Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

12 thg 6, 2022

Mảnh Đạn


Tiểu thuyết ít chữ của Kiều Giang
[Tiếp theo]
5. Hai năm, sau khi dò biết Quang đã cùng đồng đội bay qua Thái Lan trong những ngày cuối của chế độ miền Nam, và Huy thì như đã lùi xa vào dĩ vãng, vệt máu đã hằn khô trong tim nàng, một tình yêu tuổi trăng tròn, Thu Sương an phận với cái quán nước nhỏ đã sang lại của một người khác, để kiếm sống qua ngày . Dù cuộc sống đã ổn định hơn, nhưng khi có thời gian để lắng nghe nỗi lòng, cô lại thấy nó lạc lõng, trống không. Trong khi đó ông phó chủ tịch Thắng vẫn kiên trì chờ đợi…
Cho đến một ngày ông Thắng phát hiện ra có nhiều người quyền chức đến quán cà phê của Thu Sương trồng cây si tới nửa đêm mới chịu về, ông vội báo cáo với tổ chức và cơ quan, xin cưới Thu Sương làm vợ. Từ đó không ít lời ra tiếng vào: “Một nhà cách mạng thứ thiệt, ông thiếu tá phó chủ tịch thị xã mê cô vợ của một anh lính ngụy tử trận, có sắc đẹp mê hồn”, nhưng ông đã bất chấp. Trong tổ chức cũng có người khuyên ông nên nghĩ đến con đường hoạn lộ đang thênh thang trước mặt mà từ bỏ mối tình ngang trái ấy đi, nhưng ông nhất quyết đi theo lý lẽ của con tim mà lâu nay ông đã bỏ quên, nhưng nó vẫn kiên trì đập trong lồng ngực mình. Ông không muốn chạy theo thứ hư vinh không biết ngày nào trận cuồng phong tranh giành quyền lực sẽ cuốn đi. Có những lúc hoang mang, ông nhớ lại cái triết lý của thằng bạn nhà quê thời trung học: “Tình yêu là vĩnh cửu, còn quyền lực là phù vân”. “Hắn nói đúng, nàng là hơi thở, là lẽ sống của cả cuộc đời ta. Ta thà bỏ tất cả chứ không thể bỏ nàng vì giờ đây nàng đã là của ta”, ông thiếu tá cán bộ thành phố nghĩ thầm. Hai mảnh đạn pháo vẫn còn nằm im trong đầu ông, lâu nay là cái bùa hộ mệnh cho sự nghiệp chính trị của ông, nhưng nay, muốn đẩy ông xuống hố, người đồng chí của ông cũng có thể chỉ ra hai cái bùa mê mà Thu Sương đặt vào tim ông, để rồi kết luận ông là kẻ hủ hóa, biến chất. Lường trước những rủi ro có thể xảy ra, phòng khi ông bị đá văng ta khỏi tổ chức, ông đã chỉ đạo cho đàn em hợp thức hóa cho Thu Sương căn nhà trong khu gia binh cũ và cấp cho ông một căn khác mặt tiền đường phố, nhà của một quan chức chế độ cộng hòa đã bỏ chạy.
Trong 5 năm trăng mật với ông thiếu tá phó chủ tịch thị xã, dù hình ảnh của Huy và Quang vẫn không mờ nhạt trong lòng Thu Sương, nhưng nàng luôn cố tỏ ra rằng mình rất hạnh phúc. Nàng trở thành ngôi sao sáng chói trong hàng ngũ vợ của cán bộ trong thành phố. Ông Thắng biết rất rõ điều đó. Theo lời dặn của ông, nàng không dám son phấn chưng diện gì trong các buổi lễ tiệc, nhưng nàng cũng vẫn làm cho hàng quan chức thành phố phải ngoái đầu nhìn theo, một cách thèm thuồng, kinh ngạc, rồi họ ghé vào tai nhau xầm xì ganh ghét. “Vợ của một tên ngụy quân !”, câu cửa miệng của họ là vậy, và sau đó là những ngọn giáo chỉa vào lưng ông Thắng. Nhưng nghiệt nỗi ông lại là một sĩ quan thương binh có nhiều huân huy chương, vừa là con liệt sĩ, nên họ chưa thể làm gì được.
Năm nay, bé Lâm Trường Sơn, đứa con chung của Thu Sương và ông Thắng lên 6, phe ông chủ tịch thị xã thắng thế trong thị ủy, lại có kẻ phát hiện Thu Sương không phải là vợ của một hạ sĩ lính cộng hòa tử trận mà là vợ của một đại úy phi công trốn chạy trong ngày 17-3. Ông bị các đồng chí của ông kiểm điểm, gán cho ông cái tội bao che cho vợ kẻ thù, lập trường quan điểm thiên hữu, phản động. Ông bị đẩy xuống làm một chân cán bộ quèn trong phòng Thương binh xã hội, chẳng còn chút quyền hành gì. Ông Thắng chua chát: “Kẻ thù thì đã bỏ đi hàng chục năm rồi, nhưng chúng gửi lại cái bóng trong đầu của các đồng chí của ta, bây giờ ta là kẻ thù của họ, còn ai là kẻ thù của ta?”. Rồi ông ngậm ngùi: “ Thương cho Thu Sương, một cánh hoa trang đài hiền thục, mới đôi mươi đã bơ vơ trước làn tên mũi đạn. Nàng như giọt “sương thu” buổi sớm mai trên cành, không có tội lỗi gì. Giá như hôm đó ta đuổi nàng ra khỏi nhà với đứa trẻ sơ sinh trên tay thì không biết dòng đời sẽ đưa nàng về đâu ? Vậy là bàn tay nghiệt ngã của tạo hóa, đôi khi cũng phải có điểm dừng”.
Rồi chỉ ba năm sau, ông Thắng có quyết định về hưu non do thành tích chiến đấu và là thương binh. Ông cảm thấy hụt hẫng, biết mình bị “đẩy”, nhưng đó là quyết định của tổ chức, một thói quen của tổ chức, không ai có quyền khiếu nại.
Ngày về vườn của một người từng có quyền thế của thành phố mà không có lấy một bữa tiệc chia tay, ông Thắng cảm thấy vừa đau buồn, vừa uất ức vì sự bạc bẽo đến bỉ ổi của quan trường. Dù được Thu Sương ân cần chia sẻ, nhưng ông Thắng chưa thể quên đi phong cách của một kẻ quyền thế, được người khác khom lưng cúi đầu. Trước đây Thu Sương là cái bóng của ông, bây giờ thì ngược lại. Hàng ngày ông chỉ quanh quẩn bên vợ, bạn bè thưa dần, không còn ai mời mọc, săn đón.
Nổi tiếng là một bà chủ quán cà phê có sắc đẹp mặn mà nhất thành phố, quán nàng ngày một đông khách. Điều đó không những làm cho ông Thắng không vui mà còn thêm lo lắng, nhất là khi thời gian đã điểm bạc mái tóc ông và mảnh đạn trong đầu càng làm cho cái cằm của ông thêm méo lệch. Nhiều lúc chứng kiến cảnh những chàng trai non tơ lịch lãm nói chào tâng bốc Thu Sương, ông đã nhíu mày khó chịu, dù ông thấy vợ ông ứng xử rất đúng mực với phong cách của một người đàn bà có chồng. Từ đó ông đâm ra trầm ngâm tư lự.
Thế rồi ông bắt đầu mượn rượu để giải sầu, bước ngoặc cuộc đời của một người đã từng thét ra lửa, là mẫu mực, là biểu tượng của chế độ mới. Nhưng đó lại là nỗi ám ảnh thường trực cả cuộc đời còn lại của Thu Sương. Gần như đêm nào cũng vậy, sau giờ đóng quán, là nàng phải giải quyết căn phòng nồng nặc mùi rượu thịt từ con ma men thải ra. Nàng ôm ngực, vừa ràn rụa nước mắt, vừa đè nén cơn nôn đang cuồn cuộn trong ngực nàng.
“Có ngờ đâu, ngày ấy chính Thắng đã ra lệnh cho tên lính mở cho ta cánh cửa của sự sống, bây giờ cũng chính anh đang dần khép nó lại”, nhiều lúc nàng nhủ thầm chua chát.
Không khí trong nhà dần trở nên tẻ nhạt. Ngoài kia người ta vẫn chỉ bàn đến chủ nghĩa, nghèo đói và chiến tranh. Một sự hối hả thầm lặng lướt qua khuôn mặt xã hội. Bo bo, củ khoai, vượt biên và cuộc chiến biên giới phía Tây Nam và phía Bắc bỗng thành đề tài ăn khách trong các trang báo. Thu Sương mất phương hướng. Ba người đàn ông đã bỏ nàng ra đi bằng những cách khác nhau, một người đi tìm lối để thoát ra ngoài cuộc chiến, một người đang trong cơn binh lửa, và một người nữa dù sống trong cùng một ngôi nhà nhưng đã như không còn hiện diện trong cuộc đời nàng. Người đàn bà chưa tới nửa chừng xuân bỗng thấy mình vô gia đình, trong hồn nàng chỉ còn nỗi cay đắng cô đơn, một cái hố đen không đáy. Phải chăng nàng đang chạy trốn trong chính tâm hồn mình!
-Ảnh trên internet
- Với nhà thơ PTT.
Bạn, Nguyên Bình, Dũng Tôn Thọ Dương và 49 người khác
20 bình luận
Yêu thích
Yêu thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào: