Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

9 thg 12, 2022

Câu Chuyện Một Dòng Sông

  Truyện ngắn Kiều Giang

[ Tiếp theo và hết ]
2. Thế rồi, sau gần 30 năm đấu tranh thấm đầy máu và nước mắt với những nhóm quyền lực đã lỡ thọ hưởng sự nuôi dưỡng bỡi dòng phù sa của những con sông khác, Ngô Ân Quân trở thành vua của vương quốc Nậm Vu mầu mỡ. Nhưng cũng từ đó, người dân lại trở nên nghèo khó do sự bất thường của dòng nước vơi đầy cùng với sự nhũng nhiễu của đám quan lại xu nịnh, bất tài, chỉ lo vun vén cho cá nhân mình. Có lúc, Ngô Ân Quân cảm thấy bơ vơ giữa những đồng đội, dựa vào quyền lực để ăn cắp của công và cướp bóc của dân, giờ đây đã biến thành một bệnh dịch lan tràn từ đám quan lại của triều đình cho đến tên hương dịch. Biết vậy, nhưng vì muốn bám lấy quyền lực, Ngô Ân Quân ra lệnh cho đám pháp quan tăng cường hình pháp, bóp nghẹt cổ dân, xây thêm nhà tù và pháp trường. Dân Nậm Vu được lệnh không được uống nước ở bất kỳ một dòng sông nào khác, ngoài dòng nước thiêng Xích Tư. Suốt cả ngày lẫn đêm, người dân Nậm Vu, bằng tất cả phương tiện, từ xe người đẩy đến xe súc vật kéo, phải lấy cho được nước của dòng sông Xích Tư, để thể hiện sự tuân phục đối với đấng quân vương . Những ai không chịu uống nước của dòng Xích Tư, hoặc là bị tù đày hoặc là bị đẩy ra ngoài xã hội. Tuy nhiên vẫn có hàng triệu người vẫn không cho nước của dòng Xích Tư chảy vào huyết quản của mình, mà vẫn lấy và uống nước của những dòng sông khác. Sự mâu thuẫn và xung đột giữa hai nhóm cư dân, uống và không uống nước của dòng Xích Tư, diễn ra âm thầm và ngày càng gay gắt. Còn trong cộng đồng dân cư uống nước của dòng Xích Tư càng trở nên quỷ quyệt vô lương hơn. Họ cắn xé lẫn nhau. Những vụ án mạng man rợ thường xuyên xảy ra, những vụ chém giết cướp giật mang đầy thú tính. Có điều trớ trêu là, khi Ngô Ân Quân càng củng cố quyền lực cho triều đình y, thì đám quan lại càng dựa vào đó để vơ vét của nhân dân, làm cho tiếng oán than càng đi sâu vào tận hang cùng ngõ hẻm tăm tối, khuyến khích cho tội ác, cho bần cùng.
Đêm nay, dưới ánh trăng trung thu vằng vặc, ngồi trên Vọng Nguyệt Đài vừa mới xây xong, với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu của dân, nhà vua đưa tay nắm bàn tay ngọc ngà của Hoàng hậu Mẫn Khương, tuy tay ngài không còn run như cái thuở ban đầu, nhưng trước khung cảnh nên thơ, hữu tình và nhan sắc tuyệt mỹ trời ban của người đàn bà sắc sảo thông minh, trái tim sắt đá của đấng quân vương cũng không thể ngăn được sự bồi hồi xúc động. Nhà vua như chìm vào đôi mắt của Hoàng hậu rồi mở đầu:
-Cảnh thanh bình đang ngập tràn trên đất nước Nậm Vu, có lẽ muôn dân của ta đang hưởng hạnh phúc, nàng có thấy thế không?
Mẫn Khương e ấp:
-Tâu bệ hạ, thần thiếp thấy rất rõ điều đó. Hồng ân của Hoàng thượng đang trải lên sinh mệnh của muôn loài.
- Nhưng không biết vì sao tiếng đàn hát kia chỉ vẳng ra từ chốn cung đình và các dinh thự của quan lại?
- Tâu hoàng thượng, đúng là như vậy. Ở nơi thôn dã xa xôi, chỉ có tiếng nhạc của loài giun dế, vì có lẽ chúng không đủ sức để quan tâm đến nỗi đau của những kẻ cùng đinh khố rách, thấp cổ bé miệng…
Hoàng hậu bỗng đột ngột dừng lại ở đó. Nhà vua nghiêm sắc mặt:
-Hoàng hậu nói sao? Làm gì có kẻ cùng đinh khố rách, thấp cổ bé miệng trong vương quốc của ta. Có chăng là bọn trí thức trói gà không chặt, chuyên chỉa mồm nghểnh mũi về phía ta để nghe ngóng, soi mói ta, phải nhét đá vào cổ họng bọn chúng.
Ngô Ân Quân như sắp nổi trận lôi đình, khi nhớ lại việc quan ngũ phẩm Ngoại lang ở Cơ mật viện tấu trình rằng có một Bảng nhãn tân khoa nói xa nói gần rằng đa số quan triều là ngu dốt, bất tài, hèn nhát và bất lương. Giờ đây ngài lại nghe chính từ miệng của người mà nhà vua yêu thương quý trọng nhất, về nỗi thống khổ của nhân dân vương quốc Nậm Vu, nét mặt của Ngô Ân Quân đanh lại, tràn đầy đau khổ:
-Nàng cũng biết là ta yêu nàng như thế nào chứ?
Nhà vua bỏ lửng câu nói, nhìn đăm đăm vào khoảng không, khi những thước phim của quá khứ hiện lên, về những ngày gian nan trên đất khách, rồi gặp nhau trên dòng nước Xích Tư huyền thoại, sống chết trên từng thước gươm yên ngựa, và nhất là nét đẹp ngây ngất đến não lòng của nàng. “Ôi, cái vầng trán thông minh vừa ngây thơ vừa bướng bỉnh ấy, làm cho ta, một đấng quân vương, nhiều khi như muốn gục ngã dưới chân nàng! Vầng trăng trên bầu trời xanh thẳm đêm nay chẳng còn có ý nghĩa gì nếu không có nàng bên cạnh…”
Như thấu hiểu nỗi lòng của đấng quân vương, Mẫn Khương quỳ xuống ôm tay đức vua, thỏ thẻ:
-Tâu Bệ hạ, thần thiếp lỡ lời, xin Bệ hạ rộng lòng tha thứ. Nhưng…
- Nàng cũng biết rằng ta không thể giết nàng vì tội khi quân, bỡi giết nàng là ta tự giết ta. Nhưng đầu óc ta muốn nổ tung khi biết có một ai đó nghĩ rằng Ngô Ân Quân này là cái họa cho đất nước Nậm Vu. Còn “nhưng” thế nào, nàng cứ nói tiếp đi, ta còn đủ can đảm mà!
Hoàng hậu vẫn quỳ dưới chân nhà vua, tay nắm long bào, ngước mắt nhìn lên mặt rồng:
-Nhưng... thần thiếp không thể giấu bệ hạ, thiếp phải là tai mắt của bệ hạ, dù những điều thiếp tâu với bệ hạ, có thể làm cho đấng quân vương đau lòng. Thiếp sợ rằng bọn nịnh thần kia sẽ làm lung lay ngai vàng và xã tắc của bệ hạ. Họ chỉ là bọn sâu dân mọt nước, chuyên nịnh hót để kiếm lợi riêng, sự hèn nhát của họ làm cho chúng gần bệ hạ hơn, nhưng lại tách rời khỏi nhân dân Nậm Vu, điều này quan tể tướng họ Lâm biết rõ.
