Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 6, 2022

Mảnh Đạn

 

Tiểu thuyết ít chữ của Kiều Giang
[Tiếp theo]
3. Năm1973, chiến tranh tràn về các vùng quê nghèo. Ở các vùng xôi đậu, không khí chết chóc đè nặng lên từng thôn làng, trong từng khoảnh khắc, khi thì anh du kích phơi thây ở bờ ruộng, khi thì thì ông trưởng thôn gục chết ở giữa sân một trường tiểu học, hay ở một sân ga lâu ngày bỏ hoang. Gần như không đêm nào dân làng không phải vùi nông những xác chết nơi gò đống, không cần bia mộ. Ít có cái xác nào được mai táng tử tế.
Để giữ lấy mạng sống, hầu hết các gia đình đều phải gom nhóp chút của cải dành dụm được từ từng giọt mồ hôi trên những cánh đồng cằn khô để đi về thành phố. Nơi ở mới của họ có thể là một trại tạm cư chật chội, tồi tàn, người may mắn hơn, thì được bà con đã định cư lâu ở nơi đó cưu mang. Gia đình Thu Sương cũng thuộc vào hoàn cảnh khó khăn đó.
Sau một năm định cư ở Pleiku, Thu Sương làm đám cưới trong nước mắt với Quang, một sĩ quan không quân, do một người bác họ mai mối, vì cô chưa thể nào quên Huy, một mối tình thơ ngây, thanh khiết như những giọt sương thu trên huyền thoại tên cô.Thu Sương chập chững bước vào cuộc đời làm vợ. Nhiều đêm, Quang đi trực, nàng một mình, lưng tròng nước mắt hướng về quê hương, không biết giờ này Huy đang lưu lạc nơi nào, còn nhớ đến nàng không?
Rồi đối diện với một chàng phi công điển trai, lịch lãm, hết sức si mê trước sắc đẹp thu hút, dịu dàng của vợ, Thu Sương cũng đã dành một một phần trái tim không lành lặn của mình cho chồng. Cô được chồng đáp lại tình yêu đó và cô đã tìm được hạnh phúc bên Quang.
Đã 8 giờ tối, không thấy Quang về mà cũng không gọi điện, Thu Sương thấp thỏm trong lo âu tuyệt vọng. Nàng không biết là tại sao anh không về, mà cái điện thoại cũng câm lặng đến lạnh lùng! Cô không dám đi, vì nếu anh về thì biết tìm cô ở đâu! Hơn nữa từ sáng tới giờ bụng cô đã đau âm ỉ, nếu đi theo đoàn người di tản không có ai thân quen, lỡ sinh con giữa đường thì biết làm sao, lòng dạ Thu Sương như tơ vò…Linh tính mình sắp sinh đứa con đầu lòng, vì cơn đau bụng mỗi lúc mỗi nhặt, nàng mở tủ xếp một ít quần áo mặc ngủ và vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh mà cách đây không lâu cô và Quang cùng đi sắm ở ngoài chợ.
Nửa đêm, cơn đau dữ dội bắt đầu hành hạ Thu Sương. Nhìn ra đường nàng chỉ thấy thỉnh thoảng một vài chiếc xe gắn máy vụt ngang qua nhà, cô quyết định phải cố lết đến bệnh viện, may ra đứa con trong bụng mới được cứu sống.
Lê bước được khoảng vài chục thước, cơn đau bụng làm đôi chân cô run, Thu Sương cắn môi, cố chống lại, nhưng không sao bước thêm được nữa. Cô đặt cái túi xách xuống đất, ngã người lên đó rồi chỉ còn biết ôm bụng lăn lộn.
Thành phố khuya, lặng lẽ như một bãi tha ma, trên cao chỉ có tiếng lá cây xào xạc, xa xa là tiếng động cơ của những phi đội trực thăng cuối cùng. Tuy đã giữa mùa xuân nhưng cái lạnh của mùa đông còn len vào hơi thở của một thành phố đang chờ chết. Quá nửa cư dân đã bỏ nhà cửa ra đi bằng bất cứ phương tiện nào kiếm được, những người ở lại đa số là dân nghèo, họ nghĩ, có ra đi cũng không sống nổi khi bom đạn chiến tranh vẫn còn tiếp tục đuổi theo họ.
Một chiếc xích lô lạc lõng giữa đêm khuya chạy ngang qua, thấy người đàn bà đang nằm co quắp rên rỉ bên đường, bác tài già, dáng đen đúa cằn cỗi, râu tóc hoa râm, vội dừng xe, thao tác nhanh nhẹn, đỡ người thiếu phụ dậy, thấy cái bụng bầu, bác chợt hiểu…Thu Sương chỉ kịp nói khẽ “ bác đưa dùm tôi tới bệnh viện gần nhất, kẻo tôi chết mất”. Người đàn ông vội đỡ thai phụ lên chiếc xích lô, cầm tay nàng đặt vào cái cần mui che bằng vải đã rách bươm, rồi hối hả cúi rạp người xuống cần lái, đạp nhanh về phía bệnh viện…
Bệnh viện vắng hoe, hành lang chỉ có vài chiếc bóng đèn tròn nhả ánh vàng thoi thóp. Bác xích lô đỡ thai phụ trên vai, vừa đi vừa gọi: “Cấp cứu…cấp cứu…”. Nhích thêm khoảng mươi bước, bác nhác thấy ở cuối hành lang, hai cô gái mặc áo bơ-lu trắng từ trong phòng cấp cứu đi ra. “May quá”, bác nói thầm trong bụng.
Sau khi đặt người đàn bà như gần hết hơi thở lên chiếc băng ca, bác xích lô gật đầu chào hai cô nhân viên y tế rồi lặng lẽ xách cái túi quần áo của một cô gái lạ, ra ngồi trên chiếc ghế đá chờ ngoài hành lang, cẩn thận quàng cánh tay vào hai quai túi, gục đầu lên đầu gối lim dim ngủ…
Có tiếng một loạt súng trường đì đùng gần đâu đó, bác giật mình thức giấc, lầu bầu: “ mẹ kiếp, bên này đi cả rồi mà”. Bác nhìn ra ngoài, trời vẫn còn tối mịt, chỉ có mấy bóng đèn uể oải nhả ánh vàng xuống dãy hành lang vắng lặng, càng làm rõ thêm tiếng đàn muỗi đói vo ve. Có lẽ đêm qua chúng cũng no say nhờ tấm thân gầy như củi mục của bác. Nhưng rồi bác thầm nghĩ “không sao, chúng cũng cần phải sống !”.
Người xích lô già lần bước về phòng cấp cứu, đẩy nhẹ cánh cửa, thò đầu nhìn vào trong. Cô y tá trực phát hiện người đàn ông đêm qua đưa thai phụ đến, vội đi ra hỏi:
-“Bác là người nhà của sản phụ?”.
-“Dạ không, tôi đạp xích lô, vô tình đi ngang qua, thấy cô gái bụng bầu đang quằn quại trên lề đường, tôi vội chở cô đến đây. Nửa đêm, cô chỉ có một mình với cái túi quần áo, tôi biết cô không có người thân, nên tôi ngủ lại trên ghế đá ngoài hành lang, để xem cô ấy có cần tôi giúp gì nữa không”.
Ngưng một lát, bác lại hỏi:
-“ À, mà cô, mẹ tròn con vuông không?” .
-“Tốt đẹp rồi, một bé gái, rất may là còn kịp”. Cô y tá đáp.
Bác xích lô bỗng đưa mắt lên trần nhà như thầm cảm ơn một đấng quyền năng nào đó, bác chỉ sợ dại, rủi cô gái xinh đẹp kia phải ra đi, khi vượt cạn trong đêm lạnh lùng lửa đạn một mình.
-“ Cô cho tôi gặp cô ấy một chút được không?”, bác xích lô ngại ngần hỏi.
-“Được chứ. Nhưng bác phải rất khẽ, vì cô ta và đứa bé còn rất yếu. Đêm qua khi nhớ lại, cô ta có hỏi cái túi áo quần của mình”, cô y tá trẻ, người nhỏ nhắn trả lời.
Người lái xích lô bỏ dép ngoài cửa, khe khẽ tiến về phía giường sản phụ. Bác lặng nhìn người phụ nữ tuy vừa vượt qua thời khắc thập tử nhất sinh, nhưng nét đẹp hiện lên khuôn mặt như một thiên thần, bất giác, không hiểu sao, bác lại thở dài…Bác quên bẵng lời dặn của cô hộ sinh, gọi khẽ “cô ơi”. Thu Sương mở mắt, nhớ ra bác xích lô đã đưa mình đến bệnh viện đêm qua, ánh mắt như có ý tra vấn. Nhận ra nét bâng khuâng trong đôi mắt cô gái trẻ, bác cầm chiếc túi đưa lên rồi nói:
“Túi quần áo của cô, tôi giữ đây”.
Thu Sương mừng ra mặt rồi nói:
-“Cháu cảm ơn bác đã cứu sống mẹ con cháu, ơn này cháu xin ghi trong dạ suốt đời”.
Nàng thầm nghĩ bác xích lô già đã thay ông trời, mở ra một cánh cửa dẫn đến con đường sống cho mẹ con nàng đúng vào lúc nàng đang rơi vào tay tử thần. Bác xích lô xua tay:
-“ Xin cô chớ nói đến chuyện nghĩa nhân, gặp tình cảnh của cô đêm qua, thì bất cứ ai cũng làm như tôi”.
Thu Sương như sực nhớ ra:
-“Ủa, mà nhà bác ở đâu, đêm qua bác không về, người nhà không lo lắng cho bác sao?”.
-“Tôi làm gì có nhà, cũng chẳng còn ai là người thân trong thị xã này nữa”. Ông cúi xuống im lặng. Người thiếu phụ nhìn ông, ánh mắt tra vấn xa xăm. Người xích lô hiểu ý, nói tiếp:
-“Một quả đạn pháo đã giết chết cả nhà tôi, vợ và 3 đứa con, trong khi tôi ra đồng, cách đây 2 năm trong một ngôi nhà tranh nghèo nàn ở một vùng quê Phú Yên”. Mắt ông rơm rớm đỏ, tiếng nói nghẹn lại. “Không hiểu sao, tôi chỉ nghe một tiếng nổ của quả pháo, không biết từ bên nào, mà có đến 4 mạng người, thân xác đã phân thành từng mảnh. Tôi hoảng loạn. Hàng xóm bỏ đi hết. Sau khi chôn cất vội vã, nhà cũng không còn, tôi như người mất hồn, một gã khờ không còn hướng đi cho đời mình, chạy sảng lên đây định nương náu với người em họ. Nhưng cũng không ngờ, cậu em đã bán nhà đi Sài Gòn cách đó không lâu, tôi trở thành kẻ lang thang bất đắc dĩ…”, ông già kết luận.
– “Vậy bây giờ bác ở đâu?”, Thu Sương trở nguời, xót xa.
Người xích lô phân trần tiếp:
– “Tôi mua chiếc xích lô cũ, ban ngày đạp kiếm cơm, ban đêm làm cái giường lưu động đặt dưới các mái hiên rộng dọc đường. Một hôm, tình cờ tôi cứu cậu con trai của ông hiệu trưởng một trường trung học, bị tai nạn xe, thương tình, ông gọi cho ở tạm trong nhà kho chứa dụng cụ lao động của trường. Trong cái kho đó, tôi không có gì đáng giá, nên cửa bỏ thuông luông, đêm tôi có về hay không về cũng không có ai để ý.”.
Ra khỏi bệnh viện, mặt trời đã lên cao, đường phố im ắng, lác đác chỉ còn mấy chiếc xe đạp thoáng qua, cảnh tượng thành phố như đang lột xác. Ở các ngả tư, ngả ba, trước đây lính cộng hòa canh gác, bây giờ thay vào những cái lô cốt dựng bằng bao cát, là các toán lính phía cách mạng, áo màu xanh lá, mũ cối hoặc tai bèo, súng vác vai, chăm chăm vào người qua lại, vẻ nghi ngờ, dò xét. Bác Tư xích lô không đi thẳng về nhà Thu Sương như lời cô dặn, mà ngoặc về cái “nhà kho” để tắm rửa thay bộ đồ lâu ngày đã bốc mùi, và giải quyết cái bộ râu sầu đời chết tiệt của bác. “Đành rằng rồi cô gái sẽ cho mình một nơi tươm tất hơn để gửi thân, trong những ngày còn lại của cái mạng già, nhưng cái kho đó đã che mưa nắng cho ta gần 2 năm. Dù nó chỉ là một vật vô tri, nhưng ta không được hắt hủi”, bác nghĩ.
[Còn nữa]
Tranh : R . Thagore
Bạn, Nguyên Bình, Loc Duy Huynh và 36 người khác
7 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào: