Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

28 thg 12, 2016

Cơn Lốc Đỏ Trên Thành Moscow



Thơ Kiều Giang

Giết người và nói láo là hai anh em sinh đôi
dưới gầm trời đang ôm những kẻ tự thấy mình thay Chúa để ban phát cơm áo và Thánh kinh cho kẻ khác.
Những đứa trẻ vừa bước vào lớp một,
đã được dạy cho lòng hận thù, cúi lòn và nói láo,
đã mấy mươi năm rồi, còn lẩn khuất đâu đây hơi thở của bầy chuột đỏ Moscow.


Bạn hãy nhìn cái cằm của Lénin chìa ra ở Quảng Trường Đỏ thì sẽ biết con cháu của ông ta sẽ tráo trở và nói láo giỏi đến mức nào.
Ông ta nói rằng, bạn chỉ cần cầm gươm bước qua các xác người, tiến lên phía trước một bước,
là có thể thấy ngay thiên đường ,
nhưng những cuộc giết chóc trên đất nước Nga
đã đưa hàng triệu người lên thiên đàng,
nhưng họ không thấy Chúa mà chỉ thấy những lá cờ búa liềm
cùng những tên đao phủ.


Ngày Ba mươi tháng mười hai năm một chín hai hai, cái cằm của Lenin đã chỉa tới 14 quốc gia độc lập,
những tín đồ Bolsevic tràn đi sáp nhập những dân tộc bé nhỏ vào quanh cái gọng sắt của Lenin treo lơ lửng trên điện Kremlin. Phải đợi 69 năm sau họ mới được Gorbachov mở giúp cái gông, ngày hai lăm tháng mười hai năm chín mốt, những con chuột đỏ thành Moscow nguyền rủa Gorbachov, chép miệng ngẩn ngơ.


Khi bộ ria mép của Stalin rung lên,
thì ngay lúc đó hàng triệu người tù “khổ sai lương tâm” ở Siberie
gục xuống trong bộ quần áo rách, dưới cái rét 20 độ âm,
và bên cạnh họ là tên lính canh, tay lúc nào cũng lâm le lưỡi lê và súng.
Bốn mươi triệu người dân Nga và các nước Đông Âu hiền lành mở trừng mắt, trước lúc ra đi.
Tháp chuông trên nhà thờ chính thống giáo ở Maskva rung lên tức tưởi từng hồi trong suốt gần bảy mươi năm,

Từ đầu năm ba tám, Stalin đã âm thầm và bí mật ôm hôn Hitler, trong mưu đồ chia đôi Châu Âu và tiêu diệt người Do Thái, trước khi Hitler cho nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Hàng triệu người Do Thái và sĩ quan Ba Lan ngã xuống
những hố chôn người, trước mũi xe tăng.

Sau phát súng lạnh lùng của Hitler tự kết liễu đời mình ở Berlin,
Stalin đặt nhân dân Đông Âu trước mũi lưỡi lê và dưới bánh sắt xe tăng,

Nhưng chủ nghĩa phi nhân bao giờ cũng chết yểu.
Sau gần bảy mươi năm, một phần ba loài người bị đọa đày dưới gót sắt Liên Sô,
Gần cuối thế kỷ hai mươi, Gorbachev đã trả lại bánh mì, rượu vodka, bầu trời xanh và không khí tự do cho dân Nga và các dân tộc chư hầu,
Tiếng chuông giáo đường ở Moscow, Warsawa, Praha…đồng loạt rung lên từng hồi, vang động cả châu Âu,
nước mắt của loài bồ câu nhỏ xuống điện Kremlin,
cả loài người người đứng lặng,

Gorbachov trở thành tội đồ của những tên ngốc và cuồng tín.

Elsin rồi đến Putin thò tay ăn cắp chiếc bánh của Gorbachov,
nhưng chiếc bánh tự do bây giờ đã bị tên tham quyền Putin đầu độc,
Hắn tiếp tục muốn đưa Châu Âu trở lại đặt dưới bánh xích của xe tăng Liên Xô,
Và hắn là tên đồ tể muốn làm Tổng Thống suốt đời…
Nhưng các dân tộc Đông Âu đã từ chối hắn,
Nên hắn điên loạn và cấu kết với Tập Cận Bình, muốn gây nên thế chiến thứ ba.
SG 3-11-2016

23 thg 12, 2016

Chữ Nghĩa Lưu Đày


Thơ Kiều Giang

Đêm qua tôi thấy những chữ nghĩa tôi ngồi khóc
Những chữ nghĩa ấy tôi viết cho vầng trăng đêm không sáng,
để cho tôi còn thấy vẻ đẹp xán lạn của mùa thu,
tôi viết cho những trang sử âm u của một thời mạt vận
được ngợi ca, quỳ gối, dối lừa.


Những chữ nghĩa ấy tôi đã viết cho vẻ u buồn của biển xanh,
những phút giây chết lặng của Trường Sơn,
tôi viết cho bao nhiêu năm đổ máu anh em,
chảy về biển đông để bây giờ trở thành vô nghĩa.


Những chữ nghĩa ấy tôi viết cho lửa cha ông còn giữ ấm quê hương,
lớp rong rêu bám trên thành dã sử cũng hát bài hành ca về cõi vô biên,
cho bờ đá Tây Nguyên ngàn năm thức dậy, chắn giặc thù đang vùng vẫy
ở biên cương,
tôi viết cho ngọn gió lưu vong tìm về tổ quốc.


Chữ nghĩa ấy đã đi qua vùng tăm tối của nhân gian, những kẻ chăn dân thể hiện quyền uy và tội ác,
chữ nghĩa ấy đang quằn quại dưới “ văn minh” của bọn săn người.


Nhưng người quản thủ tàng thư quốc gia bảo rằng chữ nghĩa của
tôi không được viết trên giấy, không được gửi lên trời, không được dìm xuống biển, không được ghi bên rìa của những trang cổ thư, không được theo tiếng chim để được hót vu vơ…
Và chữ nghĩa của tôi phải mãi mãi bị lưu đày.

20 thg 12, 2016

Hương Sắc Ca


thơ Kiều Giang

Ta lãng tử, em hương trầm xuân sắc
cho ngàn năm vằng vặc dấu trăng đi
Em bắt ta hờn, dỗi, bắt ta say
Thân xác ấy nói gì, Đêm huyền thoại ?


Trong đắm đuối, ta thấy hồn tê tái
Em ngàn năm ngự trị một đời ta
Có phải người nhan sắc đẫm hương hoa,
và xiêm áo trổi lời ca diễm tuyệt?


Ta run rẩy bước qua bờ thế tục
Chôn mùa trăng dưới nguyệt đợi tình em
Ta cúi đầu nâng nét ngọc trang nghiêm
Mùa hương sắc sẽ phải mềm sỏi đá


Ta ngây ngất trong hương trầm rất lạ
Trăng đêm này tàn tạ dưới chân em
Ta quỳ nâng tóc rối giữa môi đêm
Chưa hoan lạc, đã thấy mình tội lỗi !


Mùa trái chín, xin người đừng quá vội
Cho ngàn năm mây lãng tử còn vui
Trăng sẽ chết giữa bến bờ hoang dại
Em nguyệt cầm, nhan sắc sẽ lên ngôi...


12 thg 12, 2016

Đôi Giày


Truyện ngắn Kiều Giang

Hắn là thợ đóng giày. Cha hắn sinh hắn ra chỉ thích cho hắn học mỗi một nghề, đó là nghề đóng giày, và hắn chính là sự nhẫn nại vô bờ và sự quyết chí vời vợi của ông ta. Nhưng cha hắn lại nói hắn là loại hàng phế phẩm, là sự lựa chọn bất đắc dĩ của ông, sau những tháng năm miệt mài đi tìm người kế nghiệp. Ông ta nói rằng, chính cái tính phóng khoáng lêu lổng, bốc đồng văn chương của hắn là tòng phạm làm sa sút truyền thống đóng giày của nhà ông ta. Ông ta đã bắt hắn phải thề trung thành tuyệt đối với nghề đóng giày, ngay cả sau khi đã xuống mồ. Hắn đành phải lừa dối số phận hắn để thốt lên một lời thề mà hắn không biết ông trời có chịu làm chứng hay không.

   Thường thì qui luật của tạo hóa là bất thuần khiết. Nhưng may sao, cả dòng tộc hắn đều đi theo nghề ấy. Ông nội hắn nói, nếu có một đứa con trai trong giòng tộc mà không theo nghề của ông, thì đó là sự phản bội đáng ghê tởm nhất, một sự thất bại thảm thương nhất, mà nếu đã như thế thì không được lấy họ của ông, phải bỏ xứ ra đi, rồi sẽ chết trong cô độc, và hắn cho rằng, không có gì bất hạnh bằng chết trong cô độc, chết không tên tuổi, không giòng tộc.   Lời tuyên bố ấy ám ảnh hắn cả trong giấc ngủ, còn hơn cả lời tuyên thệ trước thánh tổ, vì thế hắn chẳng còn dám khiêu khích số phận.
Đã có một thành viên trong giòng tộc đóng giày ấy bị trừng phạt khi muốn ly khai vì anh ta cho rằng, cái luật của giòng họ của anh là phi nhân, và cái cỡ giày của họ là dối trá. Anh ta bị dắt đi diễu giữa phố phường vì cái tội ăn cắp và phản bội, nhưng nạn nhân thì cho rằng nhất định không phải vậy, có chăng chỉ là sự hoang tưởng của cả một dòng họ.

      Hắn thích mọi người đều phải mang giày của giòng họ hắn đóng, và huênh hoang đó là loại giày cho cả nhân loại. Mua một loại giày khác là sai lầm và dẫn đến ảo tưởng. Cũng giống như đạo Ki-tô nói rằng chỉ có Chúa trời là duy nhất, còn lại chỉ là ma quỷ.
Hắn sắm một cái loa thật lớn đặt trước cửa hiệu, liên tục phát ra những bài quảng cáo. Ai không nghe theo thì hãy làm ngơ đi, chứ nói chống lại hắn thì sẽ có ngày bọn đầu gấu, tay chân của hắn nghiêm trị như tín đồ hồi giáo xử những kẻ dám xúc phạm đến thánh Allah. Hắn nói như thật và cam đoan rằng, chỉ có mang giày của hắn mới được hạnh phúc. Nhưng chẳng có người không công rồi nghề nào đi phản bác hắn, vì hạnh phúc là một khái niệm về trạng thái của tâm hồn mà không ai có thể cắt bớt cho người khác, để chứng minh rằng mình đang hạnh phúc, giống như người ta cắt một chiếc bánh để chia cho ai đó.

         Giày của hắn sản xuất mang nhãn hiệu quốc tế, hắn nói.
Không có hiệu giày nào trên thế giới này sánh nổi với giày của hắn, hắn cho nhân viên quảng cáo ra khắp thế giới không trừ một nước nào. Để gây ấn tượng câu khách, trước cửa hiệu hắn treo hai tấm pa-nô in chân dung to tướng của hai ông tổ của hiệu giày hắn, có lẽ đó là hai gương mặt người Âu.
       Hắn cho biết giày của hắn sản xuất thích hợp với mọi giới,
từ giới thương nhân đến các nhà khoa học, các giáo sư,
đặc biệt là đám công nhân và nông dân, kể cả bọn điếm đàng chính trị, trong mọi tầng lớp xã hội, của mọi nền văn hóa khác nhau.

Hắn còn nói rằng, giày da của giòng tộc hắn đóng, chỉ cần một kích cỡ. Chân lớn hay nhỏ đều mang được, co giãn như một thứ quần áo thun,( như các phát biểu đầu hôm sớm mai của các lãnh tụ), phù hợp với cả nam phụ lão ấu. Cũng như có người nói rằng, có một thứ triết thuyết phù hợp cho suốt lịch sử nhân loại, từ ăn lông ở lỗ cho đến thời loài người chinh phục sao hỏa sao kim, nghĩa là cho mọi thời đại, cho tất cả các dân tộc, và là một thứ chân lý vĩnh viễn, chân lý nằm lên trên mọi chân lý, nhưng lại hoàn toàn như một thứ hàng hóa để xuất khẩu, tức là có thể trao đổi mua bán, nhưng chỉ có điều khác với nàng hóa thông thường, đó là người ta phải dùng súng đạn để xuất khẩu chân lý, cũng như hắn dùng bọn đầu gấu để quảng cáo giày, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa. Nếu có ai phản bác kiểu lập luận mang tính cưỡng bức của hắn, thì hắn lại nại đến Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, mà rằng những vị ấy chỉ cầm mấy quyển sách trên tay mà đã đẩy hàng triệu con người hăng hái đi vào con đường chết. Hắn vênh mặt lên, đầy vẻ thách thức.
         Rồi một ngày mùa xuân, hắn thân thiện và háo hức đem tặng cho người bạn thân nhất một đôi giày do chính dòng họ hắn đóng. Hắn gọi là đôi giày vạn năng và hắn hy vọng rằng tình bạn và uy tín của giòng họ hắn nằm trong đôi giày. Người bạn vui vẻ , tự hào nhận và mang đôi giày nghĩa tình ấy. Còn câu chuyện sau đó như thế nào thì hắn lại không dám nói với ai, và hắn coi đó như một bí mật nghề nghiệp.

        Thế là, một cỡ giày có thể mang vừa cho mọi đôi chân, không biết có ai trên đời này tin được không, nhưng đó là một câu chuyện có thật về một giòng tộc, thậm chí họ còn thách thức rằng, một trăm năm nữa sẽ có một triệu người mang giày của họ đổ bộ lên sao hỏa. Ôi, thế giới đa đoan này bao giờ cũng cố tạo ra những thứ sản phẩm, những niềm tin mang tính huyền thoại.
Sài Gòn 13-10-2016

ThíchHiển thị thêm cảm xúc
Bình luận

4 thg 12, 2016

Ru Em Cho Tròn Nhật Nguyệt


Thơ Kiều Giang

Trên cánh võng thời gian
ta ru em vào sắc hương nhật nguyệt
em có nghe, vầng trăng khuya trào huyết những lời ru
trái tim mùa thu lăn qua chiều tím
mùa đông đã ẩn hiện cuối trời


Hãy thắp hồng ngọn lửa tim côi
cho ta hơi ấm trong đêm dài thế kỷ
ta vẫn ôm hoài câu kinh người trinh nữ,
ngồi ru xanh năm tháng cho người


Ta cúi hôn lên vành môi em cổ tích
hát bài thánh ca hoang lạnh giáo đường
trong hương đêm trừ tịch
cánh tay gầy chao cánh võng thời gian


Ta trở về yêu hương sắc của đêm
nơi ấy chỉ có bóng em cùng tinh anh nguyệt quế
trên dòng sông đêm mặt trời rơi lệ
giữa ngăn cách mênh mông…


Biết người có còn giữ lời nguyện mùa thu
để cùng ta băng qua vô thường ảo diệu
sỏi đá hoang vu ngàn năm đứng đợi
trĩu nặng đất trời từng bước lãng du…

28 thg 11, 2016

Lời Ngụ Ngôn Cho Người


Thơ Kiều Giang

Ta cúi xuống lời ru
dòng sông ưu tư chảy,
về nơi có em mang nặng khối sầu
trong căn phòng hoang vu câm lặng
ngoài sân sợi nắng bạc đầu,


Người bỗng bước chiều lận đận,
dáng khuya thao thức muôn trùng,
một lần về - đi muôn dặm,
ngàn sau rớt xuống cõi lòng…


Cơn bão tâm thức nổi lên
dưới làn my em huyễn mộng,
trên những bước chân trần của mùa thu,
em như phiến lá cô liêu
rụng lên chiều tím.


Vầng trán em khắc khoải,
nếp suy tư dậy sóng
hương đêm trong bàn tay gầy chín mọng,
nỗi nhớ khao khát đi tìm
mộng ước phục sinh.


Ta rắc cô đơn lên nhan sắc
gục đầu ký ức trắng đêm
mơ về những ngày tháng có em,
lênh đênh biển sóng,
tâm tư trở về hoang mạc,
thắp sáng huyền ngôn.

SG 2-10-2016

20 thg 11, 2016

Em Vẫn Ngồi Hát Với Mặt Trời


Thơ Kiều Giang
“Thi ca cứu rỗi loài người”

Hỡi thi ca,
sáng nay em vẫn ngồi đây hát với mặt trời,
tiếng hát ngàn đời rỉ máu,
từ thuở khai nguyên,

Em hát với Heraclitus, hát với Parménite,
hát với Plato, hát với Logos,
hát với Đạo, hát với Phật, hát với Chúa,
hát cùng ta, hát với những thiên hà,

Và Em hát trên ánh chiều tà của nấm mồ huyền sử,

Ngày nào đôi vầng nhật nguyệt cũng đi qua trong em,
em ngồi đếm những bước chân của Cây Sậy,
ngày nào loài người cũng loay hoay trong tiếng khóc,
loay hoay trong vườn địa đàng hoang phế,
và trong cuộc thế vô thường.


Có phải em đang vẫy chào những bước chân,
khi Einstein giã biệt Newton
Heidegger chia tay Descartes,
mũi tên thời gian không bao giờ quay ngược,
nhưng mà em vẫn mãi còn muốn ngồi hát với Aphrodite,
với Sappho, với Homere trong vành nôi của nước mắt, nụ cười, bánh mì, hoa và súng


Hỡi thi ca,
Đã hàng ngàn năm, theo bước chân của loài đứng thẳng,
đâu đây ta còn nghe tiếng quân reo,
trong tiếng thét gào của Alexander đại đế,
trên bờ Địa Trung Hải,
nơi tập trung của máy bay, tàu ngầm, tên lửa,
nơi tập trung của vàng đen,
nơi pha trộn những màu da
nơi gặp nhau của những giống nòi Phi Âu Á,
ta còn nghe tiếng thét muôn trùng của máu lửa,
nhưng em vẫn ngồi hát cùng Iliad – Odyssey của Homere,


Loài người vẫn không ngừng đẻ ra những chủ nghĩa,
nhưng trái đất thì càng mênh mông thêm chiến địa,
nước mắt em còn rơi mãi lên những nấm mồ,
và những gã điên vẫn cứ tung hô súng và máu.

Em cũng đâu ngờ cậu bé mồ côi Mohammed,
chỉ hai mươi năm đã hoàn tất kinh Koran,
từ những sấm ngôn nhặt bên Thành Mecca,
Mohammed tiên tri gì, sao cứ gieo rắc chiến tranh,
sao vẫn hàng ngàn năm máu đổ Trung Đông?
Bảy thế kỷ đế chế Ottoman dẫm nát châu Âu,
cuối cùng cũng chỉ là hư không cười trên môi thi ca huyền thoại.


Hỡi thi ca,
Làm sao em phân biệt được đâu là gươm giáo,
và đâu là Kinh Koran và tượng Chúa,
Đàng sau những tên tham lam quyền lực kia là những lời rao giảng sứ mệnh thiêng liêng,
là đói nghèo, hoang tàn và xác chết,
trái đất chỉ có đêm đen rình rập,
oan khốc trên từng đốt xương của thời gian


Hỡi thi ca,
ta vẫn yêu bước chân của những người đi gieo hạt,
nhưng sự tranh giành vẫn mãi là oan khốc
trên những cánh đồng xanh cô độc của thời gian,
và em vẫn ngồi hát với một mặt trời… vĩnh cửu,
giữa hồn em.

SG 23-9-2016

11 thg 11, 2016

Có Một Nỗi Buồn Vừa Mới Đi Qua


Kiều Giang

Có một nỗi buồn vừa đi qua trước sân,
con chim khách không có ai để chào đón,
cơn gió chiều thoảng qua ngoài hiên,
hình như em đã nói lời giã từ hôm qua.


Có một lời thề rụng xuống mùa thu,
từ nhành cây đời trơ trụi lá,
em bỗng nhiên trở thành người xa lạ,
ta lật ngửa tâm tư để tìm một tiếng chân.


Không có gì đáng trách đâu em,
em hãy đi đi, như lời của gió,
coi như trái tim, lỡ một lần bỏ ngõ,
và trăm năm em là khách trọ hồn anh.


Có một người mới đi qua đời tôi,
trên tay xách theo một lời nguyền,
chờ tôi bạc tóc,
dù dòng sông cứ vô tình trôi.
SG, CN 25-9-2016

5 thg 11, 2016

Những Dấu Chân Cợt Đùa Của Tồn Tại


Truyện ngắn Kiều Giang

Hắn thiêm thiếp mơ màng, nằm lắng nghe những bước chân của đất trời, những bước chân khô khốc đang bước đi trong từng nhịp thở của hắn, nghe những tế bào thoát ra ngoài sự điều khiển của não bộ hắn, rần rật chạy khắp cơ thể.

27 thg 10, 2016

Vụng Dại Một Đời Thôi


Kiều Giang

Khi em đến,
hương thu về muôn ngả.
Nay em đi,
thu rũ chết trên đồi,
Chiếc lá vàng,
không đủ nghĩa đơn côi,
Cây góc phố,
thu phơi màu tóc úa.


Thời gian trống,
vạt nắng chiều góa bụa,
Gió đi hoang,
tóc phố nhuộm mây trời,
Em có biết
mùa thu không về nữa,
Nhớ ngập hồn, chiều lạnh áo đông phơi.


Đường muôn ngả,
người về đâu, mắt biếc,
Trời còn xanh,
dòng sông cũ còn trôi ?
Ta ru mãi
mảnh trăng hờn lỗi hẹn,
Để nhớ hoài lời thề nguyện em tôi.


Ngồi lại đêm nay,
trên vách, bóng mình trôi,
Ly rượu cạn,
vơi theo đời lãng tử,
Chiếc bóng vỡ
trên mảnh hồn lữ thứ
Xin gửi người, vụng dại một đời thôi…
SG 12-9-2016

21 thg 10, 2016

Nỗi Đau Mất Biển

Kiều Giang

Đất nước bốn ngàn năm, biết mấy nỗi đau,
chưa có nổi đau nào bằng nổi đau mất Biển,

Lạc Long Quân
xưa gạt nước mắt nắm tay vợ giã từ, dẫn năm mươi con đi về biển Đông,
đâu nghĩ ngàn năm sau, cháu con lại thế,
anh tự hào chi, từ nỗi khốn cùng ?


Giữa biển Mẹ mênh mông,
anh ngư dân, với chiếc thuyền nan,
không sợ hàng vạn chiến thuyền hung hăng của giặc,
nay giữa tiệc rượu ngon, anh đưa tay ra bắt,
một mình formosa lại đuổi hết họ lên bờ?


Biển bơ vơ,
Ngư dân bơ vơ,
lại được khuyên đi làm việc khác,
“Rừng vàng biển bạc”
Âu cơ ơi, bây giờ Người lại khóc, vì ai ?

Còn anh, anh nói chi
trong nỗi bi hài mất Biển…?

SG 8-9-2016

16 thg 10, 2016

Một Kiểu Hành Xử Côn Đồ Cấp Nhà Nước Của Trung Cộng


Chuyên mục NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY...- Kiều Giang

Ngày mồng 3-9-2016, Tổng Thống Mỹ Barac Obama đến Hàng Châu Trung Cộng để chuẩn bị tham dự cuộc họp cấp cao các nước kinh tế mới nổi G20.
Khi chuyên cơ chở Tổng Thống Mỹ đáp xuống sân bay Hàng Châu, nhân viên sân bay không chịu đưa cầu thang rời đến đón, Tổng Thống OBAMA buộc phải xuống bằng cầu thang riêng ở dưới bụng máy bay. Chẳng những thế, nhân viên an ninh Trung Cộng còn không cho phóng viên báo chí trong đoàn ngoại giao Mỹ tác nghiệp, kể cả bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống cũng không được đến gần. Tên cầm đầu an ninh của Trung quốc còn tuyên bố với nữ nhân viên an ninh Mỹ rằng “ đây là sân bay của tôi, đây là đất nước của tôi”.
Trong khi, trước đó không lâu, Trung Cộng, khi đón Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, tổng thống Nga Putin, nữ Tổng thống Hàn quốc Park Geun Hye, và ngay sau đó là bà thủ tướng Anh Theresa May, đều dùng cầu thang rời có trải lảm đỏ.
Trong thông lệ ngoại giao quốc tế, có lẽ đây là trường hợp vô tiền khoáng hậu, một SỰ TRẢ THÙ VÔ CÙNG HÈN HẠ CỦA MỘT TÊN CÔN ĐỒ CẤP NHÀ NƯỚC.
Không biết ông Tập Cận Bình có còn nhớ người Mỹ đã tiếp đón ông như thế nào khi ông thăm Mỹ hay không?
Chưa hết, hôm sau, trong buổi hội đàm cũng như trong buổi ăn tối mà Tập mời ông Obama, quan chức an ninh Trung Cộng cũng giảm dần từ 6, xuống 3, cuối cùng xuống 1, các nhà báo Mỹ vào tác nghiệp. Búc xúc quá, trưởng đoàn báo chí của Tổng thống Obama phải thốt lên “ các anh thay đổi ý xoành xoạch”.
Thế mới biết người đứng đầu nhà nước Trung Hoa XHCN anh em, là một người văn minh đến cỡ nào, có bằng một tên CÔN ĐỒ QUỐC TẾ hay không?
KG - SG 6-9-2016

(Tổng Thống OBAMA xuống bằng cầu thang riêng dưới bụng máy bay)


8 thg 10, 2016

Những Bước Chân Tình Cờ Của Tồn Tại - Tùy bút Kiều Giang


Tồn tại ơi, em vẫn như con chim, hót rộn rã trong lòng ta, trong
bài thánh ca buổi sáng, trong tiếng chuông chùa rớt xuống thiên thu, em hót trong bình minh buổi sơ nguyên, hót trong lòng trang dã sử, hót trong nghi ngại cuộc tồn sinh, hót trong thời khắc khai nguyên Hy Lạp, hót trong trầm mặc thành quách La Hy, hót trên bước chân bi tráng của đại hùng binh Alexander đại đế, em hót trong những bước đi lạnh lùng của những hạt hạ nguyên tử Heisenberg, em hót theo những bước chân của trang sử tình cờ, tiếng hót của em sẽ cùng ta đi đến tận cùng của vĩnh cửu,


Tồn Tại ơi, sao em không chịu yên lặng, mà mãi mãi thích thú gửi vào hồn ta, gửi vào mùa thu vàng, những nốt huyền ca rời rạc, nhưng em lại không chịu gửi cho ta bản hợp xướng, cái bí mật của một giai điệu vũ trụ tuyệt vời, thì làm sao ta biết được từng thanh âm của tạo tác,
Em không cần đến sự giúp đỡ của Chúa ư, hàng tỉ tỉ thiên hà kia đã không cần đến bàn tay Chúa , nhưng em đã không chịu giải mã cho ta, vì sao chỉ duy nhất một hành tinh của ta biết gọi tên em, gọi tên Tồn Tại?
Liệu còn có một thế giới khác mà Chúa đã giấu trong bàn tay đầy quyền năng của Người, cũng được gọi tên Tồn Tại như ta không, một khẳng định của Giordano Bruno muốn vinh danh Chúa, nhưng lại bị giáo hội thiêu sống ông trên giàn hỏa?


Tồn tại ơi, em đi qua thời gian, bước chân em vẫn kéo theo nụ cười và nước mắt, tủi nhục và vinh quang, Tại Thể Heidegger lung linh giữa vành khăn tang và vòng nguyệt quế suốt mấy ngàn năm mắt lệ điêu linh,
Dòng sông đời vẫn miên man chảy dưới những bước chân em, ánh bình minh vẫn cười trong vòng tay em, buổi hoàng hôn vẫn đắm đuối trong giai điệu bất tuyệt của em, còn ta vẫn ngước nhìn theo những bước chân của em đang tạo ra một vũ điệu lung linh đầy trắc ẩn, hoan lạc và khổ đau, tồn sinh và hủy diệt, vô hạn và hữu hạn, diệu hữu và hư vô, ôi, tất cả chỉ là những bước chân tình cờ của em, của Tồn Tại, không có điểm khởi đầu và cũng chẳng có điểm cuối cùng.

SG 2-9-2016

Bình luận

3 thg 10, 2016

Mùa Thu Chết - thơ Kiều Giang


Mùa thu chết,
gửi hờn trên đỉnh gió,
Cho ngàn năm,
cổ mộ khóc điêu linh,
Ta ngồi lại,
bóng chiều hoang mắt phố,
Xưa một lần,
rồi vĩnh viễn hư không

SG 31-8-2016

27 thg 9, 2016

Anh Viết Lời Mây Trên Tóc Em - Thơ Kiều Giang




Ngày ấy người đem cả tóc tơ
cho ta làm mộng của đời thơ,
Người làm chim nhỏ trong tay áo,
Hót giữa hồn ta, dáng cổ sơ…


Em sẽ là kinh của ngàn sau,
cho ta ngồi niệm giữa thương đau,
Em thêu hương sắc trên nhung gấm,
Và giấu trong tim nghĩa nhiệm mầu…


Rồi một ngày kia anh hỏi em,
Làm sao pha mực của trời xanh,
Cho anh ngồi vẽ làn mi ấy,
Vẽ tự ngàn xưa, em của anh…


Và nếu như em chẳng hẹn thề,
cho trăng bạc tóc vọng sơn khê
Ngày sau lời biển, em quên mất,
Thì giữa trời cao, anh hỏi ai?


Thôi để anh tô màu ký ức,
Tô trời xanh lên mắt em xanh,
Giữa dòng suy tưởng anh ngồi viết,
Viết những lời mây trên tóc em.
SG 21-8-2016

23 thg 9, 2016

Đôi Mắt Mùa Thu - Kiều Giang



 Ta gõ cửa mùa thu
để tìm đôi mắt em một thời lận đận,
nhưng ta chỉ gặp những cơn mưa,
giăng tận cuối trời,
trên những bước chân của mùa thu bí ẩn.

Em là người đồng điệu cuối cùng
đã bỏ ta và bầu trời, ra đi.
em làm cho mùa thu từ đây,
cũng không bao giờ về nữa,


Chỉ còn những dấu chân mùa thu
hoang vu thế kỷ
khắc lên thiên đường hoang dại
cùng ánh mắt em đọng lại trong ký ức xanh.

Sáng nay có con chim sơn ca,
cố hót một khúc buồn cuối cùng để gửi mùa thu,
cành thông khẳng khiu cũng níu lấy bầu trời,
nhưng mùa thu đã chối từ, mùa thu không về nữa


Tiếng chim rụng vào trí nhớ,
như những chiếc lá cuối cùng,
nhẹ nhàng và hoang lạnh,
như lời thề xưa, em thả xuống địa đàng,

Hình như có tiếng gió lách mình qua rừng thông
như tiếng em
một thời mộng mị,
mà anh cứ ngỡ là tri kỷ
đánh thức hoang vu.

Đêm nay anh lật tung khoảnh mù ký ức,
để tìm những khúc trầm ngày cũ
trong sắc màu huyễn hoặc
của đôi mắt mùa thu …
       SG 14-9-2016



20 thg 9, 2016

Khe Trời

Truyện ngắn Kiều Giang

cả đời hắn là một cuộc đi tìm, đi tìm chiều cao và độ sâu, hắn muốn luôn sống trong cảm thức về chiều cao và độ sâu, hắn không muốn kéo lê cái thân phận hắn trên đất bằng , hắn có cảm giác bay bổng tuyệt vời nếu bên này là đỉnh cao và bên kia là vực thẳm, hắn thích úp mặt vào đỉnh núi, vào khe trời để nghe tiếng suối trong veo, vi vu dưới đáy vực, mà hắn gọi đó là tiếng nhạc trời, những âm thanh huyền diệu làm sao, hắn nói là hắn mãi đợi chờ, đợi chờ bao lâu cũng được, đợi chờ không biết mệt mỏi, vì đôi khi cả đời người, còn không được nghe.

12 thg 9, 2016

Chạy Trốn

Truyện ngắn Kiều Giang

Có lẽ không có ai dám nói là mình có thể định nghĩa đầy đủ, thế nào là sự bất hạnh lứa đôi trong cuộc nhân sinh. Nhưng chắc chắn sẽ có ai đó tự cho rằng, mình có thể đã cảm nhận đầy đủ nỗi bất hạnh đó từ cái hạt bụi nhỏ nhoi ở trọ này. Cho nên, khi mở đầu tác phẩm bất hủ Anna Karênina, Léon Tolstoi đã nói rằng “ Mọi gia đình hạnh phúc, họ đều sung sướng một cách như nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh, họ lại có một kiểu đau khổ riêng”.

6 thg 9, 2016

Vì Sao Người Yêu Ta


Kiều Giang

Vì sao người yêu ta,
Môi em chiều rất lạ
vườn ai lời quyên ca
ngàn năm còn mắc nợ,


lối người về,
ta dõi bóng chim xa.


Vì sao người yêu ta,
hoàng hôn chìm rất nhẹ,
đường em về muôn hoa,
mà sao còn ngấn lệ,


mắt ai buồn,
còn vương dấu thu ba


Vì sao đời chia xa
buồn theo chiều nắng hạ
bàn tay nào hương hoa
bay qua vòm phố nọ,


sầu thương này
về cõi bao la...


Người ơi, đường mây bay
ta mơ mùa phố lạ
đường khuya nào ai hay
mình ta còn đứng đợi


tiếng ai trầm,
len lén một mùa Ngâu.


Đời ta chiều hoang vu
ngồi vơi mùa phố hạ
tình em về thiên thu,
mùi hương còn ở lại,


ta một đời
làm cánh chim côi.


Tìm trong mùa thu xa
áo người thơm rất nhẹ,
vầng trăng về bao la
bờ môi nào rưng lệ


ta lịm dần
trong cõi đam mê


Vì sao người yêu ta,
đêm buông chùng tiếng vọng
dù đời còn chia xa
em về qua lối mộng


từng đêm dài,
người làm gió
ru ta …

SG 13/5/2016

3 thg 9, 2016

Buổi Sáng III


Kiều Giang

Buổi sáng, con chim vẫn vô tình hót gọi bình minh,
vì nó có biết đâu, dưới vòm cây, là những rập rình gian khó,

Buổi sáng, bác xích lô đẩy xe ra đường rất sớm,
vì biết đứa con, hôm qua, bụng đói đến trường,
chị bán báo, chưa biết thèm chữ nghĩa, văn chương,
nhưng cũng mừng, khi nghe Philippine kiện Trung Quốc.


Buổi sáng, anh công nhân ngồi đọc báo, thở than,
vì dọc theo cả chiều dài đất nước
chỗ nào cũng có người Trung Quốc
chiếm giữ trong những công trường,
Formosa gây biết bao nhiêu tai ương,
lại được nhà nước hoàn hơn mười ngàn tỉ đồng tiền thuế.
than ôi, chuyện đời, bể dâu – dâu bể,
tiền cắc bồi thường cho dân, bây giờ trả lại cẩu quan !


Buổi sáng, hai ngàn tỉ tiền thuế của dân,
xây cao ốc rất sang cho quan làm việc,
nay làm sao, nào dân có biết,
lại bỏ tiền ra, xây khu khác, di dời…


Buổi sáng nước mắt lại nhỏ xuống nụ cười,
khi có anh nông dân chế tạo được máy cày máy gặt,
còn lòng tôi lại đau như cắt,
vì biết có ông quan to đòi ăn đút lót,
mới chịu cấp phép cho anh sinh viên khởi nghiệp, giúp đời


Buổi sáng, tôi nghe rụng rời,
quan ngân hàng tham ô chín ngàn tỉ,
hai năm trời, kiểm toán nhà nước đã kiểm tra kỹ.
nhưng không thấy dấu hiệu bất thường(!)
rác đã ngập tới đầu,
lãnh đạo cấp cao có biết giữ kỷ cương phép nước ?

Buổi sáng, đoàn xe thủ tướng nối dài đi vào phố cổ,
trẻ con Hội An tấm tắc trầm trồ,
ông tây mỉm cười ủng hộ
vị đứng đầu của một đất nước “văn minh”?


Buổi sáng, tiếng võng vẫn buông lời cót két trong hồn tôi,
nhưng tôi vẫn mơ những vệ tinh đang bay trên trời,
và những chiếc tên lửa hành trình đi mấy ngàn cây số,
vì tôi biết, thế kỷ hai mốt, mà vẫn còn có kẻ,
đang rình rập bên bờ rào của quê hương.


Buổi sáng, tôi còn mơ một gói xôi,
mẹ cho ngày xưa, khi lòng tôi đói,
nửa thế kỷ rồi, tôi chẳng còn muốn nói,
về những bất công, nhũng lạm, đói nghèo !!

SG - CN14-8-2016


Ngôi nhà hai ngàn tỉ (bên trái) bây giờ không sử dụng được.
Đoàn xe thủ tướng vào "đi bộ" trong phố Hội An.


27 thg 8, 2016

Buổi Sáng 2


Kiều Giang

Buổi sáng, tôi vẫn nghe chim hót ở mé hiên nhà,
hót theo chiều dài của tháng năm,
và mặt trời vẫn lên dưới làn sương sớm,
cơn mưa chiều qua, đổ muộn,
phố chìm trong làn nước mênh mông,
cụ già rét căm căm,
đẩy chiếc bình bơm hơi vá xăm lốp lề đường,
cô sinh viên nhai thêm chút văn chương
trên xe buýt đang bơi trong dòng - sông - phố,


Buổi sáng tôi vẫn nghe trên TV bài diễn văn hùng hồn của thủ tướng,
hội trường Ba Đình vỗ tay rần rật,
về chống tham ô, nhũng lạm, lãng phí, bảo vệ của công,
bảo vệ rừng cây đang bị tàn phá quá nửa trên non,
thủ tướng ra lệnh XỬ LÝ NGHIÊM,
nhưng không có ai bị bắt,
trời thương, từ anh kiểm lâm tới ông chóp bu tỉnh ủy vẫn bình yên.


Buổi sáng, tôi vẫn nghe đồng bào tôi ở các tỉnh vùng cao phía Bắc,
Bị lũ quét,
bùn đất chôn vùi,
cuốn trôi,
bao nhiêu năm rồi vẫn chỉ thế thôi,
những mạng người, nước mắt với mồ hôi,
cũng chỉ nhận đôi triệu đồng cứu trợ,
còn rừng thì vẫn tiếp tục bị lâm tặc cùng quan trên tàn phá,
ông thiên nhiên cuồng nộ,
phải rồi.
chỉ còn cách XỬ LÝ NGHIÊM ... "ông trời" !

Ôi, những buổi sáng, trên quê hương tôi…

SG 7-8-2016