Ngô Ân Quân không ngờ Mẫn Khương, Hoàng hậu sủng ái của mình lại có thể buông những lời quá phũ phàng và nghiệt ngã trước quyền uy tối thượng của thiên tử.. Nhà vua từ từ cúi xuống nhìn nàng, rồi chậm rãi:
-Không! Không bao giờ trẫm có thể tin được rằng bề tôi của trẫm, những người đã từng được tôi luyện trong mấy mươi năm gian khó, thấm đẫm từng giọt nước của dòng Xích Tư vinh quang và mầu nhiệm lại có thể phản bội trẫm, phản bội nhân dân Nậm Vu. Bánh xe lịch sử của thời đại Ngô Ân Quân phải được lăn về phía trước mãi mãi, đến tận cùng của thời gian…
Sự tuyệt vọng hiện lên khuôn mặt xinh đẹp và dịu hiền của Hoàng hậu Mẫn Khương. Nàng mường tượng ra một sự sụp đổ của xuẩn ngốc, bạo tàn, tham lam và phản bội. Hoàng thượng và đám quan quân của ngài thì tự cho mình là những vị thánh, còn đa số người dân Nậm Vu thì nghĩ ngược lại. Đó là tấn bi kịch của một triều đại. Quy luật của sự hưng phế đang hiện dần ra dưới chân nàng và trên chiếc ngai vàng của chúa thượng. Bất giác, nàng thở dài.
Hình như lịch sử không dành sự ngoại lệ cho bất kỳ một dân tộc nào. Dòng Xích Tư huyền thoại đã đến hồi suy kiệt. Sự dồn nén phi lý của vua quan của hai vương quốc Hạ Trụ và Nậm Vu lên đầu thần dân của họ đã đến lúc không còn tác dụng nữa. Người dân bắt đầu ý thức rằng mình không phải là con vật cao cấp trong dòng tiến hóa của Darwin, mà họ là những con người. Ít ra cũng còn có một khoảng thời gian hàng triệu năm dành cho sự đột biến, thăng hoa. Những chính sách của triều đình Nậm Vu đưa ra, người dân không tuân thủ thực hiện, có khi còn chống lại. Xã hội của vương quốc ngày một hỗn loạn. Dòng nước Xích Tư ngày càng khô cạn , người dân của Nâm Vu và Hạ Trụ không thích uống nước ở đó hoặc không còn nước để uống . Một thứ trống rỗng, một kiểu hư vô, những tư tưởng phi nhân bản như đã đến hồi lụi tàn . Có lẽ đó là sự chọn lọc tự nhiên của loài sinh vật biết suy tư.
Khi mà dòng sông Xích Tư chỉ còn là những dòng nước hắt hiu, dòng chảy tư tưởng, chính trị và văn hóa của hai vương quốc Nậm Vu và Hạ Trụ cũng đã bị lai tạp. Ngô Ân Quân và Mã Tham Đường cũng bắt đầu có những mâu thuẫn sâu sắc. Hai vị quân vương trước đây từng chung chiếu chung chăn, chung đất chung trời, chung sông chung núi, bây giờ đã trở thành thù hận vì tranh giành nơi biên cương. Những quốc gia sống trên dòng phù sa của những con sông khác, không phải là dòng Xích Tư “ mầu nhiệm”, đã trở nên hùng mạnh.
Vì Ngô Ân Quân không thể lấp đầy túi tham quyền lực và lãnh thổ của Mã Tham Đường, hắn quay lại cắn chính người bạn nối khố của hắn. Nước Nậm Vu sau bao nhiêu năm chìm trong tăm tối của lạc hậu và nhiễu nhương, lại chính là miếng mồi ngon cho đế chế Hạ Trụ của tên vua cuồng sát Mã tham Đường. Một cuộc chiến tranh “tương tàn” trên dòng sông Xích Tư huyền thoại không thể không xảy ra.
Mặc dù Ngô Ân Quân đã cấm tuyệt con dân Nậm Vu không được hé răng gọi đến tên của đại vương quốc Hạ Trụ, nếu có thì phải ca ngợi mẫu quốc lên tận mây xanh. Bao nhiêu của ngon vật lạ, bao nhiêu báu vật quốc gia đều đem đi cống nộp, nhưng cái túi tham của Mã Tham Đường quả là không đáy, y vẫn từng bước xâm lấn biên cương Nậm Vu. Sự khiếp nhược của vua quan Nậm Vu càng làm cho Mã Tham Đường mở cờ trong bụng, hắn đã xua quân công khai xâm lược Nậm Vu.
Sau nhiều tháng cho quân tràn qua biên giới, với chiến thuật “biển người”, ưu thế đã nghiêng hẳn về phía của đoàn quân xâm lăng hung hãn của nước Hạ Trụ đất rộng người đông. Lưỡi kiếm sắt máu của Mã Tham Đường giờ đây tha hồ chém giết. Trên những cồn cát của dòng Xích Tư cạn kiệt, xác chiến binh của hai bên phơi đầy trên mặt sông Xích Tư “mầu nhiệm”. Sự phũ phàng của lịch sử một dòng sông cũng đã đến ngày kết thúc. Sự mông muội, cả tin của Ngô Ân Quân giờ đây đã phải trả giá. Người ta thấy nhà vua của nước Nậm Vu cùng đoàn vệ binh chiến bại, dưới ánh trăng mùa thu nhạt nhòa, đang tháo thân về phía ngọn núi Linh Sơn, sau lưng là toán quân truy đuổi mà dẫn đầu không ai khác hơn là người anh em nối khố của Ngô Ân Quân, tên vua bạo ngược Mã Tham Đường.
Đoàn bại binh của Ngô Ân Quân vừa kịp vượt qua con suối sâu , chiếm giữ một ngọn đồi của núi Linh Sơn và bố trí đội quân xạ tiễn, thì đội truy kích của Mã Tham Đường cũng đã đuổi kịp. Đội quân thắng trận đã mệt mỏi, không thể vượt qua làn tên dày đặc của đối phương nên đành hạ trại nghỉ đêm ở bên này con suối.
Đêm ấy, trên dãy núi nơi tận cùng vùng cực nam của tổ quốc Nậm Vu, đứng trên một tảng đá lớn, Ngô Ân Quân đưa mắt nhìn về phương bắc của quê hương đã tan hoang vì chiến tranh và đói nghèo, bất giác nhà vua rùng mình. Vị vua mà từ lâu nay cứ ngỡ rằng mình là một vị thánh, ban phát ân sủng cho nhân dân, sẽ được con dân Nậm Vu ngợi ca, sùng bái đến muôn đời, nay đã trở thành một tên vua vong quốc.
Nhà vua lặng lẽ rảo bước về phía dòng suối để nhìn lại bóng mình lần cuối. Biết đâu sáng mai đây sẽ chẳng còn một cơ hội nào nữa.
Ánh trăng thu vằng vặc soi rõ hình bóng của nhà vua nước Nậm Vu trên dòng suối bạc. Bỗng đấng quân vương hốt hoảng thét lên: “ Sao gương mặt ta lại thế này? Ôi, dòng Xích Tư linh thiêng và huyền thoại kia, chẳng lẽ, hơn năm mươi năm qua, ngươi đã dần dần biến linh hồn ta, gương mặt ta, bàn tay ta thành ra của loài ác quỷ? Không, ta là Thánh, ta là Thánh của con dân Nậm Vu, ta không phải là ma quỷ...!”.
Nói rồi, nhà vua ngã gục xuống dòng suối của Linh Sơn, trong khi dòng suối thanh khiết vẫn cuồn cuộn chảy như dòng lịch sử của nước Nậm Vu, không dừng lại. Còn nơi biên cương phía Bắc, dòng Xích Tư cũng đang cạn kiệt, phơi mình dưới màu tang trắng của mùa thu.

Câu Chuyện Một Dòng Sông


Truyện ngắn Kiều Giang
1. Người ta cũng không biết trong quá trình hình thành hành tinh xanh sần sùi nhưng thơ mộng, hàng tỉ năm, bàn tay tài hoa của tạo hoá đã tạo ra bao nhiêu dòng sông, êm đềm và cuồng nộ, chảy về muôn hướng. Mỗi dòng sông kéo theo một nẻo đường phát triển cho loài sinh vật biết tư duy, trong số đó có dòng sông Xích Tư dài hàng ngàn cây số chảy từ tây sang đông, qua hàng chục nước rồi đổ ra biển Hải Không.
Có vương quốc là Hạ Trụ và Nậm Vu là hai trong số những quốc gia hình thành hai bên tả và hữu ngạn, cùng uống chung nước của dòng sông Xích Tư quanh năm đầy ắp , trăn trở, nặng nề , và cứ đêm về dòng sông sóng dậy, đỏ ngầu, thét gào, như thù hận với bao dòng sông khác. Mặt đất như cứ từng cơn rung lên từ ngày hình thành dòng Xích Tư, như người mẹ đang cơn trở dạ đứa con mà bà ta lại không muốn nó hiện diện trên thế gian này.
Dưới cái rét mùa đông như cắt da, một người thanh niên thân hình mảnh khảnh, tên Ngô Ân Quân cùng người tình là Mẫn Khương và người bạn nối khố là Lâm Hùng Phiệt, vẫn nhẫn nại, hì hục kéo chiếc xe bánh gỗ chất đầy những thùng nước lấy từ dòng sông Xích Tư, cách đó chừng nửa dặm đường, đang vượt qua một con dốc. Người thanh niên ấy có khuôn mặt xương xương, miệng rộng, trán cao, cằm vuông, đôi mắt mí lót, làm tăng thêm vẻ lì lợm, cả quyết. Chiếc xe vẫn ì ạch trườn lên trên con đường lầy lội đầy bùn đất đỏ của Vương quốc Nậm Vu. Anh dừng chân, dẫu trời giá rét, anh vẫn phải đưa tay quệt mồ hôi trên trán rồi quay qua Mẫn Khương, nói như đang ở trong mơ:
-Trở lại quê hương lần này, anh quyết đem nước của dòng Xích Tư linh diệu tưới lên tổ quốc khô cằn của anh. Dòng Xích Tư chính là ân sủng của Thượng Đế ban cho chúng ta, Thượng Đế đã về với dòng sông. Không còn con sông nào khác, không còn con đường nào khác. Đã có nhiều nước được dòng Xích Tư làm cho màu mỡ xanh tươi, không ai còn nghi ngờ gì nữa.
Mẫn Khương nhìn vào mắt người yêu rồi ân cần :
-Hình như trong mỗi thời đại, Thượng Đế lại ban cho loài người những dòng sông chảy vào lịch sử, vì lịch sử là một dòng sông mà, và em có cảm giác là chúng ta đang mở đầu cho đất nước ta một giai đoạn lịch sử. Ta phải làm sao cho từng giọt nước của dòng sông Xích Tư ngấm vào từng tế bào của xã hội Nậm Vu. Đó là kế sách lâu dài của một chế độ.
Ngô Ân Quân càng sôi nổi hơn:
-Em hãy để ý xem, đôi bàn tay, bàn chân của chúng ta thì Thượng Đế cho thay da từng ngày, nhưng những tảng đá kia đâu có da để mà thay, ta không thể là tảng đá, lịch sử của Nậm Vu phải thay da đổi thịt, nên chúng ta phải làm những điều mà lịch sử bắt ta phải làm.Ta phải thay đổi Nậm Vu. Chúng ta có thể làm cho nước của dòng Xích Tư ngấm vào máu của nhân dân Nậm Vu, khi đó lịch sử của đất nước ta sẽ lật sang một trang khác.
Mẫn Khương đưa mắt nhìn xa xôi rồi có vẻ ngậm ngùi:
-Có điều, em không sợ đem đời mình ra đánh cược với thời gian, nhưng thời gian là một dòng chảy vô cùng sinh động xen lẫn với vô tình. Dòng lịch sử luôn luôn tìm một hướng đi thích hợp trong từng giai đoạn, mà hình như không ai có thể bắt lịch sử phải tuyệt đối chảy theo ý chí của mình. Không biết đến khi ta phải đối mặt với sự ruồng rẩy của thời gian, thì ta có còn được nhìn lịch sử chảy theo hướng mà chúng ta mong muốn và con cháu ta không phản bội lại chúng ta?
Ngô Ân Quân có vẻ gay gắt và tự tin:
-Nói như em thì đã không có lịch sử, vì lịch sử là một dòng chảy theo sự định hướng của con người, chính bàn tay và khối óc con người trên dòng chảy của thời gian đã tạo nên lịch sử, chứ còn ai? Hôm nay chúng ta đang làm lịch sử cho đất nước Nậm Vu. Mỗi giai đoạn lịch sử là một thời đại. Giai đoạn lịch sử mà nhân dân Nậm Vu lấy dòng Xích Tư để định hướng cho tư tưởng và văn hóa của mình sẽ là một thời đại huy hoàng nhất của lịch sử Nậm Vu từ trước tới nay, thời đại ấy sẽ mang tên anh, em và các người bạn của chúng ta. Ta không còn thời gian để do dự, nghi ngờ. Dù ngày mai ta có chết đi thì cũng sẽ có kẻ khác nối tiếp con đường của chúng ta hôm nay. Dù dòng Xích Tư có chảy theo một hướng khác, hay con cháu ta có phản bội lại chúng ta, thì con đường của chúng ta vẫn không thể thay đổi. Sao mới khởi đầu mà em đã có quá nhiều lo lắng?
Có lẽ Ngô Ân Quân cho rằng chỉ có một mình anh đang làm lịch sử và lịch sử sẽ chảy theo ý chí của anh. Theo anh thì sự pha trộn giữa các dòng sông, giữa các dòng máu, giữa quá khứ và hiện tại, là không thể chấp nhận được.
Mẫn Khương lại dịu dàng:
-Không phải là em bi quan, nhưng chúng ta không thể đơn giản hóa lịch sử, khoát lên lịch sử một màu xanh của ý chí. Có khi, lịch sử tự do lựa chọn hướng đi của mình, mặc dù có sự thúc đẩy của bàn tay con người, như một lối rẽ của dòng sông. Hình như tạo hóa đang đặt lên bàn tay con người một trò chơi với sự lạnh lùng của thời gian . Đó chính là nguồn gốc của sự thất bại của Thành Cát Tư Hãn, của Alexandre Đại đế, và của Napoleon…
Đã hơn nửa thế kỷ, đa số dân ở vương quốc Nậm Vu uống nước của dòng sông Xích Tư, và dòng sông đã trở thành huyền thoại. Và chính người thanh niên dáng gầy gò tên Ngô Ân Quân kia, đã phủ lên dòng sông cái màu huyền thoại đó. Chuyến xe bò đầu tiên lấy nước của dòng sông Xích Tư chính là chuyến xe của anh và đồng đội. Không biết có một thứ ân sủng nào đã biến thành quyền lực thiêng liêng dắt dìu người thanh niên của vương quốc Nậm Vu nghe được những lời thánh, trong từng giọt nước của dòng sông Xích Tư đầy cám dỗ và ma quái. Ban đầu Ngô Ân Quân cùng đám tay chân thân tín đi rao truyền cái quyền lực mầu nhiệm và huyền bí của dòng nước Xích Tư chảy qua trần gian như một thứ ân huệ của Thượng Đế. Người ta sẽ nghe được lời sấm truyền từ dòng nước Xích Tư, ngấm vào tâm trí của từng người dân, vào dòng chảy văn hóa của vương quốc Nậm Vu.
[còn nữa]

Ca Dao Hạt Bụi


Thơ Kiều Giang
Mưa từ
hạt bụi
mưa ra,
Nắng từ ánh mắt
trong tà áo bay,
Em ngoan
từ cội hoa này,
Anh làm cánh bướm
đồi tây ngược đường,

Trông theo
cuối nẻo còn thương,
Hạt sương
giấu phận
bên đường còn đau,
Đường khuya
hương phấn rũ nhàu,
Mai kia
về chốn giang đầu tử sinh,

Tiếng chim
nghiêng bóng bình minh,
Nguyệt hoa
ngồi khóc
phận mình hoàng hôn,
Đàn ai
phím lạc cuối cồn,
Mây nâng phách gió
tơ vương dấu trần.

Cơn đau bờ bãi
tần ngần,
Để mai
về bến phù vân
đợi người,
Bóng hồng
hoa phấn còn tươi,
Mà sao vạt áo
gió lười đưa hương!

Đời ta
áo lấm bụi đường,
Thương người
chút nợ
sầu vương nắng vàng,
Mai sau
gõ cửa địa đàng,
Biết người
còn có bẽ bàng dưới trăng?

Cuối trời
hạt bụi ăn năn,
Lời kinh Bát Nhã,
bóng hằng,
giọt sương,
Xin làm
hạt bụi yêu thương
Dấu chân thiên cổ
còn vương nắng chiều…
SG 5-1-2022

22 thg 7, 2022

LỊch Sử

 

Thơ Kiều Giang
" Con người sinh ra tự do, nhưng ở đâu cũng có xiềng xích"
J.J. ROUSSEAU
1.Người ta đẩy tội ác cho trôi vào quá khứ,
và đem lời nguyền đặt cược với tương lai?
để quên đi cơn bão quét qua thế kỷ
và chăm chú nhìn vào chiếc bánh vẽ
phồng to như mặt trời
Người ta đem thiên đường bán rao giữa chợ
và những đồng tiền chết đuối trong túi những
gã tự cho mình là kẻ tiên tri
hoàng hôn khắc khoải đợi chờ
2. Hôm qua ta đào lịch sử,
thấy xương khô của những tên ngốc,
hôm nay ta đào lịch sử,
thấy xương những ông vua giả danh hiền triết,
cùng đùa bỡn với những tên pháp thuật,
làm ma treo cổ lương tri ở pháp trường,
Có phải chăng lịch sử
cũng dành những trang
để làm trò đùa nhảy múa
của những tên bạo chúa
nhân danh...?
3. Và những giọt nước mắt
vẫn sẽ chảy trên trang sử hồng,
bát mồ hôi tưới lên những di chứng xám,
bàn tay cháy sạm ước mơ,
tuổi thơ bần cùng đạo đức,
những chiếc loa đẻ bài thánh ca đỏ rực,
gia tài khánh kiệt ông cha,
quỷ ma lập đàn tự phong thánh,
quyền uy cuốc đất trồng hoa trên lưng bất hạnh,
nuôi cỏ dại trên cánh đồng màu mỡ máu xương,
Nụ cười rú lên trong đêm
trên những xác thân mục rữa,
tương lai không điểm tựa,
ước mơ xanh là mục tiêu của tham vọng dối lừa.
Người ta từng ngày quảng cáo lòng nhân,
lừa đảo cũng được vinh danh,
niềm tin nằm dưới thanh gươm tuốt vỏ.
Trung thực đồng nghĩa với ngu si,
chân lý là điệu múa của quyền uy và ngụy biện.
Chẳng có chân lý - chẳng còn niềm tin?
Người ta đang lang thang vào tội ác…

Cái Mũi Sứt

 

Truyện cực ngắn của Kiều Giang
Thế là một trăm triệu cái mũi thịt vừa được đưa vào chiến dịch chưa đủ số tiền để đạt chỉ tiêu của quan, nên để tiêu thụ hết số que test, là một phát minh vĩ đại của các quan y tế, những kẻ có chức quyền với những bộ óc vĩ đại đã sáng tạo ra một chủ trương xét nghiệm thật độc đáo, mà trên thế giới không có nước nào nghĩ ra, đó là phải cạy mũi tất cả những tượng đài từ cổ chí kim trên cả nước để xét nghiệm chống dịch.
Lập tức ngày hôm sau tất cả các khu miếu cổ, đình chùa cùng những tượng đài ở các công viên đều có lệnh phong toả để xét nghiệm truy tìm con virus quái ác, vì đó cũng là những hình nhân, tức là người, dù đó là người đất, thì cũng có thể lây nhiễm.
Thế là mũi các pho tượng của danh nhân trong nhà Văn Miếu và những tượng đài cao hàng chục mét trên cả nước đều bị cạy tung lên để chọt que test.
Sau đó có người hỏi vị bác sĩ phụ trách về kết quả xét nghiệm các tượng đài. Vị bác sĩ lắc đầu: “Kết quả đó chỉ có trưởng ban chỉ đạo trung ương mới được biết…”
Từ đó, tất cả những tượng đài trên khắp cả nước đều bị dị tật sứt mũi và không còn ai dám nhìn vào mặt những tượng đài nữa.
KG – 17- 01- 2022

Chiếc Dép Trên Miệng Núi Lửa ETNA

 

Truyện ngắn Kiều Giang.
( Đăng trên TRANGVIETMOI.COM)
khi Empedocles* nhảy vào miệng núi lửa Etna ở Sicily, không biết khi ấy, ông có nghĩ là loài người sẽ tin rằng thân xác của ông đã hoà vào cái mênh mông của vũ trụ, miên viễn của đất trời, biến thành nụ cười của vĩnh cửu và từ đây mãi mãi ông sẽ trở thành một thiên sử ca bất tận, dám đem thân mình để hoà vào thiên nhiên và trở thành một vị thần bất tử,
và phải chăng, tạo hoá lại có đôi mắt vô biên, đã không bằng lòng với suy nghĩ đó của ông, nên đã buộc ngọn núi lửa kia ném trả lại một chiếc dép bằng đồng trên miệng của nó, để chứng tỏ rẳng thượng đế đã không muốn có sự đổi chác nào qua ước mơ bất tử của giống người,
đấng tạo tác đã khắc khe với tính hám danh, ngay cả với một nhà hiền triết, một nhà thơ, huống chi…
đêm qua tôi đang đứng thả hồn theo mây gió và hình như cuộc bể dâu đang trôi vào lãng đãng trước mắt, bỗng đâu một đàn dế kéo những cỗ quan tài nhỏ xíu, đẹp mắt, nhưng trông rất nặng nề đi qua những trang sử gập ghềnh của thời hiện đại, để thể hiện qui luật phi- chân- không của trần gian vô thường, triền phược,
tôi lấy làm lạ, buộc miệng thắc mắc, hỡi các bạn dế, các bạn kéo những cỗ quan tài của ai mà trông linh đình long trọng quá vậy, chú dế đi ngoài hàng, chắc là cấp chỉ huy, nghiêm trang nói, chúng tôi đang kéo linh hồn những tượng đài của những vị thánh lừng danh, vừa bị kéo sập đêm qua ở những nơi được xem là trang nghiêm nhất của của các thành phố, đưa đến những mồ chôn tập thể, ở ngoài rìa của lịch sử,
vô cùng ngạc nhiên, tôi lại hỏi, tượng đài là của những thần tượng, là ân nhân của các dân tộc, có khi của cả loài người, là tinh hoa của đất trời, sao lại có ai dám kéo sập,
thắc mắc của tôi làm cho đàn dế cười to chế nhạo, chú dế chỉ huy cũng cười, nụ cười đầy bí hiểm, chú nói, tượng đài chỉ là sản phẩm được sinh ra từ một nhóm người quyền thế, bắt nhân dân cúi đầu tung hô, một thời dựng lên, rồi bây giờ, cũng phải có một thời, nhân dân lại kéo xuống, chứ có ai dám sờ tay vào đâu, có lẽ đó chỉ là những danh nhân giả, thánh nhân giả, thậm chí đó là bọn gây nhiều tội ác với nhân loại, được đưa lên nhờ những họng súng và lưỡi gươm của bọn cầm quyền,
ngài không biết sao, ngày xưa, ở đó, đêm ngày người ta dâng hoa, dâng đèn, ngày nay người ta lại dâng cuốc dâng xẻng, để đập phá chúng đi, quy luật tụ tán sinh diệt là thế,
thời gian sẽ xoá đi tất cả những gì không hợp với con người, những tay có chữ nghĩa gọi nôm na là không mang tính nhân bản, nhưng ông cũng biết đấy, không có ai xoá được thời gian, vì thời gian là thứ đeo theo từng thân phận để giám sát sự tồn vong của hữu thể, những oan khiên của lịch sử lại trở về, ai làm gì cho con người thì tồn tại, ai tôn vinh vô loại sẽ tiêu tan, sẽ bước trở về thuở hồng hoang, sẽ lùi vào quên lãng,
chú dế chỉ huy chợt nói với tôi rằng, đám đông bầy đàn đang chuẩn bị xây nhiều tượng đài nữa đấy, bọn được xây tượng đài ngày càng có thành tích giết người tinh vi hơn, dã man hơn, để cho lũ dế, loài ra rả ca hát về đêm của chúng tôi, cả đời luôn có việc làm, còn ông thì có dịp sắp xếp con chữ không chịu nằm im mà luôn nhảy múa trong đầu mình, theo cái quy luật của đất trời “vạn vật sinh yên” ấy mà,
từ đó, không hiểu sao, đàn dế đưa tang của những tượng đài ngày càng nhiều, lộ rõ tính bi hài của cõi trần, ngày nào cũng diễn qua trước mắt tôi, và trên những chiếc quan tài kia không phải là chiếc dép bằng đồng màu vàng ánh của Empedocles mà là những chiếc dép bằng sắt mang hình lưỡi gươm màu đen của địa ngục…
Sài Gòn 7-4-2022.
*Empedocles (490-430 TCN) là triết gia Hy Lạp, tiền Socrate, ông chủ trương vũ trụ được cấu thành bỡi 4 yếu tố: Lửa, khí, nước và đất.

Chiếc Cối Xay Thịt

 

Kiều Giang
Không ai còn lạ gì những tham vọng bao la của những tên độc tài trên thế giới từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Từ Alexander Đại đế, đế chế Ottoman cho đến Napoleon, Hitler và trước mắt chúng ta là hai tay song kiếm hợp bích Putin và Tập Cận Bình.
Để đạt được tham vọng điên cuồng của chúng, mỗi tên đều chuẩn bị cho mình một CHIẾC CỐI XAY THỊT có kích thước vô biên, xay thịt cả dân mình cùng dân các nước khác.
Trong lần ra quân này, ước mơ đầu tiên của Putin là xay gọn khối thịt của toàn nước Ukraina dân chủ, (mà dân chủ là cái gai trong mắt của những tên độc tài). Nhưng sau gần 7 tuần, đem nướng vào cái đất nước trông hiền hoà nhưng lại gan góc, anh dũng tuyệt vời ấy, hơn mười ngàn lính nằm lại trên đất nước (đã từng là anh em), và hơn 14 ngàn lính què quặt trở về trên đôi nạng gỗ, mang danh là đội quân tinh nhuệ nhất của một cường quốc quân sự thứ hai thế giới, Putin rất cay cú, Y lòi cái cối xay thịt hạt nhân ra để doạ thiêu cả nhân loại, nhưng rồi không ai sợ cái màn doạ dẫm trẻ con của hắn, trừ khi hắn tiếp tục thua đau.
Sau 7 tuần phá nát đất nước Ukraina bằng không quân, pháo binh và tên lửa, không gớm tay, không còn một dãy phố, một mái nhà nguyên vẹn, hàng chục ngàn người đã chết vì bom đạn hoặc bị giết bỡi họng súng và lưỡi lê của quân Nga, gần 5 triệu người Ukraina, toàn phụ nữ và trẻ em phải chạy qua các nước dân chủ tự do để lánh nạn, (không có người dân Ukraina nào chạy ngược sang Nga, dù được dụ dỗ hoặc bị o ép, điều đó một lần nữa, nói lên sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài!.)
Nay Putin quyết đánh canh bạc chót là chiếm cho được vùng DONBAS (gồm 2 tỉnh Luhansk và Donetsk, phía đông Ukraina, giáp giới với Nga) để gỡ tội với nhân dân Nga, (đi xâm lăng, đẩy con dân Nga vào chỗ chết lại mang tiếng là tội phạm chiến tranh mà lại thất bại), và tuyên bố chiến thắng nhân ngày 9-5, ngày Phát-xít Đức tuyên bố đầu hàng đồng minh.
Để thực hiện cái giấc mơ ác quỷ của mình, Putin cử một tướng mới hung ác tàn bạo khét tiếng nhất của xứ bạch dương là Alexander Dvornikov để chỉ huy trận sống mái ở DONBAS sắp tới.
Chính Putin lẫn những lãnh đạo thể giới đều cho rằng đây sẽ là trận đánh lớn nhất, tàn khốc nhất, chỉ sau thế chiến thứ II, giữa hai thế lực chính nghĩa và phi nghĩa đối đầu nhau. Để thực hiện ý đồ xâm lăng, và cứu vãng sự ô nhục của mình, chắc chắn rằng Putin sẽ không từ bỏ việc sử dụng những phương tiện tàn độc nhất mà quốc tế cấm như vũ khí sinh hoá và cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, nếu y bị thua đau trước đoàn quân Ukraine anh hùng.
Hàng trăm ngàn con người vô tội sẽ chết dưới mưa bom bão đạn một cách vô cùng phi lý, chỉ vì cái lòng tham không đáy của một tên độc tài, hắn bất chấp những lời kêu gọi hoà bình của Đức Giáo Hoàng và của toàn nhân loại, CHIẾC CỐI XAY THỊT của hắn sắp được hắn bấm nút.
Ôi, có nỗi kinh hoàng nào, có nỗi đau xót nào, có nỗi căm hờn nào, nỗi thống khổ nào lớn hơn, đang xé nát trái tim của những con người có lương tri trên toàn thế giới, khi đã biết trước một thảm cảnh rùng rợn sắp xảy ra, mà không thể ngăn chặn được!
Hãy cầu nguyện cho tên đồ tể Hit-Putin còn chút tính người!
Sài Gòn 12-4-2022.

Đường Trong Rừng

 

Kiều Giang
“ Cảm ơn đời, mỗi sớm mai thức dậy,
được có thêm ngày mới để yêu thương”
Kahlil Gibran
có người đang uốn những cành cây để chờ con mồi,
bạn hỏi cành cây đang chờ gì,
cành cây không chờ gì cả
vì ta chỉ thấy màu xanh trong đôi mắt của lá,
đang tư lự,
và đôi môi của lá đang cười,
không ai viết được hận thù lên nền trời xanh,
một đóm lửa từ hồng hoang,
mãi còn ấm nơi này.
Tôi muốn nhốt những chiến công
của Alexandre đại đế,
vào cái lọ đôm đốm
của tuổi thơ tôi,
rồi cho mẹ tôi thắp sáng nơi sinh nở của bà,
trong những đêm dài trung cổ.
Ở đầu thế kỷ này,
chúng ta nên quay mặt vào nhau
như hai bức tường đã tróc hết vữa,
không cần phải khoe khoang súng đạn,
một thứ tương lai lố bịch,
một thứ mặc cả phì cười,
lời nói dối
thường bắt đầu từ một cánh hoa,
qua đài hoa,
rồi cuối cùng theo rễ cây
xuống đất đen và bóng tối.
Những tham lam, mệnh lệnh, những giấc mơ,
những mưu toan,
đang quyện vào nhau trên đầu chúng ta,
chúng cười hô hố trong những bữa đại tiệc,
được nấu bằng những nụ cười của loài gián.
không có gì để phải hận thù,
mũi tên tự nó sẽ tìm đường trở lại
nơi mà nó bắt đầu.
Ta chỉ muốn vuốt ngược mái tóc em,
như mái tóc của tạo hóa,
để lộ ra đôi mắt sáng rực,
khao khát tìm ra con đường,
dẫn tới khu rừng có nhiều tiếng chim,
còn hạnh phúc hơn cái ngày ta khao khát nhau.
SG. 15-4-2022

Nguòi Đi Tìm Bóng


Truyện ngắn Kiều Giang
Giữa khuya mồng hai Tết, trong giấc ngủ chập chờn, hắn thấy một con ngựa ô, không biết từ đâu,xông vào nhà hắn, hất tung cái kính cổ treo trên tường, lồng khung gỗ mun bóng loáng, được tổ tiên hắn truyền lại qua nhiều đời. Cái kính vụn vỡ. Hắn lặng câm chết điếng. Mấy ngày liền hắn bỏ ăn, bỏ làm, mặt thất thần ngây ngây dại dại, quanh quẩn mãi trong nhà, không nói với ai một lời.
Sau cái đêm kinh hoàng ấy, hắn thấy bầu trời như tối sầm, những vầng mây đen hoang dại như cứa lên thân phận hắn, mặt đất run cầm cập, không hiểu sao, hắn lại lẩm bẩm “ thế là hết”. Và con ngựa hoang cũng đã mất dạng vào bóng đêm, ma quái, huyễn hoặc.
Người ta lại thấy hắn lặng lẽ, mặt cúi gầm, nhặt từng mảnh kính vỡ, không sót một mảnh nào, cho vào một chiếc túi vải, đem cất trong buồng riêng, khóa chặt cửa, có người cười, bảo là hắn điên, cất làm gì, sao không đổ phứt đi, rồi mua cái kiếng khác. Miệng hắn ngậm như thóc, lạnh lùng, chỉ đưa mắt nhìn xa xôi.
Rồi một ngày, bất ngờ, người ta thấy hắn trải một tấm khăn lụa trắng, mới tinh, mà hình như hắn đã cất giữ từ lâu lắm, không ai hay như chính thân phận hắn, lên chiếc bàn của bộ trường kỷ chạm xà cừ lấp lánh, cha hắn truyền lại cho hắn. Hắn dán từng miếng kính vỡ lên chiếc khăn lụa rồi ngồi thừ người ra. Không biết hắn thấy gì trong những miếng kính vừa ráp lại? Chênh vênh. Nhăn nhúm. Lỗ chỗ những khoảng trống. Có lẽ, may ra còn thấy được cái bóng chập chờn của hắn, vì tấm kính trước khi vỡ, cũng đã úa mờ.
Đêm hôm sau , hắn không ngủ, vào phòng mình, đóng chặt cửa, treo tấm lụa lên tường, tĩnh tọa trước ngọn nến trắng, đăm đăm soi bóng mình trước chiếc kính mà hắn vừa chắp vá, ráp lại, hắn giật mình thấy hàng ngàn chiếc bóng của hắn hiện lên những mảnh kính vỡ, nhưng tất cả đều lộn ngược, tất cả không còn theo một trật tự nào cả, râu tóc hắn bỗng chốc trắng như mây, đang bị thổi tung trong bầu trời đầy giông bão, nỗi buồn ẩn sâu vào đôi mắt, ánh lên niềm khát vọng xa xôi, bí ẩn như một huyền ngôn, mà chính hắn cũng vô cùng kinh ngạc. Có điều lạ hơn là chi chít những con chữ bám đầy lên người hắn, không tạo thành một câu chữ nào mà hắn có thể hiểu được, một thứ mật ngữ đang bám theo hắn, hắn bất lực, không thể giải mã. Hắn thật sự không hiểu, cái xác thân hắn đang ngồi đây và cái bóng trong từng mảnh gương kia, cái nào là có thật, hay cả hai đều thật, hay cả hai đều ảo, tâm hồn hắn trở nên bấn loạn.
Nếu như cha mẹ hắn không để lại ngôi nhà, không có con ngựa ô xông vào đêm mồng hai Tết, làm vỡ chiếc gương soi của hắn, và hắn không tỉ mỉ ráp lại từng mảnh kính vỡ, thì có lẽ hắn đã không phải đứng trước nỗi kinh hoàng này.
Bây giờ hắn lại cười, nhưng nụ cười chưa kịp mở, lại cũng tắt ngay trên môi. Trong chiếc gương vỡ lại hiện lên cảnh mẹ hắn bế hắn đứng trước gương, lúc hắn sáu tháng tuổi, nhưng tất cả đều chổng ngược, thấp thoáng hình một bà già bế một đứa con nít nhưng râu tóc đã bạc phơ, đứa trẻ nhoẻn miệng cười, háo hức chồm người vào trong gương, như muốn thoát khỏi tay mẹ… Hắn ngậm ngùi như muốn níu lại thời gian. Nhưng hắn biết rõ là mình bất lực, hắn nhắm mắt.
Khi hắn mở mắt ra, một cảnh tượng kỳ bí lại diễn ra trước mắt hắn, trong gương. Bất giác hắn òa khóc, khóc ngon lành như trẻ con, khóc như chưa bao giờ được khóc, thèm khát khóc, nước mắt hắn như từ suối nguồn vô tận, thê thảm, chua chát, cứ tưởng rằng đó là cảnh đưa tang mẹ hắn, vì quá thương mẹ nên hắn đã ứa máu con tim, nhưng không, đó là một ngày vui nhất đời hắn, một đám cưới.
Lạ thật, một luồng ký ức thoáng qua đầu hắn, nếu như đám cưới ngày xưa của hắn tưng bừng rộn rã sang trọng bao nhiêu thì cảnh hôm nay trong gương, lại hiu hắt, tiêu điều, khốn cùng bấy nhiêu. Hôm ấy là một buổi sáng cuối đông, đầu xuân, trên nền trời trong xanh, những cánh én đang làm bổn phận mà đất trời đã giao cho chúng, chiếc xe hoa lướt nhẹ trên đường rộn rã tiếng chim, chú rể dìu cô dâu trong tiếng pháo giòn tan cùng tiếng vỗ tay chào mừng của hai họ và bạn bè. Cả không gian và thời gian như hoàn toàn thuộc về hai người, đêm ấy họ leo lên thiên đàng tình ái không cần mượn thang của chúa trời. Nhưng sao hôm nay lại là một ngày mưa dầm, quan cảnh thê lương tiêu điều, chiếc xe hoa lội nước trên đường, những cành hoa gắn trên xe sũng ướt, rũ rượi tả tơi, bầu trời mây đen vần vũ, hình ảnh đôi uyên ương chập chờn mờ nhạt, nhăn nhở, nức nẻ.
Hắn lại thấy bão tố nổi lên nơi hang động yêu đương, đèn hoa ngậm ngùi sương gió, hắn bắt đầu một đoạn đường đời tàn lụi ái ân, nhìn vào tấm gương vỡ, hắn lại khóc, hắn lẩm bẩm trong đầu “không, không phải, nhất định không phải đám cưới của ta”.
Những mảnh gương vỡ lại tiếp tục hiện về những hình ảnh ngược, người ta cắm đầu xuống đất để chém giết nhau, nhưng máu lại cứ chảy ngược lên trời, bầu trời nhuộm một màu đỏ thẫm, máu và lửa đang bao trùm đời hắn, nhưng thật kỳ lạ, không nhuộm đỏ, cũng không đốt cháy được những con chữ cứ bám chặt theo hắn, hòa vào máu của hắn, một tồn tại bất tử và thầm lặng. Lại một lần nữa, hắn cảm thấy bơ vơ, ngỡ ngàng trước số phận.
Rồi hắn thấy mình cố bước đi trong gương về phía trước, mặc cho máu và lửa vẫn cứ bám theo hắn, một cuộc rượt đuổi hình như vô tận…
Đêm ấy hắn ngất đi trước tấm gương, bên cạnh ngọn nến trắng vẫn còn đang cháy….

12 thg 6, 2022

Mảnh Đạn

 

Tiểu thuyết ít chữ của Kiều Giang
[Tiếp theo và hết]
6. Thu Sương lần theo thư mục “Thơ văn trong nước” trên giá sách của thư viện phố núi, nàng dừng lại “mục thơ” và rút ra một quyển. Tựa tập thơ “Dấu chân trên sa mạc”. Thấy tựa lạ, cô liếc nhanh tác giả, Nguyễn Ngọc Huy. Cô hơi sững: “chẳng lẽ trùng tên?”. Cô lật sang bìa 2, hình và sơ lược tiểu sử tác giả. “Ôi, đúng rồi, anh còn sống! Bây giờ là một nhà thơ”. Cô áp đôi bàn tay cùng tập thơ lên ngực, mặt ngước lên trời, như người ta đang cầu nguyện. Phút giây kỳ diệu lướt qua cuộc đời . “Người về từ cõi mộng trăm năm”, một chút mật ngọt chảy qua tâm trí nàng. Thu Sương cố tìm nơi đang ở của Huy, nhưng chỉ biết địa chỉ của nhà xuất bản. Cô ra về, trong lòng ngổn ngang những nỗi đời. “Rồi ta cũng sẽ tìm ra…”, cô nhẩm trong đầu.
Từ đó, đêm nào, sau giờ đóng cửa quán, Thu Sương cũng nằm say mê nuốt từng lời thơ của Huy.Thắng đi nhậu về với điệu bộ chệnh choạng, say mèm, nôn ói và lảm nhảm. Cô bất đắc dĩ phải dụ cho anh uống những viên thuốc an thần. Cuộc sống của nàng bắt đầu lơ lửng, gầy guộc, nhức nhối, giữa địa ngục của hơi men và thiên đường của những bài thơ tình cháy tim cháy ruột.
Sau từng đêm vật lộn với rượu và thuốc ngủ, sáng nào thức dậy ông Thắng cũng ôm đầu vật vã trong cơn đau. Lần hội chẩn đầu tiên, bệnh viện cho biết ông bị hai mảnh đạn trong đầu kết hợp với rượu đã gây nên những cơn đau ác tính, nếu phẩu thuật thì tỉ lệ thành công là rất thấp, bệnh nhân khó giữ được mạng sống hoặc phải nằm liệt suốt đời. Giải pháp tối ưu là bệnh nhân phải bỏ rượu và dùng thuốc an thần. Mỗi lần ông Thắng lên cơn, Thu Sương rất hãi hùng, nhưng nàng không dám quyết định có nên giải phẩu hay không. Nàng chỉ biết van xin chồng đừng uống rượu nữa. Nhưng thật vô ích, con ma men đã mỉm cười khinh bạc, chế giễu nàng.
Kể từ khi ông Thắng phát hiện Thu Sương say sưa đọc tập thơ “Dấu chân trên sa mạc”, ông đã tìm ra người yêu của nàng từ tuổi học trò là Huy, bây giờ là nhà thơ đang còn sống và khá nổi tiếng, có nhiều bài thơ phổ nhạc, hát trên đài. Vậy là ngoài cái di chứng của chiến tranh và những cơn ngất ngư của Lưu Linh truyền lại, ông còn mang thêm cái máu đàn bà, máu của Hoạn Thư. Không đêm nào là ông không lè nhè tra vấn những câu thô bỉ, vô nghĩa: “hồi đó cô quen thằng nhà thơ đó như thế nào, hai người đã có gì với nhau chưa, thơ của hắn chỉ toàn rên rỉ vì nhớ người yêu cũ”. Rồi ông tưởng tượng xa hơn “Chắc là cô đã gặp lại hắn, gần đây tôi thấy cô ngơ ngẩn, chết lặng hàng giờ”. Thu Sương thầm nghĩ: “anh ta càng gợi cho mình nhớ Huy hơn, rất da diết !”. Những câu thơ như “Bây giờ anh xa em/ Một nỗi đau thầm lặng/ Anh viết lên vầng trăng/ Huyền ngôn đời thăm thẳm…” đã làm rờn rợn trên da thịt cô, và nỗi đau thắt ruột. “Huy ơi, dòng sông đã chia hai ngả tự bao giờ? Anh bây giờ ra sao, ở đâu? Trong tập thơ đó, anh chỉ viết cho tình yêu của chúng ta, và từ đây anh lại dạy cho em thứ ngôn ngữ không lời để nói về tình yêu của em. Nỗi nhớ đang hành hạ em và em hoang mang đến cùng cực”.
Hôm nay, đã quá 11 giờ đêm, ông Thắng mới về nhà. Ông cố bò lên gác, hai tay ôm đầu nhưng không lảm nhảm như trước. Thu Sương vẫn ngồi đọc sách như thường lệ, Trường Sơn ngồi bên cạnh học bài. Ông Thắng gầm lên:
– “Vẫn là thơ, vẫn là thằng khốn kiếp đó. Nó trở về cướp cô khỏi tay tôi”.
Thu Sương hốt hoảng:
-“ Không anh ơi! Chỉ là thơ thôi mà. Em vẫn là vợ của anh. Hàng ngày em vẫn lo chu đáo cho anh!”
-“ Cô chỉ còn cái xác, mỗi ngày cơm nước cho tôi, còn cái hồn, cô đã giao cho hắn. Cô khinh tôi là một thằng thương binh nát rượu, bây giờ trở thành gánh nặng, cái bóng ma trong đời cô !”.
– “ Không đâu anh ơi, hồn xác em vẫn là của anh”.
-“ Láo…láo… cô tưởng cô lừa được tôi hay sao? Mảnh đạn trong đầu đã gắn liền với số mệnh của đời tôi. Hôm nay tôi không muốn sống trong trái tim trống rỗng của cô nữa, và tôi cũng không muốn trao cô cho hắn, cô phải đi theo tôi đời đời kiếp kiếp, vì sao cô biết không, vì tôi mãi mãi yêu cô, dù sang bên kia thế giới, tôi vẫn cần có cô”.
Trong cơn điên loạn vì ghen, đầu lại đau như búa bổ, ông Thắng chạy lại giật tung cánh cửa hộc tủ nhỏ ở đầu giường, lấy ra khẩu súng ngắn chỉa thẳng vào Thu Sương. Nàng quỳ xuống đất, vái lia lịa “Anh ơi hãy để em sống nuôi con, em van anh…”. Bé Trường Sơn nhào tới ôm cha, nhưng súng đã nổ, bé ngã ngược lại phía sau, còn Thu sương gục xuống ôm ngực ràn rụa máu.
Ông Thắng chỉa họng súng vào đầu, nhưng có lẽ vì tay run, viên đạn trượt, bay thẳng lên trần nhà, làm sướt da đầu, máu tuôn xối xả. Ông còn bấm cò lần cuối nhưng súng đã hết đạn.
Vở bi kịch về cuộc hôn phối của thiên đàng và địa ngục, giữa “thua cuộc và thắng cuộc”, giữa tình yêu và quyền lực đã kết thúc với sự ra đi tức tưởi của hai mẹ con người thục nữ mệnh bạc, sau 20 năm đất nước hòa bình. Người cán bộ, người thương binh, điên loạn trong trại tâm thần cũng đi theo đồng đội về bên kia thế giới không lâu sau đó. Người ta không biết phải tiễn ông theo nghi thức nào, nghi thức của một anh hùng quân đội hay của một tên tội phạm giết người? Sự nghich lý của cuộc đời vẫn không buông tha cho loài có sẵn nụ cười và tiếng khóc…
7. Bằng đôi bàn tay xòe, Huy đưa 3 nén nhang lên tầm trán, thì thầm trong đầu: “Thu Sương ơi, hôm nay anh gặp lại em cũng là lúc âm dương vĩnh viễn chia cắt đôi ta. Anh chưa bao giờ tưởng tượng nổi điều này. Những hy vọng và ước mơ của anh trong suốt 30 năm, giờ đây thực sự đang quằn quại dưới dấu chấm hết mà bàn tay vô tình của thượng đế đè xuống đôi ta… Những vần thơ anh viết cho em từ bây giờ cũng chỉ lơ lửng cùng mây trời quanh quẩn nơi nghĩa trang hoang lạnh này. Có lẽ không còn ai dám đổ cho số mệnh đâu em, tất cả đều có từ một hiện hữu rất khắc nghiệt, chiến tranh. Những bi kịch trong xã hội ngày nay cũng là do những mảnh đạn sót lại trong từng ngõ ngách của cuộc đời mà có lẽ còn lâu dân tộc này mới gắp ra hết. Thôi em nhé, xin hãy chờ anh”. Sau lời nguyện, anh nhìn sâu vào đôi mắt đen thăm thẳm trong tấm hình khắc trên bia mộ, và có cảm giác như Thu Sương đang đứng cạnh anh, chứ không phải là đứa con gái của nàng.
Huy nắm tay Thảo Nguyên lặng lẽ bước đi dưới hai hàng thông ngậm ngùi vi vu trong gió. Ra khỏi nghĩa trang, hai người hướng về phía Biền Hồ, nơi mà cách đây không lâu, trong một đêm thu, một mình trên chiếc thuyền nan, anh linh cảm đôi mắt nàng nơi đáy hồ trong xanh thăm thẳm.
Mặt trời chạm xuống đồi núi phía tây, những dải nắng cuối cùng lướt trên mặt hồ như những thanh kiếm bạc lung linh huyền ảo, cố níu một vẻ đẹp hoang sơ mà tạo hóa đã dành ban tặng cho một vùng cao nguyên kỳ vĩ, như một bức bích họa mà Thượng Đế đã vẽ trên nền trời xanh.
Màn đêm đang phủ lên vùng sơn thủy u tịch đầy tính lãng mạn của thiên nhiên ở nơi này, người ta lại thấy một thiếu nữ thướt tha xinh đẹp trong chiếc váy đầm dài phủ chân, đôi mắt sâu đen như chứa cả bầu trời vùng cao nguyên thơ mộng, bước xuống một chiếc thuyền nang, rồi chèo ra giữa lòng hồ. Không ai hiểu được mục đích của cô gái, người ta chỉ thấy bóng của nàng in trên nền trời đêm như nữ thần tình yêu Aphrodite trong bức tranh thần thoại Hy Lạp. Có khi nàng lại nằm úp mặt lên mặt nước hồ tựa như một tấm gương đêm, chi chít những vì sao xa tít, ngắm mãi đôi mắt của người đàn ông huyền thoại ở dưới đáy hồ, giống câu chuyện nàng tiên đi tìm đôi mắt chàng Narziss của Oscar Wilde.
Kiều Giang. 16-4-2021.
Ảnh: Biển Hồ ở Pleiku Gia Lai.
- Kiều Giang ở Merryland Qui Nhơn.
Bạn, Loc Duy Huynh, Nguyen Thi Thu Suong và 14 người khác