Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

5 thg 5, 2015

Một Cuộc Tìm Kiếm Mỹ Thuật / Từ Khóa - Deconstruction - huệ viên




46 hoc ve


Đã đăng Một Cuộc Tìm Kiếm Mỹ Thuật kỳ: [1] [2} [3][4] 

CHƯƠNG II
TỪ KHÓA DECONSTRUCTION

Decontruction (hiện trong giới học thuật Việt Nam vẫn chưa thống nhất được dịch là hủy cấu trúc, giải cấu trúc, hủy kiến tạo hay giải kiến tạo) là một tư tưởng triết học cuối thế kỷ XX có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc, âm nhạc, đồ họa đương đại, cụ thể là sự bùng nổ của các công trình kiến trúc mang phong cách deconstructivism. Nhưng quả thật khái niệm deconstructivism trong kiến trúc mà thế giới hiểu hiện nay chưa hẳn được tiếp thu hoàn toàn từ tư tưởng deconstruction do triết gia Jacques Derrida khởi xướng mà chủ yếu dựa vào sự suy diễn theo cách của mỗi kiến trúc sư. Vì thế, thay vì bắt chước các công trình của các kiến trúc sư deconstructivism nổi tiếng hiện nay như Frank Gehry, Rem Koolhass, Daniel Libeskin, Zaha Hadid (mà theo chúng tôi phần lớn chúng là sự kết hợp của chủ nghĩa cấu trúc Nga (constructivism), chủ nghĩa hậu hiện đại (post-modernism) và deconstruction), trước hết chúng ta nên ngẫm lại những điểm mấu chốt trong tư tưởng triết học của Derrida, từ đó mỗi nghệ sĩ xem có thể học được gì để phát triển phong cách riêng của mình.

Jacques Derrida (1930-2004) là triết gia người Pháp, cha đẻ của deconstruction. Tư tưởng của ông có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong nhiều ngành triết học như bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học, mỹ học, thông diễn học, triết học ngôn ngữ. Triết học của Derrida ra đời trong hoàn cảnh chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) đang thống trị nền học thuật thế giới và chủ nghĩa hậu cấu trúc (post-structuralism) bắt đầu gây được tiếng vang. Chủ nghĩa cấu trúc bắt đầu hình thành từ lý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure cho rằng với tư cách là một hệ thống, ngôn ngữ thực chất là những ký hiệu, mỗi ký hiệu là một kết hợp gồm hai mặt, cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified), gắn chặt với nhau và ý nghĩa chỉ được hình thành từ những sự khác biệt giữa các ký hiệu. Sau đó, chủ nghĩa cấu trúc được phát triển thêm bởi nhóm ngôn ngữ học Prague do Roman Jakobson cầm đầu và nó đi đến đỉnh cao khi nhà nhân học Claude Levi-Strauss công bố các công trình về huyền thoại, hệ thống thân tộc và cách tư duy trong các xã hội sơ khai. Levi-Strauss tuyên bố: “Trong các tác phẩm thơ ca, nhà ngôn ngữ học nhận ra các cấu trúc rất giống với các cấu trúc trong các huyền thoại mà các nhà dân tộc học đã từng bắt gặp trong quá trình phân tích của họ”(20). Trên cơ sở đó, các triết gia nghiên cứu các vấn đề khác của văn hóa, xã hội, lịch sử và đều cho kết quả tương tự về mối liên hệ giữa ngôn ngữ và các nghành học thuật khác. Triết gia Roland Barthes kết luận rằng: “văn hóa, trong mọi khía cạnh là một ngôn ngữ”(21). Quan điểm đó ảnh hưởng mạnh đến nỗi giới học thuật tiếp cận mọi vấn đề bằng tư duy cấu trúc luận.
Nhưng sau đó, khi các tác phẩm của Mikhail Bakhtin từ Liên Xô được công bố sang Tây Âu, cộng với những công trình nghiên cứu mới của Roland Barthes, Michel Foucault, Jacques Derrida… thì quan điểm về ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure bắt đầu lung lay. Người ta nghi hoặc sơ đồ của Saussure về mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt; rằng ký hiệu không phải là một cấu trúc khép kín của hai mặt biểu đạt và được biểu đạt mà chỉ là cấu trúc của những sự dị biệt. Mặt khác, Derrida bác bỏ lịch sử siêu hình có thứ bậc và các cặp đối lập (như viết – nói, biểu đạt – được biểu đạt, duy vật – duy tâm…) đã tồn tại cho đến thời điểm đó và làm nền tảng cho mọi lý luận logic về thế giới. Vì thế, mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong ngôn ngữ không còn là mối quan hệ của cấu trúc luận nữa, và các nền tảng lý luận logic của nhân loại không hiển nhiên và chắc chắn như người ta tưởng.
Nếu với các nhà cấu trúc luận, tất cả mọi hiện hữu đều là những hệ thống ký hiệu, tức là một loại ngôn ngữ, thì với các nhà hậu cấu trúc luận, tất cả đều là những hình thức diễn ngôn (discourse). Nếu với các nhà cấu trúc luận, mọi ký hiệu đều gắn liền với ý nghĩa, tức đều biểu đạt một cái gì đó, thì với các nhà hậu cấu trúc luận, mọi diễn ngôn, như Michel Foucault chứng minh, đều gắn liền với quyền lực, qua đó, các thiết chế và kỷ cương được hình thành. Tính quyền lực của diễn ngôn mạnh đến độ, một lúc nào đó, trong lịch sử, con người và các hoạt động của con người, từ vị thế chủ nhân, trở thành sản phẩm của diễn ngôn(22).
Nói chung, tuy cùng bị ảnh hưởng bởi cấu trúc luận và cùng chống lại cấu trúc luận nhưng mỗi triết gia hậu cấu trúc ít nhiều có thế mạnh riêng, đặc điểm riêng và đề tài nghiên cứu riêng. Nhưng người thâm nhập nhiều lĩnh vực nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất ra bên ngoài lục địa châu Âu chính là Derrida; và nhiều người còn cho rằng ông đã tạo lập một trường phái học thuật riêng là deconstructionism. Trong sự nghiệp chữ nghĩa của mình, Derrida đã xuất bản khoảng 40 cuốn sách và rất nhiều bài luận trong các lĩnh vực lý thuyết văn chương, nhân học, xã hội học, phân tâm học, ký hiệu học, chính trị, đạo đức… chủ yếu xoay quanh chủ đề deconstruction. Vậy deconstruction là gì? Không ai, kể cả Derrida, có thể trả lời trọn vẹn câu hỏi này, và triết gia tự thú thật là chưa bao giờ ông thỏa mãn về từ này. Trong “Thư gửi một người bạn Nhật” Derrida giải thích về deconstruction như sau:
“Khi chọn từ này, hoặc là khi từ này áp đặt chính nó lên tôi, tôi nghĩ đó là trong “De la grammatologie” (Về văn phạm học), tôi không nghĩ rằng nó sẽ được ghi nhận với một vai trò trung tâm đến vậy trong cái diễn ngôn đang thu hút sự quan tâm của tôi vào lúc đó. Một trong số những việc tôi muốn làm bấy giờ, là dịch và cải biến để dùng vào mục đích của tôi từ Destruktion hoặc Abbau của Heidegger. Cả hai từ trong bối cảnh này đều biểu thị một hoạt động nhằm vào cái cấu trúc hay kiến trúc truyền thống của các khái niệm nền tảng của bản thể luận hay siêu hình học phương Tây. Nhưng, trong tiếng Pháp, thuật ngữ “destruction” ngụ ý quá rõ một sự hủy diệt, một sự triệt giảm tiêu cực, có lẽ gần với “démolition” (phá hủy) của Nietzsche hơn là cách diễn giải của Heidegger hoặc với cách đọc mà tôi đề xuất. Vì vậy tôi loại chúng ra. Tôi nhớ mình đã tìm hiểu xem từ “déconstruction” (từ này đến với tôi rõ ràng khá bất chợt) có phải là một từ Pháp thực thụ hay không. Tôi tìm thấy nó trong “Littré”. Các cổng nghĩa (portées) ngữ pháp, ngôn ngữ học, hoặc tu từ pháp trong đó đều liên hệ với cổng nghĩa “cơ học” (machinique). Sự liên hệ này đối với tôi là rất may mắn, nó phù hợp một cách rất may mắn với những gì tôi, chí ít, muốn đề xuất. Tôi xin phép được trích dẫn một số mục từ trong “Littré”. “Déconstruction (tháo gỡ): Hành động tháo gỡ./ Thuật ngữ ngữ pháp. Phân tách liên kết (construction) các từ trong câu”. ‘Về tháo dỡ (déconstruction), thường nói xây dựng’, Lemare, ‘Về cách học tiếng’, ch. 17, trong “Giáo trình tiếng Latinh. Déconstruire: 1.Tháo rời các bộ phận của một tổng thể. Tháo rời một cỗ máy để vận chuyển nó đi nơi khác. 2.Thuật ngữ ngữ pháp […] Diễn nôm câu thơ, làm cho nó giống như văn xuôi, bằng cách bỏ vận luật./ Tuyệt đối. ‘Trong phương pháp của các câu đã nói [prénotionnelles], người ta cũng bắt đầu bằng việc dịch, và một trong những ưu điểm của nó là không bao giờ cần phải phân tách các thành phần’, Lemare, ibid. 3.Tự phân giải […] Mất đi cấu tạo của mình. ‘Học vấn hiện đại chứng tỏ cho chúng ta biết rằng trong một xứ của Phương Đông bất biến, một ngôn ngữ khi đạt đến sự hoàn hảo đã tự phân rã (s’est déconstruite) và được thay đổi từ bên trong, tuân theo quy luật thay đổi tự nhiên, duy nhất của tinh thần con người’, Villemain, Lời nói đầu ‘Từ điển Viện hàn lâm’.”
Thêm đôi lời về chủ đề “bối cảnh”. Hồi đó cấu trúc luận (structuralisme) đang thống trị. Deconstruction có vẻ cũng đi cùng hướng, bởi vì từ này có biểu thị một sự quan tâm nhất định đến các cấu trúc (mà bản thân chúng cũng không đơn thuần chỉ là những ý tưởng, hình thức, tổng hợp hay hệ thống). Deconstruction, đó cũng là một hành vi cấu trúc luận (un geste structuraliste), hoặc trong mọi trường hợp, một hành vi có mặc định sự cần thiết nhất định của cách đặt vấn đề cấu trúc luận. Nhưng đó cũng là một hành vi phản-cấu trúc luận (anti-structuraliste), và số phận của nó phụ thuộc một phần vào tính nước đôi này. Vấn đề là phải phục hồi (défaire), tháo rời (décomposer), giải tầm tích (désédimenter) các cấu trúc (tất cả các loại cấu trúc, ngôn ngữ học, “ngôn tâm luận” (“logocentric”), “âm tâm luận” (“phonocentric”) – cấu trúc luận khi đó bị chi phối trước hết bởi các mô hình ngôn ngữ học, bởi cái gọi là ngôn ngữ học cấu trúc, còn được gọi là ngôn ngữ học Saussure –, xã hội-thể chế, chính trị, văn hóa, và trên tất cả và trước hết, là triết học). Đây là lý do tại sao, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, người ta thường liên hệ chủ đề quán xuyến (motif) của deconstruction với “chủ nghĩa hậu cấu trúc” (một từ không ai biết tại Pháp cho đến khi nó “trở về” từ Hoa Kỳ). Nhưng việc phục hồi, tháo rời, giải trầm tích các cấu trúc – một vận động có lịch sử lâu dài hơn, theo một nghĩa nào đó, so với phong trào “cấu trúc luận” mà nó đặt thành vấn đề – không phải là một hoạt động tiêu cực. Thay vì phá hủy, đúng hơn là phải hiểu một “tổng thể” đã được kiến tạo (construit) ra sao và làm thế nào để tái kiến tạo (reconstruire) nó như vậy. Tuy nhiên, diện mạo tiêu cực đã, và vẫn, là điều khó xóa bỏ hơn những gì gợi nên bởi hình thức ngữ pháp của từ (dé-), cho dù nó còn có thể có nghĩa phục hồi phả hệ (dérivation généalogique) chứ không chỉ là nghĩa phá hủy. Đó là lý do tại sao từ này, ít nhất là riêng nó, chưa bao giờ làm tôi thỏa mãn (nhưng vậy thì từ nào?), và nó luôn luôn phải được sự bao bọc bởi một diễn ngôn. Thật khó xóa còn vì, trong công trình về deconstruction, cũng như ở đây, tôi luôn phải nhân gấp bội những cảnh báo, và cuối cùng gạt sang một bên tất cả các khái niệm triết học truyền thống, trong khi lại phải tái khẳng định sự cần thiết sử dụng chúng, ít nhất là bằng gạch xoá.
Từ “deconstruction”, giống như tất cả các từ khác, chỉ có được giá trị của nó nhờ tham dự vào một chuỗi những thay thế có thể, trong cái mà ta vẫn gọi là “ngữ cảnh”. Đối với tôi, đối với những gì tôi đã hoặc vẫn đang cố gắng viết, nó chỉ hữu dụng trong một ngữ cảnh nhất định, khi nó thay thế và cho phép xác định bằng rất nhiều những từ khác, ví dụ “ectirure” (lối viết), “trace” (dấu vết), “différance” (trì biệt), “supplement” (phần phụ), hymen (màng trinh), “pharmakon” (độc dược), “marge” (lề), “entame” (bắt đầu), “parergon” (viền vô hình), v.v. Theo định nghĩa, danh sách này không bao giờ có thể kết thúc, và tôi mới chỉ liệt kê các danh từ – đó là không đầy đủ và chỉ vì lý do kinh tế. Thật ra, cần phải liệt kê cả những câu và chuỗi câu, mà đến lượt chúng, trong một số văn bản của tôi, lại định nghĩa những danh từ kia.
Những gì không phải là deconstruction? tất cả! Những gì là deconstruction? không có gì hết! Vì tất cả những lý do này, tôi không nghĩ rằng đó là một từ thích đáng.”(23)
Deconstruction khó hiểu và khó giải thích như vậy thì làm sao có thể diễn giải nó trong lý thuyết mỹ thuật? Bức thư trên của Derrida đã gợi ý cho chúng tôi một cách tiếp cận phù hợp với khả năng có hạn của mình là tiếp cận theo các từ khóa của deconstruction. Những từ khóa mà chúng tôi lựa chọn để triển khai các quan điểm về mỹ thuật trong chương sách này là:
  1. logocentrism (ngôn tâm luận),
  2. différance (trì biệt),
  3. trace (dấu vết),
  4. pharmakon (độc dược),
  5. parergon (viền vô hình),
  6. supplement (phần phụ).
_______
20/Trịnh Bá Dĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học. NXB Hội nhà văn, 2011. 
21/Cao Hành Kiện, Không có chủ nghĩa, Nguyễn Tiến Văn dịch. Talawas.
22/Lâm Ngữ Đường, Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa, Trịnh Lữ dịch. NXB Mỹ Thuật, 2006.
23/Fride, Carrasat, Marcade, Các phong trào hội họa, Lê Thành Lộc dịch. NXB Văn hóa thong tin, 2000

Không có nhận xét nào: