Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

28 thg 3, 2012

SAU BIG BANG [16]

Tiểu Thuyết của NGUYỄN THANH HIỆN







Screenprint - Tom Wesselmann - Seascape, foot









 Tom Wesselmann – Seascape, foot

Có người bảo cuốn tạp thế sử được chép vào thời
trên thế giới xuất hiện hàng loạt các thi nhân,
triết gia, sử gia, thời của các vĩ nhân, nhưng
kẻ bảo sách không phải sử, mà là những sấm
ngôn được nói ra từ cửa miệng của một vị
thần nào đó có duyên nợ với nhân gian, bỡi
niên đại của sách không chép theo kiểu lấy
năm công nguyên mà lấy vụ nổ lớn (big bang)
làm mốc. 
 
Mà thôi, những chuyện đó là chẳng quan trọng,
điều đáng suy nghĩ có phải sách là chép cho loài
giống người đương đại hay chép cho một loài
giống người chưa hoàn chỉnh nào đó, cũng
thuộc họ người, nhưng khoa học ngày nay chưa
phát hiện được.
Sau khi bỏ ra công sức (quá lớn) để sửa chữa
sắp đặt lại sách, tôi mạo muội đề tên tác giả
Nguyễn Thanh Hiện cho tiện bàn luận khi nói
đến chuyện sở hữu trí tuệ, và nếu như đấy là
một cuốn tạp thế sử thì sử văn chẳng qua cũng chỉ
là một thứ văn chương hư cấu, do vậy tôi mới
xếp sách vào loại tiểu thuyết theo kiểu sắp xếp
đương đại.



                                  PHỤ LỤC SÁCH SAU BIG BANG :
                                          BẠT MẠNG KÝ SỰ,
                               TỰ THUẬT CUỘC RONG CHƠI BẠT
                               MẠNG CỦA DANH SĨ HỌ KHUẤT Ở
                                ĐẤT BẠT, NƯƠC LÂM BÔN, CUỘC
                              RONG CHƠI DIỄN RA VÀO NĂM THỨ
                                14 TỈ LẺ 709 TRIỆU SAU BIG BANG


văn chương là cái vẻ sáng đẹp của con người,
cho nên văn chương sẽ tàn phá hết thảy những 
gì không phải là văn chương.

dụ ngôn trên núi



[* kinh la sa ở a du na]
và ở đất nước a du na ta đã tận mắt nhìn thấy cuốn sách kinh la sa từ lâu  chỉ nghe tiếng, lần này thằng cha họ khuất gặp thời, nói cho văn vẻ là khuất danh sĩ phùng thời,  

nhưng phải nói là cũng nhờ ngài thống lĩnh quốc dân của nước a du na là tay chịu chơi, cái cách đánh giá cuốn kinh la sa của ngài thống lĩnh là quá sáng suốt,  đây quả là một cuốn sách kinh, ngài thống lĩnh đã phán một câu bao quát như thế, thử hỏi có còn chỗ nào để nói nữa hay không, phán xong câu ấy thì kêu gọi hết thảy những bậc học rộng tài cao trên khắp mặt đất hãy đến a du na để tham gia vào việc đọc và chú giải sách la sa, ta nói mình gặp thời là vậy, khi ta đến a du na thì đã có nhiều bậc thức giả đến từ nhiều nước, thằng cha họ chúc ở đất thác ta từng nghe tên, nay mới được gặp mặt, cũng người lâm bôn như ta, nên cũng dễ làm quen nhau, sách la sa có hay mấy thì chẳng qua như  một cái rẻo nhỏ trong cuốn sách tròn này, họ chúc nói, dùng ngón tay trỏ của bàn tay trái của mình để chỉ cho ta biết vầng trán của ông chính là cuốn sách tròn ông  nói, thằng cha ấy mặt hơi chữ nhật hơn là chữ điền, do vậy khi chú ý nhìn cái cuốn sách tròn ấy, ta cứ có cảm tưởng như là đang nhìn một cái chậu rửa đang úp lên một mặt bàn bằng phẳng, a, là một cuốn sách bàn về rửa ráy, ta buột nói theo cái cách liên tưởng hơi khập khiễng với cái cách nhìn của mình, chẳng biết họ chúc có chủ ý đến lời của ta hay không, lại tiếp tục nói thêm về thứ kiến thức chứa đựng trong cuốn sách tròn của ông, mùa thu năm ngoài ngài thống lĩnh quốc dân nước ta đã đến thăm đất a du na già cỗi này, chính là người đứng đầu nước a du na đã đem sách la sa ra khoe với ngài thống lĩnh của chúng ta, thì ông bạn cũng biết ngài thống lĩnh nước ta vốn xuất thân từ nghề làm rừng, đâu biết gì văn chương kinh sách, vậy là ta, quan phụ tá của ngài phải mất mười bảy ngày đêm chỉ để nói riêng chuyện kinh sách nó là thứ gì cho ngài thống lĩnh hiểu, chứ chưa nói tới chuyện kinh la sa, ta nói vậy là ngài phụ tá vốn đã rõ sách la sa nó là thứ gì, thì ta cứ chiếu theo những gì ông ấy vừa khoe để nói, họ chúc lại trỏ tay vào cuốn sách tròn của mình, đã bảo kinh la sa chỉ là cái rẻo trong kiến văn của ta, mà đã là kinh, thì la sa, hay la sà, cũng đều là kinh, quan phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn ta là tay dốt có tiếng, ta chỉ chờ đến khi tham gia chú giải sách thì tìm cách bịt bớt cái mòm hay nói của thằng cha ấy, ta toan tính trong lòng như vậy, và bỗng bật cười, không nhịn cười được là do bỗng nhớ tới chuyện vi hành của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn , thơm, ngài  ngửi xong cái vòi xả nước thì phán, là đi thăm cái chỗ chế ra bột mì sắn ở đất thác, sau khi sờ, ngửi  cái này cái kia, ngài thống lĩnh quốc dân ngửi cái vòi xả nước và phán thế, đây là cái cách chế ra mì sắn dân đất thác đã nghĩ ra được, cho nên ngài phụ tá của ngài thống lĩnh cũng thấy nở mũi, nên khi nghe vua của mình khen thơm, thì họ chúc cũng ngửi cái vòi xả nước, và khen thơm, cả nước lâm bôn ta một phen ôm bụng cười khi nghe chuyện ấy, sau đó thì chuyện lại lan ra  nhiều nước trên mặt đất, anh bạn cười cái nước a du na già cỗi chứ gì, chỉ có những nước già cỗi, sắp xuống mồ, mới bày ra chuyện kinh sách, thằng cha họ chúc cứ tưởng ta cười nước a du na già cỗi theo cách nghĩ của thằng cha ấy, nên nói xong câu ấy, thì khoái chí cười hô hô, cũng may là nhờ có mấy tay học giả của mấy nước nào đó thấy họ chúc thao thao bất tuyệt, kéo đến coi, ta mới thoát được nguồn cảm hứng của thằng cha ấy, sự thật, không phải chỉ có mỗi thằng cha họ chúc là chê bai những thứ thuộc các nền văn minh cũ, bấy giờ thì dường như có cái dịch chuộng cái mới đang xảy ra trên mặt đất, tư tưởng mới, chủ nghĩa mới, chế độ mới, cách ăn bận mới, vân vân, cứ mới là hay hơn cũ, ta cũng chẳng biết có phải đấy cũng là dịch hay không, cái dịch bỏ cái cách gọi cũ, hình như bấy giờ trên mặt đất chỉ một vài nước còn gọi người đứng đầu của nước là vua, hay hoàng đế, còn chỗ nào thì cũng thống lĩnh quốc dân, mà nghe như cái mục tiêu của sách kinh la sa là nhằm tới các vị ấy, ta chỉ nói là dường như thế, bỡi đã là kinh sách thì nhiều nghĩa lý lắm,


hỡi những hạt bụi trần gian
nếu một lúc nào đó con chim trên rừng biết xuống nước bơi lội
con cá dưới nước lên được ở trên trời cỡi mây đi gió
cho đến lúc đó thì lũ người
những hạt bụi trần gian sẽ thành những kẻ
chân không cần bước
thân không cần áo quần
bụng không cần cơm gạo
óc não không cần nghĩ ngợi
ngủ không cần có đêm
thức không cần có bầy đàn
hỡi những hạt bụi trần gian
đến lúc đó thì lũ ngươi sẽ biết la sa là gì
la sa la sa la sa
hỡi những hạt bụi trần gian hãy gọi những tiếng ấy
ngay trong lúc ngủ
ngay trong lúc thức
ngay trong lúc không thức không ngủ
ngay trong lúc lũ ngươi không là gì cả,


ta trích chép ra cái đọan kinh la sa ấy là để cho người đời sau xem xét cái cách chú giải của ta là có lý hay không có lý, nhờ sự nghiền ngẫm trong khi làm công việc chú giải mà ta gần như nằm lòng kinh ấy, hay lắm, ngay trong lúc lũ ngươi không là gì cả mà lại gọi được mấy tiếng la sa, một anh học giả của nước phù tần vỗ đùi, reo, khi đọc tới chỗ có câu kinh ấy, ta hỏi theo ông thì hay ở chỗ nào, thì lúc chúng ta không là gì cả, tức lúc chúng ta không phải là người, không phải là thần thánh, cũng không phải là đất đá, có nghĩa là cái hư vô mà lại nói được tên kinh la sa thì hay quá chứ còn gì, ông học giả của nước phù tần đáp, nhưng chỉ có điên mới bảo hư vô mà biết nói, thì ông bạn nước phù tần cứ bảo cái hư vô nó nói cho ta nghe thử, vậy mà bấy giờ thằng cha họ chúc cũng xen vào được, thì cũng chỉ có ngài phụ tá của ngài thống lĩnh quốc dân nước lâm bôn mới đòi nghe hư vô nói, ông học giả của nước phù tần nói, và ho lên một tiếng, và nhổ nước bọt, phải, chỉ có ta là mới đưa ra được những lý lẽ như thế, tưởng ông học giả nước phù tần khen, thằng cha họ chúc nói xong câu này thì cười hô hô, quả tình là ta đã không đủ sức để ngăn sự ngu dốt ở trên mặt đất, cứ sợ năm châu bốn biển người ta nghĩ nước lâm bôn chỉ toàn là họ chúc, thì cũng dễ nghĩ như thế lắm, bỡi ngài phụ tá của vua mà dốt vậy, thì dân tình còn u tối đến bực nào, do nghĩ vậy mà ta quyết đem óc não ra để bới tung cái cuốn kinh ấy cho thiên hạ nể nang chơi,  


nhất định là phải có một người làm ra kinh la sa, hoặc có một người đầu tiên làm ra kinh la sa, rồi sau đấy có những người khác tiếp tục sửa sang, thêm bớt, nhất định đấy là những bậc xuất chúng, nhất định là phải có một người hay nhiều người làm ra kinh la sa, còn cái tên la sa là của một người, hay của một bậc vĩ nhân, hay của một vị thần, hay của một cái gì đấy, là tùy theo cái cách hiểu của mỗi người ở trần gian, có nghĩa, có thể ai đó có thể hiểu la sa là một nhà tiên tri đã lập ra một đạo giáo, nên tên của đạo ấy và kinh sách của đạo ấy đều có tên là la sa, hoặc cũng có thể hiểu la sa là một nhà lập thuyết, và có một nước nào đó đã lấy kinh la sa làm chủ thuyết cho nước mình, thì la sa, ngoài cái cách gọi là kinh, cũng còn có thể gọi là chủ nghĩa, chủ nghĩa la sa, ta, họ khuất ở nước lâm bôn, sau khi đọc hết cuốn kinh, ta nghĩ những bậc xuất chúng thời trước muốn thử sức hậu thế đấy thôi, những kẻ hậu thế,  sau khi đọc kinh la sa, nếu không suy nghĩ cho cạn cùng, cũng có thể rơi vào cảnh dở khóc dở cười, những lời lẽ minh triết của kinh tựa những ngọn gió trời chẳng biết là thổi lại từ cõi nghìn thu giá buốt hay là từ chốn lấp lánh biển dâu, trong cái cõi minh triết ấy, ta cứ có cảm tưởng ta không còn là anh danh sĩ đất bạt thích đi chân đất trên những con đường đầy rơm rác và phân súc vật, là ta đang bay đi giữa những chữ nghĩa phù vân, hình như là ta không còn đi bằng đôi chân mà đang bay giữa những chữ nghĩa phù vân,


vậy thì  bây giờ là phải làm sao, đấy là cái câu hỏi  các vị học giả các nước cứ theo tra hỏi ta, thì ta cũng chỉ mới  đưa ra những nghĩ ngợi sơ khởi vậy thôi, những nghĩ ngợi về kẻ làm ra sách, về cái ý đồ của kẻ làm ra sách, cũng chỉ là những nghĩ ngợi có tính cách riêng tư, nhưng khi nghe thấy những ý nghĩ ấy, các vị ấy cứ sợ nếu đem kinh sách về dùng ở nước mình thì sẽ diễn ra cảnh tẩu hỏa nhập ma, xin tiên sinh cứ tiếp tục chú giải cho xong sách, bọn chúng tôi nguyện sẽ nghe theo những kiến giải của ngài, các vị học giả cùng đứng ra thỉnh cầu ta, ta cũng không ngờ chỉ là chuyện chơi lại thành đại sự, chỉ muốn cho thiên hạ biết nước lâm bôn cũng có kẻ biết cách chơi, lại đưa đẩy ta đến nông nỗi ấy, giờ thì các chuyến ra nước ngoài để thỉnh kinh sách của các vị ấy lại phụ thuộc vào việc chú giải của ta, thế thì ta phải làm cho các vị ấy hết lo sợ,


cái chỗ mông lung huyền diệu của kinh la sa là có thể dẫn đến sự đúng đắn hoặc sự sai lầm nghiêm trọng, nói một người đang cỡi gió mà đi thì chớ nghĩ là nhất thiết phải có một người đang cỡi gió mà đi,


thế, cái cách chú giải của ta là đem chữ nghĩa giá buốt ném vào trời đất để cho mây gió lôi đi, chữ nghĩa của ta là mượn của tiền nhân tự thưở con người mới biết gọt đá làm đao kiếm, ta đã làm cho kinh la sa trở nên hữu dụng ở trần gian, đọc bản chú giải kinh la sa của anh danh sĩ họ khuất người ta có thể đem bầy đàn của mình chia ra thành nhiều bầy đàn nhỏ hơn, có nghĩa, loại bầy đàn nào xài kinh la sa cũng được, khi ta chú giải ra các thứ nghĩa lý trần gian, thì kinh la sa trở nên vật quí hiếm của đất nước a du na, tiên sinh là vị thánh sống, ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na tôn vinh ta, và đòi nhường ngôi vua cho ta, anh danh sĩ đất bạt cứ cười thầm ở trong bụng, ta biết, nếu chỉ giả đò nhận lời nhường ngôi ấy thì thằng cha ấy sẽ lăn ra chết tức khắc, ai lại chẳng biết cái thói hám quyền hám sắc hám lợi của đám vua chúa trần gian, vậy là bản chú giải kinh của ta trở thành vật sở hữu của ngài thống lĩnh quốc dân nước a du na, hằng ngàn người viết chữ tốt là được triệu về kinh đô để sao chép bản chú giải ấy, các sứ thần các nước đi lại kinh đô nước a du na như đi chợ, nói là để thỉnh kinh, nhưng thật ra là để làm một cuộc trao đổi hàng hóa, một cuộc thương mại hóa chữ nghĩa, nói rõ ra là các nước trên mặt đất đã đem những gỗ, sắt, vàng, bạc, sơn hào, hải vị đến a du na để đổi lấy bảng chú giải kinh la sa của ta, một người khi đã đến được nơi cả đời mơ ước thì người ấy sẽ rơi nước mắt vì vui sướng, ta là kẻ ấy, ta đã rơi nước mắt vì vui sướng khi đến nước phù tần trông thấy người ta đang xài cái chú giải kinh la sa của ta, một người ăn vận theo kiểu đạo sĩ đang quì, đội sớ văn, một vị đạo sĩ khác, ăn vận khác với vị đang quì, đang đọc kinh la sa, đúng hơn là đang đọc chú giải kinh la sa, hỏi mới biết, ở đất ấy người ta đã dựa theo chú giải kinh la sa mà lập ra đạo rau kham khổ, đang làm lễ rước ngẫu tượng về làm vật tổ, người quì là vị đạo trưởng đạo rau, người đọc kinh la sa là đạo trưởng của một đạo khác chuyên làm công việc đem chú giải kinh la sa phổ thành thơ ca để tụng niệm, còn ngẫu tượng trâu gặm cỏ là thỉnh từ một đạo giáo khác chuyên làm ngẫu tượng mà các hình mẫu là do cảm hứng từ kinh la sa mà có, ở đất ấy, người ta đã dần ta đến nhừ xương, bỡi trong khi người ta đang nghiêm trang làm lễ rước vật tổ đạo rau, thì ta cứ nhảy cẩng lên mà reo vì không kiềm được niềm vui sướng, may mà có thằng cha học giả đã gặp ta ở a du na nói cho một tiếng, ngài ấy là kẻ đã làm ra chú giải kinh la sa đấy, người ta mới chịu thả cho ta ra đi,
                  

Không có nhận xét nào: