thần trang” (Ngàn thuở còn truyền câu chuyện lạ/ Sứ thần áo rách nón mê tàn).
Hôm sau, nhờ quân của viên quan giữ ải đưa đến doanh phủ Thái Bình (Quảng Tây), hai người quỳ mọp giữa sân phủ, gào khóc, kể lể tình cảnh của vua quan nhà Lê rất thảm thiết: “ nước mọn chúng tôi làm bề tôi của thiên triều đã ba trăm năm, giữ phận tiến cống không bao giờ ngớt, nay bị bọn rợ Tây Sơn chiếm đoạt, người ta đến nước cùng thì phải quay về gốc (!), khấu đầu mong Thiên ân ra tay cứu giúp, nối lại dòng, để cho họ Lê được làm bề tôi tiến cống, đội phúc lớn của trời…”.
Trời đổ lửa xuống sân phủ, nhưng Đản và Án quyết không chịu đứng dậy, cho đến khi viên quan phân phủ họ Vương ra dỗ dành: “ lũ các ngươi một lòng trung thành với nhà Lê, thật đáng thương, thiên triều sẽ có cách phân xử, hãy lui về nhà trọ chờ mệnh lệnh, ở đây kêu khóc mãi, liệu có ích gì”.
Án và Đản như mở cờ trong bụng, lạy tạ, rồi lui về dịch xá, Án nói với Đản: “Thế là nghiệp lớn sắp thành, ngai vàng nhà Lê sắp được khôi phục, nay tôi ở lại đây để đón đại quân thiên triều, còn ông thì phải về Phượng Nhãn cấp báo với hoàng thượng, người đang ngày đêm trông đợi”.
Lúc ấy tháng chín, cuối thu, năm Mậu thân 1788, Tổng đốc lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tiếp thư bẩm của họ Vương kèm tờ biểu của Chiêu Thống, bỗng cười lớn mà bảo với thuộc hạ:“ Nước An Nam từ thời Hán Đường là nước phụ thuộc vào nước ta (?), đến đời Tống, họ Đinh quật cường, mới có bờ cõi riêng, trở thành nước tiến cống, trải mấy đời nối theo nhau cho đến ngày nay, lại không thể giữ được nước, phải chăng, trời khiến nước ấy lại làm quận huyện của Trung Quốc chăng?”.*
Nói rồi, máu Đại Hán lại rần rật trong người hắn, những tiên tổ của hắn như Mã Viện, Cao Biền, Thoát Hoan, Trương Phụ, Hoàng Phúc, Liễu Thăng, Vương Thông …, đã lỡ mang nhục bỡi nước Nam, nay lại trở về, làm sâu bọ…, đang bò vào mạch máu hắn, làm cho tay chân hắn ngứa ngáy, hắn đang mơ một ngày, 50 vạn quân của 4 tỉnh biên cương sẽ tràn xuống làm cỏ nước Nam, trả thù mối nhục cho họ, hắn sẽ là trang anh hùng duy nhất chiến thắng quân Nam, lưu danh trong sử sách muôn đời !
[Còn nữa]
Bạn, Võ Miên Trường, Son Nguyen và 48 người khác
6 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào: