Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng có xiềng xích. J.J. ROUSSEAU.

5 thg 9, 2011

Tặng Vật Của Trời

tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Hiện

mười lăm.
trên lưng cọp.
    Cách nhìn thế giới của ông lão lái đò đã làm cho tôi với nàng lâm vào tình cảnh khốn đốn. Đang đi đò trên sông, thấy có hội tế thần làng thì ghé vào, xong lại xuống đò đi tiếp, như thế là nhà báo.
 
Và ông lại còn thêm vào cái tiêu chuẩn chính phủ, những nhà báo của chính phủ, khiến chúng tôi lại khốn đốn hơn. Nhưng cũng có thể là ông lão muốn chúng tôi là những nhà báo thật để giúp cho đám dân làng thân thiết với ông bằng cách chuyển những điều họ suy nghĩ tới tai chính phủ. Rồi cũng có thể là ông muốn nói với người đời rằng, ông ngược xuôi sông nước không phải chỉ để chở những kẻ bình thường là những khách thương buôn thượng, những kẻ đi đãi vàng, đi hái trái rừng, hay đi đốn gỗ trộm, mà còn chở cả những con người do chính phủ phái đi công cán.
    Khi ông lão đưa chúng tôi đến ngôi làng đó thì cuộc chiến giữa những chủ  nhân của dự án làm giàu đất nước và những chủ nhân của bản gia phả bằng đất vừa tạm lắng. Và đám người làng ấy mặc nhiên xem sự xuất hiện của tôi với nàng như là những đồng minh được ông lão lái đò cử đến để hổ trợ bọn họ trong các cuộc quyết đấu sắp tới. Quả tình là nếu như cái xã hội người yên nghỉ ở bên dưới mặt đất gò hoang ấy mà tái xuất trần gian thì nhất định phần thắng là thuộc về phe đám người làng. Các nhà nghiên cứu khoa học kỷ thuật và kinh tế, những tác gỉa của dự án ấy  có nghĩa lý gì trước một con người cả đời chuyên đánh nhau với ma quỉ, hay trước một người đã từng làm vua, tức từng làm công việc cai quản đất nước. Người ta thi nhau kể cho tôi với nàng nghe những kỳ vĩ của tổ tiên là để cho chúng tôi thấy trước phần chiến thắng của họ. Các anh chị đứng về phía nào, phía nhân dân, hay phía các vị đó?  Đấy là câu hỏi đã làm tôi với nàng vô cùng khốn đốn. Không biết bao nhiêu cuộc phỏng vấn đã xảy ra, ngay khi ông lão lái đò vừa giới thiệu chúng tôi là các nhà báo của chính phủ, và nàng thì vừa mới tụt xuống khỏi vai ông, nhoài lên chiếc chõng tre ở ngôi nhà đó. Rất nhiều câu hỏi người làng đã đặt ra với chúng tôi, nhưng chỉ có câu hỏi ấy là làm cho chúng tôi mất ăn mất ngủ. Đứng về phía các vị đó có nghĩa cho rằng việc xây dựng cái nhà máy công nghiệp trên khu  gò hoang là hợp lý, mà cũng có nghĩa là coi như không có cái bản gia phả bằng đất ấy. Còn đứng về phía dân làng là đồng nghĩa với việc cùng với dân làng ấy chống lại việc xây cất  nhà máy công nghiệp trên cái gò hoang ấy, mà như thế là cũng đồng nghĩa với chống lại nhà nước. Đang bước đi trên con đường hướng tới mục đích cao cả nhất nhân gian thì chúng tôi lại rơi vào tình cảnh trên lưng cọp. Nhưng trên lưng cọp thì tương lai có vẻ còn rõ ràng hơn : hoặc là thoát thân được, hoặc là chết. Đằng này, vì giữ uy tín cho ông lão lái đò, chúng tôi cứ nín thinh khi nghe ông giới thiệu mình là nhà báo, ngay từ đầu người làng đã coi chúng tôi là nhà báo, thì đến lúc lâm nguy có nói ra sự thật để ra đi, người ta cũng không tin, mà còn cho là hèn nhát, những nhà báo hèn nhát. Thoát thân không được, mà chết cũng không được (Theo chỗ chúng tôi biết thì chưa có nhà báo nào trên thế giới chết vì không trả lời được phỏng vấn) Tương lai của chúng tôi lúc bấy giờ là vô cùng mờ mịt. Mà câu chuyện cuộc sống ở ngôi làng ấy thì cũng dễ mô tả thôi. Nói chung là cuộc sống quá cơ cực. Người ta đã thấy sự cơ cực này tự thời xa xưa qua các câu chuyện kể về tổ tiên của họ. Cơ cực vì thiên nhiên đã dành cho những điều kiện không thuận lợi. Là đất trung du, kề cận với núi, cằn, không có điều kiện tự nhiên để tạo nguồn nước tưới, tất cả các thứ cây trồng đều cho sản phẩm quá ít.  Một dự án làm giàu đất nước  được đem ra thực hiện ở đây. Cánh đồng làng cằn cỗi là nằm trong vùng cây nguyên liệu giấy. Còn nhà máy làm giấy thì xây  trên cái gò hoang từ lâu vẫn bỏ hoang. Dự án lập tức bị dân làng phản đối, vì xây nhà máy trên cái gò hoang ấy là xây trên mồ mả tổ tiên của họ. Thường, muốn xây dựng một cái gì đó trên một nghĩa địa nào đó, thì trước hết phải di dời xương cốt người chết đi nơi khác. Nhưng ở cái gò hoang này thì biết xương cốt nằm ở những vị trí nào mà nói chuyện di dời? Cuộc va chạm đã xảy ra giữa dân làng và những người thực hiện dự án. Mới đầu là chỉ bằng lời. Mà cãi lý với nhau thì thật khó phân thắng bại. Những người thực hiện dự án phải làm công việc khảo sát khu gò hoang. Còn dân làng thì không cho. Cụ thể là thế này: Khi xe ũi đất đến làm mặt bằng cho nhà máy, tất cả dân làng ấy đã đến nằm sắp hàng trên cái bản gia phả bằng đất ấy. Nói cuộc chiến tạm lắng, vì đã là dự án làm giàu đất nước thì không phải là dừng lại ở công đoạn ấy. Có nghĩa, sắp tới là không thể không xảy ra một cuộc quyết đấu mới. Tôi thì sốt ruột làm sao thoát khỏi ngôi làng ấy càng sớm càng hay. Nhưng nàng cứ muốn chờ đến lúc nổ ra cuộc quyết đấu mới. Thế nào mấy ông nhà báo thật cũng đến, em muốn xem thử là họ đứng về phía nào? Nàng nói. Tôi nói là cũng chẳng biết một nhà báo thật thì có quyền im lặng trước một sự việc phức tạp như thế hay không. Nàng nói có quyền hay không có quyền là chuyện của các vị nhà báo thật, còn tôi với nàng là nhà báo giả, thì im lặng là quyền của chúng tôi. Phải nói là trong cuộc gian nan này nàng tỏ ra khí phách hơn tôi. Tôi thầm bảo là mình yêu nàng xiết bao. Chỉ có cuộc nghị hòa, chứ chưa xảy ra quyết đấu. Đấy là vào một đêm đầu tháng, trăng non chênh chếch nơi phía trời tây. Tôi và nàng cùng với người làng đi dự hội nghị. Từ khi có ý đồ thoát khỏi làng, lúc nào chúng tôi cũng kè kè túi vải cá nhân ở bên mình, để chờ có dịp là thoát ngay (Mà như thế cũng là đúng phong độ của một nhà báo) Tôi vừa bước, vừa nắn tay lên đôi dép đang nằm trong túi vải cá nhân, vừa thầm nói với nó, rằng nhà ngươi hãy rán gíup ta sớm cao bay xa chạy khỏi nơi này. Từ lúc nhập vô ngôi làng này, tôi với nàng cũng đã trở thành những công dân chân đất. Chỉ lúc đi xa, như lên tỉnh lên huyện, mới mang giày dép, còn ra ruộng, đi chợ làng, hay lẩn quẩn ở trong nhà ở trong làng, thì người trong làng có thói quen đi chân đất. Mới có mấy hôm mà tôi với nàng cũng cảm thấy gò bó nếu bước đi mà dưới chân có giày dép. Hội nghị diễn ra ở cái gò hoang vừa xảy ra sóng gió. Nhưng đêm ấy chắc là nhờ có ánh trăng đầu tháng có vẻ lạnh lẽo, và khí mát cuối thu, mở đầu hội nghị có vẻ rất hòa bình. Cũng là các vị chủ nhân dự án nhà máy công nghiệp ấy, nhưng đêm hôm ấy không còn đóng vai chủ nhân dự án, mà là đại diện cho nhà nước cùng với dân làng bàn chuyện làm giàu đất nước. Những công dân chân đất ở ngôi làng ấy quả cũng dễ mủi lòng khi có sự thay đổi trong cách nói năng. Tưởng chuyện chi, chứ bàn chuyện làm giàu đất nước, thì làng này ủng hộ cả hai tay. Lĩnh xướng cho dân làng là một người đàn ông có giọng nói hơi to. Nói xong câu này, ông đưa cả hai bàn tay lên huơ trong ánh trăng. Một đợt sóng trò chuyện liền nổi lên trong đám dân làng. Chắc là không còn xảy quyết đấu. Nàng rỉ tai tôi, khi thấy không khí nghị hòa có vẻ thuận lợi. Tôi liền huých thật mạnh vào vai nàng, có ý bảo chớ nghĩ đến điều chẳng lành nữa. Chắc là ngán cảnh quyết đấu, vị đại diện nhà nước khai mào hội nghị không dám nhảy vô mục tiêu của nghị hòa là thuyết phục cho bằng được dân làng trong việc xây dựng nhà máy trên cái gò hoang ấy, mà cứ quanh đi quẩn lại chuyện làm giàu đất nước, rằng trong xu thế văn minh thế giới, chúng ta cũng phải làm mọi cách để biến một đất nước nông nghiệp lạc hậu thành một đất nước công nghiệp tiên tiến, rằng … Chắc là dẹp rồi. Tôi nghe có ai đó trong đám dân làng nói. Hội nghị là trong không khí dân chủ. Cả dân làng lẫn những người đại diện nhà nước đều ngồi để nói. Cái không khí dân chủ có hơi thay đổi một chút, là có mấy người đứng dậy ngồi xuống khi nghe ai đó nói chắc là dẹp rồi. Không dám để cho sự hiểu lầm kéo dài, một vị đại diện nhà nước lập tức nối lời vị kia, rằng để trở thành một nước tiên tiến, kịp đà văn minh thế giới, thì phải gấp rúc xây dựng các công trình công nghiệp, ví dụ ở làng này là xây nhà máy sản xuất  giấy. Không khí dân chủ lại có sự thay đổi nữa, vì có nhiều người đứng lên, mạnh ai nấy nói, nhỏ tiếng có, to tiếng có, tựu trung là hỏi nhà nước có còn chủ trương xây cái nhà máy ấy trên khu nghĩa địa này không? Các vị đại diện nhà nước bắt đầu thay nhau nói,  rằng cái gò hoang không phải là nghĩa địa, nghĩa địa chi lại không có mồ mả, mà chỉ là nghe kể lại rằng tổ tiên của dân làng đã chôn ở đó, nên việc yên nghỉ đó cũng chỉ là khái niệm, cũng như nói cái gò đó là gia phả chung của các dòng họ thì cũng là khái niệm, nói gọn lại, dẫu cái gò hoang đó không còn thì những khái niệm kia vẫn còn. Nhưng về chỗ này thì đám dân làng không dễ gì mủi lòng để các vị đại diện nhà nước biến mồ mả tổ tiên thành những khái niệm, mà theo họ là thành những lời gió bay. Tưởng sao chứ thế thì ở đây không cần thứ văn minh ấy! Người đàn ông có giọng nói hơi to lại lĩnh xướng. Không khí dân chủ là hoàn toàn bị bãi bỏ. Có nghĩa chẳng còn ai ngồi để nói, cũng như chẳng còn ai ngồi để nghe. Phải biến khỏi đây trước khi xảy ra sự việc. Nàng rỉ tai tôi. Và tôi bỗng nghe bủn rủn  tay chân. Không phải là sợ xảy quyết đấu. Thứ sự việc mà cả tôi lẫn nàng đều lo sợ xảy ra là dân làng sẽ xin các nhà báo chính phủ cho biết ý kiến về ý kiến của các đại diện nhà nước. Tôi quýnh quáng kéo nàng tránh ra xa đám dân làng đang chen về phía trước, tức chen về phía các vị đại diện nhà nước. Bấy giờ mà người ta lên tiếng bảo cho ý kiến, chắc chúng tôi phải chết. Có lẽ các vị thánh thần ở vùng đất này thấu hiểu lòng trong trắng của chúng tôi nên đã ám đầu óc đám dân làng không còn nhớ đến hai anh chị nhà báo của chính phủ. Nhưng phải nói là nhờ mấy đám mây đen chợt ùn ùn kéo tới trên bầu trời trên đầu đám người hội nghị, và rớt hột ngay. Tất nhiên là mọi thứ trên đời phải gác lại để lo chạy tránh mưa.

Không có nhận xét nào: