Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

30 thg 10, 2017

Mẹ Và Biển


Kiều Giang
Mẹ ơi
đã mấy năm rồi
mà những viên sỏi vẫn trắng ngời trên mộ mẹ,
mỗi ngày mặt trời đi qua, lặng lẽ
hôn lên từng viên đá cuội, thay con,
Nơi phía tây
đồi núi Cù Mông
rừng bạch đàn âm thầm phủ bóng râm lên mộ mẹ,
gió hát lời ca dao khe khẽ…
“con cò lặn lội bờ sông”
như tiếng mẹ ru con
bên khung cửi ngày nào
Mẹ ơi,
bây giờ con không dám khóc đâu
vì ngày xưa mẹ dặn, làm con trai không được khóc,
nhớ mẹ, nước mắt con bây giờ chảy ngược
vào tim,
Đêm nay con ngồi với biển Qui Nhơn,
biển cũng bao la và sóng cũng dạt dào như lòng mẹ,
lặng lẽ xô vào hồn con
Nhìn lên trời cao,
con không biết ngôi sao nào
là đôi mắt mẹ
con gọi thầm khe khẽ,
Mẹ ơi ! Mẹ ở đâu
trong cõi vô cùng…

24 thg 10, 2017

Nhật Ký Anh Viết Cho Em


Thơ Kiều Giang
Nhật ký anh viết cho Em ở bên kia bờ tháng năm,
khi tồn tại đặt những bước chân nặng nề lên màu tóc suy tư,
khi nhà khoa học làm thơ và nhà thơ bay vào những thiên hà,
khi dòng sông quay đầu chảy về buổi khai nguyên,
khi loài người quên đi ngày và đêm,
quên cả mặt trời và mặt trăng
khốn khó.

Nhật ký anh viết cho Em
khi anh muốn Siddhartha Gautama quay lại làm người,
và chúa Jesus vội vã trở về trần gian bằng bước đi của ánh sáng,
khi con cháu của Allah quên dùng súng đạn,
khi loài người chỉ còn biết hai tiếng yêu thương.

Nhật ký anh viết cho Em khi những vần thơ anh là hóa thân của nụ cười và nước mắt,
khi kiêu căng,
chiếm đoạt,
tham vọng,
dối lừa,
bị phơi dưới những tầng ánh sáng uyên minh

Nhật ký anh viết cho Em
là những vần thơ anh mang đầy máu và nuớc mắt
của những con người đang khao khát tự do,
đang tìm đường đi cho tồn tại mù lòa,
tránh xa những gã thợ săn quyền uy tàn bạo,
đang say mồi trước nỗi khổ đau quằn quại của sinh linh,

Nhật ký anh viết cho Em,
là nỗi cô đơn ,
khi con rắn dụ dỗ Adam và Eva từ bỏ địa đàng,
mặc quần áo đi theo lưỡi gươm nhị nguyên,
thọc sâu vào những khao khát của dòng suối uyên nguyên,
chỉ còn những giọt máu khô rơi xuống lòng đất lạnh.

Nhật ký anh viết cho Em không có ghi tháng năm,
bên kia mặt trời và mặt trăng,
bây giờ thì anh muốn viết ở bên kia dòng sông tất mệnh
Tranh PICASSO

17 thg 10, 2017

Rồi Hắn Phải Mãi Mãi Ra Đi



Thơ Kiều Giang

Hắn vẫn áp tai vào khe trời
để lắng nghe hơi thở của tri âm, 
Nhưng hình như tri âm ơi, người vẫn xa diệu vợi,
có khi còn xa hơn cả điểm cuối của cuộc đời.
Hắn trở về với bóng tối cuộc tồn sinh,
tình yêu như một sự đánh lừa huyễn hoặc,
cứ tan chảy trong dòng đời khao khát và khổ đau,
trong dòng suối nước mắt khởi nguồn từ uyên nguyên,
và không có ai đợi ngày kết thúc,
hắn còn cất giữ trong trái tim thanh khiết và tật nguyền.
Tri âm đã từ chối hắn
Và rồi hắn sẽ mãi mãi ra đi ...
SG 27-8-2017

Tranh của PICASSO

13 thg 10, 2017

Cái Bóng Đen Trên Dòng Sông Như NGuyệt ( Tổ Quốc Hay Ngai Vàng?)


          Truyện ngắn  Kiều Giang

1. Vùng biên cương phía Bắc , trời đã vào tiết thu, sương đêm phủ kín núi rừng. Sông Như Nguyệt, mùa nước bắt đầu lên, tung bọt trắng xóa từ độ cao hơn ngàn mét, vẫn lặng lẽ, âm thầm một dòng chảy muôn đời hướng về Thăng Long, còn lòng của Lê Chiêu Thống thì ngổn ngang trăm bề. Vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê đăm đăm nhìn dòng sông đêm cuồn cuộn, rồi chua chát :“ Đã ngót ba trăm năm mươi năm, từ ngày tiên đế Thái Tổ nằm gai nếm mật, vào sinh ra tử để đuổi giặc Ngô, dựng nên một thời Hoàng Kim cho nước An Nam ta, cứ ngỡ triều đại nhà Lê đã sâu rễ bền gốc, giữ mãi muôn đời cơ đồ xã tắc, nào ngờ…” . Lê Duy Kỳ nghĩ đến đó rồi không dám để cho dòng suy tư chảy tiếp. Cái se lạnh của vùng Kinh Bắc cùng với cơn quẩn bách của thế cuộc, làm cho đôi vai của vị vua hai mươi ba tuổi triều Lê khẽ rung lên, vẽ một nét mờ nhạt vào không gian, dưới ánh đèn dầu leo lét trong mái lá ven sông. Trong bộ áo dân dã, ngài ngậm ngùi quay sang tham tri chính sự Lê Duy Đản và phó đô ngự sử Trần Danh Án:

4 thg 10, 2017

Ruồi


Truyện ngắn KG

Hôm qua lũ ruồi của làng Đa Đa hớn hở nói với ta rằng, chưa có thời kỳ nào ở cái xứ sở xinh đẹp, màu mỡ và đầy đau thương này, bọn chúng sinh sản phát triển nòi giống nhanh như cái thời cận hiện đại này.
Theo nhà cổ sinh vật học người Pháp Pierre Teihard De Chardin, thì giống ruồi của chúng, trên Cây- Sự -Sống, phải cách xa loài người hàng tỉ năm tiến hóa, nhưng giống ruồi ở làng Đa Đa đã phát triển đột biến, loài ruồi này đã từng cho ấu trùng trong di cốt của nàng công chúa Ý Isabella thời phục hưng, nguyên mẫu nàng Mona Lisa của danh họa Leonardo Da Vinci.