Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

21 thg 5, 2017

Người Ngồi Vẽ Chân Dung Thời Gian


Truyện ngắn Kiều Giang

Hắn rơi xuống cuộc đời như người ta ném một viên sỏi sần sùi vào dòng sông đang chảy. Cha mẹ hắn đã bỏ hắn ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn thời cuộc, khi hắn mới vừa lên ba. Người đàn bà góa, không con, thương tình, đem hắn về nuôi nơi cái xum ổ chuột hun hút trong con hẻm ngoằn ngoèo, hắn từng đi chơi , không tìm ra lối về.



Hắn bước đi trên những mảnh vỡ của cuộc đời mà người ta vứt bừa bãi ra đường, bàn chân hắn đã chai hàng trăm vết cắt, những chiếc đinh đóng vào đầu hắn những lời chửi rủa tục tĩu , nhưng hắn chưa gục ngã, vì hắn còn món nợ chưa trả xong, món nợ với người mẹ đã đặt hắn vào cuộc tồn sinh nhọc nhằn thăm thẳm.
Người duy nhất đã dạy hắn về những đường nét đỏ đen xanh tím của cuộc đời này là người thợ vẽ đầu con hẻm nơi hắn ở, và cũng chính người ấy gây hứng thú cho hắn nghĩ về cái lý do mà hắn mơ hồ và vô tình hiện diện trong con hẻm rách nát, cùng với nỗi giày vò trên những hạt cơm, hắn bắt đầu tự hỏi về cái thời gian gãy vụn hun hút.
Bức chân dung của thiếu phụ quá cố trong lều của người thợ vẽ, (người ta sắp đặt nó lên bàn thờ), gợi cho hắn hình ảnh người mẹ mà hắn sẽ vĩnh viễn không bao giờ thấy mặt, một bí mật giữa mặt trời, một góc khuất nhức nhối trong lòng hắn, có lẽ nơi xa xăm, bà đã từng khóc về cái tuổi thơ đen đúa của hắn. Hắn tưởng tượng bà cũng có nét mặt thanh tú như hắn, nhưng không đến nỗi cõi còm, hắn thấy mơ ước, một thứ mơ ước nhuộm màu xám hoang mang, đột nhiên nung nấu lòng hắn, hắn đề nghị với người thợ già cho hắn phụ việc và chỉ xin được lưng lửng mấy chén cơm nhạt, qua ngày.
Bây giờ hắn đã cầm cọ thực thụ, người thợ già gật gù với những bức họa của hắn dù ông rất mơ hồ về chúng. Những đường cọ của hắn không hề giống ông, một thứ huyễn hoặc như đang nhảy nhót trong không gian, như khói như mây, lúc hiện lúc ẩn, lúc co quắp đớn đau, lúc mỉm cười thoáng đãng, ông bị thu hút mãnh liệt nhưng không thể nào nắm bắt được.
Hắn nói là hắn vẽ chân dung của mẹ . Nhưng ông nghĩ, hắn chưa biết mặt mẹ bao giờ, người thiếu phụ trong bức tranh như một sự bùng vỡ và quện chặt của nhiều sắc màu, nếu nhìn thẳng thì như mỉm cười, đôi môi nàng đang trò chuyện với hắn, nhìn cuộc đời một màu xanh thẳm yêu thương, nhưng nếu nhìn nghiêng thì hình như bà đang ở dưới chín tầng địa ngục, ngồi trên giàn hỏa thiêu, nhúm nhó và hoảng loạn, trên đầu là một màu đen vô tận trói buộc, lạnh lùng, mỗi lần nhìn vào bức chân dung của mẹ, hắn bỗng cười vang, nhưng nghe như nghẹn ngào nức nở, không ai hiểu là hắn đang nghĩ gì.
Hắn không hiểu vì sao người ta giết mẹ hắn, một người đàn bà yếu đuối và hiền lành, hắn cho rằng cái chết của mẹ hắn là sự lật ngửa của trần gian về thánh thiện và tội ác, không biết trong giờ phút lâm chung, mẹ hắn đã làm gì, bà ưỡn ngực thách thức hay quỳ xuống van xin, hình ảnh đó cứ dày vò hắn, không chịu buông tha, hắn ngậm ngùi chua chát, vì cuối cùng người mẹ thân yêu của hắn cũng đã gục ngã trước số phận.
Hắn dùng nét cọ và màu sắc để cố thể hiện cái hiện tại tức thì, sức tưởng tượng của hắn là hiếm có và khác thường nên mỗi bức chân dung mẹ hắn đều hiện lên cuộc sống hiện tại của bà (hắn chỉ muốn có thế), có khi người ta nhận thấy như mẹ hắn đang hớn hở nhảy múa với đàn tiên nữ ở nơi thiên đường, cũng có khi người ta lại có cảm giác như bà đớn đau cùng cực.
Trong tranh của hắn, hạnh phúc và khổ đau như ôm chặt, đan quện vào nhau giữa dòng thời thời gian đang chảy .

Và ngày ngày hắn vẫn cặm cụi vẽ chân dung của mọi ngõ ngách cuộc đời, từ chân dung những tên quyền lực khát máu bậc nhất đến gương mặt của người nông phu chân đất hiền lành, tất cả đều sống động cùng đang nhảy múa với thời gian. Cái lều của ông già ngày nào, nay đã thành phòng tranh của một họa sĩ chân dung có tiếng, khách thưởng ngoạn đến mỗi ngày một đông, nhưng hắn không chịu bán bất kỳ bức tranh chân dung nào hắn đã vẽ.
Thế rồi một đêm, không ai ngờ, con hẻm cùng cái xưởng họa của người vẽ chân dung bỗng trở thành mồi ngon của ngọn lửa vô tình . Những bức tranh cùng với người họa sĩ tài hoa đã cùng biến mất trong đêm. Ai cũng tiếc rẻ, nhưng chẳng ai biết bao giờ người họa sĩ trở lại với phòng tranh, để lại một sự trống vắng cũng hun hút không khác gì con hẻm, còn những bức chân dung đã thành nham nhở tro than, lẩn vào đám bụi mù của bóng tối thời gian.

Không có nhận xét nào: