Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 6, 2022

Mảnh Đạn


Tiểu thuyết ít chữ của Kiều Giang
(Tiếp theo)
2. Sau khi thất thủ Buôn Mê Thuột, Pleiku trở thành một chảo lửa chiến tranh, đang nóng lên từng giờ kể từ khi có lệnh rút bỏ Tây nguyên của chính phủ Sài Gòn. Trên đường phố, từng đoàn xe tải và xe nhà binh nối đuôi nhau, lính đứng trên xe lăm lăm súng chỉa sang hai bên đường, sau xe còn kéo theo rơ-mót là những khẩu cối, pháo dính đầy bùn đất đỏ. Bên mép đường, cả một đoàn xe gắn máy, xe đạp thồ hàng, thồ người, tranh nhau chạy, đoàn xe nhấn còi inh ỏi. Hai bên vỉa hè người đi bộ gánh gồng đồ đạc thiết thân cùng những đứa bé ngồi trong thúng nang tre hoặc thau nhựa, những đôi mắt thất thần ngơ ngác. Nhiều người mẹ vừa chạy vừa gọi tên con đi lạc, gào khóc thất thanh. Thỉnh thoảng người ta nghe thấy có pháo 122 ly nổ đâu đó, thật gần. Đi đâu, họ chưa biết, nhưng đành phải rời bỏ quê hương ! Bi đát. Hoảng loạn. Tuyệt vọng.
Vì ngả xuống Qui Nhơn trên quốc lộ 19 đã bị bộ đội Bắc Việt cắt đứt nên đoàn xe và người chỉ còn hướng thị trấn Phú Bổn, về đường số 7, xuống thị xã Tuy Hòa, Phú yên. Bộ tư lệnh quân đoàn 2 quân đội miền Nam cho đoàn quân và người di tản rút chạy theo hướng này là đã rơi vào cái bẩy và ý đồ chiến thuật của phía bên kia, vì đây là con đường đường nhựa hai bên là rừng rậm, nhỏ hẹp bong tróc, từ lâu không được tu sửa, rất khó cho xe cơ giới di chuyển cùng lúc với hàng sư đoàn bộ binh và người bộ hành chen lấn nhau, họ đã liều đi vào chỗ chết để tìm sự sống. Người vợ trẻ quần áo rách bươm dìu người chồng máu me đầy người lê từng bước dưới làn đạn pháo truy đuổi, những đứa trẻ sơ sinh khóc thét trong chiếc áo giáp của người lính nằm chết không lâu ở bên vệ đường…Oan khuất, hỗn loạn, phi nhân, không ai còn có thời giờ để nghĩ đến cái chết của người khác đang hiện hữu trước mắt.
Trong đêm trực chiến, Quang như ngồi trên lửa vì mất liên lạc với vợ. Tờ mờ sáng, vừa hết ca trực, anh nhấc điện thoại gọi lại về nhà như mọi khi, nhưng đầu dây bên kia, chuông cứ reo từng hồi dài, không có ai nhấc máy, chứng tỏ tổng đài dân sự, nhân viên đã không còn ai làm việc. Anh vội vã chạy ra cổng phi trường để về nhà, may ra còn kịp đưa vợ đi chuyến bay bằng trực thăng UH60 Blackhawk cuối cùng vào 8 giờ, về sân bay Tuy Hòa do chính anh làm phi công trưởng.
Quang hớt hải chạy ra cổng phi trường, nhưng cổng đã đóng kín bằng mấy lớp rào kẽm gai. Anh tiến lại gần bót gác lên tiếng:
-“Thiếu úy cho tôi ra ngoài một lát rồi trở lại ngay”.
– “ Đại úy đã biết rồi, lệnh của chính Trung tướng tư lệnh vùng, là nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai bất tuân, bắn bỏ!”, viên sĩ quan binh chủng dù lạnh lùng đáp.
-“Nhưng vợ tôi bụng mang dạ chửa, từ đầu đêm qua tôi không liên lạc được với nàng, mọi người đã di tản khỏi thành phố, chẳng lẽ anh cam tâm để cho nàng khóc cạn nước mắt trước khi rũ chết một mình với đứa con sắp chào đời, trong cái thành phố hoang lạnh chết chóc này hay sao?”.
Viên sĩ quan chỉ huy toán canh đăm chiêu một lát rồi nói:
– “Tình cảnh quá bi thiết, thật sự tôi cũng không cầm lòng. Thôi đại úy đi đi, nhưng nếu cấp trên phát hiện thì chúng ta cùng chết vậy, biết sao!”.
Ra khỏi cổng sân bay, Quang cắm đầu chạy một mạch về nhà cách đó chừng vài cây số. Đến nơi, một cảnh tượng làm cho Quang rùng mình, tất cả mọi cánh cửa trong khu gia binh đều mở toang, trống hoác, không có một bóng người. Anh chạy vội vào nhà, mọi vật trong nhà vẫn còn nguyên, anh lục lọi mọi ngóc ngách, như thể người ta đi tìm kim, nhưng Thu Sương của anh thì biệt tăm. Hàng ngàn dấu chấm hỏi về nàng đang bủa vây anh. Nỗi cay đắng tuyệt vọng chặn ngang cổ, anh không nuốt nổi một giọt nước bọt. Ngơ ngẩn. Hoảng hốt. Vô vọng. Lạnh lùng như địa ngục. Anh mở tủ, quần áo và đồ dùng của Thu Sương chỉ mất mấy bộ đồ ngủ. “Thật kỳ lạ, không biết nàng đã đi đâu, theo đoàn di tản chăng, ai đưa nàng đi?…”. Anh lẩm nhẩm rồi buông mình lên chiếc giường ngủ của hai vợ chồng, như muốn ôm chút hơi ấm của vợ mình còn sót lại, rồi ngồi gục mặt xuống đôi bàn tay, không khóc nổi, nhưng nước mắt cứ trào ra rơi xuống nỗi đau không tên tuổi, trùm lên hồn anh. Cuối cùng Quang đứng lên chiếc ghế, gỡ tấm ảnh chân dung chụp với Thu Sương trong ngày cưới. Rồi không hiểu sao, ôm tấm ảnh, anh vụt ra khỏi nhà, như một cái máy, miệng không ngớt, “Thu Sương ơi…Thu Sương ơi…,Thu Sương… anh đây, em ở đâu… con anh ở đâu…”.
Quang cũng không biết mình đã chạy qua bao nhiêu dãy phố trong một thành phố đang chết dần. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe gắn máy vụt qua. Trả lời cho tiếng gọi thất thanh của anh, chỉ còn là những tiếng đạn pháo từ xa vọng vào sự trống rỗng đến rợn người … Kiệt sức, cuối cùng, Quang dừng lại, hổn hển ngồi bệt xuống vỉa hè như một đứa trẻ: “Thế là hết, hết thật rồi. Ôi tạo hóa! Bàn tay của tạo hóa thì rất tài hoa, nhưng sao trò chơi của tạo hóa thì lại vô cùng khắc nghiệt và rồ dại, một trong số đó là chiến tranh”. Quang bàng hoàng chua chát: “Đã có lần con chim sắt bị bắn hỏng máy, đáp khẩn cấp xuống giữa rừng, phải mò mẫm cả mấy ngày trong đói khát mới thoát ra khỏi hiểm nguy, nhưng chưa bao giờ ta thấy tuyệt vọng như hôm nay. Không biết cái địa ngục nơi âm phủ có khủng khiếp bằng cái địa ngục nơi trần gian giữa lúc này không?”. Người sĩ quan Pilot, mới hôm qua còn mang đầy dáng vẻ kiêu hùng, mà lúc này lại thất thểu như một đứa trẻ, một tên lính bại trận trở về, một cái xác di động không hồn. Mặt cúi gằm, anh lê bước về hướng phi trường, trên người vẫn còn dính bộ quần áo phi công bó sát, ướt đẫm mồ hôi, hai bên đường là những dãy phố chết đứng hoang liêu đang bao vây anh, tang tóc, lạnh lùng. Thỉnh thoảng anh quay nhìn về hướng nhà mình: “Anh thật sự mất em rồi, Thu Sương!”.
Màn sương trắng đục phủ một màu tang lên con đường trước mặt Quang.
(Còn tiếp)
Tranh: Biển Hồ - Pleiku - Gia Lai.
Bạn, Nguyên Bình, Loc Duy Huynh và 44 người khác
4 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào: